Bản tin ngày 06/08/2013 từ nước Úc, nhiều người đàn ông đã tự tử sau
khi nhận kết quả thử máu tìm “ung thư nhiếp hộ tuyến”. Giáo sư Ken Sikaris/
Melbourne University cho hay ông nhận nhiều cú phone “bạn anh ta tự tử sau
khi có kết quả thử nghiệm”. Sikaris đã trình bày trong hội nghị quốc tế về
“ung thư nhiếp hộ tuyến” ở Melbourne tháng 8/2013 rằng nhiều thần dân nữ
hoàng ở Down Under/ Miệt Dưới đã lo lắng không cần thiết, rằng kết quả xét
nghiệm máu làm nhiều người sợ hãi đến nỗi tự tử
(1)
Vì đâu nên nỗi? Có thật kết quả PSA cao là ung thư nhiếp hộ tuyến? Thế
nào là cao so với thấp? Điều gì dẫn đến ung thư nhiếp hộ tuyến? Có nhất
thiết ung thư nhiếp hộ tuyến là chết? Có chắc phải chết ngay? Hay 20, 30 năm
sau mới chết vì nguyên nhân khác? Yếu tố di truyền (từ bố mẹ) có ảnh hưởng
gì? Có thể chọn một tên khác thay thế cho chữ “Ung thư/Cancer” đáng sợ? Tại
sao người ta sợ ung thư nhiếp hộ tuyến tới thà chết ngay còn hơn?
Có phải chữ ung thư/cancer đưa đẩy tới cái chết khi chưa phải chết
hoặc đẩy sự chẩn đoán và chữa trị tới mức độ không cần thiết? Trong vòng 30
năm qua, ung thư nhiếp hộ tuyến đã bị chẩn đoán quá mức/overdiagnosis và
chữa trị quá mức/ overtreatment như thế nào? Tại sao? Ai được hưởng lợi trên
sự “chữa trị quá mức”? Bao nhiêu người đàn ông đã bị cắt oan uổng “suối
nguồn hạnh phúc”? Ai có thể thay đổi điều đáng buồn trên: giới y sĩ hay bệnh
nhân?
Không rõ có thống kê số người Việt tự tử sau khi bác sĩ báo tin, hay
do chịu đựng chiến tranh lâu dài người Việt coi cái chết nhẹ tựa lông …mèo.
Dù gan cách mấy
hai chữ “ung
thư” không chỉ ảnh hưởng trực tiếp trên người bệnh mà cả gia đình và bạn bè
thân quyến như một lưỡi dao sắc lẻm treo trên đầu.
Riêng ung thư
nhiếp hộ tuyến
còn là một bản án tử hình cho nam tính.
Một ngày tháng tư 2013 tiếng nói người thân từ đầu dây điện thoại báo tin
“bị ung thư nhiếp hộ tuyến”. Giọng nói càng có vẻ thản nhiên càng khiến sự
cam chịu trở nên sức nặng ngàn cân gây tê liệt hệ thần kinh nơi người nghe.
Chỉ ba tháng trước, người viết bài này chứng kiến sự thay đổi nơi hai người
bạn (một ung thư ruột già, một ung thư vú), tóc rụng hết, da sạm đen, chiều
cao sức nặng chỉ còn phân nửa, một hố mắt sụp xuống, xương mũi biến mất, môi
chỉ còn là hai lằn chỉ, tiếng nói thều thào, răng xiêu vẹo. Cả hai lịm dần
và mất sau đó một, ba tháng. Ung thư có nghĩa là chết! Và chết thảm!! Hình
ảnh này khiến người viết bài này cố tìm hiểu dù i tờ kiến thức y khoa. May
ra có lối thoát! May ra?
May thật, nên có bài này gửi đến bạn đọc. Bài viết tuyệt đối không hàm
ý đóng góp ý kiến, thay thế chẩn đoán, làm lệch hướng chữa trị, mà chỉ có
tính cách chia sẻ, thông tin và nêu thắc mắc. Bài viết tường thuật ngay tình
một chuyện hoàn toàn có thật nhỡ bạn đọc có thể cần đến những nguồn tài liệu
y khoa trích dẫn trong bài. Bài viết vì vậy có khi đi vào chi tiết do kinh
nghiệm lặn lội tìm lời giải đáp nên muốn bạn đọc cùng cảnh ngộ nhẹ gánh phần
nào. Bài viết được sự đồng ý của người trong cuộc tạm gọi là Tép Riu, mà ung
thư nhiếp hộ tuyến ở giai đoạn sớm nhất. Một số kiến thức y khoa trong bài
được “biên tập” bởi một người bạn làm pathologist tạm gọi Bs. Pat, ẩn danh
với Tép Riu, mà chuyên ngành là xem xét các mô sinh thiết dưới kính hiển vi,
chẩn đoán độ phát triển và mức nguy hiểm của ung thư và tầm lan rộng trong
cơ thể. Ngoài ra mọi sai sót thuộc về người viết.
“Ung thư nhiếp hộ tuyến” là gì
Phải thật thà thú nhận chỉ vài năm gần đây email qua lại do các ông lang bà
lang Bướm Vàng hăm dọa về đủ thứ chuyện trên đời mới biết tới hai chữ “nhiếp
hộ tuyến” hay “tuyến tiền liệt” vốn có gốc từ chữ Nhật và Trung Hoa. Người
ta chú ý tới ung thư vú nhiều hơn nhất là sau khi nữ tài tử Angelina Jolie
quyết định cắt hết cả hai trái vú sữa. Bao nhiêu…nam tài tử bị cắt hạt
Walnut ít ai để ý vì người trong cuộc cũng tránh nói tới. Điều này có lẽ
theo quan niệm dạy dỗ từ hồi nhỏ “đàn ông không được khóc than” rất vô lý và
tàn nhẫn vì hình hài dẫu khác nhau linh vật nào cũng đau đớn như nhau.
Mở cuộc phỏng vấn chớp nhoáng nam nữ tài tử bạn bè hầu như không ai nói đúng
nhiệm vụ prostate là sản xuất một thành phần của tinh dịch/semen. Thành phần
này có tính chất kiềm và giúp trung hòa môi trường acid của âm đạo (bảo vệ
tinh trùng), và cung cấp những diếu tố giúp tinh trùng bơi đến gặp trứng.
Nhiệm vụ của tinh dịch/semen không chỉ vẻn vẹn trong 10 giây xuất tinh mà
ông tướng prostate đã bắt đầu điều động binh lính từ nhiều phút trước đó.

Một nữ tài tử hốt hoảng “Chết chửa! Phải đi khám ngay xem có “bị”
không”. Có đâu mà bị? Chỉ nam tài tử có prostate nên mới “bị”. Câu định
nghĩa “duyên dáng” nhất: “tuyến tiền liệt là một đội binh đang xông ra tuyến
đầu mặt trận khi không nằm lăn tê liệt hết ráo”. Diễu dở này tuy vậy có phần
đúng vì trong tiếng Hy Lạp prostates là “người lãnh đạo, đứng trước”
(2).
Trong cơ thể, vị trí của prostate là tuyến đứng trước bọng đái sau dương
vật. Ở tuổi thanh niên prostate bằng cỡ hạt walnut, dài chừng 3cm. Thể tích
của Prostate tăng với tuổi tác.
Trong bài dùng Prostate hay NHT cho nhiếp hộ tuyến, Prostate Cancer
hay UTNHT cho ung thư nhiếp hộ tuyến. Một số từ ngữ chuyên môn khác để cả
tiếng Anh vì không biết dịch, hoặc để không cản trở bạn đọc tham khảo trên
internet hay sách báo ngoại quốc.
Trong ba rối loạn nơi prostate, ung thư nhiếp hộ tuyến hầu như không có
triệu chứng -ở giai đoạn đầu- so với hai rối loạn khác là BPH/Benign
Prostatic Hyperplasia (tăng kích thước) và Prostatitis (viêm).
BPH và Prostatitis có vài triệu chứng chung như tiểu khó, tiểu són hay lắt
nhắt nhiều lần.
Những triệu chứng này chỉ có ở UTNHT vào giai đoạn/stage muộn cộng thêm đau
ngang thắt lưng, háng và đùi.
BPH và Prostatitis
KHÔNG BAO GIỜ biến thành ung thư. Bs Pat. nói rõ, nhìn
dưới kính hiển vi, các tế bào của bướu lành không giống quái thai, không
phân chia bậy bạ và nếu đo hay nhuộm các hóa chất thì không có dấu chứng của
ung thư.
