Cái chết được báo trước của những dòng sông

Vietsciences- Nguyễn Thanh Lâm          13/01/2009

 

Những bài cùng tác giả

Nước là sự sống. Khi rô bốt Phoenix tìm thấy trên sao Hỏa một hạt nước đóng băng và cho bốc hơi trong lò nung thí nghiệm của tàu không gian, nhân loại hân hoan đón mừng hy vọng mới : Hy vọng sẽ có thêm một thế giới của sự sống. Trong khi đó, hai trăm đại biểu tham dự Tuần lễ Nước thế giới vừa diễn ra giữa tháng 8.2008 ở Stockholm đã khẩn thiết cảnh báo về hiểm họa thiếu nước sạch, thừa nghèo đói bệnh tật và xung đột chiến tranh trong tương lai.

Rất tiếc là dự báo này không hề có chút gì lãng mạn như những "dòng sông đã qua đời" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Không phải ngẫu nhiên mà Liên Hiệp Quốc đặt tên năm 2008 là Năm của Nước.

Nước sạch là thiên đàng. Nước bẩn là địa ngục. Có lẽ trận đại hồng thủy thời con thuyền sinh thái Noée trong Kinh thánh đã gạn đục khơi trong bằng sự nổi giận của nước. Cơn giận đã xuyên qua trùng trùng cái chết để tái lập lại sự sống sạch sẽ hơn.

Điều đó liệu có lặp lại trong thiên niên kỷ này chăng ? trong thế kỷ này chăng? và loài người đang phải làm gì trước khi "nước đến chân mới nhảy " ?

Nước - Báu vật của Tự nhiên

Trước khi bước vào không gian căng thẳng của đề tài chính,có lẽ sẽ không thừa nếu chúng ta dành ít phút để chiêm ngưỡng một giọt nước, một báu vật của vũ trụ, một vật chất kỳ diệu gìn giữ, nuôi sống và tạo nên tất cả. Nói như Thales von Milet (625 - 547 trước Công nguyên) : Nguyên lý của mọi vật là nước; từ nước mà ra tất cả và tất cả lại quay về với nước.

Nước thật kỳ diệu : Đó là vật chất cơ bản, duy nhất tồn tại dưới cả 3 dạng khí,rắn và lỏng,và chuyển hóa cho nhau. Chuyển hóa với trời đất và con người dưới tác động của nhiệt độ và những tác động phức hợp của động cơ vĩ đại là mặt trời.

Nước không mùi vị, trong suốt, để ánh sáng xuyên qua dễ dàng và tạo gấp khúc xạ. Xung động bề mặt 72mN/m ở 20 độ C, lớn nhất trong các loại chất lỏng (trừ ngọai lệ là kim loại lỏng thủy ngân) nên có thể nhỏ giọt nhẹ nhàng lãng mạn và thư thái vô ưu. Góc kết của phần tử Oxy va Hydro luôn là 104,45 độ.

Empedokles, rồi Aristoteles đã đặt Nước, Lửa, Khí và Đất làm nền tảng của Thuyết Tứ Trụ, tương tự như Lão Tử với Thuyết Ngũ Hành cũng gồm Thuỷ, Thổ, Kim, Mộc. Chữ hành ở đây nói lên sự chuyển hóa đa dạng của vật chất trong vũ trụ.

Nước biển bốc hơi do năng lượng mặt trời phủ xuống. Mây tích tụ hơi nước,gặp vùng lạnh thành mưa . Lại có vùng quá lạnh hóa thành núi băng vĩnh cửu. Nước mưa ngấm vào lòng đất, tụ thành những mạch nước ngầm. Nước mưa chảy vào vùng trũng và những dòng sông. Và sông đưa nước trở lại biển cả.

Cái quá trình tuần hoàn tuyệt vời ấy cũng là quá trình trao đổi chất về mặt sinh thái và sự sống của muôn loài.

Con người có thể chịu đói được nhiều ngày, nhưng không thể chịu khát quá ba ngày. Con lạc đã băng qua được sa mạc nhờ cái bao tử chứa khoảng 200 lit và sức tải nước uống của nó. Bản thân cơ thể còn người cũng là nước, chiếm hơn 60% trọng lượng. Các động vật cũng chứa nước trong máu, thịt của mình ít nhất 45.% và riêng con Qualle là 99%. Thật là lạ lùng.

