Vô tư: một hậu quả của Giáo dục?

Vietsciences-Bùi Trọng Liễu    26/03/2009

 

Những bài cùng tác giả

Đọc trong từ điển, thì « vô tư » có mấy nghĩa. Ở đây, trước hết, tôi muốn dùng từ này theo nghĩa « thản nhiên, không lo nghĩ » (vô tư lự), chứ chưa dùng nó theo nghĩa  « không nghĩ đến lợi ích riêng tư; không thiên vị ai cả » (chí công vô tư), nghĩa là tôi dùng chữ « vô tư » theo nghĩa thứ nhất, chứ chưa dùng nó theo nghĩa thứ nhì, đẹp hơn. Bởi vì nếu đẹp rồi, thì phụ họa làm gì ! Những kết quả hoành tráng của Giáo dục Đào tạo (cũng như những kết quả đạt được về kinh tế) thì mấy quan chức đã có nhiều dịp để trưng. Nhưng những hậu quả tai hại thì cũng cần phải nêu ra để mà sửa ; đó là thiện ý, không phải để mỉa mai chế giễu.

Hiện nay, do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nói chung là đa số dân chúng mọi nước đều lo lắng,   và người ta thận trọng hơn. Nhưng đọc tin từ nước nhà thì hình như ở một số người có một sự thản nhiên, tựa hồ như mình là ngoại lệ : « mặc ai nói ngả nói nghiêng », ta đây « vẫn vững như kiềng ba chân ». Có lác đác đâu đó những lời than phiền, lo lắng cho thân phận mình, hoặc cho gia đình mình, có ăn hôm nay, nhưng chắc gì ngày mai còn no bụng, nói gì đến chuyện học hành. Nhưng về mặt tập thể, đối với không ít người, kể cả một số người có trách nhiệm chung, hình như là vô tư. Một số người trẻ thì lo vui chơi, ngày nay hưởng thụ, kệ ngày mai, như lời thơ ngụ ngôn của thi hào La Fontaine cảnh báo (Nguyễn Văn Vĩnh có dịch ra tiếng Việt): « Con ve sầu, kêu ve ve suốt mùa hè ; đến ngày gió bấc thổi, nguồn cơn thực bối rối … ». Xưa gọi đó là « ăn xổi ở thì ». Một số người người già thì đành kệ « đời cua cua xáy, đời cáy cáy đào », hay là « Giời sinh voi, giời sinh cỏ ».

Nếu có tình trạng như vậy, phải chăng một phần cũng là do nền Giáo dục Đào tạo mà ra ? Có « tâm » hay không, là do giáo dục hạ tầng ; có « tầm » hay không, là do giáo dục đào tạo thượng tầng. Nói kỹ hơn, học tập sao cho con người biết tôn trọng những giá trị đạo đức cơ bản, đó là từ thuở còn thơ, đâu có phải chỉ có hô khẩu hiệu, báo cáo thành tích và hơn thế nữa, đâu chỉ tập cho quen xỉ vả để đấu tranh giai cấp như một thời đã qua. Khi đã lớn, học tập chuyên môn mà lơ là, chín bỏ làm mười, nhân nhượng về trình độ, thì khi vào đời ở vị trí của mình thì không thể hoàn thành trách nhiệm. Thí dụ như về những đề án kinh tế, khoa học, kỹ thuật, công nghệ, hiểu biết khiếm khuyết thì dễ bỏ sót một số tham số, nên quyết định sai. Ở những nước tiên tiến, những đề án như xây dựng nhà máy điện hạt nhân, khai thác quặng mỏ, xây dựng khu vực kinh tế này nọ, đều được nghiên cứu kỹ về mọi mặt, từ vấn đề đào tạo nhân sự, lợi ích cho tập thể, môi trường, thời điểm phù hợp, địa lợi, nhân hòa để giữ được đoàn kết các dân tộc đa và thiểu số cần thiết cho an ninh quốc gia, cho thống nhất, độc lập tự chủ. Vậy mà cũng còn xảy ra những bất trắc. Huống hồ một nước chưa có kinh nghiệm xây dựng, vì bỏ qua một vài tham số nên dễ lấy quyết định nhầm, đó là tại sự « không có tầm ». Còn vì lợi ích cá nhân hay lợi ích của một tập đoàn quyền lợi, mà quyết định bừa, thì đó là tại sự « không có tâm ». Đặc biệt trong lĩnh vực Giáo dục Đào tạo, năng nổ, thăm hỏi nơi này, úy lạo nơi kia, vỗ vai người già, xoa đầu người trẻ, đó là thể hiện sự « có tâm » ; tung ra những đề án bất khả thi, với những con số khổng lồ mà ai ai cũng biết là chẳng đạt nổi, đó là « không có tầm ». Như tôi đã có lần phát biểu : người xung kích dũng cảm, không đương nhiên là người tư lệnh có tài lược thao.