Ví dụ fibroma là một loại bướu lành. Nữ tài tử nào biết chắc trong ngực đang
có một fibroma thì chỉ làm Lumpectomy chứ không làm Masectomy cắt trọn cả
cái bầu quyến rũ cả ong bướm lẫn loài người. Một người có thể có cả hai BPH
và ung thư nhiếp hộ tuyến. Hai cơ chế hoàn toàn khác nhau. Cả hai chứng đều
có thể đưa đến nhiễm trùng và triệu chứng đau kinh niên ở vùng dưới. Cái nào
có truớc có sau chỉ có trời biết. Đừng hỏi trời vì ngài đang bận.
Điều gì gây ung thư?
Ai trả lời được sẽ đoạt giải Nobel.
Có ba điều thường bị đổ oan gây UTNHT: làm tình quá nhiều, cột ống dẫn
tinh hay thủ dâm.
Ung thư xảy ra khi một số tế bào bất thường phát triển trong cơ thể. Tế bào
bất thường này đưọc gọi là cancer cells, malignant cells, hay tumor cells
Điều gì khiến tế bào “trở nên bất thường”?
Bs Otto Warburg đoạt giải Nobel 1931 do chứng minh rằng nhiều nguyên
nhân thứ cấp gây cancer, nhưng nguyên nhân đầu tiên là tế bào không nhận
được đủ oxy nên dùng cách khác là fermentation of sugar (Cancer,
above all other diseases, has countless secondary causes. But, even for
cancer, there is only one prime cause. Summarized in a few words, the prime
cause of cancer is the replacement of the respiration of oxygen in normal
body cells by a fermentation of sugar)
(4). Nôm na, fermentation of sugar là cơ chế biến hóa của cơ thể khi không
đủ oxy phải quẹo cua tìm cách khác, vì vậy gây ung thư.
Theo Bs Pat. giả thuyết của Warburg có thể chấp nhận ở điểm ... “tế
bào ung thư dùng anaerobic respiration/hô hấp yếm khí (vì thiếu oxy) thay vì
aerobic respiration/hô hấp hiếu khí để tạo năng lượng mà sống và mọc.”
Tuy
nhiên “không thể chấp nhận rằng fermentation/anaerobic respiration là
nguyên nhân của ung thư. Ta có thể giải thích đơn giản: tế bào ung thư mọc
mạnh hơn tế bào bình thường rất nhiều và vì không có đủ oxy để làm thế (vì
không có đủ máu từ các mạch máu có sẵn) nên phải dùng cơ chế fermentation.
Thế có nghĩa là phải có cái gì đó biến một tế bào thành ung thư trước cái
đã rồi cái ung thư đó mới "bắt chước" các vi khuẩn và nấm dùng fermentation
- lên men các chất đường để tạo năng lượng khi không có đủ oxy từ các mạch
máu địa phương. Fermentation là cơ chế để sinh trưởng, hay kết quả của ung
thư chứ không phải là nguyên nhân của ung thư.
Bạn đọc tha hồ tìm hiểu thêm, có thể được Nobel không chừng.
Thế nào là ung thư mọc
nhanh/chậm
Theo Bs Pat. cơ thể có
chừng một trăm ngàn tỷ (1014) tế bào. Mỗi ngày chừng 70 tỷ (7010) tự
hoại vì nhiều nguyên nhân (để tạo các bộ phận, cơ quan mới và để các tế bào
và mô phản ứng với các điều kiện bất thuận lợi cho đời sống toàn cơ thể).
Khi tế bào tự hoại, bạch huyết cầu sẽ ăn đi các mảnh tế bào và không gây hại
cho cơ thể. Khi tế bào chết và vỡ ra vì thương tích, chúng tạo phản ứng sưng
và làm mủ.
Ung thư nhiếp hộ tuyến xẩy
ra khi tế bào mọc bất thường thành bướu/tumor. Nếu không chữa trị, có thể từ
prostate lan tới bộ phận khác, đặc biệt là xương và hạch/lymph nodes. Khi đã
lan, “treatment” (tạm hiểu “chữa trị”) vẫn có thể được, nhưng “cure”
(tạm hiểu “chữa dứt”) là điều khó đạt được. UTNHT có thể phát triển nhanh
hay chậm. Nhanh có thể từ 1 đến 2 năm là dứt điểm. Cần canh chừng nếu PSA
tăng gấp đôi trong vòng 2 năm, có nghiên cứu cho là tăng gấp ba trong vòng 5
năm. Chậm/slow growing có thể trong vòng 20 năm. Câu hỏi quan trọng
nhất của bác sĩ và bệnh nhân là UT ở trong prostate hay đã lan ra ngoài và
khi nào lan. Nếu UT chỉ ở trong prostate, khả năng sống sót là 100%. Nếu UT
đã lan, khả năng sống sót tối đa 5 năm là 34%
(3)
Thế nào là “lan”?
Làm sao biết ung thư sẽ
lan hay không lan? Trên nguyên tắc, tế bào không có khả năng lan không phải
là tế bào ung thư; nhưng tế bào ung thư nào cũng xuất thân từ một tế bào
"lành", chỉ vì một hay nhiều nguyên nhân nào đó, tế bào lành “đánh mất”
những kiềm chế và trở thành Tí Quậy.
Thế nào là “lan”? Ung thư không "lây lan" như cảm cúm, ho lao, đậu
mùa...Khi tế bào lành trở thành tế bào UT “dữ”, nó có khả năng a) “ăn
lan/invade hay spread” xuyên qua lớp màng mỏng ngăn cách các mô tới vùng bên
cạnh hay b) “di cư/metastasis” bằng cách chui vào mạch máu đỏ/blood vessels
hay mạch máu trắng/lymph vessels, tới vùng khác của cơ thể và mọc một bướu
UT ở vùng đó.
Dù “invade” hay “metastasis” bướu mới tuy vậy vẫn mang đầy đủ đặc tính
và tên của tế bào ung thư Prostate. Ví dụ dù di cư tới xương, bướu ung thư
đó vẫn có tên “Prostate Cancer”, sự chữa trị in hệt như chữa Prostate
Cancer.
Những chữ “lan” trong bài xin hiểu là ăn lan/invasion hay
metastasis/di cư, không phải “lây lan” như một số hiểu lầm khiến người mang
UT càng cô độc thêm trong bóng tối của sợ hãi. Có lẽ “biến cố” UT cũng là
dịp đo lường tình người, tình gia đình, nghĩa vợ chồng.
Chữa trị thế nào?
Vì tài tử chính Tép Riu
chỉ mới chớm ung thư nhiếp hộ tuyến nên bài viết xoay quanh giai đoạn “mới
chớm” này. Theo Conventional Treatment/Chữa Trị Thông Dụng hiện nay, tiến
trình chữa trị gồm 1. Chẩn đoán bằng thử PSA, DRE và Biosy 2. Chữa trị bằng
Giải Phẫu, Quang Tuyến.
PSA
Nữ tài tử làm Mammogram tìm ung thư vú hay Pap Smear tìm ung thư cổ
tử cung, nam tài tử làm PSA thử máu mỗi năm kể từ 50 tuổi tìm dấu hiệu
UTNHT. PSA là test được áp dụng từ năm 1988.
Mức PSA (đo bằng mcg/mL, ng/mL, hay mg/L) là một hiện tượng sinh lý, thay
đổi bất thường ngay trong một cá nhân. Lượng PSA thay đổi tùy theo nhiều yếu
tố: hoạt động tình dục, có tuổi, bướu xơ, nhiễm trùng, ung thư. Vì vậy, PSA
cao không luôn luôn có nghĩa có UT. Nhưng PSA thấp cũng không có nghĩa là
không có UT. Thế thì còn biết đàng nào mà lần?
(Xin lưu ý: không có một “tiêu chuẩn quốc tế” nào là “mức an toàn” cho
PSA, con số có thể thay đổi ở châu Âu, Úc, Việt Nam… Các lab lại tha hồ dùng
phạm vi tham chiếu (reference
range)
với giới hạn khác nhau)
Các webpages thường nhắc PSA có thể cho con số sai nếu 24-72 tiếng đồng
hồ trước khi làm PSA có xuất tinh, sờ mó, cưỡi ngựa, đi xe đạp…Ngay cả sự
hứng tình suông khi quí quan liếc trên internet mấy cô gái nhà nghèo ít vải
cũng có thể làm máu dồn tới prostate làm đương sự căng vì bực mình bực mẩy
(căng không phải sưng). Do đó, chỉ chăm chú vào mỗi chuyện “không có sex”
trước 24-72 tiếng mà “tháo khoán” những chuyện khác có thể cho số PSA sai.
