Tôi chỉ là Ashkenazy! Hay quốc nạn loạn chức danh, học vị

Vietsciences- Đặng Hữu Phúc         07/08/09

 

Những bài cùng tác giả

Những bài cùng đề tài

Tôi xin được bắt đầu bài viết này bằng một câu chuyện có thật xảy ra ở TP Hồ Chí Minh vào năm 1995. Chuyện như sau: Trong một chuyến đi bằng đường hàng không, do trục trặc, nghệ sỹ Piano lớn của thời đại chúng ta là Vladimir Ashkenazy đã phải dừng lại ở TP HCM hai ngày.

Tất nhiên một nghệ sỹ lớn như Ashkenazy khó lòng mà không bị phát hiện ra trong thế giới nhiều thông tin này. Và ông đã được mời tổ chức một buổi hoà nhạc nho nhỏ cho những người hâm mộ. Với sự khiêm tốn vốn có ở những người vĩ đại, ông chỉ muốn biểu diễn ở phòng nhỏ trong Nhạc viện TPHCM và chủ yếu dành cho một công chúng hẹp, trong giới nhà nghề. Việc này tất nhiên được nhạc viện thành phố chú ý ngay và họ muốn biến chuyến thăm bất đắc dĩ này quảng cáo thêm cho uy tín của nhạc viện.

Người lãnh đạo nhạc viện lúc đó là một giáo sư, tiến sỹ, nghệ sỹ nhân dân đã dẫn đầu một nhóm giáo sư, tiến sỹ của nhạc viện TPHCM đón tiếp Ashkenazy.

Trong buổi tiếp, sau khi trân trọng giới thiệu với Ashkenazy từng thành viên của ta với đầy đủ chức danh, học vị, thì việc mà phía ta muốn hỏi ông ta, để đưa vào programe (tờ in chương trình) và giới thiệu khi biểu diễn là: Ashkenazy là gì? Thạc sỹ, tiến sỹ, giáo sư hay là gì gì hơn thế nữa ? Và câu trả lời là: Tôi chỉ là Ashkenazy.

Tưởng khách không hiểu. Chủ lại hỏi lại và gợi ý thêm cho dễ hiểu hơn: chắc một nghệ sỹ lớn như ông thì phải có tham gia giảng dạy, vậy khi đó chức danh và học vị của ông là gì? Câu trả lời vẫn không thay đổi: Tôi chỉ là Ashkenazy.

Ô hay! Lạ cái ông này, cỡ như ông ta ít nhất cũng phải có một chức danh gì chứ? hay ông ta giấu? Và cuộc gặng hỏi vẫn tiếp tục. Tuy vậy, truy mãi, cuối cùng, dù đông người, ta đã phải chịu thua một mình ông, vì câu trả lời vẫn chỉ có thế, dù đã được pha thêm chút khó chịu: Tôi chỉ là Ashkenazy!

 

Người đứng giữa cầm quyển sách là Ashkenazy - ông không
nhìn vào ống kính. (Ảnh do tác giả cung cấp).

 

Cách giới thiệu một cuộc hoà nhạc ngày nay và cái tên cha sinh mẹ đẻ

Trên thế giới thì hàng trăm năm nay, khi giới thiệu một buổi biểu diễn nhạc chuyên nghiệp (hoặc in trên bìa CD) chỉ đơn giản như sau, ví dụ:

1/Về tác giả : Sonate số 2, giọng Si giáng thứ của F.Chopin.

2/Về biểu diễn: Piano : V. Ashkenazy

Cách đây khoảng trên hai chục năm, ở Việt Nam ta cũng tương tự như vậy. Nhưng bây giờ thì khác xa rồi, thường họ sẽ giới thiệu theo công thức như sau:

1/ Về tác giả: Tên tác phẩm, của + Chức danh (giáo sư, phó giáo sư) + học vị (tiến sỹ, thạc sỹ) + Danh hiệu (nghệ sỹ Nhân dân, nghệ sỹ ưu tú. Nhà giáo Nhân dân, nhà giáo ưu tú). + Giải thưởng (giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng nhà nước) + Chức vụ quản lý (Chủ tịch, Giám đốc, Hiệu trưởng, Viện trưởng...) + tên tác giả

2/ Về biểu diễn: Độc tấu + tên nhạc cụ, do + Chức danh (giáo sư, phó giáo sư) + học vị (tiến sỹ, thạc sỹ) + Danh hiệu (nghệ sỹ Nhân dân, nghệ sỹ ưu tú. Nhà giáo Nhân dân, nhà giáo ưu tú) + Giải thưởng (giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng nhà nước) + Chức vụ quản lý (Chủ tịch, Giám đốc, Hiệu trưởng, Viện trưởng...) + tên người + biểu diễn

