Stephen William Hawking

Top Nhiều tác giả
 

1) Tiểu sử

 

Stephen William Hawking sinh ngày 8 tháng 1 năm 1942 tại tỉnh Oxford Anh quốc. Ông lớn lên trong gia đình trí thức. Cha là nhà vật lý, mẹ ông trong đảng tự do.Lúc 8 tuổi, gia đình ông dọn đến St-Albans, một tỉnh nhỏ cách Luân Ðôn 20 dặm. 

Ông học trường St- Albans lúc 11 tuổi và ngay lúc ấy ông đã biết trước ông muốn học Khoa học. Năm 1958 , ông 16 tuổi, đã cùng vài người bạn làm ra máy vi tính nguyên thủy mà bây giờ  thực sự dùng được. Năm sau, ông được học bỗng Ðại học Oxford.

Tại đây, ông quyết định học Vật lý vì trường chưa có môn toán. Năm 1962 ông được đậu hạng danh dự. Sau đó ông tiếp tục học  môn Vũ trụ học tại Ðại học Cambridge nơi đó ông dạy Toán (năm 1974 lúc 32 tuổi, như Newton cách đó 300 năm) và bắt đầu những công trình trên những định luật  cai trị Vũ trụ. Ông hướng những công trình của ông vào sự nghiên cứu các Lỗ Ðen. Ông là người đầu tiên giải thích tính chất của Lỗ Ðen.

Ông được bằng tiến sĩ, nhưng bất hạnh thay, năm 21 tuổi, ông cảm nhận những triệu chứng đầu tiên gây ra bởi chứng teo cơ. Sau đó ông mất dần sử dụng tiếng nói và đồng thời các cơ yếu dần. Các  y sĩ tưởng ông chết sớm. Mặc dù dự đoán không được vui vẻ về tuổi thọ của ông, năm nay ông đã 60 tuổi, có 3 con và 1 cháu. Vì ông bị liệt nên liên lạc bằng hệ thống vi tính bằng cách dùng một ngón tay bấm vào những chữ đã soạn sẵn. Một câu của ông là thành quả của sự suy nghĩ. Ông đã in 3 quyển sách rất được phổ biến, A Brief History of Time, là sách bán chạy nhất của ông, Black Holes  và Baby Universes. Gần đây năm 2001 có quyển The Universe in a Nutshell

Mặc dù bị liệt nặng, ông đã cho ra những công trình nghiên cứu và lý thuyết được toàn thế giới công nhận và kính phục.

Với cuốn sách "The Universe in a Nutshell",  tháng 6 năm 2002 ông nhận được giải thưởng The Aventis Prize - một trong những giải uy tín nhất thế giới cho các ấn phẩm khoa học. Giải thưởng trị giá 10.000 bảng Anh.

Huyền Trân

 

2) Bàn về những cuốn sách của ông:

 

Từ năm 1988 quyển A Brief History of Time đến năm 2001 đã được dịch 40 thứ tiếng và được in trên 9 triệu cuốn

Cuốn Lược sử thời gian (A Brief History of Time) được viết xong năm 1987. Ngay từ khi ra đời, nó đã trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất thế giới. Nó đứng trong danh mục sách bán chạy nhất của New York Times trong 53 tuần, và tại nước Anh, 205 tuần liền nó có tên trong mục sách bán chạy nhất của Sunday Times. Chính Stephen Hawking cũng phải kinh ngạc. Từ trước đến nay, chưa có một cuốn sách khoa học nào được công chúng đón nhận nồng nhiệt như vậy (tuy rằng nhiều người nói, họ mua nó chỉ để bày ở tủ sách chứ không thực sự đọc. Về điểm này, cuốn sách của Hawking cũng có số phận tương tự như Kinh Thánh hoặc các vở kịch của Shakespeare).

Với cuốn sách Vũ trụ trong một chiếc thuyền nhỏ (The Universe in a Nutshell), ông nhận được The Aventis Prize - một trong những giải uy tín nhất thế giới cho các ấn phẩm khoa học. Giải thưởng trị giá 10.000 bảng Anh.

