Ngọc ở Trung Hoa

Vietsciences- Trần thị Vĩnh-Tường           19/04/2009

 

Những bài cùng tác giả

“Yu” trong văn hoá Trung Hoa

 Quân tri thiếp hữu phu
Tặng thiếp song minh châu
Cảm ân triền miên ý
Hệ tại hồng la nhu

 

 Tiểu phu nhân trong bài thơ Tiết Phụ Ngâm của Trương Tịch được tình lang tặng hai viên ngọc quí. Phân vân bên ngọc bên tình, lòng nàng mềm như bánh bao nhúng mì hoành thánh. Nếu diễn nôm dài dòng lạc đề chút xíu, có nghĩa là “Chàng ơi, thiếp dấu ái biết bao u tình chàng trao cho thiếp, dẫu biết rằng cửa rào đã khép, vườn hồng đã khoá, mành trúc đã ngăn. Chàng ơi, hai viên bảo ngọc chàng đưa thiếp làm tin, thiếp lén chồng giấu trong áo lót mình màu cánh sen, cửa màn lay động, cánh bướm vờn hoa, thân thiếp kề bên ngọc cũng như được kế bên chàng….”

Người Trung Hoa dùng từ "Yu", có nghĩa “viên đá đẹp nhất", cho tất cả các viên đá có thể chạm khắc được. Tiếng Việt là “Ngọc”, tiếng Quảng Đông đọc “Yục” hơi gằn giống như có dấu nặng của tiếng Việt, tiếng Hakka/Hẹ đọc la` “ngiuk”, Ngô Việt/Chiết Giang-Giang Tô-Thượng Hải đọc “nhiok”, Triều Châu đọc “ghek”. Đường Minh Hoàng gọi Dương Quí Phi là Yuhuan -nhẫn ngọc- ý chừng cho người đẹp luôn quấn quit trên tay, dù về sau có vì nàng mà nước mất, dân tan. Vua chúa Trung Hoa có giấc mơ trường sinh trên ngôi báu, nên toàn dùng chén đĩa ngọc, tin rằng ngọc có khả năng phát giác độc dược. Văn chương Trung Hoa lai láng người ngọc, làn da sáng như ngọc; người đẹp qua đời coi như ngọc vỡ.

Qua tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng, tính thần linh của yu càng huyền bí xoay quanh phiến đá bị bà Nữ Oa, kiến trúc sư đầu tiên trong huyền sử, bỏ quên bên triền núi Thanh Ngạch. Bà luyện từ hồi nào không rõ, được tới ba vạn sáu nghìn năm trăm lẻ một viên đá, mỗi viên vuông hai mươi bốn trượng, cao mười hai trượng. Bà khuân vác để vá tầng trời dù lúc đó ozone còn tinh nguyên. Chắc khuân mãi có hơi mệt, bà bỏ sót một phiến. Phiến đá nằm trên non lắng nghe chuyện đời, bèn nỉ non ao ước được làm người. Đạo sĩ liền hoá phép cho đá thành một viên ngọc sáng, thác sinh vào tiểu công tử Giả Bảo Ngọc, lọt lòng đã ngậm viên ngọc ấy. Vào một ngày, chợt nghe như có tiếng ngọc gọi vang lừng trên gió, chàng biến mất từ đấy. Bảo Ngọc hoá thân tầm viên ngọc đã mất hay muôn dặm tầm cố nhân, tiểu thư Đại Ngọc?  Câu chuyện lãng đãng mùi yêu đương, màu đạo sĩ, và loang loáng màu ngọc. Từ đó, người yêu ngọc càng tin là ngọc có linh hồn, tin luôn vào việc sở hữu một viên ngọc phải có duyên như với người tình từ muôn kiếp trước. Độc giả nào tò mò, yêu thử xem sao.

