Nhìn lại chương trình đào tạo cao học EMMC

       Gs Nguyễn Đăng Hưng           29 tháng 07 năm 2004
   

 Sau ba năm hoạt động cộng tác với các đại học Việt Nam và  hiện tượng của những bước phát triển mới

Các bạn thân mến,
Vưà qua, GS Nguyễn Đăng Hưng có gửi tới chúng tôi bài đánh giá và cảm nghĩ về 10 hoạt động giáo dục cuả tổ chức EMMC do ông lãnh đạo. Thiết nghĩ, những ý kiến này có thể dùng để rút tiả kinh nghiệm cho những ai đang hay sẽ tham gia công tác đào tạo, giáo dục, và tổ chức giáo dục trong các ngành bậc cao đẳng, đại học, và cao học. Chúng tôi xin đăng lại toàn văn bài viết cuả GS Hưng

 Tóm tắt

Bài viết nhắc đến những kinh nghiệm, những thành quả của mười năm hoạt động tại Việt Nam trong việc kiếm nguồn tài trợ quốc tế, việc tổ chức các lớp đào tạo cao học quốc tế tại chỗ, việc thực hiện cụ thể công tác giảng dạy, thi cử trong bối cảnh kinh tế thị trường với một nền giáo dục đại học đang tìm hướng đổi mới, liên tục xáo trộn và chất chứa nhiều nghịch lý.

Sau đến bài viết đề cập đến thực tại giáo dục hiện nay, những thành quả đáng nghi nhận cũng như những ách tắc cần phải nhanh chóng khai không.

Bài viết đặc biệt chú ý đến điều kiện đóng góp của chất xám Việt kiều trong công tác giáo dục đại học, chuyển giao công nghệ. Tác giả cũng đề cập đến những gì có thể làm được, những gì chưa được để cuối cùng đưa ra những đề nghị cải cách cụ thể cho những năm tới.

 

1. Mở đầu

 Như đề tựa đã nêu rõ qua bài này tôi xin trước hết nhắc đến một chặng đường khá dài đã đi qua trong việc hợp tác với các trường Đại học Việt Nam với tư cách là một người Việt định cư ở nước ngoài[1].. Tôi sẽ đề cập đến những kinh nghiệm riêng, những khó khăn đã từng trải và qua những thực tế ấy tôi sẽ thẳng thắn trình bày cái nhìn  phê phán của tôi cũng như các ý kiến chân thành xây dựng. Chúng tôi cũng không quên đề đạt những phương hướng nên làm, những tệ đoan cần chấm dứt. Vì thời gian phát biểu và số trang hạn hẹp, qua bài này tôi không có tham vọng đề cập đến những vấn đề có tính cách bao quát và tổng hợp, tra cứu những tài liệu thống kê về hiện tình giáo dục và đào tạo đại học ở Việt Nam. Đây chỉ là cái nhìn của một chứng nhân trong cuộc,  hằng năm về Việt Nam trung bình ba lần, trực tiếp tham gia giảng dạy đại học tại Việt Nam (Sài gòn, Hà Nội, Đà Nẵng) trung bình mỗi năm ba tháng và như thế từ hơn một thập kỷ nay.

 2. Những chặng đường đã qua

Buổi lễ  khánh thành chương trình đào tạo cao học quốc tế (EMMC khuôn khổ mới) ngày 23/2/1999 vừa qua tại Trường Đại học Kỹ thuật TP HCM, đã đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong mối quan hệ lâu dài của chúng tôi vì lợi ích của các trường đại học Việt Nam. Đây là một chương trình hợp tác liên đại học Bỉ-Việt đã có mặt tại Việt Nam thấm thoắt đã năm năm nay. Đây là sự mở rộng kết quả hằng mong đợi của sự hợp tác giữa các trường đại học nói tiếng Pháp ở Bỉ, đặc biệt là trường đại học Liège và Đại học Quốc gia TP.HCM, đặc biệt trường Đại học Kỹ Thuật, tên hiện hành của trường Đại học Bách khoa Sài Gòn.

 Trước khi nói đến nội dung của những phát triển mới sau đây tôi thấy cần sơ lược những nét chính của những thành quả trong khuôn khổ chương trình đào tạo thạc sĩ Âu châu về ngành xây dựng (EMMC), những hoạt động khởi sự  từ 1 tháng 7 năm 1995.

 Thật ra chương trình EMMC đã khơi nguồn từ năm 1989, tức là 3 năm sau chính sách đổi mới ở VN [2-10]. Chính sách này đã tạo điều kiện cho mọi người Việt định cư ở nước ngoài như tôi có điều kiện triển khai những hoạt động hợp tác với Việt Nam.

