Obama và khủng hoảng Trung Đông

Vietsciences- Nguyễn Trường      08/10/2009

 

Những bài cùng tác giả

Thật là một điều khó hiểu tại sao trong bài nói chuyện trước Đại Hội Đồng LHQ ngày 23-9-2009, Obama lại lựa chọn không đề cập đến cuộc chiến Afghanistan, và chỉ dành cho  cuộc chiến Iraq một đoạn vỏn vẹn bốn câu.

Thay vào đó, Obama đã leo thang  khẩu chiến với Iran, tựa như mở rộng cuộc chiến Afghanistan qua Pakistan chưa đủ tiêu hao các tài nguyên quân sự, nhân lực, và tài chánh của Mỹ; cũng như  đe dọa mở một mặt trận thứ ba ở Trung Đông có thể bằng cách nào đó giúp bảo vệ quyền lợi thiết yếu của Hoa Kỳ trong khu vực, hay đem lại sự khả dĩ chiến thắng luôn vuột khỏi tầm tay của Mỹ trong cả hai cuộc chiến.

Tảng lờ và coi nhẹ hai cuộc chiến cấp thiết trong nghị trình của Hoa Thịnh Đốn và thổi phồng hiểm họa nguyên tử Iran chỉ là một nổ lực che đậy vụng về nhằm đánh lạc hướng công luận khỏi sự kiện Obama đang bị kẹt giữa hai tai họa Iraq và Afghanistan.

TIẾN THOÁI LƯỠNG NAN

Kỷ niệm thứ hai ngày Blackwater tàn sát người Iraq ở Quảng Trường Al-Nusur ở Baghdad, trong bài tường trình chi tiết, Hảng CBS đã đặt câu hỏi: "Tại sao Obama vẫn tiếp tục sử dụng Blackwater?".  Câu trả lời rõ ràng là vì quân đội "tự nguyện" của Hoa kỳ đã được tận dụng tối đa để theo đuổi hai cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan.

Trong trạng huống đó, Obama chỉ còn ba lựa chọn: (1) Tư nhân hóa cả hai cuộc chiến và, vì vậy, sẽ có thêm nhiều "Blackwaters". (2)  Iraq-hóa và Afghanistan-hóa, vì vậy, sẽ không thể triệt thoái quân sự và tiết kiệm tài chánh trong cả hai cuộc chiến sớm sủa cũng như trong một tương lai có thể tiên liệu. (3)  Tái lập chế độ động viên để có đủ quân số theo đuổi chiến tranh cho đến nay không thể chiến thắng ở Iraq lẫn Afghanistan. 

Tuy nhiên, cả ba giải pháp hình như khó thể thực hiện.

Ban hành lệnh động viên như giải pháp cuối cùng là một lựa chọn tuyệt đối bị loại bỏ vì lẽ trừ phi có một đe dọa cho an ninh quốc gia rõ rệt,  đây là sự lựa chọn sẽ không bao giờ được chấp nhận như  biện pháp tối cần để tự vệ, nói gì đến để đáp ứng nhu cầu cuộc chiến Iraq, một cuộc chiến không được người Mỹ ủng hộ ngay từ 2003, hay cho cuộc chiến Afghanistan ngày một bị chống đối nhiều hơn. Thực vậy, cuộc thăm dò dư luận của CNN mới đây đã cho thấy 58% chống đối; cũng như cuộc thăm dò của Wall Street Journal và NBC News ngày 23-9-2009 đã tiết lộ tỉ số ủng hộ T T Obama đã sụt giảm từ 57% xuống còn 50% trong tháng 7.

Hai giải pháp còn lại - tư nhân hóa hay Iraq-hóa và Afghanistan-hóa cả hai cuộc chiến - rõ rệt là mâu thuẫn. Mặc dù người Iraq hay Afghanistan có thể chịu chấp nhận một sự triệt thoái lần hồi quân nước ngoài trong khi chờ đợi xây dựng quân đội quốc gia riêng, họ sẽ không bao giờ chấp nhận giải pháp lính đánh thuê tạm thời thay thế; hay tin tưởng những binh sĩ do chính quân đội xâm lăng du nhập vào cả hai xứ có thể đầu hôm sớm mai trở thành quân đội quốc gia.

Chiến lược của Obama như đã được công bố trong lễ nhận chức là rút quân tác chiến khỏi Iraq và tái phối trí đến Afghanistan hầu giải quyết vấn đề quân số. Tuy nhiên, triệt thoái khỏi Iraq là một việc thật khó khăn tế nhị và cuộc chiến Afghanistan khó thể tiến hành nếu không có một số quân tăng viện lớn và gấp rút.

