Tăng học phí: không ổn!

Vietsciences

 

Những bài cùng tác giả

Các tân SV đóng học phí trước khi nộp hồ sơ nhập học tại Khoa kinh tế (ĐHQG TP.HCM) sáng 7-9 Ảnh: NHƯ HÙNG

TT - Qua báo chí có thể thấy rõ phản ứng không mấy thuận lợi của số đông người dân đối với chủ trương tăng học phí. Số là từ mấy năm nay, theo quan điểm "thị trường là tất cả”, lý luận "giáo dục là hàng hóa" đã du nhập vào nước ta và được sử dụng để biện minh cho chủ trương "xã hội hóa" mà nội dung được hiểu rất tùy tiện.

 

 

Nghe đọc nội dung toàn bài:

 

* Phải chăng vì thiếu tiền nên chất lượng giáo dục sút kém, do đó cần tăng học phí để nâng cao chất lượng giáo dục?

Rõ ràng tiêu cực trong thi cử, bệnh thành tích dỏm, làm láo báo cáo hay, học sinh ngồi nhầm lớp, giáo viên đứng nhầm lớp, vi phạm đạo đức nghề giáo, chương trình, sách giáo khoa sai sót nhiều, không ổn định, dạy thêm học thêm tràn lan, "chạy" trường, "chạy" lớp, học giả bằng thật... đều không phải do thiếu tiền. Vừa qua bệnh tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích đã được khắc phục một bước, đâu phải nhờ ngành giáo dục đã được cấp thêm kinh phí?

Có ý kiến cho rằng Nhà nước hiện chi cho giáo dục 20% ngân sách, nhưng giả dụ có tăng đến 25% cũng không chắc giải quyết nổi những vấn đề bức xúc của giáo dục. Đúng vậy, chỉ xin nói thêm: giả dụ có tăng 30-40% ngân sách và tăng học phí nhiều, nhiều lần nữa cũng chẳng có tác dụng gì nhiều nếu không thay đổi phong cách làm giáo dục. Vì sao? Vì chất lượng giáo dục kém hoàn toàn không phải do thiếu tiền.

Từ năm 1998-2007, đầu tư của Nhà nước cho giáo dục tăng gấp sáu lần (từ 11.754 tỉ đồng lên 67.000 tỉ đồng), chưa kể tiền vay của nước ngoài 1,1 tỉ USD, trong khi số lượng học sinh, sinh viên không tăng bao nhiêu. Cho nên không thể viện cớ khung học phí mười năm nay không thay đổi để biện minh cho đề nghị tăng học phí. Căn bệnh trầm kha của giáo dục không thể chữa trị nếu chỉ lo tăng đầu tư và phần đóng góp của người học.

* Phải chăng chỉ cần có chính sách học bổng thích hợp thì tăng học phí vẫn bảo đảm cho người nghèo đi học?

Trước hết cấp học phổ cập phải hoàn toàn miễn phí, còn các cấp học khác nếu bắt buộc phải tăng học phí, tối thiểu cũng cần có chính sách học bổng cho người nghèo, đồng thời học phí không thể đồng loạt mà cần có phân biệt theo vùng, miền. Lý thuyết thì vậy song khi nhìn vào thực trạng, ai dám chắc sẽ không xảy ra điều trái ngược: người giàu hay có quyền chức lại "chạy" được học bổng hoặc trả học phí thấp, còn người nghèo không trả nổi học phí, có khi đành bỏ học.

* Phải chăng do Nhà nước không thể bao cấp hết cho giáo dục nên phải đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, tăng cường huy động các nguồn lực xã hội cho giáo dục, trong đó có việc tăng học phí?

Ngay ở các nước giàu OECD, phần đóng góp của dân cho giáo dục cũng chỉ quanh quẩn 20%, trong khi ở nước ta tỉ lệ ấy đã vượt 40%, thế vẫn chưa đủ sao? Có người còn cho rằng quan niệm giáo dục là hàng hóa đã chiếm ưu thế trên thế giới, ta không nên né tránh thị trường giáo dục mà phải trả giáo dục về cho xã hội. Trong thực tiễn quản lý giáo dục điều đó thường dẫn đến giảm thiểu trách nhiệm của Nhà nước và trút hết gánh nặng tài chính về giáo dục cho dân.  

GS HOÀNG TỤY

 

           http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.org