
Trong thiên hùng ca bất tử của mình Odyssey (Odyssée, chương VIII, câu
360-363) Homer (Homère), đại thi hào lừng danh cổ đại Hy Lạp đã viết:
“Nàng Aphrodite với nụ cười khả ái đã trôi dạt đến Cyprus theo hướng
Paphos
Tại đây ngôi đền và bàn thờ đã được dựng sẵn, chan hoà hương khóí …”


Nơi Vénus sinh ra
Homer là người đầu tiên nhắc đến đảo Cyprus và huyền thoại về nữ thần tình
yêu Aphrodite (Người La Mã gọi là Venus, có tên Việt hoá là Vệ Nữ). Theo
thần thoại Hy Lạp. Cronos bằng cây tỳ cầm (harp, harpe) đã gây án mạng
giết cha mình là Ouranos rồi vứt xác nạn nhân xuống biển xanh. Bỗng từ bột
biển xuất hiện một thiếu nữ diễm kiều với mái tóc vàng óng ánh. Đó là nàng
Aphrodite. Thần gió Zéphirus hà hơi thổi nhẹ đưa nàng trôi dạt đến Paphos,
một địa điểm ven bờ của hải đảo Cyprus. Ngay lúc nàng đặt chân lên bờ, vô
số bông hoa tươi thắm đồng loạt nở rộ. Các công chúa diễm kiều từ thiên
đình Olympia cũng xuất hiện chào đón nàng. Và bắt đầu từ đó Cyprus có tên
là xứ sở của nữ thần Aphrodite, hiện thân của sắc đẹp và tình yêu trong
thần thoại cổ Hy Lạp.
Xứ sở của nữ thần sắc đẹp và tình yêu
Từ Paphos, theo con đường sát biển về hướng Limossol chừng 25 km là đến
Petra tou Romiou. Tại đây du khách có thể thấy một địa danh, nơi sinh của
thần Vệ Nữ. Đó là một tản đá nhô ra từ biển, cận kề một tản đá khác lớn
hơn chạy thẳng vào bờ.
Cũng tại đảo Cyprus, Aphrodite đã gặp người yêu của đời mình là chàng
Adonis.
Adonis một hôm đi săn trong một khu rừng rậm ven biển gần thành phố
Paphos. Chàng dừng lại khi bắt gặp một hồ nước ngọt. Trong lúc cuối xuống
hớp một búng nước giải khác, bất chợt chàng phát hiện một giai nhân tuyệt
thế đang tắm. Nữ thần Aphrodite mới tắm biển vừa xong và cũng đến đây tắm
lại nước ngọt. Hai người đã ngỡ ngàng trước sắc đẹp thiên thần của nhau và
họ đã trở thành vợ chồng sau giây phút ngất ngây ấy.
Nghe kể câu chuyện tình này, hao hao giống chuyện cổ tích Chữ Đồng Tử và
Công Chúa Tiên Dung của Việt Nam, tôi tự hỏi không biết từ ngàn xưa có
giao lưu văn hoá nào giữa nền văn minh Hy Lạp và tổ tiên người Việt chúng
ta?
Ngày nay, nếu đến thành Paphos theo con đường sát biển về hương Bắc chừng
30 cây số, du khách sẽ gặp một cảng đánh cá nhỏ có tên là Latsi. Đi thêm
vài cây số nữa rẽ theo đường vào rừng Acamas, du khách sẽ bắt gặp một cảnh
quan thiên nhiên tuyệt đẹp, còn hoang sơ, có hồ nước ngọt trong vắt, có
suối róc rách, xa xa là biển Địa Trung Hải màu xanh mơ. Đó là địa danh nổi
tiếng: Vùng tắm của nữ thần Aphrodite (Baths of Aphrodite). Tương truyền
khi tắm ở đây du khách sẽ thấy tươi trẻ hơn, phấn chấn hơn, phải chăng đó
là huy lực của Nữ thần tình yêu...
Tranh chấp triền miên
Nhưng trên đây chỉ là thần thoại của buổi sơ khai. Lịch sử của đảo quốc
Cyprus là chuổi dài của những trái đắng, những bất đồng liên tục, những
tranh chấp triền miên, kéo mãi cho đến ngày nay vẫn chưa ngả ngũ.
