Tăng học phí: vì công bằng hay do lợi nhuận? |
Vietsciences- Phạm Chi Dũng 10/11/2007 |
Đầu tư vào lĩnh vực nào là có lợi nhất? Với các nhà kinh doanh chuyên nghiệp, có
một mặt hàng không chôn nhiều vốn đầu tư mà vẫn có thể thu được lợi nhuận đáng
kể. Đó là mặt hàng giáo dục. Trước hết, lĩnh vực được gọi là quốc sách này được
sự ưu đãi tối đa của Nhà nước, được xếp vào một kênh đầu tư đặc biệt gọi là xã
hội hóa giáo dục, không những được miễn thuế doanh thu trong những năm đầu hoạt
động mà ngay cả thuế thu nhập cá nhân cũng chẳng phải đóng. Bằng chứng là chỉ có
ít, rất ít các trường dân lập phải đóng thuế, mà nếu có những trường nào phải bỏ
tiền ra thì cũng là do họ quá thành thật trong khai báo mà thôi. Cái sự bất công
ấy hình thành ngay trong tâm não của những người kinh doanh dịch vụ giáo dục từ
lúc khởi đầu nan, để cứ mỗi khi cơ quan thuế vụ xuất hiện là họ y như rằng than
vắn than dài về chuyện mức thu học phí theo khung của Bộ GDĐT thật quá khó để họ
lấy thu bù chi, nuôi dưỡng và phát triển sự nghiệp trồng người.
Trong khi đó, hãy thử làm một phép tính đơn giản: muốn xây dựng một trường đại
học với khoảng một chục khoa ngành đào tạo, nhà đầu tư chỉ cần bỏ ra 20 tỷ đồng,
cùng lắm là 30 tỷ đồng nếu muốn sang trọng hóa cái trường đại học ấy. Số tiền
này được dùng vào việc trang bị cơ sở vật chất ban đầu cho các khoa; mỗi khoa
tốn khoảng 1 - 1,5 tỷ đồng, số vốn còn lại dùng vào việc chi trả lương cho giáo
viên và những khoản khác. Với một số trường đại học, mặc dù quy định của Bộ GDĐT
là phải có ít nhất 30% giáo viên cơ hữu, nhưng trong lúc họ luôn tuyên bố hướng
đến tỷ lệ giáo viên cơ hữu là 50%, thì lại tự giảm cái tỷ lệ đó xuống chỉ còn
20%, thậm chí thấp hơn, còn số giáo viên thiếu hụt thì đi thuê thỉnh giảng từ
ngoài trường. Với cái cơ cấu ấy chắp vá như thế, đương nhiên họ không phải mất
thêm một khoản tiền đáng kể để trả phần cứng cho giáo viên, mà chỉ trả thù lao
theo số tiết hợp đồng. Thậm chí, những khoản khác đáng tiền như đầu tư trang
thiết bị, máy móc, phòng thí nghiệm, cũng được nhà trường giảm đến mức tối
thiểu, còn phần diện tích tối thiểu 2-2,5 m2 học tập cho mỗi đầu sinh viên thì
được trường lấp đầy bằng cách đi thuê mặt bằng giảng dạy. Tất cả những động tác
ấy đã được xúc tiến thuần thục với phương châm đầu tư ít, chất lượng cao. Cũng
xin nói thêm là cái được gọi là chất lượng cao như vậy đã được một số trường cụ
thể hóa bằng tiêu chuẩn phòng học có máy lạnh, và những đối tượng sinh viên được
học phòng máy lạnh thì lại phải trả thêm một khoản phụ phí cơ sở vật chất nào
đó.
Bậc đại học là thế, còn với những trường dân lập ở các bậc khác, từ trung học
phổ thông trở xuống, thì càng không phải đầu tư quá nhiều tiền bạc mà vẫn được
tiếng là đang thực hiện sự nghiệp đầu tư cho thế hệ mai sau. Những trường này,
chỉ với vốn đầu tư 3-4 tỷ đồng là có thể khang trang, còn thu học phí tối thiểu
vài ba trăm ngàn đồng/tháng cho mỗi đầu học sinh. Nói tóm lại, nhà trường chẳng
mất bao nhiêu vào vốn đầu tư ban đầu. Hơn nữa, số tiền vài ba chục tỷ nghe có vẻ
to tát, nhưng thực ra vào thời đại bùng nổ kinh doanh trong xã hội ta ngày nay,
số tiền đó luôn bị các đại gia coi là chuyện vặt. Cũng bởi thế, chẳng ngạc nhiên
gì khi ngày càng xuất hiện nhiều đại gia, bất kể đến vốn liếng sư phạm chẳng hề
tương xứng với vốn liếng buôn bán, nhảy ra kinh doanh mặt hàng giáo dục. Thậm
chí, nếu tài sản của đại gia lên đến bốn, năm trăm tỷ đồng thì việc họ có mở đến
năm bảy cái trường đại học để làm hoa mắt thiên hạ cũng được coi là chuyện nhỏ
như con thỏ mà thôi.
