Benjamin Franklin

Vietsciences-Phạm Văn Tuấn        09/06/2006
 

 

Benjamin Franklin (1706 - 1790), nhà lập quốc Hoa Kỳ


Benjamin Franklin là một trong các nhân vật hàng đầu đã xây dựng nên Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Ông là người duy nhất đã ký tên vào 4 văn kiện quan trọng trong Lịch Sử Mỹ Quốc, đó là Bản Tuyên Ngôn Độc Lập, Hiệp ước Đồng Minh với Pháp, Hiệp Ước Hòa Bình với Anh và Bản Hiến Pháp Hoa Kỳ.

Benjamin Franklin là một nhân vật đa diện. Ông đã từng làm thợ nấu xà bông, nấu nến, thợ in, nhà văn, nhà xuất bản, nhà khoa học và phát minh, nhân vật tổ chức và lãnh đạo cộng đồng… và cũng là một nhà ngoại giao có tài. Các phục vụ của ông trong công tác ngoại giao tại nước Pháp đã giúp ích rất nhiều trong cuộc chiến tranh giành Độc Lập của Hoa Kỳ. Nhiều sử gia Hoa Kỳ đã coi ông là nhà ngoại giao có khả năng nhất và thành công nhất từ xưa tới nay.


1- Thuở thiếu thời.

Benjanim Franklin sinh ngày 17 tháng 1 năm 1706 tại Boston, Massachusetts. Cậu là con trai thứ 15 và là út trong một gia đình 17 anh em. Tổ tiên của Benjanin sinh sống tại Anh Quốc và không thuộc một giòng họ danh tiếng. Các cụ làm nghề thợ rèn, song là những người thực thà, cần mẫn. Trong giòng họ này chỉ có cha của Benjamin, ông Josiah, sang lập nghiệp bên Mỹ Châu.

Ông Josiah có với người vợ trước 5 người con và người vợ sau 12. Ông cũng là con út trong gia đình và vì rất mến người anh ruột tên là Benjamin mà ông đặt cho con trai út của mình cái tên đó. Gia đình ông Josiah không được sung túc lắm nên các con của ông chỉ được theo đuổi việc học trong 2 hay 3 năm rồi kiếm một nghề tay chân. Ông cho các con làm các ngành nghề khác nhau, tùy theo sở thích và năng khiếu của từng đứa : thợ in, thợ nhuộm, thợ rèn . . .

Benjamin Franklin biết đọc, biết viết rất sớm, vì vậy ông Josiah định cho cậu sau này làm mục sư. Ở trường tiểu học, Benjamin học rất thông minh, tiến dần tới đầu lớp nhưng khi lên bậc trung học, vì tốn kém quá, ông Josiah đành cho con đến học tư toán và văn chương tại nhà ông Brownell song cậu Benjamin lại khá về văn chương mà kém về môn Toán.

Năm 1716, vì nghề nhuộm ế ẩm, ông Josiah phải đổi sang nghề làm nến và nấu xà bông. Benjamin phải thôi học, ở nhà giúp cha. Công việc của cậu là cắt bấc, đổ sáp vào khuôn, mua bán lặt vặt hay trông coi cửa hàng thay cha khi người bận việc.

Ngoài thời giờ giúp việc tại nhà, Benjamin thường hay chơi đùa cùng các bạn : nào bơi lội, nào chèo thuyền. Cậu không thích nghề nghiệp của cha mà mơ mộng trở thành thủy thủ song ông Josiah không bằng lòng cho con theo đuổi ngành này. Thấy con đã lớn mà còn lông bông, nên ông có ý tìm cho con một nghề kiếm ăn thích hợp. Ông đưa con đi thăm các cơ xưởng trong tỉnh để xem con ưa thích ngành nghề nào nhất.

Ngay từ thuở nhỏ, Benjamin đã thích đọc sách. Hễ gặp quyển sách nào là cậu nghiềm ngẫm say sưa, hễ được đồng tiền nào là cậu để dành rồi mua sách về đọc. Thấy con ưa thích sách như vậy, ông Josiah cho con theo hoc nghề in tuy rằng trong nhà đã có người con lớn, anh James, theo đuổi nghề này.

Năm 12 tuổi, Benjamin ký giao kèo với anh James nhận làm thợ in cho tới năm 21 tuổi mà không lãnh lương thực thụ. Một người tinh nhanh, chăm chỉ như Benjamin thì chẳng bao lâu đã thạo việc. Thực vậy, cậu đã giúp anh một cách đắc lực. Cũng nhờ theo nghề in này mà Benjamin đọc được nhiều sách hơn: các sách đưa đến in, đến đóng lại, cậu đều đọc qua, có khi cậu thức suốt đêm để đọc nốtù vì sáng ngày mai đã phải trả sách lại cho khách hàng. Cậu đã tự học được nhiều môn như đại số, hình học, văn phạm, luận lý, các môn vật lý và khoa học tự nhiên.

Một hôm, có một nhà buôn trong tỉnh lại thăm nhà in. Ông này thấy Benjamin ham mê đọc sách mà mình có sách thường để không, nên đã dẫn Benjamin về nhà mình và cho phép cậu mượn bất cứ quyển nào cậu muốn. Nhờ nghề in mà Benjamin đọc thông viết thạo hơn, song cậu còn kém về cách hành văn và từ ngữ không được dồi dào. Để sửa chữa, cậu nghĩ tới việc làm thơ. Anh James cũng khuyến khích em vì anh ta nghĩ có thể in thơ rồi đem bán được. Vì vậy vài ba quyển thơ cũng ra đời song cha cậu đã chế nhạo cậu vì ông biết rằng nghề làm thơ chỉ mang lại nghèo túng mà thôi.

