Vào dịp giỗ đầu cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt 

Vietsciences- Bùi Trọng Liễu          04/08/2009

 

Những bài cùng tác giả

Vào dịp  ngày giỗ đầu cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (ngày 8-5 Âm lịch, tức ngày 31-5-2009), qua anh Trần Văn Thọ, giáo sư đại học (Tokyo, Nhật), tôi có được rủ viết bài kỷ niệm về ông Kiệt. Trong khoảng từ 22-5-2009 đến 31-5-2009, báo mạng Tuần Việt Nam (VietNamNet) có đăng loạt bài viết này của một số nhân sĩ, nhà văn, nhà báo, doanh nhân, văn nghệ sĩ, nhà giáo, nhà khoa học, quan chức cũ, vv. và cả đương kim thủ tướng, những người trong hay ngoài nước, đã từng ít nhiều gắn bó với Ông.   
 

Để kỷ niệm, tôi ghi lại đây danh sách các bài đó theo thứ tự thời gian đã đăng trên Tuần Việt Nam: 
 

- Suy nghĩ về tinh thần Võ Văn Kiệt, Trần Văn Thọ (22/5/2009).

- “Dấu ấn Võ Văn Kiệt" trong xây dựng kinh tế, Vũ Quốc Tuấn (22/5/2009).

- Ông Võ Văn Kiệt tôn trọng chủ kiến của trí thức, Vũ Quốc Tuấn (23/5/2009).

- Một nét phong cách "Sáu Dân", Trần Đức Nguyên (24/5/2009).

- Võ Văn Kiệt và tư duy "Đại đoàn kết dân tộc", Vũ Quốc Tuấn (25/5/2009).

- Có một người trí thức như thế! Cao Huy Thuần (25/5/2009).

- Cuộc hội ngộ VietNamNet với chú Sáu Dân, Nguyễn Anh Tuấn (26/5/2009).

- Nhà thơ Việt Phương và những cảm nhận về anh Sáu Dân, Việt Phương (26/5/2009

- Sáng mãi tấm gương Võ Văn Kiệt, Nguyễn Tấn Dũng (27/5/2009)

- Người hào kiệt áo vải trong lòng tôi, Huỳnh Bửu Sơn (28/5/2009)

- Một quy luật khác, đẹp đẽ của thời gian, Nguyên Ngọc (28/5/2009).

- Nhớ về ông Sáu Dân - Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt , Phan Chánh Dưỡng (29/5/2009)

- Ông là vốn quí của đời... Nguyễn Minh Nhi (30/5/2009).                                            

- Người ơi - người ở đừng về...! Nguyễn Trung (31/5/2009). 

- Nhịp đập của một trái tim lớn, Tô Văn Trường (31/5/2009).

- Tinh thần cải cách ĐH của cố TT Võ Văn Kiệt, Nguyễn Minh Thọ và 1 phần bài của Bùi Trọng Liễu không ghi đầu đề (31/5/2009).

- Tinh thần Võ Văn Kiệt về khoa học công nghệ, Hồ Tú Bảo (31/5/2009).

- Dấu ấn Sáu Dân còn mãi với Dung Quất , Trương Đình Hiển (31/5/2009).

-Triệu trái tim trong một trái tim, Phạm Văn Hạng (31/5/2009).

 - Kiều bào ở đâu cũng là con dân tổ quốc VN , Nguyễn Ngọc Trân (31/5/2009).

 - Tầm nhìn Võ Văn Kiệt về đại đoàn kết dân tộc , Tương Lai (31/5/2009).

-Kỉ niệm trong một chuyến đi với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Hoàng Lại Giang (31/5/2009)

- Người được trí thức nước nhà thương và kính, Chu Hảo (31/5/2009).

- Vị tướng tiên phong khai mở công cuộc đổi mới, Đào Xuân Sâm (31/5/2009).

- Công dân Võ Văn Kiệt và chữ "Con Người" viết hoa. Nguyễn Trọng Huấn, (31/5/2009).

Vì một lý do nào đó, Tuần Việt Nam đã chọn đăng phần cuối bài của tôi http://tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu/7018/index.aspx chứ  không đăng nguyên cả bài như của các tác giả khác, nên tôi xin ghi lại nguyên bản của tôi ở dưới đây. 
 
