Vietsciences phỏng vấn nhà thiên văn Nguyễn Quang Riệu

Vietsciences           17/02/2005 

 

1.      Nguyên nhân thúc đẩy chọn ngành Thiên văn Vật lý?

Sinh trưởng tại thành phố Hải Phòng, hồi còn ở tuổi thiếu niên, tôi thường được gia đình dẫn lên chơi ngọn đồi có đài thiên văn Phủ Liễn tại thị xã Kiến An. Tôi ̣được biết là nơi đây người ta có thiết bị dùng để nhìn những ngôi sao. Sau này, cùng gia đình tản cư về vùng Quảng Ninh, mỗi khi ngắm bầu trời ban đêm có dải Ngân hà mờ mờ ảo ảo với những ngôi sao lấp lánh, tôi được các nhà nông giải thích là có vua Thần Nông cũng cúi rạp xuống chân trời dường như để gặt lúa. Có  thể đây là do trí tưởng tượng của dân gian hình dung chòm sao “Bọ Cạp” (Scorpius) như hình vua Thần Nông,  trong đó có ngôi sao “Antarès” có độ sáng  bậc nhất (1st magnitude), nằm ngay bên cạnh Sông Ngân.

Quê tôi là làng Lai Xá, ngay cạnh thủ đô Hà Nội, có truyền thống làm nghề ảnh. Ngay từ thuở nhỏ, tôi đã ham mê chụp chân dung các anh em tôi bằng máy ảnh nhà nghề. Sau này gia đình cho tôi sang Paris du học và đề nghị tôi học ngành hóa để sau này chế ra phim và giấy ảnh. Tuy nhiên, hình ảnh mái vòm cuả đài Phủ Liễn và quang cảnh bầu trời tuổi thơ có lẽ đã in sâu vào trí óc, nên đã ngấm ngầm thúc đẩy tôi yêu thích thiên văn học và cũng để chụp chân dung các vì sao trên bầu trời.

2. Học sinh nên lựa chọn theo sở thích hay theo lời khuyên ?

Học sinh không nên sao nhãng việc học hành, nhưng cũng cần phải dành thời gian để giải trí và trau dồi kiến thức văn hoá. Gia đình và những người chung quanh hướng dẫn để học sinh có thể  phát huy được tài năng. Truyền thống hiếu học là tốt, nhưng đôi khi thúc đẩy học sinh phải cố gắng quá sức để hấp thụ càng nhiều kiến thức càng hay. Quan điểm này có thể dẫn đến kết quả ngược lại với mong muốn. Cũng như trong những cuộc chạy đua marathon, vận động viên cần phải dành sức để chạy nước rút, mới có hi vọng đoạt giải nhất.

 3. Quá trình học tập và nghiên cứu

Hồi còn là học sinh,  tôi học trường trung học Pháp trong lớp “cổ điển” chuyên về văn chương, nên phải học La tinh là chính. Sau cách mạng tháng 8, tôi chuyển sang học những lớp phổ thông dạy toán. Tại Đại học Sorbonne, tôi theo học ngành Vật lý đại cương và Vật lý “plasma”. Trong vũ trụ có rất nhiều vật chất  dưới dạng plasma, loại khí “ion hoá” bởi những tia “tử ngoại” (ultraviolet) cuả những ngôi sao. Đây là một trong những kiến thức cần thiết cho công việc nghiên cứu vũ trụ. Vốn là một nhà thiên văn chuyên về ngành vô tuyến, một  môn khoa học mới mẻ và đa ngành, nên tôi đã phải tiếp cận với  nhiều lĩnh vực khoa học và kĩ thuật hiện đại. Tôi cảm thấy may mắn và thích thú được công tác tại Đài Thiên văn Paris, nôi cuả nền văn minh khoa học Pháp đã có từ hơn bốn thế kỉ nay. Nhiều danh nhân khoa học đã từng  công tác tại đây, như Cassini ở thế kỉ 17,  giám đốc đầu tiên cuả đài Thiên văn Paris, một nhà thiên văn đã có nhiều thành tựu trong công việc quan sát vành đai và những vệ tinh cuả hành tinh Thổ. Các nhà khoa học đã lấy tên ông và ông Huygens để đặt tên cho tàu vũ trụ quay xung quanh hành tinh Thổ và cho trạm tự động hạ cánh xuống vệ tinh Titan thám hiểm tại chỗ,  vào trung tuần tháng 1 năm 2005.