Benjamin thường cùng với một người bạn cũng ham đọc sách, tranh luận về bất cứ đề tài nào. Lúc đầu, họ còn dùng lời, sau dùng chữ viết, nhờ vậy cậu thấy mình còn kém về phương pháp và lý luận còn thiếu minh bạch.

Năm 1721, anh James bắt đầu ra một tờ báo lấy tên là The New England Courant (Bản Tin Tân Anh Cát Lợi). Đây là tờ báo thứ nhì phát hành tại châu Mỹ. Vào thời đó, các nhà trí thức thường viết các bài báo song ký tên khác đi vì sợ chính quyền làm khó dễ. Nhiều người có tài đã gửi các bài viết rất hay, làm tăng gía trị cho tờ báo.

Benjamin cũng muốn viết báo song e ngại rằng nếu ký tên thật, anh James sẽ vứt ngay bài vào sọt rác, cậu bèn viết với tên hiệu là "Silence Dogood" rồi đợi đến đêm, ném bài qua khe cửa sổ nhà in. Sáng hôm sau, anh James nhận được bài, đọc thấy cũng khá đặc sắc nên cho in. Nhiều khi Benjamin còn được nghe anh và các bạn ca tụng các bài viết đó trước mặt mình. Họ tin chắc rằng các bài viết đó phải do một người học rộng, tài ba, mới viết nổi. Benjamin vẫn phải bấm bụng nhịn cười. Sau cùng, vì không giữ bí mật được nữa, cậu đành phải thú nhận mình là tác giả của các bài viết trên. Kể từ khi đó, các bạn của cậu trọng nể cậu hơn trước song anh James lại lấy làm khó chịu. Anh thường bắt em làm việc quá nhiều, có khi còn đánh đập em nữa. Vì vậy giữa anh em thường xẩy ra các vụ bất hòa. Anh James quả là một người anh bắt nạt em, một người chủ áp bức thợ.

Năm 16 tuổi, Benjamin được đọc một cuốn sách nói về sự ăn chay. Cậu liền quyết định theo đuổi cách dinh dưỡng này rồi đề nghị với anh xin một số tiền để nấu ăn lấy. Nhờ chỉ ăn rau, Benjamin đã để dành được phân nửa món tiền, đỡ mất thời giờ về ăn uống mà trí óc lại sáng suốt hơn trước. Thực vậy, trong khi anh James và các bạn ra quán ăn thì ở nhà, cậu thổi nấu ăn uống theo ý muốn và đọc được mấy chục trang sách rồi bọn kia mới bắt đầu ra về.

Năm 1723, tờ báo của anh James có đăng một bài xã luận xúc phạm đến chính quyền nên anh James bị bắt giam một tháng. Benjamin thay anh làm quản lý nhà in. Khi được tha về và vì bị cấm không được ra báo nữa, anh James đành phải nhờ em làm chủ nhiệm tờ báo. Vì luật pháp thời đó không cho phép một người làm công chịu trách nhiệm một công việc to tát như vậy nên anh James đành phải hủy bỏ tờ giao kèo bắt buộc Benjamin làm công với mình khi trước.

Ít lâu sau, một cuộc xung đột xẩy ra và Benjamin đã bỏ nhà ra đi. Về sau cậu hối hận mãi về điều này. Anh James liền thông báo cho các in trong tỉnh đừng mướn Benjamin. Vì vậy cậu phải đi New York là nơi có nhiều nhà in mà lại ở gần Boston nhất. Cậu Benjamin phải bán bớt sách để lấy tiền đi đường, lúc đó cậu mới 17 tuổi. Tới New York, Benjamin không tìm ra việc nhưng nhờ có người giới thiệu, cậu lại đi Philadelphia cách New York 160 cây số. Đây là thành phố lớn nhất của thuộc địa châu Mỹ thời bấy giờ. Đến nơi, cậu Benjamin vào ngay một hiệu bánh mì trên đường Market mua ba ổ bánh, mỗi ổ kẹp ở một nách rồi ăn ngấu nghiến ổ thứ ba. Một cô gái ở ngôi nhà đối cửa khi trông thấy cảnh đó, đã ôm bụng cười. Cô này tên là Deborah Read, vợ của Benjamin sau này.

Tại Philadelphia, Benjamin tìm được việc làm nơi nhà in của ông Samuel Keimer. Ít lâu sau, cậu quen được ông thống đốc Keith. Thấy cậu là người học rộng, ông Keith muốn giúp Benjamin làm chủ một nhà in. Ông ta bảo cậu kê khai các thứ cần mua rồi ông ta sẽ bỏ tiền và Benjamin sang Anh Quốc mua sắm các dụng cụ đó. Song ông Keith chỉ là người hứa suông, nên khi đã sang tới nước Anh rồi, cậu chẳng nhận được sự giúp đỡ nào cả, ngay cả bức thư giới thiệu. Benjamin đành phải làm công cho các nhà in Palmer và Watt.


2- Thời thanh niên.

