Quan niệm thiên văn của dân tộc
phương Tây vùng Địa Trung Hải ở thời thượng cổ cũng
có tính chất thần thoại và huyền bí. Ở Ai Cập, những
tinh tú được coi là thánh thần; thần Mặt trời cũng
là thần tạo ra Vũ trụ. Vì những nhà thiên văn học
đồng thời là những nhà tu nên họ có nhiệm vụ quan
sát tinh tú để định ngày giờ làm nghi lễ và làm
lịch. Họ cũng dùng vị trí sao trên trời để lấy hướng
những công trình xây dựng như kim tự tháp Ai Cập.
Tuy nhiên những vấn đề liên quan đến sự cấu tạo của
Vũ trụ không được chú ý tới. Vào thế kỷ thứ 3 trước
công nguyên, dân vùng Mesopotamie ở phía đông
bắc nước Ai Cập (ngày nay là Iraq), cho rằng Trái
đất như một quả núi, trên đỉnh có vòm trời tựa trên
một bức thành dài chạy quanh Trái đất. Họ cũng tiên
đoán được nguyệt thực và nhật thực. Vì mục tiêu để
phục vụ ngành chiêm tinh, cho nên thiên văn học chỉ
chú trọng tới các hành tinh trên hoàng đạo, tưc là
vùng không gian ở giữa có quỹ đạo biểu kiến của Mặt
trời.
Đặc điểm chung của ngành thiên
văn thời thượng cổ nói trên là sự quan sát tương đối
chính xác những hiện tượng trên trời. Tuy nhiên nó
không dựa vào một mô hình khoa học cần thiết trong
việc giải thích những hiện tượng thiên nhiên. Nền
văn minh Hy Lạp đã đóng góp nhiều trong việc thiết
lập một ngành thiên văn có tính chất khoa học. Những
nhà toán học như
Pythagore (Tk thứ 6 trước công nguyên) và
Euclide (Tk thứ 3 TCN) cũng lưu ý đến thiên văn học.
Thư viện Alexandrie nổi tiếng ở Ai Cập xây bởi
một vua Hy Lạp đã là nơi hội họp của những nhà bác
học ở các nước phía đông Địa Trung Hải trong nhiều
thế kỷ, cho tới lúc bị đốt cháy vào thế kỷ thứ
4. Sự cộng sinh của ngành thiên văn mô tả của Ai Cập
và ngành toán học Hy Lạp đã làm nẩy nở ra một ngành
nghiên cứu Vũ Trụ có tính cách duy lý. Nhà triết học
Platon (Tk 4 TCN) nhận định rằng Trái đất không
di chuyển và ở ngay giữa trung tâm vũ trụ. Thiên cầu
quay chung quanh Trái đất lôi các sao chuyển động
đều theo một quỹ đạo hình tròn. Tuy thuyết Trái đất
là trung tâm không đúng, nhưng lần đầu tiên
những khái niệm như chuyển động đều, quỹ đạo hình
tròn và thiên cầu của cơ học và hình học đã được
dùng trong ngành thiên văn. Nhà triết học
Aristote (Tk 4 TCN) cho Vũ trụ là hình cầu trong
đó có khí gọi là ête. Đến thế kỷ thứ 2, nhà thiên
văn học Ptolémée mới dùng hình học để giải thích quỹ
đạo của các hành tinh trong khuôn khổ thuyết Trái
đất là trung tâm. Các hành tinh quay trên một hệ
thống những vòng tròn mà trung tâm cũng quay chung
quanh Trái đất. Có một số nhà thiên văn học Hy Lạp
khác như Aristarque (Tk 3 TCN) đã phủ nhận thuyết
Trái đất là trung tâm Vũ trụ và đề xuất Trái đất
quay chung quanh Mặt trời. Thuyết Mặt trời là trung
tâm bị đả kích và người sáng tạo ra lý thuyết này bị
phạm tội là quấy nhiễu sự an nghỉ của thánh thấn.
Trong hơn 15 thế kỷ, thuyết Trái đất có người ở là
trung tâm Vũ trụ tuy không đúng, nhưng được chấp
nhận vì thích hợp với ý nghĩ của Giáo hội thời trung
cổ.
