Tương lai một ngày sẽ 30 tiếng

.  
 
 

 

Đã từ lâu, loài người đo được thời gian để hoàn thành một vòng tự quay của trái đất là 23 giờ 56 phút, lấy tròn là 24 giờ. Nhưng liệu con số kỳ diệu kia có xuyên suốt chiều dài 4 tỷ năm lịch sử? Một nhóm nhà khoa học Hoa Kỳ đã cho rằng 900 triệu năm trước, một ngày trái đất chỉ có... 18 giờ, ít hơn thời nay tới 6 tiếng!

TS Charles Sonelt, làm việc tại Phòng nghiên cứu - Thí nghiệm Hành tinh học (thuộc Đại học Tucson, Mỹ) cùng với các cộng sự đã tìm ra phương pháp tìm tòi lịch sử trái đất, bằng cách “lục lọi” các trầm tích lắng đọng theo nhịp thuỷ triều. Dựa trên các bằng chứng tự nhiên về chu kỳ thời gian và chu kỳ mạnh yếu của thủy triều, nhóm của ông đã tính ra một kết quả làm sửng sốt giới khoa học và dư luận quốc tế: Một năm, trái đất thời đó có tới 481 ngày chứ không phải là 365, 25 ngày như hiện nay!

Nhóm các nhà khoa học Australia, đứng đầu là TS Georges William, thực hiện các nghiên cứu, đo đạc năm 1989 lại đưa ra các kết quả khác. Cũng dựa trên các trầm tích thuỷ triều còn để lại ở các địa tầng, nhóm này công bố rằng, cách thời đại chúng ta 650 triệu năm, một ngày dài 22 giờ và ngược chiều thời gian 2,5 tỷ năm, con số ấy là 20 giờ.

Hai nhóm khoa học công bố hai kết quả khác nhau, nhưng lại cùng khẳng định một điều: trái đất đang bị “hụt hơi” dần, và đó là điều có thật.

Mặt trăng quyết định độ dài ngày trái đất

Ta thấy rõ mặt trăng đã bị trái đất "ghi lại" hoạt động thông qua thủy triều. Các trầm tích là những bằng chứng không thể chối cãi. Nhưng người ta cũng có thể khảo sát sự chuyển động trong không gian của hệ thống trái đất - mặt trăng để rút ra những điều cần quan tâm.

Hệ thống trái đất - mặt trăng được các nhà khoa học coi như một “cặp uyên ương” quá lứa (tuổi tính bằng tỷ năm), có mối quan hệ rất khăng khít. Mọi chuyển động, thay đổi của vật này đều ảnh hưởng đến vật kia, được biểu hiện bằng những phản ứng rất dữ dội. Chúng vừa khống chế nhau, vừa ẩn nhau ra.

Một trong các yếu tố dễ làm nảy sinh “phản ứng” trong mối quan hệ trái đất - mặt trăng là khoảng cách giữa hai vật thể này: Mặt trăng càng gần trái đất, do mô men động lượng của hệ thống luôn bảo toàn, nên trái đất sẽ quay nhanh hơn và ngược lại.

Để dễ hình dung, ta lấy hình ảnh một nữ vận động viên trượt băng nghệ thuật khi đang tự quay quanh mình. Muốn quay nhanh hơn, người diễn viên đã thu cả hai tay sát vào thân thể. Ở đây trong mô hình tương tự, trái đất giữ vai trò như tấm thân người vận động viên, mặt trăng như đôi tay người đó. Ta dễ dàng hình dung ra hiệu ứng chậm lại của trái đất khi mặt trăng lùi ra phía xa, cũng như khi người phụ nữ đang quay trên sân băng dang tay ra, thân thể cô ta quay chậm lại…

Ngày trái đất đang dài ra

Theo kết quả nghiên cứu của nhóm TS Charles Sonelt - 900 triệu năm trước đây, thời gian tự quay một vòng của trái đất là 18 giờ, ứng với khoảng cách giữa cặp uyên ương khi ấy là 345.000 km. So với khoảng cách hiện nay là 382.402 km, trị số này đã tăng 10%.

Nhóm khoa học Pháp, đứng đầu là TS Jacques Laskar, làm việc ở phòng kinh độ của Trung tâm nghiên cứu khoa học Quốc gia Pháp, đã công nhận các kết quả nghiên cứu của nhóm Charles Sonelt, nhưng nghiêng về các nghiên cứu của Gerge Williams hơn. Cứ mỗi thế kỷ, trái đất quay chậm mất 0,0021 giây và mặt trăng lại rời xa thêm khoảng 3,8 mét. Theo TS Jacques Laskar, với đà ly khai trên, đến một ngày nào đó mặt trăng sẽ cách trái đất 420.000 km và hơn nữa. Lúc bấy giờ, mặt trăng không còn giữa vai trò của nó, và trái đất không còn giữ được "sự bình tĩnh vốn có từ hàng tỷ năm”, để mặc cho trục quay (hiện đang ở góc nghiêng 23 độ) xáo trộn. Bi thảm sẽ trút lên cuộc sống của nhân loại.

Nhưng thời gian từ nay đến đó được tính bằng tỷ năm. Nhân loại chắc đủ thời gian để chuẩn bị cho một cuộc di cư lên một tinh cầu xa xôi.

Tuy nhiên, trước thời điểm đi cư, một ngày của chúng ta sẽ là 30 giờ! Những người năng động không còn phải “cằn nhằn” vì ngày sao ngắn quá, còn những kẻ lười nhác, không hiểu họ sẽ sử dụng thời gian để làm gì.

(Theo Tài Hoa Trẻ