Quan hệ Mỹ - Trung quốc

Vietsciences- Nguyễn Văn Nhã                    08/10/2009

 

Những bài cùng tác giả

1- Lối thoát ra khỏi bụi rậm , Fareed Zakaria
2- Ngưng đầu tư qua phương Tây, Keith Brasher
3- Tới lúc cần nhìn rõ Trung quốc. Marcus Gee
4- Sự tiêt kiệm của trung quốc thổi phồng bong bóng Mỹ
 

 

I - LỐI THOÁT RA KHỎI BỤI RẬM.

( A path out of the woods - Fareed Zakaria - Newsweek December 1-2008)

Trong nhiều tuần lễ vừa qua, thế giới đã chờ đợi tin tưc từ nhóm chuyển giao quyền lực của Tổng thống Obama, tin về những người sẽ lãnh đạo trong chính quyền: Bộ trưởng ngoại giao, Bộ trưởng tài chính và Bộ trưởng tư pháp. Nhưng có một chức rất quan trọng trong chính phủ Obama có lẽ sẽ chưa được đề cập tới trong mấy tháng tới, và có lẽ ít người để ý đến- Đó là chức vụ Đại sứ Mỹ ở Trung Quốc.

Ai cũng biết Trung Quốc là một cường quốc lớn, và đại diện của Mỹ tại đó rất quan trọng. Nhưng giờ đây chúng ta cần tới TQ hơn bao giờ hết. TQ là cái chìa khóa để giúp Mỹ thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng tồi tệ này. Người đại sứ của Mỹ cần phải làm thế nào để người TQ nhìn thấy quyển lợi của họ gắn bó với quyền lợi của Mỹ. Nếu không được như vậy thì tình hình sẽ trở nên rất , rất xấu.

Hiện nay đang có sự đồng thuận là Washington phải chi phí nhiều để tìm lối thoát ra khỏi suy thoái, để bảo đảm suy thoái sẽ không biến thành suy sụp kinh tế. Các kinh tế gia từ tả qua hữu đều đồng ý là phải có một kế hoạch kích cầu khổng lồ, và giờ đây chúng ta không nên lo lắng về thâm hụt ngân sách. Nhưng muốn tạo thêm được sự thâm hụy này – mà trị giá có lẽ lên tới 1000 tỷ- hay 1500 tỷ USD, hay là 7% GDP – 11% GDP của Mỹ- phải có người cho Mỹ vay nợ. Và chỉ có một nước có đủ tiền mặt để làm chuyện này là TQ.

Từ tháng 9 vừa qua, Bắc Kinh trở thành chủ nợ lớn nhất của Mỹ, vượt qua hẳn Nhật Bản. Nhật Bản không còn mua những số quốc trái lớn của Mỹ nữa. Thực tế, dù là Bộ tài chính không lưu trữ danh sách những người mua quốc trái, nhưng ai cũng biết chắc chắn là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hiện nay đang nắm giữ 10% số nợ công của Mỹ ( vào khoảng 10.000 tỷ USD), là chủ nợ lớn nhất của Mỹ. TQ đã trở thành chủ ngân hàng của Mỹ.

Nhưng liệu TQ còn muốn tiếp tục giữ vai trò đó nữa không ? Chắc chắn họ có nhiều phương tiện để làm chuyện đó. Quỹ dự trữ ngoại hối của họ đã lên tới 2.000 tỷ USD ( trong khi Mỹ chỉ có số tiền nhỏ nhoi 73 tỷ USD). Nhưng chính phủ TQ đang lo lắng cho nền kinh tế của họ cũng đang đi xuống rất nhanh, khi mà Mỹ và châu Âu không nhập khẩu hàng của TQ nữa. Họ cũng muốn vực dậy độ tăng trưởng của họ lên. ( 6% hay 7% thay vì 12% như năm ngoái. ) bằng một kế hoạch kích cầu của riêng họ.

Sáng kiến chi phí kích cầu của Bắc Kinh đã được công bố cách đây vài tuần lễ, trị giá khoảng 600 tỷ USD ( một phần của kế hoạch này là những chi phí đã được quyết định từ trước.), một số tiền to lớn trị giá 15% GDP của TQ.Nhắm vào mục tiêu để tạo công việc cho người dân và giảm bớt sự phản đối của quần chúng, Bắc Kinh có thế chi thêm cho kế hoạch này hàng chục tỷ USD, nếu thấy cần thiết.

Đồng thời Washington cũng cố nuôi hy vọng Bắc Kinh sẽ tiếp tục mua quốc trái của Mỹ. Như thế chính phủ Mỹ mới có thể thâm hụt ngân sách được, và tiến hành kế hoạch kích cầu của Mỹ. Thực ra là, chúng ta đang đòi TQ tài trợ , cùng một lúc, hai kế hoạch tài chính lớn nhất trong lịch sử loài người—Kế hoạch của họ và kế hoạch của ta – Có lẽ họ sẽ cố gắng giúp chúng ta, vì vực dậy nền kinh tế Mỹ là có lợi cho chính họ. Nhưng đương nhiên, ưu tiên của họ là dành cho tăng trưởng của nước họ.

