Thư ngỏ của một công dân gửi Quốc hội

Vietsciences- Nguyễn Xuân Hãn           19/06/2009

 

Những bài cùng tác giả

Gởi:

Người Đại biểu Nhân dân Số 161(370), ngày 22-11-2004 
Diễn đàn đại biểu – diễn đàn cử tri (Bài này QH đã phát cho từng đại biểu)
Tổng biên tập: Hồ Anh Tài, ĐT: 08046423, E-mail: ndbnd@hn.vnn.vn 

 

4 tỷ đô la cho giáo dục, và 100 triệu USD doanh thu của nhà xuất bản giáo dục  được tính như thế nào?

  (Lời của Ông Hiển tỏ ý bức xúc trước thông tin giáo dục Việt Nam mỗi năm tốn “4 tỷ USD chiếm 10% GDP; chưa có nước nào đầu tư như vậy1. Nhà xuất bản Giáo dục có chuyện này chuyện kia cần phải góp ý, nhưng nói lãi hàng ngàn tỉ là không chính xác”. Vnexpress 15.11.2004)

    Ngày 15/11vừa qua, Quốc Hội đã nghe báo cáo tình hình giáo dục của Bộ GD-ĐT, và trong suốt một ngày làm việc, đã có hàng chục ý kiến đóng góp cũng như chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển về những vấn đề tồn tại của giáo dục Việt Nam, Trong giải trình của mình, Bộ trưởng đã nhấn mạnh đến một con số đang làm xôn xao dư luận: 4 tỷ USD  cho giáo dục, có hay không? và 100 triệu USD là doanh số của NXBGD hàng năm? Là người đưa ra con số trên xin Quốc hội xem lại  lại thông tin này. 

    Con số 4 tỉ USD do tôi đánh giá và đưa ra khi Bộ GD-ĐT đề nghị tăng học phí. Việc tăng học phí có nên hay không, chúng ta chỉ có thể trả lời khi biết rõ tổng thu và tổng chi của ngành giáo dục. Chi tiêu cho giáo dục của Nhà nước và của dân ngày càng tăng, vào 2003 đã đạt con số 4 tỷ2 USD/năm, trong đó có 2 tỷ USD của Nhà nước và 2 tỷ của USD dân. Toàn bộ cách tính toán này được phát biểu công khai tại cuộc họp do Ban khoa giáo Trung ương và Bộ GD-ĐT tổ chức, trong đó có hai Đ/c nguyên Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Đỗ Mười và Lê Khả Phiêu tham dự, và nhiều chuyên gia của các Ban ngành tham gia ngày 6/10/2004 tại số 7 Nguyễn Cảnh Chân, còn tài liệu tôi đã chuyển trực tiếp cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT từ vài tháng nay. Rất tiếc lãnh đạo Bộ GD-ĐT phát biểu tại QH đã giải thích sai bản chất của vấn đề.  
 

      Tiền Nhà nước:

Trong đó có 2 tỉ USD của Nhà nước, theo  tin từ Vnexpress, ngày 23/1/2003. “Chi 30. 000 tỉ ĐVN (khoảng 2 tỉ USD). Trong đó 970 tỉ ĐVN dành cho chương trình giáo dục, 400 tỉ ĐVN cho phổ cập giáo dục cơ sở”. Theo con số của Bộ GD-ĐT vào năm 2003 có sự tổng hợp như sau: tính đến nay có 114 dự án với số tiền là 989,5 triệu USD bao gồm: (vốn vay 404,1 triệu USD cho 8 dự án lớn) + (Viện trợ không hoàn lại là 477,35 triệu USD) + (vốn đối ứng là 108,7 triệu USD). Thực chất vay của nước ngoài là 880,8 triệu USD. Trong con số 4 tỉ USD, không kể khoản tiền này. 

      Triển khai các chủ trương chính sách, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống đòi hỏi sự hiểu biết ở tầm quốc gia. Nếu chỉ dừng tính toán “học phí” theo kiểu hành chính, theo thiển nghĩ của tôi chưa đủ. Hiện người dân ta thán nhiều khoản đóng góp chưa có cơ sở pháp lý. Ví dụ mà Đài truyền hình Việt Nam đã phát gửi Quốc hội . Theo điều tra ở phường Chương Dương gần Trung tâm Thủ Đô, trong số gần 1 triệu VNĐ đóng góp đầu năm, thì chỉ có 18% là hợp lý, còn 82% là phi lý (Báo Văn Nghệ trẻ 10/10/2004). Vậy con số 82%, trong đó có cả tiền học thêm, quỹ phụ huynh, tiền thăm cô giáo ốm, tiền quà ... có phải là tiền dân phải chi cho giáo dục không? 

      Phải chăng sự khác nhau ở đây có thể là nhận thức chưa hết vai trò nhiệm vụ của mình, nên cả hai con số đã được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng, kể cả VTV do tôi đưa ra và Đ/c Nguyễn Minh Hiển trình Quốc hội, lại bị vênh nhau ?  
 

      Tiền  của dân:

Có 3 cách đánh giá khác nhau 
 

      Cách 1.

