Theo báo chí, ngày 31.7.2001, bộ GD&ĐT đã có
quyết định về việc thí điểm tổ chức đào tạo,
kiểm tra, thi và công nhận tốt nghiệp ĐH, CĐ hệ
chính quy theo học chế tín chỉ. Tuy nhiên, từ
hơn ba năm sau quyết định này, hình như học chế
theo tín chỉ này vẫn chưa được áp dụng rộng rãi
ở các trường. Vì thế, trong tháng giêng vừa qua,
nhân dịp ghé thăm trường Đại học Bách Khoa Đà
Nẵng, đáp lời yêu cầu của GS Bùi Văn Ga, hiệu
trưởng trường, tôi đã trình bày kinh nghiệm về
học chế này ở trường đại học công nghệ Compiègne
(UTC, Pháp), nơi tôi giảng dạy từ nhiều năm nay.
Bài viết này xuất phát từ buổi trình bày ấy, xin
được gửi tới xê-mi-na giáo dục như một đóng góp
về một khía cạnh rất cụ thể về tổ chức giáo dục
đại học.
1/ Vài hàng giới thiệu
về trường UTC
Trường đại học công nghệ
Compiègne (Université de Technologie de
Compiègne, gọi tắt là UTC) được thành lập năm
1973, nằm trong hệ thống đại học Pháp (theo
nghĩa là trực thuộc bộ đại học về mặt quản lý ;
nhân viên giảng huấn – tiếng Pháp gọi chung là
« enseignant-chercheur », gồm hai hạng : giáo sư
(professeur) và «phó giáo sư» (maître de
conférences) - được tuyển lựa như ở các đại học
khác
và có thể
được thuyên chuyển sang một đại học khác;
trường có nhiệm vụ kết hợp giảng dạy và nghiên
cứu v.v.), nhưng lại có một số điểm đặc thù xin
liệt kê dưới đây để người đọc dễ theo dõi hơn
một vài khía cạnh của vấn đề.
1.1/ Trước hết, đây là một trường
đào tạo kỹ sư theo hệ « bac + 5 », tức 5 năm sau
Trung học phổ thông Pháp (dưới đây, xin gọi tắt
là tú tài – baccalaureat). Trường không cấp các
bằng licence (« bac+3) » - tiếng Việt : « cử
nhân » ?) hoặc maîtrise (« bac+4 »), song kể từ
năm nay, trường sẽ cấp bằng master (« bac+5 » -
thạc sĩ ?). Sinh viên muốn có bằng master phải
theo học một số đơn vị học trình đặc thù, do
« Ecole doctorale » (Phòng đào tạo sau đại học)
của trường ấn định. Sinh viên muốn học thêm có
thể được nhận làm nghiên cứu sinh để lấy bằng
tiến sĩ.
1.2/ Trước khi đi vào các chuyên
ngành kỹ sư, sinh viên được tuyển chọn (theo hồ
sơ và phỏng vấn) từ tú tài sẽ phải theo học
hai
năm « dự bị », nói chung là về những môn khoa
học cơ bản (toán, lý, hóa, sinh, tin học) hay
văn hóa phổ thông trong đó có ngoại ngữ. Vì hai
năm này là chung cho các chuyên ngành nên được
gọi là « Tronc Commun » (viết tắt : TC). Như
vậy, quá trình học tập của một sinh viên kỹ sư
được chia làm hai gian đoạn : giai đoạn 1
là hai năm TC, giai đoạn 2 là 3 năm
chuyên ngành.
1.3/ Ngoài các giáo sư và phó
giáo sư trong ngạch giảng huấn của bộ đại học,
trường được một đặc quyền mà các trường đại học
khác ở Pháp không có, là được tuyển thẳng từ các
cơ sở sản xuất một số chuyên gia tham gia giảng
dạy mà không phải qua chế độ tuyển của bộ đại
học. Chẳng hạn, các chuyên gia này không cần
phải có bằng tiến sĩ, nhưng tất nhiên, họ phải
có kinh nghiệm nghề nghiệp ở mức độ cao được
thừa nhận (ví dụ như có một số bằng sáng kiến,
hoặc đã chỉ huy thành công những công trình,
những đơn vị sản xuất ở các xí nghiệp có tên
tuổi v.v.). Các chuyên gia này có thể vừa tiếp
tục công việc của mình ở xí nghiệp vừa tham gia
giảng dạy, hoặc nghỉ hẳn công việc ở xí nghiệp
trong vài năm để làm nhân viên giảng huấn và
nghiên cứu toàn phần cho trường. Lương của họ do
hội đồng quản trị nhà trường quyết định, thường
là tương đương với lương giáo sư có vài năm thâm
niên.