Một câu hỏi lớn : Nước từ đâu ra ?

Chưa ai giải thích được hiện tượng trái đất có đến 71% bề mặt được phủ đầy nước, trong khi ngay cả ruột của hằng hà sa số các hành tinh khác hầu như không có dấu hiệu của nước. Nước đã trào lên theo dòng thạch nham của núi lửa từ thuở hồng hoang ? và khi một thiên thạch va vào trái đất cách đây 65 triệu năm? Ấy là một giả thuyết,nhưng sao lại nhiều nước biển đến như vậy ? Nguyên tố Oxy va Hydro đầy rẫy trong vũ trụ nhưng lại thường kết trong silicat như cát và trong các oxyd kim loại. Điển hình là trên Sao Hỏa, màu đỏ của nó chính là bề mặt phủ đầy oxyd sắt tam.

Đuôi một số Sao Chổi khổng lồ lại là đuôi tuyết bẩn. Vòng bọc Sao Thổ (Saturn) chứa một lượng nước đá gấp ba mươi lần nước địa cầu, nhưng Sao Thổ thì xa quá (cách trái đất khoảng 1,8 tỉ kilomet/một triệu lần đi từ Hà Nội đến Sài Gòn,mà lại là nơi có vận tốc gió thổi hơn 1.000 km/giờ). Một khi trái đất nầy tiêu tùng cũng khó di tản đến ẩn náu ở nơi đó được.

Nước- Tài nguyên, sự sống và hiểm họa

Trở lại với đề tài chính, rõ ràng là nhân loại đang phải đối đầu với tình trạng trái đất nóng dần lên. Những tảng băng khổng lồ ở Bắc và Nam Cực, ở Hy Mã Lạp Sơn tan ra làm nước biển dâng lên và gây ra lũ lụt. Tầng Ozon bị phá vỡ. Hiệu ứng nhà kính. Môi trường bị tàn phá... Mặt khác, sự biến đổi khí hậu đã đẩy mạnh quá trình sa mạc hoá (chỉ riêng miên Bắc Nigeria đã mất trắng 2.000 km2 mỗi năm !) và dự báo đến năm 2050, vùng hạn hán đe dọa thường xuyên ở Châu Phi sẽ tăng gấp năm lần diện tích bị hoang hoá hiện nay, do thiếu nước.

Thật ra, nước không thiếu, nhưng sự phân bố không đều và nguồn nước sinh hoạt và có thể uống được chỉ chiếm 3% .

Tổng lượng nước nằm khoảng 1.386 triệu km khối. 96,5% lượng nước này là nước biển (1.338 triệu km khối), chỉ có 48 triệu km3 (3,5%) là nước ngọt, và một nửa lượng nước ngọt hiếm hoi này lại nằm ở những núi băng, ở Băng đảo và ở hai cực của địa cầu (24,4 triệu km khối). Và như thế, phần còn lại càng thêm ngặt nghèo : mọi sông hồ trên trái đất chỉ chứa khoảng 190.000 km khối nước, bầu khí quyển chứa 13.000 km khối, nước trong màng phủ mặt hành tinh dày như vỏ trứng nếu thu nhỏ trái đất thành quả trứng gà (16.500 km khối) và trong muôn loài (1.100 km khối), nói theo thống kê cho đầy đủ.

Lượng nước uống được chỉ chiếm 1%. Và lọc nước biển thì vô cùng tốn kém tiền đầu tư ,năng lượng và giá thành rất đắt đỏ.

Nước, được mệnh danh là vàng xanh dương, vàng trắng của thế kỷ 21, quan trọng hơn cả dầu mỏ trong vai trò "chất bôi trơn" then chốt của kinh tế toàn cầu.

Còn hơn cả dầu mỏ ở chỗ : không có thứ thay thế cho nước.