Giáo sư Joseph Stiglitz, giải Nobel về kinh tế năm 2001, đã nhận xét: “ Người ta thường nói là Mỹ và TQ hai bên đều phụ thuộc vào nhau một cách ngang hàng. Nhưng điều đó không còn đúng nữa. TQ có hai phương cách để giữ tăng trưởng kinh tế. Một là tài trợ cho giới tiêu thụ ở Mỹ; nhưng một cách khác là tài trợ cho chính người dân của họ, những người này, ngày càng có khả năng tiêu thụ một số lượng lớn hàng hóa do họ sản xuất ra, để kích thích sự tăng trưởng kinh tế của TQ. Họ có chọn lựa, còn chúng ta không có chọn lựa. Thực ra, chẳng còn quốc gia nào khác có thể tài trợ cho sự thâm hụt công quỹ của Mỹ nữa.”

Trong cuốn sách rất hấp dẫn mới xuất bản ( The Ascend of Money – Sự lên ngôi của Đồng tiền) , Niall Ferguson đã mô tả sự hình thành của một quốc gia mới sau chiến tranh lạnh. Ông đặt tên cho nó là Chimerica ( China- America), và nó có tới 1/10 diện tích đất nổi trên địa cầu, ¼ dân số thế giới, và một nửa số tăng trưởng kinh tế của cả thế giới trong vòng 8 năm qua. “ Cho tới nay, nó có vẻ một đám cưới trên Thiên đàng. Người Chimerica ở phương Đông thì tiết kiệm, người Chimerica ở phương Tây thì tiêu pha. Người phương Đông làm kinh tế tăng trưởng, người phương Tây được hưởng lạm phát thấp, và lãi xuất thấp”.

Giống như Stiglitz, Ferguson cũng tin là TQ có thể lựa chọn. : Họ sẽ cố gắng cho sự tiêu thụ ở Mỹ được tiếp tục, nhưng nếu kế hoạch không chạy, họ sẽ quay qua phương án B”. Ông ta nói với tôi vào đầu tuần trước như vậy. Phương án B là tập trung vào việc đẩy mức tiêu thụ nội địa của TQ lên, thông qua sự chi tiêu của nhà nước. và họ sẽ nới rộng tín dụng cho người dân của họ. Ferguson nói tiếp: “ Vấn đề lớn hiện nay là, liệu Chimerica sẽ cùng nhau tồn tại, hay là sẽ rã đám vì cuộc khủng hoảng này. Nếu họ tồn tại cùng với nhau, thì bạn có thể tìm thấy lối thoát ra khỏi bụi rậm. Nếu họ rã đám, bạn sẽ nói giã từ toàn cầu hóa “…

Trong những năm gần đây, chức đại sứ quan trọng và khó khăn nhất của Mỹ là tại Baghdad. Trong các thập kỷ tới, chức vụ khó nhất và quan trọng nhất có lẽ là đại sứ tại Bắc Kinh.

Fareed Zakaria.

 

II - TRUNG QUỐC NGƯNG ĐẦU TƯ QUA PHƯƠNG TÂY.

(China to shun west’s finance sector - Keith Brasher - New York Times 3 Dec 2008.)

Hong Kong- Chủ tịch Quỹ Tự chủ của TQ vừa tuyên bố vào ngày thứ Tư 3/12/2008 là TQ không có kế hoạch đầutư thêm vào các định chế tài chính phương Tây. Họ cũng không có kế hoạch nào để “cứu” thế giới bằng chính sách kinh tế.

Lới phát biểu trên là của ông Lou Jiwei, chủ tịch và CEO của China Investment Corporation ( Công ty Đầu tư Trung Quốc) cho thấy dấu hiệu rõ rệt là các công ty TQ không muốn mua thêm cổ phần trong lãnh vực tài chính phương tây nữa, lý do là họ đã bị lỗ nặng trong kế hoạch đầu tư vào các ngân hàng Blackstone, Morgan Stanley, và Barclays.

Trong buổi họp tại Hồng Kông do tổ chức Clinton Global Initiative triệu tập,ông Lou đã phát biểu thêm : “ Ngay bây giờ chúng tôi không có đủ can đảm để đầu tư vào các định chế tài chính phương tây, vì chúng tôi không biết rõ là họ có những khó khăn gì .”

Khi được hỏi là TQ có chính sách kinh tế nào không để “cứu nguy” thế giới, ông Lou cho biết là các nhà lãnh đạo TQ đã thu gọn lại chủ đích : “ TQ chỉ có thể tự cứu nguy lấy chính nó, vì tầm mức kinh tế của TQ còn tương đối nhỏ”. Ông cũng cho biết thêm là mặc dù dân số TQ lớn hơn các nước khác, nhưng tổng sản lượng vẫn còn thấp, cho nên nền kinh tế không đủ lớn để có thể ảnh hưởng lên toàn bộ nền kinh tế thế giới. Ông nói: “ Nếu TQ giải quyết tốt nền kinh tế nội địa là nó đã đóng góp tốt cho thế giới. ”

Lời phát biểu của ông Lou cho thấy là trước tình hình suy thoái của thị trường tài chính toàn cầu, các nhà lãnh đạo TQ đã chuyển hướng trọng điểm vào nền kinh tế nội địa.

Gần đây, nhiều người đã bàn về số tiền dự trữ khổng lồ của TQ ( 1.900 tỷ USD), có thể cứu nguy các ngân hang Tây phương. Gần đây nhất, người ta đã nghĩ là Công ty Đầu tư TQ sẽ bỏ tiền ra đầu tư vào công ty Morgan Stanley của Mỹ. Nhưng cuối cùng thì Công ty Tài chính Mitsubishi UFJ của Nhật Bản đã làm việc đó.

