-
Thế nào là một luận án tiến sĩ?
-
Học và nghiên cứu như thế nào để viết được
luận án tiến sĩ?
-
Về giáo sư hướng dẫn viết luận án tiến sĩ
-
Cơ chế và phương pháp đánh giá luận án tiến
sĩ
-
Vài lời kết và kiến nghị
-
Báo
Thanh niên phỏng vấn
-
Với
Vietnam.net
Thật là đáng buồn, đáng lo khi thấy văn bằng
tiến sĩ ở Việt Nam tiếp tục là đối tượng bị chế
giễu trong thiên hạ nhưng người ta vẫn tiếp tục
đổ xô vào vịệc lấy bằng và nhà nước vẫn tiếp tục
cho đầo tạo và cấp bằng nầy
(**).
Nhân dịp về giảng dạy trong nước từ cuối năm
1996 đến giữa năm 1997, tôi đã tham dự 8 buổi
bảo vệ luận án phó tiến sĩ (sau đó văn bằng nầy
được tự động chuyển thành tiến sĩ) và đã thấy rõ
nguy cơ của việc đánh giá văn bằng nầy ở VN. Tôi
đã nêu ý kiến và đưa kiến nghị cụ thể về vấn đề
nầy trên mục Ý kiến nhà khoa học của báo Nhân
Dân số ra ngày 17/7/1997. Theo yêu cầu của
Vụ trưởng Vụ đào tạo sau đại hoc (Bộ Giáo dục và
đào tạo), tôi cũng có dịp thuyết trình về đề tài
nầy tại Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
ngày 6/3/2000. Thế nhưng tình hình sau đó không
những không được cải thiện mà có vẻ còn trầm
trọng hơn
(***).
Bản chất của vấn đề là gì? Làm sao để chấm dứt
tình trạng hiện nay? Tôi xin phát biểu thêm một
số ý kiến (chủ yếu về lãnh vực kinh tế học) và
đưa ra vài kiến nghị cụ thể.
Những vấn đề lớn của VN là hiểu chưa đúng về
chuẩn mực của luận án tiến sĩ nói riêng và trình
độ của người được cấp bằng tiến sĩ nói chung, cơ
chế đào tạo quá lỏng lẻo, tiêu chuẩn của giáo sư
hướng dẫn không được quy định nghiêm túc, chưa
xác lập được cơ chế đánh giá khách quan về luận
án tiến sĩ và suy nghĩ sai về ý nghĩa của văn
bằng nầy...
Thế nào là một luận án
tiến sĩ?
Trình độ của người được cấp bằng và chuẩn mực
khách quan của luận án Tiến sĩ là gì? Tiến sĩ là
học vị cao nhất trong khoa học. Người được cấp
bằng tiến sĩ do đó phải am hiểu các lý luận cơ
bản, các khung phân tích trong ngành mình (trong
kinh tế học đó là kinh tế học vĩ mô và kinh tế
học vi mô), và nắm vững các khái niệm, các khung
phân tích, các lý luận và những tiến triển
nghiên cứu mới trong ngành chuyên môn hẹp của
mình (chẳng hạn kinh tế phát triển, kinh tế quốc
tế, kinh tế lao động, v.v.). Những kiến thức cơ
bản nầy được trang bị từ các cấp bậc đại hoc và
thạc sĩ nhưng ở bậc tiến sĩ phải được tiếp tuc ở
trình độ cao hơn và nhất là phải có cơ chế kiểm
tra nghiêm túc để bảo đảm cho ứng cử viên học vị
nầy hội đủ các điều kiện đó.
Trình độ của ứng cử viên tiến sĩ được thử thách
và được nhân lên trong quá trình nghiên cứu để
hoàn thành luận án tiến sĩ. Ngoài tính khoa học,
logic tất nhiên phải có, một luận án tiến sĩ
phải có hai tính chất quan trọng. Thứ nhất là
tính học thuật (academic) trong đó vấn đề phải
được triển khai bằng ngôn ngữ khoa học, bằng
những khung lý luận cơ bản trong ngành và gói
ghém có phê phán tất cả các lý luận, các kết quả
mà các công trình nghiên cứu trước đã đạt được
liên quan đến đề tài của mình. Thứ hai là tính
độc sáng (originality), luận án phải đặt ra được
những vấn đề mới, đưa ra được những giả thuyết
hay lý luận mới và kiểm chứng bằng những tư liệu
mới.
Cần nói thêm rằng đòi hỏi chính của luận án tiến
sĩ là sự đóng góp về mặt lý luận và luận án là
bằng chứng cho thấy ứng cử viên tiến sĩ có trình
độ nghiên cứu độc lập, chứ không đòi hỏi phải
giải quyết một vấn đề thực tế (dĩ nhiên nếu kết
quả nghiên cứu góp phần giải quyết một vấn đề
thực tiễn thì càng tốt nhưng đó là thứ yếu). Sau
khi lấy bằng tiến sĩ, tùy theo nhu cầu công tác
lúc đó mới cần nghiên cứu nhằm giải quyết các
vấn đề thực tiễn. Tại VN, chí ít là trong lãnh
vực kinh tế, hình như đa số hiểu sai về ý nghĩa
của luận án tiến sĩ. Các đề tài của một luận án
tiến sĩ kinh tế học ở VN thường là ‘”Những giải
pháp để…” (chẳng hạn, những giải pháp để huy
động vốn trong dân, những giải pháp để thu hút
đầu tư nước ngoài phục vụ chiến lược công nghiệp
hoá, v.v..). Huy động vốn, đầu tư nước nngoài
tại VN,. v..v dĩ nhiên có thể được chọn là đối
tượng nghiên cứu nhưng đó chỉ là trường hợp được
chọn để kiểm chứng một vần đề có tính cách lý
luận chứ không phải nhằm để giải quyết một vấn
đề thực tế. Ở VN, được biết nhiều đề tài cấp nhà
nước, cấp bộ tốn hàng tỉ đồng và huy động hàng
chục nhà nghiên cứu nhưng ít có công trình trực
tiếp giải quyết vấn đề thực tiễn mà tại sao lại
kỳ vọng ở công trình của một người với phí tổn
đào tạo chưa tới 3 triệu đồng 1 năm?
