Bàn thêm về chất lượng giáo dục

Vietsciences-Gs. Hoàng Tụy       27/02/2005  

 

Theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ đang chuẩn bị một báo cáo đặc biệt về giáo dục. Đây là cơ hội để chúng ta nhìn lại toàn diện và sâu sắc những vấn đề lớn của ngành Giáo dục, những gì là cái được chính, và cái tồn tại lớn nhất, vướng mắc lớn nhất để tích cực giải quyết và tìm đường thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay của nền học nước nhà. Toàn dân đang đặt niềm tin và hy vọng vào bản báo cáo này để khởi động những chuyển biến mạnh mẽ nhằm chấn hưng Giáo dục theo yêu cầu cuộc sống, làm cho giáo dục thật sự là đòn xeo đưa đất nước tiến lên. Với nhận thức đó tôi xin góp thêm một số ý kiến về chất lượng Giáo dục mà hiện nay đang rất cần một sự đánh giá đúng đắn làm cơ sở cho mọi giải pháp.

I.          Từ cả chục năm nay, Trung ương đã có nhiều nghị quyết chỉ rõ những bất cập, yếu kém lớn của Giáo dục: chương trình và phương pháp dạy lạc hậu, thi cử nặng nề, dạy thêm học thêm tràn lan, sách giáo khoa chưa tốt, nhiều hiện tượng gian dối, tiêu cực đang làm xói mòn uy tín và hiệu quả giáo dục. Tuy Nhà nước và xã hội đã đầu tư không ít cho Giáo dục, và bản thân ngành Giáo dục cũng đã cố gắng hết sức, nhưng không kỳ họp nào của Quốc hội không phản ảnh những bức xúc sâu sắc của người dân về Giáo dục, mà bức xúc cứ lặp đi lặp lại chủ yếu xung quanh mấy vấn đề vừa nêu. Điều đó có nghĩa những yếu kém bất cập đã từng được chỉ ra từ lâu vẫn chưa được khắc phục đáng kể; thậm chí có mặt còn trở nên gay gắt và nghiêm trọng hơn, biến thành những căn bệnh trầm kha, những ung nhọt nguy hiểm khó lường.

Đứng trước thực trạng ấy chỉ có hai cách suy nghĩ: hoặc là thừa nhận những bất cập yếu kém đó không thể khắc phục được, sức ta không thể làm gì hơn, dẫu bây giờ có nghiêm khắc phê phán và hứa hẹn sửa chữa thì mười năm nữa cũng chẳng thay đổi được nhiều, nhân dân nên gắng chịu và nhớ rằng khi xã hội còn như thế này, khi tham nhũng dối trá còn chi phối nặng nề cuộc sống của chúng ta, thì giáo dục được thế này đã là may mắn lắm, là thành tựu vĩ đại mà chúng ta phải tự hào và vui mừng, thay vì lo lắng và đòi hỏi không thực tế. Đó là cách suy nghĩ tiêu cực, thiếu trách nhiệm, khó có thể chấp nhận, dù nó cũng có cái lý của nó. Còn một cách suy nghĩ khác, tích cực hơn, có trách nhiệm hơn, là: Nhà nước, xã hội, nhân dân đã cố gắng đến vậy mà các căn bệnh tàn phá Giáo dục vẫn chưa lui, thì ắt có điều gì đây chưa ổn, mà chưa ổn từ gốc, chứ không phải chủ yếu chỉ do điều hành kém cỏi, không phải chủ yếu do sức ta, tiềm năng ta thiếu, không phải chủ yếu do ta nghèo, do người Việt ta thua kém các dân tộc khác, vậy phải tìm cho ra cái gốc ấy mà chữa chạy mới có hy vọng vực Giáo dục lên được; hơn nữa, dù Giáo dục chỉ là một hệ thống con của hệ thống lớn là xã hội, nhưng với tính độc lập tương đối của nó, vẫn có khả năng nó tác động ngược lại xã hội và với cố gắng và tài năng của lãnh đạo tác động ấy cũng có thể có sức lay chuyển xã hội, làm cho xã hội trong sạch và tốt đẹp dần lên. Tôi nghĩ bản báo cáo cần toát lên cái tinh thần ấy. Tôi nhớ năm 1999 khi sang thăm đại học Singapore, tôi đã nghe kể lại: ông bộ trưởng Giáo dục Singapore nói trong Quốc hội rằng nền Giáo dục Singapore đang được đánh giá tốt, tuy nhiên thế giới đang đổi thay nhanh chóng, Singapore cần phải cải cách nền Giáo dục của mình theo hướng “thinking schools, learning society” nếu muốn tiếp tục giữ vững vị trí của mình trong thế kỷ 21. Và hiện nay, khắp nơi trên thế giới đang sôi sục phong trào chấn hưng Giáo dục, nếu ta cứ để Giáo dục lay lắt thế này mà không thấy sự tụt hậu của nó thì tương lai ảm đạm đang chờ chúng ta, thế hệ này sẽ mang tội lớn đối với con cháu.