4. Tổ chức lớp học Thiên văn Vật lý tại Việt Nam

Hội Thiên văn Quốc tế (International Astronomical Union, viết tắt là IAU) đã mời tôi tham gia  vào sự phát triển ngành thiên văn tại Việt Nam và điều phối công việc giảng dạy trong khuôn khổ chương trình TAD (Teaching for Astronomy Development). Hội Thiên văn Vịệt Nam mà Giáo sư Phạm Việt Trinh là Chủ tịch, đảm nhiệm tổ chức lớp học. Giáo sư Nguyễn Đình Huân là người đã tích cực hoạt động để  những khoá học được tổ chức thành công. Những giáo sư tham gia giảng dạy, ngoài tôi ra, là Giáo sư Donat Wentzel  (Đại học Maryland ) và sau này còn có thêm Giáo sư  James White II (Astronomical Society of the Pacific).

Ngành thiên văn ở Việt Nam hãy còn non trẻ. Những khoá học TAD có mục tiêu đào tạo bằng cách bổ sung kiến thức thiên văn cho các cán bộ giảng dạy trong các trường  Đại học Sư phạm toàn quốc. Học viên là những cán bộ đã có kinh nghiệm trong công việc giảng dạy, nên rất hăng hái học hỏi những kiến thức cuả ngành  thiên văn hiện đại. Tôi trình bầy các đề tài bằng tiếng Việt, còn các bài giảng cuả giáo sư nước ngoài cần có người phiên dịch tại chỗ.  

5. Sự giúp đỡ cuả IAU

Trong những năm gần đây, Ủy ban 46 cuả IAU, chuyên về giáo dục và phát triển thiên văn học toàn cầu, đã dành ưu tiên cho Việt Nam trong việc đào tạo các cán bộ giảng dạy.  Đây cũng là nhờ  nỗ lực cuả Hội Thiên văn Việt Nam và cuả các giáo sư trách nhiệm về chương trình TAD, đã nhiệt tình thúc đẩy việc khôi phục lại ngành thiên văn tại Việt Nam. Chúng tôi đã soạn một cuốn sách giáo khoa song ngữ Việt-Anh trình độ đại học, do Nhà Xuất bản Giáo dục ấn hành và do IAU tài trợ. Hiện nay, các cán bộ giảng dạy thiên văn có thể  trau dồi kiến thức qua những sách, những tạp chí thiên văn và qua mạng Internet.

Tuy nhiên, ngành Thiên văn Vật lý tại Việt Nam chưa thu hút  được nhiều sinh viên, bởi vì họ ngại sau khi tốt nghiệp sẽ không có việc làm. Đây cũng là khó khăn chung cuả các ngành khoa học cơ bản. Các sinh viên sang học và thực tập với tôi tại đài Thiên văn Paris, sau khi trở về nước, tuy có nhiệm vụ trong đại học, nhưng vẫn nản lòng, vì không có công việc thích hợp với khả năng để làm nghiên cứu. Muốn phát triển ngành thiên văn, trong giai đoạn đầu không nhất thiết phải có  những kính thiên văn lớn, vì mất nhiều kinh phí. Nếu không có kính thiên văn, các nhà thiên văn vật lý phải có những phương tiện để làm mô hình  bằng máy tính, nhằm giải thích những hiện tượng thiên nhiên. Các nhà khoa học trẻ vẫn có thể giữ liên lạc với các cơ quan nước ngoài, nơi họ đã từng thực tập hay làm luận án để cộng tác và lấy số liệu quan sát. Điều cần thiết là phải đào tạo một đội ngũ các nhà khoa học chuyên ngành có khả năng tìm thấy những đề tài để khai thác. Phổ biến khoa học cũng là công việc quan trọng để khuyến khích học sinh và sinh viên theo học ngành thiên văn. 