1.4/ Mỗi SV vào trường được chỉ
định một « giáo sư cố vấn » (enseignant
conseiller) để được hướng dẫn trong quá trình
học tập của mình, cũng như để liên hệ nhờ giúp
đỡ nếu có bất kỳ khó khăn nào trong quá trình
học tập đó (kể cả khó khăn riêng trong đời sống,
cần người khác lắng nghe, khuyên nhủ hoặc giúp
giải quyết nếu có thể).
1.5/ Thời gian học tập của sinh
viên được tổ chức thành hai học kỳ mỗi năm, mỗi
học kỳ dài 17 tuần (kể cả một tuần dành cho thi
kiểm tra cuối học kỳ, nhưng không kể các tuần
nghỉ lễ). Nói chung, học kỳ Thu bắt đầu từ tuần
thứ hai của tháng 9 cho tới tuần thứ ba của
tháng giêng năm sau, học kỳ Xuân bắt đầu từ tuần
đầu tháng 3 cho tới tuần cuối tháng 6. Tháng 7
là tháng nghỉ hè, còn tháng 2 và tháng 8 là hai
giai đoạn giữa học kỳ (« intersemestre »), trong
đó trường tổ chức cho sinh viên các kỳ thực tập
ngắn ở xí nghiệp hay ở ngay tại trường, gọi tắt
là « stage ouvrier ». Đối với sinh viên ngoại
quốc, hai kỳ intersemestre này có thể được dành
cho việc học tiếng và văn hóa Pháp (4giờ/ngày
trong tuần + thăm viếng văn hóa cuối tuần).
1.6/ Các học kỳ thứ 3 và 6 trong
giai đoạn 2 (chuyên ngành) được dành hoàn toàn
cho thực tập ở xí nghiệp hay một phòng thí
nghiệm (số ít), trong hay ngoài nước Pháp. Báo
cáo cuối mỗi kỳ thực tập phải được ban giám khảo
ngành thông qua, nếu không SV có thể bị buộc
phải viết lại báo cáo hoặc làm lại nguyên một kỳ
thực tập khác (trường hợp hãn hữu). Báo cáo kỳ
thực tập ở học kỳ 6 cũng là luận văn tốt nghiệp
của SV. Các học kỳ khác (1,2,4,5) là những học
kỳ tạm gọi là « lý thuyết » (để phân biệt với
hai học kỳ thực tập nói trên).
2/
Hệ
thống tín chỉ ở UTC
2.1/ Ở UTC, nội dung các môn học
được chia thành từng «đơn vị học trình» (unité
de valeur, gọi tắt là UV). Mỗi UV kéo dài suốt
học kỳ, nói chung gồm 2 giờ lý thuyết, 2 giờ bài
tập và/hoặc 1,2 giờ thực hành – trên máy tính
hay trong phòng thí nghiệm - mỗi tuần (chưa kể
thì giờ làm việc riêng ở nhà), nhưng cũng có một
vài UV nặng hơn (3g lý thuyết và 3g bài tập),
nói chung là về các môn khoa học cơ bản ở TC,
hoặc nhẹ hơn (một số UV có tính chất « văn hóa
phổ thông »). Danh sách các UV trong niên khóa
2004-2005, kèm theo nội dung tóm tắt và số giờ
học, có thể xem trên trang web
http://www.utc.fr/formations/initiale/ingenieurs/catalogueUV04-05.pdf
Cũng xin mở ngoặc để nói ngay,
hiện nay mỗi UV được tính tương đương với 5 tín
chỉ trong hệ đại học châu Âu (European Credit
Transfert System, viết tắt ECTS), nhưng bắt đầu
từ năm tới sẽ tính kỹ hơn : một UV có thể được
tính tương đương với 4, 5 hoặc 6 ECTS, nhưng
trong tổng thể, một sinh viên trung bình vẫn sẽ
đạt được khoảng 6 UV hay 30 ECTS trong mỗi học
kỳ. Xin xem hệ thống ECTS trên trang
http://europa.eu.int/comm/education/programmes/socrates/ects_en.html
của tiểu ban Giáo dục và đào tạo
thuộc Ủy ban Châu Âu. Bài viết này sẽ không đi
thêm vào chi tiết hệ thống này, mà tập trung vào
hệ thống UV của UTC. Chỉ cần nói ngắn rằng ECTS
là đơn vị học trình nhỏ nhất trong hệ thống đang
tiến tới của đại học châu Âu sau
Tuyên bố Bologna
năm 1999,
nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho việc công nhận
bằng cấp của các đại học, và cho SV có thể
chuyển đổi nơi học từ nước này sang nước khác,
từ đại học này sang đại học khác. Mỗi giáo trình
mở ra ở một đại học châu Âu, khi quá trình
chuyển đổi cơ cấu này hoàn thành, sẽ được tính
bằng một bội số của ECTS chứ không thể ít hơn.