(****)
Cách suy nghĩ về việc chọn đề tài ở VN chỉ làm
cho luận án tiến sĩ thiếu tính học thuật và phần
lớn thiếu tính độc sáng. Nội dung, trình độ của
luận án do đó còn rất xa mới đạt được tiêu chuẩn
tối thiểu của thế giới và người được cấp bằng
trong truờng hợp đó khó có thể thảo luận khoa
học với chuyên gia nước ngoài trong cùng ngành.
Học và nghiên cứu như thế
nào để viết được luận án tiến sĩ?
Ở nước ngoài, để có đủ kiến thức nhận tư cách
ứng viên và để viết được luận án tiến sĩ có đủ
tính học thuật và tính độc sáng, nghiên cứu sinh
phải tập trung học liên tục và rất vất vả trong
nhiều năm. Tôi xin kể trường hợp của 2 sinh viên
mà tôi đã hướng dẫn bảo vệ thành công luận án
tiến sĩ 2 năm qua. Sinh viên Trung Quốc lấy tiến
sĩ năm 2002, là sinh viên du học tự túc nên phải
làm thêm mỗi tuần 2 ngày nhưng 5 ngày còn lại
tập trung học, nghiên cứu và đã mất tất cả 5 năm
sau khi lấy bằng thạc sĩ và thỉ đỗ vào bậc tiến
sĩ. Sinh viên Việt Nam bảo vệ thành công luận án
tiến sĩ đầu năm 2003, có học bổng của chính phủ
Nhật nên chuyên tâm vào việc học và làm luận án,
nhưng cũng mất 4 năm. Trừ những kỳ nghỉ hè, nghỉ
Tết, hằng tuần tôi có trách nhiệm mở lóp hướng
dẫn nghiên cứu gọi là seminar và tất cả các
nghiên cứu sinh học với tôi (thuộc nhiều năm học
khác nhau trong hai bậc thạc sĩ và tiến sĩ.) đều
phải tham dự. Mỗi tuần có 1 hoặc 2 nghiên cứu
sinh báo cáo về sự tiến triển của đề tài nghiên
cứu của mình, các nghiên cứu sinh khác tham gia
thảo luận để vừa giúp bạn gợi mở các ý tưởng mới
vừa tham khảo phuơng pháp luận nghiên cứu và
thông tin về động hướng nghiên cứu của từng đề
tài mà giáo sư hướng dẫn chỉ ra cho người báo
cáo. Nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ trong năm đầu
phải theo học nhiều môn cơ bản và chuyên môn
liên hệ với nhiều giáo sư khác, song song với
việc tham gia seminar của giáo sư hướng dẫn mình
để từng bước xây dựng đề cương nghiên cứu. Việc
xây dựng đề cương là quá trình lao động vất vả
nhất vì đề cương phải cho thấy luận án khi hoàn
thành sẽ có đủ 2 tính chất học thuật và độc sáng
nói trên. Các nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ cứ độ
vài ba tháng báo cáo trong seminar một lần và
khi cần thiết đến phòng nghiên cứu của giáo sư
để được hướng dẫn thêm. Nhiều sinh viên không
xây dựng được đề cương, cuối cùng phải bỏ cuộc.
Ở Việt Nam, việc học ở bậc tiến sĩ quá đơn giản.
Tại một cơ sở đào tạo nọ, nghiên cứu sinh chỉ
phải học 3 chuyên đề và được biết trong mỗi
chuyên đề thầy giáo (đa số là phó giáo sư) chỉ
giảng 1 ngày sau đó nghiên cứu sinh tự làm các
tiểu luận liên hệ (các chuyên đề nhiều khi cũng
chỉ là những vấn đề thực tế, không nhất thiết là
chuyên đề giúp cho nghiên cứu sinh nắm vững hơn
về mặt lý luận và phương pháp luận nghiên cứu.
Đây cũng là hệ quả tất yếu khi luận án tiến sĩ
không đòi hỏi phải có tính học thuật). Quan hệ
với giáo sư hướng dẫn cũng lỏng lẻo (vấn đề giáo
sư hương dẫn sẽ nói thêm sau). Cũng vì việc học
không đòi hỏi sâu về mặt lý luận và luận án
không đòi hỏi có tính học thuật và độc sáng nên
nhiều người học tại chức cũng có thể bảo vệ
“thành công” luận án trong 3-4 năm. Ở nước ngoài
khó có thể tưởng tượng được là một người đương
phải đảm trách công việc quản lý xí nghiệp hay
quản lý nhà nước mà chỉ trong 3-4 năm có thể lấy
được bằng tiến sĩ! (trừ trường hợp người đó được
biệt phái 3-4 năm để đi học). Ở Nhật thỉnh
thoảng có trường hợp một quan chức ở một bộ kinh
tế hay ngân hàng nhà nước bảo vệ thành công luận
án tíến sĩ nhưng đó là trường hợp rất đặc biệt
của những người có khả năng nghiên cứu ký luận
và công việc hằng ngày của họ cũng liên quan đến
nghiên cứu, và nhất là có công trình nghiên cứu
công bố trên các tạp chí khoa học có uy tín
(cũng cần nói thêm là những quan chức ấy muốn
lấy bằng tiến sĩ là để trong tương lai chuyển
sang nghề dạy học hoặc nghiên cứu ở các viện,
chứ văn bằng không liên quan gì đến việc đề bạt
ở các cơ quan quản lý).
