Thu chi tù mù, cái khó dân chịu

Vietsciences-Hồng Lê Thọ       07/01/2008

 

Những bài cùng tác giả

Sự phân hóa giàu nghèo trong giáo dục cưỡng bách là điều đi ngược lại với tôn chỉ “tạo công bằng”, “xây dựng một mặt bằng dân trí cơ bản” chung cho cả nước

Ngày 7-11-2007, Bộ GD- ĐT lại đưa ra những con số cho cấp THCS, THPT trong những năm 2001-2006 với chi phí học tập gấp 2,2-2,7 lần so với học phí và nhấn mạnh tỉ lệ này không quá 7%, riêng ở đô thị có nơi còn dưới 4% (?!).

 

Chi nhiều nhưng chi vào đâu?

Đây là những con số đáng ngờ vì cách tính thu nhập bình quân của người dân rất mơ hồ và phần tính học phí quá thấp, phi thực tế. Tuy nhiên, điều đáng để ý là cũng theo báo cáo này, chi phí học thêm của 2 cấp này chiếm tỉ lệ khá cao 16%-20% và chi phí giáo dục khác cũng từ 14%-21%, trong khi học phí là 27%-32%. Những con số chồng chéo và “đá” nhau mà người ngoài cuộc không thể lý giải nổi.

Điều thú vị là nếu lấy con số năm 2006 thì bộ chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ tương đương với 5% tổng ngân sách Nhà nước chi cho ngành giáo dục, số tiền chuyển về bộ ngành khác chi là 21,2%, phần lớn nhất đã được chuyển thẳng về địa phương (tỉnh, TP...) là 73,8%. Liệu Bộ Tài chính và Bộ GD-ĐT giám sát việc thu-chi này như thế nào? Theo báo cáo Bộ GD-ĐT vừa gửi Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về tình hình phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách năm 2008, ước chi cho giáo dục và đào tạo trong năm này là 76.200 tỉ đồng, chiếm 20% tổng chi ngân sách Nhà nước, tăng 14,1% so với ước thực hiện năm 2007. Riêng phần ngân sách cho chi thường xuyên của năm 2006 là 42.625 tỉ đồng, của năm 2007 là 51.860 tỉ đồng (chiếm 80% tổng kim ngạch cho giáo dục). Mức tăng này cao hơn mức trượt giá (7%-8%) của giá cả hàng tiêu dùng, gánh nặng của chi phí giáo dục chiếm xấp xỉ 20% tổng thu chi của Nhà nước (tương đương 8,3% GDP), lấy từ thuế và thu theo ngân sách là tiền của người dân đóng góp, tài sản quốc gia, vậy mà vẫn không đủ. Đây là cơ sở để Bộ GD-ĐT chủ trương tăng học phí như mọi khi, mọi cái khó về tiền vẫn quy về người dân.

Những con số thực tế nói trên cho thấy ngân sách chi cho giáo dục năm nào cũng tăng (10%-15%), việc lo lắng rằng không đủ để chi nhằm nâng cao chất lượng là điều cần xem lại.

 

Hình thành “đẳng cấp hóa” giàu nghèo

Nhìn chung, ở các địa phương nghèo như Quảng Trị thì Sở GD-ĐT quy định mức thu bình quân bắt buộc khá lạ lùng, cao hơn tiền đóng góp công khai nhưng so với phần phụ phí ở TPHCM thì vẫn thấp hơn. Điều này có nghĩa là tốc độ “xã hội hóa” ở khu vực kinh tế phát triển cao hơn hẳn. Có khi “tích cực” đến mức mà bản thân TPHCM cũng phải ngán ngẩm như khi ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, xin hạ chỉ tiêu “xã hội hóa” mặc dù số trường ngoài công lập ngày càng nhiều. Như vậy, thông qua việc xã hội hóa đã hình thành sự “đẳng cấp hóa” giàu nghèo, về thầy giáo, nội dung học tập... Sự phân hóa giàu nghèo trong giáo dục cưỡng bách là điều đi ngược lại với tôn chỉ tạo công bằng, xây dựng một mặt bằng dân trí cơ bản chung cho cả nước.

Vị trí của trường công lập còn hay không khi Nhà nước chỉ điều tiết về mặt chính sách hay phân bổ ngân sách hạn hẹp, còn lại trong miếng bánh “giáo dục” vốn xem giáo dục phổ cập chiếm 30% ngân sách giáo dục là cơ bản mà vẫn chưa đủ? Chủ trương giao cho nhà trường “quyền tự chủ về tài chính”, nghĩa là đầu ra và đầu vào nhà trường phải tự cân đối thu và chi, vai trò giám quản của Nhà nước trở nên rất mờ nhạt, chỉ còn lại là báo cáo hay chỉ đạo hành chính. Hoặc có chăng là sự chủ động phân phối các khoản viện trợ, cho vay từ nước ngoài, kèm theo các chuyến công du nước ngoài, bổng lộc và “lại quả”?

“Bất khả tri”

Theo báo cáo của ngành giáo dục trình Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội ngày 2-10-2007, cơ cấu chi về lương và các khoản phụ cấp có tính chất lương thường chiếm khoảng 85% - 90% (trong khi thống kê của ngành thì tổng quỹ lương chỉ chiếm 61,60% - chênh lệch hơn 10.000 tỉ đồng), chi cho các hoạt động giảng dạy, học tập, mua sắm, sửa chữa, hành chính quản lý chỉ khoảng 10% - 15% (báo cáo khác của bộ là 38,4%). Những con số càng đọc càng rối! Hàng chục ngàn tỉ đồng này lẩn hút đi đâu?! Hơn thế nữa, kim ngạch vay mượn để chấn hưng giáo dục của các cơ quan tài trợ nước ngoài (ADB, World Bank...) cũng đã trên mức 1,3 tỉ USD, đã được thực hiện như thế nào, quả là điều “bất khả tri”.

Đã đăng trên Người Lao Động

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Hồng Lê Thọ