Obama giờ đây phải lựa chọn giữa hai thất bại, hoặc ở Iraq hoặc ở Afghanistan, bởi lẽ sự khả dĩ thành công ở Afghanistan sẽ đòi hỏi một sự tăng viện lớn lao; nhưng tái phân phối quân tác chiến qua Afghanistan cấp tốc sẽ phương hại cho mặt trận Iraq.

Obama hiện rõ ràng đang bị kẹt giữa cuộc chiến lựa chọn ở Iraq và cuộc chiến cần thiết ở Afghanistan. Tuy nhiên, cả hai cuộc chiến đang được Obama tiếp tục duy trì. Chiến lược triệt thoái từ hai cuộc chiến của Obama hiện đang rất mù mờ trong nhãn quan người Iraq, người Afghanistan, và ngay cả người Mỹ.

Nhìn từ hiện tình chiến trường Trung Đông, chiến lược của Obama hình như thiếu tính quyết đoán và mâu thuẫn. Ở Iraq, trong bài nói chuyện trước LHQ, Obama cam kết chấm dứt chiến tranh và triệt thoái quân đội vào cuối năm 2011, một cách có trách nhiệm, nghĩa là chỉ khi quân đội Iraq có thể đứng vững và tự đảm nhiệm vai trò bảo đảm an ninh quốc gia; điều nầy, trong thực tế, có nghĩa một cam kết chiến lược lâu dài từ phía Mỹ.

Trong cùng lúc, ở Afghanistan, Obama vẫn còn do dự và không vội vàng tăng quân ồ ạt để tránh điều Tướng Stanley McChrystal, tư lệnh liên quân Hoa Kỳ và NATO tại chỗ, cảnh cáo trong một phúc trình mật, vừa bị rò rỉ: "Tài nguyên sẽ không chiến thắng, nhưng thiếu hụt tài nguyên có thể chiến bại...Nổ lực chung ngày một tồi tệ. Chúng ta đang có nguy cơ thất bại chiến lược"[1]. Nhưng Obama sẽ chưa tăng quân chừng nào chưa có "chiến lược đúng đắn" và sẽ không gửi "thanh niên nam nữ ra mặt trận khi chưa tuyệt đối hiểu rõ chiến lược như thế nào"[2].

Sau chín tháng cầm quyền, Obama vẫn chưa chắc chắn: "chúng ta đang làm đúng? Chúng ta đang theo đuổi chiến lược đúng?"[3]. Nếu Obama vẫn chưa quyết định một chiến lược cho Afghanistan, ngày nay nhìn lại, người ta có thể hỏi: tại sao ông lại tăng viện 17.000 quân hồi đầu năm!

Đã từ lâu, Trung Đông đã phải trả bằng máu cho các chính sách đối ngoại thực nghiệm và đầy mâu thuẫn của Hoa Kỳ. Người Mỹ rõ ràng đang tìm hòa bình ở nơi chiến tranh là giải pháp duy nhất, chẳng hạn,  để buộc quân chiếm đóng Do Thái phải chấp nhận một giải pháp hòa bình công bằng và dài lâu cho cuộc xung đột Israel-Palestine; và đang gây chiến ở nơi hòa bình có thể đạt được qua việc chấm dứt những cuộc chiến do Mỹ lãnh đạo như  trường hợp Iraq và Afghanistan.

Tuy nhiên, tại diễn đàn LHQ, ngày 23-9-2009, Obama hình như đã hứa hẹn tiếp tục các chính sách Trung Đông hiện nay khi ông quả quyết "sẽ không bao giờ xin lỗi" vì bảo vệ quyền lợi của "quốc gia tôi", và vẫn than phiền "chủ nghĩa chống Mỹ", hậu quả của chính nổ lực theo đuổi các chính sách phản tác dụng vừa nói.

NHỮNG BÀI HỌC RÚT TỈA TỪ THẢM HỌA

Theo George Stephanopoulos, tháng 9 vừa qua, một mẩu tin đặc biệt đáng quan tâm trong blog ABCNews.com,  liên quan đến cuốn Lessons in Disaster (Những Bài Học Trong Tai Họa) của tác giả Gordon M. Goldstein, một học giả chuyên về chính sách đối ngoại, viết chung với McGeorge Bundy, cố vấn an ninh quốc gia thời Kennedy-Johnson, theo kiểu tự kiểm điểm của Robert McNamara, về vai trò của mình trong việc hoạch định cuộc chiến Việt Nam. Stephanopoulos nghĩ đây là cuốn sách các cố vấn chiến lược của Obama cần phải đọc.

