|
|
Năm 1907, Picasso và Braque khởi đầu một phong
trào hội họa gọi là Trường Phái Lập Thể (Cubism). Đây là kết quả
từ lời nói xác định của họa sĩ Paul Cezanne: “Bạn phải nhìn thấy
trong thiên nhiên các khối trụ, khối cầu và khối chóp nhọn “.
Picasso đã theo sát lời nói này và từ đó, trong các bức tranh
của Picasso, đường lối lập thể phân tích (analytical cubism) đã
làm thay đổi các hình dạng thiên nhiên thành các thể hình học
căn bản và rồi về sau, dẫn tới đặc tính diễn tả đồng thời
(simultaneity) tức là các diện khác nhau của một đề tài được
trình bày đồng thời với nhau và đè lên nhau.
|
Pablo Picasso đã khai phá một loạt đường hướng hội họa, mỗi thứ
lại khác hẳn các thứ kia và quan tâm tới vài vấn đề đặc biệt
trong cách mô tả đời sống hay trong phong cách diễn tả nội tâm.
Picasso cũng là một trong các nghệ sĩ hội họa đã khai triển loại
vẽ trừu tượng qua đó chỉ có các phẩm chất chọn lọc của đề tài
mới được dùng trong bức vẽ hoàn tất.
Pablo Picasso là một nhà danh họa gốc Tây Ban Nha nhưng đã sống
gần như trọn đời tại nước Pháp. Ngày nay hầu như không một họa
sĩ nào không chịu ảnh hưởng của ông. Với các đặïc tính cực kỳ
thực nghiệm và sáng tạo, Pablo Picasso được nhiều người coi là
nhà danh họa quan trọng bậc nhất của thế kỷ 20.
Pablo Picasso sinh ngày 25 tháng 10 năm 1881 tại Málaga, Tây Ban
Nha, là con của ông Jose Ruiz Blasco và bà Maria Picasso Lopez.
Khi ông Blasco giảng dạy môn hội họa tại La Coruna thì Picasso
đã được cha dạy vẽ ở tuổi lên 10, lúc gia đình mới dọn qua nơi
này. Tài năng thiên phú đã cho phép cậu nhỏ Pablo làm nhiều thí
nghiệm về các điều học hỏi rồi phát triển các cách diễn tả mới
bằng các bức họa chứng tỏ Pablo đã vượt qua khả năng của chính
người cha ruột. Cũng tại La Coruna, trước tham vọng của cậu con
trai, ông Blasco đã dành cho cậu các phương tiện hội họa, các
người mẫu và giúp cậu con thể hiện tài năng tối đa nhờ thế, các
tác phẩm đầu tiên của Pablo đã xuất hiện trong cuộc triển lãm
khi cậu mới được 13 tuổi.
Vào mùa thu năm 1895, gia đình Blasco dọn tới Barcelona, cậu Pablo
theo học tại Hàn Lâm Viện Nghệ Thuật La Llotja và tại nơi này,
ông Blasco đã đảm nhận chức vụ giảng dạy Hội Họa lần cuối. Sống
tại thành phố lớn thứ hai của nước Tây Ban Nha và theo học Viện
Nghệ Thuật, Pablo đã sớm được công nhận là một họa sĩ trẻ có tài
và vào năm 1897, bức họa “Khoa học và Từ thiện“ (Science and
Charity) đã đoạt giải thưởng danh dự tại Madrid trong một cuộc
triển lãm mỹ thuật. Cũng vào mùa thu năm này, Pablo theo học Hàn
Lâm Viện Hoàng Gia tại San Fernando nhưng vì cảm thấy lối giảng
dạy tại nơi đây tầm thường, Pablo đã dành thời giờ ghi lại đời
sống chung quanh bằng các bức họa mô tả quang cảnh đường phố,
các nhân vật trong các quán cà phê, nơi các nhà chứa. Khi tới
thủ đô Madrid, Pablo đã có nhiều dịp thăm viếng các viện bảo
tàng, suy ngẫm về các bức họa nổi danh của Velazquez, El Greco,
Goya … mà sau này các nhân vật của các họa sĩ cổ điển Tây Ban
Nha đã xuất hiện trong nhiều tác phẩm của Picasso nhưng dưới các
hình thức khác.
