Mập mới khỏe: Sai lầm từ quan niệm

Vietsciences- Nguyễn Đình Nguyên          28/04/2009

 

Những bài cùng tác giả

Chỉ số Cân/Ðo BMI, IMC

 

Xem youtube  Jessica, trẻ mập nhật thế giới

Không biết từ bao giờ, dân gian ta vẫn truyền miệng và chúc nhau “béo khỏe”, đối với các cháu bé thì phải khen “mũm mĩm”, phải căng tròn. Các bà mẹ đều có vẻ khó chịu nếu nghe ai đó quở con mình “ốm đói”. Với những người có tuổi làm ăn thành đạt thì phải “phát tướng” thì mới coi đó là dấu hiệu phú quý.

Mặc dù hiện nay, tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng do thiếu ăn vẫn còn là một vấn đề nghiêm trọng có quy mô toàn cầu, đối với Việt nam thì tình hình đã cải thiện hơn rất nhiều tính trên trung bình. Vùng thành phố, đặc biệt là các đô thị lớn, người lớn và cả trẻ em đều có xu hướng quá cân, thậm chí béo phì ngày càng tăng cao.

Cho đến nay, y học đã có nhiều bằng chứng cho thấy quá cân và béo phì có liên quan đến rất nhiều bệnh lý, mà quan trọng nhất là nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bệnh lý cao huyết áp, mạch vành mà hậu quả là đột quỵ não và tim, nặng hơn là ung thư; và nghiêm trọng nhất là những người béo phì có tuổi thọ ngắn hơn những người không béo phì.

 

Trẻ thấp bé, nhẹ cân: sai lầm từ cách nhìn chuyên môn

 

Rất nhiều bà mẹ vì nhìn thấy con mình có tầm vóc thấp hơn hoặc nhẹ ký hơn hoặc cả thấp và nhẹ hơn trẻ cùng tuổi, vội vã lo lắng đem đi khám bác sĩ. Nhiều bác sĩ đem so cháu với bảng “chuẩn” phát triển của trẻ cũng cho là cháu thấp hoặc nhẹ hơn trị số trung bình. Rất nhiều trường hợp như thế và đó là một quan niệm sai lầm và đánh giá sai lầm.

Trẻ em từ lúc mới sinh ra cho đến 2 hay ba tuổi là giai đoạn đang hoàn thiện và phát triển, không chỉ về mặt thể chất mà quan trọng nhất là mặt chức năng. Hai chỉ số để theo dõi sự lớn và phát triển quan trọng nhất cho trẻ em trong thời gian này là chiều cao và cân nặng. Do vậy mà giới chuyên môn đưa ra biểu đồ phát triển để theo dõi cho trẻ.

Cần phải hiểu rằng, các biểu đồ này không phải là biểu đồ chuẩn, các trị số được tính trung bình dựa trên số đông hàng triệu trẻ; nên nó không thể áp dụng một cách cứng nhắc cho một trẻ nào, mà chỉ là một chỉ số để tham khảo. Nếu chiều cao hoặc cân nặng của trẻ nó thấp quá hoặc cao quá ngưỡng của các trị số tham khảo đó, bác sĩ sẽ khám xét kỹ xem cháu bé có gì lạ không, chứ không có nghĩa là cháu bé bất thường.

Thí dụ, có 4 cháu bé cùng độ tuổi, nặng lần lượt là 3kg, 4kg, 6kg và 7kg, và biết chắc là các cháu này hoàn toàn khỏe mạnh. Vậy cân nặng trung bình của 4 cháu sẽ là 5kg. Như thế thì, nếu lấy 5kg là trung bình, sẽ có hai cháu bị thấp hơn 5kg hay thấp cân, và hai cháu sẽ nặng hơn 5kg hay bị thừa cân. Trong khi đó chẳng có cháu nào trong số đó có cân nặng trung bình là 5kg, và cũng chẳng có cháu nào bất thường cả!  Biểu đồ “chuẩn” là như vậy.

Mỗi một trẻ là một thực thể riêng biệt, có một cách phát triển riêng phụ thuộc vào hai yếu tố chính là di truyền và môi trường. Yếu tố di truyền tác động mạnh nhất đối với chiều cao của trẻ là chiều cao của người mẹ, sau đó mới là chiều cao của cha. Yếu tố dinh dưỡng là yếu tố môi trường chính tác động lên sự phát triển của trẻ, nhất là từ khi mới ra đời cho đến tuổi dậy thì.

