Những bài cùng tác giả
Cả Dĩ Vãng là chuỗi mồ vô tận
Cả
Tương Lai là chuỗi huyệt chưa thành
Chế Lan Viên
Cách đây hơn hai mươi năm, những nhà khảo cứu Viện Bảo tàng
Quốc gia Vạn vật học New York khai quật được một mỏ vô giá mà không phải
vàng, bạc, hay kim cương, đá quý : hơn một trăm loại sâu bọ và cây cỏ ướp
khô trong một lớp nhựa đóng cứng từ 90-94 triệu năm nay ! Khối hổ phách nầy
nặng khoảng 40 kg, chứa đựng những mẫu động vật và thực vật chưa từng thấy
hay rất hiếm có ngày nay. Theo nhà côn trùng học David A. Grimaldi, người
điều khiển cuộc khai quật, những mẫu sinh vật nầy có mặt vào thời kỳ kỷ
Creta (từ -110 đến –65 triệu năm), đã chứng kiến những tác động biến
chuyển đời sống trên mặt đất, các hiện tượng sinh nở và mất biến những khủng
long dinosaure, các sự kiện xuất hiện và phát triển những bông hoa cùng
những sâu bọ, ong, kiến, bướm, mối,…chung sống với các loại cây kia (3).
Khủng long kinh hãi trên màn ảnh
Trong số các sinh vật trong khối hổ phách New
Jersey, đẹp nhất tuy nhỏ xíu (1,5 cm) là một đóa hoa cây sồi bên cạnh một
tai nấm, một lông chim,…và đặc biệt một con muỗi thời nguyên sơ ấy. Khảo cứu
miệng con muỗi, các chuyên gia đi đến kết quả : nó tiêu biểu một mẫu giao
thời giữa các sâu hút nhụy và các vật đốt da. Nếu con muỗi nầy chích da hút
máu một con khủng long, nó có thể chứa trong bụng máu con dinosaure kinh
khủng kia, với thành phần cốt yếu DNA (Desoxyribo Nucleic Acid) của sinh
vật. Giả thuyết nầy đã được chứng minh : nhà sinh vật học Georges Poinar, ở
Trường Đại học Berkeley, thông báo đã chiết xuất được từ hổ phách DNA một
con bọ đầu dài hóa thạch sống cách đây 100 triệu năm. Sau đó, nhà vi sinh
vật học Raul Cano, ở Trường Đại học Bách khoa California, khám phá ra được
trong hổ phách cũng một con bọ đầu dài, đầy đủ máu, còn xưa hơn (135 triệu
năm) và tuyên bố nay mai sẽ chiết xuất DNA. Dễ hư hỏng ở một môi trường ẩm
ướt, ổn định trong lòng hổ phách khô cứng, hóa chất DNA ấy là một tài liệu
vô cùng hiếm quý để các nhà di truyền học phân tích, so sánh, hòng mong hiểu
biết thêm về cuộc tiến hoá của sinh vật.

Đi xa hơn, nhờ các chuyên gia góp sức, nhà văn
Michael Crichton tưởng tượng và diễn tả thành truyện một giả thuyết trong
cuốn sách Jurassic Park, xuất bản năm 1992 : ông kể từ các DNA kia,
các nhà bác học đã thành công làm sống lại những con khủng long và nuôi
dưỡng chúng trong một công viên. Ông di chuyển kỷ Creta qua kỷ
Jura (từ -150 đến -110 triệu năm), xưa hơn nhưng chẳng quan trọng vì
sách viễn tưởng không phải là môt bản báo cáo khoa học mà chỉ là một chuyện
phiêu lưu, giả định. Sau cuộc thành công sản sinh cách đây vài năm con cừu
đầu tiên Dolly từ DNA tế bào vú cho vào trứng đã hút mất DNA của một con cừu
thứ nhì rồi đặt cho lớn lên trong tử cung một con cừu thứ ba, rất dễ suy qua
một thí nghiệm với DNA, tuy đến nay chưa một nhà sinh vật học nào tuyên bố
quả quyết thực hiện được. Dù sao, cuốn sách có công đưa ra một bộ mặt mới về
các con khủng long dễ sợ kia : chúng không phải là những động vật ăn lá,
không biết chạy nhảy, chỉ di chuyển nặng nề mà là những con thú ăn thịt,
linh động không khác gì những quái vật, thuồng luồng, trăn rắn, đã vào sinh
ra tử với những Siegfried, thánh Georges hay Thạch Sanh của ta.