Về giáo sư hướng dẫn viết
luận án tiến sĩ
Để cho dễ hiểu tôi mạn phép bắt đầu bằng truờng
hợp cụ thể của tôi. Tôi phụ trách dạy môn kinh
tế ngoại thương và môn kinh tế chuyển đổi (từ
kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị truờng) cho
sinh viên bậc đại học và phụ trách dạy môn kinh
tế phát triển cho sinh viên (nghiên cứu sinh)
sau đại học. Nói chung phạm vi chuyên môn của
tôi về mặt lý thuyết là kinh tế phát triển và
kinh tế quốc tế, và về mặt thức tiễn là kinh tế
Á châu. Để cập nhật nội dung các bài giảng, để
hướng dẫn nghiên cứu sinh làm luận án, và để
tiến hành các đề tài nghiên cứu của riêng mình,
dĩ nhiên tôi phải theo dõi thường xuyên động
hướng nghiên cứu trên thế giới liên quan đến
chuyên môn của mình. Ngoài việc theo dõi trên
sách và tạp chí chuyên môn, phải thường xuyên
tham gia báo cáo, thảo luận tại các hội thảo
khoa học, nhất là tham gia các hoạt động của hội
khoa học chuyên ngành (Tôi hiện nay là thành
viên của Hội kinh tế quốc tế Nhật Bản, Hội kinh
tế chính trị Á châu và hai hội khác). Các hội
khoa học tại Nhật tổ chức báo cáo khoa học hàng
tháng tại vùng mình sinh sống và hằng năm tổ
chức đại hội toàn quốc để hội viên (đã được
chọn) báo cáo thành quả nghiên cứu của mình.
Nói chung đây là hoạt động thông thường của một
giáo sư ở đại hoc Nhật. Nhưng đây mới chỉ là
điều kiện cần của một ngưòi có tư cách hướng dẫn
nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ. Điều kiện
đủ là công trình, thành quả nghiên cứu của giáo
sư đã được đánh giá trong giới khoa học. Ở các
đại học lớn mỗi khoa thường có độ 50 giáo sư
nhưng chỉ có độ 20 ngưòi có tư cách dạy ở bậc
tiến sĩ . Tóm lại, điều kiện tối thiểu của một
ngưới có tư cách hướng dẫn nghiên cứu sinh làm
luận án phải là một giáo sư đương nhiệm
mà công việc chính là giảng dạy và nghiên cứu
tại một đại học hay một viện nghiên cứu. Nếu
không là đương nhiệm thì về mặt cơ chế không có
tư cách hướng dẫn hay phản biện luận án tiến sĩ,
và về mặt thực tế không thể giúp sinh viên chọn
một đề tài có tính độc sáng vì người đó không có
điều kiện theo dõi những nghiên cứu mới trên thế
giới về ngành của mình.
Một điều rất lạ với thế giới nhưng rất phổ biến
ở VN là có nhiều vị có học hàm, học vị nhưng đã
chuyển sang làm quản lý và các công việc khác
không liên quan đến nghiên cứu và giảng dạy lại
được mời làm thành viên hội đồng chấm luận án,
thậm chí được mời làm giáo sư hướng dẫn cho
nghiên cứu sinh. Dĩ nhiên có thể có truờng hợp
ngoại lệ là các vị đó vẫn tiếp tục phát biểu các
công trình nghiên cứu về học thuật trên các tạp
chí khoa học, đươc giới khoa học trong ngành
đánh giá cao, nhưng truờng hợp này rất hiếm và
và khó thấy ở các nước khác. .
Cơ chế và phương pháp đánh
giá luận án tiến sĩ
Khi các vấn đề về chuẩn mực của luận án, về cơ
chế nghiên cứu học tập của sinh viên và về tư
cách giáo sư thành viên chấm luận án nói ở trên
được giải quyết đúng đắn thì việc đánh giá luận
án không còn là vấn đề khó khăn. Hơn nữa, giáo
sư hướng dẫn là người chịu trách nhiệm đầu tiên
về việc đánh giá. Không một giáo sư nào thấy
luận án của học trò mình chưa đạt tiêu chuẩn
khách quan về học thuật và độc sáng mà dám đưa
ra hội đồng bảo vệ. Có thể còn nhiều dư địa để
cải thiện hơn nữa mà giáo sư hướng dẫn không
thấy hết nhưng ít nhất 2 tiêu chí nói trên của
luận án tiến sĩ được xem là đạt rồi mới cho bảo
vệ. Trên cơ sở đó, các giáo sư khác trong hội
đồng, cũng trên uy tín của mình, phải đánh giá
thẳng thắn. Ở đây không cần bảo vệ kín mà vẫn
giữ được sự khách quan là vì vậy. Cần nói thêm
nữa là trong quá trình chuẩn bị luận án, nghiên
cứu sinh được báo cáo trước hội đồng chấm luận
án một hoặc hai lần trước khi bảo vệ cuối cùng
ít nhất là 1 năm để nhận các ý kiến hướng dẫn
cho giai đoạn tới.
