I - TỪ XÃ HỘI HÓA ĐẾN GIÁO DỤC
1 - Vai trò giáo dục của thần thoại và các
thi sĩ
Như ở mọi nơi khác, công việc giáo dục thời
xa xưa nhất ở Hy Lạp được thực hiện trong một khuôn khổ rộng lớn hơn gọi là
xã hội hoá. Đây là quá trình qua đó một đứa trẻ tiếp thu cách suy
nghĩ, cảm nhận, hành xử, sinh hoạt… của ông cha và kẻ xung quanh, để trở
thành người Hy Lạp trọn vẹn.
Do quá trình này xưa được thực hiện đầu tiên
và chủ yếu thông qua thần thoại và huyền sử trước khi được tiếp nối bởi lịch
sử, phong tục, tập quán, … đời sau cho rằng những nhà giáo dục Hy Lạp đầu
tiên là các thi sĩ mà Hesiod và Homer chỉ là những người nổi tiếng nhất, chứ
không phải là độc nhất (ngoài họ ra, ít nhất phải kể đến các thi sĩ của bộ
Sử thi thành Thebes và bộ Sử thi thành Troy).
Họ là những kẻ đã ghi lại và truyền bá bao mẩu chuyện truyền khẩu về các vị
thần được xem là thủy tổ của loài người nói chung (Gaia – Uranus) và của tộc
người Hy Lạp nói riêng (Hellen, Hellas =).
Sự xã hội hóa này trải qua hai bước quyết
định. Bước thứ nhất là khi thần thoại và huyền sử truyền khẩu được các thi
sĩ định hình trong trước tác của họ (tk thứ VIII – tk thứ VII). Bước thứ hai
là khi mọi khách du từ 4 phương đến Athens đều được yêu cầu đọc lại những
phiên bản thần thoại mà họ biết và còn nhớ cho giới thư lại tại chỗ ghi
chép, nhằm bước đầu chuẩn hóa dưới thời bá vương của Peisistratus và các con
(560-508).
2 –
Chính sách giáo dục của Athens thời quý tộc
Sau đó, một nền giáo dục theo nghĩa chính xác hơn (paideia, do
pais, sn paidos = trẻ con + vị ngữ -ia =..., nói chung có
nghĩa là sự dưỡng dục con trẻ cho nên người) bắt đầu được phổ biến dưới chế
độ đại tộc, khi nhu cầu gìn giữ đất đai, tài sản của mình buộc giới quý tộc
Athens phải cố gắng đào tạo ra những kẻ nối dõi xứng đáng.
Về cứu cánh, thứ giáo dục này được xây dựng trên lý tưởng mà
giới quý tộc Athens thường dùng khi nói về bản
thân họ, đấy là Kalokagathia (do
Kalos kagathos, viết tắt của Kalos kai Agathos = Đẹp đẽ và
Phẩm hạnh),
đồng thời trên ý niệm người
Hy Lạp gọi là aretê.
Có thể tóm
tắt Kalokagathia như thứ lý tưởng hiệp sĩ của một nhân cách toàn vẹn,
«tâm hồn và thân xác đồng điệu, ngay thẳng trong chiến đấu và ngôn từ,
hành động phù hợp với lời hát».
Bởi vì người Hy Lạp thời quý tộc luôn
tin rằng cái đẹp bề ngoài biểu thị cái đẹp bên
trong. Còn aretê
thì chỉ sự hoàn hảo
trong chức năng được xem là mục đích của một sự
vật hoặc cơ quan nào đó. Chẳng hạn: aretê của cái kéo là sự cắt xẻ;
của mắt là sự nhìn thấy. Áp dụng cho con người,
aretê chỉ tập hợp những phẩm chất tốt đẹp nhất của con
người, sự hoàn hảo trong tính người, hay con người lý tưởng – cụ thể
ở đây là những đức tính quý
tộc như ý thức trách nhiệm, ý thức danh dự, sự cường tráng, lòng dũng cảm,
quyền uy và năng lực điều khiển. Nói kiểu Homer
xưa, đó là cái khả năng «lấy
đôi tay giữ cái đầu tỉnh táo trước mọi kẻ thù, quái thú, nguy nan đủ loại,
và cuối cùng chiến thắng tất cả».
Để đạt đến cứu cánh trên, một nền
giáo dục cơ bản chỉ dành
riêng cho trẻ em nam lành
mạnh khoảng từ 7 tuổi được giao
cho thế hệ cha anh: trong
khuôn khổ một thứ tình bạn rắn rỏi, thiếu niên con nhà quyền
quý (gọi là eromenos) được uốn nắn
theo loại phẩm hạnh quý tộc,
dưới sự chăn dắt hay hướng
dẫn của một đàn anh cao tuổi hơn (gọi là erastês).
Ở loại trường lớp phôi thai này, paideia
không nhằm trao truyền một nghề hay một kỹ năng (banausos, sn
banausoi – bị chê là máy móc, tầm thường) cho đứa trẻ, mà nhằm giáo huấn
nó về thể dục (gymnastikê) và văn hoá (mousikê, hiểu theo
nghĩa rộng, bao gồm cả ngôn ngữ tự nhiên lẫn nhiều thứ ngôn ngữ biểu tượng
khác hơn là âm nhạc theo nghĩa hẹp
– xem từ moũsai). Như vậy,
nội dung trọn vẹn của thứ paideia thời
đó (nay còn dấu vết trong
từ encyclopedia = bách khoa, do enkyklios = vòng tròn,
toàn vẹn + paideia) luôn luôn được thực thi
trong khuôn khổ truyền thống gọi là sunousia (tiền tố sun- có
nghĩa là «chung với» = together with;
sunousia chỉ sự kết
hợp, cộng tác, cùng làm).
Trong suốt quy trình giáo dục, qua sự cọ sát thực tế với
các vấn đề hệ trọng của thành quốc, bậc cha anh sẽ từ thần thoại và sử thi
mà nêu lên loại gương sáng trong quá khứ có khả năng giúp các thế hệ con em
mở mang tâm trí.
Đến 18 tuổi, mọi thanh niên
đều phải tham dự vào thời kỳ quân huấn do nhà nước quản lý
gọi là ephebeia, bắt đầu bằng một biện pháp khai tâm tôn giáo: lớp
công dân dự bị này được hướng dẫn hành hương tại các đền thờ của thành quốc.
Sau thời kỳ tập luyện quân sự, các epheboi (sn của ephebos, kẻ
đã trải qua khóa quân huấn) sẽ tuyên thệ trung thành với thành quốc, nhận
lãnh vũ khí như một hoplite (hoplítês, sn hoplitai = bộ
binh), rồi được phân phối cho các trại quân trong khắp vùng Attica để làm
nghĩa vụ quân sự và dân sự (xây thành lũy, làm đường sá, cầu cống, v. v...).
Chỉ sau thời kỳ ephebeia nói trên, họ mới được xem là công dân trọn
vẹn (epitimoi, kẻ có tất cả mọi quyền công dân: sở hữu nô lệ, đất
đai, có người thừa kế, tham dự các nghi lễ tôn giáo, và tham gia vào các
định chế chính trị theo điều kiện hiến định); ngược lại, họ phải luôn luôn
sẵn sàng bị động viên (cho đến tuổi 60, theo một số tài liệu).