6. Đề án xây một cung khoa học và nhà chiếu hình vũ trụ

Năm 1995, tôi mời một số nhà khoa học nước ngoài về nước để quan sát nhật thực và tham gia  tổ chức một Hội thảo Thiên văn toàn Quốc cùng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường (KHCNVMT). Trong một buổi gặp gỡ, các vị lãnh đạo đề nghị chúng tôi tham gia vào phương án xây một Nhà Chiếu hình Vũ trụ (Planétarium) tại Hà Nội. Tôi nhận thấy đây là một chương trình văn hoá rất có ý nghiã, nhằm phổ biến khoa học cho nhân dân thủ đô, nên nhiệt tình tham gia. Nhà chiếu hình vũ trụ gồm một mái vòm (dome) có màn hình cong làm nền trời. Hình các thiên thể được chiếu lên màn hình bằng một thiết bị quang học. Sự tìm kiếm địa điểm tại thủ đô để xây nhà chiếu hình và kinh phí để mua thiết bị không dễ dàng. Một Ủy ban hỗn hợp Việt-Pháp được thành lập. Một hiệp định cộng tác đã được kí kết vào muà thu năm 2000 tại Hà Nội giữa Bộ KHCNVMT, Ủy ban Nhân Dân Thành phố Hà Nội và Đại sứ quán Pháp. Đề án dự kiến xây một Cung Khoa học trong đó có Nhà Chiếu hình Vũ trụ. Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội chủ trì công trình xây dựng và cung cấp 2000 met vuông tại Công viên Lênin. Phía Pháp tặng máy chiếu hình trị giá 3 triệu francs (450 000 euros) tức là khoảng một phần ba tổng số kinh phí và sẽ giúp đào tạo chuyên gia sử dụng  thiết bị.

Giáo sư Đinh Ngọc Lân là người theo dõi đề án trong nước. Bộ KHCNVMT phía Việt Nam và Trung Tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học (CNRS) phía Pháp cử tôi làm cố vấn. Tôi liên lạc với một hãng Pháp chuyên làm máy chiếu hình và ông Giám đốc cuả hãng đã về Hà Nội cùng tôi trao đổi với các nhân vật trong Ủy ban Nhân Dân có trách nhiệm trong công việc xây dựng. Sự nghiên cứu khả thi đã được tiến hành và những đồ án đã được đề nghị để phê duyệt. Tuy nhiên đến năm 2003, tôi được Đại sứ quán Pháp thông báo là phía Việt Nam đã đòi lại miếng đất ở Công viên Lênin và do đó phía Pháp cũng phải rút lại số tiền dành để mua thiết bị chiếu hình !

7. Chia sẻ̉ kinh nghiệm

 Trong quá trình nghiên cứu, tôi luôn phải trau dồi kiến thức để đạt được kết quả. Một nhà khoa học cần phải khiêm tốn và kiên trì học hỏi  liên tục. Thiên văn Vật lý, tuy là ngành khoa học cơ bản, nhưng liên quan đến nhiều lĩnh vực khoa học và kĩ thuật. Sinh viên và thực tập sinh có thể chọn những môn Thiên văn thực nghiệm để làm những máy thu tín hiệu. Những thiết bị này được chế tạo trong lĩnh vực quang học từ những chất bán dẫn và trong lĩnh vực vô tuyến từ những chất siêu dẫn. Họ cũng có thể sử dụng những kính thiên văn quang học và vô tuyến để quan sát những bức xạ cuả các thiên thể, nhằm thăm dò  những hiện tượng vật lý trong các thiên hà và các hành tinh ở  trong và ngoài hệ mặt trời. Về mặt lí thuyết, môn Vũ trụ luận (Cosmology) nhằm  tìm hiểu nguồn gốc và sự tiến hoá cuả vũ trụ cũng là đề tài được ưa chuộng. Sinh viên muốn theo học ngành Thiên văn Vật lý, dù là thực nghiệm hay lí thuyết, thoạt đầu cũng chỉ cần có những kiến thức vật lí cơ bản, sau đó sẽ học hỏi thêm trong quá trình học tập. Thành thạo ngoại ngữ cũng là một ưu điểm đáng lưu ý. 

Ngày nay, khoa học đặc biệt là thiên văn học, đòi hỏi nhiều kiến thức và thiết bị hiện đại, nên các nhà thiên văn cần có sự cộng tác với các đồng nghiệp trên thế giới để sử dụng những kính thiên văn lớn. Hình ảnh một cá nhân lom khom nhìn trong kính thiên văn để phát hiện riêng cho mình những hiện tượng độc đáo xẩy ra trên bầu trời, không còn có tính thời sự. Tôi rất thích thú khi đi quan sát dải Ngân hà và những thiên hà xa xôi cùng với các đồng nghiệp tại những địa điểm “đèo heo hút gió”. Những công trình khoa học hoàn thành bằng những kính thiên văn đặt trên vệ tinh cần có sự tham gia cuả nhiều kĩ sư và nhiều nhà khoa học, nên đôi khi bài báo công bố kết quả có tên hàng chục tác giả. Nghiên cứu khoa học không có nghĩa là đương nhiên phải tìm thấy những kết quả mong đợi, những phát hiện bất ngờ có khi tỏ ra rất thú vị.