Người dân bức xúc, chứng tỏ Giáo dục chưa đáp ứng tốt những nhu cầu thiết yếu của dân, hoạt động Giáo dục đang có những vấn đề bất bình thường. Sự lo lắng bức xúc ấy thật đáng khích lệ cho giáo dục. Chỉ sợ người dân thờ ơ, chứ người dân quan tâm thiết tha, thì dù có khó khăn gì cũng có cách giải quyết, miễn là chúng ta biết lắng nghe.

Cho nên tình hình dù phức tạp đến đâu cũng không ngại mà đáng lo nhất chính là thái độ vô cảm, thậm chí bực bội của một số quan chức trước những bức xúc của dân, chẳng những không chịu tìm hiểu có gì sai đến nỗi người dân phải lo lắng đến vậy, mà cứ một mực tìm cách chứng minh rằng mọi việc đều tốt đẹp, tuy có bất cập này nọ, nhưng là những bất cập bình thường, nền giáo dục nào, thời nào chẳng có, huống chi quy mô phát triển bây giờ gấp trăm nghìn lần trước kia, tránh sao được thiếu sót, tóm lại thành tựu mới là chính, thậm chí một vài tiếng nói lạc lỏng còn cho thành tựu rất vĩ đại. Đó cũng là thực chất cách nhìn chi phối các bản dự thảo báo cáo tôi đã được đọc. Từ bản dự thảo thứ 1 đến bản dự thảo thứ 6, tuy có nhiều thay đổi chi tiết, câu chữ, nhưng cơ bản vẫn một cách nhìn ấy. Nhiều con số nêu trong dự thảo có thể đều chính xác, song chưa nói đúng thực chất tình hình(1), vẫn cho cảm giác chưa thật, còn tránh né nhiều vấn đề cốt lõi, hoặc hời hợt khi nhận định các mặt bất cập, cho nên chưa tạo được niềm tin. Trong đó quan trọng nhất là cách đánh giá tình hình thể hiện một cách nghĩ, một quan niệm, một tư duy giáo dục còn rất cũ kỹ. Nếu tới đây tư duy đó vẫn tiếp tục chi phối các hoạt dộng giáo dục thì e rằng mọi cố gắng chấn hưng giáo dục đều sẽ vô hiệu và tình hình rối ren, khủng hoảng của Giáo dục còn sẽ kéo dài chưa biết đến bao giờ.

II.       Trên cơ sở nhận xét tổng quát đó, bây giờ xin góp ý kiến về một số vấn đề cụ thể.

1.        Trước hết, về căn cứ để đánh giá Giáo dục, quan trọng nhất là so với yêu cầu phát triển của đất nước, đặc biệt trong giai đoạn toàn cầu hóa, hội nhập, và cạnh tranh quốc tế. Chỉ có như thế mới thấy hết ta cần làm gì để từng bước thanh toán khoảng cách giữa ta với thế giới. Không nên so sánh với những ngày khó khăn trước đây, mà cũng không nên căn cứ vào chiến lược Giáo dục 2001-2010, vì chiến lược ấy còn nhiều điểm cơ bản chưa ổn và tuy đã được TT thông qua nhưng chưa đưa ra Quốc hội phê chuẩn và qua thời gian 5 năm thực hiện đã tỏ ra không đáp ứng yêu cầu.