Ngoài hai thời kỳ giáo dục nói
trên, căn cứ vào sự kiện là các triết gia lớn
«trước
Socrates»
(thế kỷ thứ VI) đều có một số đệ tử, và ngay cả vào những
giai thoại về các cuộc gặp gỡ của Socrates với Xenophon
và với Plato
(thế kỷ thứ V), đời sau có thể phỏng đoán rằng truyền thống quý tộc ở Athens
còn để chỗ cho một hình thức giáo dục không chính thức khác, dựa trên mô
hình «tầm
sư học đạo»
hay «tâm
truyền cho kẻ có căn cơ», và chỉ bị giới hạn
bởi tài sản hay ý chí học hỏi của giới thanh niên quý tộc cầu tiến.
3 - So sánh với chính sách giáo
dục của Sparta
Dù sao, bất kể nó là
hồi ức hay tàn tích của một thời khói lửa xa xưa hơn,
nền
giáo dục quý tộc này ở Athens vẫn còn là mềm, so với
thứ
giáo dục hoàn toàn hướng về chiến tranh của
chính quyền đại tộc
Sparta,
nơi mà mọi thiết chế đều nhằm vào mục đích duy nhất là chuẩn bị cho cuộc
chiến tranh tự vệ chống mọi kẻ thù của thành quốc.
Ở
Sparta, điều kiện cho thiếu niên cả
nam lẫn nữ để trở thành công dân thành quốc là
vô cùng khắt khe (khác với Athens, ở đây
con gái cũng được huấn luyện quân sự, nhưng ít nặng nề hơn):
– Đầu tiên,
đứa trẻ sơ sinh phải được toàn vẹn và mạnh khoẻ; những đứa èo uột hay khuyết
tật sẽ bị vất xuống khe Apothetai (kho chứa) trong núi Taygetos
(nguồn tin này của Plutarch nay bị ngờ vực, bởi vì các nhà khảo cổ đời sau
không hề tìm thấy xương trẻ con ở đây).
– Từ
7 đến 20 tuổi,
trải qua hệ thống huấn luyện agôgê
: sống chung với lứa
trẻ cùng tuổi,
ngoài sự chăm sóc của bố mẹ;
ăn uống, ngủ nghê trong điều kiện cực kỳ kham khổ; tham gia
vào các cuộc đọ sức
chịu đựng; cuối cùng,
trải qua thử thách chiến đấu để sống
còn trong những điều kiện
nguy nan nhất gọi là krypteia
(có thể bao gồm cả việc phải săn đuổi và giết được một nô lệ
helot
chạy trốn hay nổi loạn);
– Khoảng 20 tuổi,
trở thành thành viên của một
syssitia (nhóm 15 thanh niên ăn uống, sinh hoạt chung để tập sống liên
đới với nhau);
– Sở hữu một
mảnh đất (kleros) đủ để có thể trả phí tổn cho các bữa ăn tập thể
(đất đai thuộc sở hữu của nhà nước, mỗi công dân nhận được một lô đất bằng
nhau song không thể chuyển nhượng hay cầm cố, lô đất được giao cho nô lệ
cũng thuộc sở hữu của nhà nước canh tác, hoa mầu được chia
cho chủ lô >đất
và nô lệ, chủ đất có thể nuôi gia đình
nhưng không thể bán làm giàu).
Như vậy, người Sparta chỉ có đầy đủ
quyền công dân vào khoảng 30 tuổi,
và
quyền
này
có thể
bị
tước bỏ nếu cư xử hèn hạ (tresantes
= run rẩy) ngoài mặt trận. Và họ chỉ hết nghĩa vụ quân sự (nghĩa
là không còn có thể bị động
viên) vào khoảng 60 tuổi.
II –
CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ
Đời
sống của người dân Athens
bị bẻ ngoặt sang một hướng khác trong thế kỷ thứ VI, với sự thiết lập chế độ
dân chủ thông qua hai bản hiến pháp của Solon (594) và của Cleisthenes (507).
Mặc dù giữa hai bản hiến pháp này, chế độ dân chủ đã bị gián đoạn bởi 53 năm
bá vương của Peisistratus
(560-507), song chế độ
phi hiến sau thực ra cũng
thuận lợi cho con đường dân chủ hóa thành quốc,
bởi vì
để giữ
chính
quyền, Peisistratus và các con
cũng phải tìm mọi cách làm suy giảm quyền lực của giai cấp quý tộc.
Bằng sự lập ra các thiết chế mới như Hội đồng Đại biểu Thành quốc (Boulê)
và một hệ thống tòa án (dikasteria) mở rộng quyền tố tụng và quyền
được xét xử cho mọi công dân, song song với việc thay đổi cách vận hành của
những định chế cai trị cũ, Solon đã đặt chính quyền vào tay các tầng lớp xã
hội phi quý tộc. Nhưng về giáo dục, tầm cải cách của ông chỉ giới hạn vào
việc gỡ bỏ thành kiến đối với các nghề (i),
và
khuyến khích mỗi gia đình nghèo phải dạy cho con cái một kỹ năng. Chính
những cải tổ của Cleisthenes về sau mới thổi vào các định chế quyền lực của
Athens ngọn gió «bình đẳng» thực sự: bình đẳng trước pháp luật
(isonomia), về quyền hành (isokrateia), về
lời nói (isogoria). Kết hợp với khía cạnh cuối của quyền bình
đẳng này, thói quen và nhiệt tình bàn luận về mọi vấn đề của thành quốc vốn
có sẵn ở người dân Athens (nhờ không phải bận tâm về sản xuất vì đã có nô lệ
lo, và về việc nhà vì đã có đàn bà lo), đã mau chóng tạo nên một không khí
tự do ngôn luận chưa hề có ở bất cứ nơi nào khác.
Trong lịch sử, lĩnh tụ dân chủ uy
tín nhất của Athens là Periklès. Và kẻ đã giữ vị thế áp đảo trong chính
quyền gần như liên tục suốt 30 năm (461-429) này đã ca ngợi chế độ dân chủ
của thành quốc như sau:
«Hiến pháp của ta không mô
phỏng luật lệ của các xứ láng giềng; chúng ta là mẫu mực để nơi khác noi
theo hơn là kẻ đi bắt chước. Chính quyền của ta gọi là dân chủ, bởi vì thành
quốc không phải do một thiểu số mà do đa số
[công dân] cai trị. Về
luật pháp, nó mang lại phần công lý bằng nhau cho mọi người trong những
tranh chấp riêng tư; về địa vị xã hội, sự thăng tiến trong việc công tùy
thuộc tiếng tăm về khả năng, phân biệt giai cấp không được phép xen lẫn vào
sự thẩm định công trạng; sự nghèo khó cũng không được phép cản đường
tiến thân của bất cứ ai, hễ ai có khả năng phục vụ nhà nước thì điều kiện
tăm tối của đương sự không hề là một trở ngại» ... «Tóm lại,
tôi nói rằng, như một thành quốc, chúng ta là trường học của toàn thể Hy
Lạp».
Đoạn văn này nhấn mạnh trên
cách vận hành của chế độ. Nó cho ta thấy một khía cạnh nữa trong nền dân chủ
ở đây: đó là sự bình đẳng về cơ hội, sau được nhà xã hội học
Alexis de Tocqueville (1805-1859) xem là một trong những ý tưởng mấu chốt
của nền dân chủ hiện đại ở Hoa Kỳ. Và trên thực tế, đam mê bình đẳng này đã
đẩy những cải cách hành chính xa đến mức mọi chức vụ quan trọng của Athens
về sau đều do bốc thăm, trừ vai trò tư lệnh quân đội (strategos, sn
strategoi), vô tình đặt lên tương lai của thành quốc một thứ chủ
nghĩa bình quân trước số phận, với những hậu quả nói chung là tai hại về
lâu về dài.
