Ðào tạo đại học ở Úc.

 Gs. Nguyễn Văn Tuấn
 
 

Ý kiến về đào tạo sau đại học ở Việt Nam


Qua nhiều lần theo dõi các cuộc thảo luận về đường hướng giáo dục hậu đại học ở VN,  người viết bài này nhận thấy vài đồng nghiệp trong nước có một số hiểu lầm nhỏ của về sự phân biệt giữa các văn bằng ở các nước như Úc,  Anh và Mỹ. Là một người dạy học và nghiên cứu khoa học ở Úc và Mỹ trong nhiều năm qua, tôi muốn trình bày và làm sáng tỏ một vài điểm về hệ thống đào tạo đại học và hậu đại học và văn bằng ở Úc, để góp phần vào việc thảo luận trong nước.

Hệ thống giáo dục đại học ở Úc giống Anh hơn là Mỹ, ở Úc, hệ thống đào tạo đại học khá đơn giản. Sau khi học xong lớp 12, học sinh phải trải qua một kỳ thi tốt nghiệp trung học. Tất cả các học sinh đều được cấp chứng chỉ tốt nghiệp trung học, với một số điểm (hay hạng) mà học đạt được trong kỳ thi. Số điểm này sẽ quyết định học sinh có thể xin học ngành gì ở bậc đại học. Chẳng hạn như, muốn theo học các ngành y hay luật khoa, học sinh phải có số điểm cao nhất. Các ngành khác như kỹ thuật, kinh tế, khoa học thường đòi hỏi học sinh phải có điểm trên trung bình. Các ngành văn chương, toán và y tá chỉ đòi hỏi học sinh có điểm trung bình. Các trường đại học lớn, lâu đời và có uy tín thường đòi điểm cao hơn các trường nhỏ và mới. Do đó, một học sinh có thể có đủ điểm để vào học Y khoa ở trường A, nhưng lại chỉ đủ điểm học kỹ sư ở trường B. Điều cần chú ý ở đây là, không như ở Việt Nam, học sinh Úc không phải thi vào đại học sau khi đã thi xong trung học; số điểm thi trung học là yếu tố quyết định được vào đại học hay không.

Thời gian học bằng cử nhân (bachelor) cho các ngành khoa học cơ bản
(sinh học, vật lý, hóa học, toán v.v...), khoa học nhân văn, văn chương thường là ba năm. Tuy nhiên các ngành như kỹ sư điện, dược và luật khoa thường từ 4 tới 5 năm. Tùy theo ngành học, sau khi xong
chương trình cử nhân, tất cả các sinh viên được cấp bằng BA (Bachelor of Arts), BSc (Bachelor of Science) hay BE (Bachelor of Engineering).
Riêng ngành y khoa, các sinh viên thường phải học 6 năm và làm tập sự (internship, residence) 1-2 năm trong bệnh viện để được cấp bằng cử nhân. Những sinh viên này được cấp hai bằng cử nhân viết tắt là M.B
(bachelor of medicine) và B.S (bachelor of surgery). Cần được nói thêm là mặc dù văn bằng là cử nhân, nhưng danh xưng của họ là "bác sĩ" (doctor).

Những sinh viên xuất sắc thường được khuyến khích học thêm một năm nữa và tập làm nghiên cứu ở phân khoa. Sau khi xong một năm, học sinh sẽ phải viết một luận án tốt nghiệp, và được cấp bằng cử nhân nhưng có kèm theo chữ "honours" như BA (Hons), BSc (Hons), BE (Hons) hay MB BS (Hons).

Mô hình đào tạo hậu đại học ở Úc được kết hợp từ hai mô hình của Anh
và Mỹ. Và vì thế, nó có vẻ khá đa dạng, nhưng rõ ràng. Phần lớn các ngành khoa học và kỹ thuật, có ba chương trình đào tạo : Graduate Diploma, Masters và Doctorate Graduate diploma thường dành cho :

(a) Những người muốn theo học các môn học mà không cùng môn học ở bậc cử nhân mà họ đã có (chẳng hạn như sinh viên đã có bằng cử nhân về toán, nhưng muốn theo học hậu đại học ngành quản lý).