Cuốn sách này đồng thời cũng là một trong những cuốn bán chạy nhất năm 2001 ở Anh và Mỹ. Nó giúp người đọc không chuyên có thể tiếp cận những câu hỏi và thành tựu mới nhất của ngành vật lý và vũ trụ học tương đối dễ dàng, bao gồm các vấn đề về Lỗ Ðen, lý thuyết Lượng tử, du lịch thời gian, thuyết String...

Vũ trụ trong một chiếc thuyền nhỏ được xem là ấn phẩm tiếp theo, đầy đủ hơn, kỹ lưỡng hơn, của cuốn Lược sử thời gian (A Brief History of Time) xuất bản năm 1988. Đối với bạn đọc không chuyên, Lược sử thời gian vẫn còn nhiều điểm rắc rối và trừu tượng. Tuy nhiên lần đó, Lược sử thời gian đã trụ được 4 năm liền trong danh sách 100 cuốn sách bán chạy nhất, theo bình chọn của London Sunday Times, một kỷ lục của mọi thời đại.

Nhân loại sẽ bị tiêu diệt bởi một loại virus trong vòng 1000 năm, trừ phi họ có thể chinh phục vũ trụ để chạy trốn khỏi mặt đất.

Các nhà phê bình đang phản đối gay gắt cuốn sách mới của Hawking, mang tên "Vũ trụ trong một chiếc thuyền nhỏ". Họ cho rằng Hawking đã đưa ra nhiều phỏng đoán bi quan quá đáng về tương lai nhân loại. Tuy nhiên, chính sự bi quan này lại khiến cuốn sách trở nên hấp dẫn kỳ lạ, làm người ta đổ xô đi mua. Rõ ràng, nhân loại đặc biệt quan tâm đến "ngày tận thế".  

Không chỉ Hawking mà một đồng nghiệp nổi tiếng của ông ở ĐH Cambridge - Giáo sư Abraham Loeb - cũng quan tâm đến ngày tận thế. Loeb đưa ra giả thuyết về một ngày cuối cùng chậm chạp và buồn tẻ: Thời gian đứng im, các vì sao nguội lạnh, thiên hà tối tăm.

Đến nay, đa số các nhà vật lý đều đồng ý rằng có một sự khởi đầu là Big Bang. Tuy nhiên, họ vẫn còn tranh cãi về sự kết thúc của vũ trụ. Thuyết về cú sụp lớn (Big Crunch), cho rằng vũ trụ sẽ co sụp về trạng thái ban đầu, một thời đã được nhiều người ủng hộ. Nhưng mới đây, một số nhà khoa học cho rằng Vũ trụ sẽ không co lại, mà cứ giãn nở ra mãi đến lúc tất cả các mặt trời đều tắt và không gian rộng lớn chỉ còn là bóng tối và sự giá lạnh.

Còn Thiên hà của chúng ta? Giáo sư Loeb đã vẽ ra một bức tranh ảm đạm: tương lai, càng có ít ngôi sao phát sáng, và những ngôi sao cuối cùng thì nhợt nhạt như những đám băng. 

Mô hình của Loeb dựa trên hậu thuẫn của thuyết tương đối. Tuy nhiên, ông cũng đưa vào một số yếu tố hiện đại, ví dụ như sự tồn tại của lực vật chất tối, ngày càng đẩy vũ trụ ra xa nhau hơn. Loeb cũng quan tâm tới lý thuyết về các vật thể lạ (UFO). Lý thuyết này cho rằng, tâm linh của nhân loại từ lâu đã bị điểu khiển bởi những sinh thể lạ trong vũ trụ. Điều này giải thích vì sao con người có thể phạm những tội ác rùng rợn. Các sinh thể lạ cũng làm tâm thần con người điên loạn, ham muốn chiến tranh, giết chóc và tàn phá.