Chế độ dân chủ này ảnh hưởng
như thế nào trên đời sống tinh thần nói chung, và trên sinh hoạt giáo dục
nói riêng ở Athens?
III – TRÀO LƯU DU GIÁO
Trước hết, nó đã lôi triết học
từ thế giới tự nhiên về thế giới con người, từ các thiên thể và vật thể trở
lại trung tâm thành quốc.
Từ khoảng giữa thế kỷ thứ V,
xuất hiện ở rất nhiều nơi, một trào lưu triết lý mới.
Một mặt, bi quan trước những kết luận bất đồng, thậm chí đôi khi trái ngược
của các nhà tư tưởng đi trước về căn nguyên của thế giới hiện tượng (vật thể
đến từ đâu?, được cấu tạo từ chất thể gì?), hay về thực thể (cái gì là tồn
tại thực sự?), và chuyển động (phải giải thích sự đa tạp và biến chuyển của
vạn vật trong thế giới hiện tượng như thế nào?), lớp triết gia này cho
rằng chân lý khách quan là một ảo tưởng không bao
giờ có thể đạt tới được. Đối với Protagoras,
«con
người là thước đo của vạn vật»
(xem thêm ở đoạn III.1 bên dưới).
Tương tự, Gorgias cho rằng: 1) không có thực hữu, 2) nếu có đi
nữa, nó cũng không thể được biết, 3) mà nếu có thể biết được đi nữa,
nó cũng không thể được diễn đạt bằng ngôn từ (xem thêm ở đoạn III.3 bên
dưới). Vì vậy, từ nay họ lấy ngôn ngữ, chính trị, luật pháp, đạo lý...
–
nói chung là mọi vấn đề liên quan đến con người – làm đối tượng của tư duy.
Mặt khác, vì đi giảng dạy khắp nơi
trên đất Hy Lạp, lớp triết gia mới này cũng có ý thức rất sâu sắc về tính
tương đối của loại sự vật (luật pháp, luân lý) mà họ lấy làm đối tượng để tư
duy và trao truyền.
Do điều kiện ở Athens được xem
là thích hợp nhất, hứa hẹn nhất cho sự thi thố tài năng của họ, nhiều triết
gia thuộc khuynh hướng này về sau đều không hẹn mà cùng đổ về Athens: sự
tiến hóa của xã hội dân chủ ở đây đòi hỏi người công dân phải có những hiểu
biết nằm ngoài loại đức tính quý tộc. Và các
triết gia thuộc trào lưu này tự hào:
1) sở hữu thứ
tri thức
thiết yếu đó; 2) đồng
thời có thể trao truyền chúng cho bất cứ ai.
Họ được gọi là những
sophistai
(sn của
sophistês
= tựa như viết wis(e)-ist trong tiếng Anh); từ
sophistês
này xuất phát
từ sophia,
nghĩa là hiểu biết (wisdom),
phải được hiểu là người làm việc với tri thức hay kẻ dùng hiểu biết của mình
làm kế sinh nhai, khác với sophós là người hiểu biết (wise
man). Đấy đúng là điều các triết
gia này làm: trao truyền tri thức của mình đổi lấy thù lao; và trong nghĩa
này, họ chính là những thầy giáo chuyên nghiệp đầu tiên.
Dù sao, chính nhờ trào lưu sophistai này mà hệ
thống giáo dục truyền thống từ nay có thêm một cấp học thuộc bậc cao đẳng (higher
education), với một chương trình có phần văn hóa được mở rộng rất nhiều
so với thời quý tộc; nó bao gồm nhiều bộ môn, từ ngôn ngữ học và các môn học
phụ thuộc (hùng biện, từ nguyên, bút pháp), sang thơ văn, âm nhạc, đến luật
pháp, chính trị, lịch sử, và ngay cả các bộ môn khoa học như toán học, luận
lý, thiên văn, vật lý, sinh học – nói tóm lại, họ nhận dạy tất cả những gì
mà người đương thời có thể xem là tri thức. Và chính vì sự đa tạp này mà đời
sau, tuy có thể phân chia họ thành nhiều nhóm, vẫn không thể xem các khuynh
hướng sophistai như tập hợp thành một trường phái triết học nhất
quán.
Khắp nơi, sự thành công của các nhà du giáo đối với giới
trẻ thuộc thành phần quý tộc là không thể chối cãi, như bài biện vu trước
toà của Socrates cho thấy.
Nhưng ở Athens, kết quả này cũng gây ra nhiều phản ứng. Một mặt, nó khiến
các thành phần khác trong xã hội băn khoăn (sự triển khai các môn học trí
tuệ, chưa biết giá trị đến đâu, sẽ làm cho thành quốc yếu thế hơn trong cuộc
chiến bá quyền với Sparta chăng?) hay lo âu (vì việc mở trường lớp đang phá
đổ truyền thống sunousia, và uy tín của họ đang lật đổ uy quyền của
các bậc cha anh ở Athens) trước đường lối giáo dục mới (như ta có thể thấy
trong kịch của Aristophanes
và những tràng cười đồng lõa ở khán giả của hài kịch The Clouds).
Mặt khác, nó vấp phải sự chống đối của Socrates và nhóm triết gia quây quần
quanh Ông, quyết liệt nhất là Plato (người đã tạo ra đối kháng
philosophos – sophistês trong lịch sử triết học). Thực ra, quan
hệ giữa Socrates với giới sophistai là
khá phức tạp: từ thời đó (Aristophanes) và ngay cả ngày nay (W. K. C.
Guthrie, History of Greek Philosophy), không ít người vẫn xem
triết lý của Socrates như chỉ là một xu hướng khác trong trào lưu
sophistai không hơn không kém.
Triết lý của Socrates là đối lập với hay chỉ là một phần
của trào lưu triết gia du giáo? Để trả lời câu hỏi này, cần phải nhìn qua
các khuynh hướng sophistai
từ giữa thế kỷ thứ V đến giữa thế kỷ thứ IV,
mặc dù đây thật ra cũng chỉ là một cuộc cưỡi ngựa xem hoa mà thôi, vì trong
mỗi xu hướng du giáo, ta sẽ chỉ ghé thăm một tác
giả. Tuy nhiên, qua việc tìm hiểu, dù sơ lược phần tư tưởng của họ,
ta vẫn có thể đoán biết khá chính xác nội dung của chương trình học do họ đề
xuất, cũng như không khí văn hóa chính trị bao quanh các lớp học đương
thời.
1 – Protagoras xứ Abdera
Xu hướng đầu tiên xuất hiện vào khoảng
447, và có thể được gọi là nhóm «du
giáo văn hóa (sophistry of culture)»,
do ý muốn truyền dạy những gì thiết yếu nhất để thành đạt trong nền văn hóa
mới của lối sống dân chủ. Đại biểu nổi tiếng nhất của nó là Protagoras
xứ Abdera (Thrace).
Protagoras không chỉ là nhà dân chủ kiên định và có quan
hệ gắn bó với Perikles; ông còn là một lý thuyết gia độc đáo về dân chủ. Như
nhà giáo, Protagoras không bàn về «Chân
lý (Alêthéia)»
hay «Hiểu
biết (Sophia)»
mà chỉ nói về «phẩm
hạnh» hay sự
«hoàn hảo»
(aretê) trong đời sống xã hội,
không thuyết giảng về vũ trụ mà chỉ chăm truyền bá loại kỹ năng sống tập
thể, nghĩa là ông chỉ nhằm «đào
tạo ra những công dân tốt».