Các lãnh đạo tài chính ở Hong Kong, Thượng Hải, Bắc Kinh có quan hệ mật thiết với chính quyền TQ, đã nói rõ là họ bị lỗ nặng trong các lần đầu tư trước đây, nên bây giờ người TQ rất cảnh giác. Ông Lou đã xác định lại ý kiến đó.

Tương tự, các nhà kinh tế tây phương đã hy vọng là TQ sẽ cố gắng tham gia lãnh đạo việc phục hồi tăng trưởng kinh tế toàn cầu, bằng cách chi tiêu thiệt nhiều. Nhưng khi chính phủ TQ công bố kế hoạch cứu nguy 586 tỷ USD, hầu hết số tiền này sẽ được dùng để xây xa lộ hay đường xe lửa, những công trình này có nhu cầu nhập khẩu rất giới hạn.

Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã cảnh báo trong một buổi họp vào tuần trước của chính phủ là các khó khăn của nền kinh tế thế giới sẽ làm giảm sút tăng trưởng tại TQ.

Laura Tyson, nguyên chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh tế của Tổng thống Clinton, trong buổi họp tại Hong Kong, đã phát biểu là cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ làm tăng vai trò kinh tế quan trọng của châu Á. Bà nói: “ Cuộc khủng hoảng sẽ chuyển sức mạnh kinh tế qua châu Á. Khuynh hướng này đã có từ trước, nhưng bây giờ được tăng tốc lên. ” Công ty Đầu tư TQ có một số vốn 200 tỷ USD, lúc đầu, họ dự kiến sẽ đầu tư hết ra hải ngoại; nhưng bây giờ, họ dung phần lớn số tiền đó để hỗ trợ các ngân hang của TQ.

 

III - TỚI LÚC CẦN NHÌN KỸ TRUNG QUỐC.

(Time for a serious reality check - Marcus Gee - Globe and Mail, Toronto - Dec 10- 2008/)

Trung Quốc không có quyền lực để cứu chúng ta khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế này.

Trước hết phải thây rằng, TQ dựa vào thế giới nhiều hơn là thế giới dựa vào TQ. Đồng ý là kinh tế TQ đã phát triển mạnh mẽ. So với vài thập kỷ trước, nền kinh tế TQ đã khá lớn. Nhưng sản lượng của nó chỉ chiếm có 6% sản lượng của thế giới, một tỷ lệ tương đối khiêm tốn. Đồng ý là hiện nay TQ có quỹ ngoại tệ trị giá 2000 tỷ USD. Nhưng phần lớn số tiền này nằm dưới dạng công trái của chính phủ Mỹ. Và trong tương lai có lẽ vẫn nằm tại Mỹ. Khó cho người ta hy vọng là số tiền đó sẽ được bơm thêm vào IMF để cứu các nền kinh tế khác, hoặc bơm thêm vào Mỹ để cứu hệ thống tài chính của Mỹ.

Kế hoạch kích cầu trị giá 580 tỷ USD của TQ là một kế hoạch lớn, có thể là một kế hoạch lớn nhất từ xưa đến nay của một chính phủ trong thời bình. Nhưng các chuyên gia khi nghiên cứu kỹ kế hoạch này, thì họ thấy rằng phần lớn số tiền này đã được công bố từ trước. Do đó, ảnh hưởng lên tăng trưởng kinh tế sẽ không mạnh lắm. Các chuyên gia đã phải giảm ảnh hưởng của nó đóng góp vào tăng trưởng kinh tế tử 3% xuống còn 1%.

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế TQ đang suy giảm ( năm 2007 tăng trưởng 12%, quí 3 vừa rồi có 9%), kế hoạch kích cầu của TQ chưa chắc đã cứu nổi TQ. , chứ chưa nói tới cứu nguy nền kinh tế thế giới. Lorent Brandt, một kinh tế gia của Đại học Toronto, vừa mới qua thăm TQ trong một tháng. Ông cho biết, khi ông mới tới nơi, các công ty cho biết có lẽ tăng trưởng kinh tế năm tới sẽ là 8%. Nhưng khi sắp rời TQ, dự đoán của các công ty chỉ còn lại 5% cho 2009.

TQ không những có tình trạng xuất khẩu suy giảm, mà còn thấy đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào TQ cũng giảm trong thời gian gần đây. Giáo sư Brandt nhận xét là tại Mỹ, sự sụp đổ của thị trường tài chính đã kéo theo suy thoái của nền kinh tế thực; Nhưng tại TQ, hiện tượng ngược lại có thể xảy ra. Sự suy thoái ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu ( nền kinh tế thực), sẽ làm suy sụp hệ thống ngân hàng, vì các công ty sản xuất bị phá sản, không trả nổi tiền nợ ngân hàng.