 

 Một lầm lẫn lớn khó sửa : China vs Pre-Chinese-China

Trước Tần Thuỷ Hoàng (221–206 TCN) trên miền đất mênh mông đó, có tới hàng ngàn “nước” (1) lớn nhỏ với những nền văn hoá, ngôn ngữ, sắc tộc khác nhau.  Đời Tần Thuỷ Hoàng mới tàm tạm thống nhất về phương diện địa lý trên những phần đất cưỡng chiếm. Từ đó Tây Phương gọi là triều Tần là Ch’ine, rồi thành China. Dù cả Tần Thuỷ Hoàng rồi Hán Võ Đế tiếp theo đều khét tiếng chuyên viên thâu gom đất đai và đồ quý của thiên hạ, miền đất này vẫn chưa phải là một vùng thống nhất về chính trị. Tuy vậy, các nghiên cứu đồ sộ của thế giới về lịch sử và con người Trung Hoa, vẫn chỉ dùng độc nhất từ China, làm như China đã là một quốc gia thống nhất và rộng lớn từ bốn ngàn năm trước.  Đó là một lầm lẫn lớn mà các học giả và chính giới Âu Mỹ tới giờ vẫn mắc phải. Còn người Trung Hoa thì không dại dột gì lên tiếng cải chính.  Mong độc giả rạch ròi trong phân biệt Pre-Chinese China và China này, dù trong bài viết, cũng bất đắc dĩ vẫn phải dùng từ “Trung Hoa”, mặc dù có những thời đại phải gọi là Pre-Chinese China/tiền-Trung-Hoa, chẳng hạn thời bà Nữ Oa, thời Đông Chu, Xuân Thu Chiến Quốc, Tam quốc… Khi ấy, miền Nam sông Dương Tử là địa bàn của hàng ngàn bộ lạc thuộc chủng Yue/Việt. Một phần của cư dân Việt ở đồng bằng sông Hồng thuộc chủng Việt, nhưng không phải là toàn thể chủng Việt ở vùng rộng lớn mênh mông này, như truyền thuyết Hồng Bàng ghi chép, khiến một số các sử gia tân thời đòi mãi một số điều mà cư dân Việt/sông Hồng không sở hữu hoặc bảo lưu.

Những đồ cổ ngoạn tiền-Trung-Hoa, ngoài niên đại, nếu biết đựoc địa điểm xuất phát, sẽ có giá trị dân tộc học ngoài giá trị cổ vật. Tác giả Fred Ward cho biết (2) miếng yu kế bên, rồng chầu mặt trời, biểu hiện của vương quyền, thuộc về đời Đông Chu, 770-221 TCN. Lúc đó, Đông Chu mới chỉ là những miền đất lốm đốm rải hai bên bờ sông Hoàng Hà, chưa vựợt qua giòng Dương Tử, địa bàn của chủng Việt. Người nghệ sĩ vô danh không bao giờ ngờ rằng bàn tay tài hoa thổi cái đẹp vào miếng ngọc, đã giúp đời sau đoán biết đời sống tâm linh và trật tự xã hội thời đó. Lối chạm khắc này vẫn được bảo lưu nơi người thợ Bắc Kinh và thợ Quảng Châu ngày nay, cho thấy sự liên tục trong mỹ thuật chạm khắc Trung Hoa.

 

Ngọc trên đất Pre-Chinese China

Tất cả các đồ bằng ngọc khai quật được tại khu lăng mộ của Phụ Hảo (3) chứa trên 750 miếng, tất cả đều từ Khotan -một phần của Tân Cương, Trong một ngôi mộ khác có niên đại 90 Trước Công Nguyên - tìm thấy ở vùng Shiiazhunag, Tây Nam Bắc Kinh bây giờ - có một áo giáp toàn bằng những miếng  ngọc dũa mỏng, hình vuông ráp vóí nhau, cho thấy nghệ thụât mài dũa ngọc lên đến mức tuyệt đỉnh. Mặt nạ bằng ngọc này là một phần trong bộ áo giáp ấy.  Đây là loại nephrite cũng khai thác ở vùng Khotan. Xin trở lại vi ngọc Khotan trong một bài khác.