Chính vì thế, Dominic Waughray, một chuyên gia cố vấn của Diễn đàn Kinh tế thế giới đã nói: Trong kinh doanh, nước không phải là thứ có thể sử dụng một cách tùy tiện,vì không có nước thì nền kinh tế toàn cầu này cũng lung lay.

Mức tiêu thụ nước toàn thế giới đã tăng gấp đôi mỗi 20 năm,và Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs gọi đó là "tỷ lệ tăng trưởng không thể chịu đựng nổi". So với năm 1940,tổng dân số trên hành tinh đã tăng gấp 3 sau khoảng 70 năm,và tổng lượng nước sử dụng (mà ít được quan tâm tái tạo) đã tăng gấp 5 lần.

Để làm ra 1 triệu kW điện ,người ta cần 1 tỉ m3 nước . Với điện nguyên tử , 1 ,6 tỉ m3 cho cùng công suất ấy. Để có một tấn thép, các nhà máy luyện kim sử dụng 20 m3 nước. Một tấn tơ nhân tạo cần 4.000 m3 nước . Một ký gạo cũng cần 2 .-5.000 lít nước. Chiếc áo bạn đang mặc là 2.700 lít nước của những cánh đồng bông vải. Một ký thịt bò phi lê cũng đến từ 16.000 lít nước. Ông Tony Allan, người đoạt giải nghiên cứu về nước tại Hội nghị Stockholm ngày 27/8/2008 đã tính ra cả lượng "nước ảo " gồm mọi khâu gieo trồng ,tưới tiêu, vận chuyển, rang xay chế biến của một tách cà phê là 140 lít nước. 69 % lượng nước ngọt đã phục vụ nông nghiệp một cách vô tội vạ, thậm chí ngoài tầm kiểm soát (ở các nước nghèo, con số này có thể lên đến 90 %).

Một phần ba lượng nước đã sử dụng do bị nhuốm bẩn, không còn đạt chất lượng trước đó của đầu vào. Phân bón hoá học và thuốc trừ sâu đã theo nước vào hạt gạo, lúa mì, rau quả và dòng nước ngầm. Cách khai thác ào ào theo phong trào và nhu cầu hỗn loạn đã làm mực nước ngầm giảm cả thước, có nơi cả chục thước mỗi năm. Sự cạn kiệt nầy dẫn đến hậu quả kinh tế xã hội và cả xung đột có thể châm ngòi chiến tranh, vì nước ngọt chẳng hề dừng ở biên giới mọi quốc gia, như Israel và Syria đã giao tranh trong những năm 1962 -64

Sự tỉnh táo của chính trị có thể lái xung đột thành hợp tác chiến thuật hay chiến lược, như Ấn độ và Pakistan vẫn cùng chăm lo những dòng sông và nguồn nước ở Kashmir, và nhất là dòng sông Indus huyết mạch .

Hiện nay, khoảng 1,1 tỉ người thiếu nước sinh hoạt . Cảnh phụ nữ đội các bình nước đi bộ hàng cây số lấy nước không chị xảy ra ở châu Phi.

2 ,6 tỉ người chưa có toa lét hợp vệ sinh. Năm triệu người mỗi năm, phần lớn là trẻ em, vì thế phải chết vì bệnh tật đến từ nguồn nước ô nhiễm, chưa mầm dịch bệnh tiêu chảy, sốt rét và sốt xuất huyết ....

Mọi dòng sông quan trọng đều đã bị nhiễm bẩn ngày càng nhiều. Dòng sông Hằng linh thiêng của Ấn độ sẽ chết, và cùng chết theo là truyền thống ngàn năm tẩy rửa linh hồn tại dòng sông Mẹ Ganga này vào mỗi đầu năm mới của người Ấn độ giáo (Ardh Kumbh Mela ). Sông Nil thơ mộng và vĩ đại, sông Euphrat và Tigris huyền thoại, ông Jordan kỳ diệu ... không còn như xưa nữa. Cả sông Mẹ Mekong cũng sẽ đối mặt với hàng chục đập thuỷ điện cực lớn và ô nhiễm ở thượng nguồn.