Bao nhiêu sức lực, thời gian và tiền bạc đáng ra để tập trung làm chuyên môn, làm nghề thì lại bị phung phí vào các cuộc đua tranh lấy bằng cấp.
Ảnh minh họa: ree-scores.com.
Mời bạn đọc thử lắp những chức danh, danh hiệu này trước những tên tuổi như: Mozart, Beethoven, Chopin ….. hoặc: Karajan, Rubinstein, Horowitz vv… bạn sẽ thấy nó hài hước tới mức nào ngay. Thêm bất cứ cái gì trước những cái tên đó, đều là một sự xúc phạm khó tha thứ. Bản thân nó đã là vàng mười. Sự sâu sắc luôn mộc mạc, giản dị. Ngược lại với sự son phấn loè loẹt, hàng mã.  

Và không chỉ dừng lại ở các cuộc biểu diễn, mà ngay cả trong các cuộc họp hành, hiếu hỷ. Khi mời ai lên phát biểu, người ta cũng luôn luôn phủ đầu làm tối tăm mặt mũi cử toạ bằng một tràng dài các chức danh, học vị, chức vụ quản lý, chức vụ Đảng, cuối cùng mới đến tên người. Điều này dần dần đã thành thói quen, gây sự thiếu thân thiện và tủi phận với những kẻ chỉ có cụt lủn mỗi cái tên cha sinh mẹ đẻ. Họ cảm thấy hẫng như mình thiếu hẳn một cái đuôi.

Cuộc họp nội bộ ngày xưa thì giản dị: “Mời anh Trí” hay “Mời chị Tuệ” lên phát biểu. Chỉ vỏn vẹn có 3 từ thôi, mà sao thân mật, ấm cúng và hiệu quả biết bao. Còn bây giờ thì phải khoảng trên dưới 30 từ. Cũng theo công thức trên, ta lại cùng nghép thử, ví dụ :

Xin kính mời + chức danh + học vị + toàn bộ danh hiệu đã được phong + toàn bộ giải thưởng đã được tặng + toàn bộ chức vụ quản lý, chức vụ Đảng đang có + Ông(Bà) + họ tên đầy đủ + lên phát biểu.

Mời bạn tham khảo thêm tên và tước hiệu của cụ Phan Thanh Giản (1796-1867) một đại thần triều Nguyễn phong kiến như sau: Hiệp biện Đại học sỹ, lãnh Lễ bộ thượng thư, kiêm quản Hộ bộ ấn triện, sung Kinh diên giảng quan, sung Cơ mật viện đại thần, kiêm Quốc tử giám sự vụ, kiêm quản Văn thần phò mã đô uý, Phan Thanh Giản, tự Tĩnh Bá, hiệu Ước Phu. (50 từ)

Ôi, nếu cụ sống lại và đến dự một cuộc họp nội bộ của chúng ta ngày nay, và được ta giới thiệu cụ với đầy đủ chức danh như trên, thì chắc cụ rất hãnh diện. Vì lũ con cháu chúng ta sao mà giống thời các cụ thế! tiếp nối được truyền thống cha ông xưa. Và vẫn đang liên tục phát triển.

Đây là hiện tượng phổ biến trên toàn quốc khoảng hai chục năm nay chứ không chỉ riêng ở một đơn vị nào, và nó vẫn còn đang phát triển theo hướng rườm rà hơn nữa. Tôi sợ với đà này, một ngày nào đó, ngay trong gia đình, bố mẹ, con cái, vợ chồng… hoặc bạn bè gặp nhau ngoài phố, khi gọi nhau cũng phải kèm theo những danh hiệu rườm rà đã kể trên thì thực là rồ dại.

Vậy bạn đọc nghĩ sao về những hiện tượng này? Bản chất của những hiện tượng này là gì?

Một cuộc chạy đua chức danh trên toàn quốc “trồng lúa thu hoạch khoai”

Ta tự hào về chế độ ưu việt xã hội chủ nghĩa (mà hiện nay chỉ có người dân ở một số ít nước được hưởng là: Triều Tiên, Cu ba, Lào và Trung Quốc) mọi người đều bình đẳng. Nhưng thực chất thì người ta đang dựa theo chức quyền để phân chia đẳng cấp, quyền lợi, tất nhiên chức càng cao, bổng lộc càng lớn.

Lúc sống đã vậy, tận tới lúc chết chôn ở đâu cũng có tiêu chuẩn dựa theo chức tước. Vì thế cả xã hội đều trọng chức quyền. Mà muốn có chức quyền thì cần có bằng cấp, cộng thêm danh hiệu Đảng viên, là người ta có thể tiến thân, có thể trở thành lực lượng lãnh đạo với nhiều bổng lộc mà không cần phải có thực lực.