Tới mùa xuân năm 1898, Pablo bị bệnh và phải điều dưỡng vài tháng
tại làng Horta de Ebro, khi trở lại Barcelona vào đầu năm 1899,
Pablo đã trở nên một con người mới, mập mạp hơn, biết nói tiếng
Catalan và đoạn tuyệt với cách huấn luyện của trường hội họa và
các chương trình do gia đình đặt ra. Cũng từ đây, Pablo quyết
định dùng tên mẹ để ký trên các tác phẩm là P. R. Picasso để rồi
tới năm 1901, lại bỏ luôn chữ giữa là Ruiz, họ của cha.
Tại Barcelona, Pablo gia nhập nhóm các nghệ sĩ và văn sĩ Catalan,
những người hướng về thành phố Paris là kinh đô nghệ thuật. Họ
thường lai vãng quán cà phê Els Quatre Gats (4 con mèo), với lối
sinh hoạt và trang trí dập khuôn theo quán “Con Mèo Đen “ của
thành phố Paris. Chính tại quán nghệ sĩ này, Pablo đã trưng bày
các tác phẩm lần thứ nhất vào tháng 2 năm 1900 với hơn 50 chân
dung, diễn tả bằng các phương tiện khác nhau. Cũng trong một kỳ
triển lãm tại Barcelona, tác phẩm “Các lúc cuối cùng“ (Last
Moments) với sắc độ tăm tối, u ám, mô tả sự viếng thăm của một
tu sĩ bên giường của một người đàn bà hấp hối, đã được chấp nhận
vào nhóm họa phẩm Tây Ban Nha trưng bày trong cuộc Triển Lãm
Quốc Tế tại Paris năm 1900. Rồi do lòng ham muốn được thử thách
các tác phẩm hội họa và do muốn có kinh nghiệm về “Kinh Đô Aùnh
Sáng“, Pablo đã cùng một người bạn học tên là Carles Casagemas
qua Pháp, cư ngụ tại xóm Montmartre, thuộc thành phố Paris.
Mọât trong các khám phá đầu tiên của Pablo Picasso trong lần cư
ngụ tại Paris từ tháng 10 tới tháng 12 là “màu sắc“, không phải
các màu vàng, các màu nâu của phong cảnh Tây Ban Nha, không phải
màu đen của chiếc khăn mỏng trùm trên đầu các phụ nư õ… mà là
các màu sắc rực rỡ, màu vàng của Van Gogh, các màu sắc đặc biệt
của một thành phố đang cử hành cuộc hội chợ quốc tế. Picasso đã
dùng than, phấn tiên, màu nước, màu dầu để ghi lại các lối sống
nơi thủ đô của nước Pháp như họa phẩm “Các tình nhân trên đường
phố “(Lovers in the Street -1900). Picasso đã thử nghiệm lối vẽ
chấm nét (dotted style) của trường phái ấn tượng (Impressionism)
và đã bị ảnh hưởng bởi các họa sĩ T. A. Steilen người Thụy Sĩ,
Toulouse-Lautrec nhà hậu ấn tượng người Pháp
(Post-Impressionist) và bởi cả Isidre Nonell, một họa sĩ bạn
nhiều tuổi hơn và có tài năng từ Barcelona. Tác phẩm quan trọng
nhất trong thời kỳ này của Picasso là bức họa “Sàn quay Galette”
(le Moulin de la Galette -1900).