Về thành tựu Giáo dục, tôi nghĩ không nên nhấn mạnh nhiều và kể lể dông dài để tự ru ngủ, vì ít có người dân nào hài lòng với chất lượng Giáo dục, mà bức xúc lo lắng nhiều hơn. Có lẽ đáng nói nhất, đáng biểu dương nhất, là tinh thần hiếu học của nhân dân và sự cố gắng kiên trì của đội ngũ thầy giáo nhờ đó, mặc dù đường lối Giáo dục bất cập, và quản lý có nhiều sai lầm thiếu sót, GDPT tuy tụt hậu nhưng vẫn giữ được nền nếp tối thiểu, không đến nỗi quá nhếch nhác như đại học và trung cấp chuyên nghiệp. Nếu biết kịp thời chấn chỉnh theo tư duy mới, để trở lại bình thường và phát huy tiềm năng vốn có, thì tôi tin GDPT có thể mau chóng khắc phục được các yếu kém (mà phần lớn do tư duy và quản lý chỉ đạo lệch lạc) để tiên lên kịp các nước trong khu vực.

2.        Bản dự thảo báo cáo nhận định rằng kiến thức, kỹ năng của học sinh phổ thông hiện nay cao hơn các thế hệ trước(2) và chất lượng GDPT của ta không thua kém các nước trong khu vực, còn chất lượng đào tạo học sinh giỏi thì đạt trình độ cao trong khu vực. Theo tôi, nhận định đó chứng tỏ một quan niệm thô thiển về Giáo dục. Thật ra, số học sinh của ta đi du học các nước là số chọn lọc, phần lớn thuộc loại giỏi, nếu số đó theo kịp được chương trình đào tạo của các nước thì có gì lạ; hơn nữa, phần đông phải mất ít ra một năm (thường là hai năm) để bổ sung kiến thức, và thường năm đầu học tốt, các năm sau đuối dần, đó chính là hậu quả việc học năng nề ở phổ thông (thậm chí từ tiểu học). Còn kết quả các cuộc thi olympic hay thi quốc tế khác cũng không chứng minh được chất lượng GDPT, vì người ta không đầu tư cho việc này nhiều như ta (không có nước nào có nhiều kỳ thi học sinh giỏi như ta). Trong các cuộc thi đó nhiều nước kém ta, Mỹ, Đức, Pháp cũng từng có lúc đứng khá xa, nhưng ai dám bảo GDPT của ta hơn họ. Còn thi tiểu học thì hoàn toàn vô nghĩa, đã có lúc việc so sánh học sinh tiểu học Munich và Hà Nội lẽ ra là một cơ hội suy ngẫm về sự thua kém của ta thì lại được vui mừng đón nhận như bằng chứng về sự ưu việt của nhà trường ta(3). Nếu GDPT chỉ nhằm mục tiêu chuẩn bị đủ kiến thức cho học sinh có thể theo được các lớp đại học thì đâu cần đến 12 năm và đâu cần học nhiều thứ như vậy cho khổ. Trước đây ở Miền Bắc nhiều học sinh đã từng được đào tạo cấp tốc theo hệ thống bổ túc công nông, chỉ học thêm vài ba năm sau tiểu học mà cũng theo được các lớp đại học, trong nước cũng như ở nước ngoài, cho nên việc học sinh ta đi du học ở các nước không gặp khó khăn đặc biệt về kiến thức không thể xem là bằng chứng về trình độ của GDPT của ta được.

Vấn đề ở đây là nhiều người quan niệm nhà trường chỉ cần chú ý số lượng kiến thức được nạp vào đầu học sinh, chứ không cần quan tâm đến chất lượng, tệ hơn, không cần biết trình độ phát triển của tư duy, cái gọi là văn hóa chung, tức là, như người ta thường nói, cái còn lại trong đầu sau khi đã quên hết những kiến thức cụ thể (cái đó tiếc thay không thể đánh giá qua các kỳ thi). Chính do quan niệm lạc hậu đó mà chúng ta chỉ chú trọng đánh giá bằng thi cử cổ lỗ và gắn bó với kiểu thi đó đến nỗi không tài nào dứt ra được.

Đó là nói GDPT. Còn ở ĐH thì từ quan niệm về đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, cho đến việc tuyển chọn GS, PGS, đánh giá năng lực, trình độ giảng viên đại học, đánh giá chất lượng đại học, tất cả cũng đều thể hiện tư duy bất cập, đến mức gọi ĐH của ta là PT cấp 4, như có người đã ví, thật cũng không quá đáng. Tệ hại nhất là từ cử nhân đến ThS, TS, PGS, GS, VS nhan nhản sản phẩm dỏm, không chỉ dỏm do chạy chọt, mua bán mà nguy hại hơn, dỏm mà thật, vì đường đường xuất xưởng từ quy trình đào tạo chính quy của ta.