Cuốn sách của Crichton chắc ít được vang dội
hơn nếu không có Steven Spielberg, một nhà đạo diễn luôn có đầu óc trai trẻ,
vừa rồi mạnh dạng công khai từ chối làm cố vấn quay phim Thế giới Vận động
hội ở Bắc Kinh, đưa ra dựng thành phim ảnh. Một mặt cậy ngay Crichton viết
kịch bản, mặt kia Spielberg chạy tìm Jack Horner làm cố vấn. Horner là một
nhà sinh vật khảo cổ học ở Trường Đại học Montana, đồng thời là nhà bảo quản
ở Viện Bảo tàng Les Rocheuses. Năm 1991, ông đã khai quật đuợc một bộ xương
còn nguyên vẹn con khủng long có tiếng Tyrannosaurus Rex, con thú ăn
thịt mãnh liệt nhất trên mặt đất và thuật lại trong cuống Complete T. Rex
do Simon và Schuster xuất bản. Tuy bảo có khám phá ra máu trong cơ thể T.
Rex, ông không tin có thể sản sinh con vật nầy từ DNA của nó. Ông tuyên
bố nhiệm vụ cố vấn của ông chỉ là kiểm soát cho những con khủng long chế tạo
trong phim có vẻ như thật (3).
Kết quả vô cùng mỹ mãn : các con khủng long
trên màn ảnh quả đã giống như gần thật. Với một ngân quỷ 70 triệu USD của
hãng Amblin Entertainment and Universal Pictures, hàng Lucas Films bỏ gần
hai năm thực hiện những hiệu ứng đặc biệt để vận dụng những con vật khổng lồ
kia trên màn ảnh. Bốn toán làm việc song song : nhóm Phil Tippet chăm lo đồ
hình linh động, nhóm Stan Winston tính mẫu hình lớn bằng thật, nhóm Dennis
Muren và phòng thí nghiệm Industrial Light and Magic làm hình ảnh nhân tạo
còn nhóm Michael Lantieri phối cảnh cùng những hiệu ứng cơ học (3).
Thành quả là khán giả rùng mình, lo sợ trước những mẫu Velociraptor,
Dilophosaurus, Tyrannosaurus,…di chuyển lanh lẹ, gầm thét rầm trời.
Chúng lại còn có phần tế nhị và có óc xã hội nữa là khác ! Jurassic Park
là một trong những cuốn phim ăn tiền nhất đến nay. Tuy vậy, như bao
nhiêu phim ảnh khác, có khách đông đi xem thì người sản xuất phim lại muốn
làm tiếp, nay đã đến cuốn thứ ba, nhưng lặp lại những cái hay, cái đẹp dù
hoàn hảo quá sức cũng mất đi cái vui bất ngờ lần đầu, cái ngạc nhiên của
chuyện chưa bao giờ thấy.