Trong cuốn “Việt Nam- Nghiên cứu tài chính cho Giáo dục”  do Bộ KH-ĐT và Ngân hàng thế giới xuất bản (10/1996- trang 5), đưa ra số liệu phối hợp điều tra: “Chi tiêu của các hộ gia đình cho GD&ĐT ở mọi cấp chiếm 43% tổng chi tiêu (của cả Chính phủ và các hộ gia đình cho GD&ĐT) vào năm 1994”. Trên dưới 50% chi phí cho học sinh phổ thông do dân đóng góp. Theo kết quả phối hợp nghiên cứu giữa Bộ GD-ĐT với Ngân hàng thế giới và các Bộ ngành về mối quan hệ giữa chi phí ngân sách và của nhân dân đóng góp trên 1 đầu HSSV, hiện nay bậc ĐH,CĐ đang có phần chi ngân sách nhà nuớc cao nhất là 69,3% phần đóng góp ít nhất chỉ có 30,7%, tỉ lệ tương ứng của THCN là 67, 8 % và 32.2%. Trong khi đó các bậc phổ thông đều có mức đóng góp của người dân khá cao như Tiểu học 44,5%, THCS là 48,7%, THPT là 51,5%. Riêng với dạy nghề phần đóng góp của người dân trong chi phí dành cho học sinh lên tới 62,1% (Báo Tuổi trẻ HCM-24/11/2001).  
 

      Cách 2.

“Theo số liệu điều tra mức sống dân cư Việt Nam của TCTK, tính bình quân, chi tiêu cho mỗi học sinh từ mẫu giáo đến đại học, thành thị là 1,298 triệu VNĐ/năm (tương đương 90 USD) và ở nông thôn là 357.000 VND/năm (tương đương 23 USD). Nếu so với mức thu nhập bình quân thực tế của người VN trong vài ba năm gần đây khong 300 - 400 USD/năm thì chi tiêu cho GD như vậy là quá cao” (Báo SGGP, ngày 8/12/2003). 
 

         Cách 3:

Dựa vào tỷ lệ xã hội hoá. Căn cứ trên phát biểu của Bộ trưởng Hồ Tế tại Quốc hội (1996)3: “Khoản chi cho GD là 8100 tỉ đồng, nhưng khoản chi ngoài ngân sách lớn hơn ba lần”. Tỉ lệ Nhà nước 1, còn bên ngoài 3. Theo kinh nghiệm  của các chuyên gia trong lĩnh vực xã hội hoá giáo dục, ta xét thấp nhất là tỉ lệ 1:1, thì con số ước đoán cũng là 2 tỉ USD.

 

         Về con số 100 triệu USD là con số doanh thu của NXBGD.

          Con số 100 triêu USD này, đã được tính nhiều lần trước Đ/c Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển, và Giám đốc NXBGD4 tại các cuộc họp do Nhà nước tổ chức. Việc phân chia lợi nhuận như thế nào tôi không biết, nên chỉ nói doanh thu, chứ không nói lợi nhuận! Còn việc tính toán dựa trên số liệu của Cục xuất bản nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập và số tem “chống in lậu” do NXB sử dụng. “ Năm 2001, tổng số xuất bản phẩm được xuất bản và phát hành là 237,760 triệu bản với tổng doanh thu là 1.705 tỉ đồng”. Trong đó NXBGD có 200 triệu ấn phẩm xuất bản, (8 tỉ tiền tem, mỗi cái tem 40 ĐVN). Vòng đời mỗi bộ SGK dùng trong trường ít nhất là 10 năm/lần, như Srilanca còn cung cấp miễn phí SGK  cho toàn bộ bậc học phổ thông. Nguyên nhân sâu xa, chương trình và SGK theo luật phải do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quản, khi cải cách phải do Chính phủ5 chịu trách nhiệm. Không rõ, vô tình hay cố ý, trách nhiệm “tổ chức” của Bộ trưởng lại được trao cho GĐ NXBG, để kinh doanh! Việc chia nội dung môt cuốn SGK thành nhiều phần, người soạn phần trước không được soạn đoạn sau”. Khi trình bầy cách làm này với các nhà khoa học mọi người đều thất kinh, sản phẩm này phải bỏ đi.    

 


[1] Cuba – mặc dù còn nghèo, để có nền giáo dục miễn phí, đã đâu tư khoảng 10% GDP, ông Nguyễn Minh Hiển không đọc! Giáo dục thế đi vào thế kỷ XXI, Tài liệu tham khảo của Ban KHTW, NXB CTQG, năm 2002, trang 511.
[2] chi: http://vtv.vn/tintuc/binhluan/2004/9/27478.vtv  
[3] Cùng tham gia Hội Khuyến học Việt Nam, tôi đã trực tiếp trao đổi với  Bộ trưởng Hồ Tế về các con số và tỉ lệ này.
[4] Cuộc họp 12/9/2000 tại VP Chính phủ do PTTg Phạm Gia Khiêm điều khiển, có ông  Ngô Trân Ái GĐ NXB GD; Các cuộc họp Hội đồng Quốc Gia Giáo Dục do Thủ tướng Phan Văn Khải, có Đ/c Nguyễn Minh Hiển, tôi cũng đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Các cuộc họp Ban KGTƯ, cuộc họp do Đ/c Nguyễn Khoa Điềm tổ chức, các Báo Nhân Dân, Lao Động, Đại Đoàn Kết, Đài phát thanh TƯ, Đài truyền hình trực tiếp 25/9/2004, vân vân đều nói về con số 100 triệu USD này .
[5] Theo các điều 86 và 87 Luật Giáo Dục.
 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    Nguyễn Xuân Hãn