Nhưng tất nhiên, kinh doanh là kinh doanh, không một ai bỏ tiền ra mà lại chấp
nhận thua lỗ. Còn với một lĩnh vực được sự ưu ái của Nhà nước đến mức gần như là
đặc lợi này, thà không đầu tư thì thôi, còn đã nhảy vào cuộc chơi thì lẽ đương
nhiên nhà đầu tư không được phép trở về điểm hòa vốn bẽ mặt anh hào. Thế nhưng
khi trường đi vào hoạt động, những người điều hành lại khó có thể thổ lộ cái tâm
trạng sâu kín ấy với thiên hạ. Vì thế, họ đã tìm ra được một tấm màn che đủ để
tạo nên cảm giác khói sương mờ ảo như một thủ pháp trong hội họa. Vốn là trường
học đã có một tiêu chí nghe thật kêu, được lấy từ khái niệm của người nước
ngoài, là môi trường phi lợi nhuận. Thế là nhiều nhà đầu tư cũng dựa vào thiên
chức ấy mà lập ra hẳn những sứ mệnh này sứ mệnh kia cho trường, cốt làm sao để
hấp dẫn một cách uyển chuyển thị hiếu của các bậc phụ huynh. Những mỹ từ được sử
dụng nhiều nhất để tối đa hóa cảm giác về sự hoành tráng, về triển vọng phát
triển bền vững nhất, lấy người học làm trung tâm rõ rệt nhất của trường.
Chỉ có điều, thực tế trần trụi và học phí trần trụi lại là một thành tố hữu cơ
không thể thiếu đằng sau những câu khuyến mãi, tức đi kèm với những sứ mệnh là
việc trường phải có trách nhiệm chấn chỉnh và nâng cao nhận thức của phụ huynh
và sinh viên về mức đóng góp học phí. Thực tế trần trụi đó cũng hiển hiện tại
Việt Nam, khi với hầu hết các trường dân lập, toàn bộ sự nghiệp của trường chỉ
trông chờ vào học phí và chỉ có học phí, chứ không phải các hợp đồng nghiên cứu
triển khai hay những dịch vụ nào khác, mới đem lại nguồn doanh thu chính cho
trường.
Nếu như mức quy định của Bộ GDĐT đối với trường đại học công lập không được vượt
quá 180.000 đồng/tháng cho mỗi đầu sinh viên, tức chỉ có trên 2 triệu đồng cho
một năm học, thì từ những năm 2003, 2004, các trường đại học dân lập đã thu ít
ra gấp đôi cái khoản định mức đó. Với bình quân 5 triệu đồng cho mỗi sinh
viên/năm học, và với số tuyển sinh đầu vào khoảng 1.500 - 2.000 mỗi năm, sau khi
trừ đi cái phần sinh viên bị hao hụt qua các năm học, nhà trường cũng đạt doanh
thu đến hàng chục tỷ mỗi năm. Số doanh thu này, sau khi khấu trừ các phần lương
giáo viên và khấu hao cơ bản (dĩ nhiên không phải nộp thuế), nhà trường còn lại
được từ 40-50%. Như vậy, với số vốn đầu tư ban đầu bỏ ra là 20-30 tỷ đồng,
trường đại học dân lập chỉ sau 4-6 năm là thu lại được vốn - một thời gian hoàn
vốn khá lý tưởng so với các ngành kinh doanh dịch vụ trong thời đại cạnh tranh
ác liệt như ngày nay. Mà đó mới chỉ đề cập đến một trường hợp thành công trung
bình. Trong khi khá nhiều trường đại học đạt doanh thu khá nhờ mức học phí chính
thức trên 5 triệu đồng/năm, kèm thêm các khoản phụ phí học tập như tiền học
ngoại ngữ, tiền học vi tính, tài liệu học tập; đối với bậc tiểu học thì nào là
các khoản bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, máy tính, cơ sở vật chất, tiền giữ xe
đạp, tiền nuớc uống, tiền trật tự, tiền khuyến học, tiền in sao đề thi và giấy
thi, quỹ hội chữ thập đỏ, quỹ hội trường và công trình hội, quỹ lớp, quỹ đoàn và
thanh niên, kể cả vệ sinh phí và tiền trang bị đồng phục, chưa kể các loại sổ
vàng sổ bạc mà dù Nhà nước có cấm nhưng chẳng mấy trường tuân thủ nghiêm túc.
Tóm lại, những khoản phụ phí này có khi cũng gần bằng học phí chính thức, cộng
với số lượng tuyển sinh mỗi năm học đến hàng chục ngàn người, trong khi chi phí
bình quân mỗi năm học cho một sinh viên chỉ 3-3,5 triệu đồng, có trường còn chi
thấp đến mức 1,8 triệu đồng, mặc dù chính các trường này đưa ra con số về chi
phí đào tạo ở nhóm ngành kinh tế khoảng 5,2 triệu đồng/sinh viên/năm và nhóm
ngành kỹ thuật là 5,9 triệu đồng/sinh viên/năm, còn nhóm ngành khoa học xã hội
và nhân văn là 6,3 triệu đồng/sinh viên/năm. Rốt cuộc, thời gian mà họ nhận lại
số vốn đầu tư ban đầu thường chỉ mất khoảng 2-3 năm. Để sau đó là một thời kỳ
vàng son, ngồi mát ăn bát vàng.
