Giáo dục là một trong những lĩnh vực hợp tác thành công nhất giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, và vấn đề giáo dục cũng đã được đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam Michael Mihalack đặt ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ của ông ở Việt Nam. Nhân kỷ niệm 15 năm bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ, trong cuộc trao đổi với Minh Anh, một số thạc sĩ Việt Nam, những người đã nhận được học bổng của chương trình Fulbright, chia sẻ suy nghĩ của họ về hệ thống giáo dục của Hoa Kỳ và những điều bất cập trong hệ thống giáo dục của Việt Nam.

Chương trình học bổng Fulbright Việt Nam được khởi động vào năm
1992 với mục đích tăng cường sự hiểu biết giữa người dân hai nước và
giúp Việt Nam tăng cường nguồn nhân lực phục vụ cho quá trình phát
triển kinh tế. Hiện tại Fulbright Việt Nam đã trở thành chương
trình học bổng Fulbright lớn nhất ở châu Á.
Với sự tài trợ của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, hàng năm chương trình
Fulbright trao học bổng toàn phần cho khoảng hơn 20 ứng viên ưu tú
nhất để theo học các chương trình sau đại học trong nhiều ngành khác
nhau tại các trường đại học ở Hoa Kỳ.
Chị Nguyễn Tú Ninh và chị Nguyễn Thị Ngân là hai người đã được
Fulbright lựa chọn vào năm 2004 và 2006 để theo học thạc sĩ ở Hoa
Kỳ. Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ngành quan hệ quốc tế, chị Tú Ninh
hiện trở về Việt Nam và hiện đang làm việc tại một tổ chức giáo dục
quốc tế ở Việt Nam, còn chị Ngân đang tiếp tục theo học bậc tiến sĩ
ở Mỹ.
VOA: Thưa hai chị, trong thời gian học ở Mỹ,
các chị tâm đắc nhất điều gì ở hệ thống giáo dục của họ?
Tú Ninh: Nhìn chung cách thức giảng dạy của giáo
viên trong trường đại học mà tôi theo học, cũng như gặp gỡ các sinh
viên của Mỹ, thì tôi thấy là sự trao đổi cởi mở cũng như cách học
lẫn nhau, trao đổi lẫn nhau nó mang tính bình đẳng hơn, nó không có
áp đặt một chiều từ giáo viên xuống học sinh. Trong quan hệ học tập,
nhất là trong khi làm việc chung với nhóm thì tiếng nói của mọi
người đều được tôn trọng. Đó là điều mà tôi thấy tâm đắc và tôi thấy
là có sự khác biệt so với nền giáo dục mà tôi đã trải qua.
Ngân: Tôi nghĩ là có nhiều điều tôi cảm thấy tâm
đắc ở nền giáo dục Mỹ. Tôi thấy ở Mỹ khi mình học thì các thầy cô
hướng dẫn cho mình tinh thần tự học rất cao và họ hướng dẫn cho mình
tự tìm được các nguồn tài liệu, rồi mình được tiếp xúc với các giáo
sư giỏi và có điều kiện để khai thác nguồn tư liệu. Tôi thấy việc đó
rất tốt và nó giúp cho mình học tập được tốt hơn.
VOA: Khi đã sang Mỹ học rồi và khi nhìn lại nền
giáo dục của Việt Nam thì theo ý kiến riêng của các chị hệ thống
giáo dục trong nước có những điểm gì là bất cập nhất, đặc biệt là
trong lĩnh vực giáo dục bậc đại học?
Tú Ninh: Trong lĩnh vực giáo dục bậc đại học, cá
nhân tôi nghĩ cái bất cập có lẽ là cách thức học thôi, chứ còn về
mặt kiến thức thì trang bị khá rộng lớn và đa dạng về môn học cũng
như yêu cầu về hiểu biết kiến thức của học sinh. Có lẽ những năm gần
đây đã thay đổi rồi, vì tôi đã tốt nghiệp 10 năm rồi, tuy nhiên,
theo cá nhân tôi nó vẫn có sự áp đặt cũng như khi giảng viên hay
giáo viên giảng bài thì học sinh sẽ nghe là chủ yếu và chỉ có 5% đến
10% là mang tính thảo luận thôi. Ở Mỹ thì khi mà mình biết giáo
trình thì mình sẽ có cơ hội, đồng thời mình được yêu cầu phải chuẩn
bị, đọc trước, để khi lên lớp thì mình đã có cái hiểu biết và thông
tin nhất định về buổi học hoặc chương trình mình sẽ học. Trong khi
đó ở Việt Nam thì ngược lại, biết là có sách đó nhưng thực ra vẫn
phải chờ giáo viên giảng dạy, sau đó thì cuối kỳ mới có cơ hội tham
khảo, trao đổi một chút.
Ngân: Về lĩnh vực giáo dục đại học thì tôi thấy có
thể nói là có khá nhiều bất cập, nhưng cái lớn nhất là tôi thấy là
chương trình học nó không được hợp lý. Thứ nhất, chương trình học
quá rộng, tập trung vào quá nhiều thứ và khiến cho sinh viên không
nâng cao được kiến thức chuyên ngành, chuyên môn. Thứ hai, điều kiện
học nó không được như ý muốn bởi vì sinh viên có muốn học, có muốn
khai thác tài liệu thì không có để mà khai thác. Cái phương pháp
giảng dậy của giáo viên cũng có thể là một vấn đề nữa, vì không kích
thích được sự tự học của sinh viên mà phần lớn sinh viên học ở trên
lớp thôi, ngoài ra về nhà thì không biết tự khai thác, tự tìm nguồn
tài liệu để mà tự học nên không nâng cao được kiến thức.