Đó là nguyên nhân sâu xa đã và đang dẫn đến việc nhiều kẻ cơ hội đổ xô đi săn bằng cấp bằng mọi giá. Đua bằng cấp, chức danh chứ không đua tài năng. Bởi đua tài năng, cuộc đua dưới ánh mặt trời, thì khó hơn nhiều, dễ lộ chân tướng và dễ bị thua. Bao nhiêu sức lực, thời gian và tiền bạc đáng ra để tập trung làm chuyên môn, làm nghề thì lại bị phung phí vào các cuộc đua tranh lấy bằng cấp. Nhìn vào con đường để trở thành thạc sỹ, tiến sỹ hiện nay ở nước ta đã bị biến chất. Nhiều người có lòng tự trọng không khỏi ngại ngùng và muốn lánh xa.

Bản thân bằng cấp và chức danh chân chính, lương thiện thì rất có ích cho xã hội. Trước kia, số giáo sư, tiến sĩ ở ta không nhiều, nhưng đó là những tên tuổi như: Đào Duy Anh, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Mạnh Tường... Còn ngày nay thì đúng là “Ta tự hào đi lên. Ôi Việt Nam” giáo sư nhiều đến mức có thể “ra ngõ gặp giáo sư”. Với thực trạng này thì nền học thuật của nước nhà có nguy cơ trở thành hữu danh, vô thực.

Trong lĩnh vực biểu diễn âm nhạc chuyên nghiệp, để chơi đàn, hát, làm được concert thì khó quá, muốn thế phải rèn luyện hàng ngày, phải hy sinh rất nhiều mà lại không oai bằng rẽ ngang đi làm tiến sỹ, đơn giản hơn, chóng được thăng chức với nhiều bổng lộc hơn.

Kết quả là: mục đích cuối cùng và duy nhất của âm nhạc là tiếng đàn, tiếng hát, những buổi concert và viết những tác phẩm âm nhạc chuyên nghiệp thì dần dần không còn ai làm, thay vào đó là rất nhiều tiến sỹ âm nhạc ra đời. Có được cái bằng tiến sỹ, phần lớn không ai chơi đàn và hát nữa. Tiền của nhân dân bỏ ra đào tạo họ để mang lại tiếng đàn tiếng hát cho đời đã trở thành vô ích vì sai mục đích. Trồng lúa thì lại thu hoạch khoai!

Hướng dẫn làm luận văn tiến sỹ chéo ngành chéo nghề

Ở hầu hết các trung tâm đào tạo đại học của Việt Nam trên toàn quốc hiện nay, để có được chức danh thạc sỹ, tiến sỹ, phải có người hướng dẫn viết luận văn, luận án. Đó là các giáo sư, phó giáo sư. Nhưng để đào tạo ra càng nhiều, càng nhanh và để “phổ cập” học vị thạc sỹ, tiến sỹ, người ta đã sử dụng các giáo sư hoặc phó giáo sư nghề này, hướng dẫn luận văn cho các thạc sỹ, tiến sỹ nghề khác.

Tuy cùng là một ngành, nhưng càng lên cao, càng phải chuyên sâu, và cùng một ngành nhưng rất nhiều nghề hoàn toàn khác nhau. Ví dụ như trong ngành thể thao thì môn cờ tướng với bắn súng hoặc đấm bốc, không hề có liên quan đến nhau. Hoặc trong ngành điện ảnh thì nghề viết kịch bản và nghề tạo khói lửa, cũng không hề có liên quan. Nghề nào cũng vậy. Nên dù biện minh rằng, đó là “hướng dẫn phương pháp luận” thì cũng chỉ là ngụy biện, và không thể chấp nhận được.

Thử tưởng tượng trong cùng ngành y. Giáo sư chuyên nghề phụ khoa lại đi hướng dẫn luận văn cho tiến sỹ chuyên nghề nha khoa thì có được không? Bởi vì hai bộ phận này của cơ thể chúng ta là hoàn toàn khác nhau, có những chức năng hoàn toàn khác nhau. Vậy mà chéo ngành chéo nghề vẫn vô tư hướng dẫn đã trở thành bình thường từ lâu.

Vậy xin hỏi cấp trên có biết vấn đề này không? Với những sự hướng dẫn như vậy, những bản luận văn đó có giá trị gì không? Và trong việc này liệu có thể tránh được tiêu cực không? Có được cái bằng cấp ấy, có đáng tự hào để mời mọi người đi khao “rửa bằng” không? Có lẽ sự “rửa bằng” nghĩa đen lại chính xác hơn vì nó vốn không được sạch sẽ cho lắm.

