Chuyến về Việt  Nam của Gs T.X.Thuận

Các báo Việt          
   

GS Trịnh Xuân Thuận: Cử toạ thủ đô rất sâu sắc!

 
15:48' 29/07/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - GS Trịnh Xuân Thuận, nhà vật lý thiên văn nổi tiếng thế giới, đã nhận xét như vậy sau buổi nói chuyện với công chúng thủ đô về đề tài "Big Bang và sau Big Bang - Vị trí của con người trong vũ trụ".

GS Trịnh Xuân Thuận mở ra một thế giới bí ẩn và hấp dẫn...

Nếu không theo dõi tin tức trên báo chí và phương tiện thông tin đại chúng, có lẽ ít người dân nào ở khu Bách Khoa biết được sáng hôm nay sẽ có một vị nhà thiên văn bậc thầy thế giới xuất hiện ngay tại Hội trường C2 sát bên nhà mình. Trong khu Bách Khoa rộng mênh mông (trường ĐH Bách khoa Hà Nội có khuôn viên rộng nhất trong các trường ĐH ở Hà Nội), không có lấy một tấm biểu ngữ hay thông báo nào cho biết rằng GS Trịnh Xuân Thuận sẽ đến nói chuyện ở đây. 15 phút trước khi cuộc nói chuyện bắt đầu, khuôn viên trường vẫn yên ắng, tĩnh lặng như thường ngày, sau một kỳ thi tuyển sinh sôi động. Thế rồi Hội trường C2 đông dần với đủ mọi lứa tuổi – khoảng 400 ghế ngồi dần đã có chủ...

Nhận lời mời của Hội Vật lý Việt Nam và ĐH Bách khoa Hà Nội, đúng 9 giờ, GS Trịnh Xuân Thuận xuất hiện. Ông vẫn ăn vận như ngày thường, với chiếc áo sơ mi màu xanh da trời "đóng thùng" gọn gàng, khác chăng là có thêm một chiếc cà vạt kẻ ô sẫm màu trên cổ. Sau lời dẫn của GS Viện sĩ vật lý Nguyễn Văn Hiệu, GS Trịnh Xuân Thuận bắt đầu bài nói chuyện của mình. Do phần lớn những thuật ngữ khoa học, đặc biệt là vật lý thiên văn, của GS Thuận đều tiếp thu bằng tiếng Pháp và tiếng Anh nên ông phải nhờ dịch giả Phạm Văn Thiều "nhắc vở" để tìm thuật ngữ tương đương trong tiếng Việt.

Với chất giọng vang, khỏe, GS Trịnh Xuân Thuận say sưa giảng giải về lịch sử của thiên văn học, từ thời Trung cổ khi con người còn tin vào thuyết Nhật tâm, đến những nhân vật làm thay đổi nhận thức của cả nhân loại về bầu trời như Gallilée, Copernic... Ông dẫn dắt khán giả vào thế giới kỳ ảo của vũ trụ, từ những hành tinh có cấu trúc rắn tương đương Trái đất như Sao Hỏa, Sao Mộc, đến những hành tinh nặng hơn Trái đất nhiều lần nhưng lại chỉ toàn bằng khí hydro, heli... Những khái niệm cơ bản nhất của vật lý thiên văn như vành đai sao, cụm thiên hà, thiên hà xoắn ốc, hố đen, sao lùn trắng, v.v... lần lượt được GS Trịnh Xuân Thuận làm sáng tỏ qua cách giảng bình dân hình thành ở ông trong suốt gần 30 năm giảng dạy vật lý thiên văn đại chúng. Ông liên tục minh họa cho bài giảng của mình bằng những hình ảnh sống động, đầy màu sắc phóng to từ tập phim slide mà ông luôn mang theo bên mình trong các chuyến công tác.

 

Nhưng có lẽ phần khiến cho khán giả thích thú nhất vẫn là khi GS Trịnh Xuân Thuận nói về vị trí của con người trong vũ trụ, bởi có lẽ mỗi người đều tìm thấy mình trong đó. Nếu coi chặng đường lịch sử hình thành vũ trụ, từ khi vạn vật chỉ gói gọn trong một điểm nhỏ xíu có đường kính bằng 1/10.000cm cho đến khi hình thành các thiên hà (kể cả Trái đất) như ngày nay, là quãng thời gian một năm, loài người chỉ mới hiện hữu được chừng... hai giờ. Và trong quãng thời gian ngắn ngủi đó, loài người chỉ mới được hưởng cuộc sống văn minh khoảng 1 giây, và chứng kiến những thành tựu vượt bậc của khoa học-kỹ thuật (kể cả thiên văn học) trong 1/1.000 giây. Rõ ràng là trong cái vô hạn của vũ trụ, con người quá nhỏ bé, đến mức nhà thần học Platon phải thốt lên: "Tôi cảm thấy tuyệt vọng." Nhưng ngược lại với sự bi quan của Platon, GS Trịnh Xuân Thuận kết thúc bài giảng bằng câu: "Chúng ta không có gì phải tuyệt vọng cả, bởi vì vạn vật được sinh ra trong mối tương quan chặt chẽ với nhau. Trong một phần nhỏ thời gian đó, con người đã chứng minh được rằng mình vĩ đại không kém gì Tạo hóa."

Sau hai giờ giảng, GS Trịnh Xuân Thuận mời tất cả mọi người có mặt cùng giao lưu với mình. "Được lời như cởi tấm lòng", rất đông người trong Hội trường thi nhau đặt câu hỏi, mong GS Thuận giải đáp những vướng mắc trong lòng về vật lý thiên văn, một lĩnh vực vừa xa lạ vừa hấp dẫn.

Tại buổi nói chuyện của GS Trịnh Xuân Thuận, Nhà xuất bản Khoa học Kỹ thuật đã cử đến hai nhân viên bán hàng, mang theo 100 bản dịch tiếng Việt hai cuốn sách của GS Thuận: "Hỗn độn và hài hòa", "Giai điệu bí ẩn". Chỉ trong 10 phút giải lao trước buổi giao lưu, số sách trên đã bán hết veo khiến nhiều người tiếc hùi hụi: Người bán thì tiếc là đã mang theo quá ít sách, còn khách đến nghe nói chuyện thì tiếc là quá chậm chân nên không kịp mua sách để xin chữ ký của GS Trịnh Xuân Thuận!

Với vốn hiểu biết khá sâu sắc về thiên văn, có khán giả thậm chí còn tranh luận trực tiếp với GS Thuận với mức độ hăng hái thường thấy trong những phiên... chất vấn. Có khán giả nữ vì quá xúc động nên khi đặt câu hỏi đã buột miệng: "Thưa đồng chí giáo sư, ngài có tin là có Chúa hay không?". Đặc biệt có một bạn còn rất trẻ, dù cơ thể không phát triển bình thường nhưng cũng cố gắng giành bằng được micro để "quay" GS Trịnh Xuân Thuận bằng những câu hỏi hóc búa về "phản vật chất" hay "vật chất tối"...

Phần lớn câu hỏi đặt ra đều được giải đáp thỏa đáng, trừ câu hỏi về "bản chất của vật chất tối", bởi vì đơn giản là trên thế giới chưa ai trả lời được vấn đề này cả. GS Thuận cười hóm hỉnh: "Nếu tìm ra được câu trả lời cho bản chất của vật chất tối, tôi e rằng tôi đã được giải Nobel vật lý rồi!".

Phỏng vấn nhanh GS Trịnh Xuân Thuận

Giáo sư có cảm thấy hài lòng về cuộc nói chuyện hôm nay hay không?

- GS Trịnh Xuân Thuận: Tôi rất hài lòng! Mọi người đến tham gia rất đông, tuy không bằng lúc tổ chức trong TP.HCM. Tôi thích nhất là phần giao lưu; nhiều câu hỏi rất thú vị, chứng tỏ cử toạ ở thủ đô rất quan tâm và hiểu biết sâu sắc về vật lý thiên văn. Tôi chỉ tiếc là thời gian này lại đang đúng vào dịp hè nên không nói chuyện được với đông đủ sinh viên Bách khoa Hà Nội.

Được biết trước buổi nói chuyện, giáo sư có lo lắng về khâu thiết bị?

- Đúng vậy. Tôi quen sử dụng phim slide để giảng bài nên cần phải có một chiếc máy chiếu slide để phóng to hình ảnh minh họa. Hiện nay, loại máy này ở Hà Nội rất hiếm nên tôi sợ rằng nếu không thuê được sẽ khiến cho buổi nói chuyện bớt hấp dẫn. "Trăm nghe không bằng một thấy" mà (cười). May mà Ban tổ chức đã chu đáo thu xếp mọi việc ổn thỏa cho tôi.

Nhiều tổ chức, cơ quan muốn mời giáo sư đến nói chuyện tại đơn vị của họ. Liệu giáo sư có nhận lời?

- Với một số cơ quan, tôi không thể từ chối được vì nhiều lý do. Nhưng tôi vẫn muốn mọi người đến tham dự những buổi nói chuyện như thế này, vì như thế hiệu quả đạt được từ công sức tôi bỏ ra rất cao. Tôi phải từ chối nhiều lời mời, bởi vì thời gian của tôi ở Hà Nội có hạn, không thể dành hết cho việc nói chuyện được.

VietNamNet xin giới thiệu với các bạn chùm ảnh tại buổi nói chuyện sáng nay:

Già, trẻ bên nhau chăm chú nghe giảng.
Tôi xin hỏi giáo sư...
Thưa "đồng chí" giáo sư...
Bản chất của vật chất tối là gì?
Để tớ tặng hoa cho giáo sư.
Giữa "vòng vây" những câu hỏi, cho dù buổi nói chuyện đã dứt!
 

  • Khánh Hà

 

 

Trịnh Xuân Thuận: ''Tôi tin vào thuyết sáng tạo"

Thứ năm, 29/7/2004, 18:14 GMT+7

 

Giáo sư Trịnh Xuân Thuận trình bày lịch sử quan niệm về vũ trụ của loài người.