Là một đảo lớn thứ ba trong biển Địa Trung Hải, sau đảo Sicilia và đảo
Sardaigna, Cyprus nằm trên ngả ba đường của Châu Á, Châu Âu và Châu Phi.
Những giống dân thượng cổ châu Á như người Phoenician, người Assyrian,
người Ba Tư, người Á Rập, từ Châu Âu như người cổ Hy Lạp, người cổ La Mã,
từ Châu Phi người cổ Egypt, đều có thời xâm chiếm hay cai trị Cyprus. Bắt
đầu từ thời Trung cổ, lại đến phiên người Âu từ Pháp, Anh, Venice (Ý) và
sau cùng thời hiện đại là đế quốc Thỗ Nhĩ Kỳ và đế quốc Anh.
Cyprus vốn có người gốc Hy Lạp cư trú từ thuở xa xưa, thời của huyền thoại
trận chiến thành Troy nhưng lại toạ lạc sát nách chỉ cách 75 km theo đường
chim bay bờ biển cường quốc phía Bắc Thổ Nhĩ Kỳ. Có lẽ đây là lý do chính
của số phận khá khốc liệt của người dân Cyprus.
Mãi đến năm 1960 dân tộc Cyprus mới giành được độc lập từ tay người Anh
sau 5 năm kháng chiến vũ trang do nghĩa quân EOKA lãnh đạo. Tuy nhiên,
hiệp định Zurich và Luân đôn không đem lại bền vững cho đảo quốc. Việc
phân chia quyền lực giữa hai cộng đồng chính là cộng đồng gốc Hy Lạp
(77%), cộng đồng gốc Thổ (18%, không kể 150 ngàn dân Thổ mới đến sau 1974)
có những bất cập tự tại, chánh phủ khó điều hành nhà nước trên thực tế.
Năm 1963 Tổng thống Cyprus, Tổng Giám mục Makkarios đề nghị với quốc hội
13 thay đổi hiến pháp nhưng vì thấy bị bớt quyền, cộng đồng Thổ đã phản
đối quyết liệt, Thổ Nhĩ Kỳ hăm doạ xâm lấn. Phải có sự can thiệp trực tiếp
của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, căn thẳng mới tạm thời được xoa dịu.
Năm 1974 chính quyền quân phiệt Hy Lạp do Mỹ ủng hộ tổ chức đảo chính lật
đổ tổng thống Cyprus là đức Tổng Giám mục Makkarios. Cuộc đảo chính cực
hữu này đã phá vỡ khối đoàn kết toàn dân của cộng đồng Hy Lạp. Kẻ thù
phương Bắc nhân cơ hội này xâm lấn Cyprus và lực lượng tự vệ không còn đủ
sức chống trả. 37,6% lãnh thổ Cyprus bị quân đội Thổ cưỡng chiếm, 70 ngàn
dân gốc Hy Lạp đã phải di cư vào Nam và 40 ngàn dân gốc Thổ phải tập kết
ra Bắc. Phi trường duy nhất của Cyprus vào tay người Thổ và thủ đô Nicosia
trở thành thủ đô duy nhất trên thế giới còn bị chia cắt.
Một nhà nước mới được thành lập năm 1984 tại miền Bắc, chỉ có được một
nước duy nhất thừa nhận là Thổ Nhĩ Kỳ.
Đảo quốc Cyprus hiện nay vẫn duy trì thực tại phân ly ngay cả sau khi Liên
Hiệp Quốc tổ chức trưng cầu dân ý tại hai miền tháng 4 năm 2004: 76% dân
miền Nam gốc Hy Lạp đã bỏ phiếu không ủng hộ giải pháp thống nhất của Tổng
thư ký Liên Hiệp Quốc Koffi Annan trong khi đó 65% cư dân miền Bắc bỏ
phiếu thuận!
Ngày 1/5/2004, cùng với các nước Estonia, Hungary, Latvia, Lithuania,
Malta, Ba Lan, Slovakia và Slovenia, Cộng hoà miền Nam Cyprus trở thành
thành viên chánh thức của Liên Hiệp Châu Âu. Ngày 1/1 năm nay 2008, Cyprus
bắt đầu xử dụng đồng Euro như là đơn vị tiền tệ chánh thức.
Paphos thành phố của Nữ Thần tình yêu Aphrodite
Tôi cùng gia đình quyết định tham quan đảo Cyprus nhân những ngày lễ Phục
sinh.
