Thi cử xứ người

Vietsciences-Võ Thị Xuân Sương     21/07/2007
 

Những bài cùng tác giả

 Ngày 11 tháng 6 vừa qua là ngày đầu tiên thi Tú tài năm nay của Pháp. 621.532 linh hồn lo âu kéo dài hơn hai tuần lễ. Trong số này chắc chắn sẽ có khoảng trên dưới 100 linh hồn gian lận, là con số trung bình mỗi năm - và chắc chắn không có một linh hồn còn thò lò mũi xanh mới 12 tuổi 11 tháng, kỷ lục nhỏ nhất từ trước đến giờ (*). Nếu bị bắt tại trận, giám thị đình chỉ việc gian lận nhưng vẫn để thí sinh tiếp tục làm bài, chỉ bị đuổi khỏi phòng trong trường hợp thi hộ hay gây xáo trộn. Bài làm đó sẽ được chuyển cho Khu trưởng (recteur, người đứng đầu một khu giáo dục gọi là académie)  [1], và ông này sẽ lấy quyết định truy tố hay không, căn cứ vào các ghi chú của giám thị. Thí sinh tội nhẹ thì bị hủy bài thi, nặng hơn thì bị cấm thi hoặc ngay cả các cuộc thi cao hơn sau này trong nhiều năm, coi như trên đường xuống địa ngục. Nếu trễ giờ, chỉ ông sếp trung tâm thi là người duy nhất có quyền cho thí sinh đi trễ dự thi hay không, trong giới hạn 1 giờ sau khi đề thi đã công bố. Và nếu ốm đau thình lình, thi sinh phải có giấy chứng nhận của bác sĩ để thi kỳ nhì vào tháng 9.

Trong cuộc thi tú tài, sổ học bạ cũng đóng vai trò quan trọng (chính phủ mới chủ trương sẽ từ từ bỏ - như mọi quyết định chính phủ, dân chúng người ủng hộ người phản đối). Nếu thí sinh gặp khó khăn mà có điếm tốt trong học bạ, ban giám khảo có thể căn cứ theo đó châm chước nâng đỡ. Thí sinh không thể phản đối điểm thi vì «Ban giám khảo là vua», trừ phi có «lầm lẫn vật chất» như điểm ghi lại sai với điểm nằm trên bài làm. Để tránh trường hợp này, nếu nghi ngờ khi bài làm tốt mà điểm kém, thí sinh có quyền yêu cầu trung tâm dự thí cho xem lại bài làm của mình, rồi viết thư cho Khu trưởng xin sửa lại kết quả nếu rõ ràng điểm mình bị ghi sai. Trên thực tế, điều này cực kỳ hiếm hoi, chỉ 10 000 người thi mới xảy ra 01 lần. Các giáo sư chấm điểm không tùy hứng, họ biết phải cho cỡ bao nhiêu nhờ có bảng điểm định sẵn mỗi tầm mức. Cuối cùng sẽ có một ủy ban điều hoà xét lại các điểm, với mục đích giữ cho số trúng tuyển toàn quốc tương tự như năm trước.

Soạn đề thi :

Để có đề thi năm nay, cả một tiến trình lâu dài, nhiêu khê và nghiêm chỉnh đã bắt đầu từ năm ngoái. Đầu tháng 5, bộ trưởng Bộ giáo dục phân công: tùy theo tầm quan trọng của mình, mỗi khu phải chuẩn bị đề tài cho một hay nhiều môn thi của một ban tú tài nào đó (thí dụ Lille được chỉ định soạn đề thi môn Toán cho ban S trên khắp nước Pháp) [2]. Tháng 6, mỗi khu tự chọn một số giáo sư có khả năng cho từng bộ môn được giao phó, tập hợp họ thành nhiều ủy ban soạn đề thi, mỗi ban làm việc dưới sự chủ trì của một thanh tra giáo dục và một giáo sư đại học; ngoài 2 vị này ra, không một thành viên nào khác trong ủy ban được quyền biết mình đang chuẩn bị cho cuộc thi nào; nói cách khác, họ phải làm việc trong tinh thần vô vị lợi (không có lương thêm), kỷ luật tối đa và bảo mật tuyệt đối, và chỉ vì danh dự cá nhân và nghiệp vụ. Từ tháng 9, mỗi ủy ban sẽ xem xét tính khả thi và hữu ích của từng đề tài được đề nghị, rồi đến cuối tháng 12 các đề tài còn phải được duyệt qua bởi hai giáo sư khác, triệu tập một cách «tình cờ và vô danh» để làm thử xem đề thi có quá khó hay không, và đề nghị sửa đổi khi cần thiết. Nếu giờ thi ví dụ là 2 tiếng đồng hồ mà họ chưa làm xong sau 1 tiếng thì coi như quá khó, bởi vì đề tài phải vừa tầm cho một thí sinh trung bình có thể làm được. Khi xong, không một tài liệu gì, ngay cả loại giấy nháp cũng không được đưa ra khỏi phòng. Các đề thi thử này, dĩ nhiên sau đó không giáo sư nào được phép cho học sinh làm lại trong lớp; ai vi phạm sẽ bị xoá sổ khỏi ngành công chức (cho đến giờ, chỉ mới xảy ra một trường hợp duy nhất vào năm 1991).