Tuy nhiên, điều tôi nói có thể cách đây đã hơn 10 năm rồi, và tôi
nghĩ là bây giờ có thể đã có nhiều thay đổi rồi. Tuy vậy, khi tôi về
tôi nói chuyện với một số sinh viên ở đây thì tình hình nó cũng thay
đổi nhiều nhưng cũng không phải chuyển biến gì đó mang tính chất đột
biến.
VOA: Là những trí thức trẻ của Việt Nam, lại đã
đuợc tiếp thu kiến thức từ một nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới,
nếu bây giờ giả dụ đuợc đề nghị thử làm bộ truởng
giáo dục Việt Nam thì điều đầu tiên chị sẽ làm là gì thưa chị Tú
Ninh?
Tú Ninh: Trước hết tôi nghĩ ngân sách của nhà nước
sẽ phải có đầu tư phù hợp hơn cho cơ sở vật chất trường học, cũng
như đặc biệt dành cho đội ngũ giáo viên để cho họ an tâm dạy học và
tránh được những tệ nạn khác trong giáo dục. Nhưng về lâu dài, theo
suy nghĩ của tôi về vấn đề đào tạo con người thì cũng sẽ phải đào
tạo từ giáo viên trở đi, tức là ngoài kiến thức cho họ, những kiến
thức căn bản để họ có thể truyền thụ cho thế hệ sinh viên sau này,
thì bản thân họ cũng phải là những người đi tiên phong trong việc
thay đổi tư duy, thay đổi suy nghĩ, cách tiếp cận, đồng thời nâng
cao kiến thức cho họ. Tất nhiên ngân sách dành cho đào tạo tôi sẽ
phải tăng hơn rất nhiều và cụ thể hóa hơn nữa. Hiện nay cũng có
nhiều chương trình học bổng và các chương trình giao lưu văn hóa thì
tôi nghĩ cái này cũng phải thúc đẩy hơn nữa.
VOA: Còn chị Ngân ạ?
Ngân: Theo tôi nghĩ nền giáo dục của một đất nước
phát triển thế nào tùy thuộc vào tiềm lực kinh tế của nước đó. Nếu
tiềm lực kinh tế của mình mà không có hoặc thấp thì mình cũng không
thể hy vọng có nền giáo dục cực kỳ phát triển. Nếu nói điều đầu tiên
mà tôi phải làm để thay đổi nền giáo dục thì tôi cũng không biết
phải làm cái gì, vì không biết là vấn đề nó nằm ở đâu, vì có quá
nhiều vấn đề. Hiện tại tôi đang nghiên cứu về chương trình học của
ngành tiếng Anh chẳng hạn, thì tôi thấy có khá nhiều bất cập, nhưng
mà muốn thay đổi không phải chỉ có chương trình học của ngành tiếng
Anh thôi, mà chương trình giáo dục đại học nói chung thì có nhiều
cái khi mà tôi nói chuyện với một số sinh viên ở đây, tôi thấy các
em phản ảnh là có một số môn học mà nó không cần thiết cho sinh
viên, thì những môn đấy có buộc phải học hay không, hay là phải thay
bằng những môn khác nó thiết thực hơn cho sinh viên. Vì vậy tôi nghĩ
việc đầu tiên tôi sẽ làm là xem lại cái chương trình học.
VOA: Ngoài việc tiếp thu những kiến thức mới,
học hỏi về văn hóa của Mỹ v..v. thì bài học lớn nhất mà các chị học
được khi đi du học ở Mỹ là gì?
Tú Ninh: Về cá nhân tôi thì đó là tính tự lập cũng
như là mọi suy nghĩ của mình nó sẽ cởi mở hơn. Trước đây khi mà học
ở Việt Nam cũng như suốt quá trình được giáo dục và do văn hóa thì
mọi vấn đề khi thầy, cô hay người lớn, hay Bố, Mẹ nói ra thì tôi sẽ
nghe theo hoàn toàn. Nhưng mà khi đi học ở Mỹ về thì sự suy nghĩ và
nhìn nhận của tôi sẽ khác hơn, cũng như cái tư duy phản biện sẽ khác
hơn, nghĩa là khi mình suy nghĩ gì thì mình sẽ nghĩ hai chiều nhiều
hơn và mình không có tuân theo ngay từ đầu, (giống như trước) khi mà
mình được nghe được nhận thông tin ngay từ đầu thì mình sẽ chấp nhận
nó ngay.
Ngân: Nếu như nói là bài học lớn nhất thì tôi không
biết nó có phải bài học lớn nhất hay không. Nhưng khi mà mình đi đến
một đất nước khác thì mình giống như một con cá ra khỏi cái chậu
nước, ra khỏi cái môi trường của mình, thì mình phải học để mình làm
quen và sống được trong môi trường đấy. Đó là một kinh nghiệm rất
quí báu, và tôi cho rằng khi mà đi ra nước ngoài học như vậy thì nó
tạo ra cho người ta nhiều cơ hội khác hơn, không chỉ nâng cao kinh
nghiệm sống, không chỉ học thêm về nền giáo dục, vì tôi học về giáo
dục, tôi còn học thêm được về thể chế, về đất nước thông qua việc
tiếp xúc với người Mỹ, chứ không chỉ ở trên lớp không thôi.
VOA: Xin cảm ơn hai chị.