Nói tiếng Việt không thật chuẩn, thường xuyên phải minh họa bằng tiếng Anh, Pháp và cả "body language", nhưng giáo sư Trịnh Xuân Thuận vẫn hấp dẫn hội trường đông kín người tại ĐH Bách khoa Hà Nội suốt 3 giờ đồng hồ sáng nay, với bài nói chuyện về Big bang và con người trong vũ trụ.

Đây là một trong số nhiều buổi gặp gỡ của ông với các chuyên gia và sinh viên Việt Nam yêu thích môn thiên văn nhân chuyến về nước lần thứ 3. Giới thiệu về Trịnh Xuân Thuận, Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu, Chủ tịch danh dự Hội Vật lý Việt Nam, chỉ nhận xét ngắn gọn: "Ông hiện là giảng viên Đại học Virginia, là một trong những nhà khoa học tự nhiên Việt Nam nổi tiếng nhất ở Mỹ và Tây Âu".

Bằng những hình chiếu đẹp và sinh động, bài giảng của Giáo sư Thuận đã khái quát lại lịch sử hình thành ý tưởng vũ trụ của loài người, từ những quan điểm sơ khai ban đầu như trái đất là trung tâm vũ trụ, rồi mặt trời là trung tâm vũ trụ cho đến khi ra đời lý thuyết vũ trụ gồm vô số các thiên hà như ngày nay. Ông giới thiệu các kính thiên văn lớn đặt tại Mỹ và trên thế giới, cách thức sử dụng và ảnh hưởng của các bức xạ khí quyển đối với việc quan sát thiên văn. Câu chuyện của ông cũng xoay quanh các thành viên trong thái dương hệ, từ sao Thủy ở gần nhất đến Diêm vương tinh xa xôi nhất, và xa hơn nữa là các thiên hà, các sao lùn trắng, các tinh vân, lỗ đen..., và đặc biệt là lý thuyết Big Bang (vụ nổ khai sinh vũ trụ) mà theo ông là lý thuyết quan trọng và uy tín nhất trong thiên văn học cho tới nay.

Nói về lịch sử hình thành vũ trụ và sự sống, GS. Trịnh Xuân Thuận so sánh, nếu tính tuổi của vũ trụ đến nay là tròn một năm (với vụ nổ Big Bang là ngày 1/1), thì hệ mặt trời hình thành vào ngày 9/9, tế bào đầu tiên hình thành ngày 25/9, cái cây đầu tiên xuất hiện 23/12, động vật có vú 26/12 và người cổ đầu tiên vào ngày cuối cùng của năm - 31/12.

GS. Thuận cũng cho biết bởi sự hoàn hảo và hài hòa tuyệt vời của vũ trụ, nên ông tin vào nguyên lý sáng tạo, tức là vũ trụ hiện nay không phải được sinh ra ngẫu nhiên, mà được sáng tạo có chủ ý. Tuy nhiên, "đấng sáng tạo" đó không phải là con người cụ thể, như Chúa hay Phật tổ...

Cuộc thảo luận sôi nổi sau bài giảng của GS. Thuận đã tạo cơ hội cho các học giả và sinh viên Việt Nam bộc lộ niềm say mê thiên văn. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra liên quan đến những vấn đề hóc búa của vũ trụ học hiện nay như năng lượng tối, vũ trụ trong những giây đầu tiên, các lỗ đen và cả những sửa đổi gần đây trong lý thuyết lỗ đen của Hawking. Ba tiếng đồng hồ không ngắn nhưng vẫn là chưa đủ đối với nhiều người. Tạm biệt GS. Thuận, họ hy vọng lại có ngày được tiếp xúc với ông và tiếp cận với các thông tin mới nhất về lĩnh vực khoa học hấp dẫn này.  

Bên lề buổi nói chuyện, GS. Thuận đã có cuộc trao đổi ngắn với báo chí:

- Ông đánh giá thế nào về vị trí của ngành thiên văn hiện nay?

- Thiên văn học đang được quan tâm hơn. Các nước, nhất là Mỹ và châu Âu, đầu tư ngày càng nhiều cho lĩnh vực này, với các kính thiên văn càng ngày càng lớn, và nhiều thiết bị, dụng cụ mới. Tôi cho rằng trong 5 - 10 năm tới, thiên văn học sẽ trả lời được nhiều vấn đề, như bằng cách nào các thiên hà nảy nở, cái gì tạo nên vật chất tối của vũ trụ...

- Là một Việt kiều, với ưu thế kiến thức của mình, ông có dự định gì giúp đỡ ngành thiên văn Việt Nam?

- Trong chuyến thăm này, tôi đã trao đổi với các viện nghiên cứu và các nhà lãnh đạo về vấn đề đưa các sinh viên Việt Nam sang Mỹ học và đưa giáo sư Mỹ thật giỏi tới Việt Nam giảng dạy để nâng cao chất lượng đào tạo của Việt Nam. Cụ thể, tôi đã đến thăm và ký kết với lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội về việc trao đổi sinh viên giữa trường với Đại học Virginia. Tuy nhiên, những công việc như thế này đòi hỏi khá nhiều thì giờ, mà tôi thì rất bận, vừa giảng dạy, vừa viết sách lại vừa khảo cứu, do đó nếu có ai giúp được trong vấn đề này thì tốt quá.

- Có ý kiến cho rằng thiên văn học là ngành khoa học lý thuyết thuần tuý, chưa có khả năng ứng dụng rộng rãi, nếu Việt Nam đầu tư cho lĩnh vực này trong điều kiện còn nghèo như hiện nay sẽ là lãng phí. Ông nhận định thế nào?

- Tôi công nhận Việt Nam phải làm cái gì thiết thực hơn, nhưng chúng ta cũng nên "gieo giống" cho ngành khoa học thiên văn, vì đó là môn khoa học cơ bản, không thể quên hết những gì cơ bản được.

- Hội nghị vật lý châu Á - Thái Bình dương lần 9 tới sẽ diễn ra tại Việt Nam vào tháng 10, ông có dự định gì cho sự kiện này?

- Tôi sẽ trình bày 1 báo cáo về những khảo cứu mà tôi dùng kính thiên văn Hubble. Cụ thể, tôi vừa tìm ra một thiên hà rất trẻ, chỉ khoảng 500 triệu năm, so với tuổi 14 tỷ năm của vũ trụ là rất nhỏ.

Bích Hạnh- vnexpress.net

 

Thứ Bảy, 24/07/2004, 10:48 (GMT+7)
 

Gặp lại Trịnh Xuân Thuận

 

TT - GS Trịnh Xuân Thuận đã công bố 120 công trình trên các tạp chí khoa học chuyên ngành và các kỷ yếu hội nghị khoa học quốc tế. Đặc biệt, 10 cuốn sách dày dặn của anh rất được hoan nghênh ở châu Âu và Bắc Mỹ; một số cuốn được dịch ra 16 thứ tiếng.  

Chính Tổng thống Pháp F. Mitterrand đã mời anh cùng giáo sư Trần Văn Khê “tháp tùng” như một “nhịp cầu hữu nghị” trong chuyến sang thăm VN năm 1994, mặc dù biết anh Thuận không mang quốc tịch Pháp.

Tôi xem danh sách ban cố vấn quốc tế của cuộc Gặp gỡ Việt Nam lần 5 sắp khai mạc vào đầu tháng 8-2004 tại Hà Nội thấy có tên anh. "Phải chăng lần này anh về nước với mục đích chính là dự cuộc gặp gỡ này?" - tôi hỏi giáo sư Trịnh Xuân Thuận ngay khi tình cờ gặp lại anh sau bốn năm xa cách, ở phố cổ Hà Nội, tại một cửa hàng... chả cá!

- Đó cũng là một trong những công việc chính mà tôi phải làm trong gần một tháng ở Hà Nội - anh Thuận nói - Ngoài ra còn nhiều việc khác nữa: trao đổi ý kiến với một số vị lãnh đạo các ngành khoa học và giáo dục trong nước nhằm nhanh chóng mở rộng mối quan hệ hợp tác giữa các viện nghiên cứu và trường đại học lớn ở Mỹ và VN.

Tôi cũng sẽ nói chuyện với các bạn trẻ yêu khoa học ở Hà Nội (lúc 9g sáng 29-7-2004 tại hội trường C2 Trường đại học Bách khoa) về Đi tìm nguồn cội - Big Bang và sau đó, như đã nói chuyện với các bạn trẻ ở TP.HCM.

Theo tôi nhớ, hình như anh đã từng nghe tôi nói chuyện, cũng về đề tài này, tại thành phố Blois, hồi chúng ta cùng dự Gặp gỡ Blois, do anh Trần Thanh Vân tổ chức vào mùa hè năm 1998 ở miền trung nước Pháp?

Lần này tôi về nước theo lời mời của giáo sư Nguyễn Văn Hiệu ở Viện Khoa học tự nhiên và công nghệ VN, nên có nhiều thời gian hơn. Do vậy mới có thể nhẩn nha dạo chơi phố xá, ăn chả cá, bún thang! Ồ, cái món chả cá Lã Vọng có mùi thì là và mùi cà cuống thơm quá đi mất! - Anh Thuận cười sảng khoái.

Sáng nay tôi vừa về quê thắp mấy nén hương trên bàn thờ gia tiên, gặp gỡ bà con, họ hàng, đông vui lắm! Quê tôi ở Mai Lâm, bên kia sông Đuống, đất ngoại thành Hà Nội ấy mà!

Tôi ngạc nhiên bởi vì sau bao nhiêu biến cố, lưu lạc khắp bốn phương trời, thế mà giờ đây anh Thuận vẫn nói sõi tiếng Việt, với giọng của người Hà Nội gốc!