Theo tác giả Trương Văn Tân, (4) khi khai quật phần mộ của Văn Vương Triệu Muội/Zhao Me - cháu nội của Vũ Vương Triệu Đà/Zhao Tuo, con trai của Trọng Thuỷ - người ta thấy thi hài của Triệu Muội cũng ở trong một “quan tài” ráp nối bằng  hàng ngàn những mảnh ngọc lá in hệt (5).

Tương truyền nước Sở có một tảng ngọc rất đẹp đến nỗi một Sở vương đổi 15 thành trì để lấy khối bảo ngọc ấy.  Đến đời Tần Thuỷ Hoàng miếng ngọc này được tạc thành ngọc tỷ. Từ đó, ngọc tỷ tượng trưng cho cả nghệ thuật chạm khắc và vương quyền. Tranh giành ngôi báu, bao giờ cùng đi lùng ngọc tỷ trước. Chắc độc giả cũng lưu ý cổ vật Trung Hoa trưng bày trong các viện bảo tàng hay sưu tập riêng, chỉ có màu trắng, xám nhàn nhạt, xanh rêu nhạt, nâu nhạt… tuyệt đối không có ngọc màu xanh biếc.  Ngọc xanh biếc chỉ mới xuất hiện khi thềm Jadeite được khám phá ở miền Bắc Miến Điện/Burma giữa thế kỷ 17.

 

 Nephrite - ngọc mềm- và Jadeite -ngọc cứng

Chữ Jade do nhà khoáng-vật học người Pháp - Alexis Damour - đặt tên để phân biệt jadeite và nephrite.

Hình của Maxine Marsh

Jadeite rất hiếm.   Độ cứng Mohs scale từ 6.5 đến 7. Jadeite có màu xanh, hoa cà, nâu đỏ, trắng.  Jade màu hoa cà vì có nhiều manganese, nâu vì có nhiều chất sắt, xanh là do có nhiều chromium.  Jadeite từ trong đến trong suốt. Cho đến hôm nay, jadeite được khai thác từ Burma, San Benito/California, Guatamala, Japan, Russia, Switzerland. Nhưng số lượng và gía trị cao nhất là jadeite ở Burma.

Nephrite gọi là mềm, là so với jadeite thôi, nhưng vẫn cứng hơn thép.  Độ cứng Mohs scale từ 5 đến 6.5.  Nephrite từ hơi trong đến đục. Màu từ xanh nước biển, xanh lá cây, xanh da trời, xanh cỏ đến xanh rêu, xám, đỏ xậm, vàng hoặc đen. Từ trắng đến trắng xám, nếu có chứa nhiều tremolite; từ xanh đến xanh đậm tuỳ theo chất sắt; xanh, vàng hay nâu tuỳ số lượng actinolite. Trung Hoa là nước đầu tiên khai thác nephrite. Hiện nay, nephrite có mặt khắp năm lục địa.  Ở Á Châu: Korea, Japan, Taiwan, China, Kazakhstan. Ở Âu châu: Poland, Italy, Đông Đức. Ở Mỹ châu:  Alaska, British Columbia, Brazil, California, Wyoming, Guatamala. Ở Australia, New Zealand va New Caledonia.

 

Các loại ngọc ở Trung Hoa

Trung Hoa có mấy loại đá chính được đặt tên theo địa phương. Ngọc Khotan hay Hetian, xin nói ở một bài khác.

Ngọc mà khoa học bây giờ gọi là serpentine tìm thấy ở vùng Liaoning (Liêu Ninh, ráp ranh Triều Tiên). Từ năm 907 đến 1125, vùng này thuộc đế quốc Khiết Đan, quê hương của Kiều Phong tráng sĩ trong truyện Kim Dung.