Để hoàn tất nhiệm vụ giảng dạy, Protagoras chủ yếu
dựa trên ngôn ngữ và các môn học phụ thuộc, kể cả các bộ sử thi: theo ông,
Homer, Hesiod, Simonides... chính là lớp sophistai đầu tiên, chỉ khác
là họ đã phải tự ngụy trang để tránh phải đương đầu với quyền thế và đám
đông, trong khi nay ông có thể phát biểu và giảng dạy công khai.
Kết nối với thần thoại, Protagoras nhắc
lại thời phát sinh của loài người. Khi tạo ra muôn loài, Zeus giao cho hai
anh em thần Prometheus và Epimetheus nhiệm vụ ban phát cho mỗi loài động vật
thứ năng lực và lợi thế tự nhiên cần thiết
để «không loài nào phải
bị diệt vong».
Epimethus giành anh làm, song do bất cẩn, đem ban phát hết cho muôn loài dã
thú; đến lượt con người thì chẳng còn gì trong kho vũ khí tính năng dự trữ.
Đến kiểm tra, Prometheus hoảng hốt, bèn trở lên đỉnh Olympus đánh cắp lửa và
nghệ thuật tôi rèn của thần Hephaestus, cùng với những thứ nghệ thuật khác
của nữ thần Athena, rồi bất chấp hình phạt nặng nề chắc chắn sẽ đến của
Zeus, đem xuống cho loài người. Nhưng dù có lửa và biết tự chế tạo ra vũ khí
để kiếm ăn và tự vệ, con người vẫn bị đe dọa tiêu vong trước nhiều sinh vật
và hiểm nghèo tự nhiên khác, do không thể xây dựng được đời sống cộng đồng,
vì hễ cứ họp lại với nhau là sinh sự, gây tổn thương cho nhau. Thấy vậy,
Zeus bèn sai thần Hermes đem xuống cho loài người hai món quà tinh thần
khác, với mệnh lệnh là: 1) phải chia đều cho tất cả mọi người, nghĩa là
ai cũng phải có phần; 2) phải giết hết kẻ nào không có khả năng tiếp
nhận chúng.
Hai món quà này mang tên là dikê và aídós.
Dikê luôn được dịch là công lý hay công chính (justice); trong
khi tùy người dịch, aídós thường được chuyển ngữ ra là sự tôn trọng (reverence
= respect) hay sự xấu hổ (sense of decency, shame =
pudeur, honte); ta có thể hiểu nó như một thứ ý thức có mặt
tích cực là sự tôn trọng (tôn trọng bản thân, người khác, điều tốt đẹp), và
mặt tiêu cực là sự hổ thẹn (khi mất tự trọng, mất sự tôn trọng của kẻ khác,
khi làm điều xấu xa). Dikê là quy chiếu về khả năng thiết lập những
quy tắc và tuân thủ những quy phạm được lập ra trong đời sống tập thể.
Aídós là quy chiếu về hình ảnh của ta trong mắt ta, về sự quan tâm đến
hình ảnh của ta trong mắt kẻ khác; nó được dùng để xây dựng quan hệ giữa
những cá nhân thành viên của một cộng đồng. Nhờ chúng, con người mới bắt đầu
xây dựng được các thành quốc lớn nhỏ; nói cách khác, chúng chính là
điều kiện khả tồn hay khả hữu (conditions of possibility) của đời
sống cộng đồng, và do thành quốc là polis, ta có thể gọi nó là
politikê tekhnê (nghệ thuật hay phẩm hạnh chính trị, hệ quả tổng hợp
của chúng), và xem bộ đôi dikê – aídós
song sinh đó như những dữ kiện «bẩm
sinh», theo nghĩa
chúng đã có mặt và được bảo đảm cho tất cả mọi người ngay từ buổi bình minh
của nhân loại, nên đều có bản chất linh thiêng, phổ quát và vĩnh hằng.
Protagoras xứ Abdera (khoảng 492-420)
Huyền thoại của Protagoras ở trên còn dẫn
đến một hệ quả khác nữa. Do con người ai cũng phải có phần dikê và
aídós như nhau và bằng nhau, chế độ duy nhất biểu thị mệnh lệnh thần
linh và nguyên lý nhân bản này chính là thể chế dân chủ – bởi vì hiển nhiên
là từ sự bình đẳng trên nguyên tắc này (sự sở hữu phần ý thức công lý
và ý thức tôn trọng, như nhau và bằng nhau), ai cũng có quyền
tham gia điều hành thành quốc, bởi vì ai cũng có khả năng thi thố nghệ thuật
chính trị. Như vậy, Protagoras đã không biện chính cho chế độ dân chủ bằng
cách nói tại sao ta phải thiết lập nó như ở nhiều tác giả đời sau, mà vạch
ra rằng nó tồn tại ngay từ thời điểm xuất hiện của loài người. Đây không
phải là cái-phải-có mà ta phải làm mọi cách để thực hiện; đây là cái-đã-có
mà ta phải bảo tồn và phát huy.
Tất nhiên,
trong tư cách nhà giáo lưu động, Protagoras có thừa kinh nghiệm về sự
khác biệt giữa các hệ thống luật pháp và luân lý ở những thành quốc khác
nhau, cũng như sự bất bình đẳng về năng lực thực thi quyền dân chủ ở mỗi
công dân trong hiện thực. Bởi vì thật ra «huyền
thoại của Protagoras»
chỉ là một biểu văn (discourse = discours) về hai điều kiện
tồn hữu của chế độ dân chủ mà thôi. Một mặt, dikê và áidos
không kết hợp thành một bộ những luật lệ đã được thiết định sẵn, mà chỉ là
hai điều kiện về khả năng sáng tạo, tiếp nhận và sử dụng những quy phạm
thiết yếu, song song với những quan hệ hữu ích cho đời sống xã hội. Mặt
khác, dikê và áidos cũng đồng thời là điều kiện về khả năng
tiến hóa của những quy phạm và quan hệ xã hội đó: bất cứ công dân nào, ở bất
cứ thời điểm lịch sử nào, cũng có quyền đề nghị thay đổi một luật lệ đã có,
với điều kiện là đề nghị này phù hợp với ý thức công lý và ý
thức tôn trọng sơ khởi. Làm thế nào để mỗi thành quốc xây dựng được các
bộ luật ngày càng tốt đẹp hơn? Làm thế nào để mỗi công dân có khả năng lấy
những quyết định chính trị ngày càng khôn ngoan hơn? Đấy là vai trò của
giáo dục.
Với Protagoras, giáo dục chính là cột
xương sống của chế độ dân chủ, và nói giáo dục tức là nói công dân giáo dục.
Bởi vì nếu ông tự hào là thầy dạy nghệ thuật chính trị, thứ politikê
tekhnê của ông không nhằm đào tạo ra các nhà lãnh đạo, mà nhằm đào
tạo ra những công dân có khả năng thực thi vai trò công dân của mình, ở
bất cứ thành quốc dân chủ nào. Khác với nhiều nhà du giáo khác, ông không đề
nghị ngay một chương trình học tập mà dạy theo yêu cầu của học viên, cụ thể
là dạy cái mà họ cần và tìm đến ông để học: nghệ thuật đạt tới một quyết
định đúng trong việc riêng cũng như việc công, bằng ngôn từ và hành động –
cái mang tên là euboulía
–, mà không quay lưng lại với nền giáo dục truyền thống.