Đây là lần đầu tiên tôi đi du lịch mà không phải kèm theo những công việc
khác như những năm trước: Hội nghị khoa học, thỉnh giảng, triển khai dự án
hợp tác! Lần này sẽ chỉ có nghỉ ngơi và thăm viếng. Tôi đã bắt đầu tận
dụng theo nghĩa đầy đủ nhất khoảng thời gian dành cho người lấy hưu trí.
Phát xuất từ Brussels, ba giờ ba mươi phút sau, máy bay đáp xuống phi
trường quốc tế Paphos, thành phố của Nữ Thần tình yêu Aphrodite, một địa
danh được UNESCO công nhận là di sản văn hoá nhân loại.
Theo huyền thoại Hy Lạp, thành phố mang tên này là vì chính con của
Pymalion và nàng Galatea, có tên là Paphos đã sáng lập ra nó. Nguyên
Pymalion đã tạc được tượng một mỹ nhân tuyệt trần bằng ngà voi. Tác phẩm
quá đẹp đến nỗi Pymalion đâm ra si tình và đau khổ. Thương tình, Nữ Thần
Aphrodite ban quyền sống cho bức tượng và Pymalion có được diễm phúc kết
hôn cùng người đẹp do chính mình tác tạo, nàng Galatea (Galatée). Và kết
quả sau đó là một đứa con chào đời được cha mẹ đặt tên là Paphos. Để ghi
nhận lòng biết ơn của mình đối nữ thần tình yêu, Paphos cho xây lên thành
phố mang tên mình, riêng tặng Nữ thần Aphrodite.
Thành phố được xây bên cạnh nơi Aphrodite đã xuất hiện. Một ngôi đền lớn
thờ Nữ thần tình yêu cũng được dựng lên. Không may sau đó, một trận động
đất lớn đã phá hủy toàn bộ thành phố và ngôi đền.
Sau này Paphos được xây dựng lại, trở thành cố đô của đảo quốc Cyprus
(thời kỳ thuộc vua Ptolemy, Ai Cập và sau đó thuộc đế quốc La Mã). Paphos
hiện đại sẽ không hỗ danh với sắc đẹp thiên thần của nữ thần tình yêu.
Ở đây và khu lân cận, du khách không cần phải tìm đâu xa, đâu đâu cũng có
khu vườn đầy hoa lá và ngạt ngào hương thơm, hoa cúc, hoa chanh, hoa
mimosa, hoa lài..., những khu vườn cây trái: đào, nho, táo, lê, ôliu...,
những rừng thông ngút ngàn, những đồi núi chập chùng, những hẽm dá vôi
hiễm hóc và bao bọc chung quanh là những bãi biển cát vàng mời mọc đón
chào. Đất đai rất phì nhiêu vì có nguồn gốc núi lửa nên nông nghiệp phát
triển phong phú.
Ngay ngày hôm sau chúng tôi đã vội vã đi thăm những danh lam thắng của
vùng này.
Đáng chú ý nhất là khu vực các nhà cổ nằm trên giải đất vàng mênh mông sát
biển (Houses of Dionysos, Theseus and Aion) với những nền nhà trang trí
bằng mosaic chôn vùi vì động đất đã hơn 16 thế kỹ và mới được khai quật
gần đây (1965). Tại địa điểm này, người đã tìm thấy một nhà hát cổ (Odeon)
có sức chứa cả ngàn người, xây dựng từ năm thứ 2 sau Công nguyên.


Mộ vua
Sau đó tôi cũng có viếng khu mộ vua (Tombs of Kings), thật ra là khu nghĩa
địa rộng lớn của tầng lớp quyền quí của thời đế chế Ai Cập cai trị, thế kỹ
thứ 3 truớc công nguyên. Những ngôi mộ được đục khắc từ những tảng đá sừng
sửng với những cây cột hoàng tráng bằng đá. Những đấu vết hình chữ thập,
những hình vẽ trên vách đá chứng minh ngày xưa đã có lần người có đạo
thiên chúa phải đến ẩn núp khi bị đàn áp. Thánh Paul đã từng giảng đạo tại
gần đây, đã từng bị buộc vào cột đá và bị đòn roi.
Phải nói các di tích đã được bảo quản một cách rất chuyên nghiệp. Đâu đâu
tại khu di tích cũng vén khéo, tươm tất, với những bản chỉ dẫn rõ ràng
minh bạch, đa ngôn ngữ. Khi cần thì người ta kiến tạo những mái che vững
chắc, rộng mênh mông để chống mưa nắng.