Bundy từ trần năm 1996 khi tác phẩm đang dang dở. Goldstein tiếp tục nghiên cứu và hoàn thành tác phẩm, phân tích quá trình nhóm người trẻ "thông minh xuất chúng" (the best and the brightest) đã đưa Hoa Kỳ đến tai họa. Xuất bản trong tháng 11-2008, cuốn Lessons in Disaster không được mấy ai lưu ý cho đến khi The Times Book Review ca ngợi như tác phẩm đặc biệt mang tính cảnh báo đối với người Mỹ. Người điểm sách không ai khác hơn là Richard Holbrooke, một chuyên gia về Việt Nam trước đây và hiện được chính quyền Obama trao nhiệm vụ đặc trách cuộc khủng hoảng Afghanistan-Pakistan.

Thẩm định của Holbrooke về cuốn Lessons in Disaster không những đúng mà còn mang tính tiên tri. Tác phẩm cung cấp các thông tin mật liên quan quá trình lấy quyết định của Tòa Bạch Ốc, giống hệt như đang tái diễn ở Hoa Thịnh Đốn khi T T Obama tái duyệt  chiến lược ở Afghanistan hiện nay. Đây chính là thời điểm người Mỹ phải ôn lại những bài học từ cuộc chiến Việt Nam cách đây trên bốn thập kỷ.

Trong những tuần lễ gần đây, nhiều người chú tâm đến những điểm tương đồng giữa Việt Nam và Afghanistan. Rất có thể người Mỹ sẽ không bị sa lầy lâu dài và không phải lâm chiến với một quân số trên 500.000 ở Afghanistan. Nhưng người Mỹ nên nhớ lại những gì đã xảy ra ở Việt Nam sau khi T T Lyndon B. Johnson Mỹ hóa cuộc chiến năm 1965. Những gì tương tự với cuộc chiến Afghanistan hiện nay là cuộc chiến Việt Nam và chương I trong tác phẩm của Goldstein, khởi từ 1961. Đó là thời điểm J.F.K., trẻ tuổi và hăng say, đang bận tâm với vấn đề Việt Nam trong những tháng đầu nhiệm kỳ.

Từ hai tuần nay, những điểm tương đồng với 2009 đã trở nên rõ ràng khi những dị biệt nội bộ giữa các thành viên trong chính quyền Obama đã phơi bày trên báo chí. Trong số báo Washington Post ngày 21-9-2009, Bob Woodward cho biết, thẩm định mật của Tướng Stanley A. McChrystal, tư lệnh Hoa Kỳ và NATO ở Afghanistan, cảnh báo cuộc chiến Afghanistan có thể thất bại nếu người Mỹ không gửi tăng viện trong vòng 12 tháng tới. Ngày 23-9-2009, báo The New York Times loan tin các quan chức Tòa Bạch Ốc lặng lẽ trì hoãn những yêu cầu rò rỉ từ báo cáo của McChrystal khi tuyên bố T T Obama đang "xem xét các biện pháp thay thế cho biện pháp tăng quân lớn lao ở Afghanistan"[4].

Theo Frank Rich, bỉnh bút báo The New York Times, Goldstein đã nói với ông, những vận động chính trị nầy tương tự với những gì đã xảy ra cách đây nửa thế kỷ một cách kỳ lạ đáng ngại, khi J.F.K. đang cân nhắc việc gửi quân tác chiến đến Việt Nam. Các cấp lãnh đạo quân sự đã vận động hành lang cho cuộc chiến mới của họ bằng cách rò rỉ tin tức cho báo chí. Kennedy phản ứng bằng cách cho phép các tiết lộ của chính mình, những tiết lộ, tương tự với những rò rỉ của Obama, cho thấy sự dè dặt của Kennedy về khả năng các lực lượng tác chiến của Hoa Kỳ có thể biến chiến lược "chống nổi loạn" (counterinsurgency) thành một cuộc chiến khả dĩ chiến thắng.