(b) Những người không đủ khả năng hay điều kiện học bậc masters. Thời gian học graduate diploma thường từ 1 tới 2 năm. Tuy nhiên phần lớn là 1 năm. Sinh viên không cần làm luận án tốt nghiệp.

Ngày nay, với sự cạnh tranh giữa các trường đại học càng ngày càng gay gắt, số lượng sinh viên theo học Graduate Diploma ít đi dần, vì phần đông họ tìm cách học chương trình masters. Thật ra, phân nửa các môn học của Graduate Diploma là nằm trong chương trình học Masters.

Chương trình học Masters, cũng giống như chương trình Graduate Diploma, là nhằm vào mục tiêu đào tạo những chuyên viên kỹ thuật cho các cơ quan chính phủ và công ty. Sau khi tốt nghiệp, những người này phải có một khả năng chuyên môn vừa sâu, vừa vững vàng, có thể đáp ứng cho nhu cầu thực tế của một cơ quan hay công ty. Chương trình Masters thường dành cho những sinh viên đã có bằng cử nhân cùng ngành. Tuy nhiên, tùy theo trường hợp cá nhân và kinh nghiệm, các sinh viên cũng có thể theo học các ngành chuyên môn khác với văn bằng căn bản cử nhân mà họ đã có.

Ngày nay, sinh viên trong các ngành khoa học thuần túy cũng có thểđược nhận vào học bên các ngành kinh tế hay xã hội học. Chương trìnhmasters thường kéo dài từ 1 tới 2 năm. Nhưng cũng có trường dạy MBA (Master of Business Administration) trong vòng 1 năm, với một chương trình học rất nặng và đòi hỏi sinh viên phải học ngày học đêm. Hầu như không có sinh viên cử nhân danh dự (honours) nào theo học Masters hay Graduate Diploma.

Chương trình học tiến sĩ (Doctorate) là nhằm mục đích đào tạo những   khoa học gia chuyên nghiệp (professional scientists), những chuyên viên nghiên cứu cao cấp cho các công ty kỹ nghệ và các cơ quan nghiên cứu thuộc chính phủ. Những người này đóng vai trò then chốt cho nền khoa học của Úc và là nguồn cung cấp giảng dạy cho các trường đại học. ở Úc, có ba dạng tiến sĩ riêng biệt: PhD (doctor of philosophy) cho tất cả các ngành (kể cả y khoa), MD (doctor of medicine) riêng cho y khoa, và DSc (doctor of science) cho tất cả các ngành khoa học.

Về chương trình đào tạo PhD : ở Úc, không giống như chương trình masters (mà sinh viên phải tham dự học trong lớp, tức course-work và
nghiên cứu), học sinh tiến sĩ không học course-work mà chỉ làm nghiên cứu. Dĩ nhiên, trong thời gian nghiên cứu cho luận án, sinh viên phải dự những buổi thảo luận khoa học trong trường hàng tuần, phải tham gia các buổi tham luận này, phải dự những hội nghị chuyên ngành trong nước, phải dự ít nhất là một hội nghị quốc tế chuyên ngành v.v. Những sinh viên được nhận vào học PhD thường là những người :

(a) Đã có bằng masters hay có kinh nghiệm research;
(b) Cử nhân hạng danh dự như đề cập trên;
(c) Cử nhân thường, nhưng đã làm nghiên cứu ít nhất là một hai năm.
Thời gian học thông thường từ 3 tới 6 năm. Sinh viên phải có ít nhất là 2 hay 3 bài báo đăng trên các tạp chí có peer-review để có thể bảo vệ luận án. Luận án thường được hai khoa học gia có uy tín trong nước(thông thường từ các trường đại học khác) và một khoa học gia uy tín ngoài Úc duyệt xét và phê chuẩn. Thời gian duyệt xét luận án có thể từ
6 tháng tới 1 năm.