Tuy thế, các phân tích trên cũng cho thấy nền kinh tế TQ không đến nỗi đen tối. Về phương diện nào đó, kinh tế TQ còn khá hơn nhiều nước khác. Tư thế tài chính của nó rất mạnh, có thể vực dậy rất nhanh nền kinh tế. Các ngân hàng TQ có vẻ rất lành mạnh. Cuộc khủng hoảng toàn cầu bắt buộc người TQ phải suy nghĩ về việc thay đổi cơ cấu nền kinh tế của họ : Chuyển qua tiêu thụ, thay vì tiết kiệm và đầu tư. Và họ cũng đã có bước đi về hướng cải thiện hệ thống y tế và phụ cấp hưu trí. Đó là những việc cần làm, nếu TQ muốn thưc sự đẩy mạnh tiêu thụ nội địa trong thời buổi khó khăn này.

Nhưng những công trình sửa đổi cơ cấu đó đòi hỏi một thời gian dài, nhiều khi hàng thập kỷ. Do đó, không có khả năng làm cho người TQ tiêu thụ nhiều hơn giữa lúc đang suy thoái này. Phải chờ nhiều năm nữa mới tới giai đoạn kể trên. Trong ngắn hạn, điều tốt nhất mà thế giới có thể trông cậy vào TQ là TQ phải tự cứu lấy mình. Còn đòi hỏi TQ phải cứu thế giới thì đó là chuyện hơi quá đáng.

 

IV - TQ: SỰ TIẾT KIỆM CỦA TRUNG QUỐC ĐÃ THỔI PHỒNG BONG BÓNG CỦA MỸ.

( Chinese saving helped inflated American bubble - Mark Landler, New York Times, December 25 – 2008).

Ngày tính sổ: Túi TQ đầy tiền, túi Mỹ rỗng tuếch.

“ Bình thường , nước giàu cho nước nghèo vay tiền; Kỳ này, chính là nước nghèo cho nước giàu vay tiền.” Niall Ferguson.

Washington- Tháng 3-2005, một kinh tế gia ít tên tuổi ở Đại học Princeton đã được chỉ định làm Thống đốc của Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), đã đưa ra một lý thuyết mới, để cắt nghĩa khuynh hướng của người Mỹ đi vay tiền ngày càng nhiều ở nước ngoài, nhất là ở TQ, để tài trợ cho những khoản chi phí khổng lồ của Mỹ.

Theo ý ông ta, thì vấn đề không phải là tại người Mỹ tiêu quá nhiều, mà là vì người nước ngoài tiết kiệm quá nhiều. Người TQ đã tiết kiệm hàng đống tiền và cho Mỹ vay với lãi suất rất thấp (1), để hỗ trợ sự tiêu thụ ở Mỹ.

“ Vòng tuần hoàn tín dụng khổng lồ này không thể tiếp tục mãi mãi được. Nhưng trong nền kinh tế thế giới, sự di chuyển tiền của TQ qua Mỹ là một hiện tượng thị trường, mà phải cần nhiều năm, hay hang thập kỷ mới xây dựng được” , Ông nhận xét, “ Bây giờ chỉ còn có cách kiên nhẫn chờ đợi, không có cách nào khác”.

Ngày nay, sự phụ thuộc của Mỹ vào đồng tiền TQ có vẻ là một điều không lành mạnh. Và nhà kinh tế đã đưa ra lý thuyết đó, ông Ben S. Bernanke, đang phải đối phó với hậu quả của nó. Ông đã được thăng chức Chủ tịch của FED váo năm 2006, trong lúc mà số tiền chuyển nhượng qua biên giới hai nước đã đạt tới tầm mức chóng mặt.

Trong thập kỷ vừa qua, TQ đã đầu tư 1000 tỷ USD, phần lớn là do tiền lời của hàng xuất khẩu. Họ mua trái phiếu của chính phủ Mỹ, và các loại nợ bất động sản có bảo lãnh của nhà nước. Điều này đã giữ được lãi suất ở Mỹ nằm ở mức thấp. Và giúp tạo ra sự bội thực tiêu thụ và bong bong bất động sản ở Mỹ.

Một số kinh tế gia cho rằng TQ đã ru ngủ giới tiêu thụ ở Mỹ, và các nhà lãnh đạo Mỹ nhắm mắt cho dân Mỹ sống theo cách vung vãi của họ. Kenneth Rogoff, giáo sư Harvard, và cựu kinh tế trưởng của IMF đã nói : “ Đèn đỏ nhấp nháy đã bật lên. Chúng ta phải có thái độ với chuyện này.”

Nhận xét về sự kiện đã xảy ra, hầu hết các nhà kinh tế đều cho rằng , nước Mỹ nên nhận thức được vấn đề là đi vay tiền ở nước ngoài để tiêu thụ, và để chi phí ngân sách thâm thủng không phải là biện pháp kinh tế hiệu nghiệm. Mặc dàu điểm yếu này đã được đông đảo người nhận diện, nước Mỹ vẫn lún sâu vào cơn nghiện ngập vay mượn nước ngoài , để tài trợ chi tiêu của chính phủ, để cố cứu nền kinh tế đã gãy đổ.

Chắc chắn có rất ít phương thuốc chữa trị- Một số nhà phê bình cho rằng Mỹ có thể ép buộc Bắc Kinh phải từ bỏ chính sách kềm giữ đồng tiền của họ ở mức quá thấp. – Một chính sách làm cho hàng xuất khẩu của họ có giá rẽ, và giúp cho TQ trở thành cường quốc xuất khẩu của thế giới. Nếu trong thập kỷ vừa qua TQ đã để cho đồng tiền của họ nổi lên theo giá thị trường, thì sự tăng trưởng xuất khẩu của họ có thể khiêm tốn hơn. Và TQ đã không thu được một số ngoại tệ khổng lồ để đầu tư ở nước ngoài.

