Tại sao chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam bị suy thoái

Vietsciences- Nguyễn Văn Tuấn      15/09/2006

 

Những bài cùng tác giả

Ở Việt Nam ngày nay có một nghịch lý trong giáo dục và đào tạo là càng ngày càng có nhiều học sinh trung học Việt Nam đoạt nhiều giải thưởng trong các kỳ thi vô địch quốc gia và quốc tế, nhưng sinh viên tốt nghiệp đại học lại không đảm trách được những nhiệm vụ mà đáng lẽ họ phải làm được, và trong nhiều trường hợp, phải được huấn luyện lại.
Hàng năm, các đội tuyển học sinh cấp trung học của Việt Nam đem về cho nước nhà nhiều huy chương vàng, bạc, đồng trong các kỳ thi quốc tế. Trong khoảng 30 năm qua, Việt Nam liên tục là một trong mười nước dẫn đầu (trong tổng số khoảng 260 nước trên thế giới) về các kỳ thi vô địch toán quốc tế (1). Riêng ở Á châu, các đội thi tuyển toán của Việt Nam liên tiếp đứng đầu trong nhiều năm, tạo nên tiếng vang và sự kính nể của các nước trong vùng. Việt Nam cũng là một nước "mạnh" trong các kỳ thi vô địch về tin học, sinh học, vật lý, và hóa học. Về tin học, Việt Nam được xếp hạng thứ 15 trong số khoảng 200 nước trên thế giới tham dự, và hạng 4 ở Á châu, và hạng nhất trong khối ASEAN.
Trong khi học sinh bậc trung học đã đem tên tuổi Việt Nam vào "bản đồ" toán học và khoa học thế giới, thì sinh viên bậc đại học lại bị mang tiếng là... dở. Theo một nghiên cứu về kỹ năng tiếng Việt trong các sinh viên khoa ngữ văn năm 1997-1998 tại Trường Ðại học Sư phạm Sài Gòn, trong số 752 sinh viên từ năm thứ nhất đến năm thứ tư (những cử nhân văn chương tương lai), chỉ có 45% đạt yêu cầu về chính tả và 26% đạt yêu cầu về cú pháp. Người viết bài này cũng đã có dịp chứng kiến nhiều sinh viên đại học và học sinh lớp 12 làm một con toán theo quy tắc tam suất hay tính toán phần trăm chưa rành, còn mù mờ những sự kiện văn học quan trọng, viết sai chính tả, không viết nổi những câu văn cho đúng ngữ pháp, v.v. Thật là mỉa mai và xấu hổ khi so sánh trình độ của những người tốt nghiệp đại học ngày nay với những người tốt nghiệp tú tài Pháp ngày xưa. Với trình độ tú tài mà các cụ ngày xưa đã có thể đảm nhận những công việc "thầy phán," "thầy ký" bằng cả hai thứ tiếng Việt và Pháp; họ còn có kiến thức uyên thâm; dịch sách tiếng nước ngoài sang tiếng Việt khá chính xác. Trong khi đó, những anh chị cử nhân ngày nay có khi không soạn nổi một bài luận văn cho có hệ thống. Trình độ của họ không khác gì các sinh viên ở các đại học trung bình ở Mỹ.
Nói chung, sự tụt hậu về kiến thức của sinh viên so với các tiêu chuẩn chất lượng là khá lớn. Sinh viên ra trường chưa đảm nhận được công việc mà đáng lẽ những người được đào tạo như thế phải làm được, vì thiếu ý thức chủ động trong làm việc, thiếu khả năng ứng xử trong làm việc, thiếu năng khiếu về ngoại ngữ và quản lý, v.v... Một viên chức người Việt thuộc Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) nhận xét: "Hệ thống GD-ÐT [giáo dục và đào tạo] lâu nay của Việt Nam còn bất cập. Tỷ lệ người được đào tạo ra đạt tiêu chuẩn quốc tế là rất ít. Mọi việc cứ diễn ra một cách bình thường. Chỉ khi nào những tiêu chuẩn quốc tế được "soi" vào, chúng ta mới giật mình. Thực tế là khi soi vào tiêu chuẩn của UNDP, hàng loạt cán bộ chuyên viên của Việt Nam đã không đáp ứng được điều kiện cần và đủ". Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Ðào tạo ở trong nước, hàng năm có khoảng 20.000 sinh viên tốt nghiệp đại học và cao đẳng. Trong số này, chỉ có 50% sinh viên tốt nghiệp kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp; và trong số tìm được việc, chỉ có 30% tìm được việc đúng ngành nghề. Ngay cả những sinh viên đã tìm được việc làm, họ đều phải được huấn luyện lại, nhất là ở các công ty ngoại quốc. Theo nghiên cứu của bà Maureen Chao thuộc Trường Ðại học Seattle (Mỹ), trong nhiều công ty liên doanh với Việt Nam, hầu hết sinh viên Việt Nam đều phải được đào tạo lại cả về chuyên môn lẫn kỹ năng giao tiếp!