3) Những tác phẩm của riêng ông và với các đồng nghiệp

 

 

 

4) Lời cảm ơn của Stephen Hawking

Lời cảm ơn sau đây được in trong lần xuất bản đầu tiên của cuốn "Lược sử thời gian", nhà xuất bản Batam Books, 1987.

Tôi đã quyết định thử viết một cuốn sách phổ thông về không gian và thời gian sau khi đã đọc một loạt bài giảng ở Đại học Harvard năm 1982. Trước đó, cũng đã có khá nhiều cuốn sách viết về giai đoạn đầu của vũ trụ và các lỗ đen, từ những cuốn sách rất hay như cuốn “Ba phút đầu tiên” của Steven Weinberg (Bản dịch tiếng Việt của Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật ra mắt năm 1982 - VnExpress), cho tới những cuốn rất tồi mà tôi không muốn nhắc tên ở đây. Tuy nhiên, tôi cảm thấy chưa có cuốn nào đề cập đến những vấn đề đã dẫn tôi đi nghiên cứu vũ trụ học và lý thuyết lượng tử như: Vũ trụ ra đời từ đâu? Nó bắt đầu như thế nào và tại sao lại như vậy? Nó có kết thúc không, và nếu có thì sẽ kết thúc như thế nào? Đó là những vấn đề mà tất cả chúng ta đều quan tâm. Nhưng khoa học hiện đại đã trở nên chuyên sâu tới mức chỉ có một số ít chuyên gia nắm vững những công cụ toán học được dùng để mô tả chúng mới có thể hiểu được chúng. Tuy nhiên, những ý tưởng cơ bản về nguồn gốc và số phận của vũ trụ vẫn có thể trình bày dưới dạng phổ thông cho những người không thuộc giới khoa học cũng có thể hiểu được mà không cần tới toán học. Đó là mục tiêu mà tôi muốn thực hiện trong cuốn sách này. Mục tiêu đó có đạt được hay không, xin để bạn đọc phán xét.

Có ai đó nói với tôi rằng, mỗi một phương trình mà tôi đưa vào cuốn sách sẽ làm giảm số lượng bán đi một nửa. Do đó, tôi quyết định sẽ hoàn toàn không dùng đến một phương trình nào. Tuy nhiên, cuối cùng tôi cũng đành phải đưa vào một phương trình, đó là phương trình nổi tiếng của Einstein E =mc2. Tôi hy vọng nó sẽ không làm cho một số bạn đọc tiềm tàng của tôi phải hoảng sợ.

Ngoại trừ căn bệnh ALS (bệnh liệt toàn thân), hay bệnh về thần kinh chuyển động, ở hầu hết các phương diện khác, tôi là một người may mắn. Nhờ sự giúp đỡ và hỗ trợ của Jane, vợ tôi và các con Robert, Lucy và Timmy mà tôi có thể sống gần như bình thường và có một sự nghiệp thành công. Tôi còn may mắn ở một điểm nữa là tôi đã chọn vật lý lý thuyết, vì tất cả chỉ được làm trong trí óc. Do đó bệnh tật của tôi không phải là một sự tàn phế quá nghiêm trọng. Tất nhiên, những đồng nghiệp cũng đã giúp đỡ tôi rất nhiều.

Trong giai đoạn đầu tiên, giai đoạn “cổ điển” của con đường sự nghiệp, những người bạn và cộng sự chính của tôi là Roger Penrose, Robert Geroch, Brandon Carter và George Elis. Tôi rất biết ơn sự giúp đỡ mà họ đã dành cho tôi, và về công việc mà chúng tôi cùng tiến hành với nhau. Giai đoạn này đã được đúc kết thành cuốn sách “Cấu trúc ở thang vĩ mô của không - thời gian” do Elis và tôi viết năm 1973. Tôi không có ý định khuyên độc giả tìm đọc cuốn sách đó để lấy thêm thông tin, bởi vì nó quá chuyên sâu và tương đối khó đọc. Tôi hy vọng rằng từ khi viết cuốn sách đó đến nay, tôi đã học được cách viết sao cho dễ hiểu hơn.