Sinh ngày 20-8-1948, sau Hiệp định Genève năm 1954, trước cảnh chia đôi đất nước, mới 6 tuổi, Trịnh Xuân Thuận đã phải theo gia đình rời Hà Nội vào Đà Lạt rồi về Sài Gòn, theo học “trường Tây” Jean-Jacques Rousseau (trước Cách mạng Tháng Tám là Trường Chasseloup-Laubat).

Từ nhỏ cho đến khi thi tú tài, anh phải “bò” ra học tất cả các môn đều bằng tiếng Pháp! Nào ngờ chính nhờ vốn tiếng Pháp học từ dạo ấy, sau này anh mới có thể viết những cuốn sách dày nổi tiếng thế giới, giàu chất khoa học chính xác cũng như chất thơ bay bổng.

"Mặc dù tốt nghiệp cử nhân tại Viện Công nghệ California, bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Princeton, rồi giảng dạy nhiều năm tại Đại học Virginia, nghĩa là từ sáng sớm cho đến đêm khuya chỉ toàn nói, viết bằng tiếng Anh, tôi vẫn không thể nào thông thạo tiếng Anh bằng tiếng Pháp, thứ tiếng mà tôi đã học “nhập tâm” từ bé! - anh Thuận tâm sự - Vốn tiếng Anh của tôi chỉ đủ để viết những công trình chuyên môn, chính xác, với vốn thuật ngữ có hạn, với văn phong khoa học chứ không đủ để cho ngòi bút của mình có thể tung hoành, bay nhảy khi cần diễn tả những sắc thái cảm xúc tinh tế, nên thơ, hay thể hiện những ý tưởng sâu xa có chất văn chương, triết luận".

Cuốn Số phận vũ trụ: Big Bang và sau đó của Trịnh Xuân Thuận viết bằng tiếng Pháp, được Nhà xuất bản Gallimard in ở Paris năm 1992. Ngay năm sau, 1993, cuốn sách đã được phát hành và bán chạy tại New York, qua bản dịch tiếng Anh của Harry N. Abrams.

Cũng trong năm 1993, Oxford University Press in một bản dịch tiếng Anh khác, của Storm Dunlop, phát hành tại Anh và Mỹ. Như vậy cuốn sách này của anh có đến hai bản dịch tiếng Anh.

Gần như cùng một lúc, vào năm 1993, cuốn sách cũng được bày bán rộng rãi tại Munich qua bản dịch tiếng Đức của Ravensburger. Sau đó, cuốn sách của nhà vật lý thiên văn mang cái tên VN có phần lạ lẫm, khó phát âm, được dồn dập dịch và in ở nhiều nước khác: Trung Quốc (1993), Thụy Điển (1994), Ý (1994), Nhật Bản (1995), Hàn Quốc (1995)...

Tuy có chậm hơn song VN ta cũng đã vào cuộc. Cuốn Giai điệu bí ẩn, dịch từ nguyên văn tiếng Pháp La mélodie secrète, được Nhà xuất bản Khoa Học & Kỹ Thuật ấn hành tại Hà Nội đúng vào đầu tháng 8-2000, coi như một ấn phẩm chào mừng khai mạc Gặp gỡ Việt Nam lần 4, với lời nói đầu do chính tác giả viết dành riêng cho bản dịch tiếng Việt:

“Bất chấp những thăng trầm của lịch sử, VN vẫn là đất nước luôn luôn đề cao những giá trị giáo dục và tri thức. Cuốn sách này mong muốn là một đóng góp nhỏ bé vào công cuộc truyền bá những tri thức đó.

Tôi xin cảm ơn giáo sư Trần Thanh Vân về tất cả những gì ông đã làm để bản dịch tiếng Việt cuốn Giai điệu bí ẩn sớm ra đời. Tôi cũng cảm ơn dịch giả Phạm Văn Thiều, người đã dịch rất hay ra tiếng Việt cuốn sách này".

Trịnh Xuân Thuận bày tỏ niềm ao ước chân thành: “Tôi sẽ rất sung sướng nếu tác phẩm này - tác phẩm đã được thế giới phương Tây đón nhận một cách nồng nhiệt - có thể nuôi dưỡng suy tư và làm thay đổi ít nhiều nhãn quan về thế giới của một số người. Tôi ấp ủ hi vọng nó có thể làm nảy sinh những chí hướng khoa học ở một số bạn trẻ có trí tuệ, và cũng hi vọng những hạt giống được gieo trong các trang sách này đến một ngày nào đó sẽ đâm chồi nảy lộc, phát triển thành cây trái sum sê”.

Cuốn sách lập tức được số “bạn trẻ có trí tuệ” ở nước ta tìm đọc, do đó đã phải in lại ngay trong năm sau, 2001.

Đầu năm 2003, Nhà xuất bản Khoa Học & Kỹ Thuật in tiếp cuốn Hỗn độn và hài hòa của Trịnh Xuân Thuận, do Phạm Văn Thiều và Nguyễn Thanh Dương dịch từ nguyên văn  tiếng Pháp Le chaos et l'harmonie in ở Paris.

Lần này về Hà Nội, Trịnh Xuân Thuận tìm gặp lại nhà vật lý giỏi văn chương Phạm Văn Thiều để xem lướt qua bản dịch một cuốn sách khác của anh viết chung với Matthieu Ricard, cuốn L'infini dans la paume de la main (Cái vô tận ở trong lòng bàn tay) được Nhà xuất bản Fayard in ở Paris năm 2000.

Đây cũng là một cuốn sách best-seller ở Pháp, ngay trong đợt phát hành đầu tiên đã bán được hơn 100.000 bản, một con số đáng cho các cây bút VN mơ ước!

Cuốn sách đề cập đến hệ tư tưởng Phật giáo và những vấn đề mới nhất của khoa học hiện đại, soi rọi những bí ẩn vật lý trong thế giới vĩ mô và vi mô cũng như trong xã hội loài người.

Để dịch cuốn sách này, nghe nói nhà vật lý Phạm Văn Thiều đã phải tìm đến sự  giúp đỡ của các vị hòa thượng, đại đức!

Chỉ còn hơn mười ngày nữa, Gặp gỡ Việt Nam lần 5 sẽ khai mạc tại Hà Nội. Đây là một hội nghị quốc tế lớn về vật lý hạt cơ bản và vật lý thiên văn, được đích thân Tổng thống Pháp J. Chirac nhận làm người bảo trợ tối cao, do giáo sư Nguyễn Văn Hiệu và giáo sư Trần Thanh Vân làm đồng chủ tịch.

Hội nghị diễn ra trong một tuần, từ ngày 5 đến 11-8-2004 tại khách sạn Horison, đường Cát Linh, Hà Nội. Hơn 250 nhà khoa học của hơn 30 nước và vùng lãnh thổ đã ghi tên dự hội nghị.

Sau phiên họp toàn thể hôm khai mạc, hội nghị sẽ chia thành hai phân ban: phân ban vật lý hạt cơ bản và phân ban vật lý thiên văn.

Ở phân ban vật lý thiên văn mà giáo sư Trịnh Xuân Thuận là một thành viên của ban cố vấn quốc tế, sẽ nghe báo cáo và thảo luận về: bùng nổ tia gamma, tia vũ trụ năng lượng siêu cao, vật chất tối, vật lý thiên văn hạt nhân, vũ trụ học, siêu sao mới, thiên văn học sóng hấp dẫn...

- Chắc anh sẽ trình bày một nghiên cứu mới? - tôi hỏi.
- Đúng thế, tôi sẽ báo cáo về những kết quả tôi mới đạt được trong việc nghiên cứu về sự hình thành các thiên hà qua việc khảo sát bằng kính viễn vọng Hubble.

Như chúng ta đã biết, kính viễn vọng vũ trụ mang tên nhà thiên văn học kiệt xuất người Mỹ Edwin Powell Hubble chỉ một số nhà thiên văn học rất nổi tiếng ở Mỹ và trên thế giới mới được phép sử dụng. Giáo sư Trịnh Xuân Thuận nằm trong số đó. Năm 1992, anh đã được tặng Giải thưởng Henri Chretien của Hội Thiên văn học Mỹ.

HÀM CHÂU (báo Tuổi Trẻ)

 

GS Trịnh Xuân Thuận: Hãy đưa thật nhiều người đi du học

03:57' 18/07/2004 (GMT+7)
(VietNamNet) - GS Trịnh Xuân Thuận, nhà thiên văn học nổi tiếng thế giới, lại về thăm quê hương. Chiều qua, ông đã bay từ TP.HCM ra Hà Nội và sẽ ở lại Thủ đô làm việc đến giữa tháng 8/2004.

10g sáng ngày 17/7, tôi nhận được tin báo của Toà soạn ở TP.HCM: Đúng 14g chiều, nhà vật lý thiên văn nổi tiếng Trịnh Xuân Thuận sẽ đáp máy bay ra Hà Nội. Và GS Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu đã đồng ý mời riêng VietNamNet cùng đi với ông ra sân bay Nội Bài đón nhà khoa học tài giỏi này!

Đối với một phóng viên "chuyên trị" lĩnh vực khoa học như tôi, đây là một nguồn tin "vàng ròng". Vì thế, quên béng mất chiếc dạ dày trống rỗng đang kêu réo đòi quyền lợi, tôi vội vàng chuẩn bị mọi thứ - từ thông tin bổ sung thêm về GS Thuận, cho tới các đồ nghề nhà báo... để chờ lúc lên chuyến xe của GS Nguyễn Văn Hiệu ra sân bay...

Trở lại Hà Nội

Máy bay hạ cánh lúc 14g nhưng phải đến 30 phút sau, chúng tôi mới thấp thoáng thấy bóng dáng to lớn của GS Thuận phía sau lớp cửa kính phòng hành lý. Đây rồi, nhà thiên văn bậc thầy song cũng là nhà thiên văn đại chúng, một người Việt sùng đạo Phật và cũng là nhà văn nổi tiếng: GS Trịnh Xuân Thuận. Nhanh nhẹn hơn nhiều so với cái tuổi 54 của mình, ông sải rộng bước chân rồi mừng rỡ ôm chầm lấy GS Nguyễn Văn Hiệu. So với bốn năm trước khi về giảng tại ĐHQG Hà Nội, tóc ông đã bạc hơn nhưng nhiệt huyết trong ông dường như vẫn không hề giảm bớt.