2.2/ Như trên đã nói, một sinh
viên (SV) sẽ chọn 6 UV (với sự hướng dẫn của
giáo sư cố vấn) để theo học trong mỗi học kỳ.
Sau mỗi học kỳ, một hội đồng giám khảo chung
của TC sẽ, trên cơ sở kết quả thi các UV,
cho phép SV học tiếp một cách bình thường, hoặc
có những khuyến cáo và hướng dẫn chọn lựa UV cho
học kỳ tiếp đó nếu SV đạt kết quả kém. Một SV
xuất sắc qua một học kỳ có thể được ghi tên theo
học 7 hoặc 8 UV trong học kỳ tiếp đó, hoặc một
SV có kết quả không tốt ở học kỳ trước có thể
chỉ được ghi 4 hay 5 UV trong học kỳ sau.
Các UV trong giai đoạn 1 (TC)
được chia làm 3 loại : « khoa học và ngôn ngữ
khoa học », « kỹ thuật và phương pháp »
và văn hóa. Các UV về « văn hóa » thực ra là
chung cho sinh viên cả hai giai đọan (TC hay
chuyên ngành), bao gồm hai loại : loại thứ nhất
về « tiếng nói và truyền thông » (tạm
dịch « expression et communication »), chủ yếu
là các UV về ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài,
song cũng có các UV về các kỹ thuật truyền thông
đại chúng, về âm nhạc, kịch nghệ v.v. ; loại thứ
hai, gọi chung là « văn hóa đại cương »
(« culture générale »), bao gồm các UV về kinh
tế, quản lý, xã hội học, tìm hiểu xí nghiệp,
triết học, lịch sử khoa học hay lịch sử kinh tế
v.v. Cả hai loại UV này do cùng một khoa
(département) của trường đảm nhận. Khoa này có
tên là Khoa công nghệ và khoa học nhân văn
(technologie et sciences de l’homme, viết tắt là
TSH).
Một SV TC, sau 4 học kỳ phải đạt
ít nhất 22 UV, trong đó phải có đủ 18 « UV
chuẩn » như sau :
- 8
UV « khoa học và ngôn ngữ khoa học », gọi tắt là
UV khoa học ;
- 4
UV « kỹ thuật và phương pháp », gọi tắt là UV kỹ
thuật ;
- 2
UV « tiếng nói và truyền thông », gọi tắt là UV
ngôn ngữ ;
- 3
UV « văn hóa đại cương » ;
- 1
UV đánh dấu kết quả của « stage ouvrier ».
(còn lại 4 UV khác hoàn toàn tự
do), mới được cấp bằng tốt nghiệp DEUTEC
(Diplôme d’Etudes Universitaires de Technologie)
và được phép học lên giai đoạn 2 của trường,
hoặc có thể chuyển sang một đại học khác, xin
tương đương với bằng DEUG (Diplôme d’Etudes
Universitaires Générales), là bằng kết thúc hai
năm học đầu của các đại học Pháp. Một SV xuất
sắc có thể được cấp bằng DEUTEC sau 3 học kỳ,
với điều kiện thi đỗ 20 UV, trong đó có 18 UV
chuẩn. Một SV kém hơn có thể được cấp DEUTEC
trong 5 học kỳ, nếu cũng đạt đủ 22 UV với 18 UV
chuẩn như SV trung bình. Trong trường hợp đặc
biệt, hội đồng giám khảo của TC có thể cho phép
một SV tiếp tục học tới học kỳ 6 để lấy bằng
DEUTEC (vẫn phải đạt đủ số UV như nói trên),
nhưng việc tiếp tục được theo học giai đoạn 2
không còn là tự động mà phải được hội đồng giám
khảo của chuyên ngành mà SV muốn theo học cho
phép. Một SV có 20 hay 21 UV cuối học kỳ 4,
nhưng đủ các UV chuẩn, nhất là đã có điểm tốt ở
các UV khoa học, có thể được phép ghi tên học
chuyên ngành nhưng phải « trả nợ » số UV thiếu
trong học kỳ đầu của giai đoạn 2. Hội đồng giám
khảo toàn quyền cân nhắc, định đoạt trong những
trường hợp này.