Mặt khác, thích phô trương hoành tráng, không phải là tự hào dân tộc. Những hoành tráng, rừng vàng biển bạc, núi sông hùng vĩ, hay được phô ra, chẳng qua là do thiên nhiên ưu đãi mà có ; những cái đó không phải do sức người mình xây dựng nên ; nếu không tô điểm thêm, thì cũng không nên đào bới hủy hoại,  tiêu xài do lợi ích nhất thời của một nhóm người. Cũng nên dành dụm cho những thế hệ mai sau, khỏi phải kéo cày trả nợ.

Hiện nay, không phải là không có những lời cảnh báo từ một số người tâm huyết. Nhưng những lời cảnh báo đó, có được nghe thấy hay không ; sự này cũng phụ thuộc vào người có trách nhiệm có tâm và có tầm không. Nghĩa là phần nào cũng là những người mà Giáo dục Đào tạo đã cho  ra lò.

Trở lại vấn đề « trồng người » mà Hồ Chủ tịch nhắc nhở năm xưa, tôi mong rằng nhờ một nền Giáo dục Đào tạo nghiêm chỉnh, khiêm tốn nhưng có hiệu quả, từ « vô tư » sẽ mang nghĩa đẹp của nó (nghĩa  « không nghĩ đến lợi ích riêng tư; không thiên vị ai cả »). Ở đây, không hề mảy may có ý xấc xược dạy khôn ai, mà chỉ có thiện ý mong mỏi nền giáo dục chóng được chấn hưng. Chấn hưng như thế nào, thì đã nói mãi rồi. Nhiều người tâm huyết trong nước cũng đã nêu giải pháp cụ thể, mặc dù khả năng bị «  thăm hỏi » luôn luôn ngấp nghé. Nhìn từ bên ngoài, sự cần thiết chấn hưng giáo dục làm rõ nét thêm. Đó là lý do của sự hiện diện của bài này. Nếu muốn, độc giả có thể đọc những kiến nghị cụ thể qua những bài báo tôi đã đăng và nay tôi đã chép lại trên trang mạng của tôi : http://www.buitronglieu.net. Những kiến nghị cá nhân tôi nêu từ nhiều năm nay gồm nhiều điểm, như : sự cần làm an tâm nhà giáo, không nên đi ngược lộ trình mà nhiều nước tiên tiến đã đi và có trải nghiệm để nước ta có thể tiến nhanh mà không mắc sai lầm, chớ nên để số lượng đè chất lượng, khiêm tốn thì dễ thành công, vấn đề giảng dạy bằng tiếng nước ngoài lợi hại như thế nào, …, và đặc biệt cho giáo dục đại học là đề nghị giải pháp đại học hoa tiêu – (trong cuộc cải cách đại học hiện nay ở Pháp, một nước có truyền thống đại học lâu đời và có phương tiện nhân sự và vật chất không phải là kém cỏi, cũng còn có người thận trọng nêu giải pháp đại học hoa tiêu trước khi đại trà hóa ), vv. Những ý của tôi xem ra cũng trùng hợp với cách nêu vấn đề của một số nhà khoa học trong nước, nghĩa là không phải là tiếng nói lẻ tẻ lạc lõng.


 

Đã đăng trên  Hồn Việt  số 21, tháng 3-2009
 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Bùi Trọng Liễu