Về chấn chỉnh đào tạo tiến sĩ

Vietsciences-Nguyễn Văn Tuấn         10/05/2007
 

Những bài cùng tác giả

Công bố bài báo khoa học là một thách thức lớn ?

 

 

Những ai quan tâm đến vấn đề đào tạo tiến sĩ ở trong nước đều cảm thấy phấn khởi trước tin Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD – ĐT) sẽ chấn chỉnh qui trình đào tạo tiến sĩ.  Theo qui định mới, nghiên cứu tiến sĩ phải có một bài báo khoa học đăng trên một tập san quốc tế hay kỉ yếu hội nghị [1] mà một quan chức cho là một “thách thức lớn”.  Ngoài ra, những luận án không đạt yêu cầu, tác giả sẽ không được cấp bằng, phải trở về bộ môn để làm lại luận án và bảo vệ lại. 

 

     Là người có kinh nghiệm trong đào tạo nghiên cứu sinh, đã viết nhiều về giáo dục đại học và vấn đề đào tạo tiến sĩ trên các diễn đàn trong nước, tôi thấy điều kiện trên của Bộ GD – ĐT vẫn chưa đủ cho một học vị tiến sĩ.  Theo tôi, đào tạo một tiến sĩ không chỉ dựa vào một vài bài báo khoa học hay một luận án, mà là đào tạo một nhà khoa học chuyên nghiệp và độc lập.  Trước đây, tôi đề nghị bảy tiêu chuẩn cho học vị tiến sĩ (Tạp chí Hoạt động Khoa học số tháng 8/2006. 

 

      Trong 7 tiêu chuẩn đó, tôi cũng đề nghị nên khuyến khích nghiên cứu sinh nên công bố ít nhất là một bài báo trên các tập san khoa học quốc tế trước khi viết luận án.  Thật ra, công bố kết quả nghiên cứu trên các diễn đàn khoa học quốc tế là một điều gần như tất yếu trong quá trình học tiến sĩ.  (Tôi dùng hai chữ “diễn đàn” ở đây để chỉ các tập san khoa học có hệ thống bình duyệt và các hội nghị khoa học quốc tế với sự tham gia của các nhà khoa học có uy tín).  Nhiều đại học ở Âu châu, Mĩ châu, và Úc khuyến khích nghiên cứu sinh công bố vài bài báo khoa học trước khi viết luận án tiến sĩ.  Ngày nay, các đại học lớn ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Phi Luật Tân, v.v… cũng có qui định tương tự. 

 

Bài báo khoa học, nói cho cùng, là một bản báo cáo những gì nghiên cứu sinh đã làm và tại sao làm, kết quả ra sao và có ý nghĩa gì, và những gì cần làm tiếp.  Người đọc bản báo cáo là những đồng nghiệp, kể cả chuyên gia và nghiên cứu sinh, trên toàn thế giới.  Chính những người đọc này là những người “phản biện” thích hợp nhất và có lẽ công bằng nhất.  Vì thế, công bố những gì nghiên cứu đã nghiên cứu là một hình thức “thử lửa” tốt nhất cho nghiên cứu sinh, bởi vì qua đó mà đồng nghiệp trong và ngoài nước có thể thẩm định chất lượng của công trình nghiên cứu và luận án của nghiên cứu sinh.

 

Nếu công trình nghiên cứu được đồng nghiệp đánh giá cao, thì bài báo đó còn thể hiện một sự đóng góp vào kho tàng của tri thức nhân loại.  Hiện nay, sự có mặt của khoa học Việt Nam trên trường quốc tế còn rất hạn chế, nếu không muốn nói là con số gần số không.  Do đó, việc công bố bài báo khoa học còn là một hình thức thực tế nhất để đóng góp vào việc nâng cao năng suất khoa học của Việt Nam.

 

Báo cáo khoa học trên các tập san quốc tế còn là một cơ hội để nghiên cứu sinh làm quen với quá trình hội nhập quốc tế.  Nhiều người nghĩ rằng sau khi xong luận án tiến sĩ, có mảnh bằng trong tay là xong.  Thật ra, hoàn tất luận án và được mang danh xưng “tiến sĩ” chỉ mới là bước đầu trong sự nghiệp khoa bảng, bởi vì nghiên cứu sinh còn phải tiêu ra một thời gian làm nghiên cứu hậu tiến sĩ ở một trường đại học khác.  Để có một chân nghiên cứu hậu tiến sĩ là một cuộc cạnh tranh gay gắt.  Hàng năm, có hàng chục ngàn tiến sĩ trên khắp thế giới cạnh tranh nhau để xin được vài trăm vị trí nghiên cứu hậu tiến sĩ.  Những người thành công thường là những nghiên cứu sinh đã có vài bài báo khoa học trong khi học tiến sĩ.  Vì thế, công bố bài báo khoa học trên các tập san quốc tế còn là một hình thức đảm bảo và nâng cao khả năng cạnh tranh của nghiên cứu sinh trên trường quốc tế. 