Vào tuổi 18 và khi sống tại Paris từ giữa tháng 10 tới tháng 12
năm 1900, Picasso đã bán được 3 tác phẩm hội họa nhỏ, vẽ cảnh
đấu bò rừng, hai bức bằng sơn dầu, một bức bằng bột màu
(gouache) cho Berthe Weill, lấy 100 đồng tiền franc vàng. Một
người cùng xứ tên là Petro Manach đã đề nghị trả mỗi tháng cho
Picasso 150 đồng franc vàng để đổi lấy các sáng tác. Đây không
phải là một số tiền lớn nhưng đối với tuổi của Picasso lúc bấy
giờ lại sống ở một xứ sở xa lạ, đối với giá sinh hoạt thời đó,
thì sự trả giá đó rất đáng kể.
Sau hai tháng sống tại Paris, Picasso trở về Tây Ban Nha với
Casagemas rồi tới Madrid, làm giám đốc mỹ thuật (art editor) cho
một tờ báo mới có tên là Arte Joven. Nhưng cũng vào lúc này,
Casagemas đã trở lại Paris với ý định bắn chết người yêu nhưng
không thành, nên đã quay súng vào đầu mình, tự sát. Sự việc này
đã ảnh hưởng khá nhiều tới Picasso, có lẽ vì ân hận đã bỏ rơi
một người bạn, ông đã trải qua một xúc động mạnh. Vài tháng sau
vào năm 1901, Picasso đã vẽ hai “Chân dung chết “ (death
portraits) của Casagemas cũng như hai cảnh đám tang (Mourners và
Evocation) và rồi vào năm 1903, Casagemas lại xuất hiện trong
tác phẩm “Đời Sống“ (La Vie).
Thời gian từ 1901 tới giữa năm 1904, khoảng thời gian ngắn hơn 3
năm là giai đoạn Picasso sáng tác bằng “màu xanh“, một màu áp
đảo trong các tác phẩm hội họa và màu xanh thường được coi là
màu phản ánh các hoàn cảnh vật chất của Picasso thời bấy giờ.
Thời Kỳ Xanh (the Blue Period) của Picassso có lẽ bắt đầu khi họa
sĩ sống tại Madrid từ tháng 2 tới tháng 4 năm 1901, khi mà
Picasso khởi đầu bằng màu lạnh, đặc biệt với các sắc lục (green)
và sắc xanh (blue tones) như trong các tác phẫm “Người đàn bà
mặc áo xanh“ (Woman in Blue), ký tên P. Ruiz Picassso, và “Bà áo
xanh“ (Lady in Blue), ký tên Picasso. Vào thời kỳ này, các chủ
đề và đường hướng vẽ (styles) khác hẳn với những thứ tương tự
vài tháng sau. Picasso thường hay vẽ các cô gái làng chơi đội
chiếc mũ rộng vành. Vào lúc đầu của Thời Kỳ Xanh, Picasso đã
tiến vào môi trường hội họa như là một nghệ sĩ thiên về đường
nét (lines) và xây dựng (construction) hơn là thiên về màu sắc
và Picasso đã làm phát triển tài năng qua cách dùng nhiều sắc độ
(tones) của cùng một thể mầu.
Màu nóng là đặc tính của các bức họa của miền bắc châu Âu trong
khi các họa sĩ miền nam trong đó có họa sĩ Tây Ban Nha, lại ưa
dùng màu lạnh và mặc dù sống tại Paris, Picasso vẫn tưởng nhớ
tới Málaga với biển xanh, với mặt trời đỏ và khí hậu ấm áp còn
Paris là nơi để học hỏi và làm việc, là ngã tư đường của các tư
tưởng mới.
Picasso đã đi qua lại giữa Barcelona và Paris, mang theo chất liệu
để sáng tác. Vào tháng 4/1901, Picasso đã trưng bày các họa phẩm
bằng phấn tiên (pastels) trong cuộc triển lãm đơn độc tại Sala
Parés ở Barcelona rồi vào cuối tháng 6 năm đó, phòng triển lãm
Ambroise Vollard tại Paris cũng trình bày 64 họa phẩm của
Picasso cùng với tác phẩm của Francisco Iturrino, môt họa sĩ
người miền Basque và cũng kể từ lúc này, Pablo Picasso chỉ ký
tên là Picasso mà không là P. Ruiz Picasso. Các cuộc triển lãm
kể trên rất thành công, số tranh bán được khá nhiều.
