Vào năm 1915, con tầu biển Lusitania của
nước Anh bị tầu ngầm Đức đánh đắm bằng thủy lôi, đã mang theo 1,198
sinh mạng xuống đáy biển. Trong số nạn nhân kể trên, có 124 người
Mỹ. Thảm cảnh này đã khiến Tổng Thống Woodrow Wilson từ bỏ chính
sách trung lập và Hoa Kỳ tuyên chiến với nước Đức. Sự tham chiến của
Hoa Kỳ đã là yếu tố quyết định cho cuộc Đại Chiến Thế Giới 1914 -18.
Trong cuộc chiến tranh Nga-Nhật năm 1905, nếu tầu ngầm được người
Nga xử dụng sớm hơn vài năm thì chưa chắc Hạm Đội của Nga Hoàng đã
chìm sâu trong lòng biển và dân tộc Phù Tang cũng khó lòng đoạt được
các chiến công vẻ vang khiến cho cả thế giới phải ngạc nhiên, khâm
phục.
Tầu ngầm, tên sát nhân của biển khơi, đã được Simon Lake sáng tạo
ra, căn cứ vào các gợi ý của nhà văn người Pháp Jules Verne. Simon
Lake được đọc cuốn truyện "20 Ngàn Dậm Dưới Đáy Biển" (Twenty
Thousand Leagues under the Sea) của Jules Verne vào năm lên 10 tuổi.
Lake đã mơ tưởng một ngày kia, sẽ chế tạo một chiếc tầu ngầm hoàn
hảo hơn chiếc tầu giả tưởng Nautilus.
1/ Suy nghĩ về tầu ngầm.
Simon Lake sinh trưởng trong một gia đình có tài về cơ khí. Gia đình
này chưa hề mua một thứ máy móc nào mà họ có thể chế tạo ra được.
Ông nội của Simon đã làm ra một máy gieo hạt giống và cha của Simon
cũng phát minh được một thứ mành cửa sổ (cuốn sáo), còn các người
khác trong gia đình đều có óc sáng tạo và đã cải tiến về máy đánh
chữ, về máy điện thoại, về dụng cụ in màu.
Do đọc cuốn truyện giả tưởng của Jules Verne, Simon Lake thường mơ
mộng về một chiếc tầu ngầm, cậu ngỏ ý tưởng này với cha. Simon đã
được cha khuyên bảo nên học hành trước đã. Do sở thích, Simon theo
học nghề thợ máy rồi trong các thời giờ nhàn rỗi, cậu tham dự các
lớp kỹ thuật của Viện Franklin trong thành phố Philadelphia.
Vào năm 15 tuổi, Simon được đọc một cuốn sách chỉ dẫn cách chế tạo
tầu thủy. Cậu đã suy từ đó ra cách làm một tầu ngầm và đã hoàn thành
được một chiếc nhỏ. Nhưng điều làm Simon thắc mắc là cách dự trữ
không khí cần thiết cho người thủy thủ. Simon làm thêm một dụng cụ
cho phép cậu tìm hiểu thời gian ở dưới nước. Cậu đã ấn đầu dưới nước
để thở nhưng cậu không làm thí nghiệm này được lâu vì một người hàng
xóm tưởng cậu bị chết đuối, đã lôi đầu cậu lên. Mặc dù với các dụng
cụ sơ sài, Simon tìm thấy cách làm dụng cụ cho phép cậu có thể thở
dưới nước trong nửa giờ đồng hồ, rồi do nhiều thí nghiệm khác nhau,
cậu tìm ra được thể tích không khí thở cần thiết trong một đơn vị
thời gian.
Năm 1893, Simon Lake đã phác họa hình ảnh một chiếc tầu ngầm phóng
thủy lôi vào một tầu chiến nhưng rồi ý tưởng xử dụng tầu ngầm vào
phạm vi quân sự không hấp dẫn cậu được lâu dài. Simon cũng ý thức
được công dụng của tầu ngầm trong các công tác mò ngọc trai, khai
thác các mỏ dầu, các quặng mỏ và vớt các hàng hóa bị chìm dưới đáy
biển.
Trong khi Simon Lake đang trù liệu về chiếc tầu ngầm của mình thì
John Philip Holland cũng theo đuổi cùng một mục đích. Khi Simon 11
tuổi, Holland đã đóng chiếc tầu ngầm Fenian Ram cho các đồng chí
người Ái Nhĩ Lan để đánh đắm các tầu chiến của nước Anh, nhưng rồi
Holland đã gặp thất bại nhiều lần nên đành tạm bỏ dở công trình
nghiên cứu.