Một số người khác cho rằng FED và Bộ Tài chính phải nhìn vấn đề theo một cách khác: Đó là một gói kích cầu khổng lồ cho nền kinh tế Mỹ, tương tự như việc cắt lãi suất của FED. Các nhà phê bình này đã cho rằng FED dưới thời Alan Greenspan đã tạo ra bong bong bất động sản bằng cách cắt lãi suất quà thấp, trong một thời gian quá lâu. Và thêm vào đó là tiền đầu tư của TQ bỏ vào nuôi nền kinh tế Mỹ quá nhiều. Đáng lẽ FED phải bớt việc cắt lãi suất vào giữa thập kỷ này, và phải tăng lãi suất lên để giảm bớt đầu cơ bất động sản.

Ngày nay giữa đống gạch vụn của nền kinh tế Mỹ, ông Bernanke tiếc nuối là đã không giám sát kỹ hơn các định chế tài chính, và những người cho vay nợ bất động sản, để có thể ngăn ngừa tiền đầu tư nước ngoài, kê cả tiền của TQ, làm ngập lụt thị trường. Nhưng vai trò giám sát của FED chỉ giới hạn trong ngành ngân hàng . Ông nói đã không có đủ một sự giám sát thưc thụ chặt chẽ.

Trong một cuộc phỏng vấn, ông Bernanke đã nói “ Nếu thưc hiện được sự cân đối dòng chảy tư bản quốc tế một cách sớm hơn, người ta có lẽ đã giảm thiểu được rất nhiều rủi ro cho hệ thống tài chính. Tuy nhiên, chỉ có thể làm được điều này nếu có sự hợp tác quốc tế. Một mình nước Mỹ không thể làm nổi. Người ta đã nhận diện được vấn đề, nhưng sự hợp tác quốc tế thì không có”.

Sự bại liệt do nhiều yếu tố chính trị , kinh tế gây ra. Qua những thước đo quan trọng nhất – sự thịnh vượng và sự tăng trưởng – quan hệ hợp tác giữa Mỹ và TQ có vẻ có lợi cho cả hai bên. Cả hai nước đều không muốn bỏ sự nghiện ngập này. TQ thì nghiện tăng trưởng mạnh và ổn định tài chính, Mỹ thì nghiện hàng nhập khẩu rẻ và tiền vay lãi suất thấp.

Tại Washington, một số người coi Trung Quốc là một mối đe dọa, nhưng chủ yếu là vì sợ TQ lấy mất công việc trong ngành chế biến. Một số người khác cho rằng vay mượn TQ quá nhiều như vậy sẽ gây nên rủi ro., vì các nhà lãnh đạo TQ có thể quyết định lấy tiền ra bất cứ lúc nào, tạo nên sự hỗn loan trên thị trường đồng đô la.

Ông Bernanke thì nhìn dòng chảy tư bản quốc tế dưới một khía cạnh khác. Ông cho rằng TQ đầu tư tiền tiết kiệm của họ ở nước ngoài , vì giới tiêu thụ TQ không đủ tự tin để chi tiêu ở trong nước. Muốn thay đổi tình hình như vậy, phải cần nhiều năm. \và không phải là vấn đề khẩn cấp của nước Mỹ. (3)

Edwin Truman, một cựu quan chức của FED và của Bộ Tài chính Mỹ nói: Câu chuyện siêu tiết kiệm của thế giới tạo ra một điều tệ hại tập thể cho nước Mỹ. Nó tạo ra tư tưởng là thế giới đang làm điều đó cho ta, mà chúng ta không làm được gì cho vấn đề này cả.

Nhưng lý thuyết của Bernanke thích ứng với ý thức hệ không can thiệp , nghiêng về thị trường , đang thịnh hành ở Mỹ trong những năm gần đây. Ông Greenspan và chính quyền Bush coi thâm ht thương mại và vấn đề đi vay nợ trầm trọng của Mỹ là một mối đe dọa trừu tượng, không phải là vấn đề cấp bách. Sau khi nhậm chức Chủ tịch tại FED, ông Bernanke đã cảnh báo là sự mất cân đối công nợ giữa hai nước đã trở nên quá trm trọng. Tuy nhiên, lúc đó đã quá trễ để có thể làm được việc gì. Và Nhà Trắng vẫn coi sự mất cân đối là đề tài bí hiểm dành riêng cho các nhà kinh tế. Tự nó, tiền từ TQ không phải là điều xấu. Như là các quan chức Mỹ vẫn thường nhận định: Đó là điều chứng tỏ sự hấp dẫn của nước Mỹ như là địa điểm đầu tư rất tốt. Vào thế kỷ 19, nước Mỹ đã vay tiền của nước Anh để xây dựng đường xe lửa. Trong thập kỷ vừa qua, TQ đã giúp cho kinh tế Mỹ bùng phát. Hàng hóa giá rẻ của TQ đã giúp Mỹ ngân chặn lạm phát. Trong khi tiền đầu tư của TQ đã giúp chính phủ Mỹ tài trợ các khoản nợ bất động sản, và nợ công xấp xỉ tới 11.000 tỷ USD. Nhưng người Mỹ đã không sử dụng tiền vay của TQ để xây dựng những công trình tương đương đường xe lửa của thế kỷ thứ 21. Ngược lại, chính phủ Mỹ đã dùng tiền đó để gây ra cuộc chiến tranh Iraq đầy tốn kém; và người tiêu thụ dùng tiền đi vay để mua xe sport utility, và mua nhà cửa đồ sộ. Ngân hàng và nhà đầu tư ham muốn lợi nhuận cao trong bối cảnh tiền vay dễ dàng, đã tạo ra những loại tín phiếu đầy rủi ro giống như CDO (trái phiếu nợ có bảo lãnh). Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, thuộc đảng Cộng hòa ở South Carolina, ngưởi đã thúc đẩy một đạo luật chống hàng TQ bằng cách tăng thuế nhập khẩu, đã nói: Không ai muốn cai nghiện cả. TQ nghiện những dẫy dài khách hàng nối đuôi nhau chờ mua hàng TQ . Mỹ nghiện mua hàng TQ và tiền mặt của TQ. . Ông Graham nói là ông đã hiểu cơn nghiện này rồi. Khi nói chuyện bằng điện thoại với chúng tôi, ông đang đứng xếp hàng trước cửa hàng Wall Mart tại Anderson, S.C, để mua quà Giáng sinh sản xuất tại TQ.
 

