Công bố bản đồ sao cổ nhất thế giới của Trung Quốc

Minh Thi          
 
 
 

Một tấm bản đồ vị trí các vì sao có từ thế kỷ 7 sau Công nguyên đã phác họa bầu trời với độ chính xác chưa từng có cho tới thời Phục Hưng. Bản đồ mang tên Dunhuang sẽ được trưng bày tại Thư viện Anh từ ngày 7/5. Nó là một trong những báu vật giá trị nhất của ngành thiên văn học thế giới.

Tấm bản đồ được tìm thấy vùi sâu trong cát tại một hang động nằm trên con đường tơ lụa nối liền Trung Quốc với phương Tây. Nhà khảo cổ người Anh Marc Aurel Stein đã phát hiện ra nó vào năm 1907 và đem về Bảo tàng Anh ở London để nghiên cứu. Cuộn giấy mỏng có kích cỡ 210x25 cm diễn tả không dưới 1.345 ngôi sao được nhóm thành 257 chòm sao.

 
     

Mặc dù những người Hy Lạp và Babylon cổ đại là bậc thày trong việc quan sát bầu trời đêm và xác định vị trí các vì sao, họ cũng chưa tạo ra một bản đồ sao nào hoàn chỉnh như vậy, hoặc ít nhất là còn tồn tại nguyên vẹn cho đến ngày nay. Phải đến thế kỷ 15, Galileo và những nhà thiên văn học châu Âu khác mới đưa ra những bản đồ chi tiết về bầu trời, nhưng khi đó họ đã có lợi thế từ kính viễn vọng.

Bản đồ được chia thành 12 vùng theo 12 năm của Trung Quốc. Nó bao gồm cả những ngôi sao rất mờ nhạt mà khó có thể nhìn thấy bằng mắt thường, chứng tỏ trình độ bậc thày của những nhà thiên văn Trung Quốc thời xưa. Họ cũng là những người đầu tiên miêu tả chi tiết các hiện tượng thiên văn như nhật thực và sao chổi, hiện vẫn được các nhà khoa học hiện đại áp dụng.

Một trong những khó khăn trong việc vẽ nên một bầu trời sao hoàn chỉnh là sự chuyển đổi từ khối cầu 3 chiều sang bản đồ 2 chiều. Những nhà thiên văn học Trung Quốc cổ xưa có thể đã sử dụng phương pháp gióng bầu trời trên một cái trục, giống như các bản đồ địa lý ngày nay.

Phần đầu của bản tài liệu còn bao gồm một loạt những dự báo dựa trên hình dáng của các đám mây - bằng chứng về vai trò quan trọng của thuật bói toán trong xã hội Trung Quốc cổ đại.

Tiến sĩ Francoise Praderie, tại Đài quan sát Paris, cho biết: "Nguồn gốc của bản đồ sao đến nay vẫn chưa được biết. Nó có thể được sử dụng trong quân đội, hướng dẫn đường đi hoặc cũng để phục vụ thuật chiêm tinh. Truyền thống lâu đời của Trung Quốc trong việc tìm kiếm những điềm báo trên bầu trời đã dẫn tới sự ra đời sớm và chính xác những phác thảo về bầu trời sao".

Bản vẽ sẽ được trưng bày bên cạnh một bản đồ bầu trời hiện đại để mô phỏng sự chính xác trong nền thiên văn học Trung Quốc thuở sơ khai, trong cuộc triển lãm mang tên "Con đường tơ lụa: buôn bán, du lịch, chiến tranh và đức tin".

(theo Ananova, Independent)