Từ trái sang: GS Nguyễn Văn Hiệu vui mừng đón GS Trịnh Xuân Thuận. (Ảnh: Khánh Hà)

Mùa hè 2004 này, ông về Việt Nam theo lời mời của GS Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu và đã chuẩn bị sẽ ở một tháng để gặp hiệu trưởng các trường đại học ở TP.HCM và Hà Nội. Chủ đề chính ông muốn nêu lên là việc trao đổi giữa các đại học Việt Nam và Mỹ trong các chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học, giáo dục. Vì vậy, không ngạc nhiên khi sau vài câu hỏi thăm sức khỏe của GS Nguyễn Văn Hiệu, trong suốt chuyến xe từ Nội Bài về Hà Nội, GS Thuận đi thẳng vào những công việc dự định sẽ làm ở Hà Nội. Trong đó, ông cũng muốn có một buổi nói chuyện về vũ trụ với người dân Hà Nội, đặc biệt là với những người... không làm công tác khoa học. GS Thuận kể: Khi tổ chức buổi nói chuyện mới đây về lý thuyết "Vụ nổ lớn" Big Bang tại trường ĐH Dân lập Ngoại ngữ và Tin học TP.HCM, khoảng 500 người đã đến dự. Đây là con số nằm ngoài dự kiến của ông, bởi GS Thuận không nghĩ rằng lại có nhiều "người dân Sài thành" quan tâm đến vật lý thiên văn đến thế.

Vật lý thiên văn là bộ môn khá xa lạ đối với hầu hết người Việt Nam, bởi đã từ lâu nó không xuất hiện trong chương trình giáo dục của một đất nước chưa thoát ra khỏi nỗi lo cơm áo gạo tiền. Thậm chí một em bé mười tuổi ở TP.HCM còn gọi điện đến cho Ban tổ chức cuộc nói chuyện, rụt rè hỏi xem ở tuổi em mà muốn đến nghe buổi nói chuyện thì có được không. Điều này khiến GS Thuận thêm tin tưởng và quyết tâm tổ chức thêm một buổi nói chuyện tại Hà Nội - đất học của cả nước, với đề tài "Big Bang và sau Big Bang: Vị trí của con người trong vũ trụ".

"Định mệnh đưa tôi đến với vật lý thiên văn"

GS Trịnh Xuân Thuận sinh năm 1948 tại Hà Nội nhưng lại theo học trung học lần lượt tại trường Yersin (Đà Lạt), rồi trường Jean Jacques Rousseau ở Sài Gòn (nay là trường PTTH Lê Quý Đôn - TP.HCM). Ông thông minh và ham học nên học giỏi đều cả văn học và các môn tự nhiên (các tác phẩm khoa học của ông sau này cũng mang đậm hơi thở thơ văn, vì thế không hề khô khan chút nào).

Như bao đứa trẻ tò mò khác cùng lứa tuổi, ông vẫn thường nhìn lên bầu trời, ngắm những vì tinh tú, những ngôi sao đổi ngôi, những biến chuyển không ngừng trên nền trời đêm bao la,... và tự đặt ra cho mình vô vàn câu hỏi. Không phải câu hỏi nào cũng tìm được lời đáp thỏa đáng nên ông mang "kho" thắc mắc đấy theo mình trong những năm tháng tuổi thơ, đến tận ngày ra nước ngoài du học.

GS Trịnh Xuân Thuận: "Einstein là thần tượng khoa học của tôi". (Ảnh: Khánh Hà)

Say mê khoa học, ông tôn Albert Einstein làm thần tượng. Yêu thích vật lý, ông có nguyện vọng được sang Pháp để tiếp tục nghiên cứu vật lý và nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, do bối cảnh thời điểm 1965-1966 có "trục trặc" trong quan hệ giữa Pháp với chính quyền Sài Gòn, ông đành sang Thuỵ Sỹ - nơi có hệ thống trường dạy bằng tiếng Pháp. Năm 1967, dù chưa thạo tiếng Mỹ, ông giành được học bổng lên thẳng năm thứ hai của ba trường đại học danh tiếng bậc nhất nước Mỹ: MIT ở Boston, Caltech ở Pasadena California và Princeton. Tuy vậy, ông quyết định theo học tại Học viện Công nghệ Caltech (California) vì nơi đây... ấm áp, dễ chịu và cũng là nơi có những giáo sư giỏi nhất thế giới, trong đó có nhiều vị đã đoạt giải Nobel. Đây chính là bước ngoặt lớn nhất đời ông.

Nuôi mơ ước được nối gót con đường nghiên cứu vật lý của Einstein nhưng chàng thanh niên 19 tuổi Trịnh Xuân Thuận lại gặp phải... Palomar, kính thiên văn lớn nhất thế giới lúc bấy giờ. Với 5m đường kính, Palomar thực sự quyến rũ đối với chàng trai vẫn mang trong mình nhiều câu hỏi tò mò chưa được giải đáp của tuổi thơ. Hơn nữa, năm 1967 cũng là thời điểm "thăng hoa" của ngành vật lý thiên văn với vô số những kiến thức mới mẻ như thuyết giãn nở vũ trụ, phát hiện ra nhiều thiên hà ngoài Thái Dương hệ, chuẩn tinh, vụ nổ tia X, tia gamma, v.v... Và Trịnh Xuân Thuận quyết định ngay tắp lự: Thôi không nghiên cứu vật lý lý thuyết nữa để chuyển hẳn sang vật lý thiên văn. Ông cười hiền hậu: "Kể từ đó đến nay, tôi vẫn không ân hận về quyết định của mình".

"Sống ở đời, phải có đam mê"

Chuyến về thăm quê hương lần này, GS Trịnh Xuân Thuận mong muốn đóng góp được một điều gì đấy cho nền giáo dục Việt Nam. Ông rất tâm đắc với những bài học tự vươn lên bằng khoa học, công nghệ của các nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, và Trung Quốc. Không kể Trung Quốc, hai quốc gia còn lại đều "khô cằn sỏi đá", hầu như không có nguồn tài nguyên thiên nhiên nào đáng kể, và đều bị chiến tranh tàn phá đến kiệt quệ. Nhưng khi vừa tan lửa khói chiến tranh, họ bắt tay vào xây dựng lại đội ngũ khoa học - kỹ thuật bằng cách gửi sinh viên ra nước ngoài học tập. GS Thuận phân tích: "Khi trở về, lực lượng này đã đưa Nhật Bản trở thành nước giàu thứ hai trên thế giới sau Mỹ, hay biến "sỏi đá" Hàn Quốc thành ti-vi màn hình phẳng, điện thoại di động kỹ thuật cao, hoặc như người Trung Quốc đưa Dương Lợi Vĩ lên không gian. Ban đầu, họ chỉ học hỏi những điều chưa biết để làm theo, nhưng dần dần họ đã phát huy được tinh thần sáng tạo để biến kiến thức thành nội lực của đất nước mình...".

Chuyến về thăm quê hương lần thứ tư này, GS Trịnh Xuân Thuận không đặt hẳn vấn đề giảng dạy như ông đã từng làm cách đây bốn năm. Bởi ông hiểu, dù có cố gắng đến đâu thì với quỹ thời gian quá eo hẹp, ông cũng không thể thay đổi được kiến thức chuyên sâu của sinh viên Việt Nam về vật lý thiên văn - môn học đòi hỏi phải có quá nhiều tiền để đầu tư cho các trang thiết bị nghiên cứu, trong khi phần lớn sinh viên ra trường lại chịu cảnh thất nghiệp hay làm việc không đúng ngành nghề đào tạo.

"Đối tượng nghe nói chuyện của tôi không chỉ là những người làm khoa học mà chủ yếu là đại chúng. Tôi muốn truyền cho họ niềm đam mê đối với khoa học - kỹ thuật và nuôi dưỡng ước mơ ra nước ngoài học tập." - GS Thuận nói - "Sống ở đời, phải có đam mê. Hãy đưa thật nhiều người đi du học, và chỉ cần 1% trong số đó học thành tài trở về xây dựng đất nước thì chúng ta cũng đã có cơ hội phát triển và nâng cao chất lượng cuộc sống rồi!".

Trịnh Xuân Thuận, nhà thiên văn đại chúng

GS TS người Mỹ gốc Việt Trịnh Xuân Thuận là một nhà vật lý thiên văn nổi tiếng thế giới. Ông đã viết khoảng 200 bài tiểu luận về sự hình thành các yếu tố trong Big Bang và Thiên hà, cùng sự tiến triển của chúng.

Ông nghiên cứu vũ trụ không chỉ dưới góc độ khoa học mà còn ở góc độ triết học: "Tôi hay nói những triết lỳ trong khoa học của tôi... Cuối cùng, cái mà tôi chú ý không phải chỉ nói rằng Trái đất quay quanh Mặt trời hay Mặt trời quay quanh Trái đất, mà là việc con người xác định vị trí mình ở trong vũ trụ đó như thế nào. Chung quy lại, chính nhân loại là vấn đề mà tôi lưu tâm".

"Đối với nhà thiên văn bậc thầy Trịnh Xuân Thuận, có một điều rất rõ ràng là: Vũ trụ này sẽ không có nghĩa lý gì, nếu không có con người để đánh giá vẻ đẹp và sự hài hòa của nó." - TS Patterson nói.   

GS Trịnh Xuân Thuận còn là một nhà văn nổi tiếng - tác phẩm của ông viết về thiên văn nhưng được thể hiện bằng một giọng văn rất mượt mà, trữ tình.

