"Vấn đề tôi nêu, Bộ trưởng không quyết được..."

Vietsciences-Nguyễn Xuân Hãn         10/05/2007
 

Những bài cùng tác giả

Phóng viên: Là người, như ông tự giới thiệu, "được đào tạo bài bản ở nước ngoài, lại được Nhà nước cho đến các trường ĐH, các trung tâm nghiên cứu lớn để công tác", hẳn là ông đã góp ý nhiều cho giáo dục nước nhà?


GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn: Trong giáo dục, đào tạo, bên cạnh những thành tích, hiện còn tồn tại quá nhiều vấn đề nổi cộm cần giải quyết. Nếu không kịp thời khắc phục những yếu kém thì nguy cơ tụt hậu là rõ ràng và kéo dài.
Tôi đã được giao nhiệm vụ tổ chức và chuẩn bị nội dung cho hàng loạt cuộc họp và hội thảo quốc gia nhằm cung cấp thông tin để Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo Nhà nước xem xét quyết định.
Chẳng hạn, việc xoá bỏ ĐH đại cương trong hệ thống giáo dục VN; xoá bỏ phân ban, đưa nền giáo dục trở lại quỹ đạo cách mạng khi thông qua Luật Giáo dục năm 1998, và Luật GD sửa đổi 2005. Rồi việc khôi phục lại Tổng cục dạy nghề 1998, nhằm khắc phục sự mất cân đối nghiêm trọng về cơ cấu nguồn nhân lực “thầy nhiều hơn thợ”. Hay như tách ĐHSP ra khỏi 2 ĐHQG để xây dựng ĐHSP trọng điểm, chấn chỉnh lại hai ĐHQG năm 2000.
Gần đây nhất, trong ba năm liền, đề án tăng học phí do Bộ GD-ĐT trình Chính phủ đều bị bác bỏ cả ba. Lần cuối cùng, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã tuyên bố công khai “bỏ đề án này” để SV con nhà nghèo được học.

“Đập phá trí tuệ của nhân loại ra từng mảnh”


Trong rất nhiều bài báo, trả lời phỏng vấn hay phát biểu trước các hội thảo, ông luôn kiên trì ý tưởng "với 100 tỷ đồng, trong 1 năm, có thể làm xong chương trình, không chỉ cho phổ thông mà cả ĐH nữa". Liệu ý tưởng này khả thi đến đâu?


Đề xuất 100 tỷ đồng cho chương trình và sách được trình bày 2 lần tại Hội đồng Quốc gia Giáo dục do Thủ tướng làm Chủ tịch. Lần đầu tiên, ngày 29/12/1999, cả Hội đồng ngồi nghe. Lần thứ hai ngày 28/3/2003, đại bộ phận các thành viên ủng hộ, không ai phản đối, nhưng rất tiếc, đến nay, không có ai quyết định việc này.
Trong 2 năm 2005 và 2006, đề xuất này được trình bày tại hội thảo khoa học do Liên hiệp hội Khoa học Kỹ thuật VN và Hà Nội, trong đó có nhiều nhà giáo và nhà khoa học, đặc biệt có các GS lãnh đạo các liên hiệp Hội, Uỷ Ban - Văn hoá GD-TTN-NĐ của Quốc hội, Khoa giáo TW, một số bộ...Và đã thống nhất gửi kiến nghị lên Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Kể từ 1945 đến nay, việc đổi mới CT, SGK ở bậc phổ thông đã được tiến hành 5 lần. Ba lần đầu là: Năm 1945, ngay sau khi giành độc lập với mục đích Việt ngữ hoá tất cả chương trình giáo dục; Năm 1955, khi Hà Nội được giải phóng và năm 1975 khi đất nước thống nhất. Hai lần sau là năm 1982 năm 2002.
Hai lần sau này móc nối chằng chịt vào nhau với việc chỉnh sửa liên miên làm giáo dục luôn bất ổn. Cái giá mà dân tộc ta phải trả là 25 năm, mất hàng tỷ USD nhưng đến nay, chưa có bất kỳ một người có trách nhiệm nào có thể trả lời dân:

 

“Bao giờ nước ta có các bộ CT-SGK chuẩn cho giáo dục”?