Ngoài ra, để bảo đảm tối đa sự khách quan của
việc đánh giá, ở Nhật và các nước tiên tiến khác
đặt cơ chế xã hội hoá việc đánh giá trước khi
cho nghiên cứu sinh bảo vệ. Có hai hình thức xã
hội hoá. Một là để được bảo vệ cuối cùng, nghiên
cứu sinh phải có ít nhất 2 hoặc 3 (tuỳ trường
đại học) công trình liên quan đến luận án đăng ở
các tạp chí có thẩm định (referee). Tạp chí có
thẩm định là tạp chí khi ban biên tập nhận bài
xin gửi đăng sẽ gửi bài đó (thừờng là sau khi
che dấu tên người viết) đến ít nhất 2 nhà nghiên
cứu cùng ngành để nhờ thẩm định. Tên tuổi của
những người thẩm định dĩ nhiên không được công
bố. Người thẩm định sẽ dựa trên tiêu chuẩn học
thuật và tính độc sáng của bài viết khi đưa ra
quyết định đăng hay không. Các bài viết đăng ở
các tạp chí không có chế độ thẩm định khách quan
nầy không được xem là công trình nghiên cứu.
Một hình thức nữa là cho nghiên cứu sinh báo cáo
trước đại hội toàn quốc hằng năm của ngành
chuyên môn (Tôi đã cho sinh viên Trung Quốc và
sinh viên VN nói trên ra báo cáo kết quả nghiên
cứu tại Hội nghiên cứu chính trị và kinh tế Á
châu). Ở Nhật nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ có thể
trở thành thành viên của các hội khoa học. Để
được báo cáo, nội dung tóm tắt của luận án phải
được thông qua ở ban tổ chức đại hội. Điều quan
trọng là trước mặt các nhà khoa học trên toàn
quốc, luận án của học trò mình bị chê là không
độc sáng hoặc thiếu sót lớn về mặt khoa học thì
người chịu tai tiếng đầu tiên là giáo sư hướng
dẫn. Trong trường hợp đó, về mặt khách quan, xem
như nghiên cứu sinh ấy không thể bảo vệ ngay ở
đại học được nữa mà phải nghiên cứu thêm..
Dưới cơ chế đào tạo nói trên và sau khi đã xã
hội hoá việc đánh giá, cuộc bảo vệ cuối cùng
đương nhiên sẽ đưa lại kết quả tốt. Cần nói thêm
rằng trong khi nêu ý kiến đánh giá của mình
trong hội đồng, không có giáo sư nào phát biểu
những câu như “luận án nầy văn phong sáng sủa,
bố cục chặt chẽ,…”. mà chỉ xoay quanh tính học
thuật và tính độc sáng của luận án. Ngay cả
truờng hợp nghiên cứu sinh người Trung Quốc và
người VN của tôi viết và bảo vệ luận án bằng
tiếng Nhật cũng không có ai khen theo kiểu như
vậy. Có dịp tham dự mấy buổi bảo vệ tại VN, tôi
rất ngạc nhiên khi nghe những câu đánh giá như
vậy và có cảm tưởng như người phát ngôn đương
nói về một luận án tốt nghiệp đại học.
Vài lời kết và kiến nghị
Việt Nam phải đứng trước một sư chọn lựa giũa
hai con đường: (1) Duy trì cơ chế hiện tại, tiếp
tục sản xuất bằng tiến sĩ theo tiêu chuẩn của
riêng mình, và văn bằng nầy xem như hàng nội địa
chỉ tiêu thụ tại nước mình. (2) Xem học vị tiến
sĩ sản xuất trong nước phải tương đương hoặc gần
như tương đương với văn bằng ở nước ngoài.
Nếu chọn con đường thứ hai thì tôi đề nghị như
sau:
Thứ nhất, cần đặt lại vấn đề chuẩn mực của luận
án tiến sĩ, nhấn mạnh tính học thuật và tính độc
sáng phải có của một luận án tiến sĩ.
Thứ hai, tham khảo các truờng hợp điển hình ở
nước ngoài, rà soát lại các tiêu chuẩn của giáo
sư hướng dẫn làm luận án và các cơ sở được phép
đào tạo tiến sĩ theo hướng nâng cao hẳn các tiêu
chuẩn để theo gần với nước ngoài.
Thứ ba, người có học hàm học vị cao nhưng không
phải là giáo sư đương nhiệm ở đại học hoặc cơ
quan nghiên cứu thì không được phép tham gia hội
đồng đánh giá luận án.
Thứ tư, 3 điểm nói trên thực hiện triệt để sẽ
thấy rằng VN hiện nay chưa đủ điều kiện để đào
tạo và cấp hàng loạt văn bằng tiến sĩ, do đó vấn
đề tiếp theo là chuẩn bị cơ chế và nhân tài để
10 năm tới có thể đào tạo nhiều hơn văn bằng
nầy.
Thứ năm, không xem văn bằng tiến sĩ là một trong
những tiêu chuẩn để đề bạt ở các cơ quan quản lý
của nhà nước hoặc các cơ quan khác. Không cấp
kinh phí và không tạo các điều kiện khác cho cán
bộ đi học tại chức bậc tiến sĩ.
Ta có thể tự hào rằng giới trẻ VN rất thông
minh. Nhiều nghiên cứu sinh người VN thành công
xuất sắc trong việc bảo vệ luận án tiến sĩ tại
Nhật. Tôi cũng đã gặp nhiều bạn trẻ lấy bằng
tiến sĩ ở Mỹ, ở Úc, …về đương làm việc tại Hà
Nội , Thành phố Hồ Chí Minh,.. hầu hết rất giỏi.
Nếu ta có cơ chế, chính sách đúng đắn, trong
tương lai tại VN cũng sẽ có nhiều tiến sĩ tài
giỏi.
Trần Văn Thọ
Giáo sư kinh tế học, Đại học Waseda, Tokyo
(*)
Bài đã đăng trên báo Tia Sáng số
tháng 9 năm 2003
(**)
Tôi chủ yếu làm việc ở nước ngoài, chỉ
đọc định kỳ một số báo nhất định và chỉ
riêng 2-3 năm gần đây cũng đã thấy các
bài viết sau: (1) Văn Như Cương, 10 lời
khuyên cho những ai muốn làm luận án
Tiến sĩ (Tía Sáng, 2/2001), (2) Thanh
Thảo, Có bằng mà cậy chi bằng (Văn Nghệ,
3/8/2002), (3) Lê Minh Phúc, Ông ấy là
Tiến sĩ (Văn Nghệ, 20/7/2002), (4) Lưu
Quang, “Tiến sĩ giá rẻ” (Lao động cuối
tuần (3/11/2002).