Là giáo sư của trường ĐH Virginia từ năm 1976 đến nay, ông chuyên dạy thiên văn học cho tất cả mọi đối tượng không phải là nhà khoa học. Vì vậy, tác phẩm của ông viết rất dễ hiểu, với mục đích đưa khoa học đến cho đại chúng: "Khoa học của tôi là nhắm tới những người bình thường, chứ không phải chỉ là những nhà thiên văn thông thái".

Tác phẩm "Lượng tử và Hoa sen", bản dịch tiếng Việt sắp ra mắt ở Việt Nam.

Các tác phẩm của ông bao gồm: Giai điệu bí ẩn (1988); Khám phá: Khai sinh vũ trụ; Big Bang và sau đó (1992); Hỗn độn và hài hòa (1998), Cái vô hạn trong lòng bàn tay (2000); Nguồn gốc và nỗi buồn (2003); Lượng tử và hoa sen (2004)...

Trong số đó, cuốn Hỗn độn và hài hòa là tác phẩm bán chạy nhất ở nước Pháp năm 2000.

Ba cuốn đã được dịch sang tiếng Việt là Giai điệu bí ẩn, Trò chuyện với Trịnh Xuân Thuận, và Hỗn độn và hài hòa.

Sắp tới, ông dự định sẽ cho dịch tiếp sang tiếng Việt cuốn Lượng tử và hoa sen.

  • Khánh Hà

 

Giáo sư Trịnh Xuân Thuận và điều bí ẩn của vũ trụ

Thanh niên online
 
Sáng ngày 15/7/2004 tại hội trường lầu 6 của Đại học dân lập Ngoại ngữ và tin học TPHCM đã diễn ra buổi nói chuyện giữa giáo sư Trịnh Xuân Thuận với sinh viên và những người quan tâm đến thiên văn học về chủ đề "Big Bang và sau Big Bang - Vị trí của con người trong vũ trụ".

 

Giáo sư đã chuyển tải một kiến thức khá rộng về thiên văn học: hiệu ứng nhà kính, hệ mặt trời, ngân hà, lỗ đen của vũ trụ và dự báo sự ô nhiễm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn tại của trái đất. Được biết, giáo sư Trịnh Xuân Thuận là nhà vật lý thiên văn nổi tiếng của thế giới, đang là giảng viên của trường đại học Virginia (Mỹ), đã viết 7 quyển sách khoa học bằng tiếng Pháp, được dịch ra 15 thứ tiếng, trong đó có 3 quyển được dịch sang tiếng Việt là "Nói chuyện với Trịnh Xuân Thuận", "Giai điệu bí ẩn và con người đã tạo ra vũ trụ", "Hỗn độn và hài hòa". Tại buổi nói chuyện, giáo sư đã "tái hiện lại lịch sử hình thành và phát triển của vũ trụ trong 14 tỉ năm về trước và giúp cho mọi người thấy được hình ảnh xa xưa của trái đất cách đây 300.000 năm" sau khi Big Bang nổ ra (như lời của một bạn sinh viên). Con người càng trở nên nhỏ bé trong vũ trụ khi "trong vũ trụ có 1 tỉ ngân hà, mỗi ngân hạ lại có 1 tỉ mặt trời và con người không phải là trung tâm của vũ trụ"-giáo sư cho biết. Tuy nhiên, giáo sư cũng khẳng định mình không có gì phải thất vọng, vũ trụ rất là đẹp, vũ trụ đã hoàn tất cho sự sống của con người". Đặc biệt, giữa giáo sư và những người tham gia - trong đó có rất nhiều nhà khoa học đã xuất hiện một cuộc thảo luận khá lý thú. Có những câu hỏi tưởng chừng như không thể trả lời được: "trước khi quả mìn nổ là quả mìn, vậy trước Big Bang là gì?". Hay một Việt kiều mới về Việt Nam sinh sống đã thẳng thắn "thuyết Big Bang được suy ra từ thuyết tương đối rộng, vậy nếu thuyết tương đối rộng sụp đổ thì thuyết Big Bang cũng sụp đổ". Điều đó cho thấy thiên văn học là một ngành mới nhưng đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người Việt Nam. Giáo sư còn nhìn nhận "Anh hiểu biết khá nhiều về thiên văn học đấy" khi một giảng viên chuyên ngành kinh tế chỉ ra những mâu thuẫn trong thuyết Big Bang. Càng lúc, những vấn đề về thiên văn học càng trở nên bất tận buộc giám đốc nhà xuất bản khoa học kỹ thuật - Trịnh Quang Trung đề nghị "Nên mở các cuộc trao đổi khác cho bạn trẻ như buổi nói chuyện này - một buổi nói chuyện rất hay"

Minh Thien

 

Giáo sư-Tiến sĩ Trịnh Xuân Thuận và vũ trụ

11:56' 30/06/2004 (GMT+7)   Người viễn xứ
 

Những thế giới đầy rẫy các hố hình miệng núi lửa. Ảnh do tàu Voyaer 1 chụp năm 1980 cho thấy 6 trong 18 mặt trăng đã biết của Thổ tinh. Do không có khí quyển bảo vệ nên bề mặt của vệ tinh này đầy những hố hình miệng núi lửa, bằng chứng câm lặng về sự tàn khốc của những va chạm trong quá khứ.

Giáo sư-Tiến sĩ người Mỹ gốc Việt Trịnh Xuân Thuận là một nhà vật lý thiên văn nổi tiếng thế giới. Cả cuộc đời ông dành cho thiên văn học. Ông không chỉ nghiên cứu vũ trụ với tư cách một nhà thiên văn mà còn nghiên cứu nó ở góc độ triết học. Trịnh Xuân Thuận còn là một "nhà văn" nổi tiếng viết về vũ trụ. Những tác phẩm của ông chủ yếu nghiên cứu về thiên văn nhưng đẫm chất văn chương và triết học như: Giai điệu bí ẩn (1988); Số phận của vũ trụ, Big Bang và sau đó (1992); Hỗn độn và hài hòa (1998), Cái vô hạn trong lòng bàn tay (2000); Nguồn gốc và nỗi buồn (2003)... Ông hiện là giáo sư ĐH Virginia (Mỹ)

GS-TS Trịnh Xuân Thuận đối với giới khoa học VN hoàn toàn không xa lạ, bởi vì ông là nhà vật lý thiên văn nổi tiếng thế giới. Còn với bạn đọc VN, đặc biệt trong giới nhà văn, nhà thơ, ông để lại nhiều ấn tượng qua tác phẩm nổi tiếng: Giai điệu bí ẩn. Đây là một tác phẩm phổ quát về thiên văn nhưng được viết bởi một cái nhìn giàu mỹ cảm của một nhà thơ. Nhà thơ Lê Đạt sau khi đọc tác phẩm này đã viết: "Tôi đinh ninh rằng tác giả của nó là một nhà thơ thứ thiệt". Đó cũng là lý do vì sao tác phẩm về thiên văn vũ trụ của ông được nhiều người đón nhận.

Trịnh Xuân Thuận là một nhà vật lý thiên văn đặc biệt. Cái nhìn của ông về vũ trụ đầy cảm hứng và sáng tạo. Tất cả đều có nguồn gốc của nó, bởi Trịnh Xuân Thuận được hấp thu một nền văn hóa phương Tây lẫn phương Đông một cách căn bản.

  • Thời thơ ấu
  

Trịnh Xuân Thuận, nhà vật lý thiên văn người Mỹ gốc Việt

Trịnh Xuân Thuận là con của một quan chức làm việc trong chính quyền người Pháp ở VN, sau đó là chính quyền miền Nam. Sau ngày miền Nam được giải phóng, cha ông được đưa đi tập trung cải tạo. Chính Trịnh Xuân Thuận khi ấy biết cha mình sức khỏe kém nên từ Pháp ông viết một bức thư nhờ Thủ tướng Phạm Văn Đồng can thiệp để cha ông được tự do. Trong tác phẩm Trò chuyện với Trịnh Xuân Thuận, ông tâm sự rằng không tin bức thư đó đến tay Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Nhưng nó đã đến và cha ông được tự do ngay sau đó.

Trịnh Xuân Thuận sinh năm 1948, tại Hà Nội, từng sống tại Hà Nội, Đà Lạt, Sài Gòn... Học trung học tại Trường Jean Jacques Rousseau (nay là Trường PTTH Lê Quý Đôn - TPHCM). Thời kỳ học trung học tại Jean Jacques Rousseau để lại trong ông những kỷ niệm khó quên. Ông tâm sự rằng mình ham thích tất cả các môn học. Cả văn học và triết học cũng như vật lý, toán, cả lịch sử và địa lý nữa. Theo ông, đây là một thời kỳ đầy hứng khởi về trí tuệ: Cả một thế giới tri thức được mở ra rộng lớn. Ông từng viết về thời kỳ đó: "Nền giáo dục mà tôi tiếp thu ở Trường J.J. Rousseau là một nền giáo dục hạng nhất. Sau này khi theo học ở các trường ĐH của Thụy Sỹ và Hoa Kỳ, tôi không hề cảm thấy thua kém so với các sinh viên khác".

  • Một nhà khoa học, một nhà văn, một phật tử tự do
 

 

 Xong tú tài, năm 1966 ông du học Thụy Sỹ, sau đó được học bổng sang học tại Hoa Kỳ. Tốt nghiệp Học viện Công nghệ California (CALTECH), bảo vệ luận văn tiến sĩ tại ĐH Princeton. Trong lĩnh vực nghiên cứu thiên văn, Trịnh Xuân Thuận có nhiều đóng góp, trở thành nhà vật lý thiên văn nổi tiếng. Ông sống độc thân và dành cả cuộc đời để nghiên cứu thiên văn.