Kết quả ban đầu trong giai đoạn chuẩn bị sau khi ban hành các chánh sách đổi mới thật rất là khiêm tốn. Trong một thời gian 5 năm, với ba đề án được Quỹ hợp tác đại học được các nước nói tiếng Pháp (FICU thuộc AUPELF&UREF) tài trợ, hai dự án được Cộng đồng nói tiếng Pháp ở Bỉ tài trợ, tôi đã chỉ có thể đào tạo được bốn người có bằng cao học (nay gọi là thạc sĩ  tại Việt nam) và một tiến sĩ cho ngành Cơ học ứng dụng. Bốn giáo sư VN đã được thực tập tại Bỉ, khoảng ba mươi học bổng tại chỗ đã được phát tại VN cho  các nghiên cứu sinh ở Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.

 Với những dự án tầm cỡ nhỏ và ngắn hạn như đã nói tôi không thể làm hơn những chuyến công tác riêng lẻ, những trao đổi định kỳ, đào tạo cao học hoặc tiến sĩ cho một vài người.

Sự thành lập của Trung tâm  đào tạo Liên Đại học về Cao học được đặt tại ĐHKT TP. HCM, trong khuôn khổ đề án được Bộ Hợp tác phát triển Bỉ tài trợ vào tháng 7/1995, đã cho phép chúng tôi giúp Đại học Quốc gia TP. HCM đào tạo hàng loạt cán bộ đại học, cấp khoảng mười năm học bổng mỗi năm tại chỗ cho sinh viên VN, cấp gần hai mươi bằng Master Âu châu (nay gọi là DEA tại Pháp và Bỉ) mỗi năm một cách chính thức, có hệ thống và đều đặn.

Vấn đề đặt ra là tạo cho được điều kiện làm việc tương đương ở Châu âu : cung cấp các thiết bị thí nghiệm, máy tính và phầm mềm tin học, sách khoa học  cần thiết cho công việc thực tập và chuẩn bị  luận văn tốt nghiệp của sinh viên.

Như vậy, từ năm 1995 đến nay  đã có năm khóa cao học về Cơ học trong Xây dựng với gần 150 sinh viên theo học đều đặn, hơn phân nửa lớp của hai khóa đầu đã được trường đại học Liège của chúng tôi cấp bằng.  Căn cứ theo kết quả xuất sắc, mười hai sinh viên  giỏi nhất trong số họ đã được nhận học bổng ngoài đề án để đi thực tập  tại Bỉ, Pháp hoặc Canada để chuẩn bị Luận án Tiến sĩ.

Những học bổng tiến sĩ này có được là nhờ lòng hảo tâm của các bè bạn khoa học Việt kiều (Vũ Khánh Toàn ở Sherbrooke, Hà Minh Hiếu ở Toulouse… , các giáo sư thân thiết quen biết ở Âu châu (Pierre Beckers ở Liège, René Maquoi ở Liège, Joseph Zarka ở Paris, Patrick Morelle ở Paris, Géry de Saxcé ở Lille, Dieter Weichert ở Aix-la-Chapelle)…

Tôi nghĩ rằng cách thức  du học  tại chỗ này có nhiều ưu điểm không thể chối cãi. Về kinh tế, nó ít tốn kém hơn. Về phương diện xã hội, nó cho phép ta tránh được việc làm chảy chất xám sang các nước phát triển. Về thực tế, nó làm cho hiệu quả hơn sự tham gia của nghiên cứu khoa học ở các trường đại học về những đề tài kỹ thuật gắn liền với thực tế ở các nước đang phát triển.

Các chuyến công tác qua lại của hai bên đã làm cho chương trình này trở thành điểm hẹn đặc ưu của tri thức Âu châu đặc biệt là Bỉ về kỹ thuật Xây dựng và Cơ học tính toán. Cũng từ đây những thông tin về nhu cầu kỹ thuật cụ thể ở Việt Nam, nhất là vấn đề nghiên cứu tính toán sức bền  của những kết cấu phức tạp (máy bay, tàu,  cầu, lò phản ứng hạt nhân, kết cấu giàn khoan, đập, nền móng,...) được có những biện pháp cụ thể giải quyết thông qua các chương trình tính toán vạn năng, đặc biệt là chương trình SAMCEF do phòng Kỹ thuật Hàng không Không gian (LTAS), Đai học Liège chúng tôi thiết kế và thực hiện từ gần ba thập niên nay.

Tôi nghĩ rằng bằng những sinh hoạt như thế, tức là bằng cách thực hiện chuyển giao công nghệ có hiệu quả, chúng tôi đã mang lại một sự đóng góp khiêm tốn nhưng bổ ích vào việc xây dựng những cơ sở lâu dài và vững chắc cho nền kinh tế của VN. Thật vậy, những kinh nghiệm gần đây ở Châu Á đã chứng tỏ rằng một nền kinh tế  trong sạch cần phải được dựa trên những xí nghiệp đạt thành tích cao. Và những xí nghiệp như thế cần phải nhờ đến hiểu biết, trình độ cao về khoa học và công nghệ đương đại...

