-
Dioxin
trong chiến tranh Việt Nam
-
Dioxin và
cựu chiến binh Mỹ
-
Dioxin và
người Việt Nam
-
Mức độ
nhiễm dioxin
-
Tác hại của
dioxin trong thú vật
-
Tác hại của
dioxin trong con người
-
Vài nhận
xét cá nhân
-
Chú
thích:
Dioxin trong chiến tranh Việt Nam
Chất màu da
cam (thường được đề cập đến là Agent
Orange, hay AO) [1] là một loại thuốc diệt cỏ,
gồm có hai thành phần chính:
2-4-dichlorophenoxyacetic và
2,3,7,8-Tetrachlorodibenzo-p-dioxin (tức
dioxin). Trong thập niên 1940, chất màu da cam
được phát triển để diệt cỏ dại. Tuy nhiên, hóa
chất này còn tỏ ra rất hữu hiệu trong việc tiêu
diệt các loại cây có lá rộng và vụ mùa. Khả năng
diệt cỏ và cây xanh của AO đã thu hút sự chú ý
của giới quân sự Mỹ, và họ đã thử nghiệm thành
công ở Fort Detrick (bang Maryland), Căn cứu
Không quân Eglin (bang Florida), và Camp Drum
(bang New York), trước khi đem sang dùng ở Thái
Lan vào đầu thập niên 1960's.
Tuy nhiên, AO chỉ được dùng một cách qui mô
trong thời chiến tranh Việt Nam, với mục đích
chính là khai hoang đồng cỏ, làm cho đối phương
(quân đội cộng sản) không có chỗ lẫn tránh. Ngày
20 tháng 11 năm 1961, Tổng thống Kennedy phê
chuẩn cho quân đội Mỹ tiến hàng chiến dịch
Operation Ranch Hand để khai hoang đồng cỏ Việt
Nam [2]. Quyết định này được Tổng thống Ngô Đình
Diệm ủng hộ một cách nồng nhiệt [3], vì ông ta
cho rằng ông "biết cộng sản đang ở đâu." Tuy
nhiên, trong nội bộ Mỹ, có sự phản đối từ các
nhân vật cao cấp từ Bộ Ngoại giao như Roger
Hilsman và W. Averell Harriman, vì họ cho rằng
không có cách gì để biết được là đồng lúa của
đối phương sẽ bị tiêu hủy hay không. Nhưng chiến
dịch vẫn được thi hành.
Kể từ năm 1962, Lực lượng Không quân Mỹ đã bắt
đầu dùng chất độc màu da cam ở các vùng đất
thuộc miền Nam và Trung Việt Nam. Năm 1969,
trong một báo cáo khoa học cho Viện Y học (Mỹ),
dựa vào các thí nghiệm trên chuột, một số nhà
khoa học Mỹ đã kết luận rằng chất màu da cam có
thể gây ra dị thai (birth defect). Năm 1970,
chính phủ Mỹ ra lệnh ngưng dùng chất màu da cam
trong chiến tranh, nhưng trên thực tế, các thuốc
khai hoang khác vẫn được tiếp tục xịt cho đến
năm 1971 mới chấm dứt. Trong thời gian mười năm
(tính từ 1962 đến 1971), trong Chiến dịch Ranch
Hand, quân đội Mỹ đã rải xuống Việt Nam khoảng
19 triệu gallons (tức khoảng 71.9 triệu lít)
thuốc khai hoang, trong đó có 11 triệu gallons
(hay 41.6 triệu lít) AO [4]. Với 11 triệu
gallons AO, người ta đoán rằng có chứa khoảng
368 pounds (tức 167 kg) dioxin [5]. Phần lớn
(90%) AO được rải xuống Việt Nam bằng máy bay
loại C-123, và phần còn lại (10%) bằng trực
thăng, xe vận tải, và đi bộ. Tổng diện tích mà
quân đội Mỹ đã rải là 1.5 triệu hectares, tức
gần 10% diện tích của miền nam Việt Nam, trong
đó có nhiều vùng bị rải hơn 4 lần. Theo báo cáo
chính thức của Chiến dịch Ranch Hand, kết quả là
quân đội Mỹ đã phá hủy khoảng 14% diện tích rừng
nam Việt Nam, kể cả 50% các vườn xoài [6].
Dioxin và cựu chiến binh Mỹ
Sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc, hai thành
phần được công nhận là chịu ít nhiều ảnh hưởng
của dioxin: đồng bào Việt Nam sống trong các
vùng bị rải AO, và quân nhân Mỹ, những người
trực tiếp rải hóa chất này. Sau năm 1975, một số
cựu chiến binh Mỹ và thân nhân của họ bắt đầu
phàn nàn tình trạng suy đồi sức khỏe, đặc biệt
là ung thư, và tình trạng khuyết tật trong con
cái của họ. Những cựu chiến binh này nghi ngờ
rằng dioxin là thủ phạm của những bệnh tật như
thế. Họ vận động với chính phủ, và một số thượng
nghị sĩ cũng khẳng định rằng AO, hay dioxin, là
độc chất gây ra bệnh tật cho giới cựu chiến
binh, và kêu gọi chính phủ phải bồi thường cho
những thiệt hại này. Tiếp theo đó, Bộ phụ trách
các dịch vụ cựu chiến binh (Department of
Veterans Affairs) bắt đầu tiến hành thủ thục bồi
thường cho những cựu chiến binh mắc bệnh
"non-Hodgkins lymphoma" hay "soft tissue
sarcoma."
