Chóng mặt

     



Chóng mặt là một triệu chứng rất hay xảy ra, và thường khó diễn tả, định không đúng, chữa tất không trúng.

Chóng mặt có nhiều kiểu, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Xin trình bày với bạn một cách phân chia, để khi bạn theo dõi bài viết, bạn đỡ... chóng mặt:

- Chóng mặt kiểu “vertigo” (vertiginous dizziness: xin tạm gọi là chóng mặt kiểu “quay”).

- Chóng mặt kiểu sắp xỉu (presyncope, nearsyncope).

- Chóng mặt kiểu mất thăng bằng khi đi lại (imbalance, dysequilibrium).

- Chóng mặt do nguyên nhân tâm lý (psychogenic dizziness).


Chóng mặt kiểu “quay” (vertigo)

Trong các chứng chóng mặt, chóng mặt quay xảy ra nhiều nhất, đến một nửa (50%) số trường hợp chóng mặt. Người bị chóng mặt kiểu “vertigo” có ảo giác như mình hoặc mọi vật chung quanh đang chuyển động. Thường là ảo giác quay tròn: bạn thấy bạn hoặc mọi vật chung quanh quay mòng mòng. Thỉnh thoảng, có người thấy mọi vật chuyển động theo chiều dọc: có cảm giác đang ngồi trên ghế rocking, hay đang đứng trên bong tàu rập rình lên xuống theo sóng nước.

Chóng mặt quay thường gây do xáo trộn ở tai trong. Tai chúng ta có 3 ngăn: ngoài, giữa, và trong. Trong ngăn trong của tai, có một cơ quan giữ thăng bằng hình con ốc, nối liền với dây thần kinh số 8. Thần kinh này có nhiệm vụ giúp ta nghe ngóng, đồng thời cũng có nhiệm vụ giúp ta chuyển động, đi đứng thăng bằng. Chóng mặt quay do những xáo trộn ở tai trong được phân chia tùy triệu chứng xảy ra ngắn hay dài: ngắn chưa đến 1 phút, dài thì vài tuần:

1. Benign positional vertigo: chóng mặt quay lành do thay đổi tư thế:

Khi trở mình trong giường, khi mới ngồi dậy buổi sáng, nằm xuống giường buổi tối, khi xoay đầu, hoặc khi ngửng đầu để nhìn một vật trên cao..., bạn đột nhiên thấy mọi vật chung quanh như chuyển động, quay dữ quá. Bạn cố định thần, và chưa đến 1 phút sau, mọi chuyện trở lại bình thường, đâu lại vào đấy. Triệu chứng chỉ có thế thôi, và bạn vẫn đi đứng bình thường.

“Chóng mặt quay lành do thay đổi tư thế” có thể xảy ra sau một chấn thương đầu, sau khi mổ tai, sau cơn cảm, hoặc sau một trận viêm dây thần kinh số 8. Tuy vậy, trong đa số các trường hợp, người ta không tìm thấy nguyên nhân. Chứng này lành, thường sẽ tự động biến mất.

2. Bệnh Meniere:

3 triệu chứng nổi tiếng của bệnh Meniere là: chóng mặt quay, điếc tai, ù tai. Trong những cơn chóng mặt quay, người bệnh nghe không rõ, ù tai, tai đầy đầy (ear fullness). Bệnh tiến triển lúc đực lúc cái: những cơn chóng mặt quay liên tiếp, sau đó là những khoảng thời gian không có triệu chứng. Mỗi cơn chóng mặt quay kéo dài nhiều phút hay nhiều giờ. Đầu tiên, điếc tai chỉ xảy ra trong những cơn chóng mặt, sau dần, người bệnh bị điếc vĩnh viễn, nhiều hay ít.

Người ta chưa biết rõ nguyên nhân gây bệnh Meniere. Chỉ biết bệnh hay phát ra trong khoảng tuổi 30 đến 60, và sau một thời gian, nhiều người bị bệnh ở cả hai tai.

3. Benign recurrent vertigo: chóng mặt quay lành và tái phát.

Một hình thức chóng mặt quay khác cũng kéo dài nhiều phút đến nhiều giờ là benign recurrent vertigo. Đúng với tên gọi, chứng chóng mặt quay này lành (benign), vì không để lại biến chứng nguy hiểm, không gây điếc, nhưng hay tái phát (recurrent). Với đa số người bị chứng chóng mặt quay này, giữa những khoảng thời gian chóng mặt, là những khoảng thời gian bình thường, hoàn toàn không có triệu chứng. Khác với bệnh Meniere, người bệnh không điếc tai hay ù tai trong cơn chóng mặt quay. Có người cho rằng bệnh này là một hình thức lành của bệnh Meniere.