Trong thời kỳ đầu mới nhấp nhá xuất hiện mô hình trường đại học dân lập, nhiều
nhà kinh doanh còn ngần ngại bỏ vốn vào vì e sợ thiếu chuyên môn về sư phạm, vả
lại nhìn quanh quất thì vẫn còn những ngành nghề đem lại lợi nhuận kha khá mà
lại phù hợp với nhạy cảm của họ hơn. Song chẳng bao lâu sau, họ bắt đầu cảm thấy
nuối tiếc vì trong khi các ngành nghề dịch vụ khác xuất hiện cạnh tranh ngày
càng quyết liệt và làm cho tỷ lệ lợi nhuận bình quân giảm đi tương đối, thì lĩnh
vực kinh doanh giáo dục lại phất lên như diều gặp gió, với tỷ lệ lợi nhuận bình
quân hàng năm có khi đạt đến 50-70%/năm, thậm chí còn gấp đôi, ngoài sự tưởng
tượng của những người theo trường phái trọng thương. Hơn nữa, việc kinh doanh
mặt hàng giáo dục, nằm trong trào lưu xã hội hóa giáo dục, lại còn được thêm
tiếng thơm sư phạm, làm giảm nỗi ưu tư về lương tâm, kể cả đóng vai trò như một
nơi rửa tiền sạch sẽ và bảo đảm nhất cho những nhà kinh doanh đã trót nhúng tay
vào chàm. Còn nếu so sánh lĩnh vực kinh doanh giáo dục với ngành y tế, thì mặc
dù giáo dục có những phức tạp riêng, song việc mở một trường đại học lại có hệ
số an toàn cao hơn hẳn so với việc mở một bệnh viện, vì khó mà xảy ra chết
người, trong khi ở bệnh viện loại tai nạn nghề nghiệp ấy xảy ra như cơm bữa. Đó
là chưa kể đến việc vốn đầu tư cho một bệnh viện tư phải gấp ít ra vài ba lần,
cho đến 5, 6 lần so với vốn trang bị cho một trường học tư.
Với những lý do đủ để cấu thành một luận thuyết kinh doanh như thế, đang có hàng
vài chục hồ sơ đệ ra xin mở trường đại học dân lập và hàng trăm đơn xin mở
trường dân lập ở các bậc học dưới đại học. Còn khi đã xuất hiện khá nhiều trường
và bắt đầu nảy sinh tính cạnh tranh trong hoạt động đào tạo này, lúc ấy các
trường mới nghĩ ra những chiêu lạ hóa để khuyến dụ sinh viên. Đánh bóng tên tuổi
của mình thông qua quảng cáo là chuyện bình thường, điều đó có thể dễ dàng làm
trên các phương tiện truyền thông đại chúng, chỉ có điều cái cách ấy có vẻ như
không tinh tế và có khi còn bị phản cảm bởi tự thân tính chất giáo dục. Thế là
bắt đầu nở rộ một chiêu thức mới: lấy tiêu chí quốc tế làm hệ quy chiếu cho sứ
mệnh của trường. Hàng loạt trường có tên Quốc tế hoặc một cái gì đó có gắn với
từ quốc tế được sinh sôi nảy nở theo cấp số nhân. Đại học là đại học quốc tế,
còn tiểu học và cả mầm non cũng mang cả danh nghĩa quốc tế mà gán ghép vào đó,
cứ như tất cả các cơ quan chủ chốt của Liên hiệp quốc đều dời trụ sở về Việt Nam
vậy. Cũng là tiếng Anh và những phương pháp đào tạo giáo dục mới mẻ được du nhập
từ các nước có nền giáo dục tiên tiến của thế giới, nhưng như vậy vẫn chưa đủ,
mà phải có yếu tố nước ngoài tham dự trực tiếp vào chương trình giảng dạy của
nhà trường thì mới oai. Thế là một số trường đua nhau săn tìm các chương trình
liên kết với nước ngoài để chiêu mộ sinh viên. Có trường chỉ cần một bản ghi nhớ
nào đó với một trường nào đó của nước ngoài, bất kể trường nước ngoài ấy có nằm
trong danh mục trường được kiểm định giáo dục đã được công bố hay không, rồi
tung ngay ra một cái thông cáo báo chí to đùng về sự kiện trọng đại ấy để đập
ngay vào mắt các tân sinh viên. Mà với những chương trình liên kết đào tạo này,
thường là do trường nước ngoài cấp bằng và sinh viên cũng có cơ hội được xuất
ngoại. Thế là học phí ngoại đương nhiên phải cao hơn học phí nội gấp từ mấy lần
đến mười mấy lần, lên đến vài ba ngàn đô la một năm, có khi còn hơn thế. Khi
được hỏi về mức học phí ngất ngưởng như vậy, phó hiệu trưởng một trường đại học
dân lập bĩu môi: mức đó mà ăn thua gì, cứ nhìn sang trường đại học RMIT
của Úc ở
Phú Mỹ Hưng mà xem, cái trường ấy nó lấy đến hàng chục ngàn đô la cho mỗi khóa
đào tạo, mà lại chỉ được học trong nước chứ có du học gì đâu. Với cái lý do ấy,
nhà trường này đã mạnh dạn nâng mức học phí lên kịch trần, trong khi về cơ sở
vật chất cùng lắm chỉ gắn thêm máy lạnh, bố trí thêm một số phòng lab học ngoại
ngữ, kèm thêm một ít giáo viên nước ngoài cho có vì (trong số giáo viên nước
ngoài ấy, có trường còn thuê cả Tây balô - miễn là người nước ngoài có mắt xanh
mũi lõ là được).