Theo chúng tôi, cấp bộ hãy cho dừng ngay kiểu hướng dẫn trái ngành trái nghề như hiện nay ở hầu hết các cơ sở đào tạo trên cả nước. Và cho rà soát lại tất cả các luận văn thạc sỹ, tiến sỹ đã có. Nếu không phải do người hướng dẫn có cùng chuyên môn thì cho thu hồi lại, và các luận văn đó phải được làm lại, với sự hướng dẫn của các giáo sư cùng chuyên ngành và công khai việc này trong giới chuyên ngành.

Các danh hiệu, giải thưởng, câu chuyện cười ra nước mắt
 Vườn hoa chỉ có 2 loại hoa

Hãy để chính những nghệ sỹ, bằng tài năng, làm nên tên tuổi riêng của mình
Ảnh minh họa: byond.com.
Định kỳ một hai năm gì đó, ta có những đợt phong tặng danh hiệu nghệ sỹ ưu tú, nghệ sỹ Nhân dân và trao tặng các giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Việc này không phải do người Việt Nam ta nghĩ ra, mà do chúng ta học tập từ Liên Xô cũ. Họ phong nghệ sỹ Công Huân, nghệ sỹ Nhân dân, giải Xtalin, giải Lê Nin về văn học nghệ thuật ( ví dụ Giao Hưởng số 11 của Shotstakovich được giải Xtalin năm 1953 vv…).

Sau khi Liên Xô tan vỡ, họ đã bỏ thói quen đã có từ hàng chục năm này. Rất nhiều cách tổ chức dập theo kiểu Liên Xô cũ như: nền kinh tế có kế hoạch, hành chính bao cấp, phân phối theo tem phiếu v.v… ta đã bỏ. Nhưng không hiểu vì sao cái thói quen trao những danh hiệu và giải thưởng văn học nghệ thuật học từ họ thì ta lại vẫn duy trì, bởi nó là một phần đồng bộ trong tư duy cấu thành chế độ bao cấp, cơ chế xin cho?
 
Lịch sử dân tộc ta đã chứng minh bằng máu và nước mắt một quy luật là: những chính sách dập khuôn theo ngoại bang sớm muộn rồi cũng gây những hậu quả xấu, thậm chí là những thảm hoạ dân tộc. 

Về việc phong danh hiệu nghệ sỹ, hãy để chính những nghệ sỹ, bằng tài năng, họ làm nên tên tuổi riêng của mình (như Ashkenazy) thì nó mới có giá trị thực, bền lâu và duy nhất. Không ai có thể ghen tỵ với ai được, vì không ai giống ai. Hàng ngàn nghệ sỹ tài năng, thì sẽ có hàng ngàn cái tên khác nhau, có giá trị khác nhau, giống như vườn hoa với muôn hoa, muôn màu khoe sắc, chứ không phải chỉ có 2 loại hoa ưu tú và nhân dân.

Mà muốn được hưởng các danh hiệu này, phải làm đơn xin, cùng sự “vận động” để được phong (ban) tặng từ trên xuống. Trong hoàn cảnh đất nước ta tệ nạn xã hội tràn lan. Khó có thể tránh khỏi nhiều sự tiêu cực trong sự ban tặng danh hiệu, nếu vẫn giữ kiểu cơ chế ban phát như cũ.

Về việc trao giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT, đây cũng là một kiểu cơ chế xin cho với những thành phần Ban giám khảo hoàn toàn được chỉ định từ trên, với những tiêu chí chấm giải tuỳ hứng. Người xin trao giải cũng phải làm đơn và “vận động”.

Riêng trong ngành nhạc đã xảy ra những câu chuyện cười ra nước mắt xung quanh việc trao giải thưởng này. Điển hình là trong đợt đua tranh phong tặng năm 2006 (đây nên là đợt phong tặng cuối cùng) cả nước đều biết tới những chuyện “đồng nghiệp tương tàn” mà báo chí gọi là “cơn địa chấn trong làng nhạc”. Nếu ta lại cứ tiếp tục trao giải thì không ai có thể khẳng định rằng những cơn “địa chấn” sẽ không trở thành “động đất”!

Nói tóm lại: Nhà nước ta nên bỏ lối tư duy kiểu dập theo Liên Xô cũ này!

6. Kết

Hãy để cho mọi người đánh giá tài năng và giá trị con người qua công việc. Dù anh có độn vào trước cái tên của anh hàng trăm danh vị đi nữa mà sản phẩm anh làm ra cho xã hội không có, hoặc tồi, hoặc có hại, thì khác nào gỗ mục được sơn son thếp vàng?

Một xã hội lành mạnh và có tương lai, là một xã hội biết tôn trọng những tài năng và những giá trị thực, bất kể họ có hay không có bằng cấp danh vị cao, tiền của nhiều, chức tước lớn.

