Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp - Một trí thức lớn

Vietsciences- Mai Quốc Liên   10/12/2007

Những bài cùng tác giả

 

 

Một trí thức lớn nữa của Nam bộ kháng chiến đã ra đi. Một trí thức lớn, một bậc thầy của ngành y, một tên tuổi bên cạnh Nguyễn Văn Hưởng, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Tấn Gi Trọng…, những đại thụ mà cành nhánh của nó còn che mát cho cả những thế hệ tương lai. Và một con người như thế ra đi…

Là một người con của một gia đình nông dân Ba Tri – Bến Tre, nhờ cha dạy chữ ở nhà, ông học trường huyện, trường tỉnh và học rất giỏi.

Năm 1926 vì tham gia để tang cụ Phan Châu Trinh mà ông bị đuổi học. Nhưng ông lên Sài Gòn học Trường tư Huỳnh Khương Ninh và học nhảy lớp.

Huỳnh Khương Ninh là một trí thức yêu nước, Ủy viên Hội đồng thành phố Sài Gòn, thấy ông học giỏi, đã vận động cho ông học bổng để vào học ở trường Chasseloup Laubat, một trường trung học nổi tiếng lúc bấy giờ.

Ông đỗ tú tài và vào học Đại học Y khoa Hà Nội. 1937 tốt nghiệp và sang Paris tu nghiệp; 1939 về nước mở phòng khám bệnh tư tại Sài Gòn.

Ngày trước, ở nhiều làng mạc Việt Nam, học sơ học yếu học, trung học đã được xem là trí thức. Học đến tú tài đã là đại trí thức. Mấy ai đã tốt nghiệp bác sĩ và lại được sang tận Paris tu nghiệp!

Một con người danh vọng và phú quý như thế, khi tiếng súng kháng chiến Nam bộ nổ ra, đã từ bỏ tất cả, để lại đằng sau mình cả vợ và con thơ…, lên đường làm bác sĩ cứu chữa các chiến sĩ Vệ quốc đoàn! Một bài thơ ông viết về vợ con ngày ấy, được một bác sĩ cháu ông sưu tầm, đã nói với ta nhiều về tâm trạng của con người ấy trước cảnh chia ly, trước bi kịch gia đình.

Nhưng ông đã đi suốt 3 năm không mỏi. Tháng 3-1946, ông đã tham gia phái đoàn Nam bộ của bà Nguyễn Thị Định ra Hà Nội, đi bằng thuyền và cả bằng đường bộ ra Trung ương gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh báo cáo, xin chi viện cho Nam bộ.

Ông đã có mặt ở Hà Nội khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Ông làm Thanh tra Quân y một thời gian và lại trở về Nam.

Với kiến thức và đức độ bậc thầy, ông đã phụ trách Phó Giám đốc Sở Y tế Quân dân Nam bộ, mở trường đào tạo cán bộ và nhân viên y tế đang thiếu biết bao cho các chiến trường.

Ông cũng trực tiếp tham gia điều trị cho thương binh, bệnh binh trong các quân y viện… Ra Bắc 1954, ông làm Hiệu trưởng Trường Cán bộ y tế Trung ương, một trung tâm đào tạo lớn nhất miền Bắc bấy giờ.

Sau khi đi học hỏi thêm ở nhiều nước, 1965 ông lại trở về Nam. Lại làm Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ y tế trung – cao cấp của Miền…, tham gia điều trị trong bệnh viện.

Trong cuộc chiến cực kỳ ác liệt lúc đó, ông cuốc đất trồng rau, chăn nuôi heo gà, giăng câu, bẫy thú… để nuôi con… “Suốt mùa kháng chiến chống Pháp, ngoài giờ lên lớp, chúng ta không thể không xúc động khi thấy ông ở trần, mặc quần tiều, nhổ bông súng, vớt bèo nuôi heo, góp sức tự lực cánh sinh, cải thiện miếng ăn cho thầy và trò.