Chiêu thức trên còn được mô phỏng đặc biệt bởi một động tác kỹ thuật là mở ồ ạt
các khoa ngành đào tạo theo chủ trương đa ngành, đa lĩnh vực để thu hút càng
nhiều sinh viên theo học càng tốt. Trong đó, nhà trường chọn ra một số khoa
ngành mũi nhọn như Quản trị kinh doanh, Công nghệ thông tin, Tài chính kế toán
và tất nhiên cả những ngành thời thượng như Thị trường chứng khoán, hoặc những
ngành có khi không ăn nhập gì với chuyên môn của trường, bất kể trường đá lộn
sân từ khoa học xã hội sang khoa học tự nhiên và ngược lại. Đặc biệt với những
ngành chủ đạo mà nhà trường dự kiến sẽ thu được nhiều học phí từ sinh viên, tính
hoành tráng càng được đánh bóng thông qua các hợp đồng liên kết đào tạo với nước
ngoài, được trang điểm bằng các hứa hẹn cho sinh viên đi du học ở nước này nước
kia, được giao lưu văn hóa, được những trường rất có uy tín của nước ngoài cấp
bằng, bằng cấp có thể liên thông quốc tế, sinh viên tốt nghiệp có thể học liên
thông ở các trường quốc tế khác, kể cả hứa hẹn về việc nhà trường sẽ thu xếp
việc làm ổn định với mức lương cao cho sinh viên tốt nghiệp! Và lẽ đương nhiên,
những ngành học chủ đạo như vậy sẽ được bổ trợ vơi mức học phí cao ngất ngưởng
mà con em những gia đình có mức thu nhập dưới mức trung bình sẽ chỉ có nằm mơ.
Thế nhưng, lại có một chuyện mà ai cũng nhận ra: cái gọi là tính chất phi lợi
nhận của trường thực ra chẳng phù hợp chút nào với hoàn cảnh đầu tư tự lực cánh
sinh của họ mà không có một đồng nào tài trợ của nhà nước. Vậy nếu không có lợi
nhuận thì lấy tiền đâu để trả lương giáo viên, rồi còn cả các khoản dành cho
tích lũy và phát triển, và trên hết lấy đâu ra tiền chênh lệch để bỏ túi cho nhà
đầu tư cùng các cổ đông sáng lập ra trường. Trước những câu hỏi phản biện xã hội
loại này, một số trường đã áp dụng ngay bài bản của những trường nước ngoài có
tiếng trên thế giới: phi lợi nhận không có nghĩa là không có lợi nhuận, mà là
lợi nhuận vừa phải. Nhưng một sự phản biện khác lại nổi lên: thế nào là mức lợi
nhuận vừa phải - 5%, 10%, 50% hay 100%? Và làm thế nào để nhà đầu tư cảm thấy an
tâm trong môi trường kinh doanh giáo dục mà không cảm thấy bị thua thiệt nếu so
sánh với những môi trường đầu tư khác?
Thấm thoắt thời gian trôi qua, đề án tăng học phí, khi thì tăng tại bậc đại học,
khi thì tăng học phí các bậc trung học và tiểu học, lúc lại tăng học phí đồng
loạt ở các bậc, cứ thỉnh thoảng lại dội lên như một cơn sốc đối với phần lớn xã
hội làm công ăn lương. Lý do tăng học phí được nêu ra chỉ dựa trên vài ba căn cứ
chung nhất như giá cả thị trường leo thang, nhà trtường cần tu bổ lại cơ sở vật
chất của truờng, nâng mức thù lao cho giáo viên? Những con số khá tròn trịa được
nêu ra như một dẫn chứng thuyết phục: học phí của sinh viên được chia bình quân
43% cho cơ sở vật chất, 35% cho lương giảng viên, 25% cho quản lý. Nhưng đó mới
chỉ là con số bình quân, chứ trong thực tế thì không sinh viên trường nào biết
được thực chất học phí mình đóng đi đâu, được sử dụng vào việc gì và có hiệu quả
hay không (đối với những trường công lập). Còn với những trường dân lập thì vấn
đề minh bạch hóa thông tin càng được bảo mật đặc biệt, đơn giản vì không nhà
giáo dục tư thục nào lại muốn cho người ngoài biết về số lời lãi thực của mình.
May nhờ báo chí và dư luận lên tiếng kịp thời, và cũng kịp thời đưa ra nhiều con
số chứng minh mang tính định lượng hơn hẳn các đề án tăng học phí, nên Nhà nước
đã vui lòng cho chầm chậm việc thông qua và triển khai những đề án này. Tuy vậy,
cái gì phải đến tất sẽ đến, đến hẹn lại lên học phí, đó là quy luật muôn thuở mà
các bậc phụ huynh và sinh viên không có cách nào trốn tránh được. Để tự an ủi,
có người còn tự quan niệm học phí là một loại thuế thân mà người học bắt buộc
phải tự có trách nhiệm, nếu không muốn nhà trường vô trách nhiệm đối với mình.
Vào khoảng thời gian khi dư luận đã có vẻ oải và không khí chung có vẻ đã
nghiêng về xu thế tăng học phí, có vài ba vị lãnh đạo ngành giáo dục còn mạnh
miệng phát biểu trước báo giới: không để một học sinh nào phải nghỉ học do tăng
học phí. Nhưng cơ sở nào để đưa ra lời tuyên bố đầy lạc quan này thì lại không
được giải thích cụ thể. Người ta chỉ nói chung chung là sẽ thành lập ra quỹ này
quỹ nọ nhằm giúp đỡ những học sinh và sinh nghèo. Thế nhưng ai cũng biết là một
cái quỹ như thế, nếu có được hình thành, đều kèm theo một cơ chế thủ tục, ít
nhất là khâu xin phép rất là rắc rối. Đó là chưa kể đến việc nếu đưa quỹ vào
hoạt động mà không có những đối tượng cụ thể được xét miễn giảm, hoặc thực tế
thì những đối tượng đó bị đối xử như một dạng bệnh nhân mang bảo hiểm y tế, thì
cũng đến khổ cho các học sinh có gia cảnh khó khăn, mà nói chung là có rất
nhiều cản trở để thực hiện công bằng về giáo dục. Trong khi đó, lại có những
trường đi tiên phong về chính sách như tự đặt ra quy định miễn giảm các khoản
đóng góp (hội phí, quỹ khuyến học, quỹ hội Chữ thập đỏ, quỹ hội lớp, tiền giữ xe
đạp, tiền vệ sinh cho các em là con liệt sĩ, con thương bệnh binh, con mồ côi cả
cha lẫn mẹ, con gia đình hộ nghèo); thoạt nhìn có vẻ thật sự là chính sách từ
thiện nhân đạo, nhưng thực ra những khoản này Nhà nước vừa không khuyến khích,
thậm chí còn cấm thu, vậy nên việc những trường bày ra sự xét miễn giảm như thế
có vẻ như một hành vi giả tạo.