Đối với người làm nghề nhạc chuyên nghiệp, thì đó là tiếng đàn, tiếng hát của người biểu diễn và tác phẩm của người sáng tác. Anh hãy tự hào về điều đó, và hãy gắn nó với cái tên cha sinh mẹ đẻ, chứ không phải là những thứ bằng cấp, danh hiệu (mà ở nước ta hiện nay của rởm nhiều hơn thật) và chức vụ quản lý anh đang có, đó chỉ là những thứ son phấn nhất thời.

Bảng giá trị tưởng như là chân lý đơn giản và hiển nhiên này lại đang bị lật ngược. Nguyên nhân chủ yếu là do bệnh thành tích, cơ hội, trọng bằng cấp, trọng chức quyền. Nó đang làm tê liệt trí tuệ Việt Nam. Phải chăng nó là một trong ba loại giặc đang đe doạ sự tồn vong của dân tộc mà Hồ Chí Minh đã nói, đó là: diặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm? Với tiềm năng trí tuệ thế này, rồi dân tộc Việt Nam ta sẽ đi đến đâu? “Một dân tộc dốt, là một dân tộc yếu” (Hồ Chí Minh)

Là một người hoạt động trong nghề nhạc, tôi thấy cần phải viết bài này chỉ vì trách nhiệm công dân, với mong muốn nền học thuật nước nhà - nhất là âm nhạc - ngày càng trở nên lành mạnh và thực chất hơn. Tôi không nhằm vào bất cứ ai và cũng mong đừng ai giật mình bởi tôi luôn luôn kính trọng sâu sắc những giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ chân chính. Tuy không nhiều, nhưng họ có lương tri và trình độ chuyên môn thực sự. Tôi chắc rằng những người này sẽ ủng hộ những ý kiến trên của tôi.

Vì chúng ta đã nói dối quá nhiều và quá lâu rồi, nên những lời nói tử tế bây giờ lại trở nên hài hước. Tuy vậy - dù chỉ nhỏ bé như con Dã Tràng - tôi vẫn muốn nói rằng: Đừng sợ thay đổi vì chỉ nghĩ tới quyền lợi của bản thân, hãy nghĩ tới một tương lai tốt hơn cho tất cả. Đừng sợ ánh sáng, sợ thuốc đắng và sự thật.

Để kết bài viết này tôi xin mượn một câu Kiều của : [Giáo sư, tiến sỹ] Nguyễn Du (xin tạ tội với bậc tiền nhân vì sự xúc phạm này) :

“Mượn màu son phấn đánh lừa con đen”

Chữ “Con đen” ở đây được hiểu là những người dân bình thường

  • Đặng Hữu Phúc

ĐÓNG GÓP CỦA BẠN ĐỌC CHO CHUYÊN MỤC

 

Họ và tên: Cao Ngọc Bích
Địa chỉ: 28 Trần Quí Cáp, Phường 11, Q Bình Thạnh, Tp HCM
Email: drcaongocbich@yahoo.com
 

Xin chào tác giả,
Sau khi đọc hết bài báo, nhìn tên tác giả tôi hết sức ngạc nhiên rồi thấy thật sự ngưỡng mộ tác gỉa Đặng Hữu Phúc. Đây là bà viết về một đề tài " xưa như trái đất ". có nhìe người đã bàn tới, thậm chí nói môt cách qyết liệt cũng với cùng mục đích như tác giả bài này là góp những chuông cảnh báo trướng một trong những tệ nạn đau lòng hiện nay: tệ nạn  chạy chọt học hàm học vị để mua quan bán chức , cầu danh hãnh tiến.
Trong bài viết này tác giả đã tìm được một cách nói thực sự thuyết phục, nội dung rất sâu sắc mà giọng điệu hết sức chân tình, đầy tâm huyết nhưng cũng rất khoa học và biện chứng.
Tôi ngờ rằng tác giả phải là môt học giả hết sức uyên thâm và lịcch lãm. Và có thể có đầy mình học hàm học vị, bằng cấp ...thật.
Nhưng tôi cũng chợt nhớ ra rằng hình như có một bài hát nổi tiếng mang tên tác giả này. Đó là bài " Trăng chiều ", một ca khúc mà tôi rất thích, đầy cảm xúc và quá sang trọng. Tôi yêu ca khúc này và nếu tác giả của nó cũng là tác giả của bài viết này thì tôi càng ngưỡng mộ nhiều hợn. Xin chúc nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc nhiều sức khỏe và hạnh phúc. Cầu mong cho những trăn trở của anh (và cũng là của hàng triệu trí thức chân chính khác ) thấu được để hy vọng có cơ may một ngày nào đó nền tảng học vấn và đạo lý xã hôi ta được vãn hồi và hưng vượng.
Kính chào.
Bác sĩ Cao Ngọc Bích
Giám đốc Trung tâm Giải phẫu thẩm mỹ Nhật Phương Sài Gòn
28 Trần Quí Cáp, Phường 11 , Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh

Họ và tên: Le Hồng Hạnh
Địa chỉ:
Email: honghanh_bhd@yahoo.com
 

Kính gửi Bác Phúc.
Đọc hết bài viết viết của bác , tôi thấy như vừa được uống một thang " thuốc bổ". Một sự nói thẳng , nói thật cần thiết để cứu chữa căn bệnh trầm kha này của đất nước ta. Tôi rât kính trọng những ý kiến của bác cũng như những lo lắng của bác trước vận mệnh của đất nước. Tôi bỗng nghĩ đến Maical Jacson huyền thoại âm nhạc Mỹ vừa qua đời. Tất cả các trang viết trên báo viết , báo mạng có thấy MJ có thêm một danh hiệu nào trước tên đâu nhỉ? vậy sao cái chết của anh ta vẫn làm rung động bao trái tim.
Chúng ta hãy thành thực nói thật với nhau những căn bệnh đang phổ biến ở nước ta hiện nay, kẻo lại bị người ta chê cười. Xin cảm ơn ý kiến của bác nhiều.

Họ và tên: Nguyễn Văn Chi
Địa chỉ: Châu Đốc an Gíang
Email: nvanchi2003@yahoo.com
 

Tôi rất tâm đắc với bài của "Đặng Hữu Phúc. Trong khi đất nước đang còn nghèo,mà chúng ta xài người rất lảng phí. Ở trường tôi có một anh giáo viên dạy toán học Thạc sỹ về được phân công làm hiệu phó chuyên đi phân công lao động, xếp thời khoá biểu và làm vệ sinh, nói chung làm những việc không cần đến trình độ thạc sỹ.

Họ và tên: tran huu huong
Địa chỉ: antelope
Email: huonginsagency@yahoo.com
 

Toi dong tinh voi nhung gi tac gia Dang Huu Phuc dua ra o bai viet, mot bai viet rat hay. Thu nghe nhung ban nhac cua nhieu"nhac si" tren thi truong am nhac hien nay khien chung ta khong khoi rung minh. Xin cam on tac gia. HT

Họ và tên: Bạn đọc xin giấu tên
Địa chỉ: Hà nội Q Hoàn kiếm
Email: QQQQ@yahoo.com
 

Tôi là một người được phong Nghệ sĩ Nhân dân đợt một. Và một số ông bạn của tôi cũng có người được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT đợt một. Chúng tôi đề nghị khi nói hoặc nhắc về chúng tôi trên báo chí hoặc công luận. Cũng phải ghi rõ là: NSND phong đợt một. Hoặc giải thưởng HCM đợt một. Bởi vì “chất lượng” đã giảm dần theo từng đợt, cho đến những đợt phong tặng mới nhất gần đây thì có thể gọi là “hàng kém chất lượng” vì không thể loại trừ những yếu tố tiêu cực.




 

Họ và tên: tran
Địa chỉ: tp HỒ CHÍ MINH
Email: quppas@gmail.com
 

Một vấn đề của mọi vấn đề, làm nhức nhối lương tâm và đời sống xã hội, nhưng không có lời giải. Chúng ta không ưa sự dối trá nói chung, nhưng chúng ta không thể thoát ra khỏi sự dối trá đó, và theo thời gian cách sống dối trá đã thành thói quen đến nỗi chẳng còn ai phân vân.
Giả sử có một lúc nào do thiếu kiên định, hay vừa trúng số, ta sống thật với ta, thì rồi ta phải ân hận: ta sẽ bị dư luận phản đối, như cô bé đã dám nói vua cởi truồng, trong câu chuyện cổ xưa.
Vậy có ai trả lời, một xã hội mà sự thật thì bị coi là điên rồ, giả dối là một lẽ thường thì xã hội đó sẽ phát triển thế nào?
Cần phải xem lại cái lý thuyết mà chúng ta thường đem ra làm chuẩn để cho điểm !!!

Họ và tên: Trương Quang Đệ
Địa chỉ: ê2/2C Cùlao, P2, Phú Nhuận, HCM
Email: truongquangde06@yahoo.fr
 

Bài báo rất hay, rất hợp thời và có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Không hiểu do đâu mà từ lâu nhiều, gần như toàn xã hội chạy theo cái phù du lố bịch bằng cấp và các danh hiệu không thục chất. Phản ứng của người dân như tôi là dị ứng với các danh hiệu. Một bài báo thấy đề của một giáo sư, một viện sĩ thì tôi không đọc, vì biết là chẳng có thông tin gì. Nhưng cái gây cấn cho xã hội là bệnh "hoang tưởng" đó thấm vào giới có chức quyền, khiến họ dùng ngân sách vào những chuyện hào nhoáng vô ích. Tôi đống ý với tác giả rằng một xã hội vướng vào những hư danh như vậy sẽ không tiến xa, làm cho những người chân thât hoài nghi không muốn hợp tác. Đã đến lúc những thức giả nên lên án mạnh mẽ những chuyện lố bịch ấy và giáo dục con em theo hướng thực hất lành mạnh, tôn trọng cáo cao cả hơn là khoe mẻ dối trá. HCM, 28/6/09
T.Q.Đ