ĐIỆU VŨ KINH TẾ MỚI

Trước kia, nước Mỹ đã gặp tình trạng này rồi. Trong những năm 1980, Mỹ đã có thâm hut thương mại nặng nề với Nhật Bản. Nước Nhật đã dùng môt phần số tiền này để mua trái phiếu Mỹ. Vào lúc đó, sự thâm hụt được coi là mối đe dọa lớn cho quyền lực kinh tế của Mỹ. Mỹ đã ép Nhật phải ký một hiệp ước gọi là Plaza Accord vào năm 1985. Các nền kinh tế lớn trên thế giới đã can thiệp vào thị trường tiền tệ để đẩy tỷ giá đồng đô la xuống, và nâng tỷ giá đồng yên lên.

Hiệp ước này đã làm cho cán cân thương mại bớt trầm trọng trong một thời gian. Nhưng các kinh tế gia cho rằng, khi ép đồng yên tăng giá, Mỹ đã làm cho kinh tế Nhật bớt tăng trưởng. (4). Bài học của Plaza Accord chưa làm tổn hại tới TQ , vì vào lúc đó, TQ mới chỉ là một nước xuất khẩu mới nổi lên.

TQ gắn kết với Mỹ chặt chẽ nhiều hơn là Nhật Bản trước kia. Năm 1995, TQ đã hạ giá đồng quan , và duy trì ở mức 8.3quan/1 đô la. Tỷ giá này nằm yên trong một thập kỷ. Trong cuộc khủng hoảng Á châu năm 1997-98, TQ ôm chặt lấy chính sách tiền tệ này, và đã được chính quyền của ông Clinton khen ngợi là đã giúp ngăn chặn vòng xoáy chôn ốc của chính sách giảm giá đồng tiền tại Á châu. Lương bổng rất thấp tại TQ đã cuốn hút hàng trăm tỷ đô la đầu tư nước ngoài.

Vào đầu thập kỷ này, Mỹ đã nhập những số lượng hàng hóa khổng lồ từ TQ - Đồ chơi, giày dép, TV màn hình phẳng và phụ tùng xe hơi – trong khi đó, Mỹ xuất rất ít hàng qua TQ.

Ông Laurant Meyer, nguyên Thống đốc của FED, đã nói: “ Đối với giới tiêu thụ, đây là chuyện có lợi, vì họ được mua hàng giá rẻ. Rõ ràng là TQ đã giúp Mỹ ngăn chặn lạm phát.”

Nhưng trong kinh tế học cổ điển, sự thâm hụt thương mại này không thể kéo dài mãi được mà không làm phá sản nền kinh tế Mỹ. Ngoại trừ là TQ tái đầu tư số tiền lời mà họ kiếm được vào Mỹ.

TQ làm vậy là để tự bảo vệ quyền lợi cuả họ. TQ kiểm soát chặt chẽ các ngân hang và đồng nội tệ của họ để duy trì ổn định tài chính. Họ đòi hỏi các công ty và tư nhân phải gửi tiết kiệm ngoại tệ trong tài khoản ngân hàng, những số tiền lời bằng ngoại tệ của họ.

Khi ngoại thương phát triển, kho đô la của họ trở thành khổng lồ. Năm 2000, Quỹ dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc chỉ có 200 tỷ đô la. Năm 2008, Quỹ này đã có 2.000 tỷ đô la. Các nhà lãnh đạo TQ đã chọn cách gửi tiền an toàn nhất: Vào các loại tín phiếu của Mỹ có chính phủ bảo lãnh. Kể cả trái phiếu của Bộ Tài chính, và trái phiếu của các công ty Fannie Mae và Freddie Mac. ( Các công ty này cũng được chính phủ Mỹ bảo lãnh).

Cách làm này không những giúp chính phủ Mỹ tiếp tục tài trợ thâm thủng thương mại, mà khi mua công trái của Mỹ, họ đã giúp làm hạ lãi suất của Mỹ xuống. Nếu không thế thì lãi suất của Mỹ đã rất cao. Trong nhiều năm liền, TQ rất ham mua trái phiếu của Mỹ, do đó, tiền lãi của khu vực tư xuống rất thấp.