Đầu thế kỷ thứ 16, nhà thiên văn
học
Copernic, người Ba Lan , là người đầu tiên áp
dụng toán học để giải thích những kết quả quan sát
thiên văn và khẳng định rằng Trái đất không đứng yên
tại trung tâm Vũ trụ. Sau nhiều năm nghiên cứu,
Copernic phát hiện được là Trái đất và các hành tinh
quay chung quanh Mặt trời trên những quỹ đạo hình
tròn. Phải đợi đến đầu thế kỷ thứ 17, nhờ công trình
nghiên cứu của nhà thiên văn học người Đức,
Kepler,
quỹ đạo các hành tinh mới được xác định chính xác.
Quỹ đạo các hành tinh, kể cả của Trái đất không hẳn
là hình tròn, nhưng là những elip mà một tiêu điểm
là Mặt trời. Ba định luật của Kepler (Ðịnh
luật thứ I và II Kepler ,
Ðịnh luật thứ III Kepler và cách tính khối lượng
các thiên thể
)
làm ra để giải thích những đặc
tính của quỹ đạo hành tinh còn được giảng dạy trong
các trường trung học phổ thông ngày nay.
Nhà thiên văn học
Galilei người Ý, cùng thời với Kepler, ngoài
công việc nghiên cứu và đặt ra những định luật cơ
học liên quan đến sự chuyển động của các vật thể,
còn là người đầu tiên sử dụng kính viễn vọng để tìm
hiểu Vũ trụ. Những phát hiện của Galilei bằng kính
viễn vọng cũng đã được công bố bên Trung Quốc, đời
nhà Minh. Galilei đã phát hiện ra dải Ngân hà có vô
số sao, Mặt trăng lỗ chỗ, lồi lõm và Mặt trời có
những "vết đen". Như ta đã biết, Ngân hà cũng như
hàng trăm tỉ thiên hà khác, có hàng chục tỉ
sao. Mặt trăng là vệ tinh của Trái đất, nhưng vì
không có khí quyển che chở nên bị những thiên
thạch tức là những hòn đá khổng lồ rơi xuống tạo ra
những hố to như miệng núi lửa. Những thiên
thạch rơi xuống Trái đất của chúng ta thường bị bốc
cháy trong tầng khí quyển. Còn vết đen thì Galilei
tưởng là những đám mây bay trên Mặt trời. Chính đó
là những vùng rộng lớn trên quang cầu (bề mặt
Mặt trời) với kích thước từ 10 nghìn đến 150 nghìn
kilomet. Quang cầu tức là bề mặt Mặt trời có nhiệt
độ khoảng 6000 độ. Nhiệt độ của vết đen chỉ khoảng
4000 độ. Vết đen sáng như Mặt trăng, nhưng vì tương
đối "lạnh" hơn quang cầu nên hấp thụ ánh sáng và
hiện thành đen. Vết đen có từ trường và thường hiện
ra từng đôi, như hai cực của nam châm. Vết đen biểu
lộ hoạt động của Mặt trời với một chu kù là 11 năm .
Galilei còn phát hiện được 4 vệ tinh trong số 16 vệ
tinh của hành tinh Mộc.
Ngày xưa các nhà thiên văn học
không biết lý do của sự chuyển động của các hành
tinh. Một số cho rằng sự chuyển động này là biểu
hiện của phép mầu nhiệm của Tạo hóa. Một sự phát
hiện vô cùng quan trọng trong lĩnh vực vật lý là sự
"hấp dẫn phổ biến" của Newton, một nhà thiên văn
kiêm vật lý và toán học thiên tài người Anh, ở thế
kỷ thứ 17, 18.