Từ lúc kháng chiến chống Pháp rồi xây dựng hòa bình trên đất Bắc, ông luôn đảm trách công việc đào tạo đội ngũ cán bộ cho ngành y tế. Học trò của ông, khi nhớ lời thề Hippocrate và đạo đức, quan điểm phục vụ của Hải Thượng Lãn Ông, đều không thể quên người thầy – chú Chín – bác sĩ Trần Hữu Nghiệp” (nhà thơ Lê Giang). 

Nền y tế kháng chiến, nền y tế R, nền y tế Việt Nam tự hào vì có một con người như vậy.

Một nhân cách lớn, một trí thức lớn được tôi rèn trong cuộc chiến tranh nhân dân, đã đi cùng nhân dân mình suốt 30 năm gian khổ và chiến thắng. Cuộc đời ấy đã tỏa sáng, đã xứng đáng với Tổ quốc và nhân dân.

Nhưng bác sĩ Trần Hữu Nghiệp còn là môt nhà văn, một nhà báo đặc sắc. Với cái vốn học vấn uyên bác cổ kim Đông Tây được tích lũy từ nhỏ, ông là một ngòi bút cứng cáp, súc tích và dí dỏm.

Những ai đã đọc “Thời gian trong mắt tôi”, tập hồi ký của ông, đều thích thú vì đã gặp ở đây một con người chân thật, một con người văn hóa, một bác sĩ muốn kiêm luôn nghề viết như một cái nghiệp.

Những câu chuyện hồi còn nhỏ ở làng quê, những chi tiết đắt giá và cả một cuộc đời đã lọc qua cái vốn văn hóa đồ sộ của ông để biến thành văn.

Ông viết báo rất nhiều; từ hồi còn học sinh tôi đã kính trọng tên tuổi ông qua các bài ông viết trên báo Thống Nhất - Hà Nội.

Rồi cả một tủ sách về y – ông luôn luôn quan tâm đến việc viết sách phổ thông để truyền bá y học: “Phép nuôi con” (Sài Gòn, 1943), “Chữa bệnh cho con khi xa thầy thuốc” (Hà Nội, 1962), “Chủ động bảo vệ hạnh phúc gia đình” (TP Hồ Chí Minh, 1978), “Nói chuyện với người uống rượu” (TPHCM, 1981), “Nói chuyện với người hút thuốc” (TPHCM, 1983).

Đặc biệt, ông quan tâm viết về những người phụ nữ nghề y dược trong kháng chiến: “Binh chủng đặc biệt của đội quân tóc dài” (1990), “Lịch sử phụ nữ ngành y tế miền Nam trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ” (1991)… Chừng ấy tác phẩm và nhiều bài báo, nếu tập hợp lại sẽ thành một toàn tập bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đầy đặn. Đó là tấm lòng ông, kiến thức và tâm huyết một đời của ông.

Nhưng bên cạnh những dòng chữ để lại là những Con người. Những bác sĩ, thầy thuốc nhân dân, anh hùng lao động, những học trò ông trở lại chiến trường bám dân bám đất, xây dựng cơ sở cách mạng, xây dựng mạng lưới y tế trong những năm tháng chiến tranh – chiến trường… đó mới là “tác phẩm” đích thực của Nhà giáo nhân dân Trần Hữu Nghiệp.

* * *

Tôi không bao giờ quên cái dáng cao lớn, cái phong cách vô cùng giản dị gốc miệt vườn Bến Tre của ông qua những lần tiếp xúc.

Vào những năm khủng hoảng của cách mạng đó, tuổi ông đã cao, nhưng tấm lòng ông luôn cháy rực ngọn lửa đã cháy lên và cháy mãi của kháng chiến… Cùng với Nguyễn Đình Thi, Diệp Minh Châu, Bảo Định Giang…, dáng cao lớn của ông khi đứng lên phát biểu trong một cuộc gặp mặt với Thủ tướng Phạm Văn Đồng để nói lên những lời tận đáy lòng, sẽ còn mãi trong tôi như một tượng đài về ông – bất diệt.

 

* Bài viết có sử dụng tài liệu – sưu tầm của BS Trần Văn Lễ, cháu BS Trần Hữu Nghiệp.

 

Đã đăng  trên  SGGP

 

           © http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.org  Mai Quốc Liên