Trong giới khoa học, nhà thiên văn học Trịnh Xuân Thuận quá nổi tiếng. Với bạn đọc rộng rãi ở VN, nhiều người biết ông qua 3 tác phẩm nổi tiếng đã được Phạm Văn Thiều dịch ra tiếng Việt, đó là cuốn Giai điệu bí ẩn (NXB Khoa học và Kỹ thuật), Trò chuyện với Trịnh Xuân Thuận (Tạp chí Tia Sáng - NXB Trẻ), Hỗn độn và hài hòa (NXB Khoa học và Kỹ thuật - Phạm Văn Thiều, Nguyễn Thanh Dương dịch).

Trịnh Xuân Thuận thấm nhuần văn hóa Pháp, là công dân và làm việc tại Hoa Kỳ, viết những công trình khoa học bằng tiếng Anh, nhưng viết những tác phẩm về vũ trụ lại bằng tiếng Pháp. Điều đáng nói là những tác phẩm về vũ trụ nhưng đọc dễ hiểu, bởi chúng được viết từ một nhà khoa học giàu mỹ cảm, bằng tư duy lô-gích của một nhà khoa học, nhà triết học và trí tưởng tượng của một nhà thơ sành sỏi thiên văn. Chính kiến thức sâu rộng, đa dạng trên nhiều lĩnh vực của Trịnh Xuân Thuận, những khái niệm về thiên văn mà ông trình bày trở nên mềm mại, óng ả. Đó cũng là phương pháp của ông để đưa thiên văn học gần gũi với mọi người: "Tác phẩm này dành cho những chính nhân (honnête homme), những người không có một hành trang kỹ thuật, nhưng tò mò muốn biết không chỉ những điều kỳ lạ mới nhất của khoa học ở thế kỷ XX mà cả những hệ quả triết học và thần học của những thành tựu đó" (lời đề tựa tác phẩm "Hỗn độn và hài hòa"). Chính phương pháp đó cũng được sử dụng trong "Giai điệu bí ẩn" và đưa nó trở thành tác phẩm best - seller ở Pháp và được dịch ra nhiều thứ tiếng. Có lẽ đó cũng là lý do đưa Trịnh Xuân Thuận, một công dân Mỹ lại có mặt chính thức trong phái đoàn của Tổng thống Mitterrand thăm VN năm 1993. 

GS-TS Trịnh Xuân Thuận còn là một phật tử tự do, ông bộc bạch: "Tôi theo đạo Phật, tôi chiêm nghiệm thế giới theo triết lý Phật giáo nhưng với cái nhìn của nhà khoa học. Ấn tượng toàn diện của tôi với thiên nhiên xuất phát từ nền văn hóa mà tôi hấp thụ, giúp tôi nắm vững toàn bộ kiến thức. Tôi nhìn thấy cả cánh rừng chứ không chỉ cây cối trong rừng".

  • Những tác phẩm tiêu biểu của Trịnh Xuân Thuận

Bìa tác phẩm Giai điệu bí ẩn

Giai điệu bí ẩn: Vũ trụ bí ẩn? Từ ngày xưa con người cảm giác như vậy và tìm cách chinh phục, khám phá nó. Ánh trăng huyền hoặc, những vì sao lấp lánh, dãy ngân hà xa vời đã hấp dẫn các nhà thơ bởi nó... bí ẩn! Với Trịnh Xuân Thuận, cũng với niềm hứng khởi ấy nhưng ông muốn sờ mó được vũ trụ bao la và ông dắt ta vào cuộc phiêu lưu vĩ đại của khoa học. Đây là cuốn sách dành cho "những người nghiêm túc" (chữ dùng của Trịnh Xuân Thuận), phác thảo chi tiết lịch sử của vũ trụ, có quá khứ, tương lai và cả vũ trụ hiện tại - vũ trụ Big Bang - khám phá quan trọng nhất của thiên văn học hiện đại. Với ông: "Tự nhiên không hoàn toàn câm lặng. Giống như một dàn nhạc ở xa, nó thường trêu ngươi hé lộ với chúng ta những nốt hoặc những đoạn nhạc rời rạc. Tuy nhiên không bao giờ nó cho chúng ta biết tổng hòa của những nốt nhạc đó và cũng không tiết lộ cho chúng ta bí mật về giai điệu của chúng. Bằng cách nào đó chúng ta cần khám phá ra bí mật của cái giai điệu bí ẩn ấy đặng nghe được trọn vẹn bản nhạc với tất cả vẻ đẹp hoàn mỹ của nó". Người đọc sẽ rất thú vị khi đọc những vấn đề tác giả đặt ra như: Vũ trụ có luân hồi không? Mặt trời sẽ tắt, Proton bất tử hay sẽ chết... Đặc biệt chương Chúa và Big Bang với những vấn đề lý thú: Chúa và thời gian, Chúa và quá trình phức tạp hóa, Chúa và sự sống, Chúa và ý thức... Phong cách, tư duy, "ngôn ngữ vũ trụ" của Trịnh Xuân Thuận trong tác phẩm này khiến các nhà thơ, nhà văn, nhà ngôn ngữ học phải suy nghĩ.

Trò chuyện với Trịnh Xuân Thuận: Đây là cuộc đối thoại giữa nhà thiên văn học Trịnh Xuân Thuận với nhà báo Pháp Jacques Vauthier, cả những tự sự của Trịnh Xuân Thuận về cuộc đời, sự sống, ý thức... Một cuộc đối thoại lý thú. Trong Giai điệu bí ẩn, Trịnh Xuân Thuận đề cập đến sự sống, trong đó có đề cập đến vai trò của Chúa. Còn trong cuộc đối thoại này ông đề cập đến những ý niệm của đạo Phật trên nền tảng tư duy của nhà thiên văn học và là một phật tử tự do. Người đọc có cảm giác rằng những bài toán phức tạp của không gian, những triết thuyết Phật giáo có sự gặp nhau. Đó là cái chết của các vì sao xa trái đất hàng tỉ tỉ năm ánh sáng, thậm chí chính cái chết sẽ đến với mặt trời - sự sống. Nó có liên quan đến những khái niệm nhà Phật như "nghiệp", "luân hồi", "niết bàn" và cả đạo nhà - đạo thờ cúng ông bà của người VN.

Bìa tác phẩm Hỗn độn và hài hòa

Hỗn độn và hài hòa: Quan niệm của Newton về vũ trụ rời rạc ngự trị trong suốt 300 năm. Giờ thì khác, các định luật vật lý cũng đã mất đi tính cứng nhắc. Sự ra đời của cơ học lượng tử, cái ngẫu nhiên đã ồ ạt bước vào thế giới nội nguyên tử. Trong cái hỗn độn bao la của vũ trụ là sự hài hòa. Tự nhiên đã sử dụng những nguyên lý vật lý tinh vi để áp đặt cho thế giới vật lý một sự thống nhất và hài hòa sâu sắc. Trịnh Xuân Thuận muốn rũ bỏ sự kiềm tỏa của quyết định luận (determinisme) để tự do sáng tạo, dẫn đến một thế giới quan mới mẻ. Trên suy nghĩ sáng tạo đó, chương Chân lý và cái đẹp, Trịnh Xuân Thuận luận về một vấn đề mỹ học muôn thuở: cái đẹp. Một tác phẩm rất lý thú cho những ai muốn tìm hiểu về vũ trụ.

 Sự hỗn độn của các quỹ đạo sao

Nguồn gốc, nỗi buồn: Báo Le Monde số ra ngày 6-12-2003 giới thiệu cuốn sách này như sau: "Cho đến nay, chưa có cuốn sách phổ biến khoa học nào có được cái nhìn độc đáo như vậy. Nhưng nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận theo đạo Phật còn đi xa hơn. Với ông, lịch sử vũ trụ vĩ đại chỉ là sự gắn kết các sự việc, những thảm họa vô tình làm nảy sinh ý thức hệ. Ngược lại, những quy luật tự nhiên, tổ chức vật chất có liên quan làm hạn chế phạm vi cái có thể. Tóm lại, theo Trịnh Xuân Thuận, vũ trụ có giác quan". Tác phẩm có 7 chương, ông dành 6 chương đầu viết về sự tiến triển của vũ trụ từ Big Bang cho đến khi xuất hiện ý thức hệ; giai đoạn hình thành các giải ngân hà, các vì sao, các hành tinh... cho đến sự sống. Chương 7, chương đặc biệt, ông đặt câu hỏi cho tương lai của chúng ta: "Tôi không muốn che giấu nỗi buồn. Trí thông minh như con dao hai lưỡi. Con người có thể lên mặt trăng nhưng cũng có thể chơi trò phù thủy để phá hỏng cả hành tinh chúng ta". Ông chỉ ra những vấn đề đang tàn phá trái đất như nạn phá rừng, ô nhiễm, hiệu ứng nhà kính, biến đổi gien, sinh sản vô tính...

 
 

Trái đất và mặt trăng. Bức ảnh này cho thấy hành tinh đất (thủy tinh, kim tinh, trái đất, hỏa tinh) cùng với 6 mặt trăng lớn nhất của hệ mặt trời theo đúng tỉ lệ

Cái vô hạn trong lòng bàn tay: Tác phẩm viết chung với Matthieu Ricard, mà báo chí Pháp gọi đây là cuộc đối thoại giữa một nhà khoa học trở thành Phật tử (tức tiến sĩ sinh học Matthieu Ricard) và một phật tử trở thành nhà khoa học (Trịnh Xuân Thuận). Tác phẩm này xuất bản ở Pháp (NXB Nil-Fayard 2000) và ngay lập tức nó được dịch ra 12 thứ tiếng. Bản dịch ở Hoa Kỳ có tên là Lượng tử và hoa sen. Hiện dịch giả Phạm Văn Thiều đang dịch tác phẩm này ra tiếng Việt, dự kiến sẽ ấn hành ở VN cuối năm 2004. Theo Phạm Văn Thiều, nếu bạn cầm cuốn này trên tay, bạn không thể bỏ xuống được, bởi đó là cuộc đối thoại rất lý thú xung quanh các vấn đề của vũ trụ, sự sống, ý thức hệ... xen lẫn với các triết thuyết nhà Phật.