Nhưa thông hóa thạch thành hổ phách
Mọi việc bắt đầu từ cuộc phát hiện một con muỗi
trong nhựa hổ phách ! Từ thời đại đồ đá, con người đã tìm kiếm những vật
thể thiên nhiên có hình dạng, bản chất lạ lùng, hấp dẫn. Họ thường bắt gặp
những khoáng chất, khi quý, khi không. Trong số các vật nầy, hổ phách chiếm
một địa vị đặc biệt vì không như đá quý, phải đào bới khó khăn để tách
chiết, mà từ đáy biển dạt vào bờ chỉ cúi xuống lượm. Lúc ban đầu, ngoài nét
thẩm mỹ quyến rũ, hổ phách được các người tiền sử dùng trong trò quỷ thuật
hay để chữa bệnh. Thật vậy, nó mang những tính chất thần diệu như khi cọ xát
thì có khả năng bốc nóng (cho nên ngôn ngữ Germain có tên bernstein
là hòn đá nóng cháy), phát điện (các tiếng La Tinh, Hy Lạp đặt chữ
electron mà ta dùng để chỉ điện tử). Người Lithuani gọi nó gintaras
có nghĩa bảo vệ, từ đó hiểu rộng ra bùa ngải (1). Sau nầy, La
Tinh còn có tên succin hay succinum, từ danh từ succus
nghĩa là nhựa và acid chiết xuất từ hổ phách mang tên succinic acid. Người
Âu Mỹ lẫn lộn dùng danh từ amber hay ambre, phiên âm chữ
anbar mà người Ả Rập dùng để chỉ định con long duyên hương phát tiết
những sản phẩm tiêu hóa có mùi thơm tương tự nên ngày nay người ta phải phân
biệt ambre gris (loại xám) dành cho con vật và ambre jaune
(loại vàng) là hổ phách. Về mặt hóa học, danh từ thông dụng là succinit. Bên
ta còn có những tên huyết phách, minh phách, huyết hổ phách, hắc hổ phách,
hồng tùng chi (ĐTL).


Lượm nó trên bờ biển, người ta thường cho hổ
phách từ biển mà ra nhưng khởi thủy trong rất lâu còn là chuyện huyền bí.
Thần thoại kể chuyện Phaeton, con Helios và Clymen, một hôm được phép kéo
chiến xa mặt trời, nhân vô ý kéo lại quá gần trái đất gây ra hạn hán. Tức
giân, Zeus lấy sét đánh xe nhào xuống sông Eridan làm Phaeton chết đi. Mấy
cô em Phaeton thương buồn khôn xiết, được các thần hoá thành cây. Những giọt
nước mắt các cô biến ra những hột nhựa lâu ngày hóa thạch thành hổ phách,
đúng như tin tưởng của người xưa, những khoáng chất lắm lúc là biến thân của
một phần thể chất các đấng tối cao. Có nước, có nhựa, thần thoại đã dẫn bước
đầu giải thích nguồn gốc hổ phách. Nếu thật vậy thì rất dễ hiểu, thêm với
những tính chất bốc nóng, phát điện, hổ phách được dùng làm bùa hộ mệnh và
chữa bệnh. Bên cạnh những đồ nữ trang, đeo cổ, nhất là cho con trẻ bị bệnh,
những hình tượng, bình, chén, những lớp bao che tiểu phẩm vẽ hay chạm nhờ
tính chất trong suốt của nó, hổ phách còn được dùng để thực hiện những dụng
cụ có ý nghĩa đạo giáo. Những mẫu to xen lồng với hột vàng trong các vòng
đeo cổ, những mẫu nhỏ xâu thành tràng hạt, phát xuất từ xuởng những hiệp sĩ
dòng Teutonic ở Bruges bên Bỉ, một thời đã giữ độc quyền hổ phách, lúc đầu
chỉ bán ở vùng Công giáo, dần dần tràn qua các nước Hồi giáo. Ở đây, đầu ống
điếu thuốc làm bằng hổ phách không chỉ có ý nghĩa đạo giáo mà cũng còn vì
tích chất cách nhiệt. Bên mặt y khoa, cuốn sách Le Parrfait Joaillier
của lương y Anselme Boece de Boodt, trước thế kỷ 18, khuyên dùng hổ phách để
chữa các bệnh tim, não, sạn thận, thủy thũng (1).
