Vô tình, giáo dục đang đi tiên phong vào triết lý: giáo dục là hàng hoá

Vietsciences- Nguyễn Xuân Hãn       18/10/2007

Những bài cùng tác giả

Xung quanh Đề án học phí, GS Nguyễn Xuân Hãn cho rằng: Nhìn ra thế giới, ngay các nước trong khu vực, giáo dục của họ miễn phí đến trung học cơ sở, có nước miễn đến cả 12 năm phổ thông. Thế mà người dân của ta lại phải đóng học phí cả bậc phổ thông...Điều này thật đau lòng! Và nếu cứ tiếp tục tăng, giáo dục Việt Nam vô tình, đang đi tiên phong vào triết lý giáo dục là hàng hóa.

Sau khi Đại đoàn kết số ... đăng bài "Tăng học phí liệu có đảm bảo sinh viên ra trường có việc làm ngay?", chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến hưởng ứng từ bạn đọc và các nhà nghiên cứu giáo dục. Nhận thấy, học phí là vấn đề lớn, quan trọng liên quan thiết thực đến phần lớn gia đình Việt Nam, trong khi chờ Bộ giáo dục và đào tạo trình Đề án học phí, bắt đầu từ số báo này, chúng tôi lần lượt đăng tải mọi ý kiến khác nhau về vấn đề học phí. GS Nguyễn Xuân Hãn - một nhà giáo nhiều năm gắn bó và tâm huyết với giáo dục nước nhà gần như là người đầu tiên gửi thư đến sau khi đọc bài báo: "Tăng học phí...". Và ông đã bộc lộ quan điểm về vấn đề học phí qua cuộc trò chuyện với phóng viên Đại đoàn kết.

 

-  Thưa ông, hẳn ông biết Bộ Giáo dục và đào tạo đang chuẩn bị một Đề án tăng học phí để trình Chính phủ. Hình như đây không phải là lần đầu tiên, vấn đề tăng học phí được đặt ra?

Việc tăng học phí đã được Bộ GD và ĐT đề nghị Quốc hội 3 lần, nhưng cả 3 lần đều không được Quốc hội chấp nhận. Năm 2005, tại diễn đàn Quốc hội, ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục lúc đó đã công khai xin bỏ phương án tăng học phí. Lý do xin tăng học phí lần này của Bộ GD và ĐT cũng không có gì mới.

 

- Nhưng có thể thời điểm này đã khác chăng?

Khung học phí được quy định năm 1998 đến nay đã lạc hậu, mức lương tối thiểu đã tăng gấp 3 lần (từ 144.000 đồng lên 450.000 đồng/tháng) và lạm phát trung bình 10%/năm, nếu không tăng không đảm bảo hoạt động tối thiểu của nhà trường. Nhưng đó mới chỉ là một nửa sự thật, một nửa còn lại là, kinh phí nhà nước cấp hàng năm từ năm 1989 đến nay đã tăng 6 lần, mặc dù số lượng học sinh, sinh viên không đổi (khoảng 22 triệu). Năm 1998, kinh phí nhà nước cấp cho giáo dục là hơn 11.000 tỷ đồng thì năm 2007 này là khoảng 67.000 tỷ đồng. Chưa kể tiền vay của nước ngoài và tiền đóng góp của dân. Năm 2005, đầu tư của nhà nước cho giáo dục là hơn 41.000 tỷ đồng, đã vượt cả đầu đầu tư của nước Mỹ cho giáo dục, chiếm 7,2% GDP. Kinh phí đóng góp cho tổng kinh phí giáo dục của ta hiện nay đã là 50/50, cao nhất thế giới, vì nhiều nước phần đóng góp của dân mới chỉ dừng ở mức 20% tổng chi cho giáo dục.

 

- Như vậy là theo ông, đầu tư cho giáo dục không hề ít. Vậy thì tại sao có cảm giác ngành giáo dục luôn thiếu kinh phí và lý do để tăng học phí lần này là để đáp ứng nhu cầu đào tạo?

Có thể thấy nguyên nhân chính là cải cách liên tục, họp hành triền miên và buông lỏng quản lý tài chính. Ở cấp Trung ương, kinh phí cho giáo dục do 3 bộ cùng quản. Cần một số liệu tài chính thì 3 bộ đưa ra 3 con số khác nhau. Còn ở cơ sở, bây giờ nhiều nơi được giao quyền tự chủ, ngoài phần ngân sách nhà nước cấp, tiền học phí được các trường giữ lại một phần, những con số thu chi này chưa hẳn kiểm soát được.Tài chính trong giáo dục là một ẩn số cho cả quốc gia, mà GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, cũng đã gọi là “Bí mật của các bí mật”! (Tuổi trẻ Thủ Đô số 280 ngày12-10-2007)

Việc thiết kế lại chương trình và thay sách giáo khoa ở bậc phổ thông, liên miên từ năm 1981 đến nay vẫn chưa xong. Doanh thu của NXB Giáo dục hàng năm khoảng 100 triệu USD thì dự chi của nhà nước từ năm 2002 đến 2007 cho việc đổi mới chương trình và thay sách giáo khoa ở bậc phổ thông là 2 tỷ USD. Trung bình cứ 3 ngày có một cuộc họp ở quy mô toàn quốc hoặc vùng mà vẫn không tìm ra giáo dục Việt Nam yếu kém ở đâu? Còn hàng nghìn cuộc họp một năm ở cấp cơ sở để bàn về cải cách, đổi mới phương pháp dạy và học...