Ở đâu tôi cũng thấy toát lên niềm trân trọng quá khứ, phong thái niềm nở,
hiếu khách.
Một đảo quốc chỉ có 800 ngàn đân, với một diện tích 9000 km²
(16 lần đảo
Phú Quốc của Việt Nam, 1/35 nuớc Việt Nam) mà năm 2007 họ đã tiếp đón đến
những 2 triệu du khách. Ở đây không có nạn người bán hàng quấy rầy, không
có nạn kẹt xe, không có nạn xe cộ chạy ào ào, tranh nhau lối đi, chen lấn
đến cả vỉa hè như ta thường thấy ở Việt Nam. Tại Cyprus, người đi bộ là
vua. Bạn chỉ cần đặt chân xuống lòng đường là tất cả các xe ngừng lại, xe
hơi cũng như xe máy dầu và người lái xe luôn luôn ra hiệu mời mọc, nhường
lối đi với nụ cười thân thiện. Lối đi bộ lại rộng rãi, nhất là có dốc
thoai thoải khắp nơi dành cho người khuyết tật.
Xứ sở của khách du lịch và năng lượng mặt trời
Thảo nào ai trong đoàn đi chung với chúng tôi cũng nói có dịp là sẽ trở
lại.
Và người ta không ngạc nhiên khi được cô tiếp viên, nói trôi chảy tiếng
Pháp, tiếng Anh và tiếng Hà Lan, giải thích rằng nền kinh tế của Cyprus
căn bản là dịch vụ : 75% (kỹ nghệ chỉ chiếm 20%, nông nghiệp 5%), trong đó
du lịch chiếm phần áp đảo. Thu nhập bình quân của người dân (miền Nam) hơn
cả các nuớc Châu Âu trung bình: 23 000 USD, trong khi đó miền Bắc vùng Thổ
Nhỉ Kỳ chiếm giữ, chưa đạt phân nửa (11 000 USD).
Tăng trưởng kinh tế năm 2007 là 4%. Những năm chín mươi của thế kỷ trước,
tuy bị chia cắt, loạn ly, tăng trưởng vẫn luôn luôn chung quanh 6,5%. Cũng
nói thêm là thanh niên vào đại học thoải mái, không phải đóng học phí!

Nhưng điều tôi ngưỡng mộ nhất là kiến trúc đô thị đặc biệt tại thành phố
Paphos, di sản văn hoá nhân loại. Ngay cả các khu nhà hiện đại cũng mang
một vẻ đẹp Hy Lạp thuần khiết, đồng bộ và hài hoà. Mọi góc cạnh, mọi chi
tiết đều tiềm tàng ẩn hiện trí tuệ của ai đó. Những hồ chứa nước trên mọi
nhà đều có một màu duy nhất: màu trắng. Và 90% các nhà dân ở đều có những
tấm hứng năng lượng mặt trời. Mỗi gia đình muốn có hệ thống nước ấm này
phải chi khoảng 1000 Euro. Sau 5 năm thì lấy lại vốn và tuổi thọ tối thiểu
đuợc nhà cung cấp bảo đảm là 20 năm. Đây là chủ trương tiết kiệm năng
lượng hữu hiệu của nhà cầm quyền. Tôi tự hỏi những chính sách tiết kiệm
thuộc loại này sao không thấy tại Việt Nam, một xứ sở nắng quanh năm mà
phải liên tục cắt điện vì không đủ cung ứng cho người tiêu dùng!
Lịch sử 9000 năm

Odeon

Thành Cyprus

Đền Venus

mosaic dionysos
Tuy ở Cyprus có 6 ngày tôi cũng tranh thủ đi du ngoạn ngoài vùng Paphos 2
lần. Lần thứ nhất đi Limassoul ngang qua nơi sinh của nữ thần Aphrodite.