(***)
Từ sau năm 1998 đến nay, tôi có tham dự
2 buổi bảo vệ luận án tiến sĩ tại Hà Nội
và có dịp đọc 3,4 luận án khác.
(****)
Theo bài báo “Tiến sĩ giá rẻ” nói ở chú
thích đầu thì là 2,77 triệu đồng một
năm.
http://www.ncst.ac.vn/HVGD/
==========================
Báo Thanh Niên phỏng vấn:
03/11/2004
Vừa hoàn tất
chương trình
giảng dạy 5
tuần lễ tại
Đại học Đà
Nẵng, Giáo
sư Tiến sĩ
Trần Văn Thọ
(Đại học
Waseda -
Nhật Bản) đã
dành cho
Thanh Niên
cuộc phỏng
vấn chung
quanh tình
hình dạy và
học ở các
trường đại
học hiện nay
và dự án xây
dựng một
trường Đại
học quốc tế
tại đô thị
cổ Hội An,
mà ông là
người lập đề
án và đứng
tên Trưởng
ban vận động
thành lập.
- Thưa giáo sư,
ông đã có nhiều bài viết
sắc sảo về đào tạo ở bậc
đại học, về học vị, bằng
cấp hiện nay với cách
đối chiếu thực trạng ở
Việt Nam với các nước.
Sau 5 tuần được mời
thỉnh giảng ở Đại học Đà
Nẵng, cũng như trước đó
ở Hà Nội và TP HCM, giáo
sư có thêm nhận xét gì
mới về giáo dục Đại học
ở nước ta hiện nay?
- Giáo sư Trần Văn
Thọ: Cũng không có gì
khác so với những điều
tôi đã viết. Nhưng có
thêm nhiều dẫn chứng cụ
thể hơn minh họa cho
những ý kiến của tôi. Có
thể tóm tắt là: Ở nước
ta hiện nay, ngoài một
số ít các các giáo sư
rất có uy tín, vị trí
của người giảng dạy ở
bậc đại học ít được tôn
trọng trong xã hội. Họ
giảng dạy nhiều hơn
nghiên cứu, thậm chí
công tác nghiên cứu
không được chú trọng.
Nhiều người có trình độ
không cao hơn các sinh
viên giỏi là học trò
mình là bao. Thù lao cho
họ cũng rất thấp. Ở bên
Nhật chẳng hạn, khi các
giáo sư đi ăn với sinh
viên thì giáo sư trả
tiền. Còn ở nước mình,
sinh viên lại góp tiền
vào để “bao” cho thầy.
Chính vì vậy chất lượng
đào đạo đại học tất
nhiên sẽ không cao và có
nhiều chuyện tiêu cực
trong quan hệ thầy trò.
Về Đà Nẵng lần này tôi
cũng có nhận lời hướng
dẫn các nghiên cứu sinh
làm luận án Thạc sĩ,
Tiến sĩ trong nước. Công
bằng mà nói, các luận
văn của họ chỉ là các
báo cáo nghiệp vụ chứ
chưa thể gọi là luận văn
được. Ở Nhật, tôi có dạy
cho 2 sinh viên Việt Nam
sang học Thạc sĩ. Một
người sau đó chỉ mất 2
năm về Việt Nam đã lấy
bằng Tiến sĩ, còn người
ở lại Nhật phải mất đến
5 năm làm việc cật lực
mới được công nhận. Một
trường hợp khác là nữ
cán bộ đương chức được
học bổng sang Nhật học
Tiến sĩ cũng đã không
thể chịu nổi áp lực của
việc học tập hết sức
căng thẳng và tâm sự với
tôi là không biết có thể
hoàn tất chương trình
trong 5 năm không! Đó là
những ví dụ cho thấy
phần nào chất lượng đào
tạo hiện nay trong nước…
- Giáo sư đang
nói chuyện đào tạo ở các
trường đại học công lập.
Còn ở các trường dân lập
hiện nay ở nước ta thì
sao?
- Giáo sư Trần Văn
Thọ: Cũng không khác
nhau là mấy về mặt bản
chất. Bình quân một sinh
viên được đào tạo ở đại
học công lập Việt Nam
hiện nay tốn hết 6,5
triệu đồng mỗi năm. Ở
các trường dân lập, sinh
viên chỉ đóng học phí
trên dưới 2 triệu đồng
(tức khoảng 30% so với
công lập). Nhưng anh
thấy đấy, kể cả phải nộp
thuế như một công ty,
các trường dân lập vẫn
rất giàu, họ tích luỹ
vốn rất nhanh để xây
dựng cơ sở vật chất, các
chủ trường nhanh chóng
trở thành các tỉ phú chỉ
trong vài năm. Có một
người đi huy động vốn mở
trường đại học dân lập
mà tôi được biết đã hứa
với các nhà đầu tư rằng
sẽ có mức lãi không dưới
15% khi góp vốn. Ở các
nước, trường tư không
bao giờ đặt nặng vấn đề
lợi nhuận. Hiệu trưởng
hoặc chủ tịch hội đồng
quản trị các trường tư
cũng hưởng lương như các
giáo sư và chỉ cao hơn
các giáo sư khoảng 30%.