Sự đan kết tài chính và thương mại giữa TQ và Mỹ đã quá chặt chẽ, đến nỗi nhà sử học về tài chính Niall Ferguson đã gọi hai quốc gia này là Chimerica.

RÓN RÉN QUANH ĐỐI TÁC-

Bị buộc dây thừng vào lưng không là điều thoải mái chút nào cho cả 2 bên. Có nhiều lý do:

Tại Mỹ, nhiều người lo lắng vì hang TQ giá rẻ, chú không lo về tiền vay của TQ giá rẻ. Năm 2003, thặng dư thương mại của TQ đối với Mỹ tăng vọt, và các nhà làm luật ở Quốc Hội Mỹ bồn chồn. Thượng nghị sĩ Graham và TNS Charles E. Schumer, đang Dân chủ bang New York, đã đưa ra một dự án luật đề nghị tăng thuế 27% lên hàng hóa nhập khẩu từ TQ. Ông Graham nhớ lại : “ Có lúc chúng tôi phải lưu ý mọi người: coi chừng Nhà Trắng và TQ”.

Tại Ngân hang Trung ương TQ, đã có sự đồng thuận vào năm 2004: “ TQ phải từ bỏ việc cột chặt đồng quan vào đô la, sẽ làm cho hàng xuất khẩu cao giá hơn. Yu Yonding, một cố vấn kinh tế cao cấp, đã thúc đẩy việc này (5).Sự thâm thủng thương mại và ngân sách của Mỹ quá trầm trọng rồi. Ông cảnh báo: TQ sẽ sai lầm nếu cứ giữ đồng tiền quá thấp một cách giả tạo., và phụ thuộc quá nhiều vào việc xuất khẩu hàng giá rẻ.

Những người ủng hộ việc nâng giá đồng quan lý luận là chính sách tiền tệ của nhà nước như vậy sẽ không cho người dân được chung hưởng kết quả của sự trù phú. Bắc Kinh đã đầu tư tiền tiết kiệm của nhân dân vào những trái phiếu có lãi suất rất thấp (6) của chính phủ Mỹ. Họ nói, vối một đồng nội tệ có tỷ giá quá thấp, người dân TQ không thể mua được nhiều loại hàng nhập khẩu.

Ông Thống đốc Ngân hàng Trung ương TQ, Zhou Xiao Chan, là một trong những người ủng hộ việc nâng giá đồng quan.

Nhưng tới năm 2005, chính phủ TQ hành động để sửa đổi lại đồng tiền, dưới áp lực của Quốc hội Mỹ và của Nhà Trắng, họ lại hành xử quá cẩn thận. Đồng nhân dân tệ chỉ tăng giá có 2% (6). Đảng Cộng sản TQ đã chỉ đồng ý tu chính một chút ít mô hình kinh tế đã giúp họ phát triển nhanh suốt một thập kỷ. Quá ít thay đổi. Hàng xuất khẩu của TQ tiếp tục tăng mạnh, và tiền đầu tư đổ như nước vào các lò luyện thép, và các xí nghiệp may mặc.

Nhưng chính phủ Mỹ giảm bớt áp lực. Họ quyết định là phải nhấn mạnh vào việc khuyến khích người TQ tiêu thụ. Nếu được như vậy, người Mỹ hy vọng là cán cân thương mại giữa hai nước sẽ cân bằng tốt hơn. John W. Snow, lúc đó là Bộ trưởng Tài chính Mỹ, trong một chuyến thăm TQ, đã đề nghị người TQ dung thẻ tín dụng.

Chính phủ TQ cũng có chiến dịch của riêng họ để vận động tiêu thụ trong nước, mà họ hy vọng sẽ tìm ra lối ra mới. Nhưng người TQ vẫn say mê tiết kiệm, giống như người Mỹ say mê tiêu tiền. Vì mạng lưới an sinh xã hội chưa đầy đủ, họ phải dành dum tiền cho y tế, nhà cửa, và hưu trí. Đó là những thứ tiêt kiệm mà ông Bernanke đã kể ra.

Khi gặp riêng các phái bộ của Mỹ, các quan chức TQ cho biết các nỗ lực vận động tiêu thụ ít có hiệu quả.

Robert Zoellick, thứ trưởng ngoại giao, lo các vấn đề đàm phán với TQ, đã nhận xét: “Đôi khi rất khó thay đổi một mô hình đã được chứng tỏ là thành công. Nói theo kiểu Mỹ ngày xưa: “ Mô hình này rất tốt, nhung bây giờ bạn nên thay đổi nó đi”.

Tại Washington, các nhà phê bình nói là chẳng có tiến bộ gì cả. Một cựu viên chức Bộ tài chính, Timothy D.Adam, đề nghị IMF giám sát chặt chẽ việc TQ thao túng tỷ giá đồng tiền, điều này sẽ bắt TQ phải chịu thêm áp lực của quốc tế.

Nhưng vào năm 2006, khi Hank Paulson thay thế Snow làm Bộ trưởng tài chính, IMF bị bỏ qua một bên, và Paulson trực tiếp chỉ huy chính sách đối với TQ.