Vòng đời SGK trên thế giới đều có chế tài để sử dụng ít nhất là 10 năm hoặc lâu hơn. Cuốn Hình học Euclide, tồn tại 2.300 năm nay, được các nhà khoa học ví như kinh Thánh, chiếm già nửa chương trình toán ở bậc phổ thông. Một GS giỏi và một vài cộng sự làm 6 tháng là xong. Việc chia cắt cuốn sách này thành 40 khúc, mỗi tác giải biên soạn một phần kéo dài hàng chục năm. Cách làm này không khoa học, vô tình đã "đập phá trí tuệ của nhân loại ra từng mảnh”.


Xin lưu ý, ba lần đầu đổi mới chương trình, chuẩn bị hay thay SGK trong hoàn cảnh đất nước còn chiến tranh, không có bất cứ đề án vay tiền nước ngoài nào, kinh phí đầu tư hầu như cũng không đáng kể, số lượng trí thức có bằng cấp cao GS, TS, TSKH chỉ khoảng bằng 1% nếu so với tổng số lượng học hàm học vị của cả nước hiện nay. Vừa vay vốn nước ngoài vừa bắt dân góp vốn làm giáo dục…


Nhưng có cảm giác, ông từng lên tiếng rất nhiều, lại kiên trì nữa mà đâu vẫn hoàn đấy?


Không hẳn vậy. Về vấn đề chương trình và SGK thì báo viết, báo hình, báo nói liên tục đăng tải hàng chục năm nay, kể cả tối đón giao thừa. Tại nhiều diễn đàn, kể cả Quốc hội, Đại hội Đảng cũng đã có Nghị quyết. Không tiện nêu ra đây, nhưng tôi nhớ rất kỹ.


Liệu trong giới giáo dục với nhau, có khi nào ông nghĩ, vì những đề xuất của mình là không thực tế nên người ta cũng chẳng buồn nghe?


Lý luận gắn liền với thực tiễn là cơ sở tư duy của tôi. Các đề xuất của tôi dựa trên những kinh nghiệm của trong ngoài nước đã được đúc kết hợp với thực tiễn VN. Hàng loạt những vấn đề bức xúc trong giáo dục đã kể ở trên, thực tế đã được Nhà nước quyết định chấn chỉnh.


Có thể giải thích lý do người ta chưa nghe những đề xuất của ông, vì lẽ, nhưng con số ông đưa ra "lạ" quá, chẳng biết từ đâu ra?


Tôi là nhà khoa học, những tính toán của tôi sử dụng đều dựa trên văn bản của Nhà nước đã công bố, và số liệu điều tra.
Xin đơn cử một trong rất nhiều đánh giá định lượng. Tỷ lệ đóng góp giữa dân và Nhà nước cho giáo dục hiện nay là 50/50. So với thế giới, tỷ lệ này vào loại cao nhất thế giới. Các nước tiên tiến tỷ lệ này nằm trong khoảng 7% đến 20%, còn Trung Quốc cũng chỉ 12%, trong đó học phí 14 triệu SV ở các vùng nông thôn và các vùng khó khăn được Nhà nước miễn hoàn toàn, nhằm đảm bảo sự công bằng trong xã hội hiện đại.
Xin lưu ý, những tính toán gần đây của TS Vũ Quang Việt - chuyên viên cao cấp về thống thống kê của Liên hợp quốc và kết quả nghiên cứu số liệu tài chính cho giáo dục theo cách tính của tôi là trùng hợp với nhau, mặc dù mỗi người làm theo một cách độc lập. Tôi ở VN, còn TS Vũ Quang Việt ở Mỹ.
Bạn học của tôi là Bộ trưởng nhưng…


Hai người bạn học của ông, hiện là hai bộ trưởng của các bộ Khoa học Công nghệ và Giáo dục-Đào tạo. Hẳn là ông chia sẻ với những gánh nặng của bạn học khi mà xã hội lúc nào cũng ta thán thực trạng giáo dục không lấy gì làm sáng sủa, còn giới khoa học thì rầu rĩ về hiện trạng nghiên cứu khoa học nước nhà?


Quan hệ của chúng tôi rất tốt, vẫn gặp nhau thường xuyên và trao đổi những vấn đề khoa học và giáo dục. Các vấn đề mà tôi đã đề cập ở trên, đâu phải ở vị trí Bộ trưởng quyết được.