Soapstone “xiu-yu” vùng Lantian, thuộc tỉnh Shaanxi, (Thiểm Tây) xanh nhạt, xám, vàng nhạt, được khai thác tối đa mãi đến đời nhà Hán. Loại ở vùng Nanyang, tỉnh Hà Nam, có màu tím nhạt và màu xanh nhạt.

Serpentine và soapstone chung vài đặc tính. Độ cứng từ 2.5 đến 4, (phấn viết bảng =1, móng tay= 2, kim cương cứng nhất = 10). Có những nét rạn rất nhỏ, thường gọi là răn đá. Xốp, dễ chạm khắc, nhưng cũng dễ vỡ. Gọi là dễ, nhưng không phải luôn luôn vỡ. Có vòng ngọc va vào tường hoài không vỡ, nhưng có vòng chỉ rơi một lần, vỡ ngay làm ba làm bốn, tuỳ độ giòn .

Hiện nay người Trung Hoa dùng bột ngọc dư trong quá trình mài rũa, trộn chung với đá xay nát, màu và resin (một loại nhựa dùng trong kỹ nghệ nữ trang) đổ khuôn thành những nữ trang nhìn rất đẹp, mấu sắc rất đều, thoáng trông rất mê; nhưng rất dễ mẻ, và chỉ người Trung Hoa mới dám gọi đó là… ngọc.  Món nữ trang này rơi xuống nếu chạm phải nền cứng là vỡ ngay, vì không phải đá nguyên khối (solid.)  Độc giả nào tò mò, thử biết liền.

 

Thị trường ngọc ở Hongkong

Cần khẳng định: khoáng chất mà người Trung Hoa vẫn gọi là Yu, Việt gọi là ngọc, không phải là… ngọc theo định nghĩa của khoa học và thế giới nữ trang. Khách quan mà nói, mặc dù người Trung Hoa bày đặt đủ thứ chuyện ly kỳ, cả ngàn năm trước họ không có ý lừa gạt ai, khi họ gọi loại đá đó là yu-viên đá đẹp. Nhưng cả thế giới vẫn ngộp thở, hết sức ngưỡng mộ gọi những đồ cổ ngoạn, nữ trang xuất xứ từ China là Chinese Jade. Còn khách du lịch viếng China tự… lừa mình, tin miếng này đươc chạm khắc từ ngàn năm, vòng này từ cổ mộ Tiểu Long Nữ, do đó sẵn sàng đưa cổ vào máy chém, đổi lấy món “cổ ngọan” mới khắc xong … ngày hôm qua, thì đó là chuyện riêng của mỗi ngừời.

Tóm lại, thị trường Hongkong tung ra những loại này:

-         Ngọc… bột,

-         Serpentine cho nữ trang và soapstone cho “cổ ngoạn”, chiếm 75% thị trừơng

-         Nephrite: từ Alaska, Canada, Korea…,

-         Burmese Jadeite: người Trung Hoa mỗi năm mua khoảng 700.000 đô la. Trong số này, 45% mua đấu giá từ nhà nước Burma, 50% mua lậu vòng qua đường Thái Lan, và 5% mua lậu qua đường Vân Nam,

Bất cứ nhập cảng từ nguồn nào, một khi đã biến thành sản phẩm qua các xưởng thợ ở Quảng Châu, Bắc Kinh, đều phù phép mang tên mới: Chinese Jade, Burmese Jade, Imperial Jade, New Jade mà giá cả tuỳ sự mơ màng của người mua, và tuỳ sự lương thiện của tour guide. Ngay cả đồ cổ ngoạn của Tibet, cũng xuất hiện trên thị trường như sản phẩm của Trung Hoa. Đã bảo, chỉ cần cắm được cái tăm xuống đất, chàng cũng nhận đất ấy của mình. Mấy ngàn năm trước, chưa hề đặt chân đến “nước Hồ Tôn”, Chiêm Thành, cũng đã ghi đất đó thuộc “thiên triều” rồi.