Vào thời bấy giờ, Simon Lake thấy rằng các tầu ngầm đã được đóng
theo một nguyên tắc sai lầm. Tầu đã chúi mũi lặn xuống như một con
cá heo, điều này làm cho việc điều khiến trở nên khó khăn và tầu dễ
bị cắm đầu xuống đáy biển. Simon liền nghĩ ra cách dùng các cánh nhỏ
lắp tại mũi và đuôi, cho phép tầu lặn xuống mà vẫn giữ vị thế nằm
ngang, phương pháp này ngày nay còn được mọi tầu ngầm trên thế giới
xử dụng.
Simon Lake còn tìm ra một phương pháp cho phép thủy thủ trong tầu
ngầm ra ngoài để vớt các đồ vật dưới đáy biển. Tầu ngầm của ông có
một căn phòng gồm hai cửa thật kín nước, một cửa mở vào trong và một
cửa mở ra biển. Khi người thủy thủ bước vào phòng, người đó đóng
chặt chiếc cửa mở vào thân tầu rồi bơm không khí vào căn phòng cho
đến khi áp suất không khí khá cao, đủ để giữ nước ở ngoài, rồi người
đó mới mở chiếc cửa ăn thông ra biển. Ông còn phát minh ra một bộ
phận an toàn, gắn vào cần trục, khiến cho bánh xe ở bộ máy trục
không quay ngược chiều. Bộ phận này về sau được dùng tại tất cả các
con tầu có cần trục.
2/ Tầu ngầm Argonaut.
Vào một ngày trong năm 1892, Simon Lake được đọc một tờ báo trong đó
Bộ Hải Quân Hoa Kỳ gọi đấu thầu việc chế tạo một chiếc tầu ngầm.
Lake liền mang tất cả sơ đồ về chiếc tầu ngầm của mình tới Thủ Đô
Washington, được các nhân vật có thẩm quyền hỏi han trong chốc lát
rồi kế hoạch của ông không được quan tâm tới. Có thể vì Simon Lake
chỉ là một người thợ máy bình thường, ăn mặc soàng sĩnh, không tiền
bạc, không bạn bè giới thiệu, vì thế chiếc tầu ngầm của ông không
được cơ xưởng đóng tầu chấp nhận và giao kèo đóng tầu 150 ngàn mỹ
kim về tay địch thủ của ông là John Philip Holland. Thời bấy giờ,
Holland đã trù tính đóng chiếc tầu ngầm Plunger có hình dáng giống
như một điếu xì gà. Bực mình vì dự án chế tạo hoàn hảo hơn lại không
được chấp nhận, Simon Lake tuyên bố rằng ông sẽ không trở lại Thủ Đô
Washington cho đến khi nào Bộ Hải Quân phải mời ông tới.
Simon Lake bèn quyết định tự đóng một chiếc tầu ngầm. Ông tới Wall
Street để tìm người ủng hộ công trình chế tạo nhưng thất bại. Lake
đành quay về với gia đình và nhờ bà con trợ giúp. Vì thế, chiếc tầu
ngầm Argonaut Jr. dài 4 thước được thực hiện. Tầu có các bể chứa để
hút nước vào, lại có 3 bánh xe, bánh trước dùng để lái và hai bánh
sau được chuyển vận bằng một tay quay do sức của người ngồi trong
tầu. Lake đã để căn phòng mở ra biển ở dưới bụng tầu. Tầu được dẫn
không khí xuống bằng một ống nối vào một chiếc phao nổi trên mặt
nước.
Ngày hạ thủy con tầu ngầm Argonaut Jr. trên sông Shrewsbury được
thực hiện một cách âm thầm. Lake và một người em họ đã dùng tầu ngầm
này chạy qua lòng sông và trở về an toàn. Lake cũng quan sát được
các sinh vật sống dưới nước. Với chiếc tầu ngầm này, Lake cho chạy
tại Vịnh New York và đã mặc bộ quần áo lặn do ông chế tạo rồi xuống
đáy biển thám hiểm. Sự thành công về chiếc Argonaut Jr. khiến cho
Simon Lake càng vững niềm tin tưởng. Ông trù tính đóng một chiếc tầu
ngầm thứ hai lớn hơn với tên gọi là Argonaut I theo đúng dự án đã
trình lên Bộ Hải Quân.
Lúc bấy giờ, người chú của Simon Lake cũng mời được nhà tài chính
người New York tên là Nathan Straus tới xem xét công dụng của tầu
ngầm. Straus với gặp Lake vào một ngày nóng nực. Nhà phát minh Lake
mang con tầu ngầm ra biểu diễn, nhưng chẳng may đúng vào lúc đó, có
một chiếc tầu thủy rất lớn chạy qua, các làn sóng đã đập chiếc tầu
ngầm vào cầu tầu khiến cho vài bộ phận trong con tầu bị hư hại.