Theo Gs Sikaris của Melbourn University, nếu kết quả PSA
- dưới 4, cần làm PSA mỗi 4 năm
- từ 4 đến 10, cần làm PSA mỗi 2 năm
- trên 10 cần gặp urologist xem nguyên nhân từ prostate, do nhiễm
trùng hay do bướu lành. Cũng trong bản tin này, nước Úc đã áp dụng từ 9/2012
một loại test mới có tên PHI với độ chính xác là 75% so với độ chính xác của
PSA chỉ 55% (1).
Nếu
PSA dưới 10, bướu còn nằm trong prostate. Nếu lớn hơn 30, có vẻ như đã ra
ngoài prostate và khó mà chữa dứt.
Có thể căn cứ trên vận tốc của PSA (PSA velocity) đo sự thay đổi của lượng
PSA theo thời gian. Tuy nhiên các
nghiên cứu không thống nhất con số trung bình là 0.35, 0.6 hay 0.75 một năm.
Bs. Ian Thompson cho
rằng dùng PSA velocity ở mức 0.35/y không giúp nhiều cho chuyện tiên đoán
ung thư sẽ lan hay chăng nhưng chỉ làm tăng thêm lần biopsy!
(14)
DRE/khám trực tràng
Bs dùng ngón tay thăm NHT qua đường hậu môn (có thể) nhận xét kích
thước, hình dạng hay cấu trúc NHT bình thường hay chăng. Đa số cancer không
được nhận dạng bằng DRE. Còn nếu khi “cảm” thấy được vì cứng hơn hay lợn cợn
thì có lẽ lúc đó PSA đã lên tới 100. Nhưng đôi khi qua DRE có thể tìm thấy
cancer dù PSA thấp. Cả hai test PSA và DRE đều không chính xác.

Biopsy/sinh thiết
Mục đích làm biopsy là để định bệnh, định giai đoạn của bệnh
(staging), định sự nguy hiểm của trường hợp.
Uurologist (Bs làm biopsy) dùng kim rút một miếng nhỏ ở prostate như trong
ảnh. Kim có đường kính trong ruột là 1mm. Bs lấy sợi dài sợi ngắn tùy nơi.
Pathologist sẽ xem xét những sợi này dưới kính hiển vi xem có tế bào/mô ung
thư không và xếp hạng từ 1 đến10. Nếu có ung thư, Pathologist sẽ quyết định
một Gleason Score, thấp nhất là 6 so với cao nhất là 10. Gleason score có
thể thay đổi trong những lần biopsy sau hay trên NHT sau khi mổ vì dù rút ra
nhiều sợi tế bào, biopsy vẫn có thể bỏ sót vùng có ung thư.

Biopsy có
thể làm prostate viêm/inflammation và làm ung thư dễ lan không?
(16). Theo
Bs Pat. biopsy đưa đến một chút inflammation nhưng chỉ giới hạn trong vừa
thời vừa điểm, trong khi ung thư cũng tạo inflammation nhưng kéo dài và lan
rộng. Có thể biopsy khởi động việc ung thư lan, nhưng có lẽ phần biến chứng
đó chỉ là…tép riu so với công dụng rất quan trọng của biopsy cho việc định
bệnh và chọn lối chữa bệnh.
Biopsy có làm tế bào ung thư theo kim lan ra không? Theo American
Cancer Society, điều này có thể xẩy ra trong quá khứ với kim lớn. Với kim
nhỏ ngày nay khả năng ung thư lan rất thấp
(5). Thế nào là thấp so với cao?
Mức độ thấp có gây ảnh hưởng gì? Quí quan có thể vào Google Scholar Search
xem có bài nào xin chạy nhựt trình cho các tài tử khác đọc ké.
Bảng tóm tắt rủi ro ung thư:
Thấp: PSA< 10, Gleason score ≤ 6, stage ≤ T2a,
95% sống hơn 15 năm
Trung bình: PSA 10-20, Gleason score 7, stage T2b/c,
Cao: PSA > 20, Gleason score ≥ 8, stage ≥ T3 và T4, 15-40% sống tới 15
năm
Nếu cần phải làm lại biopsy, sẽ làm 20 tháng sau
(17).
Tép Riu trước 11/2012: PSA 3.3
Xin chia sẻ trường hợp Tép Riu với tất cả sự dè dặt, vì không có hai cơ
thể hay hoàn cảnh gia đình giống in hệt nhau.
Tép Riu 58 tuổi, tâm hồn ăn uống lên ngôi vì thánh nữ nấu ăn ngon,
không ăn fast foods (KFC, McDonald, v.v…). Tép Riu không cà phê/rượu
bia/thuốc lá, thỉnh thoảng có ăn chè, bánh ngọt, cà rem, rượu nho. Hải đảo
không khí trong lành, đồ biển tươi, rau cỏ không thuốc trừ sâu, mớ cà rốt
mua từ chợ khác cà rốt đất liền: da mịn không chút trầy sát, màu tươi ửng,
nhổ cả rễ giữ tươi lâu.
Tép Riu có việc làm vững chắc, gia đình êm ấm, không chơi stock, chỉ có
một căn nhà và một xe nên không mang nợ nhà băng lu bù, cuộc sống ngăn nắp,
bận rộn nhưng không lo lắng. Tép Riu nhiều bạn bè, có niềm tin tôn giáo và
tâm linh, không áp lực đời sống, không sầu buồn, ít cãi cọ phân trần dành
phần thua/thắng.
Tép Riu không ở trong hội “Ba Cao Một Thấp” (cao đường cao mỡ cao máu
thấp khớp), viếng bác sĩ/nha sĩ định kỳ, đi bộ ngày một tiếng, không mỡ
bụng, Body Mass Index lý tưởng: dưới 21.
Nói rõ như thế để loại trừ những nguyên nhân gây ung thư mà các emails
thân ái dọa nạt rung chuyển hơn động đất: ung thư do hút thuốc, uống rượu,
lo buồn, sống xô bồ, ô nhiễm… Emails cũng chu đáo kê toa: phải xả, phải
thiền, mua chim mua cá thả tứ tung, phải ăn chay nộp tiền xây thiền viện…
Tép
Riu bắt đầu thử PSA từ năm 50 tuổi. Trong bẩy năm, PSA từ 1.3 đến 3.3,
velocity là 0.28/năm.
Tép Riu sau 11/2012: PSA 4.3
Tháng
11/2012 thử PSA, chỉ trong hai tháng rưỡi, PSA nhảy lên 4.3.
Tháng 1/2013 PSA vẫn 4.3. Nếu phải tính velocity, thì con số sẽ là 4.8,
một con số “chìm tàu” không tưởng. DRE sờ không thấy “bướu
Dấu hiệu bất thường duy nhất: Free PSA ratio là 14%. Trên 25% là không
ung thư, dưới 25% có nghĩa cái “bướu” nhỏ đó rất có thể là ung thư. Bs hải
đảo gửi Tép Riu làm biopsy lấy 19 sợi ở prostate. Theo báo cáo Patholoy,
Gleason score 6. Trong 19 sợi có 2 sợi có dấu neoplasia (mô mới mọc), không
có dấu hiệu metastasis/di cư vào mạch máu, mạch bạch huyết hay mô thần kinh.
Neoplasia ám chỉ cả mô lành lẫn mô ung thư, đặc tính chung là “mới tạo”. Bs
không cho vị trí và kích thước của bướu vì cho là quá nhỏ.
Theo Bs Pat. về sau đọc cả hai báo cáo, thì
PSA dưới 2.4 ở người dưới 50 và “được phép” lên đến 4.5 ở người 50-59.
PSA
4.3 chỉ là tép riu. Từ đó gọi tài tử là Tép Riu.
Kích thước bướu chừng 4mmx2.25mm.
Chừng
mươi năm trước, Tép Riu vẫn có thể “bị” chữa trị bằng giải phẫu vì Bs không
thể nào chắc chắn vận tốc ung thư và metastasis, hoặc chính bệnh nhân chọn
giải phẫu vì không muốn bị đe dọa thường trực khi trong cơ thể có “ung thư”.
Ngày
nay, tài tử Tép Riu có thể lựa chọn đóng một trong hai phim: giải phẫu hay
Active Surveillance.
Giải phẫu cắt ung thư
Trong vòng 40 năm qua, loài người lên tới mặt trăng cách mặt đất
384.400km, các thi sĩ lên mặt trăng bất kể giờ giấc, thì trái tinh cầu rực
lửa trong cơ thể ít ai nhắc nhở cho đến khi có “vấn đề”, lật đật khoán trắng
cho quí lang Ta lang Tây lang Tàu, lang Băm, lang email.
Khi ung thư ở
giai đoạn/stage T1 và T2 tức
còn ở trong prostate như trường hợp Tép Riu, chữa trị là giải
phẫu.