Đông y coi hổ phách có vị ngọt (cam), tính
bình, vào bốn kinh tâm, can, phế và bàng quang, có tác dụng an thần, định
kinh, lợi tiểu tiện, tán ứ huyết. Dùng trong những trường hợp tâm thần bất
định, hồi hộp mất ngủ, ngủ mê hay mê sợ, tiểu tiện ra huyết, mụn nhọt lâu
lành. Trong sách cổ Đông y cho rằng hổ phách hay làm hao mòn chân khí cho
nên những người hỏa suy thủy thịnh nên dùng, còn những người hỏa thịnh thủy
suy thì không nên (*). Gần đây thôi, cuối thế kỷ 20, mới thấy có văn bằng
sáng chế dùng hổ phách làm thuốc thoa lên da để chữa thấp khớp kinh niên
cũng như các bệnh thuộc về xoang, bắp thịt, khớp nối hay các bệnh thần kinh
(27). Hổ phách cũng được trộn với borneol, lauroylazepinon cùng
nhiều chất khác để làm thuốc xức trị chứng trĩ (28), với long
não, nhựa thông, trám hương,… để chữa những chấn thương như nhức xương, táo
bón đồng thời làm thông máu, chận chảy máu,… (25) hay những chứng
tai biến mạch não (23). Hỗn hợp với nhiều cây thuốc như hột hồ
đào Juglans regia, rễ khương hoàng Curcumae,…hổ phách là một
môn thuốc hạ nhiệt, chống đau, giảm bớt hiệu ứng sạn thận (26).
Nói chung, nó là thành phần một số lớn thuốc Tàu chữa bá bệnh : Anshen
Yangxin, Niuhuang Ninggong, Xiaoer Hulu,…Vải bô nhuốm hổ phách vừa khử mùi,
vừa có tác dụng chống thấp khớp, phòng ngừa giãn phình tĩnh mạch (22).
Nó còn được dùng trong kỹ nghệ chế tạo sơn mài, vecni (5,15).
Bên phần succinic acid thì ngoài tác dụng chống ngẫu biến, được dùng
trong đồ ăn thuốc bổ (24), trong y khoa và sản xuất chất nhuộm đỏ
rhodamin, còn được dùng để bảo vệ hột giống (6).
Thật ra, khảo cứu khoa học về hổ phách đã bắt
đầu từ thế kỷ 18. Sau hai nhà vạn vật học Pháp Buffon và Linné, khoảng 1750,
chứng minh hổ phách có một nguồn gốc thực vật, đến lượt nhà bác học Nga
Lomonosov tìm ra nó là một chất nhựa phát xuất từ cây. Năm 1811, Wrede, một
nhà bác học người Phổ, đi thêm một bước trong kiến thức khi xác định nó là
một chất nhựa hóa thạch. Đây là một hiện tượng kỳ diệu của tạo hóa. Nhựa nầy
từ các cây thông phát tiết, có thể để bảo vệ cây chống các trùng ăn gỗ khi
vỏ cây bị tổn thương. Nhựa chảy bao trùm vết thương và nếu khi đang còn nóng
chảy, gặp cây cỏ hay bông hoa rơi vào, cũng như sâu bọ, chuồn chuồn, bươm
bướm, hay các loại mạnh hơn như ếch, nhái, thằn lằn,… thì cũng thu kéo luôn.
Người ta đã phát hiện bên xứ Đôminicana một khối hổ phách tương đối nhỏ (5,8
cm), xưa 25 triệu năm, chứa đựng hai con ếch : một con còn nguyên vẹn, con
kia chỉ còn bộ xương đầy giòi ruồi cạnh một con rết ăn xác chết ; khối nhựa
là mồ chôn cả con ếch lẫn sâu bọ lợi dụng xác nó. Sau đấy cả cây thông hay
chỉ khối nhựa rơi vào đáy nước, lấp vào lớp bùn. Nhiều triệu năm sau, nhựa
cứng dần vì những hoá chất cấu tạo nhựa trùng hợp thành phân tử to, dài, ổn
định tức là hổ phách. Thường người ta lượm nó thành từng cục cứng rắn, mờ
đục hay trong suốt, màu vàng đỏ, không có khẩu vị, nhưng tỏa mùi thơm dễ
chịu khi đốt nóng.