Năm 21 tuổi, Benjamin trở về Philadelphia và lại giúp việc cho ông Keimer. Từ đây, Franklin đã trở nên một chàng thanh niên khôn ngoan, tháo vát. Việc đọc sách vẫn là sở thích của chàng. Franklin nghĩ rằng nếu riêng rẽ thì một người chỉ có thể đọc được một số sách. Vậy nếu một số người hiếu học họp lại với nhau, trao đổi sách báo và thảo luận cùng nhau thì sẽ có lợi biết bao. Chàng liền lập ra Câu Lạc Bộ Junto để các hội viên thay nhau thuyết trình về các vấn đề luân lý, chính trị và khoa học. Lúc đầu câu lạc bộ gồm 7 hay 8 hội viên hay đọc sách, họp với nhau vào chiều thứ sáu để thảo luận về các vấn đề đã nêu ra từ tuần lễ trước. Nhờ việc thảo luận này mà các hội viên đều tiến bộ về cách nói năng và sự nghiên cứu. Hơn nữa, cứ ba tháng mỗi hội viên lại phải sáng tác một luận án về bất cứ vấn đề gì. Câu Lạc Bộ Junto này đã nổi tiếng trong thành phố thời bấy giờ.

Năm 22 tuổi Franklin thôi không làm cho ông Keimer nữa mà mở một nhà in riêng với Hugh Meridith. Lúc đầu công việc còn ít song chàng cố gắng làm việc và yêu nghề, thức khuya dậy sớm, không bao giờ la cà tại các tửu quán nhờ vậy dân chúng tín nhiệm và các công việc thương mại càng tăng hơn.

Hồi đó giấy bạc khan hiếm, người ta e ngại nếu in thêm, đồng tiền sẽ mất gía còn nếu không in thì tình trạng kinh tế không được phát triển. Franklin liền mang việc này ra bàn với các hội viên Junto rồi chàng cho in một cuốn sách nhan đề là "Tính chất và sự cần thiết của giấy bạc". Việc làm này đã khiến cho Nghị Viện thành phố quyết định in thêm tiền và họ giao cho Franklin công việc đó vì chàng đã có công đóng góp. Nhờ thế mà nhà in của chàng có thêm việc làm.

Năm 24 tuổi, Franklin cưới cô Deborah Read, người đã cười chàng khi trông thấy chàng gặm ổ bánh mì lúc bắt đầu đặt chân tới Philadelphia. Deborah là người ít học song cặp vợ chồng Franklin là những người tận tụy làm việc. Họ có 3 con, 2 trai và 1 gái. Một người con trai tên là William, sau này trở nên Thống Đốc của tiểu bang New Jersey.

Franklin thấy rằng khi tra cứu thì cần phải có nhiều sách mà mỗi người chỉ có một số nhỏ. Vậy nếu các hội viên Hội Junto cùng mang sách đặt tại một nơi thì người nọ có thể đọc được sách của người kia và sự tra cứu sẽ dễ dàng hơn. Các hội viên đều nghe lời đề nghị này của Franklin. Việc này rất có lợi song cũng có điều bất tiện, chẳng hạn như ai cũng đòi hỏi người khác giữ gìn sách của mình cho cẩn thận nên một năm sau, Hội Junto phải giải tán tủ sách.

Franklin lại nghĩ đến việc lập một thư viện công cộng cho mượn sách. Chàng nhờ một viên chưởng khế thảo điều lệ. Hội viên có tới 100 người. Số tiền đóng góp của các hội viên dùng để mua sách bên nước Anh. Đây là thư viện đầu tiên tại Bắc Mỹ, nó đã mở đầu cho phong trào thư viện sau này. Chính nhờ có thư viện mà dân xứ Philadelphia thời đó có một trình độ văn hóa cao hơn dân của các vùng kế cận. Vì thế các miền chung quanh chẳng bao lâu cũng bắt chước làm công việc ích lợi kể trên.

Franklin tin rằng chăm chỉ bao giờ cũng vẫn là phương thuốc để trở nên giàu sang. Chàng cho rằng một người muốn thành công phải làm việc chăm chỉ hơn những kẻ đang cạnh tranh với mình. Chàng lại có ước vọng muốn trở nên một nhà đạo đức, muốn khắc phục mọi thói xấu để sống một cuộc đời trong sạch. Chàng thấy rằng tin tưởng suông vào đạo lý chưa đủ để giữ cho khỏi sa ngã, cần phải luyện tập các đức tính, xếp chúng theo thứ tự rồi thêm vào đó các định nghĩa để làm sáng tỏ các quan niệm về các đức tính đó:

1- Điều độ: không ăn đến chán, không uống đến say.

2- Yên lặng: không nói nếu lời nói không hữu ích cho người khác hoặc cho bản thân. Không nói dỡn cợt.

3- Thứ tự: xếp đặt mọi vật vào một chỗ riêng, các việc làm vào những thời giờ nhất định.

4- Quyết tâm: phải quyết tâm làm những việc cần. Việc gì đã quyết tâm rồi thì phải làm cho kỳ được.

5- Tiết kiệm: chỉ tiêu tiền về những việc có ích cho mình và cho người khác.

6- Chuyên cần: không bỏ phí thời giờ, lúc nào cũng làm việc hữu ích.

7- Thật thà: phải nói cho đúng, không nói xấu người, có những ý nghĩ lành mạnh.

8- Công bằng: không làm hại người khác và nhớ hưởng những gì mình đáng được hưởng.

9- Dung hòa: tránh mọi thái cực, chịu đựng những điều trách mắng nếu mình có lỗi.

10- Sạch sẽ: thân thể, quần áo và nhà cửa phải sạch sẽ.

11- Yên tĩnh: tránh ưu phiền về các việc thường xẩy ra hay không thể tránh được.