Bên trong chính quyền Kennedy, phe ủng hộ lời kêu gọi gửi quân tác chiến của Bộ Tham Mưu Liên Quân gồm bộ trưởng quốc phòng McNamara, bộ trưởng ngoại giao Dean Rusk, và cố vấn quân sự đặc biệt của tổng thống, Tướng Maxwell Taylor. Nhân vật bất đồng quan điểm cao cấp nhất là thứ trưởng ngoại giao George Ball. Sau những lỗi lầm điên rồ của người Pháp ở Việt Nam, George Ball tiên đoán "trong vòng năm năm, chúng ta sẽ gửi 300.000 thanh niên đến các vùng đồng ruộng, núi rừng Việt Nam để rồi chẳng bao giờ thấy lại họ"[5]. Trong cuộc tranh luận nội bộ trong chính quyền Obama về Afghanistan, theo Goldstein, Joe Biden đang giữ vai trò của George Ball.

Mặc dù đa số quan chức Tòa Bạch Ốc ủng hộ lập trường của phe quân sự, và mặc dù Kennedy cũng đã có lần tuyên bố Việt Nam là nền móng then chốt của thế giới tự do ở Đông Nam Á, cuối cùng Kennedy vẫn từ chối lời kêu gọi gửi quân tác chiến đến Việt Nam. Thay vào đó, ông chỉ hạn chế vai trò quân sự của Mỹ trong sứ mệnh cố vấn. Chính sách nầy, chính thức đưa ra vào tháng 11-1961, để rồi bị đảo ngược và đưa đến thảm bại sau khi ông bị ám sát. Như Bundy đã viết trong một văn thư năm đó, tổng thống mới đã học được bài học đắt giá từ tai họa Bay of Pigs tháng 4-1961 - ông đã phải tìm các biện pháp thay thế ngay cả các kế hoạch quân sự. Hay, như Goldstein đã chắt lọc bài học chung của lời kêu gọi đơn độc J.F.K. về chiến lược Việt Nam: "Các cố vấn giữ vai trò tư vấn, nhưng tổng thống là người quyết định"[6].

Obama hiện nay cũng đang ở trong thời điểm phải lấy quyết định đơn độc tương tự. Mặc dù khi đắc cử tổng thống, ông đã tuyên bố Afghanistan là cuộc chiến cần thiết, nhưng hiện nay, tình huống đã đổi khác. Trong khi Taliban đang ngự trị ở Afghanistan, Al Qaeda cũng đang có trú khu an toàn ngay bên trong Pakistan lân cận. Cuộc bầu cử tổng thống đầy gian lận trong tháng qua ở Afghanistan đã chấm dứt mọi ảo tưởng Hamid Karzai là vị lãnh đạo đủ sức đương đầu với Taliban hay một đối tác chính đáng với người Mỹ trong công cuộc chống kháng chiến đầy bất trắc và tốn kém. Thực vậy, Karzai, với người em chuyên buôn bán nha phiến, chỉ là một Ngô Đình Diệm ở Afghanistan. Khác với Kennedy, CIA đã giúp lật đổ Ngô Đình Diệm, Obama hiện nay không có một kế hoạch đảo chánh như một biện pháp thay thế.

Goldstein còn đưa ra nhiều điểm tương đồng không thể chối cãi khác. Cũng như Việt Nam qua nhiều thế kỷ đã chế ngự được các cuộc xâm lăng của TQ, Pháp, Nhật và Hoa Kỳ, Afghanistan cũng đã là nghĩa trang cho các tham vọng của Alexander the Great, Anh và Xô Viết. Theo Goldstein, trong chính trị quốc tế, nhiều quốc gia không bao giờ chấp nhận sự can thiệp của các ngoại cường. Goldstein cũng ghi nhận các cuộc kháng chiến ở Afghanistan và Việt Nam đều có chung lợi điểm về địa lý. Nhờ có biên giới chung, Bắc Việt dễ dàng hổ trợ cho miền Nam cũng như Pakistan có thể giúp cho phe Taliban chống Mỹ.

Theo Goldstein, điều đáng lo ngại là ý niệm của phe quân sự hiện nay: niềm tin có thể điều chỉnh và sử dụng chiến lược càn quét và chiếm giữ (clear and hold) đã từng thất bại ở Việt Nam vào Afghanistan. Nhưng làm cách nào lực lượng quân sự Mỹ có thể bảo vệ được dân chúng Afghanistan và Pakistan, nói gì đến giúp xây dựng một quốc gia dân chủ tự do, trong một nhà-nước-nha-phiến-bộ-lạc với 40.000 làng quê trong một diện tích rộng lớn bằng hai tiểu bang California và New York gộp lại?