Protagoras đặt nền móng của chương trình
học nơi ngôn ngữ, bởi vì nó được dùng để truyền đạt mọi luật lệ và giá trị,
bởi vì nó tác động lên đời sống của mọi công dân, bởi vì nó là phương tiện
quyết định hơn kém trong các định chế chính trị dân chủ (Ekklêsía, Boulê,
Heliaía) ở Athens. Bên trên, ông triển khai một thứ phê bình văn học vừa
là phân tích từ vựng, ngữ nghĩa, cú pháp, vừa tìm hiểu giá trị tư tưởng hay
luân lý chất chứa trong sử thi và ca kịch truyền thống.
Điểm mới mà Protagoras chia sẻ với các
triết gia du giáo khác, và do đó bị chê bai là «biện
sĩ»,
là sự giảng dạy thuật hùng biện. Hai công thức thường bị
đả kích nhất của ông là: «con
người là thước đo của vạn vật»
(man is the measure of all things = anthrôpos
métron) và «biến một
biểu văn yếu (hettôn logos) thành
biểu văn mạnh (kreittôn logos)».
Về công thức thứ nhất, từ sau Hegel (1770-1831) và Nietzsche (1844-1900),
triết học đã có nhiều lối hiểu khác hơn là cách do Plato truyền đạt (chỉ
có những sự thực chủ quan). Còn về công thức thứ hai, thực ra nó không
có nghĩa là biến một biểu văn sai thành một biểu văn đúng, mà chỉ có nghĩa
là giúp một biểu văn được ít người ủng hộ thành một biểu văn được nhiều
người tán thành hơn – và đấy chính là mục đích của thuật hùng biện, đồng
thời cũng là điều xảy ra hàng ngày trong các buổi họp chính trị lớn nhỏ ở
Athens.
2 – Hippias xứ Elis
Xu hướng thứ hai thường được gọi là nhóm
«du giáo bách khoa».
Đại biểu chính của nó là Hippias xứ Elis, người chẳng những bị các đối thủ
đương thời là Plato và Aristoteles phê phán rất khắt khe, mà ngay cả đồng
nghiệp Protagoras cũng công kích khá nặng nề, mặc dù theo những tác giả gần
đây hơn, ông thật ra cũng là một nhà tư tưởng có tầm vóc.
Hippias xứ Elis (khoảng 465-390)
Hippias là nhà chính trị dân chủ. Trong
tư cách sứ giả thành Elis (vùng Peloponnese), ông đã chu du nhiều nơi trong
và ngoài khối Hy Lạp, học hỏi được nhiều thứ, kể cả nhiều ngôn ngữ phi Hy
Lạp, nên nổi tiếng là polymathês (kẻ hiểu biết nhiều). Điểm
độc đáo ở Hippias là ông tiếp nối các nhà sinh học trước kia bằng một quan
điểm mới mẻ về tự nhiên. Ông xem thiên nhiên là một thể thống nhất bao gồm
vô số vật thể đặc thù có đặc tính riêng (ta pragmata = things
= choses), độc lập với nhận thức con người, song sinh động và liên
đới với nhau, đồng thời có sức thu hút lẫn nhau (phusis ở vật thể,
philia ở con người), nhờ vậy, tự nhiên vận hành theo nguyên lý
homoiôsis: «cái
giống nhau tự nhiên sẽ liên kết với nhau».
Từ quan điểm tự nhiên này, không khó rút ra một số hệ quả về nhận
thức luận: 1) có hiện thực khách quan và có chân lý khách quan; 2) hiểu biết
thực phải là hiểu biết về cái toàn thể; 3) định nghĩa đúng là một định nghĩa
không tách rời bản chất sự vật khỏi sự vật cụ thể (cái đẹp là cô gái đẹp,
không phải là sự dự phần của ý thể đẹp vào cô gái, như ở Plato).
Mặt khác, nhân học của Hippias còn là sự
tiếp nối học thuyết về tự nhiên ở trên. Athens đương thời đang trải qua một
cuộc khủng hoảng tinh thần trầm trọng: chiến tranh triền miên đã xác minh
rằng thần linh không luôn luôn đứng về phía chính nghĩa, và sự mất tin tưởng
nơi thần linh kéo theo sự nghi ngờ mọi giá trị truyền thống: công lý chỉ là
«lời hoa mỹ (onomata kala)», luật pháp ở các nơi chẳng những khác
nhau mà chính là bạo lực và quyền lợi
phe đảng được ngụy trang. Hippias
đối lập tự nhiên với các bộ luật nhân tạo. Theo ông, tự nhiên đã tạo ra một
tính xã hội bộc phát mà chính thứ «bạo quyền của con người trên con
người» gọi là pháp luật đã phá hủy. Do tính xã hội tự nhiên này bắt
nguồn từ nguyên lý homoiôsis nói ở trên, nên: 1) nền tảng của cộng
đồng nằm nơi thiện cảm tự nhiên giữa con người với nhau; 2) dân chủ là thể
chế tự nhiên nhất, bởi vì nó được xây dựng trên nguyên tắc
«như nhau và
bằng nhau».
Theo Hippias, vai trò quy phạm của tự nhiên
hiện rõ nhất trong vấn đề công lý. Công lý thật xuất phát từ tự nhiên, vì có
một thứ luật tự nhiên không do ai viết ra, và nếu công lý đúng là sự tuân
thủ luật pháp, thì đấy là thứ luật không do ai viết ra đó (cái sau này
Aristoteles gọi là phusikon dikaion), chứ không phải là luật nhân
tạo. «Luật pháp tự thân bao gồm luôn cả hình phạt cho bất cứ ai vi phạm
nó». Kẻ vi phạm một luật tự nhiên, như sự ngăn cấm loạn luân, chắc chắn
sẽ phải chịu hình phạt là họa suy thoái dần từ đời này sang đời khác, không
giống như luật nhân tạo, có thể bị uốn cong bẻ quẹo theo mọi chiều.
Do luật tự nhiên cao hơn luật thành quốc bởi tính phổ
quát và ổn định, quan điểm về công lý và luật pháp của Hippias là cánh cửa
mở vào chủ nghĩa thế giới (cosmopolitism) ở đời sau. Nhưng ngay từ
thời ông, trái với nhiều người Athens khác còn nhìn về phương Đông với đối
kháng Hy Lạp / mọi rợ trong đầu (mọi rợ = không biết nói = không biết nói
tiếng Hy Lạp!), Hippias đã gọi châu Á cũng như châu Âu là
«con của Đại dương».
Trở lại với Athens, Hippias cho rằng một
cộng đồng người chỉ nên thu nhận chứ không nên khai trừ – đấy là một lý do
khác khiến ông tán thành chế độ dân chủ ở đây. Tuy nhiên, ông chủ trương
phải làm một số cải cách, cụ thể là vất bỏ thủ tục chỉ định người ra gách
vác việc công bằng cách rút thăm mà ông cho là mị dân, phi lý và mạo hiểm.
Hippias đề xuất một chế độ dân chủ được khai sáng, nhưng không phải từ trên
xuống dưới bởi một bậc lãnh đạo anh minh, mà từ dưới lên trên, bằng cách
nâng cao trình độ văn hóa của công dân, nhất là công viên chức. Do đó, sau
khi chứng minh rằng sự kiện có một nghề đặc thù không hề là trở ngại cho
hiểu biết chính trị, bất chấp sự nghi ngờ và mỉa mai của nhiều đối thủ đương
thời, lớp học bách khoa của ông dạy đủ loại tri thức khoa học (episteme,
sn êpistemai) và kỹ thuật (tekhnê, sn tekhnai) –
từ ngữ pháp, từ nguyên, bút pháp, đến thơ văn, âm nhạc, tranh biện, sang
luật pháp, chính trị, lịch sử, và cuối cùng toán học, thiên văn, vật lý,
sinh học.