Và cũng như các trường
công, việc giảng dạy,
học tập và nghiên cứu ở
các trường này luôn song
hành. Các giáo sư làm
việc 1/3 thời gian trong
phòng nghiên cứu và vẫn
được trả lương như giảng
dạy…
- Giáo sư đang
xúc tiến xây dựng một
trường đại học dân lập ở
Hội An và là Trưởng ban
vận động. Tôi có thông
tin là UBND tỉnh Quảng
Nam đã có quyết định cấp
28 ha đất ở phía Bắc thị
xã Hội An để xây dựng cơ
ngơi cho trường này.
Phải chăng đây là một
trường đại học có tầm
vóc và tránh được các
nhược điểm của giáo dục
đại học hiện nay ở nước
ta?
- Giáo sư Trần Văn
Thọ: Đến nay, nhiều giáo
sư, nhà hoạt động xã hội
có uy tín trong nước lẫn
nước ngoài, nhiều nhà
đầu tư Nhật Bản và các
doanh nhân thành đạt
người Quảng Nam, các nhà
báo có uy tín đã nhận
lời tham gia Ban vận
động thành lập trường
đại học này. Ông Nguyễn
Hoàng Long, nguyên phó
chủ tịch UBND thành phố
Đà Nẵng làm thường trực
Ban vận động, tiến hành
lập dự án và các thủ tục
liên quan. Tôi lo vận
động tài trợ, thiết kế
nội dung chương trình
đào tạo và mời các giáo
sư, các nhà khoa học đầu
ngành trong nước và quốc
tế đến giảng dạy. Có thể
nói tên trường sẽ là
Trường đại học quốc tế
Hội An. Hội An là di sản
văn hoá thế giới nổi
tiếng sẽ giúp quảng bá
cho thương hiệu của một
trường đại học. Trường
đặt trọng tâm vào lĩnh
vực giáo dục có chất
lượng không thua bất cứ
đại học nào trên thế
giới chứ không nhằm vào
kinh doanh và sẽ khắc
phục mọi nhược điểm giáo
dục hiện nay ở bậc đại
học. Sinh viên sẽ được
tuyển rất khắc khe và sẽ
có 1/3 thời gian học
theo hình thức seminar.
Hai năm đầu, các seminar
được các giáo sư giỏi
hướng dẫn khả năng diễn
đạt tiếng Việt, Anh ngữ
và vi tính. Ví dụ, giáo
sư sẽ đưa các cuốn sách
hay về văn học, lịch sử
Việt Nam, tác phẩm khác
bằng tiếng Anh vào thảo
luận, sinh viên sau đó
sẽ viết bài bình luận
tóm tắt theo các mức
thời gian 5 phút, 15
phút bằng tiếng Việt
hoặc Anh ngữ, tuỳ theo
môn học…. Cách học này
giúp sinh viên hình
thành khả năng tư duy,
xử lý thông tin và có
căn bản về ngoại ngữ.
Năm thứ 3 sẽ là các
semiar chuyên đề theo
ngành học và năm thứ 4
sẽ hoàn chỉnh kiến thức
và làm luận văn tốt
nghiệp. Một vấn đề hết
sức khó khăn là chọn và
mời giáo sư giỏi. Họ
phải đáp ứng 3 yêu cầu:
Nắm vững lý luận về
chuyên ngành họ giảng
dạy; có kiến thức chuyên
sâu về thực tiễn chuyên
ngành đó và theo dõi
được các động hướng
nghiên cứu chuyên ngành
trên thế giới. Giáo sư
sẽ được trả lương cao
trong giảng dạy kể cả
thời gian họ nghiên cứu
trong phòng thí nghiệm.
Ngay ở trong nước hiện
nay đã có nhiều vị được
đào tạo ở nước ngoài về,
đáp ứng 3 yêu cầu đó,
nhưng họ không mặn mà
với chuyện đi dạy mà
thích làm chuyên gia ở
các bộ, ngành trung ương
chỉ vì thù lao đi dạy
quá thấp. Trả thù lao
xứng đáng cho họ cũng là
cách để phục quyền, xác
lập lại vị trí của người
thầy hiện nay.
- Trường đại học
quốc tế Hội An sẽ có các
ngành đào tạo nào, thưa
giáo sư?
- Giáo sư Trần Văn
Thọ: Trường chúng tôi sẽ
có 3 khoa và 3 viện
nghiên cứu. Ba khoa là:
1- Khoa Văn hoá quốc tế
tổng hợp, tôi tạm dịch
là International Liberal
Art. Khoa này trang bị
kiến thức về văn hoá,
lịch sử dân tộc, văn hoá
thế giới ở một mặt bằng
cao. Sinh viên ra trường
có thể hoạt động ở nhiều
ngành như làm công chức,
kinh doanh, học giả, nhà
báo… nhờ họ được trang
bị phương pháp tư duy,
nghiên cứu tiên tiến và
có năng lực về văn hoá.
Hiện nay là một ngành
học đang được thế giới
quan tâm. Tại Nhật,
những sinh viên học
ngành này thường thành
đạt cao khi ra làm việc;
2- Khoa Kinh tế du lịch
nhằm đáp ứng nhu cầu
nhân lực cho việc phát
triển du lịch của miền
Trung trong tương lai và
3- Khoa Kinh tế kinh
doanh quốc tế. Ba Viện
nghiên cứu bao gồm: Viện
nghiên cứu phát triển
miền Trung-Tây nguyên,
Viện nghiên cứu đô thị
cổ và Viện nghiên cứu
Xuyên Á. Ngoài ra, sẽ có
một Hội quán giao lưu
văn hoá Hội An làm nơi
cho các giáo sư được mời
thỉnh giảng đến ở. Phần
còn lại để kinh doanh du
lịch đối với khách thuộc
giới trí thức, và là nơi
tổ chức các sinh hoạt
giao lưu văn hoá, hội
thảo khoa học… Cũng xin
nói trước là chất lượng
sinh viên thi vào sẽ rất
cao và phần thi về Anh
văn và tiếng Việt là các
môn bắt buộc.