Cũng cần nói rõ là chương trình hợp  tác liên đại học thực hiện hơn ba năm qua là một chương trình được hỗ trợ bởi Bộ Hợp tác Phát triển của Chánh phủ Bỉ, thông qua cơ quan AGCD. Nếu không có khoản tài trợ này, các thành quả kể trên sẽ khó lòng thực hiện được.

Nhắc lại chặng đường qua, tôi xin tỏ lòng biết ơn đến Ban Lãnh đạo trường ĐH Liège. Sự giúp đỡ không mệt mỏi của họ, sự tin tưởng, sáng suốt của họ đã là nguồn quý giá nhất đối với chúng tôi trong suốt một thập kỷ vừa qua.

Đại học Liège chúng tôi là thành viên sáng lập và giữ vai trò điều phối viên,  nhưng cống hiến và nhiệt tình của các giáo sư  và các nhà khoa học của Đại học  Tự do Bruxelles, ĐH Công giáo Louvain, Phân khoa Bách khoa Mons, Phân khoa ĐH Notre-Dame de Paix Namur phải được nhắc đến. Không có sự giúp đỡ tận tình của họ, chương trình này sẽ không thể phát huy được như vậy tại Việt Nam

Tôi cũng mạn phép nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đóng góp của những đồng nghiệp quý của chúng tôi tại trường ĐHKT, TP HCM. Thật vậy, sự  trợ giúp của họ, sự thông cảm, việc nhạy bén thích ứng vai trò chủ nhà trong xu hướng mới ngay tại Việt Nam mặc dầu cái cơ chế quản lý kế thừa từ thời bao cấp, đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện chương trình này.

3. Những bước phát triển mới

 Sau hơn ba năm hoạt động [11-36], những thành quả trên đã thuyết phục được các chức trách hai phiá. Cộng đồng các Đại học nói tiếng Pháp ở Bỉ (CIUF) đã quyết định chọn Việt Nam là một trong bốn nước có ưu tiên trong việc tài trợ phát triển và nâng cao chất lượng nghiên cứu và giảng dạy.

Một thoả thuận song phương đã được ký kết giữa Đại học Quốc gia TP HCM và Cơ quan liên đại học vào cuối năm 1997. Theo thoả thuận này việc cộng tác liên Đại học Việt Bỉ sẽ thường xuyên hơn và sẽ được ngày càng thể thống hoá. Đó là diện hợp tác được cơ cấu hoá giữa hai nước. Dần dần không những hợp tác về khoa học công nghệ sẽ được tăng cường và các ngành khác sẽ có thể mở thêm (Toán học, Luật học, Thú y...). Bắt đầu từ năm 1998 đã có hợp tác giữa CIUF với trường Đại học khoa học tự nhiên về ngành toán học. Bắt đầu năm 1999 sẽ mở thêm ngành Hải dương học với trường vừa được nhắc đến và ngành Luật với trường Đại học Luật trực thuộc Đại học Quốc gia TP HCM.

Riêng về các lĩnh vực khoa học ứng dụng chương trình EMMC sẽ được tiếp tục trong khuôn khổ mới với những điều kiện tài chánh cao hơn [27-36]. Trong niên khoá 1999 ngoài ngành Cao học Xây dựng tiếp tục như trước đây sẽ mỡ thêm ngành Cao học Cơ học Hàng không. Ngoài những giáo trình chuyên môn sẽ giảng thêm cho mọi kỹ sư giáo trình về quản lý xí nghiệp. Không loại trừ khả năng sẽ mở ra trong tương lai những lớp Cao học cho các chuyên ngành kỹ sư khác… Những học bổng song phương đào tạo Tiến sĩ  (phân nửa tại Việt Nam, phân nửa tại Âu châu) sẽ dành  cho các Thạc sĩ (DEA) tốt nghiệp xuất sắc thông qua chương trình EMMC…

Cũng xin nhắc qua ở đây là một chương trình tương tự có tên là Chương trình Cao học về “Tính Mô phỏng các Môi trường Liên tục (MCMC)” cũng đã được ra mắt tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội ngày 25/2/99, cũng do sáng kiến và sự điều phối của chúng tôi [25]. Chương trình này do Cộng đồng nói tiếng Pháp tại Bỉ tài trợ (CGRI) và có sự đón nhận rất tích cực của các trường Đại học Hà Nội (Bách khoa, Xây dựng, Quốc gia) và Viện Cơ học Hà Nội. Hai mươi mốt sinh viên đã được trường Đại học Liège chúng tôi thâu nhận trong các niên khoá 1999-2001.