 

Kỷ niệm về mấy kiến nghị với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt 
 

Sau 5 chuyến về làm việc hoặc thăm trong nước (1970, 1975, 1977, 1979, 1981), từ năm 1981, do sức khỏe, tôi không có khả năng về nước nữa. Tôi không còn có dịp được tiếp xúc với nhà cầm quyền, đặc biệt là với ông Võ Văn Kiệt mà tôi có được nghe tiếng là người có tư tưởng “thoáng”. 
 

Mãi đến tháng 11/1984, tôi mới có dịp gặp ông lần đầu tiên ở Pháp: lúc đó ông đang là Phó Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (tên gọi phó Thủ tướng thời đó), nhân chuyến công du ở An-giê-ri, trên đường về, ghé qua Paris. Vì ông ít thì giờ, Hội người Việt Nam tại Pháp tổ chức một bữa ăn trên du thuyền trên sông Seine, để vừa được tiếp ông, vừa để ông thăm phong cảnh Paris luôn thể. Anh chị em có nhã ý chỉ định tôi ngồi cạnh ông để khi du thuyền đi qua, giới thiệu với ông những thắng cảnh và di tích lịch sử cổ dọc bờ sông: tháp Eiffel, điện Louvre, Nhà thờ Notre-Dame, Viện Hàn Lâm, vết cũ của Tour de Nesle, Palais de Justice xưa là cố cung, Hôtel de Ville, vv. Tất nhiên, trong một buổi như vậy, tôi chỉ tập trung vào việc giới thiệu di tích nói trên; nhưng nghe ông trao đổi với một số ngưòi khác trong bữa đó, ông để lại cho tôi ấn tượng “cởi mở, chịu nghe”. Rồi sau đó một thời gian, khi ông đã phụ trách Hội đồng bộ trưởng (tên gọi của Chính phủ hồi đó), tôi có mấy lần viết thư kiến nghị với ông một số điều về Giáo dục đào tạo và về trí thức nói chung. 
 

Tháng 6 năm 1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt chính thức sang thăm nước Pháp. Cũng lại có một buổi gặp gỡ Việt kiều tổ chức tại sứ quán, nhưng lần này là buổi gặp gỡ đông người. Tôi đoán rằng gặp ông có một lần 9 năm trước đó, lại trong một tình huống đặc biệt như vậy, chắc ông không nhớ tôi là ai, dù tôi đã mấy lần gửi thư kiến nghị. Khi buổi nói chuyện chấm dứt, người ta xúm lại chung quanh ông để chào hỏi, tôi nghĩ bụng: với cảnh này thì mình cũng chẳng có thể len vào mà nhắc lại các thư kiến nghị. Vì thế nên tôi tính lẳng lặng ra về. Ra đến cửa phòng, gặp một chị bạn, hỏi thăm, nên tôi đứng lại nói chuyện với chị. Vài phút sau, thì Thủ tướng ra về, tới cửa phòng, ông nhã nhặn bắt tay chào từng người, đến lượt tôi, tôi nói: « Tôi là Bùi Trọng Liễu »; ông chợt nhớ ra, khoác tay tôi, nói : « Tôi có nhận được thư anh; ý kiến của anh, trong nước sẽ chú ý ; anh có thể tiếp tục viết thư ...». Tôi ngạc nhiên về trí nhớ của ông ; tôi cũng không nghĩ rằng đó lời xã giao, bởi vì tôi không phải là người có dịp gần gũi ông, nếu ông nói tới thư tôi kiến nghị nghĩa là ông có thực sự quan tâm. 
 

Trong khuôn khổ giới hạn của bài viết này, vả lại với thời gian (nhiều kiếp máy vi tính của tôi bị thay đổi), tôi đã mất đi nhiều tài liệu, chỉ còn giữ được hai bức thư kiến nghị, cùng một loại nội dung, mà tôi muốn nhắc lại đây như một lời chứng cá nhân về sự quan tâm của ông đến việc chấn hưng giáo dục đại học. 
 