Hippias là người bị Plato đả kích nặng
nhất trong số các nhà du giáo. Plato mỉa mai rằng ông tự hào có thể phát
biểu trên mọi vấn đề; điều này có thể hiểu được, vì ông muốn làm nhà giáo
bách khoa, và biết nhiều thường khó đi đôi với biết sâu. Theo Plato, ông còn
tự hào đã sáng tạo ra được một phương pháp tranh luận có thể đem áp dụng
trong mọi trường hợp và trên mọi đề tài; mặt khác,
ông chỉ tranh cãi để giành chiến thắng, chứ không màng đến chân lý. Đây có
thể chỉ là những khẳng định có tính bút chiến, ít nhiều mang hậu ý xuyên
tạc: mặc dù ảnh hưởng của Hippias trên quyển chuyên luận
Dissoi Logoi
sau này được nhiều nhà nghiên cứu xác nhận, chẳng có gì ở phần còn
lưu giữ được trong trước tác của ông có thể buộc
đời nay phải đánh giá Hippias quá thấp và quá tiêu cực như ở Plato.
3 – Gorgias xứ Leontini
Xu hướng thứ ba là nhóm
«du giáo hùng biện
(sophistry of rhetoric)».
Đại biểu chính của nó là Gorgias
xứ Leontini (Sicily, Nam Ý), nhà hùng biện nổi tiếng nhất cổ đại. Gorgias
nói hay đến nỗi: tên ông được gắn thêm đuôi (vĩ tố) để trở thành động từ (gorgianize
= gorgianiser), với nghĩa là nói hay như Gorgias; ông còn được tạc tượng
bằng vàng ở Olympia, được đề cử viết và đọc diễn từ tại các ngày lễ hội liên
Hy Lạp hay trong những ngày trọng đại liên quan đến sinh mệnh của toàn khối
Hy Lạp.
Gorgias được biết đến nhiều nhất qua ba luận điểm (xem
đoạn III ở trên ) đã khiến ông từng bị nhận định là
triết gia theo chủ nghĩa hư vô hay bi quan triệt
để. Ngày nay, người ta xem
chúng như một phản biện đối với bản thể luận của
Parmenides bằng chính những nguyên lý của nó. Thật
ra, từ sự sụp đổ của bản thể luận, Gorgias chỉ rút ra một thứ tư duy phục
hồi giá trị cho thế giới hiện tượng kiểu Nietzsche sau này, nghĩa là ông
khẳng định sự đồng nhất giữa cái thực có (being = l’être) với cái
hiện ra (appearing = le paraitre). Nếu nói là hiện tượng thay đổi,
thì cũng phải nói là thực hữu cũng đổi thay, vì thực ra hiện thực cũng đầy
dẫy mâu thuẫn; và những mâu thuẫn này là không thể vượt qua, không thể hòa
giải, không thể bị vô hiệu hóa. Do đó, giữa hai vế của mâu thuẫn, con người
phải chọn một, và thường người ta tự thuyết phục mình, hay dùng ngôn từ
thuyết phục kẻ khác, hãy chọn vế nào mang lại sự yên bình cho tâm hồn. Tất
nhiên, Gorgias cũng đối lập ý kiến với hiểu biết, và khi phải chọn lựa, cũng
chọn hiểu biết; nhưng ở ông, ý kiến (vẫn
gọi là doxa) chỉ trạng thái tinh thần bị xâu xé bởi những trái
ngược, trong khi hiểu biết (ông không dùng từ sophia ở đây mà
thay bằng lúpê) chỉ trạng thái tinh thần yên nghỉ trên mặt nào đó của
hiện thực mà ta lựa chọn. Nghĩa là Gorgias xác định ngôn từ chính là ông
thầy thuốc của tâm hồn.
Gorgias xứ Leontini (khoảng
485-375)
Thứ ngôn từ này không
hủy diệt được mâu thuẫn (cái không thể tiêu vong), và không có nội dung bản
thể luận
(nó không chuyên chở hiện thực, hiện
vật), mà chỉ có nội dung
tâm lý học
(cô
kết lại một cảnh quan tuy đơn phương song nhất quán trong tâm hồn, giúp cho
tâm hồn tìm được sự an bình). Giống như trong thi ca, ở đây ngôn từ không
đòi bóc trần hiện thực mà chỉ muốn vuốt ve mơn trớn tâm hồn, không đòi
chuyên chở sự vật mà chỉ mong truyền đạt cảm xúc. Và cảm xúc càng được nhiều
người chia sẻ thì tính chính đáng của nó càng được củng cố. Nếu sự hiệp
thông giữa người với người qua thứ ngôn ngữ có tham vọng truyền đạt chân lý
là bất khả thi (vế thứ ba
của phát biểu trong đoạn III
ở trên), thì ở đây nó hoàn toàn khả thi, hoàn toàn chính
đáng, qua loại ngôn từ hướng về sự truyền đạt cảm xúc, nghĩa là thứ ngôn từ
lấy cảm thông làm mục đích.
Điều này giả định một quan điểm tâm lý trong đó tâm hồn con người có tính
năng cảm thụ cao, không chỉ rộng mở
trước nhận thức cảm quan, mà còn
mở rộng trước sự quyến rũ của ngôn từ.
Từ các quan điểm trên, Gorgias
xây dựng một học thuyết về nghệ thuật dẫn dắt tâm hồn đến nơi nào ta muốn nó
đến, trong đó sự dẫn dắt bằng ngôn từ là phần chính yếu, mang tên là thuật
hùng biện. Đấy cũng chính là một trong bộ ba nghệ thuật về biểu văn (discourse
= discours) cố hữu của Hy Lạp cổ đại: ngữ pháp, biện chứng, và hùng biện
(rhêtorikós, do erô = nói; rhêma = cái được nói ra, chữ
hay lời; rhếtôr = kẻ nói nơi công cộng). Và khác với mọi nhà du giáo
khác ở điểm họ luôn luôn dạy thuật hùng biện như một phần của chương trình
học, Gorgias chỉ chuyên dạy mỗi khoa rhêtorikós mà ông xem như bộ môn
thế chân cho triết học. Và ở Gorgias, thuật hùng biện dựa trên hai khái niệm
kỹ thuật chính là thuyết phục (peithô) và thời cơ (kaiiros).
Một mặt, thuyết phục chủ yếu là
tạo dựng ra một bầu không khí cảm xúc thuận tiện cho chủ ý lôi cuốn sự tán
thành, nghĩa là thứ không khí làm cho luận cứ được sử dụng có thêm sức nặng,
bằng cách tạo ra sự sẵn sàng chấp nhận nơi người nghe. Tác động quyến rũ của
peithô thường được đối chiếu với tác động của thi ca, âm nhạc, thần
chú, dược liệu (pharmakon, trong cả hai nghĩa thuốc chữa bệnh và
thuốc độc). Mặt khác, hiệu quả của peithô cũng tùy thuộc vào thời cơ
nó được sử dụng: xuất phát từ một quan điểm thời gian không liên tục và đồng
nhất mà đứt đoạn và khác biệt, kaiiros không chỉ đòi hỏi sự khôn
ngoan mà cả sự đúng lúc; nó là cái thiên tài quyết định thời điểm tốt nhất
cho mọi hoạt động, từ việc định nghĩa phẩm chất (aretê), phân tích
tình hình, đào tạo nhân sự, giải quyết mâu thuẫn, đến việc phát biểu bằng
ngôn từ.