Trong giới hạn được xác định bởi
18 « UV chuẩn », SV được lựa chọn khá tự do để
theo học các UV có trong danh sách các UV được
giảng dạy. Ví dụ, một SV giỏi toán có thể lấy 3
UV toán, 2 lý, 2 hóa, 1 sinh để đủ 8 UV chuẩn về
« khoa học », đồng thời học thêm 1 hay 2 UV toán
khác để tính trong số các UV tự do, trong khi
một SV khác có thể chỉ lấy được 2 UV toán, nhưng
có thêm 2 lý, 2 hóa, 2 sinh học, cũng đủ 8 UV
chuẩn về « khoa học » v.v. Một SV đã giỏi tiếng
Anh sau tú tài có thể mất ít thì giờ lấy 2 UV
tiếng Anh cho đủ tiêu chuẩn 2 UV « ngôn ngữ »,
rồi học thêm một ngoại ngữ thứ hai, hoặc học sâu
hơn về tin học, hay kinh tế chẳng hạn, để tính
vào các UV tự do.
2.3/
Trong các chuyên ngành (gọi
chung là « génie », ví dụ như « génie
informatique », « génie chimique » v.v.), cũng
có nguyên tắc chung tương tự về việc phân loại
các UV của ngành (gồm các « UV cơ bản » và « UV
chuyên nghiệp ») và về tự do chọn lựa của SV
trong khuôn khổ những tiêu chuẩn định sẵn. Một
SV theo học bất kỳ chuyên ngành nào đều có thể
ghi tên theo học một hay nhiều UV của chuyên
ngành khác, với sự đồng ý của ban phụ trách
ngành mình, tính vào một UV tiêu chuẩn nào đó,
tất nhiên khi UV đó có nội dung phù hợp. Ví dụ,
một UV loại cơ bản của ngành tin học (như UV về
kỹ thuật xử lý hình – imagerie – chẳng hạn) có
thể được ngành y sinh (biomédical) xếp vào loại
UV chuyên nghiệp v.v. Ngay cả trong trường hợp
một UV ngành A không được coi như cơ bản hay
chuyên nghiệp trong ngành B, SV của ngành B vẫn
có quyền theo học UV đó, nhưng chỉ được tính sổ
trong số các UV tự do của mình. Mặt khác, mỗi
ngành lại có thể chia thành hai hay nhiều nhánh
(filière) khác nhau, dựa trên một chuyên môn hẹp
trong nganh, và danh sách các UV cơ bản hay
chuyên nghiệp của mỗi nhánh cũng thay đổi. Trong
ngành Tin học, SV học chuyên môn về mạng
(réseaux) phải chọn UV trên một danh sách khác
danh sách UV của SV chuyên về xử lý hình ảnh…
Ngoài ra, trong mỗi ngành, SV có thể học thêm
một vài UV để được chứng nhận là mình có thêm
một chuyên môn phụ (mineur). Ví dụ :
mineur Etudes Européennes, có những UV về các
chính sách kỹ nghệ, lao động, tài chính trong
Liên hiệp châu Âu ; mineur Philosophie des
Technologies Cognitives có những UV về tâm lý
học, về khoa học trí não (neurosciences), về
Intelligence artificielle (tôi không biết tiếng
Việt dịch là gì, xin tạm để tiếng Pháp).
2.4/
Danh sách các UV do ban phụ
trách các Khoa (mỗi ngành được tổ chức thành một
khoa, cộng với khoa TSH) đưa ra, trên cơ sở
chuyên môn của giáo chức trong khoa mình, và
nhận định của họ về thị trường nhân lực của
ngành mình. Sự có mặt trong ban giảng huấn của
các chuyên gia trong kỹ nghệ cho phép mở ra
những UV về các môn kỹ thuật đang được sử dụng
nhiều trong kỹ nghệ.