12- Trong sạch: tránh trác táng, hại sức khỏe, hại thanh danh của mình và của người khác.

13- Khiêm tốn: noi gương Chúa Jesus và Socrates.

Chính nhờ cách sửa mình này mà về sau, Benjamin Franklin đã trở nên một người khôn ngoan và đạo đức của Hoa Kỳ.

Năm 26 tuổi, Franklin thấy rằng cần phải phổ biến các tư tưởng hướng thiện, chàng liền soạn rồi cho xuất bản cuốn Niên Lịch lấy tên là "Niên Lịch của Richard nghèo khó" (Poor Richard's Almanach). Trong cuốn này, chàng đặt những tư tưởng cao thượng và ích lợi thành các châm ngôn để người đọc dễ nhớ hơn. Ngày nay các câu châm ngôn này còn được phổ thông chẳng hạn như câu "ngủ sớm, dậy sớm làm cho con người khỏe mạnh, giàu có và khôn ngoan" (Early to bed and early to rise makes a man healthy, wealthy and wise). Mọi người đã tán thưởng cuốn niên lịch đến nỗi 10 ngàn cuốn được xuất bản trong một năm và cứ thế kéo dài trong 25 năm liền, quả là một sự việc hi hữu tại một nơi và vào một thời kỳ mà tình trạng dân chúng còn kém mở mang.

Cũng vào năm 26 tuổi, chàng Franklin lập ra tờ báo lấy tên là Nhật Báo Philadelphia (the Philadelphia Gazette). Chàng đã làm phát triển tờ báo thành một trong các báo thành công nhất tại thuộc địa châu Mỹ. Chàng luôn luôn chú ý đến tư tưởng mới. Các sử gia Hoa Kỳ cho rằng Franklin là viên chủ nhiệm đầu tiên tại châu Mỹ đã cho phổ biến trên các trang báo những mẩu tranh hí họa và hướng dẫn các tin tức bằng bản đồ. Nhờ tờ báo của mình, Franklin đã trình bày cho dân chúng biết rõ nhiều dự án cải tiến công ích. Tờ báo Philadelphia đã sống được từ năm 1729 tới năm 1766. Franklin lại còn soạn thêm cuốn sách "Con đường dẫn tới giàu sang" (the Way to Wealth). Cuốn sách này cũng có một giá trị đặc biệt về kinh tế.

Năm 27 tuổi, Franklin cảm thấy cần phải biết thêm ngoại ngữ để dễ thông cảm với các dân tộc khác. Chàng liền bắt đầu học tiếng Pháp và chẳng bao lâu đã nói thạo và đọc sách tiếng Pháp một cách dễ dàng. Học xong tiếng Pháp rồi, chàng quay sang học tiếng Ý. Ít lâu sau, Franklin lại học tiếng Tây Ban Nha và rồi cũng thông thạo thứ ngôn ngữ này.

Năm 30 tuổi, nhờ sự hiểu biết của bản thân, nhờ sự tín nhiệm của mọi người, Franklin được bầu làm thư ký Nghị Viện Pennsylvania (the Pennsylvania Assembly). Thành phố Philadelphia càng ngày càng được mở mang mà chưa có một đội lính cứu hỏa, Franklin liền đứng ra thành lập đội quân tình nguyện này. Ông còn có công trong việc cải tiến cách tuần phòng trong thành phố.

Cũng vào năm 30 tuổi, Franklin được đề cử làm Giám Đốc Bưu Điện của Philadelphia. Cách làm việc hữu hiệu của ông đã khiến cho chính quyền Anh Quốc phải chú ý nên về sau, vào năm 1753, ông đã trở nên Phó Tổng Giám Đốc Bưu Điện của tất cả các miền đất thuộc địa Bắc Mỹ. Ông đã làm việc rất tận tâm, cải tiến rất nhiều dịch vụ Bưu Điện, làm tăng tốc độ chuyển thư bằng cách dùng tới các tầu biển chạy nhanh nhất qua Đại Tây Dương. Đối với các thư từ trong vùng, ông đã thuê mướn các người đưa thư đi ngựa chuyển thư cả ngày lẫn đêm. Ông cũng giúp cho xứ Canada thiết lập ra các dịch vụ bưu điện đầu tiên. Ông đã cho mở các trạm bưu điện tại Quebec, Montreal và Trois Rivière vào năm 1763 và rồi xếp đặt việc chuyển thư giữa Montreal và New York.

Benjamin Franklin cũng để ý tới sự cải tiến các dụng cụ thường dùng. Năm 36 tuổi, ông đã phát minh ra được một thứ lò sưởi không có khói, cho sức nóng gấp hai lần mà lại dùng 1/4 số lượng củi đốt. Phát minh của ông được phổ biến trong thành phố vì nó rất hợp với khoa học lại tiện lợi. Chính quyền định cấp cho ông bằng phát minh song ông từ chối và nói : "Tôi được dùng các phát minh của người khác thì tôi cũng sung sướng khi thấy phát minh của tôi đã giúp ích cho các người chung quanh".

Năm 37 tuổi, vì Hội Junto kém phát triển nên Franklin đề nghị lập ra "Hội Triết Học Mỹ Quốc" (the American Philosophical Society) gồm các người đạo đức, có kiến thức rộng, ở các thuộc địa khác nhau tại Bắc Mỹ. Hội Triết Học này được tổ chức theo lề lối của Hội Khoa Học Hoàng Gia Anh Quốc (the Royal Society). Nhiều người đã ghi tên tham dự và Franklin được bầu làm thư ký của Hội. Các hội viên thường trao đổi thư từ cùng nhau. Trụ sở của Hội đặt tại Philadelphia là thành phố trung tâm lại có thư viện đầy đủ và nhiều tương lai về kiến thiết.