Trong giai đoạn thứ hai, giai đoạn “lượng tử” của con đường sự nghiệp của tôi, từ năm 1974, các cộng sự chính của tôi là Gary, Gibsons, Don Page và Jim Hartle. Tôi phải mang ơn họ và các nghiên cứu sinh của tôi rất nhiều vì sự giúp đỡ to lớn của họ đối với tôi. Sự tiếp xúc với sinh viên luôn kích thích tôi mạnh mẽ, và tôi hy vọng nó đã giúp tôi tránh được những con đường mòn.

Khi viết cuốn sách này, tôi đã nhận được sự giúp đỡ lớn của Brian Whitt, một sinh viên của tôi. Tôi bị sưng phổi năm 1985, sau khi đã viết song bản thảo đầu tiên. Tôi đã phải phẫu thuật mở khí quản. Sau phẫu thuật, tôi mất khả năng phát âm, và do đó, hầu như không còn khả năng giao tiếp nữa. Tôi nghĩ sẽ không thể hoàn thành được cuốn sách. Nhưng Brian không chỉ giúp tôi sửa lại bản thảo mà còn giúp tôi sử dụng chương trình giao tiếp có tên là Living Center do Walt Woltosz thuộc World Plus Inc. ở Sunnyvale, California tặng cho tôi. Với chương trình đó, tôi vừa có thể viết sách báo, vừa có thể giao tiếp với mọi người bằng một máy tổng hợp tiếng nói do Speech Plus, cũng ở Sunnyvale, California, tặng cho tôi. Máy tổng hợp tiếng nói đó và một máy vi tính được David Manson lắp ngay trên chiếc xe đẩy của tôi. Hệ thống này đã làm được một chuyện hoàn toàn bất ngờ: thực tế bây giờ tôi có thể giao tiếp còn tốt hơn so với khi tôi chưa bị mất tiếng nói.

Tôi cũng đã nhận được nhiều đề nghị hoàn thiện cuốn sách từ nhiều người đã xem bản thảo sơ bộ của nó. Đặc biệt, ông Peter Guzzardi, biên tập viên của tôi ở nhà xuất bản Bantam Books đã gửi cho tôi rất nhiều trang nhận xét và yêu cầu về những điểm ông cảm thấy tôi giải thích chưa thật thỏa đáng lắm. Tôi cũng phải thú nhận rằng tôi đã cảm thấy rất bực mình khi nhận được những bản liệt kê dài gồm những điều cần phải sửa đổi, nhưng ông đã hoàn toàn có lý. Tôi tin chắc rằng cuốn sách sở dĩ hay hơn chính là do ông đã bắt tôi phải làm việc cận lực.

Tôi cũng rất cảm ơn những trợ tá của tôi: Colin Williams, David Thomas và Raymond Laflamme; các thư ký Judy Fella, Ann Ralph, Cheryl Billington và Sue Masey; cũng như đội ngũ các hộ lý của tôi. Cuốn sách này cũng không thể ra đời nếu không có sợ hỗ trợ cho cho nghiên cứu và chi phí y tế của tôi từ Trường Gonville và Caius, từ Hội đồng nghiên cứu khoa học và kỹ thuật, cũng như các Quỹ Leverhulme, Mcarthur, Nuffield và Ralph Smith. Tôi xin tỏ lòng biết ơn đối với các cơ quan đó.

  Stephen Hawking
Ngày 20 tháng 10 năm 1987

 

5) Stephen Hawking: “Bây giờ tôi hạnh phúc hơn là khi chưa bị bệnh”