 

Burmese Jadeite vs Nephrite Jadeite

Khoảng mười mấy năm trước, Museum History ở Los Angeles có trưng bày cổ vật Taiwan. Trong cơn “quốc biến” năm 1948-1950, đám Quốc Dân Đảng di tản ra Taiwan đã kịp mang ra khỏi hoàng cung một số cổ vật. Trong đó, một số bảo vật bằng ngọc Burmese của vương triều cuối cùng, nhà Thanh, nếu tận mắt nhìn thấy đám ngọc này, sẽ không bao giờ dám gọi những đá khác là “ngọc, jade” đựơc nữa. 

Đôi bông tai này, màu xanh như ve chai và độ trong suốt cho thấy đây chính là ngọc Burmese. Từ khi khám phá ra mỏ ngọc này ở miền Bắc Burma, ráp ranh Trung Quốc, đám vua chúa nhà Thanh yêu lắm, ngay lập tức dành độc quyền sử dụng, đặt tên riêng là fei-cui-yu, hay fei-ts’ui, kingfisher jade “vua của các loại ngọc”, sang tiếng Việt, tức ngọc phỉ thúy. Thời Càn Long, ngọc tiến cung thường được gởi tới Quảng Châu để chạm khắc, thay vì Bắc Kinh.  Theo nhà Christie’s, đôi bông tai có niên đại từ thời nhà Thanh, bán đấu giá 1.55 triệu đô la hồi tháng 4/1997 ở Hong Kong. Bông tai này sở dĩ đắt, vì chạm hai chiếc khuyên lồng vào nhau phải dùng một khối ngọc rất lớn, tiệp màu, và phải là tay thợ giỏi. Không phải thợ nào cũng đựoc sờ tay vào khối ngọc có giá trị cỡ này.  Sáu miếng bảo ngọc có thể có từ thời nhà Thanh, nhưng đôi bông tai có design rõ là tân thời. Vì vậy, đôi bông không có giá trị cổ vật, chỉ có giá trị nữ trang. Gắn chung với kim cương để nâng giá, là chuyện thừơng tình của các đại gia.

Khác vớí kim cương, giá trị tính bằng carat, ngọc vô giá, giá cả tính theo miếng. Cách người Á Đông chuộng ngọc, cũng khác Tây phương: có khi một miếng ngọc nhỏ duyên dáng, nhìn không nỡ rời mắt, đủ thành bảo ngọc. Ai không giữ được tình, tặng nhau viên ngọc, ủ tình riêng trong ngọc như tuyết ẩn trong mây, một thiết tha Đông phương không kém.  “Thư trung hữu nữ nhan như ngọc”. Hàng chữ đẹp tợ ngọc khai mở cõi u minh? Mở sách ra thoáng gặp giai nhân miệng cười xinh như ngọc?

Ngọc cũng như người, có khi nhớ nhau mà không gặp, gặp không tìm, vì tìm kiếm sẽ không bao giờ gặp được.

Trần Thị Vĩnh-Tường

California -Tháng tư 2009

-----------------------------------------------

(1) Thật ra, lúc đó chưa gọi là “nước” theo ý nghĩa bây giờ, mà chỉ là một số bộ lạc theo kiểu mandala, ví dụ vòng tròn trôn ốc: các bộ lạc nho nhỏ ở gần nhau xoay quanh một bộ lạc lớn và suy tôn người đứng đầu làm tù trưỏng.  Người Hoa mượn tiền đề này để xây dựng hệ thống tư tưởng mà thiên tử là trung tâm, gồm những thứ lỉnh kỉnh như con trời, minh quân, chân mệnh đế vương, quân xử thần tử…

(2) Fred Ward – Jade, Stone of Heaven /National Geographic 1987- Ông là tác giả nhiều cuốn sách nổi tiếng về đá quí: Jade (Fred Ward Gem Book Series), Rubies & Sapphires, Fourth Edition, Emeralds (Fred Ward Gem Books). Có sách cũng như có ngọc.