Tôi mong mỏi một lớp thứ ba sẽ được mở trong một ngày không xa ở Đà Nẵng,  vùng Trung khúc ruột, rất cần những tài trợ quốc tế cho việc phát triển….Ngoài ra dưới sự điều động của ông Viện phó trường Đại học Liège, Bernard Rentier, một dự án về việc thành lập tại Hà Nội một Trung tâm dữ kiện thông tin khoa học kỹ thuật đang được  thảo luận với các đại học kỹ thuật củaViệt Nam.

 

4. Một vài kinh nghiệm đáng ghi

Phải nói việc triển khai hợp tác với Việt Nam trong những năm 90 còn là một trò xiếc rất ư là hiểm nghèo, nhất là người chủ trương việc hợp tác này có tham vọng đặt cơ sở hợp tác trên một nền móng mới, thiết thực và bổ ích : bảo đảm chất lượng đào tạo, thực hiện chuyển giao công nghệ có hệ thống và có kết quả, tránh cho được những vướng mắc của cơ chế và tư duy còn sót lại từ thời bao cấp…

 

4.1 Những vướng  mắc từ bên ngoài

Những vướng mắc ấy không chỉ phát xuất từ Việt Nam! Các cơ chế hợp tác quốc tế của các nước phát triển nói tiếng Pháp như Pháp, Bỉ, phần đông kế thừa những lề lối cũ còn sót lại từ thời còn có thuộc địa Á, Phi. Những thành viên đi làm công tác hợp tác phát triển còn mang nặng ít nhiều tư duy của thời ấy. Họ không chấp nhận dễ dàng những chương trình hợp tác có nội dung mới mẻ, phong cách phóng khoáng, thực sự tiết kiệm công quỹ quốc gia : người đi hợp tác sống hoà mình với các đồng nghiệp sở tại, thay vì sống riêng biệt trong những biệt thự sang trọng, kinh phí phân phát bổng tại chỗ cho sinh viên thay vì kinh phí mua xe cộ đi lại hay kinh phí cho khách sạn năm sao, tham gia trực tiếp quản lý chương trình cùng với các đồng nghiệp Việt Nam thay vì giao hẳn cho họ quản  lý, chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo và trao bằng cấp chánh thức của Bỉ hay Âu châu thay vì để cho Việt Nam cấp bằng với những bài giảng không không cần thiết cho chuyên môn nhưng không thể tránh được ngay cho những chương trình đào tạo cao học !

Một vấn đề hóc búa được đặt ra cho tôi : tiếng Pháp. Tôi áp dụng cho các dự án do tôi điều động nguyên tắc : Tiếng Pháp là một trong ba ngôn ngữ được chánh thức sử dụng tùy trường hợp (Việt, Anh, Pháp). Thay vì bắt buộc phải biết tiếng Pháp mới được nhập học, chúng tôi tuyển sinh dùng tiếng Việt ! Trong lĩnh vực này tôi rất  hãnh diện đã dần dần thuyết phục được ban lãnh đạo AUPELF&UREF nay là Agence Universitaire Francophone[31] về quan điểm như sau cho Việt Nam : nên làm việc cùng với tiếng Anh thay vì làm việc chống lại tiếng Anh. Thật vậy, tiếng Pháp nên là một công cụ bổ túc thiết thực cho sự phát triển giáo dục và nghiên cứu khoa học tại Việt Nam chứ không thể là một hàng rào chắn thêm, giới hạn việc phổ biến tri thức tiên tiến tại Việt Nam… Tôi cũng rất nhọc tâm phải bảo vệ và thực thi qua việc làm quan điểm ấy cùng một lúc xin cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp tài trợ cho nhũng dự án cộng tác với Việt Nam ! Và trên thực tế tôi đã một phần nào thành công vì qua các dự án do tôi chủ trương,  tiếng Pháp luôn luôn được củng cố : những sinh viên xuất sắc nhất sẽ được sang Bỉ, Pháp, Canada làm luận văn ra trường hay luận án tiến sĩ và chính họ sẽ là những véc tơ tiếng Pháp hữu hiệu nhất : thông thường ai cũng biết là đã học giỏi thì học sinh ngữ cũng lẹ làn thôi…

           