Nhưng ý kiến dioxin là thủ phạm của những vấn đề
sức khỏe trong giới cựu chiến binh bị một số nhà
nghiên cứu y khoa thách thức. Các nhà nghiên cứu
này trình bày dữ kiện cho thấy không có một sự
liên đới nào giữa AO hay dioxin và ung thư. Nhận
xét này được phù hợp với một nghiên cứu ở Úc, mà
trong đó các nhà nghiên cứu Úc không tìm thấy
mối liên hệ nào giữa dioxin và các vấn đề sức
khỏe trong cựu quân nhân Úc từng tham chiến ở
Việt Nam.
Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi một số nhà
nghiên cứu khác trình bày dữ kiện cho thấy
dioxin có thể gây ra ung thư, dị thai, và một
loạt tác hại khác cho sức khỏe. Một cuộc tranh
luận "nóng" giữa các nhà nghiên cứu xảy ra trên
các tập san y học. Các nhà nghiên cứu y học
thường rất bình tĩnh, lạnh lùng, và ôn hòa trong
lời văn chữ viết, nhưng trong cuộc tranh luận
này, đã có lúc họ dùng đến những danh từ nặng
cảm tính như "huyền thoại" (myth), "sai lầm"
(wrong, mistake) …
Để giải quyết tình trạng bất đồng ý kiến này,
chính phủ Mỹ đã chi ra một ngân khoảng rất lớn
(140 triệu đô-la) để ủy nhiệm một số chuyên viên
khoa học và bác sĩ tiến hành nghiên cứu ảnh
hưởng của dioxin trong sức khỏe của cựu chiến
binh Mỹ. Cuộc nghiên cứu này được lấy tên chiến
dịch rải AO, tức là "The Operation Ranch Hand
Study" [7]. Trong nghiên cứu này, các nhà
nghiên cứu theo dõi tình trạng sức khoẻ của hai
nhóm cựu chiến binh từng tham gia vào chiến dịch
này trong thời chiến tranh: nhóm I gồm khoảng
1000 người từng trực tiếp rải AO xuống Việt Nam;
và nhóm II có khoảng 1300 người không trực tiếp
rải chất AO, nhưng có mặt trong nhà kho, bảo
quản chất AO trong thời chiến tranh. Trong thời
gian từ 1982, 1985, 1987, 1992, 1997, và 2002
(sắp tới), mỗi cựu chiến binh (nếu còn sống)
được khám để thu thập số liệu liên quan đến độ
tích tụ dioxin, và quá trình phát triển bệnh
tật. Một loạt báo cáo khoa học đã được công bố
trên các tạp san y khoa danh tiếng, và kết quả
có thể được tóm tắt như sau:
- Tử
vong. Nói chung, không có sự khác biệt
đáng kể về tỷ lệ tử vong giữa hai nhóm.
Tuy nhiên, nhóm rải AO (nhóm I) có tỷ lệ
chết vì bệnh tim mạch cao hơn nhóm II.
- Bệnh
tiểu đường. Các nhà nghiên cứu kết luận
rằng dioxin có khả năng làm tăng sự
nghiêm trọng của bệnh tiểu đường, làm
giảm độ insulin và dung nạp glucose
(glucose tolerance). Tỷ lệ bị bệnh tiểu
đường trong nhóm I cao hơn trong nhóm II
khoảng 5%.
- Bệnh
ung thư. Trong một bài báo đăng trên Tập
san American Journal of Epidemiology,
các nhà khoa học kết luận rằng không có
mối quan hệ nào giữa dioxin và ung thư
da, ung thư tiền liệt.
- Hệ
thống miễn nhiễm. Kết quả nghiên cứu
trong hai nhóm cựu chiến binh cho thấy
không có mối liên hệ nào giữa dioxin và
các chỉ số sinh hóa như lymphocytes,
immunoglobulin, tế bào clonal B, v.v.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu không tìm
thấy ảnh hưởng của dioxin đến hồng huyết
cầu hay bạch huyết cầu, hay haematocrit,
haemoglobin, hay ESR.
- Dùng số
liệu từ năm 1982 đến 1997, các nhà
nghiên cứu ước lượng rằng tính trung
bình, mức độ tồn tại trung bình của
dioxin trong cơ thể là khoảng từ 7 đến
8.2 năm.
Nhưng những kết quả nghiên cứu trên đây bị giới
cựu chiến binh chất vấn một cách mạnh mẽ. Sau
khi điều tra và thậm định lại các phương pháp
nghiên cứu và cách thức làm việc của các nhà
khoa học dính dáng đến chương trình này, một số
cựu chiến binh phát hiện nhiều vấn đề nghiêm
trọng. Chẳng hạn như có 2 báo cáo về tình trạng
dị thai trong các cựu quân nhân bị nhiễm dioxin
ở mức độ cao, nhưng không được công bố. Lại còn
có một báo cáo về mối liên hệ giữa dị thai và
dioxin bị thay đổi từ ngữ làm cho kết quả kém
quan trọng. Phần lớn các nhà khoa học làm việc
trong chương trình nghiên cứu này là quân nhân,
họ chịu ảnh hưởng từ các cấp chỉ huy cao hơn
trong việc phân tích số liệu, và điều này làm
cho người ta có lí do để chất vấn tính trung
thực của việc làm của họ.
Dioxin và người Việt Nam
Ở Việt Nam, sau một loạt trường hợp dị thai được
ghi nhận ở các tỉnh miền Trung mà trong thời
chiến tranh chịu ảnh hưởng chất AO, đã bắt đầu
nghi ngờ tác hại của dioxin. Nhà cầm quyền Việt
Nam đã cố công thu thập và trưng bày trong vài
bệnh viện ở Sài Gòn nhiều trường hợp dị thai, và
rải rát trên báo chí người ta tường trình các
trường hợp cha mẹ bị nhiễm AO thường sinh con có
tật hoặc bị bệnh. Việt Nam còn đưa ra một số số
liệu thống kê để chứng minh AO gây ra dị thai.