Ngay cả khi người Mỹ có thể đánh bại Taliban sau một hay hai thập kỷ, cố nhiên với nhiều thương vong và hàng trăm tỉ mỹ kim, điều đó cũng không thể chận đứng Al Qaeda tập hợp lại ở Somalia hay ở một xứ thân thiện nào khác? Làm cách nào một Afghanistan sau khi quét sạch Taliban có thể chận đứng phong trào thánh chiến được huấn luyện trong các cứ điểm Al Qaeda ở Pakistan âm mưu khởi động các vụ khủng bố ở Denver và Queens?

Hiện các phần tử chủ chiến đang lập luận: mọi thay đổi trong yêu cầu của McChrystal là một sự đầu hàng và triệt thoái tức thời. Nhưng luận cứ hoặc leo thang hoặc triệt thoái thường nghe trong cuộc tranh luận về Iraq cũng chỉ là một lựa chọn sai lầm ở Afghanistan. Obama không có ý định đầu hàng khủng bố hay triệt thoái khỏi Afghanistan. Giải pháp thay thế chính là kế hoạch chống khủng bố do Biden chủ xướng. Như báo The New York Times tường trình, đó là kế hoạch giảm bớt quân số Mỹ ở Afghanistan để tập trung vào mục tiêu trục xuất Al Qaeda ra khỏi Afghanistan và Pakistan.

Trong mọi trường hợp, quyết định của Obama sẽ đòi hỏi trọn vẹn sự khôn ngoan và can đảm chính trị ông có thể vận dụng. Nếu tăng cường quân tác chiến, Obama sẽ kéo dài cuộc chiến ngày một tồi tệ trong tám năm qua trái với ước vọng của đa số dân Mỹ và thành viên đảng Dân Chủ. Ông sẽ phải giải thích tại sao cần gửi thêm nhiều thanh niên Mỹ đến phụng sự cho chính quyền Karzai. Obama cũng phải thành khẩn ước tính phí tổn của cuộc chiến, phải luôn nhớ - chính quyền Bush đã ước tính mất khoảng 50 đến 60 tỉ cho cuộc chiến Iraq, trong thực tế, con số đã lên trên 1.000 tỉ và còn tiếp tục gia tăng. Cuối cùng ông cũng sẽ phải đòi hỏi từ dân Mỹ, đang vật lộn với suy thoái kinh tế, điều mà các vị tiền nhiệm chưa bao giờ làm: "Chúng ta sẵn sàng hy sinh bao nhiêu và những gì bằng máu và tài nguyên cho cuộc chiến?".

Nếu quyết định chọn một hình thức nào đó của giải pháp Biden, Obama sẽ gặp một thử thách khác. Phe đối lập sẽ tấn công dữ dội hơn cả những gì ông đã phải đối phó trong mùa hè vừa qua. Khi George Will viết bài "Đã Đến Lúc Triệt Thoái Khỏi Afghanistan" (Time to Get Out of Afghanistan), George Will đã bị William Kristol lên án "chủ trương triệt thoái và chấp nhận thất bại"[7], và Fred Kagan, cố vấn chính thức của McChrystal, lên án là "bỏ cuộc"[8]. Trang biên tập của tờ báo nhà của Will, The Washington Post, cũng tuyên bố: không chấp nhận lời yêu cầu tăng quân của McChrystal sẽ "làm mất danh dự và gây nguy cơ cho xứ sở"[9]. Nếu một bỉnh bút bảo thủ có thể kích động những lời lên án hằn học đến thế từ phe Tân bảo thủ, thử tưởng tượng nhóm nầy sẽ lên án Obama như thế nào.

Tuy nhiên, tác giả cuốn Lessons in Disaster không tin đổi hướng chiến lược ở Afghanistan sẽ là một tai họa cho Tổng Thống Obama. Goldstein nói, "các đức tính tốt nhất của Obama trong vai trò tổng thống là đức tính tinh thần và đức tính phán đoán - khả năng trầm tỉnh để phân tích tình hình. Nếu Obama có khả năng làm việc đó trong hiện tình, ông ta có thể thừa sức vượt qua sự tấn công và thử thách trong ngắn hạn từ cánh hữu và phe quân sự. Ông ta có thể xây đắp được sự tín nhiệm như một tổng thống có đủ can đảm phủ quyết các vị cố vấn của chính mình khi đối diện với một chiến lược thiếu khôn ngoan sáng suốt"[10].