Paulson không tự ty chút nào. Trước kia là một lãnh đạo của công ty Goldman Sachs, ông Paulson đã qua TQ 70 lần.Trong văn phòng của ông, có treo một bức tranh màu nước, vẽ hình làng quê của Chu Dung Cơ, nguyên Thủ tướng TQ. Trong một buổi phỏng vấn, ông Paulson đã nói: “Tôi đã đẩy mạnh đàm phán về đồng nội tệ của TQ, vì tôi tin là sẽ rất quan trọng cho TQ cần có một đồng tiền do thị trường định giá”. Nhưng ông cũng thú thực là ông đã không đạt được điều ông muốn.

Cuối năm 2006, ông Paulson mời ông Bernanke cùng đi Bắc Kinh. Ông Bernanke nhân cơ hội này, đã có bài phát biểu tại Viện Hàn lâm Xã hội học TQ, trong đó, ông khuyên TQ nên chuyển hướng lại nền kinh tế, và nâng giá đồng quan lên. Nhưng vào giờ phút chót, ông Bernanke đã gạch bỏ đoạn văn nói về “ tỷ giá là cách tài trợ xuất khẩu của TQ” vì sợ rằng câu này có thể gây ra phản ứng của Quốc hội Mỹ chống lại TQ.

Những người phê phán ( chính phủ Mỹ) đã tìm ra được một chi tiết: Họ ghi nhận là trong những báo cáo của Bộ tài chính cho Quốc hội Mỹ , hai lần một năm, không bao giờ nói là TQ thao túng tỷ giá đồng tiền của họ.

Thea M. Lee, giám đốc chính sách công của tổ chức nghiệp đoàn AFL-CIO đã nói: “Chúng ta rón rén đi nhẹ bước, sợ làm mất lòng người TQ. Nhưng nếu bạn muốn có kết quả cụ thể, bạn phải đối đầu với họ”.

MỘT CUỘC ÔM ẤP KHÔNG ĐƯA TỚI ĐÂU-

Đối với TQ, cuộc khủng hoảng hiện nay cũng là dịp để tính toán lại. Hiện nay, người Mỹ mua ngày càng ít máy hát DVD và lò vi ba của TQ. Thương mại đang sụp đổ, và hàng ngày công nhân mất việc. Các nhà lãnh đạo đang lo sẽ có bất ổn xã hội.

Sau năm 2005, đồng nhân dân tệ đã lên giá một chút. Bây giờ chính phủ TQ đang bị áp lực đè nặng phải thay đổ hướng đi của nền kinh tế, và phá giá đồng tiền. Của cải của TQ bị trói chặt vào sự giàu có của Mỹ. Và điều ngược lại cũng hoàn toàn đúng.

…..

Từ năm năm nay, TQ là người mua công trái của Mỹ nhiều nhất. Họ nắm giữ tới 652 tỷ USD công trái của Bộ tài chính Mỹ, tăng từ 459 tỷ khoáng một năm trước đó. Nếu kể thêm trái phiếu của Fannie Mae và các công ty khác, các chuyên viên cho rằng TQ sở hữu 1USD cho mỗi 10USD nợ công của nước Mỹ. (7)

Hiện nay, Bộ Tài chính đang rao bán them công trái để tài trợ 700 tỷ tiền cứu nguy các ngân hang. Ngoài ra, còn cần them nhiều tiền nữa cho kế hoạch kích cầu của chính quyền Obama. Cac nhà kinh tế cho rằng nước Mỹ sẽ phải phụ thuộc vào TQ để họ tiếp tục mua them nợ, cho phép kéo dài thói quen của Mỹ ( đi vay nợ).

Ngay cả vậy, ông Paulson vẫn cho là cuộc tranh luận về sự mật cân đối (thương mại) toàn cầu chỉ là vấn đề sách vở. Ông tỏ ý nghi ngờ là ông Bernanke hay bất cứ ai khác có thể giải quyết được vấn đề đả chớm phát.

Ông Paulson, ngồi dưới bức tranh màu nước trong văn phòng của ông, nói : “ Tôi đã rõ ràng học được bài học: Bạn không thể nào thay đổi , hay cải cách, hoặc hành động mạnh bạo được, nếu khủng hoảng không xảy ra.”

 

Trích từ quyển Đại khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008

Chú thích của người dịch:

(1) Thực ra, lãi suất là do Bộ Tài chính và FED của chính phủ Mỹ qui định. Người TQ chỉ mua trái phiếu của Mỹ mà thôi.

(2) Chủ nghĩa laissez-faire của thời đại Reagan.

(3) Dân TQ không đủ tự tin để tiêu thụ hay là vì chính phủ TQ tập trung thặng dư giá trị vào tay nhà nước ?

(4) Tăng trưởng của Nhật: Những năm 1950: 10%/năm; 1960: 5%, 1980: 3%. Đầu năm 1991: suy thoai kinh tế tại Nhật, kéo dài cho tới năm 2003.

(5) Nếu nâng tỷ giá đồng quan lên, thặng dư xuất khẩu sẽ bớt. Chính phủ TQ sẽ không tích lũy nhanh. Nhưng trong tư nhân tại TQ, hang nhập khẩu giá rẻ, sẽ đẩy mạnh khả năng tiêu thụ của quần chúng, mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa.

(6) Hiện nay, 2008, 1 USD = 6.9 tệ ( quan).

1995, 1USD= 8.3 tệ

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    Nguyễn Văn Nhã