(3) Ân Khư/Yīnxū/, nghĩa là "đống đổ nát của nhà Ân") : di tích của kinh đô nhà Thương (Ân).  Ân Khu được cho là kinh đô cuối cùng của nhà Thương (1600 - 1046 TCN). Ân Khư nằm tại trung tâm của tỉnh Hà Nam, vĩ tuyến 36 07 Bắc, 114 18 Đông, trên địa điểm của thành phố An Dương ngày nay. Ngôi mộ này có 6 bộ xương chó; ít nhất 16 bộ xương người bên cạnh xương của Phụ Hảo, vợ của vua Vũ Định, vua thứ 12 nhà Thương.  Hơn 440 hiện vật bằng đồng; gần 600 miếng ngọc, đá và xương được chạm khắc, và khoảng 7000 đồng tiền của thời đó, tiền vỏ sò. Cũng rất lạ, tuy còn dùng vỏ sò làm bản vị, nhưng nghệ thuật mài dũa ngọc, và chế tạo đồ đồng đã hết sức sắc sảo. Có thể vỏ sò, ngọc, đồ đồng do những bộ tộc khác nhau cung cấp cho triều nhà Thương? Nhưng đến bây giờ,   chúng được dán nhãn hiệu chung chung là “nhà Thương”.Cũng như chủng Việt ở Trung Hoa bây giờ hoàn toàn tan biến vào “giòng Hán”.  Và 50 năm nữa, liệu có còn Tibet trên bản đồ?

(4)  Trung Quốc Du Hành Ký -  Quảng Châu

(5) Điều này cho thấy:

- Danh xưng của Triệu Đà là Nam Việt Vương, có nghĩa “vương của đất Việt, phương Nam” ra điều độc lập với Tần Thuỷ Hoàng Đế ở phương Bắc. Nhưng cách chôn cất vua chúa và những đồ tuỳ táng theo kiểu Bắc Kinh, cho thấy triều đình Triệu Đà là phiên bản của triều đình nhà Tần.

- Từ quan Đô Uý Triệu Đà đến 50 ngàn tội đồ mà Triệu Đà mang xuống “khai phá” vùng Lĩnh Nam, tất cả đều là người nước Tần. Chỉ vì Triệu Đà sát nhập Âu Lạc vào Nam Việt, mà Đại Việt Sử Ký Toàn Thư nhận xằng triều đại của Triệu Đà là “Kỷ nhà Triệu” như quốc triều đầu tiên của nước ta, cho thấy cái nhìn giới hạn của sử gia Ngô Sĩ Liên, tác giả ĐVSKTT.  Tuy vậy, Triệu Đà là người đầu tiên thực hiện ý tưởng một vương triều độc lập của chủng Việt ở miền Lĩnh Nam. Giấc mơ  “Nam quốc son hà nam đế cư” này, trong hàng trăm bộ lạc vùng Lĩnh Nam và vùng Tiểu Ngũ Lĩnh, chỉ mỗi Lạc Việt ở đồng bằng sông Hồng, cô độc và bền chí giữ vững một nước độc lập có chữ Việt trong quốc hiệu.

- Tình trạng lãnh tụ và dân chúng thuộc hai chủng khác, là điều lập đi lập lại trong lịch sử. Ví dụ nước Sở, với 18 đời Sở Vương là thuộc hạ nhà Châu, nhưng dân chúng nước Sở thuộc chủng Việt. Năm 1888, một đại uý người Pháp được dân Tây Nguyên ở Sê Đăng tôn lên làm…vua, chỉ vì ông ta đánh kiếm giỏi.

                                                                                                      

            ©  http://vietsciences.free.frr  và http://vietsciences.org    Trần thị Vĩnh-Tường