4. Vestibular neuronitis: viêm dây thần kinh số 8.

Bị chóng mặt quay loại này sợ lắm. Nhưng may quá, nó thường bớt dần trong vòng 1-2 ngày, tuy có khi phải mất đến nhiều tuần mới hết hẳn. Nó cũng ít khi tái phát.

Nếu chưa bao giờ bị chứng này, bạn cứ thử tưởng tượng một ngày đẹp trời nào đó, bạn định đi đánh tennis, nhưng khi mới thức giấc buổi sáng, ô, sao mọi vật chung quanh bạn cứ mãi quay tròn như chong chóng, đồng thời bụng dạ nôn nao, miệng bỗng ói mửa. Thường bạn phải cố nằm im để bớt chóng mặt, đi đứng chỉ sợ té ngã. Tuy vậy, tai bạn không sao cả, không điếc cũng chẳng ù.

Người ta ngờ rằng chứng này gây do thần kinh số 8 ở tai trong bị siêu vi trùng (virus) tấn công. Nhiều người bệnh cho biết trước đó họ nhiễm cảm.

Trước một trường hợp chóng mặt quay dữ dội, kèm ói mửa, bác sĩ cần nhanh chóng phân biệt chứng “viêm dây thần kinh số 8”, với một bệnh nguy hiểm hơn: tai biến mạch máu ở cuống não (brainstem) hoặc ở tiểu não (cerebellum). Nếu chỉ viêm dây thần kinh số 8, người bệnh có thể được chữa trị bằng thuốc uống ở nhà, nếu bị tai biến mạch máu ở cuống não hoặc tiểu não, người bệnh cần được đưa vào nhà thương khẩn cấp.

Người bị tai biến mạch máu ở cuống não, ngoài triệu chứng chóng mặt quay và ói mửa dữ dội, còn nhìn một thành hai (double vision), nói ngọng, khó nuốt nước hay thức ăn, tê và liệt một phần cơ thể.

Tiểu não là cơ quan quan trọng nằm đằng sau đầu, giúp phối hợp những cử động tinh vi của ta (fine motor movements). Có thế, những cử động của ta mới nhuần nhuyễn, không cứng nhắc như robot. Khi bị tai biến mạch máu ở tiểu não, người bệnh có triệu chứng giống hệt như khi viêm thần kinh số 8: cũng chóng mặt quay và ói mửa dữ dội. Một cách khám để phân biệt: yêu cầu người bệnh dùng một ngón tay, chỉ ngón tay người bác sĩ thăm khám, rồi lại tự chỉ mũi mình (finger-to-nose testing). Người chỉ viêm dây thần kinh số 8 làm trắc nghiệm này hay lắm, còn người tai biến mạch máu ở tiểu não làm trắc nghiệm này trật vuột như người say rượu. Người tai biến mạch máu ở tiểu não cũng không úp rồi ngửa bàn tay nhanh và nhuyễn như người chỉ viêm thần kinh số 8.

Ngoài ra, khoảng 30% số người mang bệnh nhức đầu một bên migraine cũng bị chóng mặt quay. Chóng mặt quay có thể xảy ra trước hay trong cơn nhức đầu migraine. Trường hợp này, chóng mặt quay là một phần của bệnh nhức đầu một bên migraine. Chữa được bệnh migraine, các cơn chóng mặt quay sẽ biến mất.


Chóng mặt kiểu sắp xỉu

(presyncope, nearsyncope)

Người chóng mặt kiểu này thường đang ngồi hay đứng lúc chóng mặt. Người bệnh không thấy mọi vật chung quanh quay mòng mòng, song thấy trong người khó ở, đầu váng, mắt hoa, chân nặng như đá, rồi trời đất như tối sầm lại. Người bệnh toát mồ hôi, da lạnh, mặt xanh tái. Triệu chứng nặng dần đưa đến xỉu (syncope), hoặc bớt dần do người bệnh nằm ngay xuống.

Loại chóng mặt này gây do máu lên óc không đủ. Khi nằm ngay xuống, máu ùa lên óc, triệu chứng sẽ giảm dần. Nguyên nhân gây chóng mặt loại này rất nhiều, chỉ xin kể ở đây một vài nguyên nhân thông thường và dễ hiểu:

- Phản xạ vasovagal:

Phản xạ này có thể xảy ra ngay cả cho một người hoàn toàn bình thường, và lại hay tái phát. Phản xạ thường xảy ra khi ta xúc động tinh thần (nhất là khi đang tại một nơi nóng nực, đông người), sợ hãi, mệt lả, bị chấn thương, hay đau.

Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp chóng mặt hay xỉu vì phản xạ vasovagal, người ta không tìm thấy nguyên do gì rõ rệt. Khi phản xạ xảy ra, các mạch máu đột ngột dãn nở, tim đập chậm lại, do đó máu lên óc thiếu. Áp huyết lúc đó xuống thấp, người bệnh buồn nôn, trông xanh tái, rịn mồ hôi. Người bệnh sẽ xỉu nếu không mau chóng nằm xuống. Gác chân lên cao lúc đã nằm xuống, giúp máu về tim nhanh hơn, để tim có nhiều máu bơm lên óc, làm triệu chứng càng mau thuyên giảm. Không cần cạo gió hay thoa dầu gì cả, vì các cách chữa này không thấy nói đến trong sách. Lại càng không nên đổ nước hay vắt chanh vào miệng người bệnh. Trong lúc thần trí lơ mơ, người bệnh có thể hít nước vào phổi rất nguy hiểm.

Chúng ta hay tốt bụng, muốn làm một cái gì đó để cứu giúp người gặp nạn, nhưng “cái gì đó”, nếu không dựa vào căn bản khoa học, có thể làm hại hơn là giúp người bị nạn. Cách tốt nhất: để người bệnh nằm xuống, gác chân lên cao, yêu cầu những người hiếu kỳ có mặt chung quanh lui ra xa. Nếu thấy người bệnh không mau chóng hồi tỉnh, không nói không rằng, cũng không hít thở, nên bắt đầu làm hồi sức theo phương pháp CPR (cardiopulmonary resuscitation) của y học, trong lúc nhờ một người gọi 911. Đừng mất thì giờ đi tìm chanh hay dầu gió, muỗng nạo. Óc sẽ chết 5-6 phút sau khi người bệnh ngưng thở, và chúng ta chỉ có ngần ấy thì giờ để hành động.

- Áp huyết hạ thấp khi đứng dậy (orthostatic hypotension):

Nhiều vị, nhỏm dậy nhanh trong lúc đang nằm, cảm thấy choáng váng, có khi xỉu. Khi nhỏm dậy từ một vị thế thấp, thường cơ thể ta có phản xạ co mạch, các mạch máu thắt lại để áp huyết không tụt thấp, hầu lượng máu đưa lên óc trong tư thế đứng vẫn đầy đủ. Ở một số vị, phản xạ này xáo trộn, nên khi đứng lên, các mạch máu không co thắt đủ để đưa máu lên óc, gây ra chóng mặt, hoặc xỉu. Tình trạng này có thể do di truyền, nghĩa là trong gia đình, đôi khi cũng có người có triệu chứng tương tự. Sau khi thăm khám, và không thấy có bệnh gì quan trọng cần chữa, bác sĩ sẽ khuyên người bệnh không nên đứng dậy nhanh quá, đặng bớt chóng mặt.

- Các tình trạng thiếu nước trong cơ thể (như khi tiêu chảy nặng) hay thiếu máu (như khi chảy máu đường tiêu hóa, ra kinh nhiều quá) đều có thể gây choáng váng, muốn xỉu.

- Tất cả các bệnh tim khiến tim không bơm đủ máu lên óc, cũng gây choáng váng, muốn xỉu. Nguy hiểm nhất là chết cơ tim cấp tính (hay được gọi heart attack): người bệnh cần được vào nhà thương khẩn cấp để chữa trị. Chết cơ tim cấp tính thường gây đau ngực dữ dội, nhưng có người không đau ngực, chỉ có những triệu chứng mơ hồ như chóng mặt, mệt. Chẩn đoán bệnh trong trường hợp này rất khó, cần sự kể bệnh tỉ mỉ của người bệnh, và sự tinh nhạy của người bác sĩ.

- Các bệnh phổi nặng khiến trong máu không có đủ dưỡng khí (oxygen): nước trong màng phổi, máu đông từ các cơ quan khác bắn lên phổi (pulmonary embolism)...

- Choáng váng, xỉu trong lúc ho dữ dội, trong lúc hoặc ngay sau khi đi tiểu: do những phản xạ thần kinh, khiến máu lên óc không đủ.