Chương trình đào tạo MD chỉ dành cho các sinh viên đã tốt nghiệp bác sĩ y khoa (MB BS). Mục đích của chương trình học này là huấn luyện cho các bác sĩ cách nghiên cứu khoa học lâm sàng (clinical medicine) hơn là khoa học cơ bản (basic science). Thông thường, sinh viên phải làm một hay hai cuộc nghiên cứu lâm sàng (clinical studies) và sẽ viết luận án dựa trên các nghiên cứu nàỵ Chương trình học MD thông thường là 2 cho tới 3 năm (ngắn hạn hơn PhD). Tuy nhiên, trên lý thuyết, MD được xem là một văn bằng PhD (hậu đại học) của medicine, khác với MD của Mỹ là một văn bằng căn bản về y khoa. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đã có khuynh hướng bỏ chương trình học này và nhập vào chương trình học PhD.

Ngoài ra, các sinh viên đã có bằng MB BS cũng có thể theo đuổi học chuyên ngành (specialist training) thay vì học PhD hay MD. Chương trình huấn luyện specialist training không do đại học đảm nhận, nhưng được các bệnh viện đào tạo. Thời gian thường từ 4 tới 6 năm, và các bác sĩ phải trải qua một cuộc thi lý thuyết và thực hành (lâm sàng) được xem là gay go nhất trong đời làm bác sĩ. Sau khi đỗ cả hai kỳ lâm
sàng và lý thuyết, các bác sĩ sẽ được kếp nạp vào các trường chuyên môn với chức vụ Fellowship of the Royal Australian College of Physicians (FRACP), Fellowship of the Royal Australian College of Surgeons (FRACS)  v.v... ở Anh, những danh xưng tương đương này là FRCP, FRCS, v.v...

DSc là một văn bằng có tính cách danh dự. Văn bằng này được cấp cho
những khoa học gia (những người đã có PhD hay MD) đã bỏ ra một thời gian dài để theo đuổi một đề tài khoa học trong cuộc đời họ. Thí sinh không "học" như các sinh viên PhD, mà chỉ viết luận án về một đề tài chuyên môn, dựa vào những bài báo (thông thường là khoảng 20 bài trở lên) đã được công bố trên các tạp chí khoa học. Trên lý thuyết, văn bằng DSc ở Úc và Anh được xem là cao hơn văn bằng PhD. Nhưng trong thực tế, văn bằng này không nhận được một sự kính nể bằng những người PhD nhưng đã có nhiều thành tích cao trong nghề nghiệp. Ngày nay, rất hiếm sinh viên theo học DSc.

Không nên nhầm lẫn giữa văn bằng DSc của Úc và của Mỹ. ở Mỹ, văn bằng cao nhất là tiến sĩ, cụ thể là PhD hay tương đương. Những văn bằng tương đương PhD ở Mỹ thường gặp là DSc, EdD (doctor of education), DrPH (doctor of public health), DrEng (doctor of engineering). Vài trường, chẳng hạn như Havard, họ gọi tiến sĩ của ngành public health là DSc, trong khi đó ở các trường khác lại gọi là DrPH hay PhD. Tương tự, ở trường đại học Boston, những tiến sĩ về sư phạm được gọi là EdD, nhưng phần lớn ở các trường khác thì lại được gọi là PhD. Văn bằng PhD cũng được cấp cho các tiến sĩ về kỹ thuật (engineering), nhưng có trường ở Mỹ lại gọi là DREng !