Có hai loại giải phẫu do Bs giải phẫu
(surgical oncologist)
thực hiện
1.“Radical
prostatectomy/cắt toàn phần”:
Radical có nghĩa là “tận gốc”.
Bs cắt:
- Prostate “trọn gói”
- một số mô, hạch,
- vas deferens (ống dẫn
tinh nhập với ống từ seminal vesicle thành ejaculatory duct (ống xuất tinh),
ống xuất tinh đổ thẳng vào urethra.
- seminal vesicle (tuyến cung cấp
65-75%
tinh dịch và chất bổ dưỡng cho tinh dịch)
- Urethra (ống dẫn tinh và nước tiểu) sẽ bị cắt tạm thời, sau khi cắt
bỏ Prostate, sẽ nối Urethra trở lại
(6).
Bs giải phẫu bằng tay hay nhờ robot thường gọi là da Vinci như trong
youtube sau. Quí quan đau tim hay thánh nữ khó ngủ không nên coi:
http://www.youtube.com/watch?v=Z9r6m9sjOVk

2. “Focal therapy/cắt một phần” nơi “được biết là có ung thư” mục đích tránh
rối loạn đường tiểu và liệt dương.
Từ 2008, tổ chức The International
Symposium on Focal Therapy and Imaging in Prostate and Kidney Cancer họp
hành ngoạn mục mỗi năm thay phiên ở Hoa Kỳ và Hà Lan, nhưng còn quá sớm để
biết có phải “cầu được ước thấy” như các đấng lang Tây hân hoan hớn hở hứa
hẹn. Lý do: Tới giờ này chưa biết
nguyên nhân tạo UT, trong prostate chỗ nào cũng có thể có tế bào UT, làm
biopsy vẫn có thể sót hoặc không “cập nhật hóa” kịp với tốc độ phát triển
của tế bào UT. Tất cả những phương pháp như DRE, biopsy, ultrasound, CAT
scan đều không dò tìm được tất cả UT, thì khó có thể nói focal surgery không
để sót phần có ung thư
Nerve-sparing
trong Radical Prostatectomy là gì?
Prostate có hai chùm dây
thần kinh. Nếu hai chùm này không bị cancer Bs giải phẫu sẽ cố không đụng
tới. Nếu Bs không cắt đứt các dây thần kinh, khả năng cương cứng có thể trở
lại quanh 18 tháng sau giải phẫu. Ngay cả một trong hai hay cả hai bị cắt
bỏ, khả năng tình dục vẫn còn
(7). Tỷ lệ bất lực không tùy thuộc vào…quảng
cáo mà vào sự khéo léo/kinh nghiệm của Bs nhận diện được những dây thần
kinh, và may khéo để sẹo về sau không ảnh hưởng lên các dây thần kinh đó.
Bản tin tờ New York Times:
Paul Nelson 46 tuổi
được giải phẫu bằng
robot bởi một Bs giải phẫu nổi tiếng ở New York quảng cáo rằng 98% bệnh nhân
an toàn. 5 năm sau, Nelson tiết lộ “Of course, I wasn’t perfectly fine/Dĩ
nhiên, tôi không thuộc loại tuyệt đối an toàn”
(7). Ồ, chữ “dĩ nhiên” đầy
cam phận!
Bản dạ khúc “Tiếng khóc khô
không lệ”
Dù cắt toàn phần hay một phần, hậu quả chính vẫn là rối loạn đường tiểu
và bất lực, có thể là lý do chính dẫn tới chọn lựa thà chết còn hơn tuột lơ
ống sậy.
Dù được quảng cáo như dầu cù là Con Cọp, nghiên cứu cho con số không
mấy tươi cười: có tới 86% potency/bất lực, 86-100% rối loạn đường tiểu. Sự
cường dương có thể trở lại sau 2 hay 3 năm, nhưng chỉ làm libido tức tưởi in
hệt…thái giám. Chỉ kể sơ sơ: sự sướng ngất nếu có cũng “khô” vì không còn
tinh dịch. Ngoài ra bệnh nhân phải mang tã có khi suốt đời, bị tê nửa
người…Những tin tức này được lập đi lập lại, với các con số khác nhau, ở
webpages US National Library of Medicine, Memorial Sloan-Kettering
Cancer Center, WebMD, Cancer Research UK
(8)...American Cancer Society dẫn
New England Journal of Medicine 01/2013, theo dõi 1,655 người
(1.164 giải phẫu và 491 radiation), 15 năm sau tất cả vẫn có vấn đề (cường
dương, đại và tiểu tiện): 87% ở người giải phẫu và 93.9% ở người có
radiation
(9).
Radiation là
dùng một nguồn năng lượng để phá các sợi DNA của tế bào ung thư.
Phá là làm vỡ hay làm gãy, không phải “đốt” là làm cháy. Tùy loại therapy,
Radiation có thể energy cao hay thấp.
Bs Durado Brooks dẫn báo cáo của US Preventive Services Task Force a.
chừng 30% bệnh nhân có một trong những hậu quả trên b. cứ 200 người thì có
1 người chết 30 ngày sau khi giải phẫu (10). Bs Brooks là giám đốc
Prostate and Colorectal Cancers, American Cancer Society
Active
Surveillance là gì?
Tép Riu may mắn có một oncologist hải đảo không lùa Tép Riu lên bàn mổ
mà
dùng hư chiêu Active Surveillance “No treatment is best treatment/Cách chữa
hay nhất là không chữa gì hết”. Onco: mass, tumor; oncologist là Bs chuyên
khoa UT. Bs gửi Tép
Riu về nhà đuổi gà
hẹn làm PSA và biopsy tháng 8/2013.
Theo Bs Brooks ở Mỹ cứ 9 trong 10 người có prostate cancer được điều
trị cấp kỳ ngay sau khi được chẩn đoán có ung thư, vì không bao giờ nghe tới
Active Surveillance/ Canh Chừng. Tép Riu may mắn là người thứ 10.
Active Surveillance áp dụng cho bệnh nhân còn trẻ, mạnh khỏe, stage 1
hay 2. Active Surveillance khác với Watchful Waiting “Nothing we can
do/Không làm được gì hết” tức đợi triệu chứng bệnh xuất hiện, dành cho người
lớn hơn 70 tuổi cuộc đời còn lại có thể -+10 năm nữa. Có webpage còn khuyên
bệnh nhân nên làm di chúc. Hiện nay, một số y sĩ không còn dùng chữ Watchful
Waiting vì cho bệnh nhân cảm tưởng “không làm gì cả”. Brooks nhấn mạnh chính
các bác sĩ cũng chưa thống nhất về ý nghĩa và áp dụng giữa Watchful Waiting
và Active Surveillance .
Dù tên gọi là gì, bệnh nhân cần biết đang chờ đợi những gì.
Theo Brooks, Active Surveillance là hoãn giải phẫu hay radiation
cho đến khi có dấu hiệu cần thiết, có thể là vài năm hay cả đời. Bs sẽ theo
dõi bằng PSA velocity, Free PSA Ratio và biopsy, canh chừng nếu có triệu
chứng tiểu ra máu, đau lưng, đau bụng dưới hay háng. Nhưng bệnh nhân với tâm
lý muốn đẩy ngay mầm ung thư mà họ cho là kinh khủng trong người, khi được
báo “Không Cần Làm Gì Hết” thường chạy bay biến đi tìm một bác sĩ khác để
“được làm gì”, và rất hài lòng với đề nghị giải phẫu hay tiêu diệt tế bào
cancer bằng radiation bất chấp hậu quả của hai lối điều trị này. Điều
kỳ nhất là khổ chủ muốn phá hủy Prostate của mình hăng hái hơn cả Bs
(10)
. Người ta, kể cả bác sĩ, sợ ung thư quá và thà rủi ro tiểu són liệt dương hơn
là chết.
Nhưng ngay cả khi bệnh nhân có hiểu biết về Active Surveillance cũng
còn nhiều yếu tố khác ảnh hưởng tới việc chọn lựa này. Đó là sự ủng hộ của
Bs, gia đình và bạn bè. Quan trọng nhất là bệnh sử của bệnh nhân, kinh
nghiệm có với bệnh nhân cancer khác và quan niệm về cuộc đời phía trước.
Ít webpage nói rõ hậu quả tiêu cực (tiền bạc/nhân mạng) của chữa trị
quá mức/ overtreatment là nguyên nhân vẽ ra màn Active Surveillance.
Ý niệm
Active Surveillance có thể còn mới mẻ, nên webpages chuyên ngành luôn khuyến
khích bệnh nhân “self-educated/tự học”. Chữa trị không còn là độc quyền của
y sĩ trong thời buổi toàn cầu hóa tin tức như hiện nay.