Dòng sông Yatush chảy qua vùng núi Altai (Trung Quốc và Mộng Cổ ) trôi vào Nga dưới tên gọi Amur đã bị bẩn từ thượng nguồn. 90 % các con sông gần các khu vực đô thị ở Trung Quốc đã bị ô nhiễm nặng, và rồi đây ,vào năm 2050 ,khi có khoảng 4 ,4 tỉ người (hơn một nửa tổng dân số 8 tỉ người trên hành tinh ) sống ở đô thị, đặc biệt là tại 25 thành phố siêu lớn với số dân vượt 10 triệu người, sẽ đối mặt với nguy cơ khủng hoảng nước uống và nước sinh hoạt .

Ngay cả London hiện nay, mức thất thoát nước thủy cục đã chiếm khoảng 30 % giống như ở Sài gòn, Hà nội ... vi hệ thống phân phối nước từ thời nữ hoàng Victoria không được duy tu đúng mức .

Thêm vào đó, 45 .000 đập thuỷ điện cỡ lớn cũng đang là vấn đề , vì sự chỉnh trị các dòng sông đã đem đến các hậu quả nghiêm trọng, nhất là ở hạ nguồn .

Hiện nay, nguồn thuỷ điện toàn cầu chiếm khoảng 18 % (ở nước ta : gần 40 %) tổng số điện năng .

Giữa lòng châu Á, hồ Aral vĩ đại đã từng là nguồn chứa nước ngọt lớn thứ 4 của trái đất, đã mất 50 % diện tích mặt nước và 75 % lượng nước so với thời điểm 1960. Liên hiệp quốc xem đây là thảm họa môi trường lớn nhất thế kỷ 20 do con người gây ra, sau khi hai dòng nước lớn nhất đổ vào hồ Aral là Amudarja và Syrdarja đã bị bẻ dòng để làm thủy lợi (và kết quả là thủy hại trăm bề và 40 % lượng nước thủy lợi nói chung, thường không được sử dụng đúng mục tiêu như dự kiến ). 20 loài của tổng số 24 loài cá chính của Aral tuyệt chủng .

Trung Quốc cũng có kế hoạch nắn lại sông Hoàng Hà (dài 5 .000km ) và sông Dương Tử nhưng họ phải cân nhắc về chi phí quá lớn cũng như những ảnh hưởng môi trường sinh thái. Hướng về tương lai, nhưng nhìn lại quá khứ để rút kinh nghiệm là điều rất nên làm, đặc biệt với Nước.

Nạn phá rừng cũng là một nguyên nhân làm đất không giữ và trữ được nước vì thiếu cây, cỏ, lau lách ... rồi lại bị xâm thực bởi chính nước và gió (mỗi năm có thể mất khoảng 1,5 triệu héc ta đất trồng trọt ).

Đề xuất "more crop per drop " (tạm dịch là "gặt hái nhiều hơn từ mỗi giọt nước ") là một hướng phát triển của mọi ngành kinh tế, nhất là trong nông nghiệp và công nghiệp .

Hệ quả sử dụng nước và đất cho cây phục vụ nhiên liệu sinh học ,cũng như kỹ thuật cấy gen, phải được cân nhắc cẩn trọng .

Tất cả như đang xoay quanh cái quyền mà Solon, và Platon, và cả Marcus Tullius Cicero của Đế chế La Mã đã nêu ra, và đã được triển khai từ cuối thế kỷ 19 mới đây: Quyền của mọi người dân ở bất cứ nơi đâu đều được nhà nước tạo cơ hội tiếp cận với nước sinh hoạt hợp vệ sinh .

+

Đề tài nước căng thẳng quá phải không các bạn ? Một lúc khác tôi sẽ nói đến 27.000 dòng sông lớn nhỏ của Việt Nam quê hương ta. Và để thay lời tạm kết, xin chép tặng ở đây một câu thơ của thi sĩ trung niên Bùi Giáng, ca ngợi báu vật trời cho ấy, một báu vật xứng đáng nằm ở trung tâm mọi quy hoạch và suy nghĩ của con người : sẽ huy hoàng như một giọt sương mai .

Tháng 9 .2008

©  http://vietsciences.free.frr  và http://vietsciences.org    Nguyễn Thanh Lâm