Tuy nhiên, hầu hết số liệu và nghiên cứu của
Việt Nam đều bị giới khoa học thế giới đánh giá
thấp, nếu không muốn nói là không được công
nhận. Lí do đơn giản là tất cả các nghiên cứu
của Việt Nam trong lĩnh vực này chưa đạt được
tiêu chuẩn của một "nghiên cứu" nghiêm túc, tức
là thiếu khoa học tính. Tuy nhiên, trong lĩnh
vực này, Việt Nam có cơ hội tiến hành những
nghiên cứu có chất lượng cao, và có tiềm năng
cống hiến nhiều dữ kiện quan trọng cho y học thế
giới mà không nơi nào có được. Song, trong vài
năm gần đây, phía Việt Nam tỏ ra miễn cưỡng
trong việc hợp tác với người Mỹ trong việc
nghiên cứu AO ở Việt Nam, vì chính phủ Việt Nam
quan tâm đến một kết quả từ những nghiên cứu như
thế sẽ chẳng mang lại lợi ích gì, nếu không muốn
nói là có hại, cho nền kinh tế xuất khẩu nông
sản của Việt Nam! Nếu thế giới biết được những
vùng như Ban Mê Thuột bị nhiễm dioxin thì kỹ
nghệ sản xuất và xuất cảng cà phê của Việt Nam
ắt hẳn phải gặp khó khăn.
Do đó, các tranh luận ở Mỹ và sự miễn cưỡng của
Việt Nam trong vài năm qua đã biến vấn đề mang
bản chất khoa học này trở thành vấn đề chính trị
và kinh tế. Cộng thêm vào đó là những ồn ào
trong giới cựu chiến binh, và sự quan tâm của
công chúng và đặc biệt là công nhân trong các cơ
xưởng kỹ nghệ về tác hại của dioxin đến sức khỏe
của họ, đã biến dạng AO thành một vấn đề đầy cảm
tính. Hậu quả của một sự tranh luận cảm tính như
thế là sự lẫn lộn. Công chúng, nhất là những
người không hiểu nhiều về y học, hay không quen
thuộc với các phương pháp nghiên cứu y khoa, cảm
thấy bị động bởi các bản tin lúc thì cho rằng AO
gây ra ung thư, lúc lại có tin cho rằng AO là
một chất hoàn toàn vô hại! Vậy sự thật ra sao?
Trong bài viết này, tôi sẽ cố gắng trình bày một
cách ngắn gọn kết quả của những nghiên cứu liên
quan đến sự ảnh hưởng của AO trong sức khỏe con
người.
Mức độ nhiễm dioxin
Ước định mức độ nhiễm độc là một chìa khóa để
xác định mối quan hệ giữa một căn bệnh và một
độc chất. Mức độ này được đo lường bằng thời
gian, và mức độ tích tụ (concentration levels)
của dioxin trong máu của cá nhân bị nhiễm. Thời
gian mà cá nhân bị ảnh hưởng bởi dioxin chỉ được
đánh giá qua lời khai của "nạn nhân" và không có
phương pháp nào để biết những lời khai này chính
xác hay không. Mức độ dioxin trong con người có
thể được xác định qua thử máu, da, hoặc sữa,
bằng cách dùng quan phổ kế (spectrometry). Quan
phổ kế đo độ dioxin trên mỗi nghìn tỉ particles,
hay còn gọi là ppt (parts per trillion).
Theo kinh nghiệm lâm sàng, một mức độ tích tụ
dioxin từ 10 ppt hay cao hơn được xem là bất
bình thường và có hại cho sức khỏe.
Tuy nhiên, trong cả hai chỉ số đo đạt này đều có
một số hạn chế nhất định. Do đó, các đo lường
được ứng dụng trong tất cả các nghiên cứu chỉ là
tương đối, và trong nhiều trường hợp mức độ
chính xác còn rất thấp, thấp đến độ không có ý
nghĩa lâm sàng gì cả.
Dù số liệu chính xác về mức độ nhiễm dioxin vẫn
còn trong thời gian hoàn thiện, một số số liệu
thống kê rút ra từ một loạt nghiên cứu gần đây
cho thấy mức độ dioxin trong các cựu chiến binh
Mỹ, tính trung bình, thấp hơn các công nhân
trong các hãng xưởng kỹ nghệ. Tuy nhiên, các cựu
chiến binh trong chiến dịch Operation Ranch Hand
có mức độ tích tụ dioxin cao hơn trung bình.
Trong các cựu chiến binh trực tiếp tham gia rải
chất AO xuống Việt Nam, mức độ tích tụ dioxin
trung bình là 12.7 ppt (tối thiểu là 0, và tối
đa là 617 ppt); trong nhóm không rải chất AO,
mức độ dioxin trung bình chỉ 4.2 ppt (min: 0,
max: 54.8).
Tuy nhiên, một nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại
học Yale đã chất vấn sự chính xác của các con số
trên đây. Dùng số liệu thu thập từ Việt Nam,
nhóm này khẳng định rằng mức độ dioxin trong cựu
chiến binh cao hơn trung bình trong dân số đáng
kể. Ngoài ra, cũng có thể giải thích bằng một
giả thiết rằng các cựu chiến binh Mỹ có mức độ
tích tụ cao và họ đã qua đời (nên đã làm cho con
số trung bình trong nhóm cựu chiến binh thấp hơn
các công nhân).