3- Nhà Khoa Học.

Vào năm 40 tuổi, vì kinh tế gia đình đã khá đầy đủ nên Benjamin Franklin có thời giờ để tâm đến Khoa Học. Thời đó châu Mỹ nhận được các sách báo cùng các dụng cụ thí nghiệm về điện học từ nước Anh gửi sang. Hội Triết Học nhờ Franklin làm các thí nghiệm như đã mô tả sẵn, song không những ông đã làm lại được hoàn toàn các thí nghiệm đó mà còn khám phá ra được nhiều điều mới lạ.

Năm 42 tuổi, Franklin cắt nghĩa được sự phân phối điện tích ở chai Leyde. Sang năm sau, ông lập bảng nhận xét về các đặc điểm chung giữa điện và sét. Ngày nay người ta còn nhắc lại thí nghiệm về sét bằng chiếc diều của ông. Franklin vẫn quan niệm rằng sự phát điện từ chai Leyde cũng giống như sét đánh, song với một cường độ nhỏ hơn nhiều. Oâng tìm cách chứng minh. Nhân một ngày có bão, Franklin cùng con trai là William mang một chiếc diều ra thả. Cuối sợi dây diều, ông buộc một chiếc chìa khóa bằng các dải lụa. Bỗng nhiên ông nhận thấy các sợi của dải lụa tách ra như có một sức đẩy chúng xa nhau. Khi để ngón tay gần đầu nhọn của chiếc chìa khóa, một tia lửa bật ra và ông cảm thấy bị điện giật. Thí nghiệm này đã khiến ông kết luận rằng sét thường bị hút bởi các đầu nhọn bằng kim loại và ông tìm ra rằng các đám mây thường chứa điện âm. Khi thử lại với chai Leyde, Franklin thấy cùng kết quả. Ông lại có thể tiếp điện cho chai Leyde bằng điện của bầu trời. Thật là may mắn cho Franklin đã không bị sét đánh trong cuộc thí nghiệm táo bạo đó mà ông không biết, bởi vì về sau, Giáo Sư Richman thuộc Đại Học St. Petersbourg khi làm lại thí nghiệm của ông đã bị thiệt mạng.

Năm 44 tuổi, sau khi đã hiểu rõ về sấm sét, Franklin đã phát minh ra cột thu lôi. Ông dựng ngay trên nóc nhà của mình một cột rồi sau lại cải tiến thêm. Franklin phổ biến phát minh này bằng một bài đăng trong quyển niên lịch của mình. Cũng năm này, Franklin được bầu vào Nghị Viện Pennsylvania.

Franklin luôn luôn nghĩ tới việc khai hóa dân chúng. Đối với ông, Hội Triết Học không đủ. Ông cho xuất bản cuốn sách mỏng : "Các đề nghị liên quan tới vấn đề giáo dục các thanh niên ở Pennsylvania", nhờ vậy chương trình học đã được sửa đổi và nhà trường đã bắt đầu dạy tiếng La Tinh, Hy Lạp và Toán Học. Franklin được bầu làm chủ tịch Hội Đồng Quản Trị các trường Trung Học Pennsylvania. Philadelphia khi đó không có cơ sở đào tạo nền giáo dục cao cấp vì thế ông đã giúp tay vào việc thành lập Viện Hàn Lâm (the Academy) mà sau này là trường Đại Học Pennsylvania. Kết quả của các chương trình giáo dục và thư viện của Franklin đã giúp cho Pennsylvania trở nên một địa phương tiến bộ nhất trong 13 xứ thuộc địa thời bấy giờ.

Vào năm 1751, một người trong thành phố nghĩ đến việc lập ra một bệnh viện công cộng và một nhà tế bần, Franklin liền bắt tay ngay vào công tác thực hiện hai chương trình này.

Tháng 8 năm 1752, Franklin gửi cho ông Collison, nhân viên Hội Khoa Học Hoàng Gia Anh Quốc những kết quả về các phát minh của mình. Tài liệu đó được đọc trước Hội Khoa Học vào tháng 12. Mọi nhà khoa học đều trầm trồ khen ngợi ông. Cuốn sách "Thí nghiệm và nhận xét về điện học" của ông được xuất bản tại London và năm sau, được dịch sang tiếng Pháp và in tại Paris.

Franklin cũng phát minh ra loại kính đeo mắt hai tròng (bifocal eyeglasses) nhờ đó kính đọc sách và kính nhìn xa được ghép chung vào một gọng kính. Ông cũng nhận thấy bệnh tật phát sinh nhiều tại các căn phòng kém thoáng khí và ông cũng chỉ dẫn cho dân chúng cách cải thiện đất đai có acít bằng vôi bột (lime).

Năm 47 tuổi, Franklin được Hội Khoa Học Hoàng Gia Anh Quốc trao tặng huy chương vàng Copley và Vua Louis 15 đích thân khen ngợi ông về các phát minh điện học. Các trường đại học Harvard và Yale tặng ông bằng cấp Cử Nhân Danh Dự. Ông lại được đề cử làm Tổng Giám Đốc Bưu điện và đã giữ chức vụ này trong 21 năm liền.