Họ và tên: Nguyễn Khắc Trung
Địa chỉ: 775 Giải phóng HN
Email: tri45@yahoo.com.vn
 

Bài viết của tác giả phản ánh đúng thực chất sự sính bằng cấp, danh hiệu hiện nay. Trong khối doanh nghiệp doanh nhân: khoảng 40, 50 giải thưởng, danh hiệu mua với giá vài chục triệu đồng sau đó đem trưng bày ở để làm PR nhưng vài tháng sau thì doanh nghiệp bê bối. Trong giới học thuật, có lần một phóng viên hỏi Nhà sử học Dương Trung Quốc về vấn đề học hàm học vị của ông. Ông có nói đại ý Tôi chỉ là cử nhân sử học và còn sử dụng chuyên môn không hết bằng cử nhân này. Thật đáng trân trọng biết bao!

Họ và tên: Nguyễn Quốc Hội
Địa chỉ: Hanoi
Email: quochoi.nguyen@yahoo.com
 

Xin trân trọng cảm ơn anh ĐẶNG HỮU PHÚC đã viết bài này, bài viết rất hay, về một đề tài cũ mà không cũ, mong rằng có nhiều nguời chịu khó đọc và ủng hộ việc tẩy chay nạn hữu danh dài vô thực tài đang tràn lan mọi nơi. Quốc Hội ( Bạn học của Anh Phúc )

Họ và tên: Ngô Ngọc Qoang
Địa chỉ: Vũng Tàu
Email: qqooangate@yahoo.com
 

Xin cảm ơn ông Đặng Hữu Phúc, ông đã cho tôi có một bài rất hay để đọc, những gì ông viết thật giống với những điều tôi thường hay nói chuyện với người thân, nay được đọc công khai trên mặt báo tôi thấy thật thú vị
Trung ngôn - nghịch nhĩ. Thói rởm đời này bao giờ mới bỏ được?/Cho dân ta đứng vững trên chân mình.

Họ và tên: Thanh Tâm
Địa chỉ: Lạng sơn
Email: thanhtam@yahoo.com
 

Cảm ơn tác giả đã có một bài viết sâu sắc gửi đến chúng tôi, Tôi nhớ, năm học trước, trong một đêm diễn văn nghệ phòng chống ma túy do huyện đoàn và đoàn trường tổ chức, người dẫn chương trình quên mất không giới thiệu chức vụ của tôi (phó bí thư đoàn trường) và tôi đã cảm thấy không hài lòng. Bây giờ đọc bài viết này tôi lại nhớ đến cảm giác của tôi khi ấy và cảm thấy thật xấu hổ. còn biết bao nhiêu người nữa cũng đã từng và đang có cảm giác đó, nếu họ không được thức tỉnh bằng những bài báo ý nghĩa này thì thử hỏi sau một thời gian, khi mà cảm giác trở thành nét tính cách thì những con người đó sẽ trở thành người như thế nào

Họ và tên:
Địa chỉ:
Email: anhkhoa20002009@yahoo.com
 

Đọc xong bài viết này tôi e rằng tôi sẽ phải phê phán chính bản thân mình vì đã thờ ơ trước những vấn đề quá lớn của dân tộc: có nhiều lúc nghe ở đâu đó những vấn đề tương tự xong rồi lại thấy nó... cũng bình thường. Theo tôi hình như ai cũng thấy được những vấn đề này, chỉ là ở góc này hay góc kia. Vấn đề còn lại là sự bắt tay của các nhà khoa học và các nhà quản lý mà thôi.

Họ và tên: Hoàng Xuân Cơ
Địa chỉ: Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội.
Email: cohx@vnu.edu.vn
 