Prostate dưới “con dao hai lưỡi”
Hơn 30 năm nay “cắt phăng” là cách dễ nhất. Làm biopsy, hơn chục cái kim
đâm nát prostate khiến nhiều tuần lễ sau nước tiểu và tinh dịch còn trộn
máu, nhưng vẫn có thể bỏ sót một vài tế bào ung thư phục kích.
Oncologist/Urologist/Surgeon không là thầy bói tiên đoán vận mệnh của
prostate. Còn đợi gì mà không cắt một cục thịt vô dụng và nguy hiểm?
Tuy
nhiên, như Tagore viết “Một đầu óc duy lý giống như con dao hai lưỡi có thể
làm chẩy máu tay”. Chữa trị hiện nay chỉ xoay quanh cái hạt Walnut 3cm làm
bệnh nhân và gia đình hốt hoảng theo quên rằng dù có ung thư con người vẫn
có một đời sống đẹp. Cái tuyến prostate dù hư nhưng giống như con mình nó
không... hỏng. Con cái không phải hễ hư là hỏng hoặc không hỏng cũng cứ hư.
Người Ấn Độ vô địch về tưởng tượng, nhân cách hóa. Theo kinh Veda Ấn Độ,
Linga/dương vật tượng trưng cho quyền uy tối thượng của tri thức và sáng
tạo. Yoni, bộ phận người đàn bà, cái ổ ẩn mật chuẩn bị đón nhận sự sinh tồn.
Linga của thần Shiva là biểu tượng cho sự vượt thẳng, sự thăng hoa. Sự dựng
đứng tượng trưng cho lửa là nơi cư trú của Đấng Thông Suốt, bên trong chứa
đựng Đấng Hồi Sinh.

Một vụ ly dị phải suy nghĩ năm hồi bẩy trận, thủ tục toà án bắt tương
nhượng chán chê trước khi ra phán quyết. Prostate, hậu phuơng của Linga,
chăm chỉ ngỏng đầu làm việc không ngừng chưa xin nghỉ không lương ngày nào
lại không được hưởng xa xỉ ấy. Đây là một điểm tâm lý còn phủ lớp màn đóng
kín chưa ai phân tích tại sao nam tài tử không dám cắt tiết một con gà hay
đập chết một con mèo nhưng dễ dàng tự…ám sát. Tại quá sợ ung thư? Tại không
thực sự trân trọng sức khoẻ? Bị dư luận xã hội mua đứt rằng phải tin lời bác
sĩ? Vì bị nghiền nát trong “văn hóa tiêu thụ” độc nhất vô nhị của nước Mỹ
“phải nợ mới có credit ngon, phải cắt mới chữa được ung thư”.
Không ai hỏi bệnh nhân choáng váng thế nào, đau đớn ra sao, cô độc có
thể đưa đến những toan tính gì…Bệnh nhân cũng chỉ sợ mất mặt làng xã vì phải
mang tã hơn là ý nghĩa của việc cắt bỏ một mầm sống. Ít ai nhớ tới nhiệm
vụ đầu tiên của Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế “…che chở mạng sống và
phẩm cách
cho nạn nhân khỏi vũ khí, bạo lực…” Phải cố cứu cả mạng sống và phẩm cách
khi “còn nước còn tát”, cách ngôn Việt Nam có vẻ thích hợp trường hợp này.
“Hai muơi năm sau, bạn sẽ
thất vọng hơn nữa
vì những điều bạn đã
không làm hơn
là những điều bạn đã
làm.
( H.
Jackson Brown Jr.)
Bốn tháng có kịp chữa cháy?
Cú phone từ hải đảo báo tin có “ung thư nhiếp hộ tuyến” chỉ làm hoảng
hốt trong giây lát, người viết liền sắm vai Lính Chữa Lửa vì sẵn đang theo
dõi chứng BPH (nhiếp hộ tuyến tăng kích thước) cho thành viên trong nhà, và
vì gia đình Tép Riu ở xa đất liền khó cơ hội mua sắm. Nắm giữ chức “chủ tịch
ủy ban nhát gan” vì sợ dao kéo, Lính Chữa Lửa cho là phải “ra tay” trước
thay vì ngồi chờ tháng 8 năm Dần tháng 3 năm Ngọ. Làm gì để “diệt ung thư”
mà không hại người bệnh? Làm sao chạy đua với kim đồng hồ chỉ còn bốn tháng
khi Lính Chữa Lửa i tờ không chút kiến thức y khoa. “Tát” gì khi bí kíp duy
nhất là
kết quả PSA Tép Riu gửi qua email, với định nghĩa mà Lính phải lội bì bõm
mới hiểu chút đỉnh: total PSA, Free PSA ration,
prostatic acinar adenocarcinoma, High-grade
prostatic intraepithelial neoplasia…
Hai tuần lễ đầu,
ngoài internet Lính la cà ở thư viện, tiệm sách, bệnh viện, tiệm Whole Food.
Càng đọc tài
liệu
nhắm thanh toán “cái mầm chết”, bức tranh Conventional Treatment càng hiện
lên càng gây sững sờ vì độ “chính xác” không …chính xác đến vô lý.
- Nguyên nhân gây UTNHT: không rõ
- PSA: chỉ chính xác 55%
- DRE, biopsy, Ultrasound,
CAT scan: vẫn có thể sót tế bào UT
- PSA velocity:
nghiên cứu cho con số khác nhau
- Giải phẫu và Radiation: dẫn tới rối loạn đường tiểu/khả năng sinh lý
- Active Surveillance-Watchful Waiting: Bs cũng không phân biệt
- Active Surveillance chỉ là trì hoãn (giải phẫu, radiation…)
Cả một hệ thống y tế khổng
lồ khập khiễng chạy theo chữa triệu chứng, chữa con số, chữa kết quả thử
máu…mà không màng đến bệnh nhân. “Bệnh nhân” chỉ là cái bóng mờ cạnh cái
bướu vô hình. Quan tòa không thèm liếc nhìn “bị can” hoang mang run rẩy
trước vành móng ngựa, lạnh lùng tuyên án. “Ông bị ung thư” là án tử hình,
Giải Phẫu là khổ sai vô hạn, Active Surveillance là chung thân hữu hạn. Lính
mới đọc đến đâu dấu biệt tới đó không cho Tép Riu hay vì thánh nữ trong nhà
chỉ muốn Tép Riu trắng án.
Ánh sáng cuối đường hầm?
Thình lình
Lính mới
lưu ý tới sự ca tụng thái quá “ăn uống kiểu Mediterranean” của người Ý/Hy
Lạp/Tây Ban Nha: nhiều rau, trái, cá, ít sữa dầu mỡ thịt... cho là vì vậy
người dân vùng Địa Trung Hải thon gọn và ít ung thư. Cách ăn uống này đâu có
khác gì món Việt? Món ăn VN còn lành mạnh hơn vì không có sữa + phó sản vốn
là những món mà giới nghiên cứu ung thư Trung Hoa cấm kỵ. Những món như canh
chua cá kho tộ - gỏi bắp cải- chả cá thì là…vừa ngon vừa bổ vừa rất “nên
thuốc”. Món phở với hồi-quế-gừng--ớt toàn là “thuốc” mà thời nữ hoàng
Cléopâtre phải trả bằng vàng mới có.
Lại chăm chú đọc tới đọc lui
báo cáo bệnh lý
ghi dòng nhỏ xíu Tép Riu thiếu vit.D/Vitamin D deficiency. Vit. D giữ vai
trò gì trong ngăn
cản tế bào ung thư biến thành "dữ"?
Cơ thể còn thiếu vitamin gì nữa? Thiếu vitamin liên hệ thế nào tới ung thư?
Đơn chất hợp chất nào
bù lượng vitamin thiếu?
Kỷ niệm trong gia đình bà nội dùng nghệ đen nghệ vàng mật ong ngải cứu
chữa đủ thứ “bệnh” vào 60 năm trước thời một viên Ganidan hay Dagénan của
Pháp quí như vàng. Tại sao không trở lại…thời bà nội dùng thực phẩm thiên
nhiên tránh dao kéo mổ xẻ?
Tình cờ vớ trong một tiệm Whole Food cuốn Alternative Medicine của Burton
Goldberg Group liệt kê hơn 200 thứ bệnh trị bằng cây cỏ dân gian. Cuốn sách
được coi là Kinh Thánh hơn một ngàn trang giấy khổ lớn, tái bản lần thứ hai,
đủ hiểu người Mỹ cũng nương tựa vào Mẹ thiên nhiên. Internet la đà chuyện
đau đớn lẫn vui mừng của bệnh nhân Cancer.
