Những bài cùng tác giả

Pygmalion -tranh của Jean Léon Jérôme

Aphrodite
Trước hết, xin nhắc lại Pygmalion là ai trong thần thoại
Hy-lạp. Theo một truyền thuyết, Pygmalion là vua xứ Chypre, đồng thời là một
nhà điêu khắc tài ba. (Ở đây, tôi không nói tới Pygmalion, vua xứ Tyr, liên
quan đến câu chuyện nữ hoàng Didon và Carthage) (1). Pygmalion này là người
“ghét phụ nữ” – tiếng Pháp là misogyne, hình như tiếng Anh là misogynist
hay là woman-hater – cho nên chàng ở vậy, không lấy vợ. Có nguồn cho rằng
không phải bẩm tính trời sinh chàng ta như vậy, mà là vì phụ nữ xứ này không
đoan trang nên chàng ghét. Chàng ta chỉ chăm chú tạc tượng, và pho tượng mà
chàng ta say sưa tạc là một tượng phụ nữ bằng ngà, mà chàng ta đặt tên là
Galatée. Tượng đẹp vô cùng, làm cho Aphrodite, nữ thần Ái tình, bực mình,
chơi khăm, phù phép làm cho chàng ta đâm ra mê pho tượng, đến mức ngẩn ngơ
mê ngày mê đêm. Chàng ta van xin cầu khẩn, nên nữ thần Aphrodite siêu lòng,
phù phép cho pho tượng trở thành người. Và chính nữ thần làm chủ hôn đám
cưới cặp này. Tôi không kể nối chuyện họ sinh con đẻ cái, vì không phải là
cốt lõi câu chuyện mà tôi muốn nói.

Jean-Philippe Rameau

Chuyện Pygmalion gợi hứng cho nhiều tác gia như Rameau,
nhà soạn nhạc Pháp, viết vở kịch múa ballet
Pigmalion (Rameau viết với chữ “i” thay vì chữ
“y”) năm 1748, được coi như là vở nhạc kịch nổi tiếng nhất của Rameau. Nhưng
tác gia gây chú ý ở thế kỉ 20, có lẽ là nhà văn Ái-nhĩ-lan
George Bernard Shaw, với vở
kịch Pygmalion, diễn lần đầu tiên năm 1914, và sau đó được chiếu
thành phim lần đầu vào năm 1938. Sau đó là cuốn phim (Mỹ)
My Fair Lady (1964) của
George Cukor, rất ăn khách với hai diễn viên Rex Harrison và Audrey
Hepburn, chuyển từ vở musical theatre (2) của
Alan Jay Lerner et
Frederick Loewe. Tất nhiên,
không phải là chuyện Pygmalion trong thần thoại, mà là chuyện Pygmalion được
“phù hợp hóa” trong xã hội Anh cuối thể kỉ 19 đầu thế kỉ 20.
Chuyện đại khái tóm gọn như sau:
Một nhà ngôn ngữ học trung niên, Henry Higgins, đánh cuộc
với với một người quen, rằng có thể “biến cải ” một nàng bán hoa nghèo
Eliza Doolittle ăn nói quê mùa thô lỗ, thành một thiếu nữ có giọng nói và
ngôn ngữ của người quí phái. Và muốn đạt được kết quả, chàng chỉ cần dạy
nàng học nói một số giờ. Kết quả vượt sự dự đoán, Eliza nhanh chóng học nói
được trôi chảy, và do một sự dàn dựng đùa vui, bà mẹ Henry hóa trang và dẫn
Eliza tới dự buổi dạ hội khiêu vũ của giới quyền quí, ai ai cũng lầm tưởng
nàng là một thiếu nữ giòng quí phái. Một chàng trai trẻ quí phái Freddy
Eynsford-Hill mê nàng và muốn cưới nàng làm vợ. Eliza do dự, nhưng trước
thái độ “có vẻ” lãnh đạm của Henry, mặc dù nàng đã cố thử làm lung lay sự
thản nhiên của nhà ngôn ngữ học này, nàng giận. Câu hỏi: là Henry
-“Pygmalion” yêu thầm Eliza-“Galatée” mà không tỏ tình? Eliza-“Galatée”, do
dự vì thực sự không yêu Henry-“Pygmalion” mà chỉ biết ơn chàng đã “tạo” nên
mình?
Bản kịch của George
Bernard Shaw kết thúc bằng
màn kịch : Eliza nhận lấy Freddy, và mọi người dắt nhau đi dự đám cưới, chỉ
còn trơ một mình Henry “cười gằn”.
Cuốn phim My Fair Lady “có hậu” hơn, tuy lấp lửng : Eliza
không lấy Freddy, mà quay trở lại tìm Henry.