Trong một cuộc hội thảo với chủ đề "Toán, lý, hóa trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" vào ngày 28/4/2000, một đại biểu của Hội Toán học Việt Nam đánh giá trình độ sinh viên tốt nghiệp trong nước như sau: "Có thể nói không quá đáng rằng, trình độ đại học hiện nay chỉ bằng đại học đại cương (hai năm đầu của đại học nước ngoài), thạc sĩ bằng đại học, và phó tiến sĩ chỉ bằng thạc sĩ ".
Tôi nghĩ rằng đánh giá này có phần quá bi quan, và không hoàn toàn đúng với thực tế, nhưng nó cũng nói lên phần nào thực trạng rất đáng lo ngại cho tình trạng chất lượng đào tạo đại học ở trong nước.

Tại sao lại có sự sa sút về chất lượng đào tạo nghiêm trọng như thế? Qua theo dõi tình hình giáo dục ở trong nước, tôi cho rằng có bốn nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên: cơ sở giảng dạy và nghiên cứu, vấn đề sách giáo khoa, phương pháp sư phạm, và chất lượng đội ngũ giảng viên.
 

Cơ sở vật chất: nghèo nàn và quá tải:
 

Theo thống kê, cứ bốn hay năm năm, số học sinh trung học cơ sở lại tăng gấp đôi. Năm 1988, toàn quốc chỉ có 132,500 sinh viên (trong số 63,7 triệu dân). Năm 1999, có 892,700 sinh viên trong tổng số dân là 76,3 triệu. Như vậy, tỷ lệ sinh viên trên 10,000 dân đã tăng gần 6 lần trong vòng 11 năm: từ 20 vào năm 1988 lên đến 117 vào năm 1999. Theo tính toán của Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục thì tỷ lệ này sẽ tăng lên khoảng 200 cho mỗi 10,000 dân số vào năm 2010. Mặc dù. đây là một tiến bộ đáng mừng, nhưng tỷ lệ này không phải là cao so với các nước đang phát triển trong vùng.

Trong khi số lượng sinh viên càng ngày càng tăng, số lượng cơ sở đào tạo như trường đại học và cao đẳng lại gần như bất biến, và do đó, tạo ra tình trạng quá tải. Các đại học không có khả năng nhận thêm sinh viên, và bắt buộc phải áp dụng những cơ chế thi cử khắt khe để hạn chế số lượng sinh viên.

Hiện nay trong cả nước có 146 trường đại học và cao đẳng (2); trong đó, có 15 trường dân lập (do tư nhân quản lý), và ba trường bán công. Số trường này được tổ chức theo 11 khối như sau: đại học quốc gia và đại học vùng; khối kỹ thuật & xây dựng; khối y dược khoa; khối sư phạm; khoa học tự nhiên; nông lâm nghiệp & thủy sản; kinh tế, tài chính và luật; văn hóa nghệ thuật và thể thao; quân sự và công an; ngoại giao; và các trường dân lập.