 
Hôm thứ tư vừa qua, tại Bombay, nhà vật lý nổi tiếng thế giới Stephen Hawking đã nói rằng chính căn bệnh chết người mà ông phải chịu đựng bấy lâu nay đã cho ông thêm lý do để sống trên đời. “Vì không có nhiều thời gian để sống nên tôi muốn làm việc nhiều hơn nữa. Tôi ý thức được cuộc sống là quý giá…”.
Ông nói như vậy trong lễ kỷ niệm sinh nhật của mình (8/1/1942 - 300 năm sau ngày mất của Galileo Galile), trước đông đảo học sinh, sinh viên và các nhà khoa học, nhân dịp đến Bombay (Ấn Độ) dự hội nghị khoa học “String 2001”. Hawking cho biết khi 21 tuổi, ông được cha mẹ cho biết một tin sét đánh: Ông bị bệnh xơ cứng cơ vùng bên (ALS, một loại bệnh về thần kinh điều khiển). Bệnh ALS tác động vào những tế bào thần kinh ở não và dây thanh quản, dẫn đến suy yếu cơ, liệt và mất khả năng nói. Sự suy thoái của thần kinh điều khiển cuối cùng sẽ làm người bệnh tử vong. “Bố mẹ bảo rằng tôi chỉ còn 2-3 năm để sống. Tôi hiểu sự việc khá tồi tệ và không muốn biết thêm điều gì nữa”.

Giờ đây, ở tuổi 59, tác giả cuốn sách “Lược sử thời gian”nổi tiếng vẫn ngồi đó, trên chiếc xe lăn được trang bị máy tính và thiết bị điện tử tạo âm thanh. Bị liệt, ông phải sử dụng sức mạnh ở đầu ngón tay chọn từng chữ trên màn hình, ghép lại thành câu. Sau đó, những câu này sẽ được thiết bị điện tử chuyển hoá thành âm. Người ta không hiểu sức mạnh nào đã giúp cho Hawking sống qua chừng ấy năm, không ngừng nghiên cứu, để rồi trở thành nhà bác học vĩ đại của thế giới. Công trình nghiên cứu bức xạ của lỗ đen của ông được giới khoa học hết sức khen ngợi và đánh giá cao. Ông đã được trao 12 bằng danh dự, rất nhiều giải thưởng, huân chương, là thành viên của Hội đồng Hoàng gia Anh và Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ. Hiện tại, Hawking đang giữ một chức vụ quan trọng ở Đại học Cambridge. Hawking cho biết: “Trước khi mắc bệnh, tôi là một người chậm chạp và hay chán đời”. Bước vào tuổi thanh xuân, cái tin mình bị bệnh đã khiến ông “chẳng còn thiết gì nữa”. Nhưng giờ đây ông lại tin rằng mình đang “hạnh phúc hơn bất kỳ lúc nào trong thời gian 20 năm không bệnh tật”.

Hawking cho biết người ta thường xuyên hỏi ông: “Ông cảm thấy thế nào về căn bệnh của mình?”. Câu trả lời của nhà bác học là: “Không thấy gì nhiều. Tôi cố gắng sống càng bình thường càng tốt, không nghĩ về hoàn cảnh của mình, không nuối tiếc những việc mà bệnh tật đã khiến tôi không thể làm được”. Hawking khẳng định: “Rõ ràng có nhiều người còn khổ hơn tôi… Mỗi khi sắp sửa có ý than thân trách phận, tôi lại nghĩ đến điều đó”.

Có người hỏi "ông sẽ làm gì nếu không bị liệt?" Hawking đáp: “Tôi từng nghĩ mình sẽ trở thành một chính trị gia”. Ông còn nói đã từng mong ước được làm thủ tướng Anh. “Nhưng sau khi suy nghĩ, tôi cảm thấy công việc của tôi chắc chắn sẽ lâu dài hơn so với công việc của một vị thủ tướng”.

“Con người không bao giờ được để mất hy vọng”- đó là những gì nhà bác học Anh vĩ đại đã viết trên Website của mình.

Đoan Trang (theo AP)

6) Vũ trụ trong hệ tọa độ 11 chiều của Stephen Hawking

 

"Khi bạn đọc dòng này, thì cùng lúc, hàng trăm con người trong bạn cũng đang đọc nó. Những con người trong bạn - những kẻ đồng hành với bạn - tất cả có lẽ đều đang nhún vai như bạn. Đều lắc đầu, nghi hoặc...", Tạp chí khoa học P.M. của Đức đã mở đầu như vậy trong một bài viết về lý thuyết mới của nhà vật lý danh tiếng Stephen Hawking.