8. Ngành thiên văn tại Việt Nam

Hiện nay tại Việt Nam, những ngành được coi là cần thiết để khôi phục tình trạng kinh tế và kĩ thuật, là những ngành công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và ngành kinh tế, tài chính, v.v.. . Khoa học cơ bản dường như tạm bị sao lãng. Tôi thiết nghĩ, chúng ta có thể bắt đầu lưu ý tới việc phát triển những ngành khoa học cơ bản, nền tảng cuả những ngành khoa học kĩ thuật. Khoa học đã tiến những bước khá dài trong vòng hơn nửa thế kỉ nay. Phát triển nhanh chóng khoa học để đuổi kịp các nước khác không có nghiã là nên đi đường tắt. Cũng như muốn xây một toà nhà cho chắc chắn, ta cần phải đào móng cẩn thận. Riêng ngành thiên văn,  hiện nay nước ta chưa có đủ số cán bộ chuyên ngành để thành lập một đội ngũ nghiên cứu. Một số ít cán bộ đã được đào tạo ở nước ngoài đều tản mát nhiều nơi, hoặc đã tạm bỏ nghề để sinh sống. Vào giai đoạn hiện tại, nếu muốn có triển vọng sánh vai cùng các nhà thiên văn trên thế giới trong chiến dịch chinh phục vũ trụ, chúng ta cần khuyến khích thế hệ trẻ ham mê thêm những ngành khoa học cơ bản.

Quan sát thiên văn trên những bước sóng quang học rất nhạy cảm  với các điều kiện thời tiết nên đòi hỏi một bầu trời thật trong và một điạ điểm thật khô ráo. Việt Nam ở vùng nhiệt đới có độ ẩm cao, nên quan sát trên những bước sóng vô tuyến centimètre hay dài hơn có phần dễ dàng, vì những bức xạ vô tuyến có thể truyền qua mây mưa mà không bị hấp thụ. Đây chính là sự lựa chọn cuả các nhà thiên văn Ấn Độ và họ đã xây một kính thiên văn vô tuyến khổng lồ ở gần thành phố Pune. Tôi đã báo cáo về vấn đề này tại phiên họp đặc biệt Hội nghị toàn thể lần thứ 24 cuả Hội Thiên văn Quốc tế ( IAU) họp tại Manchester (Anh) năm 2000.

 

9. Viết sách

Từ ngày hoà bình lập lại, tôi đã về nước nhiều lần để phổ biến ngành Vật lý Vũ trụ và Môi trường. Từ khi những trạm tự động và kính thiên văn được phóng vào không gian để thăm dò vũ trụ, môi trường này trở thành quen thuộc đối với quần chúng. Đã có vô số sách phổ biến thiên văn đủ loại viết bằng tiếng nước ngoài với trình độ khác nhau. Tôi nghĩ viết sách phổ biến hay chuyên môn cần phải thích hợp với từng đối tượng để họ có thể hiểu được. Tôi muốn viết sách bằng tiếng Việt riêng cho người Việt để phù hợp với nền văn hoá phương Đông và đồng thời miêu tả chặt chẽ những hiện tượng thiên văn. Muốn đạt được mục tiêu, tôi đã dành nhiều thời gian học chữ Hán và nghiên cứu thiên văn học phương Đông. Tôi cũng đã có nhiều cuộc trao đổi với cố Giáo sư Học giả Hoàng Xuân Hãn. Viết sách bằng tiếng mẹ đẻ đối với tôi là một điều thú vị.

10. Dự kiến

Trong tương lai, tôi sẽ vẫn tiếp tục tham gia vào công việc giảng dạy và phổ biến ngành thiên văn trong nước. Tôi có dự kiến tổ chức một khoá học Vật lý Vũ trụ và Vật lý Môi trường tại Hà Nội với sự tham gia cuả một số đồng nghiệp tại Đài Thiên văn Paris và Đại học Pierre et Marie Curie (Paris 6). Ở Paris, những hiệp hội kĩ sư Pháp cũng mời tôi trình bầy những đề tài thiên văn. Tôi rất thích thú được trao đổi kiến thức qua những câu hỏi có vẻ “ngây thơ”, nhưng kì thực đôi khi không có lời giải đáp.

  © http://vietsciences.free.fr Nguyễn Quang Riệu