Đọc những tác phẩm của Trịnh Xuân Thuận cũng là một cách về nguồn lý thú, như nhà thơ Lê Đạt đã viết: "Vật lý thiên văn là một phương thức về nguồn rộng lớn và sâu xa nhất, vì con người vốn là một bộ phận của vũ trụ. Hay nói như các nhà thiên văn học: "Một hạt bụi của những vì sao". (Trích lời tựa của Lê Đạt cho tác phẩm Trò chuyện với Trịnh Xuân Thuận - bản dịch tiếng Việt).


XUÂN HẠO 

 

Truyền thống hiếu học của một dòng họ


29/02/2004 08:52

Vào cuối thế kỷ XV có cụ người họ Trịnh, tên hiệu Phúc Tâm, quê ở vùng Sóc Sơn - Biện Thượng (nay thuộc huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hóa) vì mến mộ cảnh đẹp đất Thái Đường (xưa thuộc xã Hoa Lâm, huyện Đông Ngàn, nay là thôn Thái Bình, xã Mai Lâm, Đông Anh) đã đến đây lập nghiệp và là khởi tổ họ Trịnh ở Thái Đường.

Dưới thời Lê sơ và triều Mạc, họ Trịnh ở đây dân ít, nhà nghèo nhưng đã biết  lấy “Trọng  học hiếu Nho” làm đầu. Đến bây giờ, con cháu họ Trịnh ở xã Mai Lâm, huyện Đông Anh còn kể chuyện cụ tổ  bà, tên hiệu Từ Duyên cả đời sống nhân nghĩa. Bà thường xuyên chăm lo, đãi ngộ  học trò nghèo, có lần cứu người  đẻ rơi dưới trời mưa rét. Không chỉ có thế từ xa xưa, họ Trịnh đã thực hiện nhiều biện pháp khuyến học như lập học điền; các cháu mồ côi được bà con trong họ cưu mang và nuôi ăn học. Cụ bà Từ Bình suốt đời lam làm nuôi chồng đèn sách và dạy con nên người. Tiếp nối  nết đẹp của cha ông, đời thứ 7 có tiến sĩ Trịnh Đức Nhuận đã đặt học điền 3 mẫu 8 sào và còn dành tiền làm nhà để học trò nghèo có nơi ngồi học. Dưới thời thi cử bằng chữ Hán, họ Trịnh ở Thái Đường có 34 người đậu cử nhân, 70 người đậu tú tài.

Tiếp thu truyền thống hiếu học của dòng họ, trong mấy chục năm qua, người họ Trịnh ở Thái Đường vẫn học hành chăm chỉ.  Nhiều người thành đạt. Hằng ngày họ đem sức lực và trí tuệ góp phần xây dựng xã hội  mới trên đủ các lĩnh vực. Trong số này có 4 GS, 5 TS, 18 bác sĩ, dược sĩ, hàng trăm người là nhà giáo, sĩ quan quân đội. Có người nổi danh như GSTS Trịnh Xuân Thuận, nhà bác học hàng đầu thế giới về vật lý, thiên văn...

Hơn 1 thế kỷ qua, trải qua nhiều thăng trầm nhưng họ Trịnh ở Thái Đường vẫn giữ được nhà thờ họ. Nhà thờ họ Trịnh khởi dựng năm 1696, trùng tu vào năm 1867, 1891. Năm 1935 do nạn đất lở, nhà thờ phải di chuyển vào phía trong đê sông Đuống. Nhà thờ kiến trúc kiểu chữ nhị làm toàn bằng gỗ lim. Đặc biệt, tại đây còn giữ được bia đá hình vuông cỡ 50  x 160cm (kể cả chóp) tạo năm Chính Hòa thứ 17 (1696). Bia khắc chữ Hán, mỗi mặt bia ghi một nội dung: Sự tích dòng họ, thế thứ các đời, ghi danh các vị đỗ đại khoa... Tháng 3-1997 nhà thờ họ Trịnh đã được Bộ VH-TT xếp hạng. Trong lễ đón bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia, theo sáng kiến đề xuất của một số thành viên, họ Trịnh đã thành lập Ban khuyến học gồm 7  người do PGS-TS Trịnh Xuân Khuê làm trưởng ban. Không phụ lòng họ tộc, Ban khuyến học đã hoạt động liên tục và đạt hiệu quả. Đã 6 năm qua, mỗi năm có 60 giáo viên dạy giỏi và con em trong họ học giỏi được khen thưởng. Nếu trước đây chỉ khen học sinh, giáo viên  ở nông thôn thì nay khen cả học sinh  ở Hà Nội; trước chỉ khen học sinh phổ thông, nay khen cả con cháu trong họ thi đỗ vào các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học. Từ năm học 2001-2002 khen và cấp học bổng cho học sinh nghèo vươn lên học khá, giỏi.

Từ đầu thế kỷ XX, hàng năm tại nhà thờ họ có họp giỗ Tổ vào ngày rằm tháng 2 âm lịch, gọi là Xuân tế. Nội dung Xuân tế là tảo mộ và tế Tổ tại nhà thờ. Từ năm 1998 trong ngày Xuân tế có phát thưởng cho học sinh giỏi. Phần thưởng là giấy khen của Ban khuyến học, phía trên có in biểu tượng “Gia phả đá” và một số tiền. Lễ trao thưởng diễn ra trước ban thờ Tổ, với sự có mặt của bố mẹ, họ hàng là niềm động viên khuyến khích các cháu. Nhiều  cháu đã làm vẻ vang cho dòng họ. Cháu Trịnh Quốc Khánh, học lớp kỹ sư tài năng ngành viễn thông, đoạt giải 2 cuộc thi toàn quốc, được tuyển thẳng vào ĐH Quân sự; cháu Trịnh Hà Mai, 4  năm đều là sinh viên  giỏi của trường ĐH Kinh tế quốc dân và đã đỗ đầu trong kỳ thi tốt nghiệp; cháu Trịnh Song Mai ở 37  phố Nguyễn Khắc Nhu, học sinh giỏi được Ban khuyến học họ Trịnh cấp giấy khen, được học bổng du học ở Mỹ. Hiện Trịnh Song Mai là sinh viên giỏi, đại diện cho sinh viên châu á ở nước này.

Điều đáng nói là quỹ khuyến học của họ Trịnh ở Mai Lâm được đóng góp trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện. Bà Trịnh Thục Anh đóng góp thường xuyên mỗi năm 200 ngàn đồng; cụ Sĩ 92 tuổi là dâu họ Trịnh đóng góp mỗi năm 100 ngàn đồng; ông Trịnh Xuân Giới, trước đây mỗi năm đóng góp 100 ngàn đồng, năm 2003 đóng góp 300 ngàn đồng. Có người họ Trịnh định cư  ở bang California thường xuyên quyên tiền về ủng hộ quỹ.

 

HNM     Báo Hà Nội mới điện tử

 

Bên thềm "Gặp gỡ VN lần 5":

Đừng để tài năng trẻ..."cưỡi xe đạp" mãi!

TTCN - Ngay từ những thập niên đầu thế kỷ 20, với sự xuất hiện của lý thuyết tương đối hẹp (năm 1905) rồi lý thuyết tương đối rộng (1912) và ngay sau đó sự ra đời của cơ học lượng tử, vật lý học nghiễm nhiên chiếm vị trí tiên phong.

 

Không có gì phải phân vân khi những người viết lịch sử khoa học khẳng định: thế kỷ 20 là thế kỷ của vật lý học.

Và nền văn minh đương đại chính là nền văn minh vật lý. Nếu thiếu những thành tựu vật lý thì ngày nay con người không được thụ hưởng những “phúc lợi” như xem truyền hình màu, gửi thư điện tử, truy cập Internet, gọi điện thoại di động, đi máy bay siêu âm... Thế kỷ thứ 21 vừa mới bắt đầu. Dù đó là thế kỷ của ngành khoa học nào đi chăng nữa thì ngành khoa học mới đăng quang ấy cũng không thể “phớt lờ” vật lý học!

 

Bởi thế, những hội nghị vật lý lớn thường thu hút sự chú ý của cả cộng đồng khoa học toàn cầu (bao gồm cả những nhà vật lý trong ngành công nghiệp quốc phòng). Gặp gỡ Việt Nam lần 5 sắp diễn ra tại Hà Nội từ ngày 5 đến 12-8-2004 là một sự kiện mang tầm vóc như thế. Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống nước Cộng hòa Pháp Jacques Chirac lại đứng ra làm người bảo trợ tối cao cho cuộc gặp này. Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu và giáo sư Trần Thanh Vân là hai đồng chủ tịch cuộc gặp.

Gặp gỡ Việt Nam 2004 sẽ thảo luận các vấn đề “thời sự nóng hổi” trong vật lý hạt cơ bản và vật lý thiên văn. Trước cuộc gặp bốn tháng, hai tờ apphich bằng tiếng Anh đã được quảng bá tại nhiều trường đại học và viện nghiên cứu lớn trên thế giới, như một kiểu... marketing!

Dưới tiêu đề New views in particle physics (Những quan niệm mới trong vật lý hạt cơ bản), cuộc gặp sẽ đề cập đến: neutrino, vật lý B và vi phạm đối xứng CP, sắc động lực học lượng tử và cấu trúc hadron, tương tác điện yếu, quark đỉnh và vật lý Higgs, vật chất quark, bên ngoài mô hình chuẩn, vật lý học máy gia tốc trong tương lai...

Dưới tiêu đề New views on the univers (Những quan niệm mới về vũ trụ), cuộc gặp sẽ tập trung vào: bùng nổ tia gamma, tia vũ trụ năng lượng siêu cao, vật chất tối, vật lý thiên văn hạt nhân, vũ trụ học, siêu sao mới, thiên văn học sóng hấp dẫn...