Tiếp theo, 2 vị thanh tra giáo dục và giáo sư đại học chủ trì các ủy ban soạn thảo đề thi sẽ lập hồ sơ cho từng đề tài, trước khi đệ trình lên Khu trưởng. Từ đây, mỗi hồ sơ gồm có : 1) đề thi dưới hình thức quyết định; 2) ý kiến của 2 vị chủ tịch ủy ban về tính phù hợp của đề thi với quy chế thi cử hiện hành, kèm theo lời chỉ dẫn về nơi gửi đi (đề chính hay dự phòng, cho kỳ tháng 6 hay tháng 9, cho trong nước hay các trung tâm hải ngoại...); 3) ý kiến về tính khả thi của các nhà giáo thi thử. Cuối cùng, là người duy nhất có thể sửa chữa thêm bớt, và là người độc nhất trên toàn lãnh thổ Pháp biết đề thi là gì và cho cuộc thi nào, vào tháng 3 mỗi vị Khu trưởng sẽ tu bổ và dứt khoát chọn 3 đề cho bộ môn và ban tú tài được giao phó (1 cho kỳ tháng 6 ; 1 cho kỳ tháng 9 ; 1 dự bị phòng khi có trục trặc phải thay đổi vào phút chót), trước khi gửi các đề tài cuối cùng đến tất cả các Khu trưởng khác vào tháng 4, dưới hình thức bản mẫu để in ra.
 

In đề thi :

Các nhà in đề thi cũng phải được bảo mật như nhà in của ngân hàng quốc gia. Bài in xong được đóng bao ny lông bít kín, đóng thùng cạc tông và được lưu giữ ở nhà thi [3] (maison des examens) nào, trong tủ sắt của phòng nào chỉ rất ít người được biết. Nhà thi là nơi được canh gác cực kỳ gắt gao chẳng khác căn cứ quân sự mật. Đến ngày N, bản in sẽ được phân phát đến các trung tâm dự thí: từ lộ trình, giờ đi và phương tiện di chuyển (bằng xe bình thường để tránh gây chú ý) cũng đều được giấu kín đến cùng. Trên thực tế, cho đến nay chưa bao giờ đề thi bị lộ. Giáo sư và nhân viên lo khâu này được trả lương nhiều hơn các đồng nghiệp cùng chức vụ, cấp bậc. Nội việc «bị nghi ngờ» cũng là điều họ xem như điếm nhục. Tại trung tâm thi, khi nhận các thùng đề thi, ban trách nhiệm trước hết phải kiểm soát xem có thiếu mất thùng nào, hoặc có dấu hiệu gì khả nghi hay không cái đã, sau đó các thùng mới được sắp theo thứ tự (đề thi cho ngày đầu tiên ở trên cùng, cho ngày cuối ở dưới chót). Trên các thùng này có in «Anh dọn đi hả?», «Anh có quên gì không?» để nhắc nhở nhân viên ngay từ lúc chở đi, bởi vì điều đáng sợ nhất luôn luôn là sai lầm nhân sự. Cuối cùng, bao bì chứa đề thi chỉ được mở ra khi giờ G bắt đầu.

Vì cách soạn và chọn đề thi nhiêu khê cẩn thận như vậy, nên trong lúc thí sinh đang bóp trán giải bài, các giáo sư đã lo bóp trán soạn cho... đề thi năm 2008.


Xuân Sương
Paris, juin 2007


(*) Kỷ lục trước đó vào năm 2000, có 2 thí sinh 13 tuổi.

[1] Cả nước Pháp được chia ra làm 26 khu giáo dục gọi là «académies»  (31 nếu kể cả các bộ phận hành chính hải ngoại, không có cùng đề thi với các khu nội địa)

 

1-Aix-Marseille, 2-Amiens, 3-Besançon, 4-Bordeaux, 5-Caen, 6-Clermont-Ferrand, 7-Ajaccio, 8-Créteil, 9-Dijon, 10-Grenoble, 11-Lille, 12-Limoges, 13-Lyon, 14-Montpellier, 15-Nancy-Metz, 16-Nantes, 17-Nice, 18-Orléans-Tours, 19-Paris, 20-Poitiers, 21-Reims, 22-Rennes, 23-Rouen, 24-Strasbourg, 25-Toulouse, 26-Versailles

trích Wikipédia

 

 

 

[2] Pháp có 3 loại tú tài: tổng quát, kỹ thuật, và chuyên nghiệp. Mỗi loại tú tài lại chia ra nhiều ban (Thí dụ: tú tài tổng quát có 3 ban : L (triết - văn học), ES (kinh tế -xã hội) và S (khoa học); tú tài kỹ thuật có 6 ban: STI (công nghiệp), STL (phòng thí nghiệm), SMS (y khoa xã hội), STG (quản trị), STPA (công nghiệp thực phẩm), STAE (nông nghiệp và môi trường). 

[3] Cơ sở thường là liên khu được thành lập trong mục đích thi cử: rộng và được bố trí để thí sinh bắt buộc phải làm bài trong sự cô lập với nhau, và với thế giới bên ngoài.

Đã đăng trong AMVC

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Võ Thị Xuân Sương