Khi thăm viếng nhà tù Saint Lazare tại Paris trong năm 1901/02,
Picasso đã vẽ các phụ nữ tội phạm như trong tác phẩm “Tô súp“
(the Soup-1902). Tại Barcelona trong các năm 1901/03, họa sĩ
cũng mô tả các người ăn xin mù lòa hay cô đơn, những kẻ lang bạt
(Crouching Woman-1902, Blind Man’s Meal-1903, Old Jew and a
Boy-1903).
Cuối cùng Picasso quyết định di chuyển hẳn qua sống tại thành phố
Paris vào mùa xuân năm 1904 và từ nay, các tác phẩm của ông đã
bộc lộ sự thay đổi về tinh thần và đặc biệt, thay đổi về các
đường hướng nghệ sĩ và trí thức. Picasso đã cùng với một người
bạn mới, một thi sĩ tên là Guillaume Apollinaire, quan tâm tới
những gánh xiếc dạo, những người làm trò và đây là những đề tài
với các tác phẩm như “Thiếu nữ giữ thăng bằng trên trái banh“
(Girl balancing on a Ball-1905), “Người diễn viên“ (the
Actor-1905).
Do trạng thái của tâm hồn, do sự gợi cảm, Picasso đã dùng màu Xanh
để diễn tả tình cảm bi quan của ông vào cuối thế kỷ, thời kỳ u
ám sống với thiếu thốn, đói khát và lạnh giá tại một nơi xa quê
hương ấm áp. Nhưng cuối cùng vào năm 1904, các hoàn cảnh cá nhân
của Picasso đã thay đổi, nhất là khi nàng Fernande Olivier trở
nên người tình của họa sĩ. Cũng vào thời gian này, Picasso có
những bạn thân như Max Jacob, Gertrude và Leo Stein người Mỹ và
nhất là với Georges Braque mà sau đó, Picasso đã khởi đầu một
lối vẽ cấp tiến trong thế kỷ 20, đó là đường lối Lập Thể (cubist
style). Sự có mặt của cô nàng Fernande Olivier đã gợi hứng cho
họa sĩ vẽ các tác phẩm như “Người đàn bà với các ổ bánh“ (Woman
with Loaves-1909), “Đầu một người đàn bà“ (Head of a Woman-1909)
và “Người đàn bà với các trái lê“ (Woman with Pears-1909).
Vào khoảng cuối năm 1904, các sắc độ Xanh trong tác phẩm của
Picasso lại được thay thế bằng các ánh vẻ hồng, nâu và nâu đất.
Đây là “Thời Kỳ Hồng“ với các đề tài di chuyển từ những quán cà
phê, quán nhậu của thành phố sang những người hát dạo, các kẻ
làm xiếc của miền quê, những con người sinh hoạt trên mọi nẻo
đường với cách diễn tả khách quan hơn. Tác phẩm gây ấn tượng
nhất với thể loại màu mới, nhẹ nhàng, là tấm “Gia đình người làm
xiếc“ (the Family of Saltimbanques-1905) trên đó từng nhân vật,
được đặt trong một khung cảnh thưa thớt, đủ nói lên nỗi cô đơn
cuả họ. Cũng vào thời gian này, do nghiên cứu về ngành điêu khắc
cổ sơ của bán đảo Iberian, Picasso đã làm phát triển ảnh hưởng
đó bằng các tác phẩm “Chân dung của Gertrude Stein“ (Portrait of
Gertrude Stein-1906) và “Chân dung tự họa“ (Self-Portrait with
Palette-1906).
3/ Trường phái Lập Thể.