Có người chỉ uống nước cà rốt trong vòng 2 tuần. Nhà văn Aleksandr
Solzhenitsyn viết là ông dùng trà Chaga chữa khỏi ung thư. Đối chiếu với
những websites chuyên ngành như Medicine.net, webMD, Harvard, John Hopskins,
Mayo Clinic, Medicine.net, JAMA, National Cancer Institute... (11)
đôi khi bổ
túc nhau hay trái ngược nhau. Website này bảo Brazil nut rất tốt vì nhiều
Selenium, website kia lắc đầu quầy quậy. Website khác nói calcium cao có thể
làm tăng prostate cancer. Website này bảo giá làm từ hạt broccoli có chất
sulfurophane 30-50 lần nhiều hơn broccoli thường có thể diệt tế bào ung thư. . .
Rốt cuộc Lính mới cũng “khoanh vùng” được một số rau cỏ theo tiêu chuẩn
do các webpages đề ra:
1. tiêu hủy/ngưng không cho tế bào ung thư phát triển
2. nâng hệ miễn nhiễm/Immune System
3. nâng mức Antioxidants
4. diệt
Free Radical
Dù I mmune
System, Free Radical là những khái niệm mới còn trong vòng nghiên cứu nên
mạnh ai nấy hiểu, nhưng đọc hoài thì ngộ ra rằng dân gian còn đi trước
Hippocrates “Food is your medicine/thực phẩm chính là thuốc”.

“Trong tay thánh nữ có đời Tép Riu”
Bắt đầu tháng 6/2013, Tép Riu theo một
Nutrition Road Map gồm hai nhóm: nhóm bổ dưỡng và nhóm tạm gọi
Cancer-Fighter. Cả gia đình
Tép Riu
chuyển qua ăn gạo lức, nhiều broccoli, cà chua, thìa là, gà, đồ biển, dầu
olive, muối biển Himalaya, làm giá
từ hạt broccoli/kale/bắp cải/alfafa…Nguồn
tin tình báo Homeleaks cho hay Tép Riu vẫn ăn ngon lành khiến các cô người
mẫu phải ao ước và triệu phú ốm lăn ốm lóc trên đống vàng muốn đánh đổi. Mật
báo viên cho hay ngoài danh sách DON’T, Tép Riu không kiêng cữ thứ gì, dọn
gì ăn nấy, thích gì ăn nấy. Tép Riu biết rằng dinh dưỡng chỉ có thể thay đổi
ung thư giai đoạn đầu nên càng vui miệng càng tốt. Sáng chàng hân hoan ăn
bốn lát sandwich, trứng chiên, thịt bò thịt heo nạc, khoai ghiền, rau sống…
Chàng nhẹ nhàng sơi thêm một chén oat meal, một dĩa trái cây cùng sữa đậu
nành. Sợ sữa buồn, chàng rón rén thêm ly nước cam cho có bạn và sau cùng
nhanh chóng thanh toán chiến trường lén thánh nữ dấu hai nắm đủ loại hạt
trong túi áo. Mớ hạt đó buổi trưa chàng đi bộ ngoài nắng chia cho mấy chú
sóc bươn bả chạy theo xin xỏ…Buổi tối xum họp gia đình, chàng vui vẻ sơi tái
ba chén cơm nếu có món canh chua cá kho rau xào tôm rang chem chép nướng
…Đây là điều đáng lưu ý vì thường “bệnh nhân” ung thư khi không kiêng khem
đủ thứ, trên đầu mọc một dàn dưa leo, tay trái leo một dây mướp đắng, tay
phải tháp một cây đu đủ đực, người xanh um như một vườn rau biết đi, cay như
một củ gừng, vàng khè như một củ nghệ, thở toàn mùi tỏi, sáng sớm uống hai
muỗng dấm táo. Ăn uống không đầy đủ, không quân bằng, thiếu
các sinh tố hay amino acid mà cơ thể không chế tạo được sẽ dẫn đến hàng trăm
thứ bệnh. Vấn đề là ăn gì và nấu thế nào? Câu trả lời đến từ nhà bếp. Thế là
“Trong tay thánh nữ có đời Tép Riu”.

Tủ thuốc dã chiến Cancer-Fighter
Cũng từ tháng 6/2013,
“tủ thuốc Cancer-Fighter” của Tép Riu bắt đầu “đi vào hoạt động”.
Trà:
Quế,
Dandelion Root, Chaga Tea, Rosemary,
Kashmiri Tea,
Triphala, Essiac
Hạt: Hemp Seed, Flaxseed, Sunflower, Chiaseed
Nut: Brazil nut, Pitashios, Walnut, Almond, Kỷ Tử/Goji
Supplement: Vit. D, Seaweed,
Wheat Grass….
Sẽ trở lại với những loại rau cỏ, chất khoáng này trong bài tới, từ cỏ dại
Dandelion rẻ tiền đến nấm đắt tiền.
Ngoài ra, Tép Riu còn phải theo một danh sách “DON’T”, nói KHÔNG với
Cá lớn, cá nuôi
Thịt ướp (sausage, bacon,
hotdog)
Sữa + phó mát/cheese + yogurt,
Mỡ động vật và một số dầu thực
vật
Các loại nước ngọt-cà phê-rượu
bia
Đường trắng, bánh mì trắng, gạo
trắng, mì ống
100% juice cũng khó tin vì
không rõ thành phần trái cây, thành phần hoá học
Tép Riu chăm chỉ ăn uống, đi bộ ngày hai tiếng, không hy vọng hão,
không thất vọng sảng, sự chấn động ban đầu phai dần. Tép Riu không sống với
“cái tôi” thường thấy ở những “tiến sĩ”. Có lẽ vì là tiến sĩ toán, Tép Riu
biết khoa học có nghĩa là tò mò mới tiến bộ nên hớn hở ghi vào
bộ não trắng tinh kiến thức mới mẻ.
Với hiểu biết giới hạn và “tủ thuốc dã chiến Cancer-Fighter” tài tử chánh
tài tử phụ chỉ dám hy vọng giữ PSA yên mức 4.3, vì nếu tính nhẩm
kiểu…“thuyền ra cửa biển”, mỗi 2.5 tháng tăng một chấm, một năm tăng gần 5
chấm, thuyền chưa ra tới biển đã chìm lỉm.
PSA tháng 8/2013: kết quả bất ngờ
Sau ba tháng (sáu/bẩy/tám) thử PSA từ 4.3 giảm xuống 2.6 (4 là
mức “an toàn”).
PSA từ 3.3 lên 4.3 rồi xuống 2.6! Oncologist vò đầu bứt tai! PSA nhảy
tanh tách như một con cào cào buổi khai trường, đứng yên suốt 10 tháng rồi
đột ngột xuống thang. Tép Riu làm khoa học mất mặt bầu cua vì không biết
chẩn đoán ra sao.
Theo Bs Pat. ung thư đồng nghĩa với đau đớn và chết nhưng chỉ đúng cho ung
thư thứ dữ, hết thuốc chữa, khi người bệnh đã có triệu chứng lâm sàng. Rất
có thể có nhiều người bị ung thư nhưng thoát chết mà không hay biết vì một
tình cờ may rủi nào đó trong đời, trong đó có lối sống và ẩm thực. Điều này
giải thích có rất nhiều người cà phê, trà rượu, không kiêng cữ ăn uống nhưng
không bị ung thư. Ngược lại, bà xơ bị ung thư vú rất nhiều.
Tép
Riu biết có ung thư chỉ vì cái test PSA oái ăm 4.3. Có thể
a. chàng đã có “mầm” ung thư từ lâu nhưng không biết
b. nếu lab thử PSA dùng một phạm vi tham chiếu (reference
range)
khác thì PSA
Tép
Riu cho ra một số thấp hơn
c. nếu Tép Riu không thử PSA, chàng hoàn toàn không hay biết, hồn nhiên
sống và
chỉ lơn tơn chết vui vẻ vì bệnh khác. Bố của Tép Riu đang mạnh khỏe
vào tuổi 89.
Một oncologist cho là Tép Riu có cơ thể của một…quái nhân. Ông cho rằng
có thể do thực phẩm nhưng herbal agents/cây cỏ có thể là nguyên nhân dù
không chắc lắm vì Tép Riu không có “nhật ký” ghi chép ăn uống mỗi ngày. Ông
cho rằng có thể một loại trà quỷ quái làm giảm libido khiến Prostate không
thèm “bực mình”, không “căng” nên PSA thấp?
Tép Riu từ chối không làm biopsy tháng 8 như Bs đề nghị. Bs hẹn làm PSA
tháng 12/2013.
Sự thật ở đâu?
Sự kiện có nhiều nhưng sự
thật chỉ có một. Cơ thể và tâm linh con người không thể tách rời nhau.