Còn trong người Việt Nam thì thế nào? Trong một
nghiên cứu khoa học gần đây [8], Giáo sư Arnold
Schecter thuộc Trường Đại học Texas (một người
đã bỏ ra cả đời làm khoa học của ông để nghiên
cứu tác hại của AO) đã đo lường độ tích tụ
dioxin trong 100 cư dân ở Hà Nội (nơi không bị
rải AO trong thời chiến tranh) và 100 cư dân ở
Biên Hoà (từng bị rải AO nhiều nhất). Giáo sư
Schecter kết luận rằng mức độ tích tụ dioxin
trong cư dân Biên Hòa cao hơn mức độ dioxin
trong người Hà Nội đến 135 lần (Nguyên văn: "A
comparison, pooled sample from 100 residents of
Hanoi, where Agent Orange was not used, measured
blood TCDD levels of 2 ppt. TCDD levels of UP TO
271 ppt, a 135-fold increase, were found in Bien
Hoa residents.") Con số này được giới truyền
thông quốc tế loan tải rộng rải như là một báo
động. Tuy nhiên, sau khi dọc kỹ bài báo khoa học
này, tôi có lí do để cho rằng đây là một con số
cường điệu, và giới truyền thông đã hiểu sai.
Thực ra, Giáo sư Schecter đã so sánh mức độ tích
tụ tối đa ở Biên Hòa (271 ppt) với mức độ trung
bình ở Hà Nội (2 ppt), và đây là một việc làm
không nghiêm túc, vì cách làm này cũng giống như
lấy chiều cao của một người Mỹ cao nhất nước Mỹ
để so với chiều cao trung bình của dân số Việt
Nam!
Cách đây khoảng 6 năm, Giáo sư Schecter [9] và
đồng nghiệp ở Việt Nam từng công bố một nghiên
cứu mà trong đó họ đo độ tích tụ dioxin ở các
tỉnh và thành phố như Quảng Ninh, Hà Nội, Thanh
Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Đà Nẵng,
Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đồng Nai, Biên
Hòa, Sông Bé, Tây Ninh, Bến Tre, Sài Gòn, Hậu
Giang, An Giang, Kiêng Giang, v.v. Kết quả cho
thấy mức độ tích tụ dioxin trong cư dân (khoảng
900 người) cư ngụ trong các vùng bị rải AO như
sau:
-
Trong máu: 12.6 ppt (tối thiểu: 3.4, tối đa:
32 ppt)
-
Trong sữa: 7.5 ppt (tối thiểu: 1, tối đa: 17
ppt)
-
Trong mô mỡ: 14.7 ppt (tối thiểu: 2, tối đa:
103 ppt)
Trong nhóm cư dân không cư ngụ trong các vùng bị
rải AO (khoảng 150 người), kết quả như sau:
-
Trong máu: 2.2 ppt (tối thiểu: 1, tối đa:
2.9 ppt)
-
Trong sữa: 1.9 ppt (tối thiểu: 1, tối đa:
2.1 ppt)
-
Trong mô mỡ: 0.6 ppt (tối thiểu: 1, tối đa:
1.4 ppt)
Bài báo này còn tính chỉ số trung bình cho mỗi
tỉnh. Ở các tỉnh miền Bắc, mức độ tích tụ dioxin
trung bình chỉ khỏang 2.2 ppt, miền Trung là
13.2 ppt, và miền Nam là 12.9 ppt. Tuy nhiên,
mức độ không phải đồng đều như thế, có vài nơi
cao hơn, và có nơi thấp hơn, trung bình. Ở miền
Trung, các tỉnh như Đà Nẵng có mức độ tích tụ
cao nhất (khoảng 19 ppt). Riêng ở miền Nam, các
tỉnh sau đây có mức độ dioxin khá cao: Đồng
Nai-Biên Hòa (28 ppt), Sông Bé (32), và huyện
Trà Nóc (Hậu Giang) với mức độ tích tụ lên đến
33 ppt. Như vậy, dù Biên Hòa có mức độ tích tụ
dioxin cao hơn các nơi khác trong nước, nhưng
mức độ không quá báo động như 135 lần. Dựa vào
số liệu của Giáo sư Schecter và theo sự ước đoán
của người viết bài này, mức độ tích tụ dioxin ở
Biên Hòa – Đồng Nai cao hơn Hà Nội khoảng 8,5
lần. Nhưng đó vẫn là một mức độ rất đáng quan
tâm.
Dioxin thường tích tụ trong sữa. Do đó, một số
nhà nghiên cứu đã căn cứ vào sữa để ước tính độ
dioxin trong dân chúng. Theo báo cáo "The
American People’s Dioxin Repot", độ dioxin trong
sữa tìm thấy ở Đà Nẵng là cao nhất thế giới (34
ng/kg), kế đến là Nhật và Đức (27 ng/kg), Canada
(26 ng/kg), Mỹ (20 ng/kg), Sài Gòn (19 ng/kg).
Hà Nội (9 ng/kg), Thái Lan và Cambodia có độ
dioxin trong sữa thấp nhất (3 ng/kg) [10].
Tác hại của dioxin trong thú vật
Kết quả nghiên cứu cơ bản (trong tế bào) trên
động vật như chuột cho thấy TCDD có khả năng gây
nên một số ảnh hưởng đến giới tính, tuổi tác, và
sự căng thẳng, kể cả gây ra ung thư, tổn hại đến
hệ thống miễn nhiễm, gây ra tình trạng bất bình
thường trong hệ thống tái sinh sản, tổn hại đến
tế bào gan và hệ thống thần kinh, xuống cân.
Trong chuột, các nhà nghiên cứu ghi nhận rằng
với một liều lượng thấp, dioxin vẫn có thể làm
giảm khả năng sản xuất tinh trùng, và do đó có
ảnh hưởng đến khả năng sinh sản trong chuột.
Ngoài ra, khi thí nghiệm trong ống nghiệm, các
nhà nghiên cứu còn cho thấy dioxin có ảnh hưởng
đến sự điều tiết của serotonin, một hormone có
nhiệm vụ truyền tín hiệu đến hệ thống thần kinh
và điều khiển mức độ ăn uống. Sự ảnh hưởng này
cũng phù hợp với một số nhận xét trước đây cho
thấy khi chuột bị nhiễm dioxin, chúng cũng bị
chứng biếng ăn và mất cân.