Tới khoảng cuối năm 1906, một loại bố cục mới được Picasso bắt
đầu. Do ảnh hưởng của việc nghiên cứu nghệ thuật châu Phi,
Picasso đã tạo nên một tác phẩm mang tính tranh luận bằng cách
vẽ mặt các nhân vật giống như những chiếc mặt nạ và thân hình
phụ nữ được mô tả bằng các hình góc cạnh : họa phẩm “Các cô gái
Avignon“ (Les Demoiselles d’Avignon-1907). Đây là hình ảnh các
gái điếm của đường phố Avignon thuộc thành phố Barcelona, mô tả
bằng hình khỏa thân, phần che khuất đã được biến thể bằng cách
đơn giản hóa dần dần. Qua họa phẩm này, người ta đã thấy Picasso
chịu ảnh hưởng của El Greco, đường lối điêu khắc của bán đảo
Iberian và châu Phi, và cách trình bày không gian cạn (shallow
space) của Paul Cezanne. Họa phẩm “Các cô gái“ (Desmoiselles)
này đã chứa đựng bên trong ngữ vựng căn bản của trường phái Lập
Thể (Cubism).
Từ 1909, Picasso đã nổi danh tiếng là một họa sĩ có biệt tài tại
thành phố Paris và tại châu Âu. Ông dọn nhà từ khu nghèo nàn
Bateau Lavoir về nơi tiện nghi là khu vực Boulevard de Clichy và
thường đi nghỉ hè tại xứ Provence hay xứ Tây Ban Nha. Trong các
năm từ 1909 tới 1912, Picasso đã cùng với Georges Braque khai
triển một trường phái hội họa mới, được gọi tên là “Lập Thể Phân
Tích“ (Analytical Cubism). Những họa sĩ lập thể ban đầu đã bị
chỉ trích về thứ nghệ thuật hình học của họ nhưng thực ra, những
người theo đường lối hội họa mới này đã trình bày một loại thực
tế mới, khác hẳn với truyền thống cũ của thời Phục Hưng, đặc
biệt nhất là về hai phạm vi phối cảnh và ảo ảnh (illusion),
chẳng hạn như họ đã vẽ ra nhiều diện của một đề tài trên cùng
một khung vải để diễn tả nhiều ý tưởng hơn là chỉ dùng một diện
đơn thuần, bị giới hạn.
Lối vẽ Lập Thể như vậy đã mở toang hình thức đóng kín bằng cách
trình bày lại, cho thấy các vị trí của đề tài trong không gian
và phương thức phân tích đã chia cắt các đề tài và không gian,
ánh sáng và bóng tối và ngay cả màu sắc, như thể một bác sĩ giải
phẫu chia cắt một xác chết. Hầu như Picasso cũng như Braque đều
chấp nhận rằng trong việc diễn tả bằng một họa phẩm, họ đã dùng
tới nhiều điểm nhìn khác nhau, các trục xoay khác nhau, các
nguồn sáng khác nhau… Họa phẩm của Picasso tượng trưng cho đường
lối này là bức vẽ “Nhà máy“ (Factory at Horta de Elbro-1909),
rồi về sau vào năm 1910, còn có một loạt các chân dung (Ambroise
Vollare, Daniel-Henry Hahnweiler-1910). Trong tác phẩm “Nhạc sĩ
phong cầm“ (The Accordionist-1911), Picasso đã pha trộn các hình
thể, đề tài và không gian vào một loại lưới (grid) và dùng màu
sắc đơn gồm các màu nâu, sám và màu đất. Cũng trong cách trình
bày lập thể, luật phối cảnh cổ điển lùi ra xa đã được diễn tả
bằng cách đưa gần lại.
4/ Thời kỳ cắt dán và siêu thực.