Tép Riu có gia đình hạnh phúc bạn bè ân cần, có niềm tin
mãnh liệt vào đời sống dù chưa biết ngắn dài: một mặt thảo chương
trình dài hạn ngắn hạn, một mặt nhận săn sóc chăm lo và chuyển cho người
khác.
Có lẽ chính bản năng
sinh tồn tự động làm việc mà không cần sự can thiệp
của não bộ và những định nghĩa mơ hồ “Boosting Immune System/nâng hệ thống
miễn nhiễm”. Có thể Tép Riu tha thiết với cuộc đời vì “chỉ có một cuộc đời
tươi đẹp này để sống” khiến cơ thể tự hàn gắn. Hay tình yêu thương gia đình
ràng buộc khiến Tép Riu không thể rời xa ít nhất lúc này? Hay Tép Riu có
công trình dở dang cần làm xong chưa…đi được?
Tép Riu đã
tự cứu mình khi đổi cách ăn uống và tựa vào Mẹ Thiên Nhiên dùng
nhiều cây cỏ hơn là “thuốc” trích hóa chất từ cây cỏ. Có thể
trong “tủ thuốc Cancer-Fighter” và thực phẩm hàng ngày, có đơn chất hợp chất
nào đó bổ xung chất cơ thể Tép Riu đang thiếu? Cobalt, iodine, iron,
selenium, magnesium…? Nutrition Road Map có vẻ như giữ vai trò quyết định
giai đoạn này. Chắc không nên hỏi 10 năm 20 năm sau nữa ra sao, không nên ép
thời gian quá mức. Vì còn nhiều ẩn số.
“Khoa
Học! Hãy ở tuyến đầu!”
Loại bướu Tí Quậy của Tép Riu mới mọc, không sờ thấy, không cần giải
phẫu, không cần quang tuyến, không cần uống thuốc, không lang thang quậy phá
hàng xóm, tại sao
Giá Bs thẩy Tép Riu lên bàn mổ, anh nhóc Tí Quậy này sẽ là một gánh nặng xã
hội chừng vài chục ngàn đô la. Năm
2010, tốn phí cho Prostate Cancer là
$11.85tỷ đô la (16). Cách chữa trị tối tân hơn, nhưng kết quả có khá hơn? Có
giảm hậu quả nghiêm trọng như nêu trên? American Cancer Society đặt câu hỏi
và tự trả lời “Câu trả lời thật đáng ngạc nhiên “Ai mà biết? Mà biết làm
quái gì mới được chứ?”
(17)..
Theo Bs Pat. trường hợp Tép Riu nên gọi là Indolentoma hay PEN
(Prostatic Epithelial Neoplasia).
Indolentoma: In: không; Dolent: đau; Oma: bướu.
Epithelia: biểu bì, lớp ở trên hay ở trong các cơ quan; Neo: mới; Plasia:
mọc.
Theo Bs Jonathan Oppenheimer, ngoài lý do bệnh lý, chữ
Neoplasia không mang gánh nặng đe dọa. Nó giúp giới y sĩ chẩn đoán, giúp
bệnh nhân và bác sĩ dễ đi tới một đối thoại hợp lý, đồng thời cũng giúp bệnh
nhân lựa chọn cách điều trị và do đó có thể làm giảm hậu quả tiêu cực của
chữa trị (12).
;
(13).
Trời đất! Thế thì y sĩ giải phẫu ung thư sắp đi xin tiền thất nghiệp? Không
phải dỡn chơi! Khủng hoảng tinh thần của giới y sĩ vì thưa kiện, tiền thưởng
kếch xù cho người thắng kiện, tiền đóng bảo hiểm nghề nghệp leo thang và một
số Bs quyết định bỏ nghề là những điều có thật. Có lẽ chỉ cộng đồng VN có
nạn ép con học bác sĩ để được tiếng “bố mẹ quan đốc”, một quan niệm có từ
thời Pháp thuộc rơi rớt từ thời Nho sĩ.
“Bệnh nhân! Hãy ở tuyến đầu!
Bs Lundberg, National Cancer Institute và JAMA có những bài trên cho
giới y sĩ, không cho chúng sinh vô tội. Đã đến lúc quí tài tử cũng phải hô
to
“Bệnh nhân! Hãy ở tuyến đầu”
Muốn ở tuyến đầu không khó trong thời buổi tin
học này! Tới giờ này y học chưa biết hết ngõ ngách nguyên nhân ung thư, do
đó không có chữa trị nào tuyệt đối an toàn hay không an toàn. Những khám phá
đều tương đối. Các nghiên cứu/tài liệu luôn dùng chữ “có thể/may be” thì
đừng “ép” Bs hay trông mong Bs “phải biết quá nhiều”. Bs chỉ là người nhắc
lại những gì học ở nhà trường, họ không phải là người sáng chế. Bs như người
làm bánh nướng bánh dẻo ngày tết trung thu một trăm cái in hệt nhau. Không
có giải pháp “one size fit all” khi cơ thể có những ẩn số riêng ảnh hưởng to
lớn đến chẩn đoán và chữa trị như yếu tố di truyền, kích thước/vị trí cái
bướu…American Cancer Society cung cấp một danh sách câu hỏi
(15)
nếu tự tìm hiểu và trả lời trước khi mếu máo gõ cửa bác sĩ chắc chắn cứu vãn
được thời gian, tiền bạc và mạng sống. Tự mình đi tìm sự thật là một thách
đố và cũng là một tự do trong thời buổi tin học đầy rẫy tin tức: phân tích
đúng/sai và sử dụng chúng thế nào là tùy mỗi người.
Làm sao ở tuyến đầu! Kết
quả 2.6 trên là từ cố gắng dù đầy rẫy sai lầm. Hoang mang giữa bí mật của cơ
thể, của thiên nhiên và sự phức tạp của hàng ngàn trang giấy, Lính Chữa Lửa
non nớt đã phạm nhiều sai lầm, từ hệ trọng như chưa biết giai đoạn/stage đã
xem Focal Surgery như giải pháp tốt nhất; cho đến đơn giản là đọc tào lao
đến khi hỡi ơi khám phá chỉ 20% nghiên cứu chuyên môn thật sự có giá trị, và
đôi khi các giá trị đó cũng thất lạc vì hiện tượng tam sao thất bổn khi đến
tay đại chúng, chưa kể đại chúng i tờ. Nhưng cũng chính từ sai lầm ấy, Lính
mới sắp xếp được bài này theo tiến trình hợp lý. Nếu bài viết giúp làm sáng
tỏ đôi điều thì đó là “duyên lành” của Tép Riu, của Bs Pat, của những nghiên
cứu và cả những chú chuột trong phòng thí nghiệm.
“Giữa đoàn hùng binh có anh đi
hàng đầu”
hay
“Giữa đoàn hàng binh có anh đi
hàng đầu”
hoàn toàn là lựa chọn cá nhân
“Hãy yêu lấy sự bất toàn”
Nguồn tin HomeLeaks cho
hay Tép Riu đang sống vui sống khỏe với PSA 2.6. Tép Riu sẽ làm gì để giữ
PSA dưới 5, giữ PSA velocity dưới 0.6 μg/l/y, là phim bộ nhiều tập. Nhiệm vụ
chữa cháy đã xong, Lính Chữa Lửa thơ thới lui về trồng rau, trả sân khấu cho
tài tử Tép Riu. Riêng với bạn đọc kiên nhẫn, thưa thốt đôi điều nhân duyên
đưa đẩy thoảng nghe từ lớp thiền Miến Điện một ngày tháng 5/2013, tiểu bang
xanh Washington.
đau đớn bệnh tật ư?
đó mới là bạn đường chung thủy
lẽo đẽo theo mình cả đời
dù thề thốt nặng lời không ai
chết theo mình cả
chỉ bệnh tật mà thôi
hãy thăm hỏi lắng nghe Tí Quậy
nói gì
đừng nghiến răng trợn mắt
nó trợn mắt lại là bỏ mạng sa
tràng
mỗi sáng nhớ chào hỏi lễ phép
“nè Tí Quậy thức dậy uống nước nào”
chuyện trò mỗi ngày hỏi nó cần
gì
muốn nghe nhạc nhẹ hay dắt tay
đi bộ ngoài bãi biển
buổi tối nhớ xoa lưng ân cần
“Tí Quậy ơi ngủ cho ngoan”
nếu dứt bỏ, nhẹ tay êm ái mỗi
ngày một chút
nếu chặt phăng, Tí Quậy dẫy
đành đạch mình cũng chết ngay
chưa chắc ai chết trước
nhớ rằng các tế bào sinh ra đều
lành
như tinh trùng ban đầu thụ thai
trong trứng
nếu con đẹp đẽ khoẻ mạnh là con
mình
chẳng lẽ con quặt quẹo bất toàn
là con ông hàng xóm?
còn biết ngày mai sẽ ra đi,
vẫn vui như không phải hôm nay
ngày cuối
bên đồi hoa, Dandelion vẫn rực
vàng
vẫn có một đời tươi đẹp đón chờ
nếu khi ra đi mang theo niềm
tin yêu và hy vọng
rằng nếu bắt đầu lại từ đầu
xin khoan
xin khoan đừng đi vội về sau
ánh sáng rực rỡ tràn ngập trái
tim
của sát na gặp gỡ cuối cùng
là buổi bình minh của kiếp sau
Riêng gửi bạn đọc giai đoạn T4 bài hát Le Papillon,
Le papillon
Phim Pháp phụ đề chữ Anh dài 80 phút
Le papillon
Parce que ça fait partie du charme
Enfin….