Điều đáng chú ý nhất là vùng di tích Kourio nằm trên một ngọn đồi trệt sát
biển. Đây là những biệt thự tráng lệ được xây dựng thời cổ La-Hy. Những
biệt thự xa xưa đồ sộ và lộng lẫy. Bên trong các biệt thự, người ta còn
khai quật và bảo tồn được những hoa văn mosaic tinh tế còn nguyên vẹn màu
sắc rực rỡ. Các vị quý tộc ở đây thường tổ chức những buồi trình diễn ca
kịch trên một sân khấu có sức chứa lên đến 3500 người. Ban tổ chức cuộc du
ngoạn cũng không quên dẫn chúng tôi đi thăm những làng mạc tiêu biểu lân
cận, còn giữ lại sắc thái truyền thống: thủ công làm rượu vang, đền làng
thờ thiên chúa, phụ nữ chuyên nghề đan vải trang trí. Tương truyền danh
hoạ, nhà khoa học Ý thời phục hưng, Leonardo da Vinci, tác giả bức tranh
nổi tiếng Mona Lisa hiện đang lưu trữ tại nhà bảo tàng Louvre (Paris) đã
có lần đến đây mua vải trang trí trong giai đoạn Cyprus trực thuộc cộng
hoà Venice.
Lần du ngoạn thứ hai, chúng tôi được đi thăm thủ đô Nicosia, một thành phố
không lớn lắm, chỉ có 171 ngàn dân. Vốn si mê khảo cổ, tôi lại đề nghị đi
thăm nhà bảo tàng vật cổ Nicosia. Nhà bảo tàng này được xây dựng rất sớm
(1908) và lưu trữ khá đầy đủ những di sản văn hoá kéo dài từ thời thương
cổ xưa đến 9000 năm. Ở đây không những bức tượng cổ Ai Cập, La-Hy đồ sộ mà
còn có những vật dụng, đồ trang sức đầy sức sống của thời xa xưa, được
khai quật, định loại, sắp xếp một cách rất chặc chẽ và khoa học... Dinh
thự của Tổng Giám mục Makarios, đài Lưu niệm nền Tự do là những nơi du
khách không thể bỏ qua.
Nhưng điều làm tôi khó có thể quên là cuộc dạo phố trung tâm Nicosia dọc
theo con đường thời thượng nhất, đường Ledra nổi tiếng, hiện thân của một
giai đoạn đau thương chia cắt từ ngày Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân chiếm cứ phiá
Bắc Cyprus. Chúng tôi không đi được hết đường vì quân đội Thổ Nhĩ Kỳ còn
đóng chốt phía bên kia bức tường khá thô sơ làm bằng gỗ, còn gọi là bức
tường Attila.

Đường Ledra
Té ra những bức ảnh chụp trên đường Ledra là những bức ảnh cuối cùng của
Nicosia chia cắt. Ngay hôm sau, khi đáp máy bay về đến nhà tại Bỉ, vừa mở
đài truyền hình ra là thấy có tin:
“Chánh quyền Nam và Bắc, Tổng thống Demetris Christofias (cộng đồng Hy
lạp) và lãnh đạo cộng đồng Thổ Mehmet Ali Talat vừa ra một bản tuyên bố sẽ
tổ chức hội đàm về việc thống nhất Cyprus trong tháng 6 năm 2008 sắp đến.
Trong khi chờ đợi, hai vị lãnh đạo quyết định dẹp bỏ các đồn kiểm tra tại
Nicosia, đặc biệt mở lại con đường Ledra cho dân cả hai miền tự do đi lại”
Lịch sử Cyprus đang buớc vào một trang khác ngay những ngày chúng tôi đi
thăm quốc đảo. Bản thông tin cũng nói rõ là chánh quyền miền Bắc cũng ra
quyết định trao trả lại toàn bộ những cửa tiệm bỏ trống của người gốc Hy
Lạp di cư vào Nam để họ có thể thu hồi và sinh hoạt thương mại bình thường
như trước đây.
Tổng thống miền Nam Demetris Christofias là đảng viên đảng cộng sản
Cyprus, mới vừa đắc cử trong một cuộc bầu cử tự do đa đảng cách ngày chúng
tôi đến Paphos chỉ mới có 2 tuần!
Tuy được tự do chọn lựa, dân tộc Cyprus đã không quên vai trò của đảng
cộng sản Cyprus trong công cuộc tranh đấu giành độc lập từ tay đế quốc
Anh. Cũng cần chú ý là trong giai đoạn này, đảng cộng sản Cyprus lại có
lập trường tranh đấu bất bạo động, khác với quan điểm của đa số thành viên
trong tổ chức kháng chiến EOKA.
Paphos ngày 30/3/2008