Thị trường thế giới ngày càng tăng
Hổ phách không phải là chất nhựa hóa thạch độc
nhất. Tùy cây phát tiết, nhựa mang tên khác nhau, hiện đuợc biết nhiều nhất
là copaline hay "nhựa Highgate" có mùi thơm đặc biệt, bathvillite
ở xứ Scotlanh, idrialite tìm tra trong các mỏ thần sa,
tasmanite chứa đựng đến 5% lưu hùynh. Hổ phách thường được gọi là nhựa
vùng Baltic ở Bắc Âu. Những cây thông phát tiết nhựa đã mọc ở đây vào các kỷ
Eocene (từ -65 đến –45 triệu năm) và Oligocene (từ -45 đến –25
triệu năm) (7) trước kia mang tên chung là Pinus succinifer.
Để tìm hiểu sâu rộng hơn nguồn gốc, các nhà khảo cứu đã so sánh thành
phần hổ phách và thành phần nhựa bốn cây thông loại Pinus : P. pinea, P.
strobus, P. pinaster, P. halepensis (18,25). Họ khảo sát
không những nhựa tươi vừa mới chiết mà còn nhựa "hóa già" nghĩa là nhựa chịu
tác dụng nhiệt và ánh sáng (110° trong 30-60 ngày) trong điều kiện phản ứng
trùng hợp qua một cơ chế dạng gốc thiên nhiên. Kết quả là nhựa cây P.
halepensis có khả năng trở thành hổ phách nhất. Giả thuyết nầy càng đáng
được đáng tin hơn khi biết cây P. halepensis thích mọc ở đất có vôi
mà ở kỷ Oligocene, vùng Baltic lại đầy vôi. Bên phần một tác giả
người Nga, dựa theo thời tiết thì thấy khác, cho những cây thông mọc nhiều
nhất ở kỷ Oligocene là P. silvatica, P. baltica, P. cembrifolia
(6).
Thành phần và cấu trúc hổ phách khá phức tạp
với một chất trùng hợp làm phần chính. Trước đây, succinic acid
(6,8,10) được chiết xuất từ hổ phách (3-8%), giữa 280 và 290°, ngày
nay người ta nhân tạo tổng hợp nó từ fumaric acid qua tác dụng của
Escherichia coli (21). Đem chưng, hổ phách cống hiến formic
acid. Một acid khác đóng vai trò quan trọng là abietic acid (10)
mà phản ứng trùng hợp qua một xúc tác acid biến hóa thành polyabietic acid.
Acid nầy cũng được tìm thấy dưới dạng diabetic-, dehydro abietic-,
diabitinic-, diabietinolic acid. Nhiều tác giả tìm ra 20-30% amyrin (8)
trong hổ phách cũng như trong Highgate copaline, guayaquillite
(7). Phần tan hòa trong các dung dịch hữu cơ chứa đựng những
polycyclic acid như isoprimaric-, dihydro isoprimaric-, dehydro
isoprimaric-, sandaracopimaric-, isodextropimaric acid cùng một số mono-,
di-, tri sesquiterpenoid. Một số lớn terpinoid nằm trong phần bốc hơi của hổ
phách, theo thứ tự nhiều ít : borneol, terpinenol, cymen, fenchyl alcohol,
camphen, carvomenthon, pinen, isoborneol (11,14). Đáng chú ý là
borneol, isoborneol, fenchyl alcohol và những cymen, phát xuất từ pinen,
luôn luôn có mặt theo một tỷ lệ không thay đổi như thí nghiệm "hóa già" đã
chỉ, góp phần chứng minh nguyên gốc hổ phách Baltic, khác với nhựa các vùng
khác (14). Sau cùng, 17 khoáng chất, kim loại được xác định trong
hổ phách, nhiều nhất là Si, Al, Mg, Fe, Ti, Cu (6).