Vào năm 1912, Picasso và Braque bắt đầu khai phá nghệ thuật cắt
dán (collage) bằng các chất liệu vải, giấy báo và giấy dán tường
để mô tả các đề tài tĩnh vật và nhân vật. Tác phẩm “Tĩnh vật với
chiếc ghế mây“ (Still Life with Chair Caning-1911) là sự phối
hợp của sơn dầu và vải dầu, và qua tác phẩm, Picasso đã để cho
thực tế và ảo tưởng đối chọi nhau trong sự liên hệ lảng tránh
(elusive). Đây là giai đoạn tổng hợp (synthetic phase, 1912/14)
qua đó các màu sắc được giới thiệu lại với bố cục, chẳng hạn như
đường cong trượng trưng cho cây đàn guitare hay cái tai nghe
nhạc, với ngụ ý một đồ vật có thể ám chỉ một ý tưởng hay một đồ
vật khác… như trong họa phẩm “Người sinh viên với cây sáo“
(Student with a pipe-1913). Tác phẩm “Ly rượu absinthe“
(Absinthe Glass-1914) gồm một phần điêu khắc, một phần cắt dán
và một phần vẽ, biểu hiện sự thực và sự ảo.
Năm 1915, người yêu Eva của Picasso qua đời nên các họa phẩm mà
ông vẽ lúc người tình đau ốm như “Người Hề “ (Harlequin-1915) đã
nói lên sự đau buồn bằng hình ảnh của nhân vật nửa hề, nửa nghệ
sĩ Pierrot trên một hậu cảnh đen chưa hoàn tất.
Thế Chiến Thứ Nhất bùng nổ đã làm phân tán các nghệ sĩ trong nhóm
Picasso: Apollinaire và Braque cùng vài người khác ra trận
tuyến, các nghệ sĩ Tây Ban Nha trở về xứ. Picasso ở lại nước
Pháp rồi tới năm 1916, nhà danh họa thường gặp nhà soạn nhạc
Erik Satie. Nhóm nghệ sĩ tài năng vào lúc này còn có thêm thi sĩ
trẻ tuổi Jean Cocteau, nhân vật điều khiển Vũ Ballet người Nga
Sergey Diaghilev, người đang lo thực hiện chương trính sân khấu
Parade (Diễn Hành). Jean Cocteau tới với Satie vì âm nhạc và với
Picasso vì các bộ y phục sân khấu. Mặc dù không thích đi du
lịch, Picasso cũng theo Jean Cocteau tới Rome, thảo luận với
Diaghilev và nhà biên đạo múa Léonide Massine. Chính vào lúc
này, Picasso đã gặp ngưới vợ tương lai trong số các nữ vũ công:
cô Olga Kokhlova.
Sau chuyến viếng thăm vùng Địa Trung Hải và sau lần trở về
Barcelona năm 1917, các tác phẩm của Picasso phản ánh việc duyệt
xét lại lối vẽ của Ingres và của Renoir, với các mặt phẳng, màu
sắc và hình thể bao gồm các biểu hiện cổ điển, như trong họa
phẩm “Tĩnh vật St. Raphael“ (Saint-Raphael Still Lifes -1919)
hay họa phẩm “Ba nhạc sĩ “ (Three Musicians-1921). Vào thời kỳ
này, Picasso cũng gặp gỡ các nghệ sĩ danh tiếng như Tristan
Tzara, các thi sĩ Paul Eluard và Louis Aragon, cùng nhiều nhân
vật khác như Giorgio de Chirico, Max Ernst, Joan Miró và Man
Ray.
Năm 1921, Paulo, người con chính thức duy nhất của Picasso ra đời
và từ năm này, Picasso tiếp tục cộng tác với Jean Cocteau, Igor
Stravinsky, De Fallas, nhóm Vũ Ballet Nga và nhóm Vũ Nhạc của
Erik Satie, đồng thời ông cũng liên lạc với André Breton, người
quảng bá phong trào Siêu Thực (Surrealism), một phong trào nghẹâ
thuật quan trọng giữa hai thế chiến. Và mặc dù không chính thức
gia nhập phong trào Siêu Thực, họa phẩm “Ba vũ công“ (three
Dancers-1925) của Picasso đã thể hiện sự thay đổi trong việc
diễn tả ba người đàn bà trong điệu nhẩy cuồng loạn.