Việc xác định nên dạy những môn
nào – thể hiện trong nội dung các UV – được bàn
bạc trong hội đồng Khoa, tất nhiên là với tầm
nhìn của các uỷ viên hội đồng (gồm một số giáo
sư được Khoa bầu ra, và một số (khoảng 1/3) uỷ
viên là chuyên gia trong ngành nhưng hoạt động
trong các cơ sở nghiên cứu hoặc sản xuất
ngoài trường – số ủy viên này không lấy
trong số các chuyên gia đã được mời vào ban
giảng huấn của trường). Mỗi thay đổi nội dung
của UV, hoặc việc mở ra UV mới, do hội đồng Khoa
đề xướng, phải được tiểu ban « học tập và đời
sống » (Conseil des Etudes et de Vie
Universitaire, gọi tắt là CEVU) của trường thông
qua. Tiểu ban này bao gồm giám đốc phụ trách
giảng huấn của trường (directeur des études) và
một số giáo chức, nhân viên của trường được bầu
ra, với nhiệm kỳ 4 năm. Một UV trong danh sách
đã được thông qua có thể được mở ra hay không
trong mỗi học kỳ, tùy theo có đủ số SV ghi tên
hay không. Trong trường hợp UV không mở, giáo sư
phụ trách phải tham gia dạy một UV khác, trong
khuôn khổ số giờ mình phải dạy mỗi năm. Vì thế,
không một giáo sư nào có thể nói tôi được tuyển
vào trường chỉ để dạy một UV nào đó. Các giáo sư
cũng có thể bàn bạc với nhau để mở ra một chuyên
môn phụ, nhưng cũng phải được CEVU thông qua.
2.5/ SV chuyên ngành cũng có
quyền thay thế một học kỳ « lý thuyết » tại
trường bằng một học kỳ tại một trường ngoại quốc
có quan hệ hợp tác với UTC. Trong trường hợp
này, nội dung và kết quả các môn học trong thời
gian theo học tại trường nước ngoài phải được
xét tương đương với những UV của UTC. Tính
chung, kể cả những SV đi làm thực tập ở nước
ngoài và SV đi học tại một trường ngoại quốc
trong một học kỳ « lý thuyết », có hơn 50 % SV
của UTC có một thời gian đi học ở nước ngoài
trước khi tốt nghiệp.
3/
Thay
lời kết
3.1/ Việc tổ chức cho SV học theo học kỳ và tín
chỉ tại UTC, theo người viết, là hơn hẳn chế độ
học theo niên chế ở nhiều điểm :
- Trước hết, nó cho phép mỗi SV phát huy tối đa
tính tự chủ của mình trong học tập. Do khác nhau
về năng khiếu và sở thích, có thể nói ít có
trường hợp hai SV hoàn toàn có quá trình học như
hệt nhau ! Điều này là một chuẩn bị quan trọng
cho SV khi ra hành nghề, và hoàn toàn không mâu
thuẫn với việc SV cũng được rèn luyện thói quen
làm việc chung với người khác (trong những giờ
thực hành của các UV, SV thường được chia thành
từng nhóm nhỏ để làm việc chung). Và cũng để
giúp SV khẳng định dần tính tự chủ của mình, các
giáo sư cố vấn chỉ hướng dẫn SV chọn lựa UV (khi
có yêu cầu) nhưng không áp đặt.
- Với một tỉ lệ các UV tự do hợp lý, nó cũng mở
ra khả năng SV tìm cách nâng cao nền hiểu biết
chung của mình, ngoài những môn học chuyên môn
của ngành mình chọn. Ngoài hai học kỳ thực tập ở
xí nghiệp, cách đào tạo này cũng góp phần làm
cho UTC luôn luôn đứng hạng rất cao trong danh
sách các trường kỹ sư Pháp được các chuyên gia
tuyển lựa nhân lực đánh giá cao (cụ thể : thời
hạn chờ đợi để có việc làm sau khi ra trường
thuộc loại ngắn nhất, lương vào nghề thuộc loại
cao nhất).
- Nó cũng cho phép hạn chế khả năng SV « mất »
một năm học mà không có kết quả nào. Một SV do
khó khăn nhất thời, phân tâm về lý do gia đình
hay riêng tư nào đó, chỉ đỗ 4 hay 5 UV trong một
học kỳ, có thể đuổi lại trong học kỳ sau v.v.
Cùng lắm, mất một học kỳ cũng còn hơn mất nguyên
năm (SV hoàn toàn có thể tốt nghiệp vào tháng
hai, sau học kỳ mùa thu, thay vì vào tháng 7 như
đa số bè bạn mình).
- Nó cũng tạo điều kiện dễ dàng cho việc liên
thông với các trường khác, như điểm 2.5 trên đây
đã trình bày.
- Yêu cầu thích ứng các nội dung đào tạo của nhà
trường với những thay đổi về công nghệ hay trong
thị trường nhân dụng cũng có thể được đáp ứng dễ
dàng, nhanh nhạy hơn.