Mùa xuân năm 1754, khi đó Franklin 48 tuổi, đã xẩy ra cuộc chiến tranh giữa người Anh và người Pháp tại châu Mỹ. Franklin cho rằng các thuộc địa Bắc Mỹ nên đoàn kết lại để tự bảo vệ chống lại người Pháp và sự quấy nhiễu của thổ dân da đỏ. Ông đã cho in tấm hình hài hước nổi tiếng có tên là "Tham gia hay là chết" (Join or Die) trên báo của minh. Tấm hình này vẽ một con rắn bị chặt ra thành nhiều khúc, tượng trưng cho các thuộc địa Bắc Mỹ. Ông đã đề nghị Chương Trình Liên Bang (Plan of Union) tại hội nghị 7 xứ thuộc địa họp tại Albany, New York. Theo chương trình này, 13 xứ thuộc địa nên cùng nhau họp lại thành "một chính phủ tổng quát" (one general government). Chương trình liên bang đó đã chứa đựng các ý tưởng mà sau này có trong Bản Hiến Pháp Hoa Kỳ. Các đại biểu tại Hội Nghị Albany đã đồng ý với chương trình của Franklin nhưng các thuộc địa đã không đồng lòng phê chuẩn.

Rồi chiến tranh đã khiến Franklin phải chú ý đến phạm vi quân sự. Đầu năm 1755, Tướng Edward Braddock và hai trung đoàn quân Anh tới Bắc Mỹ với lệnh chiếm lại căn cứ của người Pháp tại Fort Duquesne, là nơi hội tụ của hai giòng sông Allegheny và Monogahela. Đội quân Anh đã gặp khó khăn trong việc tìm mua ngựa và các toa xe. Franklin đã giúp công vào việc trang bị này. Nhưng rồi quân Pháp và dân da đỏ đã phục kích đoàn quân Anh tại các bờ sông Monogahela và tướng Braddock tử trận, đoàn quân Anh hầu như bị tiêu diệt. Lúc này, Franklin đã lo việc thành lập đội quân tình nguyện địa phương để bảo vệ các thành phố biên giới, ông được đề cử làm Đại Tá quân đội để chống nhau với người Pháp và dân da đỏ. Ông cũng là người đã trông coi xây dựng một pháo đài tại Weissport thuộc Carbon County, Pennsylvania.

Năm 50 tuổi, Franklin đựơc đề cử làm ủy viên quân sự của địa hạt Northampton. Ngoài ra, ông còn được bầu làm Hội Viên Danh Dự của Hội Triết Học Edinburg và nhân viên Hội Khoa Học Hoàng Gia Anh Quốc, một danh dự ít khi dành cho một người sống tại xứ thuộc địa. Chính khách nổi tiếng người Anh thời đó là William Pitt đã nói trước Viện Quý Tộc Anh (the House of Lords) rằng Benjamin Franklin là một nhà khoa học đáng được xếp ngang hàng với Isaac Newton. Oâng ta đã ca tụng Franklin là "một Danh Dự không chỉ dành cho nước Anh mà còn cho bản chất của con người" (an honor not to the English nation only but to human nature).


4- Nhà Ngoại Giao.

Cuộc chiến tranh với nước Pháp đã khiến cho Anh Quốc phải chi tiêu quá nhiều. Anh Quốc liền bắt các xứ thuộc địa phải gánh thêm phí tổn. Tất cả các đất đai đều phải chịu thuế. Vì vậy Nghị Viện Philadelphia liền cử Franklin sang nước Anh năm 1757. Tới London, khi xin bãi bỏ thuế không được, Franklin liền đưa ra một đề nghị theo đó các đất đai chưa đo đạc được miễn thuế. Đề nghị căn cứ trên sự công bằng của ông đã được phê chuẩn. Đây là thắng lợi đầu tiên của ông tại nước ngoài. Franklin đã ở Anh Quốc và hoạt động như một đại sứ không chính thức và cũng là người phát biểu các quan điểm của lục địa châu Mỹ.

Đầu năm 1760, sau khi cuộc chiến tranh với người Pháp và dân da đỏ chấm dứt, đã có một cuộc tranh luận lớn lao tại nước Anh. Người Pháp bị thất trận nên đã bằng lòng nhường lại cho nước Anh hoặc là một tỉnh thuộc Canada, hoặc là hòn đảo Guadeloupe trong quần đảo Tây Aán (West Indies). Vào lúc cao điểm của cuộc tranh luận, Franklin đã cho phổ biến một tập sách mỏng so sánh một cách sáng suốt tương lai vô bờ của xứ Canada so với sự không quan trọng của hòn đảo Guadeloupe. Việc làm này đã khiến cho tại châu Aâu và châu Mỹ, nhiều người đã đọc kỹ tập sách của Franklin. Vài sử gia tin rằng do ảnh hưởng của tập sách này mà nước Anh đã chọn Canada.

Mùa hè năm 1762, Franklin trở về Bắc Mỹ. Ông được hoan hô nhiệt liệt và được bầu vào Nghị Viện Philadelphia. Vài năm sau Franklin lại sang nước Anh để tranh đấu cho việc ký kết văn kiện về Bưu Điện. Vào ngày 13 tháng 2 năm 1766, Franklin ra trước Hạ Viện Anh (the House of Commons) để trả lời 174 câu hỏi liên quan tới việc "đánh thuế mà không có đại diện". Các nghị viên Hạ Viện Anh đã chất vấn ông trong gần hai giờ và ông đã trả lời vừa vắn tắt, vừa rõ ràng. Kiến thức về các vấn đề đánh thuế của ông đã làm cho mọi người phải ngạc nhiên và danh tiếng của ông vì thế đã vang lừng khắp châu Aâu. Đạo luật về Tem Thuế (the Stamp Act) đã bị hủy bỏ sau đó và phần lớn công lao là của ông. Franklin đã là một người không những chỉ tranh đấu cho riêng miền Pennsylvania mà còn cho cả châu Mỹ.