Straus bỏ ra về và Lake lại bị lỡ một dịp may mắn.
Do không đủ tiền theo đuổi công cuộc chế tạo, Simon Lake đành mang
biểu diễn chiếc tầu ngầm của mình trước công chúng. Nhiều người đã
nghi ngờ về khả năng của tầu ngầm. Họ cho rằng các đồ vật mà nhà
phát minh vớt từ đáy biển lên chỉ là một trò bịp bợm. Nhiều người đã
thử tài Simon Lake bằng cách buộc một miếng gỗ có viết tên vào một
vật nặng rồi ném xuống biển. Lake đã vớt được đầy đủ các đồ vật đó
lên để đập tan mối hoài nghi của mọi người, nhờ vậy Simon Lake đã
bán được các cổ phần và Công Ty Lake Torpedo Boat bắt đầu chế tạo
một chiếc tầu ngầm có khích thước lớn. Tầu ngầm này được đóng hoàn
toàn bằng kim loại, dài 12 thước, có động cơ chạy săng, đã di chuyển
dưới nước mà không bị ảnh hưởng của bão táp. Vì thế nhiều người đã
phải quan tâm tới nó.
Simon Lake đã chở chiếc tầu ngầm lớn này tới thành phố Bridgeport
thuộc tiểu bang Connecticut và mời viên thị trưởng, vài nhân vật
danh tiếng cùng các nhà báo đi thử bằng tầu ngầm. Hai mươi tám quan
khách này đã lần lượt cùng nhà phát minh lặn xuống đáy hải cảng và
thăm căn phòng thợ lặn. Cuộc thăm viếng đã kéo dài quá lâu khiến cho
một số đông dân chúng đứng trên bờ tưởng rằng tầu ngầm ngộ nạn nên
đang lo lắng chờ xem chiếc tầu cấp cứu làm việc!
Khi xẩy ra cuộc nổi dậy của người Cuba chống lại quân Tây Ban Nha,
các phần tử Cuba lưu vong đề nghị mua chiếc tầu ngầm Argonaut của
Simon Lake với giá 3 triệu mỹ kim nhưng với hai điều kiện : tiền sẽ
trả khi cuộc cách mạng thành công và phải để cho một sĩ quan hải
quân Cuba thử tầu trước khi mua. Với hai điều kiện này, Simon Lake
đều đồng ý nhưng không may cho nhà phát minh, trong cuộc thử tầu
viên sĩ quan Cuba không quen với áp suất không khí cao bên trong tầu
nên cuộc thương lượng bị gián đoạn.
Vào năm 1898, cuộc chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Tây Ban Nha bùng nổ.
Simon Lake liền mang chiếc tầu ngầm của mình tới Hampton Roads thám
hiểm lòng sông và ghi rõ vị trí của các quả thủy lôi. Rồi Lake trình
bày cho các thẩm quyền Hải Quân Hoa Kỳ biết về khả năng của tầu ngầm
trong việc cắt dây cáp, gỡ thủy lôi. Trước các chứng cớ hiển nhiên
do Lake trưng ra, các sĩ quan Hải Quân đều phải kinh ngạc nhưng họ
đã không ý thức được phát minh mới, lại cho rằng Lake là gián điệp
và đe dọa nhà phát minh nếu còn làm các công việc tương tự.
Trong khi Simon Lake gặp khó khăn thì Philip Holland lại được Công
Ty Electric Storage Battery tại thành phố Philadelphia trợ cấp và đã
thành công về một thứ tầu ngầm khá hoàn hảo nên được Bộ Hải Quân
chấp nhận vào năm 1900. Bộ Hải Quân còn đặt Holland đóng tiếp 6
chiếc tầu ngầm khác.
Mặc dù bị Holland bỏ xa, Simon Lake vẫn theo đuổi công cuộc nghiên
cứu. Ông thấy rằng cần phải có một thứ dụng cụ cho phép thủy thủ ở
dưới tầu ngầm quan sát được trên bờ khi tầu đang lặn. Lake nhờ các
nhà quang cụ nhưng họ đều lắc đầu trước ý tưởng của nhà phát minh.
Vì thế Lake đành phải tự mình nghiên cứu. Với sự trợ giúp của một
nhà khoa học, Lake đã thành công trong việc chế tạo viễn kính toàn
cảnh (periscope). Về sau này, Simon Lake được biết cũng có một nhà
khoa học người Anh là Sir Howard Grubb đã phát minh ra được một dụng
cụ tương tự.
