Những bài cùng tác giả
Thế là kết thúc một đời người, tất cả buồn vui ngày nào Anh đã để lại
cho những người còn sống, cho chị Ryuko với những người con thân quí
nhất đời Anh, cho đứa cháu ngoại và cho tất cả những người đã làm việc,
học tập, tiếp xúc với anh…
Tài sản anh để lại cho con người là những công trình nghiên cứu khoa học
về dinh dưỡng, về khả năng ngăn ngừa chứng ung thư của hạt cà phê, về
DNA/RNA, công nghệ sinh học…trong suốt hơn 20 năm sau khi ra trường, cho
những người học trò khắp nơi mà anh đã đặt chân đến với những bài giảng
chuyên sâu và kinh nghiệm hiếm có của một con chim đầu đàn trong lĩnh
vực nông hóa…và hơn hết là những chương trình đào tạo chuyên gia cho
những kỹ sư, nhà nghiên cứu trong nước—quê mẹ của Anh—một cách âm thầm,
giúp cho người Việt Nam có thêm tầm vóc trong nghiên cứu khoa học cũng
như thể chất trong thế kỷ 21, người Việt mình “phải cao hơn, phải tráng
kiện hơn” như Anh thường nói. Nhìn vào những bức ảnh của đoàn người tiễn
Anh đến nơi an nghỉ cuối cùng, nào thầy, nào bạn, nào học trò, nào bằng
hữu người Việt…có kẻ tóc đã bạc trắng, có người tóc còn xanh, ai cũng
rưng rưng…hình dung được mọi ngươì yêu mến Anh biết chừng nào. “Anh
Chuyển của chúng ta”, đúng vậy.
Quen với Anh từ ngày mới bước chân đến Nhật bản. Tôi còn nhớ hôm cùng đi
với anh Huỳnh Mùi đến gác trọ vào một chiều cuối tuần ngày tết 1968, ở
căn phòng sáu chiếu, lụp xụp trong ngõ phố Mukogaoka thuộc khu Văn Kinh
(Bunkyoku) gần đại học Tokyo. Chị Ryuko đang có đấy, soạn thức ăn ngày
tết (Osechiryori) cho mọi người, hai Anh “lớn” (senpai)-- anh Mùi và
anh-- ngồi tán gẫu chuyện học hành, còn tôi, không biết một chữ Nhật
nào, ngồi yên xem vật “Wresling” với anh chàng “Giant” Baba cao hơn hai
thước, Antonio Inoki “lưỡi cày” tung cú đá vào mặt mấy tên tây vạm vỡ !
Thỉnh thoảng Anh ghé vào giải thích trên đài họ đang bình luận gì…rồi
cười sảng khoái. Sau nầy mới biết anh Chuyển là con nhà võ, học Karate
đến đai đen ! Kỷ niệm đầu tiên với Anh là thế.

Lần gặp tháng 8 năm ngoái (ảnh Diệu Hằng)
Lần gặp cuối cùng tại thành phố Hồ chí Minh vào cuối tháng 12/2007, anh
vẫn còn nhắc lại kỉ niệm xem trận “Wresling” đầy ấn tượng ngày nào…thế
mà bây giờ tóc đã bạc trắng. Suốt một thời gian dài, cùng nhau trong
phong trào “yêu nước” tuy Anh không là “ngôi sao” nổi bật,
khiêm tốn
chịu đứng ở tuyến giữa làm hạt nhân gắn kết đám trẻ lau nhau (kohai) như
chúng tôi với những bậc đàn anh, dẫn dắt, từ việc học tập chuyên môn về
Hóa-lý để luyện thi cùng với các anh khác như anh Tuấn, anh Tưởng (đã
qua đời), chị Mai Huệ Hường (đã mất)…đến những buổi Seminar “bí mật” ở
ABK (Asia Bunkakaikan—Hội quán Văn hóa châu Á) về lịch sử của đất nước,
về các phong trào yêu nước ở thế kỷ trước…vào những năm 1969-70 trước
khi phong trào tại Nhật ra đời. Hẳn không ai quên được ấn tượng đầu tiên
với nụ cười dễ dãi, vô tư thật hồn nhiên của Anh, vừa dễ mến lại thuyết
phục ngay từ đầu người đối diện. Nụ cười ấy đã giúp anh em trong phong
trào ngày đó bớt căng thẳng với nhau, hòa hợp với những bạn trong tập
thể sinh viên ở Nhật bản chưa tham gia vào cuộc thêm hòa đồng. Chúng tôi
thường chọc ghẹo anh, gọi anh Chuyển là ông “ma..ma…” (tiếng Nhật có
nghĩa là… thôi mà). Lúc cãi nhau rất hăng về một vấn đề gì đó giữa anh
em trong buổi họp thì Anh đứng ra giảng hòa, “I can you, I van
you”…”ma..ma iideshyo”(thôi được rồi) vì vậy sau ngày 30/4/1975, anh
Chuyển là một trong những người đứng ra nhận trách nhiệm làm Chủ tịch “Tổng Hội Người Việt Nam”
tại Nhật bản vào năm 1989-- sau khi “Tổ chức Người Việt đấu tranh cho
Hòa bình và thống nhất đất nước”(Beheito) chính thức giải tán năm 1976--không
những vì lòng nhiệt thành đối với việc mở rộng đoàn kết anh em lúc bấy
giờ với sự tín nhiệm cao nhất mà còn vì nụ cười đôn hậu đó chăng. Khó ai
có thể “ghét” con người đó, tận tình với mọi người, say sưa với nghiên
cứu, học hành, sẵn sàng dùng uy tín và kinh nghiệm giúp lớp “đàn em”
tiến lên mà không câu nệ. Cái “chất” tốt bụng ấy của anh Chuyển có lẽ
không chỉ cho những người đồng hương với Anh trên đất Nhật, lan tỏa cho
cả những người bạn đồng môn, được lòng ngưỡng mộ của hàng nghìn học trò
con gái “dễ thương” ở Đại học Nihon Joshi Daigaku(đại học Nữ Nhật bản)
mà còn đến những nhà nghiên cứu về dinh dưỡng ở trong nước.