George Bernard Shaw
Tất nhiên, bản kịch của George
Bernard Shaw chỉ giữ 2 điểm
của tích Pygmalion thần thoại Hy-lạp: chàng trai tuổi sồn sồn “ghét
phụ nữ” trở thành mê say đắm nhân vật của mình tạo nên.
Người ta đã “phù hợp hóa” được tích
Pygmalion nguyên thủy, vậy
thì tôi cũng chẳng ngại mà dám “phù hợp hóa” tích này để diễn tả vài ý tưởng
của tôi:
Sau nhiều năm loạn li, xã hội Việt Nam thế kỉ 19 bước vào
giai đoạn suy đồi, nhà cầm quyền ngu dốt, để đến nỗi mất nước. Nửa đầu thế
kỉ 20, và nhất là vào Cách mạng mùa Thu 1945, biết bao nhiêu người Việt Nam,
già trẻ trai gái – những Pygmalion không phân biệt tuổi tác, không phân
biệt giới tính – ước mơ góp phần mình để xây dựng nên một nước Việt Nam
mới, độc lập, với một xã hội dân chủ, công bằng, phồn vinh với những người
công dân được tự do, bình quyền, có học vấn, có lòng yêu thương nhau, vv. -
một thứ “Galatée lý tưởng”. Nhiều thế hệ Pygmalion Việt Nam đó đam mê, nên
đã từ bỏ cả giàu sang, hạnh phúc riêng tư, để góp phần tạc “Galatée lý
tưởng” ấy và đã vĩnh viễn nằm xuống, mà chưa kịp thấy được hình dáng cái
mình ước mơ kia ra sao. Nhưng vì những lý do bên ngoài và bên trong,
“Galatée lý tưởng” kia đã trở nên nham nhở, phần thì thành công đẹp đẽ, phần
thì xấu xa vô cùng, phần trí tuệ thì hiển nhiên có vấn đề. Lại chẳng có một
nữ thần Aphrodite phù phép trợ giúp. Những Pygmalion Việt Nam ngày nay còn
đang đam mê, liệu rốt cục sẽ “cười gằn”, hay là còn đang trong tình trạng
của một cái hậu “lấp lửng” ?
Chú thích :
(1)
Một số chi tiết đã được trình bày trong mấy cuốn sách của tôi đã xuất bản
trong nước hay còn bỏ ngỏ thường xuyên cập nhật, xin mời bạn đọc mở xem
trong trang mạng :
http://www.buitronglieu.net
(2) Tiếng Pháp
là comédie musicale. Comédie thật ra nguyên thuỷ không có nghĩa hài hước như
có người lầm tưởng, mà chỉ có nghĩa là một vở kịch nhằm mô tả ( thường là để
chỉ trích một nét xấu nào đó) xã hội đương thời hay cận đại. Tôi không
thấy tiếng Việt trong từ điển, và thấy rất khó dịch vì người Việt Nam ta
phần đông không quen với loại này. Comédie musicale là một vở kịch có nhạc,
ca, múa , phần nào nó là kế thừa của những
ballet,
opéra,
opéra-bouffe,
opérette… Hình thức comédie musicale này một thời rất thịnh hành ở Mỹ,
đặc biệt là ở những rạp hát ở Broadway (New York). Cám ơn các anh chị
Đ.T.K., H.D.T , H.VT., … đã có lời giải thích và gợi ý là nên dịch là « ca
nhạc kịch » hay gọn hơn, là « nhạc kịch ». Tôi băn khoăn, không dám lựa
chọn, xin để lửng lơ, và tạm dùng tiếng nước ngoài.
Đã đăng
trên Diễn Đàn
©
http://vietsciences.free.fr
và http://vietsciences.org
Bùi Trọng Liễu
|