- Thuốc dùng:

Nhiều thuốc dùng có thể gây chóng mặt, nhất là những thuốc chữa cao áp huyết. Bạn đâu ngờ, các thuốc chữa nghẹt mũi (decongestants) như Sudafed, Dimetapp, Actifed..., các thuốc chống viêm, giảm đau không có chất steroid như Ibuprofen, Advil, Naprosyn, Feldene... cũng có thể gây chóng mặt.


Cảm giác mất thăng bằng khi đi lại

(dysequilibrium)

Nhiều vị mang những bệnh thần kinh làm đi lại khó khăn (bệnh thần kinh ngoại biên, bệnh tủy sống, bệnh của tiểu não, bệnh Parkinson...) cảm thấy chóng mặt khi đi lại. Nhất là khi có những tổn thương của thần kinh nhận định vị trí ở bàn chân, và khi mắt kém.

Chúng ta biết, cảm giác thăng bằng, không bị chóng mặt là do sự phối hợp tinh vi của nhiều cơ quan khác nhau: cơ quan giữ thăng bằng nơi tai trong, thần kinh số 8, cuống não, tiểu não. Khi ta chuyển động, đi đứng, lại thêm các tín hiệu từ các dây thần kinh nhận định vị trí (position sense) ở bàn chân, các tín hiệu ở mắt được liên tục gửi về óc. Có thế, ta mới biết đích xác cơ thể ta đang ở vị thế nào, chân ta đang bước ra sao.

Nếu vì bệnh, các dây thần kinh nhận định vị trí ở bàn chân làm việc không đàng hoàng, báo cáo không chính xác, sẽ cho ta cảm giác mất thăng bằng khi đi lại. Nếu mắt ta kém (ví dụ do cườm), các tín hiệu chuyển về óc cũng sai lạc. Cảm giác chếnh choáng, mất thăng bằng, chỉ trong lúc đi lại thường xảy ra ở các vị có tuổi, mắt kém, các dây thần kinh nhận định vị trí ở bàn chân, có khi vì bệnh, không còn làm việc hữu hiệu. Thêm vào đó, lắm khi cơ quan giữ thăng bằng nơi tai trong cũng đã mòn mỏi theo thời gian.

Có người, sau khi mổ cườm mắt, trông rõ hơn, cảm giác chóng mặt lúc đi lại thuyên giảm.


Chóng mặt do nguyên nhân tâm lý

(light-headedness)

Ngày nghe tin công nương Diana của Anh quốc cùng người yêu đột ngột tử nạn xe hơi, nhiều người thẫn thờ, chóng mặt. Đã biết cuộc đời là hư ảo. Nhưng sự kiện một người mới tuổi 36, đầy sinh lực, sang, giàu, đang ngây ngất với tình yêu, hôm trước còn tha thiết sống, hôm sau đã ra người thiên cổ, làm đậm thêm nét hư ảo của cuộc đời.

Chóng mặt do nguyên nhân tâm lý, khiến đầu ta nhẹ bâng bâng (light-headedness), ngây ngây, choang choáng, không phải cái cảm giác mọi vật chung quanh quay cuồng, cũng không phải cảm giác sắp xỉu hoặc mất thăng bằng khi đi lại.

Người bệnh tâm thần, nhất là bệnh căng thẳng tâm thần (anxiety) hay than bị chóng mặt loại này.

Chóng mặt vì nguyên nhân tâm lý là một trong những định bệnh nhiều nhất (chiếm đến 20-25% các trường hợp chóng mặt, chỉ sau chứng chóng mặt quay), khi có người bệnh đến tâm sự với bác sĩ: “Tôi hay bị chóng mặt”.

Một bác sĩ nghiên cứu về chóng mặt cho biết: chỉ cần hỏi bệnh 5-10 phút, các bác sĩ có thể nghi một người bị chóng mặt vì nguyên nhân tâm lý. Vì người bệnh kể bệnh lung tung, chẳng đâu vào với đâu, chẳng giống các kiểu chóng mặt quay, muốn xỉu, mất thăng bằng khi đi lại vừa tả trên gì cả. Lời bác sĩ này: “Hỏi bệnh một người chóng mặt vì lý do tâm lý khổ lắm. Triệu chứng được kể, đặc biệt là mơ hồ, không chính xác. Người bệnh có thể kể rằng mình có cảm giác như đang xa rời thế giới thực tại, cảm thấy mệt mỏi, đầu choang choáng, lại nặng nặng, đầy đầy. Thường thường, người bệnh không thể diễn tả được triệu chứng của mình một cách chính xác. Nếu kiên nhẫn đi sâu vào chi tiết, hỏi kỹ, chúng ta sẽ thấy nhiều người bệnh có thêm những triệu chứng của các bệnh tâm thần”.