Các tác phẩm của Picasso trong các năm 1920 và 1930 bao gồm những
hình người bị bóp méo, chẳng hạn như họa phẩm “Người đàn bà
trong ghế bành“ (Woman in an Armchair-1929), “Người tắm nắng
ngồi“ (Seated Bather-1930). Các tác phẩm điêu khắc trong thời kỳ
này của Picasso gồm các hình biến tính bằng đồng, các kiến trúc
hình học bằng thanh sắt và lá sắt, bị ảnh hưởng bởi nhà điêu
khắc Julio Gonzáles.
Cuộc sống riêng tư của Pablo Picasso tới một ngõ cụt vào giữa các
năm 1930 khiến cho sáng tác của ông bị suy giảm. Tiếp theo là
việc ly thân với nàng Olga vào năm 1935 do các liên hệ với người
mẫu tóc vàng hấp dẫn Marie Thérèse Walter, rồi tới sự xuất hiện
trong đời sống của Picasso nhà nữ nhiếp ảnh Dora Maar. Trong
thời kỳ này ra đời là các họa phẩm “Người thiếu nữ trước gương“
(Girl before a mirror-1932) và “Người đàn bà đang khóc“(Woman
Weeping-1937).
Cuộc Nội Chiến Tây Ban Nha vào năm 1936 đã gây ra trong tâm hồn
Picasso lòng ái quốc và sự phẫn nộ về tình nhân đạo, qua một
loạt tác phẩm khắc nét (etching) với tên là “Giấc mơ và lời nói
dối của Franco“ (the Dream and the Lie of Franco-1937) và
“GUERNICA“, một bức họa lớn, mô tả một thành phố miền Basque của
Tây Ban Nha bị lực lượng của Tướng Franco dội bom. Guernica là
đại tác phẩm hội họa diễn tả thảm cảnh bạo lực, nỗi hãi hùng của
người và ngựa hấp hối, cảnh người mẹ la hét và con thơ bị giết,
toàn thể bức họa đã lên án sự tàn phá đời sống của con người một
cách tàn nhẫn, trong khi đó hình ảnh con bò rừng là biểu tượng
của chế độ Phát Xít. Picasso đã dành đại tác phẩm này, với kích
thước 3,49 x 7,77 mét cho Viện Mỹ Thuật Thành Phố New York mượn,
cho tới khi nào Tây Ban Nha trở thành một nước Cộng Hòa và sau
44 năm, vào tháng 9/1981, bức họa lừng danh Guernica mới được
trả về cho Viện Bản Tàng Padro ở Madrid.
Năm 1944, thành phố Paris được giải phóng khỏi quân đội Quốc Xã
Đức. Picasso vẫn ở Paris và thực hiện tác phẩm điêu khắc bằng
đồng “Người đàn ông với con cừu“ (Man with a Lamb) qua đó phản
ánh nền điêu khắc Cổ Hy Lạp. Trong cuộc triển lãm mùa thu năm
1944 (Salon de la Liberation), các tác phẩm hội họa và điêu khắc
của Picasso trong 5 năm qua đã gây ra nhiều điều sững sờ đối với
quần chúng, kể cả lời công bố rằng ông đã tham gia vào đảng Cộng
Sản, sự kiện này đã khiến một số người biểu tình phản đối ngay
nơi phòng triển lãm. Quan điểm của Picasso về chính trị làm cho
ông bị mang tiếng là người ngây thơ về lý tưởng. Cũng vào thời
gian này, Picasso đã mở rộng cơ xưởng, đón tiếp các bạn bè cũ và
mới, gồm các nhà văn và nghệ sĩ như Jean Paul Satre, Eluard,
Pierre Reverdy, nghệ sĩ người Anh Roland Penrose, nhà nhiếp ảnh
người Pháp Brassai, nhiếp ảnh gia Hoa Kỳ Lee Miller cũng như các
nghệ sĩ không nổi danh khác. Picasso cũng tự nguyện đóng góp các
trang trí cho các tổ chức quốc tế và hình ảnh con chim bồ câu
trắng của ông đã được dùng làm bích chương của Đại Hội Hòa Bình
Thế Giới tổ chức tại Wroclaw, Ba Lan, năm 1949.