Ông hoàng vật lý người Anh này mới phát triển một mô hình vũ trụ từ những công thức toán học tỉ mỉ. Mô hình được trình bày trong cuốn sách "Vũ trụ trong một chiếc thuyền nhỏ", đang gây chấn động thế giới khoa học. Những phát kiến mới của Stephen Hawking dường như làm đảo lộn quan điểm khoa học truyền thống. Tất cả được trình bày bằng thuyết M - trong đó, M đồng nghĩa với magical (thần diệu), mystical (thần bí), hoặc mother (mẹ, gốc).

Tổng hợp thuyết tương đối và thuyết lượng tử

Trong khi thuyết tương đối giải thích thế giới ở dạng vĩ mô, có liên hệ với lực hấp dẫn, thì trong mô hình của thuyết lượng tử (miêu tả thế giới vi mô), không có sự hiện hữu của đại lượng này. "Vì thế, để hiểu được vũ trụ, chúng ta cần một lý thuyết mới: thuyết lượng tử hấp dẫn", Hawking nói. Theo đó, thuyết mới (thuyết M) có thể tổng hợp được hai lý thuyết vĩ mô và vi mô nói trên, và cung cấp những kiến giải chính xác về bản chất của vũ trụ.

Khi phát triển thuyết M, Hawking tin rằng đã đạt được những thành tựu bước ngoặt, dựa trên nền tảng của một lý thuyết rất nổi tiếng trong những năm gần đây: thuyết String. Thuyết này cho rằng, những thành tố nhỏ nhất tạo nên vũ trụ là những dạng thức hình sợi (string), chứ không phải dạng hạt. Nhưng ở xung quanh các sợi này, theo Hawking, có hiện hữu một trường hấp dẫn, và người ta có thể xác định được độ lớn của trường hấp dẫn ấy.

Tọa độ 11 chiều và hiện tượng linh cảm

Tiếp theo, dựa trên thuyết "lượng tử hấp dẫn" của mình, Hawking tính ra rằng, vũ trụ của chúng ta được hình thành từ 11 chiều. Nhưng chỉ có 4 chiều (3 không gian + 1 thời gian) là đã "mở", còn 7 chiều kia bị "cuộn" lại từ sau vụ nổ lớn.

Ý tưởng này của Stephen Hawking đang gây ra nhiều tranh cãi lớn, vì nhà vật lý này cho rằng có thể giải thích được hiện tượng "linh cảm" một cách khoa học bằng thuyết M: Trong mô hình vũ trụ của Hawking, cùng lúc tồn tại vô số những con người khác nhau trong một con người. Và cùng lúc, tất cả thông tin về vũ trụ ở mọi thời đại đều hiện hữu. Vì thế, hiện tượng "linh cảm" có thể giải thích bằng việc một con người nào đó trong bạn đã trải nghiệm điều mà bạn sẽ trải qua, và mách bảo cho bạn biết điều đó.

Minh Hy (theo P.M.)

7) Mô hình ngày tận thế 

 

Một minh họa về ngày tận thế. 

"Ông hoàng vật lý người Anh" Stephen Hawking mới đây đã đưa ra phỏng đoán, trong vòng 1.000 năm tới, loài người sẽ bị tiêu diệt bởi một loại virus do chính họ tạo ra. Dựa trên ý tưởng của Hawking, các nhà vũ trụ học Mỹ mới lập ra một mô hình ngày tận thế.

Theo mô hình này, virus sẽ xâm nhập và tiêu diệt loài người một cách từ từ và dai dẳng. Chúng là sản phẩm của loài người, do con người tạo ra để tiêu diệt lẫn nhau. Có thể so sánh chúng với những tên khủng bố, len lỏi giữa đám đông, gieo rắc nỗi kinh hoàng. Theo Hawking, một loại virus với tính chất như thế sẽ tiêu diệt nền văn minh của chúng ta trong thiên niên kỷ này, nếu con người không tìm được cách di cư vào vũ trụ.

