Ðồng hồ Sinh học

Bs Nguyễn Lân Ðính
 

           

Các công trình nghiên cứu về các nhịp điệu sinh học (rythmes biologiques) tại Pháp của BS Alain Reinberg và GS Touitou cho phép người ta theo dõi chiếc "đồng hồ sinh học" mà không ai là không có!  

       1 giờ sáng : các tế bào da gia tăng tốc độ phân chia, "lên da non" là vào lúc này.

      2 gi sáng : Khả năng cảnh giác, thức tỉnh ở mức thấp nhất. Không nên lái xe vào giờ này (cho tới 4 giờ sáng).

       3 giờ sáng : Nhiệt độ cơ thể và huyết áp hạ xuống mức thấp nhất trong ngày. Các em bé hay ra đời vào giờ này.

       4 giờ sáng :  Lượng Histamine tiết ra đạt tới đỉnh cao nhất và cứ ở nguyên mức cao cho tới 7 giờ sáng ; chất này hay đi cùng với những dấu hiệu dị ứng nhứ hắt hơi, sổ mũi buổi sáng; người nào thường bị suyễn thì hay lên cơn vào giờ này.

        5 gi sáng : Nếu có người đã đi làm rồi, đa số mới bắt đầu thức giấc, và chuẩn bị cho một ngày mới. Các tuyến nội tiết mới khởi sự tiết ra hormon trở lại. Có lẽ vì còn ngái ngủ, coi chừng các tai nạn lao động hay xẩy ra vào giờ này.

        6 giờ sáng : Giờ đỉnh cao của các cơn đau thấp khớp, và của các triệu chứng viêm mũi dị ứng. Các người bị thấp khớp hay bị các cơn đau đánh thức dậy. (xem lúc 4 giờ trên đây)

      

11 giờ : Trong máu có hiện tượng số lượng hồng cầu - như ta biết, chuyên chở Ôxy đến cho mọi tế bào - đạt đỉnh cao, trong khi, các bạch huyết cầu (có chức năng tham gia vào các cơ chế phòng vệ miễn dịch) thì, ngược lại, giảm hẳn số lượng.

        15 giờ : Giờ này, sức lực các cơ bắp đang ở mức cao nhất;  vận động viên nào muốn phá kỷ lục thì nên chọn giờ có điều kiện lý tưởng này. Tuy nhiên, các thống kê về tim mạch lại ghi nhận là các giờ buổi trưa người ta bị nhồi máu cơ tim nhiều gấp 3 lần so với lúc khác.

       19 giờ : Mức adrenalin, là kích thích tố xuất hiện khi cơ thể bị căng thẳng ("stress" ), gia tăng hẳn lên trong máu. Giờ này, người ta hay thoáng cảm thấy lo âu, có lẽ cũng vì đỉnh cao adrenalin  xuất hiện khi trời xẩm tối.

     20 giờ : Tiến trình tiêu hoá diễn ra chậm chạp hơn buổi sáng và cơ thể có khuynh hướng tích trữ  những chất dinh dưỡng người ta nạp vô.  Ai muốn mập, thì nên ăn nhiều vào bữa tối, còn trái lại, nếu muốn thon thả, thì chỉ nên ăn nhẹ thôi.

       21 giờ : Áp huyết cũng như nhiệt độ  cơ thể giảm dần. Giờ này đi ngủ là hợp lý vì hợp với nhịp điệu sinh lý nhất;  vả lại hai mắt nhíp lại, có ngồi coi tivi cũng chẳng theo dõi đến hết được !

        22 giờ : Bao tử tiết ra nhiều acid - ai  đau bao tử, thường hay đau vào lúc này. Phế quản thì thu hẹp đường kính lại, thường là một nguy cơ đối với những người sẵn bị suy yếu đường hô hấp.

        23 giờ : Não tỏ ra nhậy cảm hơn đối với chất rượu. Uống rượu vào giờ này, "tửu lượng" thấp hơn ban ngày, chỉ cần uống chút xíu thôi cũng đủ say rồi... nói chi cả két bia !

        24 giờ : Cơ thể tích trữ, để dành mỡ. Ăn nhiều bột, đường vào cũng sẽ biến thành mỡ, đắp vào..những vị trí ngoài ý muốn, như bụng, hông và mông! Trẻ con lớn lên cũng là vào lúc ngủ say nhất, khi cơ thể tiết ra kích thích tố tăng trưởng.