4.2 Những vướng mắc từ bên trong

 Những vưóng mắc phải trải qua về phiá Việt cũng gây không kém khổ tâm cho  tôi. Trước hết phải nói đến sự ghi ngại dè chừng của các cơ quan an ninh Việt Nam nhất là trong những buổi ban đầu, nghi ngại dè chừng đối với việc tham gia trực tiếp đào tạo giảng dạy của người Việt ở nước ngoài, nhất là người chủ nhiệm chương trình lại là một trong những Việt kiều đã ký vào tâm thư gởi nhà cầm quyền Việt Nam vào đầu thập niên 90. Sự nghi ngại này thường hay dẫn đến những hành động “thiếu tế nhị” đối với các bè bạn Việt kiều có nhã ý tham gia giảng dạy trong khuôn khổ những chương trình của tôi đề xướng. Đến nỗi có lần chính tôi phải nói với một cán bộ công an cao cấp : Năm qua có tám giáo sư quốc tế sang Việt Nam giảng dạy. Năm giáo sư người Bỉ thứ thiệt các anh không động tới. Ba giáo sư Việt kiều đều bị gọi lên đồn công an làm việc cả ba, như thế là thế nào ?  Té ra tại Việt Nam sau ngày giải phóng lại có kỳ thị chủng tộc, lại còn trọng người nước ngoài hơn người gốc Việt Nam…

Và những trao đổi thẳng thắn ấy đã đạt những kết quả thiết thực rõ ràng : bắt đầu từ năm 1998 hình như mọi chuyện đều được giài toả và chương trình MCMC mới triển khai tại Hà Nội của chúng tôi đã được Bộ chuẩn y trong thời hạn kỷ lục… Xin ghi lại đây điều 96 của Luật Giáo dục đã được Quốc hội thông qua trong năm 1998 [37]:

“ Tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài         được Nhà nước Việt Nam khuyến khích, đào tạo điền kiện để giảng dạy, học tập, đầu tư, tài trợ, hợp tác, ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ về giáo dục ở Việt Nam : được bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp theo pháp luật Việt Nam…”.

Bắt đầu từ những thập niên tám, chín mươi vì mức lương căn bản hạn hẹp, các giáo chức được phép nhận thêm những khoản lương phụ (trong thực tế có thể nhân gấp mười mức thu nhập) trả theo giờ giảng dạy. Kinh phí này thâu được phần lớn từ nguyệt liễm hay niên liễm của học viên. Mứt thu nhập của giới giáo chức có phần cải tiến. Mặt trái của vấn đề là rất nhiều sự cố  tiêu cực đã xảy ra tại các trường trung học. Báo chí trong nước vẫn thường phản ảnh về việc này. Các Đại học cũng không tránh khỏi lây bệnh dịch này. Chế độ giấy phiếu trong thời bao cấp được thay thế bằng chế độ bao thư của nền kinh tế thị trường. Chuyện gì cũng phải có bao thư. Tham gia phản biện luận án tốt nghiệp của một chương trình đào tạo quốc tế thì phải có thù lao, điều này có thể là thông cảm được nhưng tham gia một buổi họp ngắn nhằm tổ chức thi cử, bàn luận về chương trình giảng dạy cho học viên của chính mình mà cũng đòi phải có bao bì thì lấy kinh phí quốc tế nào mà thuyết minh cho được ? Những lạm dụng này cần phải chấm dứt vì không những nó làm cho việc hợp tác quốc tế rất khó triển khai mà còn làm suy thoái chức năng phẩm giá của nhà giáo.

Một tệ đoan rất phổ biến trong giới đại học Việt nam là thói tôn sùng tuyệt đối bằng cấp, học hàm. Để bảo về quyền lực, bổng lộc hiện có hay sắp được “cơ cấu” vào hệ thống cầm quyền, các quan chức thi đua nhau đi học hệ tại chức, một hệ đào tạo thu gọn (nội dung đào tạo cũng như học trình) dành cho những ai có chức vụ nhưng đã và đang không  có điều kiện theo học chánh quy. Ngày xưa chính đây là những hệ giáo dục bổ túc (formation continuée) rất cần thiết cho việc mở mang dân trí, nâng cao trình độ chuyên môn. Dần dần hệ đào tạo này được hợp thức hoá và được cấp văn bằng, chứng chỉ y như hệ chánh quy. Trong bản luật giáo dục được Quồc hội thông qua mới đây (2/12/99) hệ tại chức này có tên gọi hệ không chánh quy ! Bằng cấp (cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ) cũng mang tên bằng cấp không chánh quy. Tuy nhiên đọc kỹ điều 43 tiết mục 3 trong Bộ Luật ấy[37] chúng ta sẽ tìm thấy câu thòng như sau : “… nếu có đủ điều kiện theo quy định của kỳ thi tốt nghiệp hệ chính quy thì được dự thi và nếu đạt yêu cầu thì được cấp bằng tốt nghiệp của hệ chính quy”. Chúng tôi e rằng hai chử nếu mơ hồ trên sẽ tạo điều kiện cho những lạm dụng đáng tiếc. Hiện tượng có bằng cấp mà không có học lực hay hiểu biết tương xứng đã và đang có khả năng trở thành phổ biến và nền học thuật nước Việt Nam sẽ phải trả một giá rất đắt vì ảnh hưởng tai hại này.