Trong vài năm gần đây, còn có một số nghiên cứu
sự tương quan giữa dioxin và một số bệnh tật
trên thú vật, chủ yếu là chuột. Khi chuột bị
nhiễm dioxin ở một mức độ cao, gan của chúng trơ
nên lớn hơn, nhưng các nhà nghiên cứu không giải
thích được hiện tượng này.
Tác hại của dioxin trong con người
Trong nghiên cứu y khoa, người ta phân biệt hai
loại tương quan, mà tiếng Anh gọi là "association"
và "linkage." Tuy theo cách dịch thông
thường, hai danh từ này không khác nhau mấy,
nhưng trong nghiên cứu y khoa, hai thuật ngữ này
mang ý nghĩa rất khác nhau: association có thể
hiểu là mối "liên hệ gián tiếp", và
linkage là mối "liên hệ trực tiếp." Có
thể lấy hai ví dụ sau để làm sáng tỏ hai quan
niệm này: Nếu một yếu tố A ảnh hưởng đến yếu tố
trung gian K, và K gây ra bệnh X, thì mối tương
quan giữa A và X được xem là liên hệ gián tiếp;
tuy nhiên nếu yếu tố A gây ra bệnh X mà không
qua ảnh hưởng đến một yếu tố trung gian nào thì
mối tương quan này được xem là liên hệ trực
tiếp. Phần lớn những kết quả nghiên cứu trong
lĩnh vực dioxin và bệnh tật chỉ có thể xem là
liên hệ gián tiếp, vì chưa ai có thể giải thích
một cách chính xác cơ chế ảnh hưởng của dioxin
ra sao. Thực ra, cũng cần nói thêm rằng đại đa
số các vấn đề y khoa, kể cả mối liên hệ giữa ung
thư và hút thuốc lá đều có thể cho là liên hệ
gián tiếp.
Dù những tác hại của dioxin đã được chứng minh
khá rõ ràng trong chuột, nhưng trong con người
thì nói một cách chung, vấn đề không đơn giản
chút nào. Môi trường thử nghiệm trong chuột được
các nhà nghiên cứu kiểm soát theo những tiêu
chuẩn định sẵn trong các phòng thí nghiệm, nên
kết quả thường chính xác. Nhưng sự chính xác
luôn tùy thuộc vào điều kiện của môi trường.
Nhưng trong nghiên cứu trên dân số hay một cộng
đồng thì nhà nghiên cứu không có sự lựa chọn môi
trường; nhà nghiên cứu không có quyền và cũng
không thể nào bắt buộc người tham gia nghiên cứu
phải sống trong một môi trường cố định. Trong
thực tế, không có một cá nhân nào giống một cá
nhân nào. Do đó, mức độ chính xác của kết quả
nghiên cứu trong con người thường không cao. Vì
sự thiếu chính xác này, các nhà nghiên cứu độc
lập thường lặp lại các cuộc điều nghiên trước
đây của đồng nghiệp xem có đạt được cùng kết quả
hay không. Nếu nhiều cuộc nghiên cứu độc lập cho
cùng một kết quả, các nhà nghiên cứu có đủ bằng
chứng để kết luận. Nếu kết quả của nhiều nghiên
cứu không nhất quán thì mối liên hệ, dù là gián
tiếp hay trực tiếp, phải được xem là còn trong
vòng nghi vấn.
Trong hai mươi năm qua, ngoài cuộc khảo cứu
trong các cựu quân nhân tham gia vào chiến dịch
Operation Ranch Hand, còn có một số nghiên cứu
khác. Nhưng kết quả của các nghiên cứu này
thường không nhất quán, và gây ra hoang mang,
hiểu lầm trong công chúng. Quốc hội Mỹ đã ủy
nhiệm cho Viện Y khoa (Institute of Medicine,
trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ) duyệt
xét và tóm tắc các kết quả nghiên cứu. Để làm
việc này, Viện Y khoa thành lập một ủy ban khoa
học (gọi là "Committee to Review the Health
Effects in Vietnam Veterans of Exposure to
Herbicides) để xem xét, cân nhắc phương pháp và
kết quả nghiên cứu và từ đó tổng kết thành một
báo cáo cho chính phủ. U빠ban
này gồm có 11 nhà khoa học từ các trường đại học
và viện nghiên cứu trên toàn nước Mỹ, do Giáo sư
Irva Hertz-Picciotto (thuộc Trường đại học North
Carolina), một chuyên viên về y tế công cộng,
chủ trì. Sau khi duyệt qua và cân nhắc hơn 50
nghiên cứu khác nhau có liên quan đến hóa chất
dioxin và sức khỏe của cựu chiến binh được tiến
hành trong vòng 20 năm qua, ủy ban đã soạn thảo
thành một loạt sách, trong đó, có một cuốn tóm
lược tác dụng của dioxin đến sức khoẻ [11]. Một
vài nét chính của quyển sách này có thể tóm lược
như sau:
-
Cho đến
nay, các nhà nghiên cứu đã có đầy đủ bằng
chứng khoa học để kết luận rằng dioxin
trực tiếp gây ra các bệnh sau đây:
Soft-tissue sarcoma, Non-Hodgkin's lymphoma,
bệnh Hodgkin [12], và bệnh ban clor
(chloracne) [13]. Tháng 4 năm 2001, Viện Y
khoa công bố một thông cáo báo chí mà trong
đó các nhà nghiên cứu cảm thấy có đủ dữ kiện
để có thể kết luận rằng con của các
cựu quân nhân Mỹ bị nhiễm dioxin có tỷ lệ bị
bệnh ung thư máu cao hơn trung bình.