Lực hấp dẫn làm cho hai vật thể có
khối lượng hút nhau, hai vật càng gần nhau bao nhiêu
thì càng bị hút mạnh bấy nhiêu. Lực hút của trường
hấp dẫn tỉ lệ thuận với khối lượng của hai vật thể
và tỷ lệ nghịch với bình phương khoảng cách giữa hai
vật thể đó. Hằng số tỷ lệ được gọi là "hằng số hấp
dẫn". Chúng ta đứng được trên mặt đất là nhờ lực hấp
dẫn của Trái đất hút ta. Một vật ta ném lên không
trung rơi xuống đất cũng là do sức hút của trường
hấp dẫn của Trái đất. Sở dĩ Trái đất của chúng ta có
tầng khí quyển hấp thụ những tia tử ngoại nguy hiểm
phát ra từ Mặt trời cũng nhờ có sức hút của trường
hấp dẫn của Trái đất đủ lớn để giữ được khí quyển
không bay ra ngoài không trung. Cũng do lực
hấp dẫn mà Trái đất và các hành tinh khác quay chung
quanh Mặt trời và Mặt trăng quay chung quanh Trái
đất. Ta có thể tự hỏi tại sao Mặt trăng không rơi
xuống Trái đất và trái đất cùng những hành tinh khác
như Thủy, Kim, Hỏa Mộc, Thổ v..v.., không rơi vào
Mặt trời. Bởi vì chuyển động trên quỹ đạo của Mặt
trăng chung quanh Trái đất hay của các hành tinh
chung quanh Mặt trời tạo ra lực gọi là lực ly
tâm để bù trừ sự hút của lực hấp dẫn. Truyền thuyết
kể lại rằng trong khi Newton nhìn thấy một quả táo
rơi từ trên cây xuống tự hỏi tại sao Mặt trăng không
rơi như quả táo, và sau tìm được giải thích! Vì lý
thuyết Newton có tính bao quát, giải thích được sự
chuyển động của vạn vật cũng như của các thiên thể
trong Vũ trụ, nên được gọi là "định luật vạn vật hấp
dẫn".
Theo thuyết Newton, một số sao chổi quay chung
quanh Mặt trời trên những quỹ đạo hình ellip. Nhà
thiên văn học Halley, người Anh (Tk thứ 17-18) áp
dụng định luật Newton để tính quỹ đạo cho biết là
các sao chổi hiện ra những năm 1531, 1607 và 1682,
có quỹ đạo giống nhau và chỉ là một thiên thể.
Cứ khoảng 76 năm thì sao chổi lại quay trở lại gần
Mặt trời và được nhìn thấy từ Trái đất. Ông tiên
đoán là sao chổi này sẽ trở lại năm 1758. Đúng hôm
lễ Giáng sinh năm đó, sao chổi hiện lên bầu trời,
nhưng tiếc thay ông đã mất trước và không được biết
là tiên đoán của ông được xác minh. Sao chổi này
được đặt tên là sao chổi Halley để ghi nhớ thành
tích khoa học của ông. Lõi sao chổi là một thiên
thạch nhỏ chuyển động gần Hệ Mặt trời. Khi thiên
thạch bay gần Mặt trời thì nhiệt độ tăng lên, nước
và khí lạnh bốc thành hơi. Vì áp lực của bức xạ Mặt
trời tạo ra một luồng gió gọi là "gió Mặt trời" thổi
hơi nước và khí cùng bụi trong thiên thể phun ra
thành một cái đuôi giống hình cái chổi (Tuệ tinh).
Mỗi ngày sao chổi có thể phun ra vài triệu tấn bụi
và hơi. Đuôi sao chổi có thể dài hàng triệu kilomet.
Các nhà thiên văn ước lượng có hàng trăm sao chổi
lang thang gần Hệ Mặt trời.
Công trình của Newton đã mở đầu
một kỷ nguyên mới trong lịch sử khoa học và
hướng dẫn một số nhà toán học và vật lý học trứ danh
ở cuối thế kỷ thứ 19 và đầu thế kỷ thứ 20 trong sự
tìm hiểu Vũ trụ. Định luật của Newton vẫn được áp
dụng thường xuyên trong ngành vật lý và cơ học cơ
bản hiện đại. Về phương diện kỹ thuật, nó đã được áp
dung để tính toán quỹ đạo của các vệ tinh nhân tạo
dùng trong hệ thống thông tin, vô tuyến truyền hình
thế giới và trong công việc phát hiện những tài
nguyên trên Trái đất. Những con tàu vũ trụ được
phóng thành công lên Mặt trăng và về phía các
hành tinh Kim, Hỏa và sao chổi Halley để tìm hiểu
các trạng thái lý hóa của các thiên thể này cũng là
những áp dụng cụ thể của thuyết Newton
Trích từ quyển
Vũ Trụ phòng thí nghiệm thiên nhiên vĩ đại
của nhà thiên văn Nguyễn Quang Riệu
Những bài lên quan:
-
Aristote
-
Copernic
-
Galilei
-
Kepler
-
Newton
-
Platon
-
Pythagore
-
Thư viện Alexandrie
-
Lực hấp dẫn
-
Ðịnh
luật thứ I và II Kepler
-
Ðịnh luật thứ III Kepler và cách tính khối lượng
các thiên thể
|