Dù sao, thuật hùng biện của
Gorgias đã xuất hiện rất đúng thời cơ, và chính thời thế của Athens đương
thời là lý do giải thích sự thành công của ông đối với thành phần công dân
trẻ đang náo nức tìm cách nổi trội trên chính trường, và nhất là trong hệ
thống pháp lý ở đây.
4 – Lycophron, Antiphon,
Critias
Xu hướng thứ tư là nhóm «du
giáo chính trị (political sophists)»,
có lẽ là nhóm đông đảo và phức tạp nhất. Quan hệ
của Athens với các thực thể chính trị ngoài Hy Lạp, cũng như với các thành
quốc Hy Lạp đối địch hay đồng minh bên trong, đã tạo ra nhiều vấn đề chính
trị, pháp lý, và ngay cả triết học, đòi hỏi phải được suy ngẫm, bàn bạc và
giải quyết. Đến từ nhiều quan điểm triết học tổng quát khác nhau (xin miễn
bàn vì quá xa khuôn khổ của bài này), họ đều gặp nhau trên một số vấn đề.
Vấn đề tiêu biểu nhất là sự đối lập giữa tự nhiên
với cái nhân tạo, luật tự nhiên với luật nhân tạo. Nhưng từ sự đối
lập này, các tác giả nhiều khi đưa ra những kết luận chính trị trái ngược.
– Theo Lycophron,
tự nhiên tạo ra cá nhân, trong khi thành quốc tạo ra công dân. Nói cách
khác, cá nhân tồn tại tự nhiên, còn thành quốc chỉ là cái nhân tạo, cái quy
ước, cái không có nền tảng nào ở tự nhiên cả. Nó chỉ có tính chính đáng ở
tính hữu dụng: mỗi cộng đồng người có thể được xem như một liên minh, và chỉ
có giá trị hữu hạn của loại liên kết này: giới hạn trong thời gian, và hạn
chế bởi điều kiện phải có sự tôn trọng những quy định của liên minh bởi mọi
thành viên khác. Vì vậy, mọi kiến tạo bên trong thành quốc đều chỉ là quy
ước. Cái gọi là luật pháp chỉ là quy ước, chính vì thế mà nó không thay đổi
được bản chất con người («không
khiến con người tốt hơn hay công chính hơn»),
tuy sự vô hiệu về mặt đạo lý này thật ra không ngăn cản các thành quốc hoạt
động (chỉ cần có đủ số công dân sáng suốt để ý thức rằng quyền lợi của họ là
tôn trọng những gì đã được thỏa thuận). Cái gọi là
«quý tộc bẩm sinh»
cũng chỉ là một nhãn hiệu xã hội, thực tế không có
gì khác ngoài những cá nhân bình đẳng, do đó theo Lycophron, dân chủ vẫn là
loại thể chế gần với điều kiện tự nhiên hơn cả.
– Antiphon
cũng đối lập tự nhiên với luật pháp. Theo ông, vì tự nhiên là lĩnh vực của
cái tất yếu, nên mệnh lệnh của nó là có cơ sở, và do đó, mạnh mẽ hơn mệnh
lệnh của luật pháp. Mọi cộng đồng người đều được xây dựng trên sự có cùng
những nhu cầu như nhau. Vì vậy, tự nhiên có liên hệ chặt chẽ với tự do và sự
thân thiện: một mặt, vì tự do của con người nằm nơi sự thỏa mãn mọi cái
thiết yếu xuất phát từ tự nhiên (nếu làm ngược lại mệnh lệnh của tự nhiên,
ta sẽ phải trả giá bằng sự đau đớn hay đau khổ); mặt khác, vì sự thân tình
(bắt nguồn từ sự tương đồng giữa người với người) cũng đồng thời là cơ sở
của sự hòa đồng và hòa hợp. Sự hiểu sai bản chất của tự nhiên ngăn cản con
người bắt tay cộng tác với nhau, do đó, cần phải giáo dục con người theo
chiều hướng hòa đồng (vất bỏ sự phân biệt Hy Lạp – man di) và dân chủ (vất
bỏ sự phân biệt quý tộc - thường dân). Nói cách khác, phải tự nhiên hóa luật
pháp, bởi vì luật pháp nhân tạo chỉ là một cỗ máy chống lại tự nhiên, cái
mang tên là công lý và luật pháp thành quốc thực ra chỉ có tác dụng là che
giấu sự chà đạp đạo lý con người bằng thủ đoạn nói một đàng làm một nẻo của
kẻ cầm quyền trong xã hội.
– Critias
không đối lập luật pháp với tự nhiên mà với cá tính (tropos). Khác
với Antiphon, ông khẳng định: con người bình đẳng do tự nhiên, song bất bình
đẳng bởi cá tính. Xem cá tính như biểu hiện của tư tưởng, Critias tin rằng
tư tưởng (gnômè) đối lập với cảm xúc như cái đơn nhất với cái đa tạp,
và tư tưởng cũng như cá tính đều có thể trở thành sắc bén, mạnh mẽ hơn nhờ
sự rèn luyện. Nếu hiện thực có những mặt đối lập, sự đối kháng đó sẽ biến
mất không phải bởi trò xào trộn bất đắc dĩ, mà bởi sự thống trị của mặt này
trên mặt kia. Trong xã hội, do giai cấp quý tộc đã tự áp đặt cho mình một
thời gian rèn luyện lâu dài và nặng nhọc, giai cấp này có tư tưởng và cá
tính xứng đáng để cai trị. Mặt khác, luật pháp là cần thiết cho xã hội, song
thứ luật lệ được biểu quyết ở Đại hội Quốc dân Athens bởi đám đông vô cá
tính là èo uột, có thể bị bẻ cong bẻ quẹo tùy ý; chỉ luật pháp của chế độ
quý tộc mới có đủ tính cứng rắn để không bị lay chuyển, vì mọi trò huyền ảo
của thuật hùng biện đều dễ bị cá tính của nhà lập pháp quý tộc vô hiệu hóa.
Rốt cuộc, đứng trên quý tộc chỉ còn thần linh, nhưng Critias khẳng định rằng
thần linh chỉ là chuyện hư cấu, dù là một hư cấu có ích (khi nào còn sợ uy
quyền của thần linh, kẻ xấu ác còn tránh phạm tội). Do đó, nếu vai trò của
nhà du giáo là thuyết phục dân chúng tin vào thần thánh, bổn phận của nhà
chính trị quý tộc là không bao giờ được phép tin.
Nói chung, thần thoại Hy Lạp bao gồm 4 mảng sử
thi chính sau đây (nay chỉ còn là những mảnh rời): 1) Cuộc
Chiến chống các Thần Khổng lồ ( Titanomachy)
của Eumelus xứ Corinth và Thần phả ( Theogony)
của Hesiod; 2) Bộ Sử thi thành Troy ( Trojan
Cycle) của nhiều tác giả, 3) nổi tiếng nhất là Iliad
và Odyssey của Homer; 4) Bộ Sử thi thành Thebes
(Theban Cycle) của nhiều thi sĩ khác. Các mảng chính trên có
thể được bổ túc với Danh mục Anh thư (dù tác giả là
Hesiod hay ai khác), tập thơ cổ về phả hệ của những anh thư Hy Lạp,
không phân biệt thần hay người phàm.
Gaia là Thần biểu thị Đất, Uranus là Thần biểu
thị Trời, được xem là thủy tổ của loài người. Thần Hellen được xem
là thủy tổ của giống dân Hellas (phiên âm thành Hy Lạp).
Từ thời La Mã về sau, kalokagathia trở
thành lý tưởng « mens sana in corpore sano = một tâm hồn đẹp
đẽ trong một thân thể tráng kiện» ở phương Tây.