Trong những năm gần đây Anh có chương trình làm việc với các cơ quan,
viện nghiên cứu của Bộ Y tế, thường có mặt ở Hà nội hay Sài gòn một năm
hai lần vào mùa hè và cuối năm . Đó là những dịp chúng tôi gặp lại nhau,
quây quần thật vui vẻ ngay tại quê hương với các bạn từng biết tên nhau
trong những năm “khói lửa” như anh chị Trần hà Anh (Pháp), Ngô Vĩnh Long
(Mỹ), Nguyễn văn Nhã, Nguyễn Hải (Canada), Nguyễn Thanh lâm, Nguyễn Xuân
Xanh, Bùi Văn Nam Sơn, Phạm Nam Hương (Đức) thêm Chị Diệu Hằng (Pháp),
Anh Hoàng Ngọc Phan (Mỹ) và không khí bao giờ cùng sôi nổi không kém
ngày xưa, cũng vẫn vui vẻ “cãi nhau” nhặng xị và anh Chuyển lại có vai
trò “ma…ma” của mình như hồi đó. Đã là một nhà giáo mẫu mực tại Nhật,
với thói quen “ngăn nắp”, trước khi về nước chừng 2 tháng là anh lại gửi
mail báo trước cho tôi và anh Nguyễn Lương Dũng (Đức) bố trí “trận mạc”
cho “anh em nhậu”.
Những giây phút êm đềm với anh bây giờ đã tắt, còn đâu một anh Chuyển
khả kính và “chịu chơi”. Cái nhóm “về hưu” bạn Anh ở Sài gòn mấy ngày
hôm nay, từ khi biết được tin Anh vào bệnh viện đều lo lắng… kiếm quán
cà phê nho nhỏ ngày cuối tuần ngồi chung với nhau khi được tin Anh bị
đột quị, mong cơn ác mộng sẽ dừng lại để chúng tôi còn được Anh “mời”
như trước. Nhưng than ôi, tin đau đớn nhất đã đến vào tối ngày
16/6/2008. Thế là hết. Anh sẽ không bao giờ trở về nữa…mãi mãi làm người
xa xứ.
Bọn tôi buồn lắm, nhớ Anh biết chừng nào, lại gọi mấy đứa cùng ngồi ở
một quán lẫu dê ở đường Ngô thời Nhiệm nơi mà chúng tôi đã “nhậu” bên
nhau vào hè năm 2006, có cả anh Hoàng Ngọc Phan vừa ở Mỹ trở lại, nhưng
chai bia hôm ấy vẫn không cạn nổi, đắng nghét, nhạt nhòa ! Trời bên
ngoài mưa đổ tầm tã, chúng tôi sáu người còn lại nhìn bâng quơ, có lẽ
thương người đi xa, bỏ chúng tôi lại nơi đây.
Anh Chuyển ra đi quá bất ngờ và đột ngột, ở cái tuổi còn sung sức như
Anh, lẽ ra còn nhiều cống hiến cho tổ quốc hơn nữa khi điều kiện làm
việc trong nước bây giờ cởi mở hơn, biết lắng nghe những ý kiến tâm
huyết của Anh và nhiều người khác, nhất là bài phát biểu của Anh về giáo
dục trong hội nghị trí thức vào cuối năm 2007 đã gây sự chú ý, rất nhiều
người tâm đắc với nhận xét phê phán của Anh, xem bằng “Tiến sĩ là tất
cả” của nhiều quan chức “trí thức”, chạy theo bằng cấp một cách mù
quáng, mưu cầu hư danh ở xã hội nước ta ngày nay. Càng gần với
đất nước càng xót xa trước nhiều nghịch lý, dù là người hiền hòa
“ma..ma” (thôi mà… được rồi) như Anh cũng phải bất bình huống chi những
người trong cuộc.
Nhưng thôi, mọi chuyện rồi cũng sẽ qua, những người còn sống phải tiếp
tục những gì Anh thao thức cho đến khi đến lượt mình…ở tuổi “gió heo
may” nầy, ai đi, ai ở thì chỉ có ông trời mới biết nhưng bọn tôi khuyên
nhủ nhau ráng sống, cố gắng tập thể dục…để còn có sức làm tiếp những gì
Anh đã để lại.
Anh Chuyển ơi, chúc ngủ ngon và có lẽ Anh không có gì để hối tiếc khi
nhìn thấy những người thân quen với Anh đến bên cạnh Anh đây, đầy đủ,
đang khóc... để đưa Anh vào cõi vĩnh hằng.
Chuyển san yo, yasuraka ni…(Anh Chuyển ơi, hãy ngủ
bình yên…)
Iroiro to osewani narimashita…Sayonara …(Cám ơn Anh đã giúp đỡ… xin vĩnh
biệt)
TP HCM ngày 21/6/2008
©
http://vietsciences.free.fr
và http://vietsciences.org
Hồng Lê Thọ
|