Các nhà phê bình đang phản đối gay gắt cuốn sách mới của Hawking, mang tên "Vũ trụ trong một chiếc thuyền nhỏ". Họ cho rằng Hawking đã đưa ra nhiều phỏng đoán bi quan quá đáng về tương lai nhân loại. Tuy nhiên, chính sự bi quan này lại khiến cuốn sách trở nên hấp dẫn kỳ lạ, làm người ta đổ xô đi mua. Rõ ràng, nhân loại đặc biệt quan tâm đến "ngày tận thế".  

 

7) Thời gian chết

 

Không chỉ Hawking mà một đồng nghiệp nổi tiếng của ông ở ĐH Cambridge - Giáo sư Abraham Loeb - cũng quan tâm đến ngày tận thế. Loeb đưa ra giả thuyết về một ngày cuối cùng chậm chạp và buồn tẻ: Thời gian đứng im, các vì sao nguội lạnh, thiên hà tối tăm.

Đến nay, đa số các nhà vật lý đều đồng ý rằng có một sự khởi đầu là Big Bang. Tuy nhiên, họ vẫn còn tranh cãi về sự kết thúc của vũ trụ. Thuyết về cú sụp lớn (Big Crunch), cho rằng vũ trụ sẽ co sụp về trạng thái ban đầu, một thời đã được nhiều người ủng hộ. Nhưng mới đây, một số nhà khoa học cho rằng, số phận vũ trụ bất ổn định. Vũ trụ sẽ không co lại, mà cứ giãn nở ra mãi đến lúc tất cả các mặt trời đều tắt và không gian rộng lớn chỉ còn là bóng tối và sự giá lạnh.

Còn thiên hà của chúng ta? Giáo sư Loeb đã vẽ ra một bức tranh ảm đạm: tương lai, càng có ít ngôi sao phát sáng, và những ngôi sao cuối cùng thì nhợt nhạt như những đám băng. 

Mô hình của Loeb dựa trên hậu thuẫn của thuyết tương đối. Tuy nhiên, ông cũng đưa vào một số yếu tố hiện đại, ví dụ như sự tồn tại của lực vật chất tối, ngày càng đẩy vũ trụ ra xa nhau hơn. Loeb cũng quan tâm tới lý thuyết về các vật thể lạ (UFO). Lý thuyết này cho rằng, tâm linh của nhân loại từ lâu đã bị điểu khiển bởi những sinh thể lạ trong vũ trụ. Điều này giải thích vì sao con người có thể phạm những tội ác rùng rợn. Các sinh thể lạ cũng làm tâm thần con người điên loạn, ham muốn chiến tranh, giết chóc và tàn phá.

Minh Hy (theo Freenet.de)

8) Loài người sẽ tuyệt chủng trong thiên kỷ này?

 

Nhân loại sẽ bị "làm sạch" bởi một loại virus trước khi thiên niên kỷ này chấm dứt, trừ phi họ có thể chinh phục vũ trụ để chạy trốn khỏi mặt đất. Đó là cảnh báo của ông hoàng vật lý đương đại Stephan Hawking.

Hawking đưa ra bình luận trên khi nước Mỹ đang chao đảo bên bờ của một cuộc tấn công sinh học. Mấy tuần nay, vi khuẩn bệnh than được phát hiện ở Washington và ở các thành phố của New York, Nevada và Florida đã gieo rắc nỗi sợ hãi về nguy cơ có thật của một cuộc chiến sinh học đang lởn vởn trên đầu nhân loại.

Hawking nói: "Tôi không nghĩ rằng loài người sống sót được trong vòng 1.000 năm tới, trừ phi chúng ta di cư vào vũ trụ. Quá nhiều tai họa có thể xảy ra với một hành tinh trơ trọi như trái đất".