Dù sao, chính tổng thống là người phải lấy quyết định về những gì ông tin là cần thiết cho an ninh quốc gia, gạt qua một bên các tranh chấp chính trị phe phái nhất thời. Việc Obama tạm thời nhấn nút ngừng để suy tính kỷ lưởng trong khi phe cực hữu, kể cả các tướng lãnh dưới quyền, đang tìm cách buộc chặt ông với chiến lược leo thang, không phải là một dấu hiệu thiếu quyết đoán, mà là tự tin và can đảm.

THAY LỜI KẾT LUẬN

Không có gì đáng ngạc nhiên khi được biết Tòa Bạch Ốc - cũng như bất cứ chính phủ nào trong lịch sử - luôn bị giằng co, chi phối bởi nhiều phe cánh, nhiều cố vấn mâu thuẫn lẫn nhau, theo đuổi những nghị trình riêng tư, những mưu toan thầm kín, phe nhóm. Chẳng hạn, Mathilde Krim, một người cực kỳ thân Do Thái và chồng, Arthur Krim, nguyên thành viên tổ chức hữu phái bí mật Irgun của Thủ Tướng Begin, rất được Tổng Thống Lyndon B. Johnson tin cậy, hơn cả ngoại trưởng Dean Rusk và bộ trưởng quốc phòng Robert McNamara. Vào dịp lễ Memorial Day năm 1967, trong khi Do Thái và các xứ Á Rập đang chuẩn bị chiến tranh, T T Johnson vẫn vui chơi đùa giỡn tại trang trại ở Texas với Krims và bè bạn.

Xét cho cùng, chính sách Trung Đông của Hoa Kỳ từ lâu luôn bất nhất. Đường lối đối ngoại thường xuyên thiếu liên tục. Jimmy Carter là một ví dụ điển hình. Carter đã tìm cách dung hòa đức tin cơ đốc của chính mình với nhu cầu yểm trợ một đồng minh của Mỹ - chính quyền Shah ở Iran do chính Hoa Kỳ dựng lên và bảo vệ với một lực lượng cảnh sát bí mật tàn bạo. Về sau, quan hệ đồng minh gặp sóng gió, nhất là khi Hoa Kỳ ủng hộ Iraq trong cuộc chiến Iraq-Iran. Tháng 3-1988, Saddam Hussein sử dụng vũ khí hóa học tàn sát thành phố Kurdish ở Halabja. Vào thời điểm đó, Hussein là đồng minh của Mỹ. Cơ Quan Tình Báo Quốc Phòng - DIA - gửi hai sĩ quan đến Baghdad với kế hoạch không chiến đầy đủ chi tiết các cơ sở phòng không và doanh trại của Iran, mặc dù DIA biết rõ Iraq đang sử ụng vũ Khí hóa học. Khi Quốc Hội Mỹ lên án việc Iraq dùng hơi ngạt ở Halabja, các lãnh tụ Cộng Hòa , kể cả Dick Cheney, đã chận đứng đề án các biện pháp chế tài đối với Hussein. Như đã biết, sau cuộc chiến xâm lăng 2003, không ai khác hơn chính quyền George W. Bush đã sát hại Saddam Hussein.

Nói một cách ngắn gọn, trong chính trị quốc tế, các chính sách đối ngoại tráo trở, bất nhất, mâu thuẫn không phải là điều hiếm thấy trong cộng đồng thế giới, nhất là Cộng Hòa Hiệp Chủng Quốc.

 

© GS Nguyễn Trường

Irvine, California, U.S.A.

04-10-2009


 

[1] Resources will not win this war, but under-resourcing could lose it... The overrall effort is deteriorating. We run the risk of strategic defeat.

[2] Obama will not yet surge troops there until he has "the right strategy".... and will not send "young men and women into battle, without having absolute clarity about what the strategy is going to be".

[3] Are we doing the right thing? Are we pursuing the right strategy?.

[4] ...the president is "exploring alternatives to a major troop increase in Afghanistan".

[5] ...within five years we'll have 300,000 men in the paddies and jungles and never find them again.

[6] Counselors advise but presidents decide.

[7] ...urging retreat and accepting defeat.

[8] ...waving the bloody shirt.

[9] ...deviating from McChrystal's demand for more troop "would both dishonor and endanger this country".

[10] His greatest qualities as president are his qualities of mind and his quality of judgment - his dispassionate ability to analyze a situation. If he was able to do that here, he might more than survive a short-term hit from the military and right-wing pundits. He would establish his credibility as a president who will override his advisers when a strategy doesn't make sense.

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    Nguyễn Trường