-
Tuy nhiên,
mối liên hệ giữa AO và một số bệnh vẫn còn
nằm trong vòng nghi vấn, vì kết quả
của các nghiên cứu vẫn chưa nhất quán. Những
bệnh này là: ung thư hệ thống hô hấp (phổi,
thanh quản, khí quản), ung thư tuyến tiền
liệt (prostate cancer), myeloma, một số bệnh
thần kinh cấp tính, và bệnh nứt đốt sống
(spina bifida).
-
Ngoài ra,
Viện Y khoa cảm thấy chưa có đầy đủ bằng
chứng khoa học để kết luận về mối
liên hệ giữa dioxin và các bệnh sau đây: ung
thư gan, ung thư mũi, ung thư xương, ung thư
vú, ung thư hệ thống tái sản sinh trong phụ
nữ (tử cung, noãn xào), ung thư bọng, ung
thư thận, ung thư bộ tinh hoàn, dị thai,
sanh thai chết (Neonatal/infant death and
stillbirths), trọng lượng hài nhi thấp (Low
birthweight), bất bình thường chỉ số tinh
trùng và hiếm muộn, rối loạn hệ thống phối
hợp (coordination dysfunction), các triệu
chứng thần kinh ngoại vi kinh niên, các bệnh
thuộc hệ thống nội tiết và tiêu hóa (như
tiểu đường, loét, thay đổi enzyme của gan,
bất bình thường lipid), các chứng miễn
nhiễm, bệnh tim, bệnh đường hô hấp, và ung
thư da.
-
Ngược lại,
các nhà nghiên cứu thuộc Viện Y khoa cũng
thêm rằng họ chưa có đủ bằng chứng để loại
bỏ mối liên hệ giữa dioxin và các bệnh sau
đây: ung thư dạ dày, ung thư tuyến tụy, ung
thư ruột, ung thư trực tràng, và ung thư não
(brain tumors).
Trong một cuộc khảo cứu công phu ở Ý, các nhà
nghiên cứu thuộc Trường Đại học Milano-Bicocca
(Ý) và Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Y tế
(Mỹ) đã theo dõi tỷ lệ sinh sản suốt 25 năm liền
trong vùng Seveso (Ý), nơi có một hãng sản xuất
thuốc diệt cỏ bị cháy, nổ tung, và thải ra môi
trường chung quanh khoảng 30 kí lô dioxin vào
năm 1977. Họ khám phá rằng những đàn ông bị
nhiễm dioxin có xác suất sinh con trai thấp hơn
những đàn ông không bị nhiễm dioxin (hay bị
nhiễm nhưng ở mức độ thấp). Trong các người cha
không sống trong vùng bị nhiễm hay sống trong
vùng bị nhiễm nhưng có mức tích tụ dioxin trong
máu dưới 16 ppt, tỷ lệ sinh con trai là khoảng
56%; và trong các người cha sống trong vùng bị
nhiễm với mức tích tụ dioxin trong máu từ 16 ppt
hay cao hơn, tỷ lệ sinh con trai chỉ 44% [14].
Vài nhận xét cá nhân
Trong y học, một khi một công thức thuốc được
phát triển, người ta phải làm thử nghiệm về sự
an toàn của thuốc trên thú vật như chuột cực kỳ
kỹ càng trước khi đem ra dùng cho bệnh nhân.
Ngay cả thử nghiệm trên chuột, các nhà khoa học
phải được phép của hội đồng y đức trước khi để
tiến hành nghiên cứu. Trong khi đó, quyết định
dùng chất màu da cam chứa dioxin trong chiến
tranh Việt Nam chỉ do một người quyết định (Tổng
thống Kennedy) và nhận được sự ủng hộ của Tổng
thống Ngô Đình Diệm. Người dân Việt Nam hoàn
toàn không biết gì đến quyết định này. Vì thế,
có thể nói rằng quyết định dùng AO ở Việt Nam là
một việc làm tàn nhẫn và vô nhân đạo. Nó thể
hiện một thái độ ngạo mạn của người Mỹ coi
thường mạng sống con người Việt Nam và môi
trường Việt Nam. Nó còn cho chúng ta thấy sự
thiển cận (hay bất lực) của chính quyền miền nam
Việt Nam lúc đó. Năm 1964, Liên đoàn Khoa học
gia Mỹ (Federation of American Scientists) yêu
cần chính phủ Mỹ ngưng dùng AO ở Việt Nam, vì
những tác hại của nó đến đồng lúa và con người
[15]. Tháng 1 năm 1966, Giáo sư John Edsall
thuộc Trường Đại học Harvard cũng công kích
quyết định của Mỹ và cho đó là một hành động dã
man, chỉ có hại cho người lính và thường dân
[16].
Đến nay, chiến tranh đã chấm dứt hơn một phần tư
thế kỷ, nhưng ảnh hưởng của AO và dioxin vẫn còn
kéo dài. Trong vòng hai thập niên qua, đã có
nhiều nghiên cứu về tác hại của dioxin trong sức
khỏe, nhưng đại đa số các nghiên cứu này nhắm
vào đối tượng cựu quân nhân Mỹ và các công nhân
trong hãng xưởng Mỹ; chỉ có một số ít dữ kiện
được thu thập từ đồng bào Việt Nam. Dù kết quả
nghiên cứu có khi không nhất quán, nhưng chúng
ta đã có đủ bằng chứng khoa học để kết luận rằng
trong các cựu quân nhân Mỹ, dioxin là một độc
chất nguy hiểm, có khả năng gây ra ung thư tế
bào và ung thư máu. Nhưng chúng ta chưa đủ bằng
chứng để kết luận rằng dioxin gây ra dị thai,
một quan tâm lớn của công chúng. Thực vậy, trong
một báo cáo khoa học mật được đệ trình lên Quốc
hội Mỹ (nhưng đã bị tiết lộ ra ngoài báo chí gần
đây), các nhà khoa học Mỹ đã khẳng định
rằng dioxin là một độc chất nguy hiểm vào hàng
số một do con người tạo ra và biết đến. (Tưởng
cần nhắc lại là trước đây, EPA chỉ phân loại
dioxin như là một chất "có thể gây ra ung thư".)