«... the chivalrous ideal
of the complete human personality, harmonious in mind and body,
foursquare in battle and speech, song and action».
Werner Jaeger.
Paideia, The Ideals of Greek Culture.
Trans. By Gilbert Highet. New York: Oxford University Press, l945.
P. 13.
… the ability «to make his hands keep his
head against ennemies, monsters, and dangers of all kinds, and to
come out victorious » (Homer, Odyssey)
Quan hệ erastes – eromenos
ở cổ Hy Lạp là khá phức tạp và đã làm tốn không ít giấy
mực.
Cụ thể, đời sau không biết chắc chắn là nó có
hay không có yếu tố đồng dâm.
Sau khi thừa hưởng phần
giáo dục gia đình căn bản kiểu truyền thống ( mousikê
= nghệ thuật và gymnastikê =
thể dục), Plato bắt đầu lui tới
với Socrates khoảng năm 20 tuổi (408-407 tCn). Theo Diogenes
Laertius, người ta kể lại rằng Socrates nằm mơ thấy một con thiên
nga hạ cánh đậu trên đầu gối Ông rồi bay đi, đến hôm sau thì gặp
Plato. Về phần Plato, sau khi gặp và đàm thoại với Socrates trước
hội trường Dionysus, ông đã đốt hết các kịch bản mang đến nhà hát để
ghi tên dự thi giải bi kịch, rồi theo Triết gia nghe tranh luận về
triết học.
Từ chỉ thành phần nô lệ thuộc quyền sở hữu của
nhà nước Sparta, thường là cư dân ở các vùng Laconia và Messenia bị
bắt trong chiến tranh. Họ làm việc chủ yếu trong lĩnh vực nông
nghiệp và bị đối xử rất tàn nhẫn.
Như trong trường hợp Socrates, đời sau chỉ
biết về các sophistai chủ yếu qua tác phẩm của Plato và
Aristoteles, với nhãn quan ít nhiều méo mó của hai triết gia đối thủ
này. Đấy là hạn chế thứ nhất; hạn chế thứ hai là ngay số tác phẩm
của các sophistai tìm lại được cũng rất ít, cả phần trước tác
(chỉ còn những mảnh rời hoặc mất hẳn, như của hầu hết các tác giả cổ
đại khác), lẫn phần giáo khoa (vì là những bài dạy lấy thù lao).
Trừ Sparta, vì ở đây nhà nước quý tộc nắm độc
quyền giáo dục, với một chương trình giáo huấn quân sự hóa như đã
trình bày ở phần I.3.
Trong số những người theo đuổi sophia,
người xưa phân biệt sophos (sn sophoi, như thần thánh,
hiền giả) với philosophos (sn philosophoi, kẻ đi tìm
sophia bởi vì mình không có, tức là các triết gia) và với
sophistês (chuyên gia về một kỹ năng nào đó, như nhạc sĩ). Trên
thực tế, tên sophistês đã lần lượt chỉ: a) bất cứ ai xuất sắc
trong một lĩnh vực nào đó (bói toán, thi văn, âm nhạc); b) triết gia
= philosophoi; c) rồi từ giữa thế kỷ thứ V, đặc biệt là trào
lưu các triết gia dạy học trên. Tiếng Việt thường dịch sophistês
là «biện sĩ»; nhưng dịch như thế là vô tình đánh giá thấp họ, dựa
trên quan điểm của các triết gia đối lập với họ –
cụ thể là của dòng triết học thường vẫn được xem là chính thống của
Cổ Hy Lạp (Socrates, Plato và Aristoteles).
Ở đây, ta có thể tạm dịch là «giáo sư
lưu động» hay «nhà du giáo», trên cơ sở trong tiếng Việt
đã có «du tăng» để chỉ các vị tăng không trụ trì ở một ngôi
chùa nào nhất định.
«Các nhân vật lừng danh
này đã đi khắp mọi thành quốc Hy Lạp, và ở đâu họ cũng thuyết phục
nổi thanh niên bản xứ rời bỏ các vị thầy đồng hương đang dạy dỗ mình
miễn phí để theo học họ, chẳng những chịu trả học phí rất cao, mà
còn xem đấy như một đặc ân» (Plato,
Socrates tự biện, 20a)
Xem vở kịch này bằng tiếng Việt trong:
Aristophane, Hài kịch Hy Lạp. Hoàng Hữu Đản biên dịch.
Tp Hồ Chí Minh : Nxb Giáo dục, 2005, tr. 201-302. Cụ thể là đoạn
tranh cãi về hai nền giáo dục cũ và mới giữa «Suy luận phải» với
«Suy luận trái», tr. 263-276.
Ở đây, sự phân biệt các khuynh hướng triết
gia du giáo phỏng theo mục từ Sophists trong
Encyclopaedia Britannica, 1911 (còn dựa rất nhiều trên quan điểm
của Plato).
Lịch sử tư tưởng Tây phương phân biệt 3 trào
lưu gọi là «sophistry = sophistique». Ngoài trào lưu thứ nhất
nói ở đây, còn trào lưu thứ hai xuất hiện vào thế kỷ thứ II sCn, và
trào lưu thứ ba ở La Mã vào thế kỷ thứ IV-V sCn.
Protagoras sinh tại Abdera (Thrace), khoảng
giữa 492-485. Đến Athens khoảng 460-454, ông gia nhập nhóm bạn trí
thức của Periklès, rồi năm 444 được Periklès giao cho trọng trách
thảo ra bộ luật hiến pháp dân chủ cho thành Thurii (hay Thurium),
một thuộc địa của Athens. Bị buộc tội báng thần năm 41?, Protagoras
phải rời Athens, sách vở bị đốt trước công chúng. Ông mất khoảng
giữa 422-415, sau 40 năm dạy học.
Từ xuất phát từ Iliad, với
nghĩa là «xuất sắc trong bàn hội nghị» hay «có những phán
đoán lành mạnh, vững chãi».
Trong mục từ
Sophists của Encyclopaedia Britannica, tác giả gọi
là khuynh hướng «du
giáo tranh cãi (sophistry
of disputation)»,
do quá dựa vào ý kiến của Plato. Ở đây, chúng tôi đổi tên gọi như
trên, có lẽ trung thực hơn, ít ra cho trường hợp của Hippias xứ
Elis.
Tên của một chuyên luận khuyết danh, viết
vào tk thứ V hay thứ IV tCn, dạy học viên tập cãi lý từ cả hai phía
trong một cuộc tranh luận.
Gorgias (485?-380?), y sĩ và nhà hùng biện.
Được gửi đến Athens năm 427 để cầu viện, rồi ở lại làm nhà giáo ở
Athens, và sau đó ở nhiều thành quốc khác.
Lycophron (sống khoảng nửa đầu thế kỷ thứ
IV?)
Antiphon xứ Athens (khg 480?-410, có khi
được xem là cùng một người với Antiphon xứ Rhamnus ?). Từng làm
người viết bài cãi cho việc kiện tụng trước khi dạy học. Tham gia
cuộc đảo chính quý tộc năm 411, bị xử tử năm 410 khi cuộc chính biến
thất bại.
Critias (khg 460-403), chính trị gia quý tộc.
Bị dính vào vụ án báng thần năm 415, bị tù nhưng sau được thả. Tham
gia chính quyền do Sparta dựng lên sau chiến thắng năm 404, tỏ ra
rất tàn bạo trong thời gian cai trị, cuối cùng bị giết năm 403 trong
cuộc chiến tái lập chế độ dân chủ.
|