Tất nhiên những vấn đề mà hội nghị quan tâm có phần “lạ lẫm”, “bí hiểm” đối với nhiều bạn đọc trẻ chưa có hành trang khoa học. Nhưng sẽ không hết hi vọng nếu các bạn chịu khó tìm đọc một số cuốn sách phổ biến khoa học như: Lược sử thời gian của Stephen W. Hawking, Ba phút đầu tiên - một cách nhìn hiện đại về nguồn gốc vũ trụ của Steven Weinberg (giải Nobel năm 1979) hay Giai điệu bí ẩn, Hỗn độn và hài hòa của Trịnh Xuân Thuận...

Những cuốn sách đã được dịch ra tiếng Việt ấy đều bán hết vèo rất nhanh trên thế giới. Lẽ nào tuổi trẻ nước ta lại dửng dưng lạnh nhạt với những gì mà bạn bè cùng trang lứa ở các nước khác đang mê say? Chúng ta đang cố gắng hội nhập cơ mà! 

Vật lý hạt cơ bản và vật lý thiên văn là hai chuyên ngành vật lý ngày càng trở nên gắn bó khăng khít bởi vì cả hai đều vận dụng lý thuyết tương đối rộng và cơ học lượng tử để soi rọi những mắc mứu trên bước đường khám phá cái mới; các nhà nghiên cứu ở chuyên ngành này rất cần sớm nắm bắt những kết quả mới nhất ở chuyên ngành kia để vận dụng vào nghiên cứu của mình.

Giáo sư Trần Thanh Vân là người có sáng kiến tổ chức những cuộc họp quốc tế chung cho các nhà bác học ở cả hai chuyên ngành này tại Gặp gỡ Moriond, rồi Gặp gỡ Blois trên đất Pháp, và từ năm 1993 có thêm Gặp gỡ Việt Nam (lần 1 tại Hà Nội, lần 2 tại TP.HCM, các lần 3, 4 và 5 tại Hà Nội). Sáng kiến ấy được giới vật lý quốc tế hưởng ứng nồng nhiệt.

Gặp gỡ Việt Nam lần 5 thu hút hơn 250 nhà vật lý từ 32 nước đến dự. Nét nổi bật là số nhà vật lý Mỹ đến đông nhất: 52 người, trong đó có những nhà bác học lớn như ông Michael Witherell, tổng giám đốc Fermilab; bà Helen Queen, chủ tịch Hội Vật lý Mỹ. Mỹ là nước giành nhiều giải Nobel về vật lý nhất trong thế kỷ 20. Hiện tượng nhiều nhà vật lý Mỹ đến Hà Nội lần này chứng tỏ chất lượng khoa học rất cao của cuộc gặp.

Giáo sư Norman Ramsey, Đại học Cambridge (Mỹ), giải thưởng Nobel, đã từng đến TP.HCM và Hà Nội dự Gặp gỡ VN lần 2 và lần 4, năm nay ngoại bát tuần, không sang dự được, nhưng ông vẫn vui lòng tham gia ban cố vấn quốc tế của cuộc gặp.

Trong thư gửi giáo sư Trần Thanh Vân, ông viết: “Tôi may mắn được dự một hoặc nhiều lần các cuộc Gặp gỡ Moriond, Gặp gỡ Blois và Gặp gỡ Việt Nam. Tất cả những cuộc gặp ấy đều mang nhiều thông tin khoa học, đều đầy hứng thú và niềm vui. Đó là những cuộc gặp có hiệu quả kích thích tranh luận khoa học. Tôi học được nhiều điều ở người khác; và tôi nghĩ người khác cũng học được điều gì đó ở tôi”.

Giáo sư Jack Steinberger, ở Genève, giải thưởng Nobel, cũng là một thành viên của ban cố vấn quốc tế, nhận xét: “Những cuộc gặp ấy tạo cơ hội cho cả cộng đồng vật lý quốc tế nhìn lại những bước tiến nổi bật nhất đã đạt được cũng như tập trung cố gắng hướng về các mục tiêu trong tương lai. Đó là những cuộc gặp đạt trình độ chuyên môn cao nhất”.

Sau Mỹ, một số nước khác cũng có khá nhiều nhà vật lý đến Hà Nội: Pháp 43 vị, Ý 2, Thụy Sĩ 11, Tây Ban Nha 10, Nga 10, Nhật Bản 6, Đức 6, Trung Quốc 4... Trong số đó, ta sẽ gặp nhiều gương mặt nổi bật như: Valery Rubakov, viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Matxcơva; Mikhail Danilov, viện trưởng Viện Vật lý lý thuyết và thực nghiệm Matxcơva; Albrecht Wagner, giám đốc DESY ở Đức; Yoji Totsuka, giám đốc KEK ở Nhật...

Có thể nói các nhà vật lý từ bốn phương trời đều bị cuộc gặp hấp dẫn: từ Canada ở Bắc Mỹ đến Na Uy, Đan Mạch ở Bắc Âu; từ  CH Nam Phi ở mũi Hảo Vọng đến Algeria ở Bắc Phi; từ Iran, Israel ở Tây Á đến Hàn Quốc ở Đông Á, Pakistan, Bangladesh, Nepal ở Nam Á. Trong số đó có những nhà vật lý trẻ đã từng dự Trường Vật lý VN mùa đông và mùa hè trong 10 năm qua, loại trường ngắn hạn dành cho các nhà nghiên cứu trẻ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, thậm chí sau tiến sĩ, nhằm trang bị các kiến thức vật lý mới nhất cần cho nghiên cứu.

Tuy nhiên, như giáo sư Nguyễn Văn Hiệu mới đây cho tôi biết: chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật. Từ khi đất nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường, việc nghiên cứu vật lý – cũng như nghiên cứu các ngành khoa học cơ bản khác– bao giờ cũng là một việc “đau đầu nhức óc” nhưng, giờ đây, không sao mang lại thu nhập để tạm đủ sống, khỏi phải bỏ phí quá nhiều thời gian vào những công việc “trái tay vô bổ” như mở quán cà phê, luyện thi đại học! Cho nên số bạn trẻ có tài ít ai còn hăm hở “nhảy” vào làm nghiên cứu.

Bởi thế, gần đây số công trình vật lý – nhất là vật lý hạt cơ bản – của nước ta in trên các tạp chí quốc tế giảm sút hẳn, cả về số lượng và chất lượng! Trong khi tuổi trẻ nước ta không hề tỏ ra kém trong các Olympic vật lý quốc tế. Hy vọng Gặp gỡ Việt Nam lần này sẽ rung lên hồi chuông cảnh tỉnh, lưu ý dư luận xã hội quan tâm đúng mức tìm biện pháp giúp ngành vật lý lấy lại vị thế đã từng có của mình trong khu vực và quốc tế. Trước hết, Nhà nước ta nên sớm có chính sách thỏa đáng nhằm kịp thời phát hiện, bồi dưỡng và sử dụng người tài.

Chúng ta đâu đến nỗi thiếu người tài. Một thí dụ: trong ban chương trình khoa học của cuộc gặp, bên cạnh các nhà bác học nổi tiếng của nhiều nước, có tên nhà vật lý trẻ Đàm Thanh Sơn, hiện làm việc tại Seatle. Cách đây đúng 20 năm, vào mùa hè 1984 tại Prague, Đàm Thanh Sơn, bấy giờ mới 15 tuổi, đã đoạt huy chương vàng Olympic toán quốc tế với số điểm tuyệt đối. Sau đó Sơn theo học đại học tại Liên Xô, bảo vệ luận án tiến sĩ, rồi làm việc tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Matxcơva, trở thành một trợ lý xuất sắc của nhà bác học Nga Valery Rubakov (cũng sẽ có mặt tại Hà Nội).

Nhưng rồi Liên Xô tan rã, mức sống đột ngột giảm sút và hết sức bấp bênh. Thấy Sơn còn trẻ, cuộc đời nghiên cứu còn dài, V. Rubakov đành đồng ý để Sơn đi Mỹ. Tại New York, rồi Seatle, Sơn liên tiếp công bố nhiều công trình nổi tiếng, được mời đi thuyết trình ở nhiều trường đại học và viện nghiên cứu lớn.

Trong chuyến sang thăm Mỹ vào mùa thu năm 2003, tôi đã nghe một số nhà vật lý Mỹ khen ngợi Sơn. Trường hợp Sơn chứng tỏ những học sinh VN đoạt huy chương tại các Olympic quốc tế, nếu gặp điều kiện thuận lợi rất có thể sẽ trở thành những tài năng khoa học tầm cỡ quốc tế. Tháng 8-2000, Đàm Thanh Sơn được mời tham gia ban chương trình Gặp gỡ Việt Nam lần thứ IV. Tháng 10-2002, anh được mời phát biểu ý kiến tại Hội nghị quốc tế về vật lý hạt cơ bản Những đường biên trong vật lý ở Paris. 

Trong lần dự Gặp gỡ Việt Nam tại TP. HCM năm 1995, tôi có dịp làm quen với nhà vật lý thiên văn Nguyễn Trọng Hiền, người đã từng lãnh đạo một đội khảo sát của Mỹ làm việc tại châu Nam Cực trong cái rét từ – 75 độ đến –100 độ C.

Mới đây, sang Mỹ, tôi lại liên hệ email với anh qua địa chỉ do Đàm Thanh Sơn mách bảo. Tôi nhớ mãi một nhận xét thú vị của anh: “Hai người tài sức ngang nhau, song một người cưỡi xe đạp, còn người kia ngự máy bay, thì người ngự máy bay chắc chắn phải chuyển động nhanh hơn!”

Vấn đề là: Làm thế nào tạo điều kiện tốt cho thanh niên ta phát triển tài năng? Muốn vậy, trước hết phải kiên quyết chống chủ nghĩa bình quân, “hoà cả làng”! Không nên để các tài năng trẻ cứ phải ... “cưỡi xe đạp” mãi!.

HÀM CHÂU (báo Tuổi Trẻ Chúa Nhật)

 

 

 

 http://vietsciences.free.fr