 

- Thưa Giáo sư, khi đưa ra chủ trương tăng học phí thì phải xem xét trên những tiêu chí nào?

Trước hết, phải xem lại các khoản thu chi của ngành giáo dục, đã rõ ràng minh bạch chưa? Thứ 2 là xem xu thế giáo dục trên thế giới và thứ 3 là giáo dục Việt Nam trong điều kiện cụ thể  hiện nay đang theo triết lý giáo dục nào ?

 

- Vâng, ở đây xin bàn rõ hơn về triết lý giáo dục. Số báo trước, Đại đoàn kết trích ý kiến GS Hoàng Xuân Sính: Không thể kinh doanh giáo dục. Nguyên Bộ trưởng Phạm Minh Hạc cũng đã có lần phát biểu trên một tờ báo: Giáo dục không thể là hàng hóa. Vậy, theo ông, thế giới hiện nay có những quan điểm về giáo dục thế nào?

Trong lịch sử giáo dục thế giới đến nay tồn tại 3 loại triết lý:

Giáo dục của dân, do dân và vì dân. Các nước lựa chọn con đường XHCN theo triết lý này đương nhiên phải tổ chức nền giáo dục, y tế miễn phí. Điều này không có nghĩa là dân không sẵn sàng đóng góp với Nhà nước để cùng lo cho con mình thành người hữu ích, nhưng  học phí không mang tính áp đặt.

Giáo dục được xem là lợi ích công, cung cấp cơ hội học tập bình đẳng cho lớp trẻ không phân biệt giàu nghèo. Sự chênh lệch giầu nghèo trong giáo dục được giải ở bên ngoài giáo dục, bằng các sắc thuế do Nhà nước điều tiết, như thuế thu nhập, hay các thuế khác

Giáo dục là hàng hóa, quan niệm này ra đời năm 1994, do Tổ chức Thương mại quốc tế đề ra. Đây là triết lý mới, hiện chỉ có 4 nước chấp nhận triết lý này để xuất khẩu giáo dục của mình ra nước nghèo chứ không hẳn họ áp dụng triết lý này vào nước họ. Các khái niệm trong triết lý này gồm: tư nhân hóa, thị trường hóa, tự do hóa toàn bộ hệ thống giáo dục, mà ở ta được đặt tên gọi đẹp đẽ là xã hội hóa hay coi trường học là doanh nghiệp để cổ phần hóa. Khái niệm tính đúng, tính đủ vào học phí - theo nghiên cứu chưa từng có trong lịch sử giáo dục của nhân loại.

Triết lý cuối cùng , xin lưu ý đang đi ngược lại hai triết lý kể trên.

 

- Thưa ông, giáo dục Việt Nam nên lựa chọn cách nào? Đại tướng Võ Nguyên Giáp gần đây đã đề nghị: cần nghiên cứu kỹ để học phí không tăng mà giảm dần?

Chữ XHCN ở Việt Nam, theo mô tả của Bác Hồ, được hiểu ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành, dân giàu nước mạnh xã hội công bằng dân chủ văn minh, chứ không phải XHCN là cái gì chung chung. Ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, của GS Hạc và GS Sính đều đáng phải nghiên cứu kỹ. Cấp phổ cập giáo dục không thu học phí được coi là nguyên tắc cho mọi thể  chế. Xin lưu ý, điều 15 của Hiến pháp đầu tiên năm 1946 cũng ghi miễn phí ở cấp phổ cập. UNDP tại Hà Nội cũng nhắc nhở ta đã là giáo dục phổ cập thì phai miễn phí. Nhìn ra thế giới, ngay các nước trong khu vực, giáo dục của họ miễn phí đến trung học cơ sở, có nước miễn đến cả 12 năm phổ thông. Ngay Thái Lan hiện giờ người ta đang tính đến miễn phí giáo dục đại học. Thế mà người dân của ta lại phải đóng học phí cả bậc phổ thông...Điều này thật đau lòng! Xin lưu ý, giáo dục miễn phí, có học bổng, có chất lượng đã từng tồn tại ở Việt Nam mấy chục năm trước đây. Ngày đó học ít biết nhiều, còn ngày nay học nhiều biết ít. Lúc chiến tranh và khó khăn ta miễn học phí, ngày nay khá giả lại thu học phí ?. Và nếu cứ tiếp tục tăng, giáo dục Việt Nam vô tình, đang đi tiên phong vào triết lý giáo dục là hàng hóa.

 

- Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

 

Cẩm Thúy (thực hiện)

Đã đăng trên Đại Đoàn Kết số 136, ngày 16/10/2007

           © http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.org  Nguyễn Xuân Hãn