Với gần 72 triệu lít chất khai hoang rải xuống
Việt Nam, chúng ta ắt phải nghĩ rằng Việt Nam là
môi trường lý tưởng để nghiên cứu về tác hại của
AO và dioxin. Song, thực tế trái ngược: các dữ
kiện từ Việt Nam về AO và dioxin chỉ bằng một
phần nhỏ so với phía Mỹ. Điều này có thể hiểu
được một phần nào vì, sau 1975, Việt Nam có hàng
trăm vấn đề y tế cấp bách phải đối phó, thiếu
ngân sách, và phương tiện nghiên cứu, nên đã bỏ
qua một cơ hội quan trọng để thu thập dữ kiện.
Số liệu về AO và dioxin từ Việt Nam chỉ được
phân tích gần đây, kể từ ngày Mỹ bỏ lệnh cấm vận
Việt Nam. Qua các báo cáo khoa học được công bố
trên các tạp san y học quốc tế gần đây, chúng ta
có thể kết luận rằng dioxin vẫn còn tồn tại
trong môi trường Việt Nam ở một mức độ có hại
cho sức khỏe. Một nghiên cứu sơ bộ gần đây do
Công ty Hatfield (Canada) thực hiện cho thấy mức
độ tích tụ dioxin trong hải sản và mô động vật
(gà, heo, bò) ở miền trung và nam Việt Nam vẫn
còn cao. Điều này có thể (chỉ "có thể" thôi) cho
thấy dioxin ở Việt Nam đã xâm nhập vào nguồn
thực phẩm. Theo tiêu chuẩn ở các nước Tây
phương, một tình trạng như thế có thể được xem
là khủng hoảng y tế công cộng. Tuy nhiên, giới y
tế Việt Nam vẫn chưa có kế hoạch nào cụ thể để
giải quyết vấn đề.
Đã từ lâu, giới y học Tây phương và Việt Nam đã
ghi nhận tỷ lệ dị thai ở miền trung Việt Nam cao
hơn trung bình, nhưng ý kiến về nguyên nhân thì
khác nhau. Phía Việt Nam tin rằng AO và dioxin
là nguyên nhân, nhưng phương pháp nghiên cứu và
cách xử lý số liệu của họ không được chấp nhận
là nghiêm túc và khoa học. Do đó, mối liên hệ
giữa dị thai và dioxin ở Việt Nam vẫn còn nằm
trong vòng nghi vấn, vì bằng chứng chưa đầy đủ.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là dioxin
không phải là nguyên nhân gây ra dị thai. Tất
nhiên, bằng chứng chưa đầy đủ không có nghĩa
rằng không có bằng chứng ("the absence of
evidence does not mean that the evidence is
absent.") Thực vậy, một nhóm nghiên cứu thuộc
Trường Đại học Texas vừa được chính phủ Mỹ cấp
một ngân sách $874,000 để nghiên cứu về mối liên
hệ quan trọng này.
Mới đây, một nhà khoa học Việt Nam và một nhà
khoa học Thụy Điển vừa công bố một nghiên cứu sơ
bộ về mối quan hệ giữa Agent Orange và sinh đẻ (Impact
of chemical warfare with agent orange on women's
reproductive lives in Vietnam: a pilot study,
đăng trong Tập san Reprod Health Matters năm
2001; số 9(18), trang 156-64) trong đó trong
30 gia đình. Hai nhà nghiên cứu ghi nhận rằng,
trong số 30 gia đình này, tỉ lệ trẻ em bị dị
tật, tỉ lệ sẩy thai, sinh sớm (premature births)
trong những người cha hay mẹ bị ảnh hưởng Agent
Orange cao hơn bình thường (nguyên văn: "The
women had had a high number of miscarriages and
premature births. About two-thirds of their
children had congenital malformations or
developed disabilities within the first years of
life.") Tuy nhiên, vì đây là nghiên cứu sơ bộ,
nên kết quả này cần phải được cân nhắc cẩn thận,
và một nghiên cứu qui mô hơn và có hệ thống hơn
đang được tiến hành.
Trái lại với nhiều dư luận báo chí, chính phủ
Việt Nam chưa bao giờ chính thức đòi chính phủ
Mỹ bồi thường những thiệt hại mà chiến dịch
Operation Ranch Hand gây ra. Nhưng chính phủ Mỹ
đã và đang bồi thường một số cựu chiến binh Mỹ
từng tham gia vào chiến dịch này. Chính phủ Mỹ
cũng chưa có viện trợ hay kế hoạch nào để làm
sạch, tẩy xóa dioxin trong môi trường Việt Nam.
Thái độ này đã được giới khoa bảng Mỹ chất vấn,
và chính phủ Mỹ giải thích rằng họ cần phải có
bằng chứng khoa học trước khi thảo luận vấn đề
bồi thường. Suy cho cùng, đây cũng không hẳn là
một thoái thác của Mỹ, mà họ hành động một cách
duy lí. (Chỉ đáng trách là phía Việt Nam ta đã
không thừa cơ hội để thu thập dữ kiện một cách
khoa học làm bằng chứng.) Để tỏ thiện chí của
mình, gần đây, chính phủ Mỹ đã thỏa thuận và
cung cấp một ngân sách cho các nhà khoa học Mỹ
cùng hợp tác với các nhà khoa học Việt Nam để
nghiên cứu tác hại của AO và dioxin ở Việt Nam.