Pourquoi les jolies fleurs se fanent?
Parce que ça fait partie du charme.
Rồi ra…
Tại sao hoa xinh rồi cũng tàn héo?
Ô kìa! Bởi vì tàn héo cũng đẹp chứ sao
Trần Thị Vĩnh Tường
14-24 tháng chín 2013
Viết từ Suối Nước Trong

Đồi hoa dại Dandelion
***
*** ***
Chú thích
1.
Conventional Treatment/Chữa Trị Thông Dụng, là những phương cách Bs
thường chọn chữa trị ung thư, gồm
2.
Không rõ có nghiên cứu nào về sự “bực mình” khi quí quan liếc các cô
nhà nghèo ít vải: một ngày bực mấy lần, căng bao lâu, số lần bực có hay đổi
theo tuổi tác, tới tuổi nào hết bực, sự bực mình này có ý nghĩa gì về phương
diện bệnh lý và tâm lý học: phản ảnh sức khoẻ tốt cả tâm lý lẫn thể xác hay
ngược lại?
3.
Bs George D. Lundberg, cựu chủ nhiệm của JAMA trong suốt 17 năm, bị
JAMA cho nghỉ việc “vì bất đồng chính kiến” JAMA, viết tắt của The Journal
American Medical Association. Ai bảo nước Mỹ luôn “trong suốt”?
http://en.wikipedia.org/wiki/George_D._Lundberg.
4. United States Preventive Services Task Force (USPSTF) và National Cancer
Institute (NCI) đều trực thuộc bộ Y Tế (U.S. Department of Health and Human
Services) nhưng độc lập trên nguyên tắc chuyên môn.
USPSTF: do bộ Y Tế thành lập, yểm trợ tài chánh và nhân sự để duyệt xét
bằng chứng của sự hữu hiệu và làm đề nghị cho các dịch vụ y khoa phòng ngừa.
USPSTF gồm các nhà chuyên môn trong ngành y khoa cơ bản (primary care
physicians) và dịch tễ học (epidemiologists) độc lập và đặt trọng tâm vào sự
hữu hiệu của các kỹ thuật y khoa trên sự ngừa bệnh.
NCI: đảm trách sự điều hành và yểm trợ các dich vụ y tế để nghiên cứu,
đào luyện và phổ biến những dữ kiện liên hệ đến nguyên nhân, phòng ngừa,
định bệnh và điều trị ung thư.
Cả hai cơ quan độc lập với các cơ sở y và dược học thương mãi nhưng
vì trực thuộc vào bộ Y Tế, đôi khi ý kiến của họ có thể phải phản ảnh đường
lối chính trị của đảng cầm quyền, và đảng cầm quyền có thể bị lobby của các
cơ sở thương mãi mua chuộc.
Tham khảo
1.
Suicides linked to prostate cancer test, expert warns
http://www.couriermail.com.au/lifestyle/health/suicides-linked-to-prostate-cancer-test-expert-warns/story-fnihoylo-1226692348055
2.
http://etymonline.com/?term=prostate
3.
Elizabeth Radke,
MPHFaina Linkov, PhD
University of Pittsburgh Cancer Institute
-
Epidemiology of Prostate Cancer - University of Pittsburgh
http://www.google.com/url?sa=t&rct=j&q=&esrc=s&source=web&cd=3&ved=0CEAQFjAC&url=http%3A%2F%2Fwww.pitt.edu%2F~super4%2F34011-35001%2F34031.ppt&ei=myeDUq69KeX5iwKUyYHoBw&usg=AFQjCNEBZ7O7fWnjpkA3PjGgKY_f6NhRbA&sig2=dCommKZATysVowdOpFK2ZA&bvm=bv.56343320,d.cGE
4. Otto Warburg, The Prime Cause and Prevention of Cancer
http://healingtools.tripod.com/primecause1.html/
5. Does surgery cause cancer to spread?
http://www.cancer.org/treatment/treatmentsandsideeffects/treatmenttypes/surgery/surgery-surgery-and-cancer-spread
6.
Radical Retropubic Prostatectomy
http://www.upmccancercenter.com/cancer/prostate/radprostretropubic.cfm
7.
Nerve-Sparing Radical Prostatectomy
http://www.upmccancercenter.com/cancer/prostate/radprostnerve.cfm
http://www.nytimes.com/2011/09/25/sunday-review/the-side-effects-of-prostate-surgery.html?_r=0&pagewanted=print
8. Surgery for prostate cancer
http://www.cancer.org/cancer/prostatecancer/detailedguide/prostate-cancer-treating-surgery
Managing Side Effects
http://www.mskcc.org/cancer-care/adult/prostate/managing-side-effects
Radical Prostatectomy
http://www.webmd.com/prostate-cancer/radical-prostatectomy-operation
Sexual Dysfunction after Radical Prostatectomy
http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1477599/
http://www.cancerresearchuk.org/cancer-help/type/prostate-cancer/treatment/radiotherapy/side-effects-of-prostate-cancer-radiotherapy
9. Study Confirms Long-Term Side Effects from Prostate Cancer Treatment
http://www.cancer.org/cancer/news/news/study-confirms-long-term-side-effects-from-prostate-cancer-treatment
10.
To Treat or Not to Treat Prostate Cancer: That Is the Question
http://www.cancer.org/cancer/news/expertvoices/post/2012/01/18/to-treat-or-not-to-treat-prostate-cancer-that-is-the-question.aspx
11. Pomegranate, Green Tea, Turmeric And Broccoli May Help Fight Prostate Cancer
http://www.medicalnewstoday.com/articles/261688.php
Cancer-Fighting Superfoods
http://www.health.com/health/gallery/0,,20430736,00.html
Foods That Fight Cancer™
http://www.aicr.org/foods-that-fight-cancer/
Seven (Easy to Find) Foods That May Help Prevent Cancer
http://www.webmd.com/cancer/features/seven-easy-to-find-foods-that-may-help-fight-cancer
Foods High in Vitamin D
http://www.globalhealingcenter.com/natural-health/10-foods-containing-vitamin-d/
http://healing.naturalnews.com/
Johns Hopkins Dietary Guidelines for Cancer Patients
http://www.livestrong.com/article/399812-johns-hopkins-cancer-diet/#ixzz2ToRO2x33
Fat Intake After Diagnosis and Risk of Lethal Prostate Cancer and All-Cause
Mortality
http://archinte.jamanetwork.com/article.aspx?articleid=1696179
Prostate Cancer: Epidemiology, Screening, and Biomarkers
http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1578720/
12. Jonathan Oppenheimer, MD, FCAP,
Prostatic Epithelial Neoplasia
(PEN), a new name for a common and overtreated pathologic finding.
http://www.ourlab.net/pen/
13.
George D. 1Lundberg, MD, Call Them 'Indolentomas,' Not Cancer
http://www.medscape.com/viewarticle/809982_2
http://jama.jamanetwork.com/article.aspx?articleid=172219
http://www.medscape.com/viewarticle/808654
14. Ian Thompson, MD, và đồng nghiệp,
Assessing Prostate Cancer Risk: Results from the Prostate Cancer Prevention
Trial,
Journal of the National Cancer Institute, Vol. 98, No. 8, April 19, 2006 ,
articles 529
http://jnci.oxfordjournals.org/content/98/8/529.full.pdf
15. Questions to Ask My Doctor About Prostate Cancer
http://www.cancer.org/acs/groups/cid/documents/webcontent/003289-pdf.pdf
16. The Cost of Cancer
http://www.cancer.gov/aboutnci/servingpeople/cancer-statistics/costofcancer
17.
Prostate cancer detection at rebiopsy after an initial benign diagnosis:
results using sextant extended prostate biopsy
http://www.scielo.br/scielo.php?script=sci_arttext&pid=S1807-59322008000300009&lng=en&nrm=iso&tlng=en
|