 

4.3 Những vấn đề nổi cộm hiện nay

            Còn biết bao vấn đề đặt ra cho việc đổi mới tổ chức đại học Việt Nam ! Xin tóm tắt nêu ra đây những vấn đề nổi cộm nhất :

  •  Chừng nào quy chế tự trị đại học chưa được chấp nhận thì sự việc thành lập các đại học quốc gia ở Sài Gòn, Hà Nội và Huế-Đà Nẳng vẫn còn lúng túng… Hình thức hiện nay chỉ làm phức tạp thêm vấn đề vì thêm vào một cấp quản lý trong một cơ chế đã nặng nề, phức tạp… Theo chúng tôi, không nên đổ rượu cũ vào bình mới mà nên làm cái khác, xây dựng trên nền mới một trường đại học đa ngành đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tôi tự hỏi tại sao không dùng số tiền gần một trăm triệu đô la của ngân hàng quốc tế cho vay từ năm nay (1999) cho việc này ? Các đại học hiện hữu sẽ tự cải tiến dần dần nếu bên cạnh có một trường Đại học quốc gia có chất lượng đào tạo cao, có phương thức quản lý tốt, phải cải tiến thôi vì lý do cạnh tranh sinh tồn theo nghĩa tốt.

  •  Không giải quyết được việc xây dựng một hệ thống thư viện hiện đại hay xử lý thông tin khoa học đều khắp cho các đại học thì khoan nói đến việc nghiên cứu khoa học một cách nghiêm túc… 

  • Việc phối hợp nghiên cứu và giảng dạy giữa các trường đại học và các trung tâm hay viện nghiên cứu vẫn còn trì trệ và chưa có được một cơ chế phù hợp… Xin nhắc lại đề nghị của tôi trong bài tham luận nhân dịp “Hội nghị chuyên đề giáo dục Đại học Việt Nam Xuân giáp tuất, 2/94” [9] : “Đề nghị bãi bỏ học vị giáo sư không sinh viên không quân lính, đề nghị bắt đầu từ nay đặt những nghiên cứu sinh sắp được đề đạt dưới dự quản lý của giáo sư trong bộ môn”.

  •  Việc thành lập các ban tư vấn để sử dụng chất xám Việt kiều vẫn còn nằm trong niềm mong ước của hai bên ! Ban tư  vấn trường Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh đã đề ra danh sách từ năm năm nay nhưng chưa bao giờ có một buổi họp mặt hay một thư gởi đến cho các thành viên !

  •    Chủ trương CT32 [38] về dân chủ hoá việc bổ nhiệm cán bộ quản lý đại học bằng cách tổ chức bầu hiệu trưởng ở một số trường đại học khơi động từ năm 1988 hiện nay gần như đang đi vào quên lãng.

  •   Chủ trương CT36 [38] về việc tận dụng sự giúp đỡ của lực lượng Việt kiều trong đổi mới và phát triển đại học chưa được triển khai như mong muốn.

 

5. Đôi điều bày tỏ thay lời kết luận

 Trí thức Việt kiều ai cũng quan tâm đến việc giáo dục và đào tạo ở Việt Nam vì giáo dục đào tạo là cơ sở của tương lai dân tộc Việt. Tuy vậy, sau trên 24 năm hoà bình thống nhất, sự tham gia của anh em chúng ta vào công tác này vẫn còn rất khiêm tốn, quá khiêm tốn so với tiềm năng mà ai trong chúng ta cũng phỏng đoán được. Ở đây tôi xin miễn đặt câu hỏi tại sao ?… Câu trả lời thật ra cũng dễ đoán biết.

Tôi chỉ mong nói ra được cho sát ý điều suy nghĩ về sự chọn lựa riêng của mình trong bối cảnh chính trị hiện nay.

Trứơc nhất tôi thiết nghĩ tham gia giúp đỡ Việt Nam phát triển giáo dục đào tạo, tạo điều kiện chuyển giao công nghệ Âu-Mỹ-Nhật vào Việt Nam là góp phần xây dựng xã hội công dân Việt Nam. Công dân thế nào thì chánh quyền thế ấy. Thời nào cũng vậy, không có một xã hội công dân lành mạnh, thì không thể có một chánh quyền lành mạnh. Đây là điểm chính thôi thúc tôi bắt tay vào việc và bỏ ra rất nhiều công sức.