Hi vọng trong tương lai, kết quả của nghiên cứu
này sẽ làm cho vấn đề sáng tỏ hơn và tránh mọi
suy luận theo cảm tính.

Chú
thích
:
(*) Mối liên hệ
giữa chuyện dioxin và bệnh tật rất phức tạp. Bài
viết này không có tham vọng trình bày mọi khía
cạnh của mối liên hệ này, nhưng chỉ đưa ra những
thông tin liên quan đến Việt Nam mà thôi. Trong
một dịp khác, người viết bài này sẽ quay lại vấn
đề này một cách chi tiết hơn về kinh nghiệm
dioxin ở các nơi khác trên thế giới.
-
Tên gọi
"Agent Orange" xuất phát từ những thùng phuy
có khoanh màu cam. Do đó, người ta quen gọi
là "Agent Orange." Thực ra, trong thời chiến
tranh Việt Nam, Mỹ đã dùng đến 15 hóa chất
khác nhau để khai hoang. Các hóa chất khác
cũng từng được nhận diện bằng màu như thế,
chẳng hạn như "Agent White," "Agent Blue,"
"Agent Purple," "Agent Pink," và "Agent
Green." Trong thời gian 1962-1964, Agent
Purple (2,4,-D and 2,4,5,-T), Agent Green
(2,4,5-T), và Agent Pink (2,4,5-T) được
dùng; trong thời gian 1965-1970, Agent
Orange (2,4,-D và 2,4,5-T) là chất được dùng
chính.
-
Theo tài
liệu NSAM 115, subject: Defoliant Operations
in Vietnam, Nov. 30, 1961. Trích từ
"Operation Ranch Hand: Herbicides in
Southeast Asia 1961-1971" của Tiến sĩ
William A. Buckingham, Jnr.
-
Theo tài
liệu Record, 4th SECDEF Conference, HQ
CINCPAC, March 21, 1962. Trích từ "Operation
Ranch Hand: Herbicides in Southeast Asia
1961-1971" của Tiến sĩ William A.
Buckingham, Jnr.
-
Xem bài xã
luận "New IOM Report links Agent Orange
exposure to risk of birth defect in Vietnam
Vets’ children," do Tiến sĩ Joan Stephenson
viết trong [Tập san] Journal of the
American Medical Association (JAMA), số
275, ra ngày 10 tháng Tư 1996, trang
1066-1067.
-
Xem bài xã
luận "Agent Orange: exposure and policy," do
Tiến sĩ Michael Gough viết trong [Tập san]
American Journal of Public Health,
năm 1991; số 81: trang 289-290.
-
Theo báo
cáo của Công ty Tư vấn Hatfield (Canada),
#201-1571 Bellevue Avenue, West Vancouver,
BC V7V 1A6, Canada.
-
Xem các bài
báo sau đây: "Exposure to Agent Orange and
occurrence of soft-tissue sarcomas or
non-Hodgkin lymphomas: an ongoing study in
Vietnam," [Tập san] Environmental Health
Perspective 1998 Apr;106 Suppl 2:671-8;
"Serum dioxin, insulin, fasting glucose, and
sex hormone-binding globulin in veterans of
Operation Ranch Hand," [Tập san] Journal
of Clinical Endocrinology and Metabolism
1999 May;84(5):1540-3; "Vietnam veterans'
risks for fathering babies with birth
defects," [Tập san] JAMA 1984 Aug
17;252(7):903-12.
-
"Recent
dioxin contamination from Agent Orange in
residents of a southern Vietnam city," [Tập
san] Journal of Occupational
Environmental Medicine 2001; May;
43(5):435-43.
-
"Agent
Orange and the Vietnamese: the persistence
of elevated dioxin levels in human tissues,"
[Tập san] American Journal of Public
Health 1995 Apr;85(4):516-522.
-
Trích trong
bài báo "Exposure assessment: Measurement of
dioxins and related compounds in human
tissues," của A. Schecter, in trong sách "Dioxins
and Health," Arnold Schecter, editor,
pp. 449-486. New York: Plenum Press, năm
1994.
-
Xin xem "Veterans
and Agent Orange: Update 2000" do
Committee to Review the Health Effects in
Vietnam Veterans of Exposure to Herbicides
(Third Biennial Update) soạn thảo, và
Institute of Medicine xuất bản năm 2001.
-
Bệnh
non-Hodgkin's lymphoma là một bệnh mà các tế
bào ung thư được tìm trong hệ thống bạch
huyết.
-
Ban clor là
một bệnh ngoài da giống như trứng cá (viêm
nang lông). Bệnh Hodgkin là một bệnh ác tính
của các mô máu trắng, thường có đặc điểm là
một hay nhiều nhóm hạch máu trắng lớn thấy ở
cổ, nách, háng và ngực hay bụng, có thể gồm
cả lá lách, và tủy xương.
-
Bài báo
nghiên cứu của Giáo sư Paolo Mocarelli và
đồng nghiệp có tên là "Paternal
concentration of dixin and sex ratio of
offspring", công bố trên Tập san y khoa
Lancet, số 355, ra ngày 27 tháng 5,
2000, trang 1858-1863.
-
"FAS
Statement on Biological and Chemical
Warfare," Bulletin of the Atomic
Scientists (Oct. 1964), pp. 46-47.
-
Có thể xem
"Scientists Protest Viet Crop Destruction,"
Tập san Science, Jan. 21, 1966, p.
309; và bài báo "5000 Scientists Ask Ban on
Gas in Vietnam," Washington Post,
Feb. 15, 1967, p. A-1