- Trường đại học
quốc tế Hội An sẽ bắt
đầu hoạt động khi nào?
- Giáo sư Trần Văn
Thọ: Với các ngành dạy
rất mới, rất tiên tiến
và sự xuất hiện của các
giáo sư giỏi, chắc chắn
trường Đại học quốc tế
Hội An sẽ thu hút nhiều
sinh viên các nước đến
du học. Nếu thủ tục và
việc đầu tư suông sẻ, có
thể trường này sẽ hoạt
động từ đầu năm 2007.
- Xin cảm ơn giáo
sư đã dành cho TN cuộc
trò chuyện này.
Trương Điện Thắng
http://www.thanhnien.com.vn/Giaoduc/2005/4/4/79757.tno
=============================
Với Vietnam.net
Đào tạo tiến sĩ: Cải tổ từ cơ sở và ông
thầy!
17/01/2006
(VietNamNet) -
"Dư luận lên án người đi mua và bán luận
án. Nhưng tôi lấy làm lạ là không ai đặt câu
hỏi “làm sao những người mua luận án đã bảo
vệ thành công và lấy bằng tiến sĩ"? Họ đã
bảo vệ tại đâu, ai ở trong hội đồng chấm
luận án ấy? Làm sao nhờ người khác thi hộ để
được ghi danh học tiến sĩ mà GS hướng dẫn
sau đó không phát hiện được?"
|
Tham khảo tóm tắt một luận án
tiến sĩ tại hội nghị đào tạo sau
ĐH .
Ảnh: Lê Anh Dũng |
Từ ĐH Waseda (Tokyo), GS
kinh tế học Trần Văn Thọ đã "kiến nghị một
giải pháp dứt khoát cho vấn đề học vị tiến
sĩ" (tiêu đề bài viết mà ông gửi cho
VietNamNet)
Mục tiêu không
có căn cứ khoa học
Từ “lạm phát”
văn bằng tiến sĩ tại Việt Nam không đủ để
diễn tả tình hình đã quá trầm trọng. Ta vẫn
còn bắt gặp những cụm từ “tiến sĩ giấy”,
“thi hộ tiến sĩ”, “chợ luận án tiến sĩ”,
v.v... trên các bài báo trong nước gần đây.
Tiến sĩ là học
vị cao nhất trong khoa học mà lại có thể thi
hộ, có thể mua luận án cũ để nộp mà vẫn lấy
được bằng? Một người bình thường với một
trình độ hiểu biết trung bình cũng có thể
đặt ra nghi vấn đó. Đặt được nghi vấn đó thì
thấy ngay cái gốc của vấn đề. Tại sao Nhà
nước vẫn không thấy hay là thấy mà vẫn không
muốn sửa, và tại sao không muốn sửa?
Trong khi dư
luận báo chí và những người hiểu biết than
thở với nhau “cái học ngày nay đã hỏng rồi”
thì những người có trách nhiệm của Nhà nước
vẫn tiếp tục đưa ra mục tiêu không có căn cứ
khoa học (đến năm 2010 phải có 19.000 tiến
sĩ!). Và để đạt mục tiêu, đã đưa các chỉ
tiêu xuống các cơ sở giáo dục đào tạo, mà
theo chuẩn mực quốc tế, còn rất xa mới đủ
năng lực để dạy bậc tiến sĩ.
Nhà nước có ảo
tưởng là cứ tăng số lượng nguời có bằng tiến
sĩ là có đủ “nhân tài” gánh vác công cuộc
công nghiệp hoá - hiện đại hoá. Trong lúc
đó, về phía cầu, xã hội ngày càng chạy theo
bằng cấp, bằng càng cao càng dễ được đề bạt
lên các chức vụ cao hơn. Cả hai mặt cung và
cầu đều có thể sửa đổi được ngay nếu Nhà
nước thấy vấn đề và có quyết tâm thực hiện.
Tôi vẫn không
hiểu tại sao tình hình này cứ kéo dài và có
chiều hướng trầm trọng hơn mặc dù nhiều
người đã thấy vấn đề rất sớm và đã cảnh báo.
Gần 10 năm trước, trên báo
Nhân Dân, tôi đã nêu vấn đề này.
Ở ĐH Thammasat,
một ĐH dạy kinh tế lâu đời nhất của Thái
Lan, trong số gần 60 GS, PGS và giảng viên
chính của khoa kinh tế, có hơn 2/3 là những
người đã học và lấy bằng tiến sĩ từ các nước
tiên tiến, phần lớn là từ các đại học hàng
đầu của Mỹ. Thế nhưng, để bảo đảm chất lượng
văn bằng tiến sĩ, họ chưa dám bắt đầu đào
tạo.
Với số người
từng được thử thách và thành công ở các ĐH
tiên tiến như vậy, về mặt số GS có tư cách
hướng dẫn, họ đã có đủ. Nhưng các điều kiện
khác không cho phép nghiên cứu sinh tại Thái
Lan cập nhật với các nghiên cứu mới trên thế
giới nên họ đã thận trọng. Vào thời điểm
hiện tại, ĐH Thammasat vẫn còn rất thận
trọng mặc dù lực lượng GS của họ hùng hậu
hơn truớc: Hiện nay, có 70 GS, PGS và giảng
sư trong khoa kinh tế. Hầu hết đã lấy tiến
sĩ từ các nước tiên tiến, mấy năm gần đây họ
đã chính thức xây dựng chương trình đào tạo
tiến sĩ nhưng mỗi năm cũng chỉ cấp 4 hoặc 5
văn bằng.