Vào năm 60 tuổi, Franklin được bầu làm hội viên ngoại quốc của Hội Khoa Học Đức Quốc tại Gottingen, và Hàn Lâm Viện Pháp Quốc chọn ông làm một trong 8 hội viên nước ngoài, lúc đó ông 66 tuổi.

Khi các liên lạc chính trị giữa Anh Quốc và các thuộc địa trở nên xấu đi, Franklin vẫn muốn các thuộc địa châu Mỹ nằm trong đế quốc Anh nếu các quyền lợi của người dân thuộc địa được tôn trọng và bảo vệ. Ông sẵn sàng dùng tài sản của mình để bồi thường cho số trà bị phá hủy tại Boston (the Boston Tea Party) nếu chính quyền Anh hủy bỏ các thuế trà không công bằng. Nhưng người Anh đã làm ngơ trước đề nghị của ông, vì thế ông thấy mình không còn hữu ích nữa và ngày 21 tháng 3 năm 1775, Franklin buồn bã xuống tầu trở về châu Mỹ. Ông đã làm đủ mọi cách để giữ cho các thuộc địa châu Mỹ nằm trong đế quốc Anh trên căn bản thiện chí và tôn trọng lẫn nhau.

Franklin về tới Philadelphia vào ngày 5 tháng 5 năm 1775, vào khoảng hai tuần lễ sau khi cuộc chiến tranh Cách Mạng bắt đầu. Ngày hôm sau, dân chúng Philadelphia đã chọn ông làm đại biểu phục vụ trong Quốc Hội Lục Địa Kỳ II (the Second Continental Congress). Ông Franklin ít khi tuyên bố tại Quốc Hội song ông là một trong các nhân vật tích cực và có ảnh hưởng nhất. Ông đã đề nghị Chương Trình Liên Bang (Plan of Union) trong đó có chứa đựng các ý tưởng căn bản dùng cho các điều khoản của Liên Bang Bắc Mỹ (Confederation). Franklin cũng giúp việc trong một ủy ban đi qua Canada để thuyết phục người Pháp tại đó tham gia vào cuộc chiến tranh Cách Mạng nhưng cuộc vận động này không thành.

Năm 1776, Benjamin Franklin được đề cử cùng với Thomas Jefferson và John Adams thảo ra Bản Tuyên Ngôn Độc Lập và ông cũng là một trong các nhân vật ký tên vào bản văn quan trọng này. Lúc bấy giờ, cuộc chiến tranh với người Anh chưa mang lại các thành quả tốt đẹp và vì Quốc Hội cho rằng việc đồng minh với nước Pháp có thể đưa tới thắng lợi nên Quốc Hội đã đề cử Franklin làm một trong ba ủy viên đại diện cho Hoa Kỳ tại nước Pháp. Cuối năm 1776, ở tuổi 70, Benjamin Franklin đã lãnh một nhiệm vụ quan trọng nhất trong đời ông. Oâng đã tới đất Pháp và được chào đón nồng nhiệt. Dân chúng Pháp đã mến phục ông vì lòng tử tế, cách phục sức đơn giản, cử chỉ bình dị, trí óc khôn ngoan và các lời nói sáng suốt cũng như cách đối xử lịch thiệp với cả giới quý tộc lẫn giai cấp bình dân. Các đám đông đã đi theo ông trên đường phố. Các nhà thơ đã làm các bài ca tụng ông. Chân dung và tượng của ông được đặt tại nhiều nơi.

Mặc dù có tình cảm với ông Benjamin Franklin nhưng chính quyền Pháp thời đó còn rất do dự trong việc ký hiệp ước đồng minh với các thuộc địa Bắc Mỹ, vì một việc làm như vậy sẽ dẫn đến cuộc chiến tranh giữa nước Pháp và nước Anh. Tuy nhiên, với sự lịch thiệp, tài khôn khéo và tính kiên nhẫn, Franklin đã lấy dần được lòng tin tưởng của nước Pháp. Và cuối cùng vận may của ông đã tới khi đội quân Anh của Tướng John Burgoyne đầu hàng tại Saratoga. Thắng lợi của người Mỹ đã khiến cho nước Pháp ký kết hiệp ước đồng minh vào ngày 6 tháng 2 năm 1778. Sau đó, Franklin đã xếp đặt việc chuyên chở các sĩ quan, binh lính Pháp và súng đạn qua Bắc Mỹ. Franklin cũng mượn được tiền vay và xin được tiền tặng chuyển về cho Hoa Kỳ. Nhiều sử gia cho rằng nếu không có Benjamin Franklin, người Mỹ chưa chắc đã giành được độc lập.

Năm 1778, Benjamin Franklin được chỉ định làm bộ trưởng tại Pháp. Ông đã giúp công vào việc soạn thảo Hiệp Ước Paris là thứ đã làm chấm dứt cuộc chiến tranh Cách Mạng. Hiệp ước này đã hứa dành cho quốc gia non trẻ Hoa Kỳ mọi thứ cần thiết và Franklin đã là một trong các nhân vật ký nhận Hiệp Ước Paris vào năm 1783, và từ hiệp ước này, nền độc lập của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ được công nhận.