Chính vì những quan niệm quá cũ kỹ về chất lượng Giáo dục như vậy nên mới không thấy hết mặt tiêu cực của các kỳ thi vừa quá nhiều, quá nặng nề, tốn kém, mà có hại nhiều hơn lợi, chính vì những quan niệm đó mới đẻ ra nghịch lý: trên chủ trương lời nói thì chống việc dạy thêm học thêm tràn lan, học vẹt, học tủ, học lệch, phê phán tình trạng dạy và học để đi thi (kể cả ở các lớp chuyên), nhưng trên thực tế hành động và chính sách thì thật ra là dung túng, gián tiếp hay vô tình khuyến khích tất cả các lệch lạc đó. Những khối u dị dạng này, cọng với phương pháp dạy và sách giáo khoa lạc hậu, đã vô hiệu hóa nhiều cố gắng của giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh, và làm triệt tiêu những ưu điểm, thành tựu, lẽ ra là niềm tự hào của xã hội chúng ta.

3.        Về trí dục thì như thế, còn về giáo dục đạo đức, nhân cách thì cũng không thể nói chúng ta đã thành công và có thành tựu gì đáng kể. Trái lại ở đây đã thể hiện một tình trạng xơ cứng tư duy càng rõ nét hơn. Hai mươi năm nay tình hình thế giới, tình hình trong nước, đã thay đổi biết bao, cách nhìn thế giới, cuộc đời, cách sống, cho đến cả lý tưởng xây dựng kinh tế xã hội đâu còn như trong giai đoạn trước, hàng ngày luôn nhắc đến quá độ lên CNXH, đấu tranh giai cấp, ai thắng ai, chuyên chính vô sản, kế hoạch hóa tập trung, v.v. Từ khi Đảng khởi xướng đổi mới, cả xã hội đã chuyển mình, nhằm mục tiêu cụ thể công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, rồi bây giờ cuộc hội nhập quốc tế đang đặt ra cho chúng ta biết bao thử thách, lẽ ra Giáo dục phải đi trước một bước, chuẩn bị cho thanh thiếu niên tự tin bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt để dành cho dân tộc ta một chỗ đứng xứng đáng trong thế giới đầy cạm bẫy rủi ro nhưng cũng không ít cơ hội cho những dân tộc giàu tiềm năng trí tuệ và biết phát huy mạnh mẽ tiềm năng ấy. Tiếc thay, nhà trường của chúng ta không những không đi trước mà phần nào, mặt nào đó, còn chậm trễ, thậm chí đi ngược thời gian trong sự chuyển mình vĩ đại đó của đất nước. Không nói gì nhiều, tôi chỉ xin nêu hai việc: một là cách dạy chính trị cổ lỗ, vô bổ, có tính chất kinh kệ tôn giáo, chứ không phải nhằm phát triển tư duy khoa học, mà lại chiếm nhiều thời gian chỉ để cung cấp cho học sinh một cách nhìn xơ cứng về thế giới, thay vì, như lý thuyết đề ra, một vũ khí cải tạo, xây dựng xã hội. Hai là, trong khi cuộc cạnh tranh và hội nhập ở thời đại kinh tế tri thức đòi hỏi nhiều đức tính và năng lực, trước hết là tính trung thực và năng lực sáng tạo, hai cái mà xã hội ta đang thiếu nghiêm trọng, thì, trong nhà trường, gian lận dưới mọi hình thức, và thói lười biếng suy nghĩ, đầu óc bắt chước, sao chép, học vẹt, nô lệ tư duy, phát triển mạnh hơn bao giờ hết trong lịch sử giáo dục của ta. Nói một đằng làm một nẻo, học tách rời với hành, chuộng hình thức, hư danh, chạy theo các loại nhãn mác rởm, không còn thói xấu nào không bị lên án, thế nhưng thực tế thì khác, và buồn thay, gương xấu nhan nhản không chỉ ở chốn học đường, mà ngay trong giới cầm cân nẩy mực về Giáo dục và khoa học(4).