Một người bạn
của tôi đang dạy ở đó giải thích như sau: Vì
muốn văn bằng tiến sĩ tại Thái Lan tương
đương chất lượng với văn bằng tại các nước
tiên tiến nên chúng tôi chủ trương không đào
tạo nhiều và chọn đầu vào rất kỹ, chương
trình học cũng vất vả nên những sinh viên
giỏi và quyết chí học mới thi đỗ và học đến
khi lấy được bằng. Thật ra Đại học Thammasat
không phải là trường hợp cá biệt mà sự
nghiêm túc đó rất phổ biến tại các nước.
Cái gốc của vấn
đề là gì?
Thật ra, trong
bài báo đăng trên Tia Sáng (năm 2003), tôi
đã nêu mấy kiến nghị cụ thể để giải quyết
vấn đề cả hai mặt cung và cầu. Hôm nay, tôi
xin rút gọn lại thành một đề nghị gồm mấy
điểm mà tôi cho là cơ bản nhất:
Thứ nhất,
cần thống nhất phương châm cơ bản là văn
bằng tiến sĩ đào tạo ở VN phải tương đương
chất lượng với văn bằng tại các nước khác.
Không thể cho rằng trình độ phát triển kinh
tế, xã hội VN còn thấp thì phải chấp nhận
văn bằng có giá trị thấp.
Thứ hai,
nhà nước không giao chỉ tiêu đào tạo đến các
viện, các truờng, và không tạo điều kiện cho
quan chức đi học tại chức để lấy bằng tiến
sĩ (Quan chức nhà nước chỉ cần có bằng ĐH,
không xem học vị thạc sĩ hay tiến sĩ là tiêu
chuẩn để đề bạt).
Thứ ba,
tạm ngừng các chương trình đào tạo tiến sĩ
tại các viện, các trường cho đến khi có
chính sách mới, đồng thời tiến hành lập các
hội đồng thẩm định gồm những nhà khoa học có
uy tín trong và ngoài nước với nhiệm vụ thẩm
định, đánh giá tư cách đào tạo tiến sĩ của
các truờng, các viện và các giáo sư. Công
khai trên báo đài tên tuổi, thành tích khoa
học của những thành viên trong các hội đồng
thẩm định.
Thứ tư,
sau chừng nửa năm hoặc một năm hoạt động của
các hội đồng thẩm định, công bố danh sách
các trường, các viện và tên các giáo sư đã
qua thẩm định và được thừa nhận có tư cách
đào tạo tiến sĩ. Các cơ quan nầy được phép
tiếp tục các chương trình đào tạo tiến sĩ.
Thứ năm,
những nghiên cứu sinh đã được nhận vào các
viện, các trường không đủ tư cách đào tạo
tiến sĩ phải thi lại vào các viện, các
trường có tư cách đó.
Thứ sáu,
khuyến khích những “tiến sĩ” đã lấy bằng tại
các cơ sở không đủ tiêu chuẩn mạnh dạn xin
bảo vệ lại tại những viện, những truờng có
đủ tiêu chuẩn đào tạo.
Trong tương lai,
những tiến sĩ chân chính sẽ ghi thêm chi
tiết về nơi được đào tạo trong danh thiếp
hoặc trong các giấy tờ liên hệ. Và như vậy,
những tiến sĩ không đủ tiêu chuẩn phải bảo
vệ lại hoặc tự đào thải.
Những đề nghị
này tập trung giải quyết trên căn bản vấn đề
tiêu chuẩn của các cơ sở đào tạo và của các
GS, PGS. Đây là vấn đề tế nhị và sẽ gặp phải
sự phản kháng của những cơ sở và của những
người không đủ tiêu chuẩn. Nhưng không thể
có phương pháp nào khác để giải quyết tình
trạng hiện nay. Những người có ý kiến khác
cũng nên công khai thảo luận trên báo đài.
Chúng ta thử trở
lại các nghi vấn nêu ở đầu bài này.
Dư luận phê phán
“chợ luận án”, lên án người đi mua và bán
luận án. Nhưng tôi lấy làm lạ là không ai
đặt câu hỏi “làm sao những người mua luận án
đã bảo vệ thành công và lấy bằng tiến sĩ"?
Họ đã bảo vệ tại đâu, ai ở trong hội đồng
chấm luận án ấy? Làm sao nhờ người khác thi
hộ để được ghi danh học tiến sĩ mà GS hướng
dẫn sau đó không phát hiện được? Chung quy
cái gốc vẫn là ở cơ sở đào tạo và ở người
hướng dẫn làm luận án. Không giải quyết cái
gốc này thì tình trạng vẫn như cũ.
Nếu đề án này được thực hiện thì mỗi năm, số
người lấy được bằng tiến sĩ tại VN sẽ ít hẳn
đi, nhưng đó là trạng thái bình thường ở
giai đoạn phát triển hiện nay của đất nước
ta.
Ít nhất là
trong bộ máy nhà nước và trong giới doanh
nghiệp, số người có bằng tiến sĩ ở VN nhiều
hơn hẳn ở Nhật Bản là nước đông dân hơn
nhiều và có thu nhập đầu người gấp 75 lần
VN. Đó là hiện tượng dị thường.
Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang có kế hoạch
cải thiện chương trình đào tạo tiến sĩ.
Đó là ý định tốt. Tuy nhiên, không thể chỉ
sửa đổi các tiêu chuẩn, điều kiện liên quan
đến luận án, đến quy trình đánh giá luận án
và đưa chỉ thị mới xuống các cơ sở đào tạo
hiện nay là cải thiện được tình hình. Phải
giải quyết cái gốc của vấn đề!
http://www.vietnamnet.vn/giaoduc/2006/01/533154/
|