Một thời gian sau những lời tuyên bố rằng sẽ không để cho học sinh nào phải bỏ
học, thấy có vẻ không ổn, một người có trách nhiệm trong ngành giáo dục lại đưa
ra một tuyên bố khác có tính điều kiện hơn: có thể phải chấp nhận những trường
hợp sinh viên phải thôi học khi tăng học phí. Nhưng khi phát ngôn ra điều đó,
liệu vị có trách nhiệm này có ước đoán sẽ có bao nhiêu sinh viên nghèo phải nghỉ
học hay không. Theo đánh giá chung, những trường hợp thiếu tiền, không đủ tiền
và phải nghỉ học không phải là hiếm, thậm chí còn khá nhiều. Đã có những so sánh
cho rằng với sự chênh lệch giữa số 20% người có mức thu nhập cao nhất và 20%
người có thu nhập thấp nhấp đang có khoảng cách đến hàng chục lần hoặc hơn, rõ
ràng số học sinh và sinh viên phải ngưng học do tăng học phí càng chất đống.
Song trước cái viễn tượng hoàn toàn có thể trở thành hiện thực ấy, Bộ GDĐT và
các sở GDĐT địa phương liệu có nhìn thấy, và có trách nhiệm đến đâu trong việc
hạn chế bớt tỷ lệ phải thôi học? Câu hỏi này cho tới nay vẫn chưa nhận được sự
trả lời công khai và thuyết phục nào.
Trong thực tế, khi các đề án tăng học phí chưa được thông qua chính thức, mức
học phí tại các trường có tăng lên không? Thực tế là có, quá rõ ràng, không phải
tăng theo từng khóa học mà theo từng năm học, thậm chí theo từng học kỳ, ở tất
cả các bậc học. Có lần, tôi đã chứng kiến một người mẹ đưa con gái dến trường
tiểu học. Cô bé rất dễ thương, mắt sáng như sao, mặc đồng phục chỉn chu và chỉ
chờ được vào lớp. Thế nhưng cho dù người phụ nữ hết lời năn nỉ, tay nhân viên
thu ngân của nhà trường vẫn mặt trơ như đá: Khi nào đóng đủ tiền mới cho học!
Cuối cùng, hai mẹ con đành phải lủi thủi dắt nhau ra khỏi cửa trường. Không biết
những gót chân nhỏ nhắn ấy có bao giờ còn cơ hội quay trở lại ngôi trường nguy
nga lạnh lẽo này nữa không? Tuy đó chỉ là một chi tiết nhỏ, hết sức vụn vặt
trong đời sống, nhưng chắc chắn hình ảnh ấy, cùng với ánh mắt thèm thuồng nhìn
vào lớp học của cô bé sẽ khiến tôi chẳng bao giờ quên được.
Người ta cũng còn bàn đến một động tác gọi là nghệ thuật tăng học phí. Đa số các
trường dân lập đều đã tăng học phí, nhưng không phải trường nào cũng tăng giống
nhau. Có trường tăng từ từ, nhưng cũng có trường tăng đột ngột và gây sốc nặng.
Đã có trường hợp một trường đại học, sau khi đã tuyển sinh viên đầu vào xong,
mới đưa ra chủ trương tăng học phí, mà lại không lấy ý kiến của phụ huynh và
sinh viên theo cung cách dân chủ cơ sở. Mức học phí dự kiến tăng chênh lệch với
mức học phí cũ đến 3-5 triệu đồng cho mỗi năm học. Khi sinh viên cắc cớ hỏi nhà
trường tại sao, nhà trường chỉ giải thích chung chung là phải tăng để đáp ứng
nhu cầu chất lượng cao của nhà trường, bổ sung phòng máy lạnh và tăng do? trượt
giá. Ngay lập tức, có đến 70% số sinh viên đang theo học tại trường này đã phản
ứng, gay gắt đến nỗi có nguy cơ trở thành đám đông khiếu kiện tập thể khiến nhà
trường phải vội vàng rút lại chủ trương tăng học phí của mình.
Trước thực trạng loạn học phí, về phần mình, Bộ GDĐT lại chưa có được một quan
điểm thống nhất về mức học phí đối với trường tư thục. Vì thế, trong khi các
trường đại học công lập vẫn phải chịu trận với mức học phí cũ (180.000 đồng/sinh
viên) thì các trường đại học dân lập và tư thục lại thu khá thoải mái, thậm chí
có trường còn nâng mức học phí mới lên đến 8-9 triệu đồng/năm học. Hiện nay, vẫn
còn ngổn ngang giữa các ý kiến của những người có trách nhiệm về quản lý nhà
nước, khi người cho rằng trường đại học tư phải tuân thủ theo khung học phí của
Bộ GDĐT, có người lại phản bác rằng đã là trường tư thì hẳn nhiên được tự chủ về
tài chính, học phí thế nào là tự quyết định, ăn thua là số lượng sinh viên chấp
nhận mức học phí đó nhiều hay ít.