4.        Phần đắt giá nhất và được chờ đợi nhiều nhất trong báo cáo của Chính phủ lần này phải là phần nói về yêu cầu đổi mới tư duy giáo dục. Song, như trên đã nói, nhiều phần trong bản dự thảo báo cáo thể hiện tư duy quá cũ, còn tư duy mới như thế nào thì rất lúng túng, chưa rõ ràng, thậm chí có thể nói chỉ mới trên ngôn từ, và đại ngôn. Nào là phát triển con người VN với đầy đủ bản lĩnh và phẩm chất tốt đẹp của dân tộc, nào là xây dựng nền Giáo dục của dân, do dân, vì dân. Tất nhiên đó là những nguyên tắc chung rất đúng, nhưng đó cũng là những điều vĩnh viễn đúng, trước đây mấy chục năm đã vậy, sau này mãi mãi cũng sẽ vậy. Đó là ngôi sao Bắc đẩu để khỏi đi lạc đường trên đại dương mênh mông, nhưng cái ta cần hơn vào lúc này là những ngọn đèn pha để đưa ta đến bến, những nguyên tắc, quan niệm để dắt dẫn chúng ta đến một nền Giáo dục phù hợp yêu cầu cuộc sống hiện đại, xã hội hiện đại, thế giới văn minh hiện đại. Dự thảo lại nói đổi mới tư duy là xác định các vấn đề cụ thể của Giáo dục trong nền kinh tế thị trường định hướng xhcn. Nói như thế không đầy đủ, không đúng, dễ gây ngộ nhận, khi đem ra thực hiện có thể gây tai họa đẩy nền Giáo dục lún sâu thêm vào vũng lầy thương mại hóa tiêu cực hiện đang gây sự bất bình của nhân dân.

Theo quan niệm của chúng tôi, tư duy Giáo dục mới thể hiện trong mười phương hướng hiện đại hóa giáo dục đã trình bày trong bản Kiến nghị chúng tôi đã gửi lên Trung ương và Chính phủ.

Sau cùng, về các nhiệm vụ cấp thiết cần tập trung chỉ đạo thực hiện, cũng xin nhắc lại đề nghị như đã nêu trong bản Kiến nghị này là:

1)       Thành lập một tổ chức bên cạnh Bộ Giáo dục hay Chính phủ để nghiên cứu kế hoạch, lộ trình cụ thể hiện đại hóa Giáo dục. Tổ chức này phải đủ năng lực và cần làm việc trong vài ba năm để đề xuất kế hoạch đó và đưa ra Quốc hội thảo luận và thông qua trước khi thực hiện.

2)       Trước mắt, cần tập trung xử lý 10 vấn đề cấp bách như đã trình bày trong Kiến nghị (3 vấn đề cho GDPT, 7 vấn đề cho ĐH).

 

(1) Chẳng hạn, con số 33.000 người được đào tạo đại học được kể là thành tựu. Nhưng nếu nói rõ chất lượng trình độ đội ngũ đó, nhất là tỉ lệ dỏm, giả, thì ý nghĩa thành tựu đó khác hẳn, thậm chí có còn đáng coi là thành tựu không ?

(2) Nếu kể như vậy thì học sinh lớp 12 ngày nay biết nhiều kiến thức vật lý hơn Newton, vậy đó là thành tựu tuyệt vời hay sao ?

(3) Có một bài báo Đức so sánh và kết luận trẻ em VN có kỷ luật, ngoan ngỏan, chăm học hơn, còn trẻ em Đức có vẻ thông minh hơn. Phải chăng như thế giáo dục của ta tốt hơn giáo dục của Đức ? (xem Tia Sáng, số thang 9, năm 2002, bài “Những nghịch lý giáo duc” của Hoàng Tụy).

(4) Rõ nhất là trong mây năm gần đây, VN đã có mấy tá “viện sĩ”. Trong lúc nước ta chưa có Viện Hàn Lâm theo đúng nghĩa thường hiểu (tuy hai Viện KHTN và CN VN và Viện KXH và NV VN được mang tên nước ngòai là Academy !) thì rât nhiều tổ chức ở nước ngoài (đôi khi cũng gọi là academy, nhưng từ tiếng Anh này được dùng theo nghĩa rất rộng), quảng cảo chào mời danh hiệu thành viên của họ (rồi được dịch ra tiếng Việt là VS) mà hoàn toàn không đòi hỏi gì cao về thành tích khoa học cả, chỉ cần trả hội phí, hoặc một món tiền nào đó, hoặc có một quan hệ hữu nghị nào đó. Chức danh của phần đông VS của ta như vậy, nhưng lại được lạm dụng như một chức danh cao quý trong giới GD và KH của ta để tạo ra ấn tượng VN đã có nhiều bác học hàng đầu thế giới

 

http://www.ncst.ac.vn/HVGD/

© http://vietsciences.free.fr Hoàng Tụy