Sau đó tôi nghĩ  ta nên làm ngay những gì trong tầm tay, vật cản càng lớn thì ta làm dự án càng nhỏ. Được công nhận và tin cậy thì mới dần dần mở rộng ra. Chờ đến chừng nào nữa, tóc đã bạc màu, tuổi đã gần buổi về hưu, nếu chần chờ sẽ không còn thì giờ nữa, sẽ mất đi những điều kiện có được hôm nay ở nước ngoài. Con cái tôi thuộc thế hệ thứ hai, ăn học cũng khá đấy, cũng ngoan ngoãn đấy, nhưng làm gì có cái “nghiệp làm người Việt Nam” như chúng ta ?

Phải nói thân phận kẻ sĩ Việt nam là chuỗi dài của những hẩm hiu, phũ phàng của lịch sử. Thời xưa đã thế, thời nay cũng vẫn thế, thế hơi đâu mà buồn phải không các bạn ?

Trước khi dứt lời xin tặng các bạn bốn câu thơ ngẫu hứng nhân dịp hội thảo mùa hè hôm nay tại thành phố Liège, nơi tôi đã sống gần 40 năm nay :

“Ngồi đây bên bến sông Meuse,

Mà nghe văng vẳng bến bờ đại dương

Mỗi người có mỗi quê hương

Mà tằm cứ mãi tơ vương mỗi đời…”

 

Viết tại TP Hồ Chí Minh ngày 4/8/1999, hoàn tất tại Liège ngày 9/9/1999

 

6. Thư mục

 

[1] Nguyễn Đăng Hưng : “Bút ký của một nhà khoa học Việt kiều”, báo ĐOÀN KẾT, Cơ quan ngôn luận của Hội người Việt tại Pháp, Paris, bộ mới số 418, tháng 11, 1989.

[2] Nguyễn Đăng Hưng : “Phỏng vấn của Eric Renette đăng tải” trong báo Petit LU, Université de Liège, số 26 trang cuối, tháng 9 năm 1989.

[3] Nguyễn Đăng Hưng : “Báo cáo sau một chuyến đi thăm Việt Nam trong khuôn khổ sang nghiệp Alice Seghers”, tháng 4 năm 1989.

[4] Nguyễn Đăng Hưng : “Vài suy nghĩ về hợp tác Đại học với Việt Nam”, đăng trong báo “TUỔI TRẺ CHỦ NHẬT”, 25 tháng 2, 1990.

[5] Nguyễn Đăng Hưng : “Báo cáo sinh hoạt và sổ tay hành động trong khuôn khổ các dự án FICU”, LTAS-Mécanique de la rupture, tháng chạp, năm 1991.

[6] SÀI GÒN GIẢI PHÓNG, “FICU tặng máy vi tính cho trường ĐHBK” (Le FICU a accordé à IPH un don de micro-ordinateurs), số 5279, trang nhất, ngày 24 tháng 3, 1992.

[7] Nguyễn Đăng Hưng : “Báo cáo tham quan tổ chức CGRI”, tháng 5,1992.

[8] Nguyễn Đăng Hưng : “Vài kinh nghiệm hợp tác Đại học với Việt Nam”, Thuyết trình trong buổi “Worshop on Engineering Education in Developping Countries”, Liège, 29-30 tháng 3, 1993.

[9] Nguyễn-Đăng Hưng : “Vài kinh nghiệm gần đây về hợp tác đào tạo cao học với các đại học Việt Nam để dẩn tới một số đề nghị cụ thể liên quan đến việc cải tổ giáo dục phối hợp với hợp tác quốc tế”, tại hải ngoại : trang 50, Đối Thoại, số 5 tháng 4 năm 1995, trong nước : trang 117-126, “Kỷ yếu hội nghị chuyên đề giáo dục đại học Việt Nam”, Xuân Giáp Tuất, 2/1994, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Việt kiều Trung ương xuất bản, 1994.

[10] P. V. : “Tuyển sinh Cao học Âu Châu”, báo TUỔI TRẺ, số 96/95 (2384), 17/8/1995.

[11] Minh Triết : “Tuyển sinh đào tạo Cao học Âu châu về cơ học xây dựng”, báo SÀI GÒN GIẢI PHÓNG, số 6503, năm thứ 20, ngày 19 tháng 8, 1995.

[12] Hà Thạch Hản : “26 học viên theo học khoá đầu tiên Cao học Âu châu”, báo TUỔI TRẺ, số 5/96 (2447) , 11/1/1996.

[13] SAIGON Times Daily : “Belgian-Vietnamese Inter-University Cooperation on Mechanics of Constructions”, January 12, 1996.

[14] T. TH.  : “Thêm một chương trình du học tại chỗ về đào tạo Cao học”, báo LAO ĐỘNG, số 6/96 (4260), 14/1/1996.

[15] Nguyễn-Đăng Hưng : “EMMC chương trình hỗ trợ đại học Việt Nam”, Báo TUỔI TRẺ, 24/2/1996.