Số lượng trường đại học có vẻ nhiều, nhưng trong thực tế có nhiều trường đại học còn rất phôi thai và có thể nói là chưa có đầy đủ tiêu chuẩn của một trường "đại học". Thực vậy, ngoài các trường lớn và lâu đời như Ðại học Quốc Gia Hà Nội, Ðại học Quốc Gia Thành Phố Hồ Chí Minh, Ðại Học Bách Khoa Hà Nội, Ðại Học Kỹ Thuật Thành Phố Hồ Chí Minh có cơ sở nghiên cứu và giảng dạy tương đối đầy đủ, các trường đại học công lập khác còn thiếu trang thiết bị cho giảng dạy và nghiên cứu rất trầm trọng và hầu như triền miên. Ở Bệnh viện Chợ Rẫy, một nơi thực nghiệm cho sinh viên y khoa, nhiều trang thiết bị cơ bản cho lâm sàng học còn quá thiếu thốn. Ở các trường địa phương và xa thành phố, tình trạng thiếu sách vở và dụng cụ thí nghiệm/giảng dạy còn trầm trọng hơn nữa.

Ở các nước Tây phương, đại học vừa là nơi giảng dạy vừa là nơi tập trung các trung tâm nghiên cứu. Nhưng ở Việt Nam, xuất phát từ các lý do có tính lịch sử, phần lớn các trường đại học hiện nay chỉ tập trung chủ yếu vào chức năng giảng dạy, mà chưa làm tròn chức năng nghiên cứu. Thực ra, phần lớn nghiên cứu thường do các viện (độc lập với trường đại học) đảm nhận. Tất nhiên, cách tổ chức này cũng làm giảm đi hiệu suất và sự tương tác giữa các nhà khoa học cùng làm trong một chuyên môn. Thành ra, kết quả là năng suất khoa học từ các trường đại học Việt Nam rất kém. Ngoài hai ngành toán và vật lý ra (mà Việt Nam thường được tương đối kính nể), có thể nói trong các ngành khác mức độ cống hiến của các giáo sư đại học từ Việt Nam -- trước cũng như sau 1975, ngoài Bắc cũng như trong Nam -- cực kỳ thấp.

Do đó, không ai ngạc nhiên khi được biết là Trường Ðại học Quốc gia, được xem là quy cũ nhất trong các trường đại học ở trong nước, chỉ được xếp hạng 62 trên 65 trường đại học trong vùng (Á châu) theo một cuộc điều nghiên của tờ tuần san Asiaweek gần đây. Hạng này còn sau cả mấy đại học nhỏ của Mã Lai và Phi Luật Tân! Mặc dù cách xếp hạng này chỉ là tương đối và có nhiều nghi vấn về phương pháp làm, nhưng dù cho có so sánh thật khoa học đi nữa thì tôi nghĩ Việt Nam cũng khó mà vượt cao lên được.


Sách giáo khoa: lạc hậu và bất cập

Những ai từng dạy học hay có dính dáng trực tiếp tới ngành giáo dục đều biết rằng sách giáo khoa đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giảng dạy và mở mang kiến thức cho sinh viên. Trong các trường đại học ở các nước Tây phương, ngừơi ta không những nghiên cứu việc chọn và dùng sách giáo khoa rất kỹ lưỡng, mà còn duyệt xét lại tính hiện hành, cập nhật hóa của sách hàng năm. Trong ngành y khoa, nhiều khi sách giáo khoa không cập nhật hóa kịp những tiến bộ của y học, nên giáo sư phải yêu cầu sinh viên tham khảo thêm các tạp chí y khoa uy tín.