Kể từ năm 1943, nữ họa sĩ trẻ Francoise Gilot đã tới làm việc nơi
xưởng vẽ của Picasso và sau nhiều tháng, đã thay thế nàng Dora
Maar, làm người tình của nhà danh họa. Picasso cùng Gilot dọn
nhà qua miền Địa Trung Hải và hai người con của họ đã ra đời :
Claude sinh năm 1947 và Paloma năm 1949. Tại Antibes, Picasso
làm việc trong 4 tháng nơi lâu đài Grimaldi để vẽ nên họa phẩm
“Vui Sống” (Joie de Vivre-1946) rồi các tác phẩm khác cùng các
đồ gốm mỹ thuật của ông được trưng bày gần thị trấn đồ gốm
Vallauris từ đầu năm 1947, đã phản ánh các truyền thống cổ điển
và nguồn cội của miền Địa Trung Hải. Cũng vào thời kỳ này, trong
các họa phẩm của Picasso, hình ảnh các loại thần linh mình dê và
mình ngựa (faunes & centaurus) tượng trưng cho các điều hạnh
phúc khi Picasso cùng vui sống với nàng Gilot. Picasso cũng sáng
tạo họa phẩm “ChiếnTranh và Hòa Bình“ (War and Peace-1952) và
nhiều chân dung của Francoise.
Năm 1952, Francoise rời bỏ Picasso và một người đẹp khác trở nên
người đàn bà cuối cùng gợi hứng sáng tác cho nhà danh họa:
Jacqueline Roque. Hai người đã cư ngụ trong nhiều biệt thự khác
nhau tại Cannes, tại Aix-en-Provence… Sau khi Olga là người vợ
không hề li dị, qua đời năm 1955, Picasso đã cưới Jacqueline năm
1961 và sống tại Mougins, trên phần núi phía bắc tỉnh Cannes.
Jacqueline không những trở thành người bạn đời mà còn là “nàng
thơ” của nhà danh họa, là người mẫu chính và nguồn cảm hứng
trong các họa phẩm cuối đời. Picasso qua đời vào ngày 8/4/1973
tại Mougins, nước Pháp và được chôn cất trong lâu đài
Vauvenargues, một biệt thự mà ông đã mua năm 1958.
Trong thế kỷ 20, hầu như mọi họa sĩ đều chịu ảnh hưởng của Pablo
Picasso, và khác với các nhà danh họa như Braque và Matisse là
những người duy trì lối vẽ được khai triển từ lúc còn trẻ,
Picasso luôn luôn đổi mới, do đó các khám phá và sáng tạo của
ông, từ tác phẩm “Các cô gái“ năm 1907 đến các công trình điêu
khắc về sau, đã mang tính cấp tiến, gây tranh luận, tạo nhiều
hiểu lầm và chỉ trích.
Từ năm 1920, Pablo Picasso đã bán được rất nhiều họa phẩm với giá
cao, nhưng ông cũng giữ lại được một bộ sưu tập đáng kể. Các
công trình nghệ thuật của Pablo Picasso bao gồm hơn 50,000 sáng
tác thuộc nhiều phạm vi, từ sơn dầu tới đồ gốm và điêu khắc, đã
chứng minh sức làm việc và sáng tạo mãnh liệt của ông trong suốt
80 năm trường và đã gây được các ảnh hưởng sâu đậm tới thế hệ
các họa sĩ trẻ.
http://vietsciences.free.fr |