Dưới góc nhìn của nhà báo, học phí tuy không phải là yếu tố quyết định việc hình
thành chất lượng đào tạo của trường đại học, nhưng đối với một bộ phận đáng kể
sinh viên thì lại là một điều kiện tiên quyết để quyết định có theo đuổi được
việc học tập hay không. Nếu mức học phí quá cao, số sinh viên tham gia đầu vào
của trường đại học sẽ giảm và điều này lại ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu của
trường.
Trong những dự báo rất gần về cơ chế tự chủ tài chính, về khả năng tăng dần mức
học phí, cũng như sự nôn nóng của một số trường đại học muốn nhanh chóng nhảy
vào cuộc chơi sôi động với các trường đại học nước ngoài, hoặc do e sợ sự cạnh
tranh khốc liệt của nước ngoài mà muốn tăng học phí càng nhanh càng tốt, càng
nhiều càng tốt nhằm tăng đầu tư cho hoạt động đào tạo của mình?, việc các trường
đại học được tự quyết định về mức học phí của sinh viên là một khả năng có thật.
Thế nhưng, cũng như tất cả những gì mà chúng ta - trong đó có cả phụ huynh và
người học - lo lắng khôn nguôi là tình trạng tăng học phí, đôi khi tăng vô tội
vạ, tại một số trường đã không thường gắn bó với tỷ lệ tăng trưởng về chất lượng
đào tạo ở những trường đó. Vậy nếu sắp tới mức học phí được tăng lên, thậm chí
tăng lên đến chóng mặt ở một số trường, thì những hệ quả nào sẽ xảy ra?
Chúng ta hãy xem xét những hệ quả có thể xảy ra dưới đây:
* Việc tăng học phí ồ ạt cũng đồng thời làm cho công tác quản lý nhà nước khó
khăn và bất cập hơn nhiều.
Đối với quan điểm cho rằng tăng học phí sẽ tăng trách nhiệm của trường đối với
người học và phải tường minh trong việc sử dụng kinh phí từ nguồn thu học phí,
thì trong thực tế đã cho thấy một số trường đại học không bảo đảm trách nhiệm
của mình tương ứng với tỷ lệ tăng học phí (thay vì tăng tương ứng đầu tư cơ sở
vật chất, chương trình đào tạo thì lại tăng tỷ lệ chia lãi giữa các cổ đông
thành lập trường), đồng thời sự bất cập xảy hầu như không được điều chỉnh bởi
các cơ quan quản lý nhà nước (như thuế, kiểm tra, kiểm định chất lượng đào tạo
và các điều kiện tối thiểu cho học tập, sinh hoạt của sinh viên). Trong tương
lai gần, nếu như việc tăng học phí của các trường được coi là một chủ trương mở
từ phía Bộ GDĐT và dẫn đến tình trạng tăng học phí ồ ạt với nhiều khoản thu bất
hợp lý, không có gì bảo đảm là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục sẽ có đầy đủ
ý thức trách nhiệm và khả năng để can thiệp nhằm hạn chế tình trạng thương mại
hóa này.
Do vậy, đã có quan điểm cho rằng một trong những cơ sở để tăng học phí là học
phí phải tùy thuộc vào chất lượng đào tạo của cơ sở đào tạo. Điều này tất yếu
đặt ra vấn đề làm thế nào để xác định được chất lượng đào tạo của mỗi trường đại
học đối với từng chuyên ngành đào tạo, và học phí sẽ là một cơ chế tự do hay có
điều kiện. Trong thực tế, ngành giáo dục Việt Nam vẫn chưa có được một cơ chế
kiểm soát và kiểm định chất lượng đào tạo, do đó chưa thể đánh giá thấu đáo được
thực chất đào tạo tại các trường đại học, nhất là đối với khối trường dân lập và
tư thục.
* Việc tăng học phí, dù chỉ với mức tăng nhẹ, chắc chắn sẽ làm giảm tuyển sinh
đầu vào của các trường đại học vì một số sinh viên nghèo và nghèo nhất sẽ không
có điều kiện theo đuổi việc học tập.
* Có quan điểm cho rằng việc tăng học phí sẽ giúp tăng ngân khố chung của toàn
dân để đầu tư cho một thiểu số (khoảng 10% thí sinh trúng tuyển các trường công
lập hàng năm), do đó sẽ làm giảm chi phí công của nhà nước và làm tăng công bằng
xã hội. Tuy nhiên, quan điểm này chỉ tương đối đúng trong bối cảnh ngân sách Nhà
nước còn là nguồn bao cấp toàn diện cho các trường đại học công lập. Còn trong
điều kiện đổi thay về cơ chế tự chủ tài chính, cùng với xu hướng Bộ GDĐT đang
cắt giảm ngân sách của một số trường và sẽ còn cắt giảm hơn nữa, cộng với sự
xuất hiện của nhiều trường dân lập, tư thục, tỷ lệ 10% thí sinh trùng tuyển
trường công lập trên chắc chắn sẽ thay đổi theo chiều hướng giảm (một bộ phận
trong đó phân bổ sang khối trường dân lập, tư thục). Từ đó, chi phí bình quân
của trường công lập cho mỗi đầu sinh viên có thể giảm đi, mà như thế thì trường
công lập lại không nhất thiết phải tăng học phí. Còn nếu tăng học phí của các
trường dân lập để bổ sung nguồn thu cho ngân sách giáo dục (thông qua thuế), thì
e rằng nếu nguồn thu này được phân bổ chủ yếu cho các trường công lập thì sẽ lại
là một sự bất công về mặt công sức và thụ hưởng đối với trường dân lập, đồng
thời cũng có thể đào sâu thêm hố phân cách, về thái độ phân biệt đối xử giữa
trường công và trường tư.