 

Công bố kết quả nghiên cứu trên các diễn đàn khoa học quốc tế không phải là một thách thức lớn, nếu công trình nghiên cứu tiến sĩ có chất lượng xứng đáng với học vị.  Nói cách khác, nếu đề án nghiên cứu được thụ ý cẩn thận, với những ý tưởng mới và có ích và phương pháp thực hiện đạt chuẩn khoa học, thì việc công bố kết quả không phải là một vấn đề gì to tát lắm.  Nếu đề án nghiên cứu không có giá trị khoa học hay không xứng đáng một luận án tiến sĩ thì nghiên cứu sinh cũng chẳng học được gì sau ba hay bốn năm theo học.

 

Để đảm bảo một công trình nghiên cứu tiến sĩ có chất lượng và xứng đáng đề án nghiên cứu cấp tiến sĩ, vấn đề quan trọng là đầu vào, tức là khâu hình thành ý tưởng trước khi nghiên cứu sinh bắt tay vào nghiên cứu.  Ở các nước Tây phương và theo kinh nghiệm của người viết bài này, trước khi ghi danh học tiến sĩ, nghiên cứu sinh và giáo sư hướng dẫn phải soạn thảo một đề án ngắn (khoảng 2-3 trang), và đề án này sẽ được hội đồng khoa bảng gửi cho 3 nhà nghiên cứu trong và ngoài trường đại học để thẩm định xem đề án có xứng đáng một công trình nghiên cứu cấp tiến sĩ hay không và giáo sư hướng dẫn có tư cách khoa bảng để hướng dẫn luận án hay không.  Chỉ khi nào đề án được hội đồng khoa bảng thông qua thì nghiên cứu sinh mới bắt đầu nghiên cứu.  Với “đầu vào” như thế, việc công bố kết quả nghiên cứu không phải là một thách thức lớn.

 

Người viết bài này đã có dịp đọc, xem xét và góp ý một số đề án nghiên cứu cấp tiến sĩ ở trong nước trong ngành y khoa.  Nhận xét đầu tiên của tôi là tất cả những đề án tôi đọc qua đều không xứng đáng một luận án tiến sĩ, bởi vì ý tưởng không có gì mới và thiếu phương pháp khoa học.  Thiếu cái mới trong ý tưởng nghiên cứu, tôi nhận ra, là vì vấn đề thiếu thông tin.  Thật vậy, tôi nhận thấy rằng tất cả nghiên cứu sinh mà tôi tiếp xúc đều rất nhiệt tình làm nghiên cứu và say mê học hỏi, nhưng vì không có trong tay những y văn mới nhất (một phần là do hệ thống internet tại đại học và thông tin ở trong nước còn kém), nên các đề án họ soạn thảo cực kì ... đơn sơ.  Với các đề án mà ý tưởng chỉ lặp lại y văn của những 30 năm về trước và những phương pháp nghiên cứu quá thô sơ, thì kết quả của nghiên cứu không thể cống hiến gì cho nước nhà, chứ chưa nói đến việc công bố trên các tập san quốc tế.  Những nghiên cứu như thế chẳng những làm tốn tiền của ngân sách nhà nước, làm mất uy tín khoa học quốc gia, mà còn làm thui chột tài năng của giới trẻ.

 

Một cách lí tưởng, học vị tiến sĩ là một loại “hộ chiếu quốc tế” để tham gia nghiên cứu khoa học.  Trong một vài phát biểu trước, tôi có đề nghị rằng để đảm bảo tính quốc tế của học vị tiến sĩ ở trong nước, mỗi đề án nghiên cứu cấp tiến sĩ ở vài ngành khoa học, nên mời ít nhất là một giáo sư uy tín ở nước ngoài tham gia hướng dẫn nghiên cứu và luận án.  Sự có mặt của các giáo sư quốc tế như thế sẽ giúp cho nghiên cứu sinh có thêm thông tin, học thêm về phương pháp khoa học, và nhất là thiết lập mối bang giao khoa học sau khi tốt nghiệp rất cần thiết cho giai đoạn nghiên cứu hậu tiến sĩ như tôi nói ở phần trên.

 

Nói tóm lại, tôi rất hoan nghênh những qui định mới về đào tạo tiến sĩ với nhấn mạnh vào việc công bố bài báo khoa học trên các tập san quốc tế.  Việc công bố kết quả nghiên cứu không chỉ là điều kiện cần cho một học vị tiến sĩ, mà còn thể hiện một sự đóng góp vào việc nâng cao sự có mặt của khoa học Việt Nam trên trường quốc tế.  Tuy nhiên, qui định mới của Bộ cần phải thêm phần thẩm định đề án nghiên cứu cấp tiến sĩ một cách nghiêm chỉnh theo chuẩn mực quốc tế trước khi nghiên cứu sinh đăng kí theo học.  Duy trì chất lượng cao từ khâu “đầu vào” cũng chính là một khâu quan trọng để đảm bảo sự thành công trong chương trình đào tạo tiến sĩ.

 

Ghi chú:

 

[1] Phát biểu trên Người lao động, một quan chức Bộ GD – ĐT cho biết: “Để được công nhận là tiến sĩ, các nghiên cứu sinh cũng phải có ít nhất một bài đăng trên tạp chí khoa học hoặc kỷ yếu của hội nghị khoa học chuyên ngành nước ngoài, một bài đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín trong nước do cơ sở đào tạo quy định, và điểm TOEFL quốc tế 500 hoặc tương đương.”

 

Xin mời đọc Trang Nguyễn Văn Tuấn

 http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org