Stephan Hawking, người được tôn vinh như một vị chúa trời trong khoa học tự nhiên, ngang bằng với Isaac Newton và Albert Einstein, nói rằng, cuộc chiến cuối cùng sẽ không phải là chiến tranh hạt nhân, thiêu huỷ loài người trong khoảnh khắc như chúng ta vẫn lo ngại. Mà ngày tận thế sẽ đến từ từ, vô hình và dai dẳng. Nó đến dưới dạng các con vi khuẩn.

Tuy nhiên, tác giả của "Lược sử thời gian", một cuốn sách khoa học bán chạy nhất thế giới, vẫn tỏ ra rất lạc quan. Hawking nói: "Chúng ta sẽ bay tới các vì sao!".

Minh Hy (theo Reuters)

 

9) Stephen Hawking bị chỉ trích là cường điệu hoá

 

Stephen với những dự đoán ảm đạm và bất hạnh của trái đất.

Kịch bản bi đát về tương lai nhân loại do giáo sư tài hoa đưa ra mới đây đã vấp phải phản ứng gay gắt từ phía các nhà khoa học. Theo họ,lập luận của Hawking rất mâu thuẫn và chẳng có gì hơn ngoài mục đích thổi phồng cuốn sách sắp xuất bản.

Ông Hawking nhận định rằng, nhân loại có thể bị triệt hạ bởi những loài virus huỷ diệt do chính họ tạo ra, trước khi thiên niên kỷ này kết thúc. Điều này chỉ có thể tránh được nếu chúng ta thôn tính được các hành tinh khác trong vũ trụ làm thuộc địa mới. Ông cũng cho biết các công nghệ gene có thể sẽ được sử dụng để “cải tiến” con người, theo hướng phù hợp hơn với những hành trình trường kỳ gian khổ trong vũ trụ. Bình luận này được đưa ra vài ngày trước khi cuốn sách Vũ trụ trong một hạt dẻ của ông được xuất bản.

Lên án gay gắt quan điểm này, Tiến sĩ Benny Peiser, từ Đại học John Moores, Liverpool, Anh, cho rằng những dự báo gần đây của Hawking về thảm họa thế giới ngày càng thái quá và vô lý hơn. Trong khi đó, Arthur Clarke, một người dự báo vũ trụ nói: "Tôi ngạc nghiên khi thấy GS Hawking không đề cập đến nguy cơ một thiên thạch va vào trái đất, trong khi điều này sớm muộn không thể tránh khỏi. Rõ ràng, nó có khả năng triệt hạ toàn thể loài người, đưa nhân loại trở về thời kỳ đồ đá”.

Nhà nhân loại học hàng đầu nước Anh, Tiến sĩ Benny Peiser, mô tả lời những lời bình của ông Hawking là “sự cường điệu đáng tiếc”.

Ông nói: “Hơn một năm trước đây, ông ta cảnh báo rằng trái đất sẽ nóng lên rất nhanh do các sản phẩm CO2 nhân tạo, cho đến khi nó trở thành một phiên bản của sao Kim với axit sulphua nóng chảy… Nay, vẽ trong nỗi khiếp đảm về khủng bố sinh học, ông ta lại tiên tri rằng loài người sẽ tự huỷ diệt mình bằng các nghiên cứu sinh học. Ông ấy thổi phồng nguy hiểm mà chúng ta có thể phải đối mặt, trong khi lại lờ đi các giải pháp về y học, công nghệ hay xã hội mà con người có thể đạt tới để khắc phục nó".

Theo Tiến sĩ Peiser, con người và tổ tiên của mình đã sống sót hơn 5 triệu năm, chiến thắng những thảm họa khốc liệt như thời kỳ băng giá, các ảnh hưởng từ vũ trụ và bệnh dịch toàn cầu. Ông nói: “Xã hội tiến hoá và trình độ tinh xảo của công nghệ đã đem đến cho con người khả năng sống sót trong 1.000 năm tới, mạnh hơn bất cứ thời điểm nào trong lịch sử của chúng ta. Không có lý do để tin rằng những người sống trong thiên niên kỷ này là thế hệ cuối cùng trên trái đất”.

B.H. (theo BBC)