Từ năm 1776 tới năm 1785, Franklin sống ở ngoại quốc và luôn luôn mang thắng lợi về cho đất nước. Ngoài ra, các vinh dự vẫn tới tấp đến với ông. Hàn Lâm Viện Y Học Paris mời ông làm hội viên. Ông cũng là nhân viên của Hàn Lâm Viện Mỹ Thuật và Khoa Học Boston, là một trong 24 nhân viên ngoại quốc của Hàn Lâm Viện Khoa Học, Văn Chương và Mỹ Thuật Padoue, hội viên Hàn Lâm Viện Lịch Sử Madrid, hội viên danh dự Hội Văn Chương và Triết Học Manchester cũng như tại Hội Vật Lý, Vạn Vật và Mỹ Thuật Orleans, tại Hàn Lâm Viện Khoa Học, Mỹ Tự và Mỹ Thuật Lyons. Hơn nữa, các tác phẩm của ông in tại các nước Anh, Đức, Pháp, Ý đã mang lại cho ông các danh vọng vô bờ.


5- Nhà Lập Quốc.

Năm 1785, Benjamin Franklin trở lại Philadelphia và được cử làm chủ tịch của Hội Đồng thành phố này, rồi lại được bầu làm Thống Đốc Tiểu Bang Pennsylvania. Ông được bầu lại vào chức vụ sau này vào những năm 1786 và 1787. Ngoài ra, Franklin còn có công trong việc phản kháng chế độ nô lệ tại châu Mỹ.

Năm 80 tuổi, Franklin vẫn còn hoạt động. Hồi đó các tầu biển chạy từ Falmouth ở nước Anh tới New York mất hai tuần lễ lâu hơn nếu không theo con đường London-Rhode Island. Các chủ tầu không biết tại sao như vậy, và đã đề nghị chỉ cho tầu đến Rhode Island mà không tới New York trong khi 2 nơi này chỉ cách nhau một ngày đường. Nhiều người đã cầu cứu đến Franklin. Ông liền tìm gặp các thuyền trưởng nên được biết rằng có một dòng nước chảy từ mạn dưới lên mà người ta chưa được biết rõ lắm, đó là dòng Gulf Stream. Franklin liền nghiên cứu dòng nước này : nào đo bề rộng, chiều sâu, đo nhiệt độ, sức chảy… Franklin khuyên các tầu bè nên lợi dụng dòng nước để cuộc hành trình được nhanh chóng hơn.

Năm 1787, xứ Pennsylvania đã đề cử Benjamin Franklin, 81 tuổi, tới họp Hội Nghị Lập Hiến (Constitutional Convention). Các đại biểu đã gặp nhau tại Sảnh Đường Độc Lập và thảo ra Bản Hiến Pháp Hoa Kỳ. Vào lúc này, Franklin là đại biểu cao tuổi nhất của Hội Nghị. Sức khỏe yếu kém và tuổi cao đã không cho phép ông tích cực tham gia vào các hoạt động nhưng sự khôn ngoan, hiểu biết của ông đã giúp cho Hội Nghị tiến hành. Franklin đã dàn xếp được các cuộc tranh luận về quyền đại biểu tại Quốc Hội của các tiểu bang lớn và nhỏ. Sự dung hòa của ông đã là nguyên do thành lập một quốc hội lưỡng viện.

Dịp tham dự Hội Nghị Lập Hiến là lần phục vụ công ích cuối cùng của ông, song tuy cao tuổi, ông vẫn quan tâm tới các công việc quốc gia. Ông rất sung sướng khi thấy ông George Washington nhậm chức Tổng Thống đầu tiên của Hoa Kỳ. Ông đã hi vọng rằng gương mẫu của Hiệp Chủng Quốc Bắc Mỹ có thể dẫn tới một hiệp chủng quốc khác tại châu Âu.

Benjamin Franklin qua đời tại Philadelphia vào đêm 17 tháng 4 năm 1790 vì bị sưng phổi, thọ 84 tuổi. Vào khoảng 20 ngàn người đã tôn kính ông trong buổi tang lễ. Ông được chôn trong nghĩa địa của nhà thờ Christ Church tại Philadelphia, bên cạnh vợ ông chết năm 1774.

Benjamin Franklin được kể là một trong 6 công dân hàng đầu của nước Mỹ. Chân dung của ông xuất hiện trên các tem thư, tiền đồng và tiền giấy của Hoa Kỳ. Hai tổng thống Hoa Kỳ đã hãnh diện mang tên của ông: Franklin Pierce và Franklin D. Roosevelt. Thành phố Philadelphia cũng tưởng nhớ người Công Dân lừng danh nhất. Một sân vận động của Đại Học Pennsylvania đã được đặt bằng tên của ông, ngoài ra còn có Công Viên Franklin, Viện Franklin với bức tượng tạc ra do nhà điêu khắc James Earl Frase.

Vào năm 1790, khi được tin ông Benjamin Franklin qua đời, Quốc Hội nước Pháp quyết định để tang ba ngày và Bá Tước Honoré de Mirabeau đã ca tụng "Nhà Hiền Triết mà cả hai lục địa đều cho là của mình" (the sage whom two worlds claims as their owns). Còn Quốc Hội Hoa Kỳ chịu tang một tháng để tỏ lòng kính cẩn một Công Dân đã có công lớn đối với Quốc Gia, với Khoa Học, với Tự Do và với Nhân Loại.

 

© http://vietsciences.free.fr   http://vietsciences.org  Phạm Văn Tuấn