Quá trình phát triển của một trẻ là một quá trình động, theo thời gian và có tính bù trừ. Có nghĩa là từ lúc sinh ra, một trẻ bình thường thì luôn có xu hướng gia tăng chiều cao và cân nặng một cách tuần tiến cho đến 2 tuổi, sau đó quá trình lớn vẫn tiếp diễn nhưng với tốc độ chậm lại. Trong suốt thời gian đó, tốc độ tăng cân và chiều cao có lúc nhiều, lúc ít, có lúc dừng lại hoặc thậm chí tụt xuống, nhất là khi trẻ bị ốm nặng, nhưng sau đó cũng phải đi lên, bắt kịp chu trình đang lớn của mình.

Cho nên, theo dõi trẻ là một quá trình. Dù cho trẻ có xuất phát điểm thấp, hoặc tại mỗi thời điểm phát triển đều thấp hơn so với trị số trung bình, nhưng đường phát triển của cháu vẫn đi lên; khám tổng quát cháu không có dấu hiệu bất thường gì, thì đó là một trẻ hoàn toàn khỏe mạnh. Ngay cả tại một thời điểm nào đó, cháu có thể thấp hoặc nhẹ hơn nhiều trẻ khác. Chỉ trừ khi có những dấu hiệu không bình thường, hoặc đường biểu diễn phát triển không tăng lên trong một thời gian dài, thì cần phải đi khám bác sĩ để xem có vấn đề gì hay không, để can thiệp kịp thời.

 

Quan niệm sai dẫn đến hành động sai: thuốc tăng cân hậu quả khôn lường

 

Do đó, dù trên trẻ thấp bé, dù trên một người trưởng thành có vóc dáng gầy, mà thăm khám tổng quát không có dấu hiệu bất thường thì không nên có một bất cứ can thiệp nào khác ngoài thực hành chế độ sinh hoạt lành mạnh, hợp vệ sinh, ăn uống thức ăn bổ dưỡng sẵn có trong tự nhiên, có bán ngoài chợ.

Chỉ vì không hiểu được bản chất của vấn đề, xuất phát từ quan niệm sai lầm lâu đời về cân nặng mà có thể đưa đến những tác động không tốt nếu không nói có hại và nguy hiểm đến cơ thể con người đó là việc sử dụng thuốc làm tăng cân.

Bất kỳ một can thiệp ngoại lai nào ngoài thức ăn và nước uống hàng ngày vào cơ thể con người đều là không tự nhiên và đều có nguy cơ. Chúng ta chỉ phải sử dụng thuốc, khi thực sự cần thiết và phải coi đó là sự bất đắc dĩ. Thuốc bổ, tưởng là bổ, nhưng nó vẫn là hóa chất, là con dao hai lưỡi. Thuốc bổ tốt và quý nhất là hoa quả tự nhiên, là thức ăn của chúng ta hàng ngày.

Tăng cân không những không gia tăng chức năng của cơ thể mà ngược lại còn là một gánh nặng cho cơ thể phải tiêu tốn năng lượng giải quyết sự thừa thãi quá mức này, mà lại còn bị tác dụng phụ và nhiễm độc của thuốc.

Trong danh mục thuốc hiện nay trên toàn thế giới, không có một loại thuốc nào nằm trong danh mục thuốc làm tăng cân (làm mập) và không có loại thuốc nào được chỉ định dùng để điều trị chứng nhẹ cân hay là để làm tăng cân. Không có một quốc gia nào chuẩn y cho sử dụng các thuốc với mục đích này. Thuốc đông y cũng không ngoại lệ.

Tất cả các loại thuốc có thể làm tăng trọng lượng cơ thể con người có sẵn trên thị trường hiện nay đều không phải là thuốc dùng để điều trị chứng nhẹ cân. Tất cả các loại thuốc này đều là thuốc dùng với mục đích khác mà có một tác dụng phụ làm tăng cân. Đa phần các thuốc này rất nguy hiểm khi sử dụng, chỉ được bác sĩ chuyên khoa kê đơn, và giám sát điều trị rất chặt chẽ. Nhiều người hiểu sai, nhiều bác sĩ thiếu lương tâm, lợi dụng tác dụng phụ này để làm thỏa mãn nhu cầu của các bà mẹ muốn con mình tăng cân, hoặc cho những người có cùng nhu cầu là vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Hàng năm trẻn thế giới đã có hàng triệu trường hợp bị tai biến phụ tăng cân do những thuốc này. Hậu quả không phải ở chỗ tăng cân, mà các thuốc này ngoài tác dụng phụ tăng cân, nó còn gây ra nhiều rối loạn chuyển hóa khác, có thể tổn hại phủ tạng, thậm chí nguy hại đến cả tính mạng. Do đó chúng ta không thể vì một quan niệm sai lầm, chỉ vì muốn con mình tăng cân mà trở thành một nạn nhân không cần thiết cho những tai nạn sử dụng thuốc này.

Cần phải xóa bỏ từ quan niệm muốn tăng cân.

Đã đăng trên Thanh Niên

            ©  http://vietsciences.free.frr  và http://vietsciences.org    Nguyễn Đình Nguyên