* Cần nhắc lại, học phí chỉ là một trong những yếu tố cấu thành nên mối quan hệ
giữa người dạy và người học. Dù vậy, việc một số trường đại học quá thiên về thu
học phí và mức học phí cao, xem học phí là động lực chủ yếu cho sự phát triển
của trường, trong khi không bảo đảm chất lượng đào tạo và cơ sở vật chất, cơ sở
kỹ thuật phục vụ cho đào tạo, sẽ làm ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ này. Đối với
trường hợp này, có thể khẳng định quan điểm tăng học phí là nhằm tăng trách
nhiệm của người học chỉ là một quan điểm mang tính bao biện.
Đối với những trường có truyền thống tăng học phí, xem học phí là nguồn thu duy
nhất (hiện nay ở Việt Nam, tỷ lệ học phí chiếm 40,4% trong khối trường công lập
và đến 96,7% trong khối trường dân lập; trong khi đó ở Mỹ, tỷ lệ này chỉ chiếm
18,4% trong khối trường công lập và 42,4% trong khối trường tư thục; ở Hàn Quốc
cũng chỉ tương ứng là 54% và 70%) và bắt buộc sinh viên phải chấp nhận sự gia
tăng liên tục này mà không có phản ứng, một hệ quả tất yếu xảy ra là chính nhà
trường sẽ bị hạn chế rất nhiều về khả năng chủ động nghiên cứu và ứng dụng
nghiên cứu (hiện nay nguồn thu từ nghiên cứu theo hợp đồng và dịch vụ chỉ chiếm
khoảng 3-5% trong tổng nguồn thu của trường); trong khi ở các trường đại học
tiên tiến trên thế giới, hoạt động này lại đóng vai trò quan trọng trong nguồn
thu (có thể chiếm đến 30%).
Cái thói quen dựa vào 100% học phí ở Việt Nam để tồn tại thật khác với những
trường có tiếng của nước ngoài, vì ở đó học phí chỉ chiếm khoảng 1/3 - 1/2 tổng
chi phí đào tạo. Chẳng hạn như với trường đại học Williams của Mỹ, những nguồn
khác trường này lấy từ nghiên cứu khoa học, tài trợ của ngân sách chính phủ, đầu
tư chứng khoán, nguồn hỗ trợ của các cá nhân và tổ chức mạnh thường quân, nguồn
thu huy động từ trái phiếu, vay ưu đãi, có nghĩa là nhà trường tự nuôi sống
mình không phải bằng cách vắt sạch tiền túi của sinh viên.
* Trong thực tế ở Việt Nam, khi tình trạng thương mại hóa đang xâm nhập nhiều
trường đại học, việc tăng học phí sẽ chỉ làm tình trạng thương mại hóa giáo dục
phát triển hơn nữa, tạo tâm lý thượng đế cho sinh viên và làm ảnh hưởng tiêu cực
đến mối quan hệ sinh viên - giáo viên, giảng đường không còn được coi là một
thánh đường mà chỉ đơn thuần là nơi mua và bán loại hàng hóa đặc biệt là kiến
thức giáo dục.
* Đối với một số trường (chủ yếu là đại học, cao đẳng dân lập và tư thục) vốn có
thói quen đào tạo theo học phí và chạy theo số lượng, việc tăng học phí sẽ càng
làm chất lượng đào tạo bị giảm sút.
* Đối với những trường đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế, mức học phí quá cao sẽ
khiến sinh viên có khuynh hướng ít tham gia vào đào tạo trong nước mà sẽ chuyển
sang du học toàn phần, làm tăng khả năng chảy máu chất xám và chảy máu ngoại tệ.
* Việc tăng học phí ồ ạt, với nhiều mức khác nhau, vừa dẫn đến tình trạng thương
mại hóa giáo dục tràn lan, vừa làm nhiễu nhận thức, đánh giá của phụ huynh và
sinh viên đối với chất lượng đào tạo thực sự của từng trường, và làm ảnh hưởng
đến uy tín chung của ngành giáo dục.
* Ngay cả đối với những trường có chính sách cho sinh viên vay tiền học, nếu
chính những trường này tăng học phí cao sẽ khiến sinh viên trở thành con nợ
trong thời gian rất lâu dài của trường; và về thực chất, đây là một hình thức
bóc lột tinh vi, gây phân hóa xã hội lớn.
Tăng học phí: tăng công bằng giáo dục hay lãng phí tiền của nhân dân?
Để kết thúc bài viết chưa có hồi kết này, tôi muốn nêu ra một số dẫn chứng để
bạn đọc tham khảo:
* Một trong những phương cách tạo được dấu ấn cho công bằng xã hội trong giáo
dục là hoạt động tín dụng cho sinh viên - hiện đang được bàn thảo và một số
trường đại học ở nước ta đang bắt đầu nghiên cứu và tìm cách thực hiện. Trong
tình hình bài toán học phí còn quá nhiều ẩn số như hiện nay, đây là phương cách
rất cần được khuyến khích.
Theo tư liệu của một số chuyên gia nghiên cứu giáo dục, trong khoảng 10 năm gần
đây, nhiều nước như Anh, Úc, Thái Lan đã nghiên cứu và áp dụng chính sách cho
sinh viên vay vốn với mức lãi suất thấp, chỉ phải trả sau khi tốt nghiệp và có
việc làm với một mức lương tương đối khá, trong thời gian 10-20 năm. Nghĩa là,
chuyển sự chi trả của sinh viên từ hiện tại sang tương lai và Nhà nước gánh phần
lớn rủi ro cho họ.