Mặc dầu những tính chất dược lý, những ứng dụng
trong kỹ nghệ, công dụng chính của hổ phách vẫn là đồ nữ trang. Người Ai
Cập, Romain ngày xưa đã từng hâm mộ hổ phách. Dần dần khách hàng tràn qua
châu Âu, châu Á. Một con đường thương mãi hổ phách được mở ra giữa Bắc Âu và
Địa Trung Hải, tương tự như đường tơ lụa, đường gia vị giữa châu Âu và châu
Á. Ở dạng thô, được mài dũa, trong suốt hay chứa đựng sâu bọ hóa thạch, hổ
phách ngày càng được mến chuộng khắp nơi. Những mẫu nhặt lượm ở bờ biển
không đủ nữa để cung cấp thị trường. Nhiều nước như Myanmar cũng sản xuất
nhưng không bao lăm. May thay, ở làng Iantarny thuộc tỉnh Kaliningrad bên
Nga, người ta đã khám phá ra được một mỏ phỏng chừng một trăm triệu tấn,
tương đương với 80% tổng sản lượng trên mặt đất. Nằm sâu không đầy 50 m,
chôn vùi trong một lớp đất sét, thợ mỏ chỉ phun nước vào là lấy ra được hổ
phách. Hằng năm, mỏ chính thức tách chiết được 850 tấn. Bên cạnh đấy, khắp
đồng ruộng, ngổn ngan những lỗ sâu chừng 10 m là những mỏ lậu, hằng năm cũng
cung cấp thêm 400 tấn. Gấn đây có tin ột mỏ hổ phách xưa 125 triệu năm,
nghĩa là xưa hơn mỏ Baltic chỉ 25-45 triệu năm, được phát hiện bên nước
Liban cống hiến nhiều sâu bọ và thảo mộc thời ấy.
Ngoài một số gởi qua Lithuani, Hungari, hầu hết
hổ phách Iantarny được chở qua Ba Lan cách xa chỉ vài trăm cây số để phân
phối cho hai vạn tiệm kim hoàn, phần lớn ở vùng Gdansk, một thời đã lừng
danh với Lech Walesa và Solidarnosc, để biến hóa thành đồ nữ trang. Thành
thử nước này ngày nay chiếm giữ 85% thị trường thế giới, mỗi năm với 240 tấn
gia công, xuất cảng 300 triệu USD hàng hổ phách. Đấy là Ba Lan chưa khai
thác hết mức các mỏ của chính nước mình (2). Nghe nói thị trường
hổ phách hàng năm tăng 20%, nhất là sau khi sách và phim Jurassic Park
được tung ra thế giới. Một lời đồn đại đã góp phần vào sự tăng gia nầy : một
mẫu hổ phách đặt trong túi quấn có khả năng tăng cường sức lực của đấng mày
râu, khỏi phải mất công tốn tiền chạy mua thuốc Viagra ! Nhiều văn bằng sáng
chế đã trình bày các phương pháp tổng hợp hổ phách loại polyester (12)
như Polylite TC141 (13), Polybern (9), các vật liệu
tương tự như bakelite, celluloid hay chế biến mùi thơm hổ phách (4).
Vẫn biết những hổ phách nhân tạo dễ mài dũa, biến hóa hơn nhưng cũng như kim
cương, ngọc trai, chúng không làm sao thay thế được chất thiên nhiên. Nhất
là chúng không có khả năng tích trữ quá khứ như hổ phách tự nhựa cây hoá
thạch mà thành.
Thông tin Khoa học và Công nghệ 3(25)
(1999) 154-160 có bổ túc
(*) Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị
thuốc Việt Nam, nxb Khoa học và Xã hội, Hà Nội (1986), tr.965
Tham khảo
1- Encyclopaedia Universalis, 41
2- Bernard Osser, La ruée vers l’ambre,
L’Express 2477 (24.12.1998) 45
3- François Cusset, Le jurassique de
synthèse, Sciences et Avenir 10 (1993) 47-8 ; Eric
Buffetaut, Jurassic Park : la part du vrai, id. 88-9 ; Aline Kiner,
L’ambre, mémoire du passé, id. 6 (1996) 98-9
4- Firmenich and Co.,
(2,5,5,9-Tetramethyl-2-hydroxydecahydro-1-naphtyl)-2-propanol,
propen-1-ol-epoxide, Swiss 302.014, 302.015 (1954)
5- Z.K. Vigderkhaus, M.M.