3.2/ Ngược lại, quy trình đào tạo
kiểu này đòi hỏi tính tổ chức cao đối với các bộ
phận kỹ thuật và hỗ trợ giảng huấn của nhà
trường, để có thể quản lý được quá trình học tập
của từng SV và các phương tiện phòng ốc, máy
tính dùng chung cho nhiều UV. Bài toán quản lý
với nhiều ràng buộc này cũng giới hạn tự do của
các thày giáo của trường (trong việc chọn thời
khoá biểu riêng cho UV mình dạy chẳng hạn) !
3.3/ Một vài nguyên tắc tổ chức
trên đây có thể áp dụng cho bất kỳ một trường
đại học nào muốn tổ chức việc dạy và học theo
chế độ tín chỉ, tất nhiên là với những cách phân
loại UV khác nhau tùy theo mục tiêu đào tạo của
trường. Tuy vậy, hiển nhiên là « không gian tự
do » của SV sẽ rộng hay hẹp tùy theo khối nhân
viên giảng huấn và khả năng tổ chức của bộ phận
quản lý. Chia thành từng khoa không lớn lắm và
cho phép SV được chọn (một tỉ số/khối lượng nào
đó) UV của khoa khác là một cách để vượt qua
phần nào khó khăn tổ chức đó.
Compiègne 15.2.2005
Hà Dương Tường
Giáo sư đại học
Đại học Công nghệ Compiègne (UTC)
Xin xem thêm các bài
viết của GS Bùi Trọng Liễu về vấn đề
này. Tôi cũng đồng ý với anh Bùi Trọng
Liễu là cách gọi «phó giáo sư» không
thật ổn đối với chức vụ maître de
conférences của Pháp, song tạm dùng
trong bài này cho tiện. Nói gọn, quá
trình tuyển chọn các giáo sư đại học
Pháp gồm hai bước như sau :
1/ Bước 1, ứng viên phải
được một hội đồng đại học quốc gia
(Conseil National des Universités, hay
CNU) đánh giá đủ tiêu chuẩn khoa học.
Bằng cấp tối thiểu là tiến sĩ đối với
các « phó GS » (maître de conférences),
và bằng HDR « habilitation à diriger les
recherches » đối với các giáo sư (professeur).
Bằng HDR thường được bảo vệ khoảng từ 4
tới 6 năm sau tiến sĩ, với một số kết
quả nghiên cứu được công bố trên các tạp
chí khoa học trong ngành – con số trung
bình những bài nghiên cứu này rất khác
nhau, tùy theo ngành -, và sau khi đã
tham gia hướng dẫn ít nhất là một luận
án tiến sĩ.
2/ Tiêu chuẩn được CNU
thông qua trong bước 1 có giá trị 4 năm.
Trong 4 năm đó, người đạt tiêu chuẩn có
quyền ứng cử vào bất kỳ đại học nào khi
thấy đại học đó mở ra một chức vụ giáo
sư hay phó giáosư trong ngành mình. Một
tiểu ban chuyên gia trong ngành của đại
học (commision des spécialistes de
l’université hay CSU) sẽ chọn người mình
muốn trong những ứng viên đủ tiêu chuẩn.
Người được chọn sau bước 2 này sẽ được
bộ quốc gia giáo dục chính thức cử vào
chức vụ tương ứng. Nếu qua 4 năm mà chưa
chọn được (và được chọn) vào một trường
đại học nào, ứng viên phải nộp lại hồ sơ
ở bước 1, tất nhiên là hồ sơ phải có
thêm những thành quả nghiên cứu đã đạt
được trong 4 năm đó – nếu không có gì
thêm, khả năng bị loại là khá lớn (tuy
không là đương nhiên).
Quá trình này cho phép,
trong một nước tương đối không lớn như
nước Pháp, xác định trình độ chuẩn của
các thầy dạy đại học (vì thế, chức vụ
chính thức của giáo sư đại học ở Pháp là
«professeur des universités, Université
X», cách gọi một người nào đó là
« professeur de l’Université X » chỉ là
nói tắt). Tất nhiên, nói chung những
người được thừa nhận là xuất sắc sẽ có
khuynh hướng chỉ chọn ứng cử vào các
trường đại học danh tiếng, song do các
đại học này không phải năm nào cũng có
quyền tuyển người – trong một chuyên
ngành nhất định -, và do những lý do cá
nhân, các trường « nhỏ » vẫn có khả năng
tuyển được những nhà khoa học trình độ
cao vào trường mình.