Tóm lại, ông bác sĩ cho rằng người chóng mặt vì nguyên nhân tâm lý thường kể bệnh rất lơ tơ mơ. Chắc đúng rồi, một bác sĩ nghiên cứu về chóng mặt khó thể nói sai. Nhưng có lẽ cũng có những trường hợp người bệnh chưa quen, chưa được hướng dẫn, không biết cách kể bệnh, nên dám bị định bệnh mau chóng là chóng mặt do nguyên nhân tâm lý. Nhất là trong cộng đồng người Việt chúng ta, nhiều vị còn chưa quen với nền y học Mỹ, chưa biết cách kể bệnh tỉ mỉ theo đòi hỏi của y học kiểu Mỹ.

Người viết xin ngừng ở đây, vì đoán bạn đang bắt đầu chóng mặt, và... nhức đầu với những trình bày trên. Có thế, bạn mới thấy tội nghiệp cho các bác sĩ, khi nghe bạn nói “chóng mặt”, phải nghĩ đến ngần ấy nguyên nhân gây chóng mặt. Bạn mới hiểu tại sao bác sĩ dở khóc dở cười khi người bệnh chỉ khai: “Tôi hay bị chóng mặt hoài à”, rồi lịch sự ngồi im. Nhất là nếu người bệnh lớn tuổi, bị cao áp-huyết, tiểu đường, có bệnh tim..., các yếu tố dễ đưa đến những tình trạng nguy hiểm như tai biến mạch máu não (stroke), chết cơ tim cấp tính (heart attack). Bác sĩ nào chẳng bủn rủn, chóng mặt, có khi... xỉu khi nghe thân nhân người bệnh gọi lại cho biết người bệnh vừa... tạ thế ở nhà, sau khi rời phòng mạch bác sĩ.

Nếu quả tình thương các bác sĩ, khi đi khám bệnh vì chóng mặt, xin bạn kể bệnh mạch lạc, dùng con số để diễn tả và cho biết những chi tiết sau:

1. Thực sự, bạn cảm thấy thế nào khi chóng mặt: mọi vật chung quanh quay cuồng, muốn xỉu, mất thăng bằng lúc đi lại, hay nó chỉ choang choáng, ngây ngây...?

2. Triệu chứng chóng mặt của bạn hay xảy ra trong trường hợp nào: trở mình trong giường, nhỏm dậy nhanh, nằm xuống nhanh, khi xoay đầu, lúc ngước nhìn lên cao, lúc đang ngồi hay đứng, lúc đi lại, khi lo buồn, lúc ở nơi đông người, nóng nực...?

3. Triệu chứng chóng mặt kéo dài bao lâu: vài giây, vài phút, vài tiếng, vài ngày hay nhiều tuần...?

4. Các triệu chứng khác lạ trong, hay sau cơn chóng mặt: đau ngực, khó thở, hồi hộp, nhức đầu, buồn nôn, ói mửa...

5. Tình trạng chóng mặt như vậy xảy ra đã bao lâu? Bao lâu bạn lại chóng mặt một lần? (nhớ dùng con số để diễn tả, tránh dùng những chữ mơ hồ như: lâu rồi, mới đây, lâu lâu, hoài à...).

6. Bạn đang có bệnh gì quan trọng không: cao áp-huyết, tiểu đường, bệnh tim, bệnh thần kinh, bệnh tâm thần...?

7. Tất cả các thuốc men bạn đang dùng, kể cả những thuốc mua không cần toa bác sĩ. Tốt nhất, bạn đem theo thuốc khi đi khám bệnh, vì trên chai thuốc, có những chi tiết bác sĩ cần biết: tên bác sĩ đang hay đã chữa trị cho bạn, tên thuốc, phân lượng, số lượng thuốc còn lại trong chai... Đây là những chi tiết hết sức quí giá giúp vào sự định bệnh.

Chóng mặt rất hay xảy ra, đa số do nguyên nhân lành, song thỉnh thoảng do nguyên nhân nguy hiểm. Kể bệnh mạch lạc, rõ ràng, cố gắng diễn tả cảm giác chóng mặt khi nó xảy ra, bạn sẽ giúp bác sĩ rất nhiều trong việc định bệnh và chữa trị cho bạn.