Vào khoảng cuối năm 1993, khi nghe tin đồn là ông có ý quyết định thành lập hai Đại học Quốc gia, tôi có viết một thư đề ngày 29-11-1993 gửi ông, và nhờ một quan chức cao cấp cầm về trao tận tay ông. Nội dung của kiến nghị của tôi là nếu việc thành lập Đại học Quốc gia được coi là cần thiết, thì nên nhân dịp đó, có một sự sàng lọc lại nhân sự, đặc biệt là cán bộ giảng dạy, có đủ tiêu chuẩn thì hãy đưa vào Đại học Quốc gia, nếu không thì cứ để họ ở cơ sở cũ, và tôi tỏ ý dè dặt trước khả năng gộp toàn bộ và nguyên si một số trường sẵn có vào Đại học Quốc gia này.  
 

Tôi được biết là thư tôi gửi đã tới ông trước ngày ông ký quyết định thành lập Đại học Quốc gia Hà Nội (10-12-1993). Trên thực tế, diễn biến sau đó là : Đại học Quốc gia Hà Nội được thành lập theo Nghị định số 97/ CP ngày 10 tháng 12 năm 1993 của Chính phủ trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại 3 trường đại học lớn ở Hà Nội: Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội I và Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, và sau đó chính thức bước vào hoạt động theo Quy chế do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 5/9/1994. Rồi tiếp theo đó, về sự thành lập Đại học Quốc gia  thành phố Hồ Chí Minh với tám trường đại học thành viên (chính thức ra mắt vào ngày 6-2-1996), ngày 2-9-1995, tôi lại có thư gửi kiểu nói trên tới Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhắc lại những kiến nghị của tôi hai năm trước đó. Sau này, có trường nhập vào rồi sau đó lại tách ra, cũng như việc sàng lọc nhà giáo « không được thực hiện » hay là « không thực hiện được », khỏi cần nhắc lại. 
 

Là một nhà khoa học định cư ở nước ngoài, tôi nghĩ kiến nghị là phần của tôi, còn sự quyết định là ở nhà cầm quyền. Nhưng tôi cũng rất hiểu là nhà chính trị cầm quyền, bất cứ ở thể chế nào, dù có tư tưởng muốn đổi mới như ông Kiệt, cũng có những ràng buộc và không thể chỉ quyết định một mình. Trong những năm mà vấn đề cải cách về kinh tế là chuyện sống còn của đất nước, ưu tiên tất nhiên dành cho lĩnh vực đó.  
 

Vả  lại, có lẽ do sức ì vốn có ở một số đông cán bộ, việc chấn hưng giáo dục gặp khó khăn thuở đó cũng là điều dễ hiểu. Tôi chỉ muốn giữ lại ý tưởng « thoáng » của ông Kiệt nhân ngày giỗ đầu ông, mà tôi mong mỏi được duy trì. Bởi vì hiển nhiên, không thể phát triển kinh tế bền vững mà không có nhân sự có « tâm » và có « tầm ». Đó là ý tôi muốn phát biểu trong bài này. 
 

Lời chú :  
 

Hầu hết  các bài kể trên, cộng thêm với các bài sau đây : 
 

- Thủ tướng " Sáu Dân " , Tôn thất Nguyễn Thiêm  
- Kỷ niệm nhỏ về một tầm vóc lớn,
Nguyễn Duy  
- Anh Sáu Dân với văn nghệ sĩ,
Nguyễn Quang Sáng  
- Sự hấp dẫn kỳ lạ của Ông Sáu Dân,
Nguyễn Thế Thanh  
- Những điều chưa kịp nói,
Huy Đức  
 
 

được tập hợp trong một cuốn kỷ yếu mang tên “Một nén hương lòng”, (in giấy dầy, khổ A4, đóng gáy lò xo) bày tỏ những tâm tình, cảm xúc, suy tư, bày tỏ trực tiếp hay từ xa trong buổi tưởng niệm Ông, hôm giỗ Ông, tại nhà chị Hiếu Dân con gái Ông. Tôi không biết cuốn kỷ yếu này sẽ được tái/xuất bản, phổ biến rộng rãi hay không. Tôi xin cảm ơn anh TVT và anh KV đã cho tôi nhiều thông tin cần thiết.

                                                                  1/8/2009. 
 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Bùi Trọng Liễu