[16] Minh Triết : “Tuyển khoá 2 chương trình hợp tác Cao học Bỉ-Việt”, báo SÀI GÒN GIẢI PHÓNG, số 6862, ngày 17 tháng 8, 1996.

[17] Hà Thạch Hản : “Tuyển 30 học viên cao học xây dựng châu Âu”, báo TUỔI TRẺ, số 96/96 (2538) , 17/8/1996.

[18] LE MAGAZINE-Université: “Expertise belge au service d’un nouveau dragon”, Publication de l’Université de Liège, page 25, Printemps, 1966.

[19] Vĩnh Thắng : “EMMC, Chương trình đào tạp hấp dẫn”, báo THANH NIÊN, số 131 (919), 17/8/1996.

[20] T. TH. : “Đại học Liège (Bỉ tài trợ 15 học bổng cao học”, báo Lao Động số 109/96 (4363), 24/8/1996.

[21] Nguyễn Đăng Hưng : « Rapport d’activités du juillet 1995 au mars 1998 du programme EMMC », Rapport interne du LTAS-Mécanique de la rupture, 110 pages, Mars, 1998.

[22] C. V. N. : “Coopération Vietnam-Belgique pour le la formation post-universitaire” aricle publié dans le mensuel “Le courrier du Vietnam”, Hanoi,  Nr. 1570, Mercredi 21 avril 1999.

[24] Natalie Duelz : “l’Etrange présence de diplômes liégeois au Vietnam”, paru dans “Le Quinzième jour du mois”, Mensuel de l’Université de Liège, Nr. 84, du 21 Avril au 11 mai, 1999.

[25] Bình Giang : “Hợp tác Việt-Bỉ về đào tạo”, bài trang 5 trên báo “Hà Nội Mới cuối tuần”  số 210 (524), tháng 5, 1999.

[26] Hà Thạch Hãn : “Chương trình cao học liên đại học Việt-Bì : Mở rộng qui mô  ngành nghề và qui mô tuyển sinh”,  báo Tuổi trẻ, số21/99 (2922) ngày 25/2/1999.

[27] Tú Uyên : “Chương trình cao học liên ĐH Việt-Bỉ”, báo Thời báo kinh tế Việt Nam, số 18(480), 3/3/1998.

[28] Việt Nam News :“Belgium boosts post-graduate training in VN”, Sat. 27/2/1999.

[29] Hà Thạch Hãn : “ Programme post-universitaire Vietnam-Belgique, à élargir les filières et l’effectif de recrutement” article publiè par “Saigon Eco” Nr. 80, publication du Saigon Times group, Ho Chi Minh ville, page 17, Mai-juin, 1999.

[30] Marie-Cécile Royen : “Ces étrangers qui font bouger la Belgique", revue LeVif-Express, Belgique, 17ème année, N.  2506/2507, page 41, 16-22 juillet, 1999.

[31] Nguyễn Đăng Hưng : “EMMC et MCMC, programmes de DEA délocalisés au Vietnam”, Séminaire Europe organisé par l’Agence Universitaire de la Francophonie, Université d’Evry Val d’Essonne, 25-27 mars 1999.

[32] Thu Thủy : “GS Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng – người Bỉ gốc ngoại quốc tiêu biểu nhất“, báo  Sài gòn Giải phóng số 7952 ngày 28/8/1999, trang 2.

[33] Võ Hồng Quỳnh : “GS Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng – người nước ngoài làm nước Bỉ đổi thay“, báo Tuổi trẻ chủ nhật  số 33-99, năm thứ 17, 22/8-28/8/1999 trang 3.

 [34] Lý thành Tâm : “Gặp người Việt Nam đã làm nước Bỉ đổi thay“, báo Tiền Phong Chủ nhật số 10-36-1999 ngày 5/9/99, trang 1, 2, 15.

[35] Võ Hồng Quỳnh : “GS Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng,  người nổi tiếng ở Bỉ“, báo Nhân Dân điện tử ngày 26/8/99, trang đời sống chính trị : (http://www.nhandan.org.vn/vietnamese/19990826/tr-chinhtri.html).

[36] Nguyễn Đăng Hưng : “Maitrise en Sciences Appliquées dans le domaine des études avancées en mécanique des constructions (Européen Mastaire en Mécanique des constructions : EMMC”, page 6, Bulletin Grenoble INP-Vietnam, Novembre-Décembre, 1999, Janvier-Février, 1999.

[37] Luật giáo dục, nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998.

[38] Kỷ yếu hội nghị chuyên đề giáo dục đại học Việt Nam, “Các chủ trương đổi mới đại học đã và đang thực hiện”, trang 519,  Xuân Giáp Tuất, 2/1994, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Việt kiều Trung ương xuất bản, 1994.

 

 http://vietsciences.free.fr