Dự luật giáo dục đại học được đưa ra Hạ viện Anh năm 2004, là một nội dung nằm trong các kế hoạch cải cách giáo dục đại học của Chính phủ Anh, nhưng không phải nhằm tăng thêm gánh nặng họ phí, tăng thêm sức ép đối với người dân, tăng thêm nguy cơ sinh viên bỏ giảng đường. Các biện pháp cải cách giáo dục đại học nhằm bảo vệ các sinh viên nghèo nhất ở bậc đại học và sau đại học, giúp đỡ cha mẹ sinh viên. Theo đó, sinh viên nghèo được hưởng các quyền lợi:
- Bãi bỏ mọi khoản phí trả trước: trước khi nhập học và trong suốt thời gian
nhập học, sinh viên hay cha mẹ sinh viên không phải đóng bất kỳ khoản phí nào.
- Sinh viên chỉ bắt đầu trả nợ sau khi ra trường và chỉ khi nào đã kiếm được
trên 15.000 bảng Anh mỗi năm.
- Tiền trả nợ không tính theo số nợ vay: nợ dù lớn cũng không buộc hàng tuần
phải trả số tiền lãi tương ứng mà tùy theo thực tế thu nhập; lương ít trả ít,
lương nhiều trả nhiều; nếu thất nghiệp hay thu nhập dưới 15.000 bảng/năm thì
không phải trả nợ.
- Sinh viên nghèo, cha mẹ thu nhập thấp, mỗi năm được chính phủ trợ cấp 2.125
bảng Anh không phải hoàn lại.
- Nợ vay của sinh viên không được tính vào lãi: chính phủ trợ cấp chi phí cho
vay. Do đó, sinh viên tốt nghiệp dù phải nghỉ việc hay phải kép dài thời gian
trả nợ cũng không bị phạt. Trường hợp lạm phát, Chính phủ sẽ định một lãi suất
để đảm bảo tiền trả nợ tương thích với khoản đã vay.
Văn phòng bảo vệ quyền công bằng được vào đại học (OFFA) là cơ quan công quyền,
ở ngoài các bộ, hoạt động độc lập nằm bảo vệ sinh viên nghèo. Các trường đại học
phải ký một thỏa ước với OFFA mới có thể tính học phí mỗi năm cao hơn 1.125 bảng
Anh. OFFA cũng buộc các trường đại học áp dụng học phí cao phải dùng số thu nhập
thặng dư làm các khoản trợ cấp cho sinh viên nghèo.
* Quan điểm tính toán về học phí của một chuyên gia người Việt ở nước ngoài:
theo chuyên gia này, Mỹ chi cho giáo dục 7,2% GDP, còn Việt Nam đến 8,3%, tức
cao hơn cả Mỹ. Còn với Trung Quốc, nước này chi cho một học sinh là 322 USD mỗi
năm, so với Việt Nam là 227 USD, trong khi thu nhập trên đầu người Trung Quốc
gấp 3 lần so với Việt Nam (2.055USD so với 643 USD, và giá cả đắt hơn khoảng
25%). Như vậy về con số tuyệt đối, sau khi điều chỉnh giá, Việt Nam không thấp
hơn Trung Quốc bao nhiêu. Mặt khác, dân đóng góp qua học phí và phụ phí ở Trung
Quốc chỉ khoảng 20% chi phí, so với 40% ở Việt Nam. Trung Quốc lại mới tuyên bố
sẽ xóa bỏ hoàn toàn học phí và phụ phí ở cấp phổ thông cưỡng bách. Với sự so
sánh ấy, có thể nói chủ trương tăng học phí ở Việt Nam là một điều có vẻ như vô
lý. Muốn cải cách giáo dục và tăng chất lượng giáo dục, hoặc muốn tăng học phí
để tăng công bằng giáo dục cho mọi người (như lý lẽ của ngành GDĐT đưa ra),
trước mặt Bộ GDĐT cần phải minh bạch hóa toàn bộ chi phí về giáo dục, làm cơ sở
cho một cuộc đánh giá toàn diện về quản lý và chi tiêu. Việc đánh giá này phải
được thông qua một ủy ban gồm các chuyên gia về giáo dục, kinh tế và tài chính
với tư cách hoàn toàn độc lập.
Từ những dẫn chứng trên, chúng ta có thể thấy việc tăng học phí tràn lan sẽ làm
giảm đáng kể yếu tố công bằng xã hội đối với đối tượng sinh viên, đặc biệt là
sinh viên nghèo, góp phần đẩy cao sự phân hóa, cách biệt giữa các giai cấp trong
xã hội,
Hệ quả của việc tăng học phí không được kiểm soát cũng làm yếu đi yếu tố nội lực
mà chính các trường đại học Việt Nam vẫn thường trăn trở. Chúng ta có thể tham
khảo quan điểm của một chuyên gia giáo dục ở Việt Nam: thách thức của Việt Nam
thời hậu WTO là hàng nhập các loại sẽ phong phú hơn, chất lượng cao hơn và giá
rẻ hơn hàng trong nước, tức hàng nội sẽ phải tìm cách bán hoặc rẻ hơn hàng ngoại
để tồn tại. Tuy nhiên, thực tế học phí ở các trường lại được đẩy lên cao với lý
do nhằm tăng sức cạnh tranh. Đây là một nghịch lý của giáo dục.
Còn theo chuyên gia người Việt ở nước ngoài đã nêu trên: nếu tăng học phí chỉ
nhằm tăng chi thì đó chính là hành động lãng phí tiền của nhân dân.
© http://vietsciences.free.fr và http://vietsciences.org Phạm Chí Dũng
|