Những cải tiến về tầu ngầm của Simon Lake đã khiến cho các sĩ quan
Hải Quân cao cấp phải chú ý. Lake liền đóng chiếc tầu ngầm thứ ba
dài 20 thước có tên là Protector với ý định dùng vào việc tuần phòng
duyên hải. Lake đã viếng thăm Bộ Trưởng Chiến Tranh William Howard
Taft và trình bày sáng kiến của mình. Ba sĩ quan vì thế được phái
đến dự kiến cuộc thử tầu. Chiếc tầu ngầm Protector được nhà phát
minh cho lặn xuống nước trong 10 giờ rồi di chuyển dưới các lớp băng
và thực tập cả việc thả thủy lôi. Trước khả năng của tầu ngầm này,
các nhân viên giám định đã làm một tờ trình đầy đủ chi tiết với
nhiều lời ca tụng và Thượng Viện Hoa Kỳ dự định bỏ phiếu mua phát
minh đó nhưng rồi trong một cuộc bàn cãi, việc mua tầu ngầm
Protector bị bác bỏ.
3/ Tầu ngầm được nhiều quốc gia xử dụng.
Khi cuộc chiến tranh Nga-Nhật xẩy ra vào năm 1904, cả hai quốc gia
này đều phái người đến hỏi mua chiếc tầu ngầm của Simon Lake. Nhà
phát minh không muốn bán thứ võ khí này cho bất cứ quốc gia nào
nhưng đứng trước mối đe dọa bị phá sản, Lake đành phải chọn lựa nước
Nga. Chiếc tầu ngầm Protector được trục lên một con tầu chở hàng rồi
được phủ kín và chở sang nước Nga. Simon Lake cũng theo sang Nga với
tên giả là Elwood Simon.
Tại nước Nga, chiếc tầu ngầm Protector được thử trong hồ Liepaja.
Tầu phải bơi từ ngoài khơi, men theo con sông lượn khúc mà không để
bị khám phá. Sau cuộc thử thách khó khăn, chiếc tầu ngầm Protector
được chuyên chở bằng xe lửa tới hải cảng Vladivostock. Rồi Lake lại
đóng cho nước Nga một chiếc tầu ngầm cùng kiểu. Rất tiếc là nước Nga
đã dùng tới tầu ngầm quá chậm trễ, nên không thể làm thay đổi cục
diện của chiến cuộc.
Việc xử dụng tầu ngầm tại nước Nga làm cho Hãng Krupp phải chú ý.
Đây là một xưởng lớn chuyên chế tạo võ khí chiến tranh của nước Đức.
Krupp định ký với Simon Lake một giao kèo để chế tạo tầu ngầm nhưng
rồi giao kèo bị xé bỏ vì bằng phát minh của Lake không được bảo đảm
tại nước Đức. Sau này Hãng Krupp đã cải tiến tầu ngầm của Simon Lake
thành loại tầu ngầm kiểu U lừng danh.
Công dụng của tầu ngầm vào thời gian sau này mới được người Mỹ biết
tới. Hải Quân Hoa Kỳ liền đặt mua chiếc tầu ngầm Seal của Simon Lake
và đem xử dụng vào năm 1912. Simon Lake cũng được chính phủ Hoa Kỳ
đặt đóng thêm 5 chiếc tầu ngầm nữa. Trong cuộc Đại Chiến Thứ Nhất,
cơ xưởng của Simon Lake tại Bridgeport, Ct., và Long Beach, Ca., đã
sản xuất hơn 40 tầu ngầm cho Hải Quân Hoa Kỳ.
Vào năm 1932, Simon Lake đã bỏ ra một món tiền để đóng chiếc tầu
ngầm Explorer với mục đích tìm hiểu đại dương, tìm kiếm các mỏ dầu
lửa và vớt các kho tàng bị chìm trong lòng biển nhưng công trình này
gặp thất bại vì thiếu vốn.
Simon Lake luôn luôn mơ tưởng về các công dụng hòa bình của tầu
ngầm. Ngay từ năm 1899, ông Lake đã bênh vực việc xử dụng tầu ngầm
vào công cuộc thám hiểm Bắc Cực. Simon Lake tuyên bố rằng tầu ngầm
là phương tiện cho phép các nhà thám hiểm đi luồn dưới các băng sơn
để khám phá các vùng đất chưa được biết tới. Ý tưởng này của Simon
Lake về sau được các tầu ngầm nguyên tử Hoa Kỳ thực hiện một cách
hoàn hảo.
http://vietsciences.free.fr |