Bằng cấp là một hình thức tưởng thưởng cho quá trình học vấn của sinh viên, học sinh. Bằng cấp không phải là thước đo về khả năng nghiên cứu khoa học. Trong thực tế, sau khi đã tốt nghiệp tiến sĩ, các sinh viên còn phải làm việc, thực tập nghiên cứu với vai trò "hậu tiến sĩ"
(postdoctoral fellow) từ 1 tới 3 năm trong các trung tâm nghiên cứu hay trường đại học. Đây là thời gian mà nghiên cứu sinh phải tranh thủ làm đêm ngày để công bố những công trình mình đã làm trong khi học tiến sĩ nhưng chưa có đủ thời gian công bố. Đối với một nhà khoa học,đây cũng là giai đoạn quyết định chiều hướng nghiên cứu và bắt đầu một sự nghiệp nghiên cứu khoa học độc lập của mình.

Chức vụ khoa bảng (academic position) như giáo sư (professor), phó giáo sư (associate professor), v.v...  cũng không nói lên được trình độ và khả năng làm khoa học. Những chức vụ khoa bảng có tính cách địa phương và tùy thuộc một phần vào sự đóng góp của người làm khoa học cho trường của họ. Úc, Anh hay Mỹ, tất cả các chức vụ giáo sư, phó giáo sư, giảng sư (lecturer) đều do hội đồng của trường đại học phong, chứ không phải do chính phủ như ở các nước xã hội chủ nghĩa cũ. Tiêu chuẩn được đề bạt vào những chức vụ này rất khác nhau giữa các trường đại học, và tùy thuộc vào nhiều yếu tố như số và chất lượng các công trình nghiên cứu khoa học, thời gian phục vụ tại trường, số lượng tiền tài trợ cho nghiên cứu đã đạt được, tham gia vào cộng đồng v.v... và v.v... Do vậy, giữ chức giáo sư của trường A không có nghĩa là giáo sư đó sẽ được đương nhiên bổ nhiệm cùng chức ở trường B. Về mặt ngoại giao và với tính lịch sự, vị giáo sư đó vẫn được gọi bằng danh xưng "professor". Một "visiting professor" cũng không đồng nghĩa với một giáo sư thực thụ được bổ nhiệm qua kênh chính thức (official channel).

Dĩ nhiên trong nghiên cứu khoa học không có biên giới quốc gia. Vì thế, một người làm khoa học chuyên nghiệp và chân chính là một khoa học gia quốc tế (international scientist). Người đánh giá khả năng và trình độ nghiên cứu của một khoa học gia không ai khác hơn là đồng nghiệp trong và ngoài nước của họ, chứ không phải do một trường đại học riêng biệt nào hay do bộ giáo dục. Trong thực tế, chất lượng và số lượng của những bài báo khoa học công bố trên các tạp chí  khoa học uy tín, nghiêm tÚc trên thế giới được xem là một thước đo về trình độ làm khoa học và sự thành công trong nghiên cứu của một khoa học gia. Lịch s đã chứng minh rằng nhiều bài báo được công bố bởi các sinh viên chưa có bằng tiến sĩ, nhưng lại được đánh giá cao trong chuyên môn.
Qua những bài báo này, mà người làm khoa học có thể xác định vị trí của mình trong chuyên môn. Trong giới làm khoa học, sự kính nể của đồng nghiệp dành cho một người làm công tác khoa học không bao giờ dựa vào bằng cấp của người đó, nhưng là dựa theo những công trình đã được công bố, và thường được biểu hiện qua những lời mời tham dự các hội thảo khoa học ngắn hạn, keynote lecture, v.v...

Trong nhiều năm qua, mặc dù gặp muôn vàn khó khăn, các nhà khoa học ở Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng vào kiến thức khoa học của nhân loại. Tuy nhiên, những đóng góp này vẫn còn gói gọn trong các môn và đề tài khoa học có tính hẹp. Quan trọng hơn nữa, so với các nước trong khối ASEAN, đóng góp của các nhà khoa học ở Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn. Tôi tin rằng với sự cải tổ giáo dục hậu đại học nhanh chóng, hữu hiệu, và với một đầu tư đúng mức của nhà nước, các nhà khoa học VN sẽ gây nhiều tiếng vang trên trường khoa học quốc tế hơn nữa trong tương lai.

