Thomas Paine sinh ngày 29-1-1737 tại
Thetford nước Anh. Mẹ ông theo đạo Anh Giáo và cha ông là một
thợ may làm nịt ngực phụ nữ, theo đạo Quaker. Gia đình này khá
nghèo nên năm 13 tuổi, Thomas phải làm việc phụ giúp cha rồi tới
năm 19 tuổi, phục vụ trên một con tầu chiến trong cuộc chiến
tranh 7 năm. Sau đó Thomas làm thợ học nghề tại London rồi người
thu thuế môn bài. Trong các thời gian đổi nghề, Thomas vẫn tự
học về Khoa Học và Cơ Khí rồi tới năm 1772, bị sa thải khỏi sở
thuế vì đã cho phổ biến một bài viết theo đó, nên tăng lương cho
nhân viên để tránh sự tham nhũng trong lúc phục vụ.
Do gặp
Benjamin Franklin tại London và được thư giới
thiệu của ông Franklin, Thomas Paine đã xuống tầu qua Bắc Mỹ,
tới Philadelphia làm phó biên tập cho Tạp Chí Pennsylvania.
Trong thời gian này ông đã cho phổ biến nhiều bài viết và bài
thơ, dưới ẩn danh và các biệt hiệu. Một trong các bài viết đã
bài bác chế độ nô lệ.
Thomas Paine đã phục vụ Quân Đội Lục Địa (the
Continental Army), đã chịu đựng nhiều thiếu thốn và gian lao
cùng quân đội Mỹ và nhận thấy sự chán nản gia tăng trong binh
sĩ, nên vào ngày 19-12-1776, Paine đã cho phổ biến 16 tập sách
mỏng có tên là "Khủng Hoảng" (the Crisis) trong đó có câu mở
đầu: "Đây là thời gian thử thách tâm hồn của con người" (These
are the times that try men's souls). Ông Washington vì thế đã ra
lệnh đọc các tập sách mỏng này cho mọi người chỉ huy cấp thấp
của quân đội cách mạng Mỹ.
Thomas Paine đựơc giao cho một chức vụ trong Quốc
hội Lục Địa rồi do tiết lộ một số tin tức bí mật, ông bị bắt
buộc từ chức vào năm 1779, sau đó lại được bổ nhiệm làm thư ký
cho Quốc Hội của miền Pennsylvania. Trong thời gian này, ông đã
dùng một phần tiền nhuận bút để giúp đỡ các người lính thiếu
thốn.
Năm 1787, Paine trở về nước Anh và tại đây, ông cho
xuất bản cuốn sách có tên là "Các Quyền Lợi của Con Người" (the
Rights of Man) vào năm 1791 để ủng hộ cuộc Cách Mạng Pháp. Cuốn
sách này đã làm khuấy động tại Anh Quốc khiến cho ông bị kết tội
phản bội. Paine bỏ chạy qua nước Pháp và được bầu vào Hội Nghị
Quốc Ước (the National Convention). Chính tại đây ông đã phản
đối việc xét xử Vua Louis 16 rồi vì lập trường nhân đạo, ông
cũng bị nhóm Jacobin bắt giam trong 10 tháng và tránh khỏi bị
chặt đầu khi Robespierre bị lật đổ. Khi ra khỏi tù, Thomas Paine
đã giúp việc cho ông James Monroe, khi đó làm Đại Sứ Hoa Kỳ tại
Pháp rồi sau này làm Tổng Thống Hoa Kỳ. Tác phẩm "Thời Đại của
Lý Trí" (the Age of Reason, 1794-96) của Thomas Paine đã chỉ
trích các tổ chức tôn giáo, vì ông chỉ là một người theo thần
giáo (deist), việc này đã khiến ông bị mất đi nhiều bạn bè.
Thomas Paine trở về Hoa Kỳ vào năm 1802 rồi chết tại thành phố
New York trong cảnh yếu đuối và túng thiếu vào ngày 8-6-1809.
Danh từ "quyền lợi của Con Người" do Thomas Paine
nêu ra đã là các ý tưởng cách mạng. Con người ở đây mang ý nghĩa
trừu tượng, không chỉ rõ một quốc tịch, giòng giống hay giới
tính nào. "Con Người" là danh từ chỉ nhân loại nói
chung và
không có ý định áp dụng cho nam giới. Tuy nhiên vào thời đại đó,
người ta mới ở trình độ cho rằng người nam mới có quyền bỏ phiếu
và giữ các chức vụ dân cử, hưởng các đặc quyền về giáo dục, tài
sản, luật gia đình... Ít người đã tranh cãi sự bình đẳng về pháp
lý giữa hai phái tính. Tuy thế, Olympe de Gouges là một nữ văn
sĩ chuyên viết về kịch trường cũng đã cho xuất bản một cuốn sách
có tên là "Các quyền lợi của Phụ Nữ" (the Rights of Woman) trong
đó bà Gouges đã áp dụng tất cả 17 điều của "Bản Tuyên Ngôn" vào
quyền lợi của phụ nữ kể cả nền giáo dục, việc ly dị trong một số
trường hợp, việc kiểm soát tài sản trong hôn nhân và việc làm
các công vụ.
Tại nước Anh cũng có cô
Mary Wollstonecraft cho xuất
bản cuốn sách vào năm 1792 có tên là "Bào chữa cho các quyền lợi
của Phụ Nữ" (Vindication of the Rights of Woman) trong đó cho
rằng người phụ nữ phải có nhiều cơ hội hơn, ít nhất là về phạm
vị giáo dục. Và trong các nhà tư tưởng cấp tiến thời đó chỉ có
Hầu Tước Condorcet vào năm 1790 biện hộ cho sự bình đẳng về pháp
lý giữa hai phái nam và nữ với tác phẩm "Về sự chấp nhận Phụ Nữ
có các Quyền Công Dân" (On the Admission of Women to the Rights
of Citizenship).
Sau
Bản Tuyên Ngôn về các Quyền Lợi của Con Người,
nhóm lãnh đạo cuộc Cách Mạng Pháp đã chia rẽ. Một số nhân vật
muốn nhà Vua nước Pháp có quyền phủ quyết mạnh và có hai Viện
lập pháp như tại nước Anh trong khi một số nhà "ái quốc" lại
muốn chỉ có một Viện lập pháp với quyền hành của nhà Vua tạm
thời bị trì hoãn. Các nhà ái quốc đã nghi ngờ giới quý tộc sẽ
trở thành một sức mạnh tập thể tại viện cao cấp, họ e ngại nhà
Vua phối hợp với các nhà quý tộc trong việc dùng quyền phủ
quyết. Vào lúc này, Vua Louis 16 cũng do dự chấp thuận các quyết
định của Bản Tuyên Ngôn về các Quyền Lợi của Con Người trong khi
đó, một người em của nhà Vua là bá tước Artois đã chạy ra khỏi
nước, cùng một số nhà quý tộc khác đang vận động các chính phủ
của châu Âu chống lại cuộc Cách Mạng. Hai nhóm "bảo thủ" và "ái
quốc" vì thế đã không chịu nhượng bộ lẫn nhau.