Bài viết của Đặng Hữu Phúc rất hay nhưng tôi hơi buồn vì không hiểu Ông muốn sửa chữa "lỗi" nào đây trong xã hội chúng ta ngày nay. Trước hết là nên bỏ hẵn những "danh hiệu" đi chăng?. Tôi nhớ lại một chuyện "ngụ ngôn" về một tấm biển: "Ở đây có bán cá tươi". Với sự phản biện của rất nhiều người nên chủ quán lần lượt bỏ từng từ một, trước hết là từ "tươi" vì chẵng lẽ là bán cá ươn?. Và rồi cuối cùng là bỏ hẵn cả biển vì "mùi cá tự nhiên" sẽ giúp mọi người tìm đến cửa hàng. Hiện chúng ta có rất nhiều "danh hiệu" vậy nên bỏ hết ngay hay bỏ từng danh hiệu một?, bỏ danh hiệu nào trước đây. Câu hỏi này liệu Nhạc sỹ có trả lời được không?. Thật ra chỉ vì một số “phần tử” lợi dụng được những danh hiệu này để làm “càn” mà bỏ đi thì cũng hơi phí. Vì rất nhiều người có quyền tự hào và đáng được tôn trọng khi mang những danh hiệu này, danh hiệu được Nhà nước phong tặng. Vấn đề là tìm cho ra tại sao chúng ta lại để lọt những phần tử không “ra gì” vẫn đạt được danh hiệu và lại dùng danh hiệu ấy để làm những việc không nên làm. Sau nữa là chỉ ra ai là những người xứng đáng với những danh hiệu được trao, ai là những kẻ cơ hội?. Tôi nhớ không nhầm thì rất lâu rồi đã có một GS. viết là một phần ba số người được phong GS gần đây không xứng đáng và sau đó một GS. khác phản biện là nói như vậy không chuẩn lắm và kém tác dụng vì chả biết GS nào nằm trong số một phần ba ấy.
Theo Tôi, đây là vấn đề phải có những nghiên cứu nghiêm túc mới có thể trả lời được. Nhà nước nên đặt ra một đề tài dài hơi liên quan đến vấn đề này. Khi đó sẽ có dịp cho những người như Nhạc sỹ tham gia làm rõ những vấn đề đặt ra một cách có khoa học, để mọi người tâm phục khẩu phục. Tuy nhiên, vẫn xin cảm ơn Nhạc sỹ vì những lời cảnh báo rất tâm huyết.
 

Họ và tên: Viet Phan
Địa chỉ: Ha noi
Email:
 

Toi xin cam on tac gia Dang huu phuc da noi len su that.su hinh thuc va benh chay theo bang cap dang noi len nhu con o cac truong Dai hoc noi chung va cac truong Van hoa nghe thuat noi rieng,neu cac nha lanh dao khong nhin nhan mot cach nghiem tuc ve bai viet cua tac gia thi tuong lai khong xa o Viet nam chung ta co rat nhieu thac sy va tien sy nhung khong giup duoc gi nhieu cho dat nuoc.

Họ và tên:
Địa chỉ:
Email: haphanviet@yahoo.com
 

Bài viết hay quá. Không những sính những danh hiệu đang có, người ta còn tưởng tượng ra những danh hiệu không có để ghép vào. Cách đây không lâu, trên đài truyền hình Nghệ an, ngoài các danh hiệu NSND, NSƯT, còn có cả "Nghệ sĩ xuất sắc". Tôi không làm nghệ thuật nên tôi không biết cái danh hiệu này do ai phong tặng.

Họ và tên: Nguyễn Thẳng Thừng
Địa chỉ:
Email: thangthung@gmail.com
 

Xin cảm ơn tác giả đã viết một bài viết nói đúng biết bao tâm tư của những "học thật" (chứ không phải học "giả").
Tôi làm trong ngành tài chính, mặc dù chỉ có bằng Cử nhân Ngân hàng nhưng tôi dám tự tin rằng tôi xuất sắc hơn rất nhiều MBA, MOF (Master of Finance) của các bác đi học đâu đó về. Tôi thấy nhiều bác đi học (không biết đi học hay đi chơi) ở nước ngoài có 1 năm mà đã có bằng Master. Rồi cố thêm chút xíu đã có bằng Ph.D. Trong khi nói chuyện thì mới rõ là trình độ "dỏm", làm việc thì lóng ngóng. Du học nước ngoài cũng "thượng vàng hạ cám" kinh khủng.
Tôi kể câu chuyện để xin bổ sung cho tác giả rằng căn bệnh bằng cấp bây giờ rất nặng rồi. Nhiều người đi học vì cái bằng, vì học vị chứ chẳng vì kiến thức.

Họ và tên:
Địa chỉ:
Email: chanhunggiatoc@yahoo.com.vn
 

Một bài viết quá nhiều tâm huyết. Tác giá đã nói thay lời cho rất nhiều người trong đó có tôi.
Để khắc phục tận gốc vấn đề này là hết sức khó khăn trong hoàn cảnh hiện nay. Nhưng tôi tin rằng cái đúng, cái hay sẽ tìm ra chỗ đứng; chính những con người chân chính, biết yêu, biết ghét thật lòng sẽ tiên phong trong việc này. KHi tự mỗi cá nhân dám đấu tranh vượt qua chính mình, có lòng tự tôn dân tộc, có suy nghĩ của bậc trượng phu thì cái nạn trên sẽ không còn đất sống!!!

 

http://www.tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu//7317/index.aspx

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    Đặng Hữu Phúc