Tôi đề nghị Việt Nam nên có hai chương trình đào tạo masters : một chương trình nhắm vào mục tiêu huấn nghệ (vocational training) và một chương trình nhắm vào nghiên cứu (academic training). Chương trình huấn nghệ nhằm mục tiêu đào tạo các chuyên viên cho các cơ quan nhà nước và công ty, hãng xưởng kỹ nghệ. Các sinh viên chỉ cần học hai năm và chú trọng vào các môn học có tính thực tế, và với một luận văn tốt nghiệp như hiện nay. Chương trình masters cho nghiên cứu nhằm mục đích đào tạo những nhà nghiên cứu để sau này tiếp tục theo học tiến sĩ (TS) hay dạy học trong các trường đại học, cao đẳng. Sau hai năm học, sinh viên cần phải trình một luận án tốt nghiệp. Tôi tin rằng với sự quan tâm đúng mức, các sinh viên chương trình masters vẫn có thể cống hiến các công trình nghiên cứu của họ trên các tạp chí trong và ngoài nước.

Tôi cho rằng đặt ra một cái mốc thời gian cho chương trình đào tạo tiến sĩ là không nên. Tôi cũng cho rằng thời gian (2 năm sau khi đã có bằng masters như qui định hiện nay ở VN) cần để bảo vệ luận án tiến sĩ
là tương đối  ngắn. Thông thường, một sinh viên TS cần phải có một năm làm quen với đề tài mình nghiên cứu, và một năm để phát triển các lý thuyết, phương pháp, kết quả v.v... Thời gian để viết báo cáo khoa học và công bố những bài báo này cũng mất ít nhất là một năm. Úc và Mỹ, tôi biết có vài sinh viên phải nghiên cứu cả 10 năm để có một văn bằng PhD. Thời gian đào tạo tiến sĩ không nên dựa vào thí  sinh đã có bằng masters hay chưa, mà nên dựa vào sinh viên đó đã hoàn thành cái luận án tới đâu. Một sinh viên TS không thể tốt nghiệp nếu như đề tài mình nghiên cứu chưa đến nơi đến chốn.

Ngày nay, ở các nước phương Tây, văn bằng tiến sĩ (doctorate) được coi là một giấy thông hành quốc tế (international passport) để nghiên cứu khoa học. Vì thế, người có văn bằng này phải xứng đáng là một nhà khoa học chuyên nghiệp, có thành tích trên trường khoa học quốc tế, và có thể làm việc trong bất cứ cơ quan nghiên cứu nào trên thế giới trong ngành nghề của họ mà không cần qua một khóa huấn luyện nào khác.
Tôi đề nghị bộ Giáo Dục và Đào Tạo nên quan tâm đến chất lượng đào tạo hơn là danh xưng, tên gọi của văn bằng. Cần phải tạo điều kiện và hướng dẫn cho sinh viên tiến sĩ sao cho khi tốt nghiệp, họ phải có ít nhất là hai bài báo công bố trên các tạp chí quốc tế. Cần phải có một đội ngũ những người làm hướng dẫn làm luận án mạnh và có uy tín trong khoa học. Những người này phải có ít nhất là 10 bài báo hay công trình nghiên cứu đã được đăng trên các tạp chí uy tín trên thế giới. Cần phải có một hệ thống bảo vệ và duyệt luận án nghiêm chỉnh hơn, kể cả tranh thủ sự hợp tác của những nhà khoa học ở các nước phương Tây, kể cả Việt kiều, trong các hội đồng xét duyệt luận án. Có như thế thì văn bằng tiến sĩ và người có văn bằng đó từ các trường đại học ở VN mới được kính trọng từ các đồng nghiệp, và quan trọng hơn hết là nâng caochất lượng đào tạo hậu đại học ở Việt Nam ./.

(PhD. Nguyễn Văn Tuấn, t.nguyen@garvan.org.au, University of New South Wales)