Đổi mới là chủ trương của Đảng, cũng là xu hướng không thể cưỡng lại được từ đòi hỏi thực tế. Với lĩnh vực giáo dục mà ông đã kiên trì lên tiếng và theo sát diễn biến, thông tin hàng nhiều năm qua, nên bắt đầu đổi mới từ đâu?


Ngoài chương trình và SGK, ta phải lo đến ngôi trường để trường ra trường và lớp ra lớp. Cần có quy hoạch tổng thể về đất đai cho trường công cũng như trường tư. Nhà nước cấp đất, là người tổ chức, và chủ trì, kết hợp với sự đóng góp của dân, thì đầu tư của Nhà nước cũng chỉ mất 2 tỷ USD trong vòng 2, 3 năm, vấn đề này sẽ được giải quyết một cách căn bản. 2 tỷ này tương đương số tiền Nhà nước dự chi 2 tỷ USD cho đổi mới chương trình và SGK ở bậc phổ thông từ 2002 đến 2007.
Hiện nay, sân chơi của HS phổ thông ở các thành phố, thị xã rất hạn chế, thậm chí không có. So với các nước, diện tích cho SV của các trường ĐH, CĐ nước ta chỉ bằng 1/4 , thậm chí bằng 1/25 chuẩn mực quốc tế.
Giảm họp hành, lãng phí và cải cách triền miên, quản lý chặt chẽ nguồn ngân sách của Nhà nước và của dân, có thể giảm học phí trong toàn bộ hệ thống giáo dục. Các cấp học phổ cập HS không phải đóng góp bất cứ một khoản nào. Đây là nội dung điều 15 của Hiến pháp năm 1946. HS của các gia đình nghèo được cấp học bổng. Giảm biên chế hành chính, đồng thời tăng lương gấp hai lần mức lương hiện nay.


Những điều này đâu có mới mẻ?


Kể từ 2003, kinh phí Nhà nước và dân góp cho GD là 4 tỷ USD, trong khi đó, lương cho cán bộ GV trong toàn bộ hệ thống chưa đến 1 tỷ USD/năm, vậy 3 tỷ USD còn lại đi đâu?


Tự ứng cử vào BCH TƯ, ông hy vọng điều gì?


Nghiên cứu kỹ các kinh nghiệm của các Đảng cầm quyền, việc tự ứng cử vào BCHTƯ được xem là “khâu đột phá” dân chủ hoá trong sinh hoạt Đảng. Nhiệm kỳ của một Uỷ viên BCHTƯ có 5 năm, nhưng vấn đề chương trình và SGK đã tồn tại qua 5 lần Đại hội, chưa giải quyết được.
Một Viện sĩ Nga, được Nhà nước giao cho nhiệm vụ làm chương trình và sách ở bậc phổ thông. Khi chương trình và sách được chấp nhận trong cuộc sống, ông ta nói mình về hưu mà không còn ân hận gì về sự đóng góp của mình đối với nước Nga.
GS Tạ Quang Bửu, là Bộ trưởng, nhưng vừa là Tổng biên tập, kiêm cả Giám đốc NXB để lo sách cho SV.
Không thể so sánh với họ, nhưng ước muốn của tôi là kế tục kinh nghiệm của những trí thức kể trên để ổn định chương trình và SGK cho dân.


Không là UV BCH TƯ, ông vẫn tiếp tục giữ tinh thần "phản biện" như trước chứ?


“Dĩ hoà vi quý”, "chín bỏ làm mười" là một đức tính đẹp trong cuộc sống, nhưng lại là rào cản có hại để nhận thức tính khoa học - tìm hiểu đến nơi đến chốn để hiểu rõ bản chất vấn đề.
Người ta nói, “một nửa cái bánh mì, vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật thì không còn là sự thật nữa“. Phải chăng, đây là nguyên nhân sâu xa trong nhận thức tổ chức biên soạn chương trình và SGK theo tư duy ngược khoa học, tồn tại suốt 25 năm qua nhưng không được phát hiện kịp thời để ngăn chặn và chấn chỉnh?


-Cám ơn ông!


Hạ Anh (thực hiện)- Vietnamnet 28-4-2006

 

 

©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Nguyễn Xuân Hãn