Tarmas, Electrically insulating lacquer, USSR.172.436 (1965)
6- E.E. Rozhko, Amber and
amber-bearing sediments, Uch. Zap.
Lening. Gos. Ped.
Inst.267
(1964) 193-203
7- J.W. Frondel, X-ray
diffraction study of fossil elemis, Nature (5108) 215
(1967) 1360-1
8- J.W. Frondel, Amber facts
and fancies, Econ. Bot. (4) 22 (1968) 371-82
9- E. Brepohl, J. Jahnke,
Newly developed gem stone, polybern, Goldschmiede Ztg. (2) 66
(1968) 140-1
10- R.C.A. Rothlaender,
Formation of amber from Pinus resin, Archaeometry (Pt1)
12 (1970) 35-52
11- T. Urbanski, T. Glinka, E.
Wesolowska, Chemistry of amber. Part IV. On the chemical composition of
Baltic amber, Bull. Acad. Pol. Sci. Chim. (8) 24 (1976)
625-9
12- M. Kawaguchi, Accessory
having a crack pattern, Jpn. Kokai Tokkyo Koho 79.134.767 (1979)
2 tr.
13- K. shigenobu, M. Tsujita,
Generation of amber, Jpn. Kokai Tokkyo Koho 80.03. 4 73 (1980)
2 tr.
14- V. Mosini, M.L. Forcellese,
R. Nicoletti, Presence and origin of volatile terpenes in succinite,
Phytochem. 19 (1980) 679-80
15- F.Z. Faintsimmer, A.S.
Kovalev, N.I. Ryabikov, Oil-resin varnish, USSR 798.150 (1981)
16-B.I. Srebrodol’skii,
Ukrainian amber, Dokl. Akad. Nauk. SSSR (1) 261 (1981)
177-9
17- M. Mosini, R. Samperi,
Correlations between Baltic amber and Pinus resin, Phytochem. (4)
24 (1985) 859-60
18- P. Huang, Manufacture of
artificial amber, Faming Zhuanli Shenqing Gongkai Shuomingshu CN
1.034.562 (1990)
19- B. Twardowska-Decker,
Analgesis amber extract for treatmant of muscle, joint, sinew, and/or
nervous disorders, Ger. Offen. DE 3.901.575 (1990) 4 tr.
20- Y. Lu, Faming Zhuanli
Shenqing Gongkai Shuomingshu CN 1.081.616 (1994) 4 tr.
21- X. Wang, C.S. Gong, G.T.
Tsao, Succinic acid production from fumaric acid employing recombinant E.
coli, Books Abst.213th ACS Nat.Meet.San Francisco April 13-17
(1977)
22- A. Niekraszewicz,
Textiles modified by amber, Przeglad Wlokienniczy + Technik
Wlokienniczy (9) (1997) 10-3
23- W.T. Liu, T. Shimoda, Y.M.
Chao, Z.D. Liu, Z.C. Liu, Chinese patented for treatment of
cerebrovascular diseases, Jpn. Kokai Tokkyo Koho JP
2003034646 (2003) 4tr.
24- T. Shiraishi, M. Miyazawa,
T. Nariharu, Organic acids as antimutagenicity medicines and healt foods,
Jpn. Kokai Tokkyo Koho JP 2003104880 (2003) 5tr.
25- W. Wang, External use
pharmaceutical liquid spray for traumatic injury, Faming Zhuanli
Shenqing Gongkai Shuomingshu CN 1082335 (2004)
26-- B. Ou, Z. Ye, A Chinese
medicine for treating lithangiuria and its preparation method, Faming
Zhuanli Shenqing Gongkai Shuomingshu CN 1559598 (2005) 10 tr.
©
http://vietsciences.free.fr
và http://vietsciences.org
Võ Quang Yến
|