Ở trong nước, sách giáo khoa không những thiếu thốn mà còn có vấn đề, không những ở bậc trung học mà còn ở bậc đại học. Ðã có một số nhà giáo lên tiếng về vấn đề một số sách giáo khoa bậc tiểu và trung học được biên soạn sai. Nhưng quan trọng hơn nữa là sách giáo khoa bậc đại học, không những thiếu một cách nghiêm trọng, mà sách đang dùng để dạy nhiều khi đã lạc hậu cỡ 30 - 40 năm. Những ai từng ghé qua Trường Ðại Học Y Dược ở Sài Gòn hay Trường Ðại học Tổng hợp (Ðại học Khoa học cũ) hay Trường Ðại học Kỹ thuật (Trung tâm Kỹ thuật Phú thọ cũ) đều cảm thấy xót xa cho cái thư viện vừa nhỏ bé vừa nghèo nàn. Trường Ðại Học Y Dược ở Sài Gòn không có những tạp chí y khoa lớn hiện hành cho giảng viên và sinh viên tham khảo! Trong khi đó, phần lớn các sách giáo khoa, tạp chí do nước ngoài viện trợ đều đã quá cũ. Ở vài trường, sinh viên phải "học chay", tức là học mà không có sách giáo khoa. Chuyện mới nghe qua có vẻ khó tin nhưng có thật.

Sự thiếu thốn sách giáo khoa và sách lạc hậu này đã dẫn đến một hậu quả có thể đoán được là: kiến thức khoa học của sinh viên kém hay thậm chí sai, chất lượng đào tạo bị hạ thấp so với trình độ chung trên thế giới.

 

Phương pháp dạy học: độc thoại và thụ động


Phương pháp đào tạo chủ yếu trong các trường đại học ở trong nước vẫn chủ yếu phương pháp "độc thoại" và "thụ động" (mà những người thuộc thế hệ của người viết bài này hay trước nữa đã từng trải qua): thầy giảng bài, trò chép bài. Học sinh phải tuân theo sách vở một cách máy móc. Học sinh phải học thuộc lòng một số kiến thức căn bản, mà không biết những kiến thức này sẽ ứng dụng vào giải quyết vấn đề gì. Hậu quả của phương pháp dạy học này làm cho người học sinh trở nên thụ động, không phát triển được kỹ năng thực hành, sáng tạo và tính chủ động, tự lập.

Ngoài ra, mối quan hệ tương tác giữa thầy/cô và học sinh cũng còn quá cổ kính. Học sinh không được khuyến khích chất vấn thầy cô, mà phải tuân theo họ một cách gần như tuyệt đối. Học sinh nào dám chất vấn thầy cô liền bị mang nhãn hiệu là "vô lễ" hay "hỗn hào" và có thể bị trù dập! Hậu quả của lối giáo dục thụ động và một chiều này là nó tạo ra một thế hệ học sinh học vẹt, lười suy nghĩ, thiếu chủ động, kém tưởng tượng, những kiến thức hoặc sai hoặc lạc hậu, và đầu óc mụ mị vì bị nhồi nhét quá nhiều.

Thêm vào đó là một cơ chế thi cử quá căng thẳng trong suốt thời gian ở trung học. Hết thi lên lớp lại thi tốt nghiệp phổ thông trung học; và hết thi phổ thông trung học lại phải thi tuyển vào đại học. Thi cử đáng lẽ là một cơ chế để kiểm tra trình độ và kiến thức của học sinh, nhưng nhìn qua các câu hỏi trong các kỳ thi cử ở Việt Nam, người ta phải nói đó là những kỳ thi đố, thi mẹo. Mà mỗi lần thi là mỗi lần cả nước không yên. Tôi không biết là thi đình, thi hội ngày xưa có gây ra hoang mang trong xã hội như hiện nay hay không, nhưng qua theo dõi trên báo chí, cứ mỗi lần thi là mỗi lần lộ ra nhiều hiện tượng tiêu cực như thi dùm, thi mướn, tráo trở bài thi, đút lót, v.v. Những hiện tượng tiêu cực này đã có từ thời trước 1975 và có thể xa xưa hơn nữa, ấy thế mà nay vẫn còn phổ biến! Có một nhà giáo dục trong nước đã than rằng không biết có nước nào trên thế giới lại có một thị trường mua bán chữ nghĩa tồi tệ như ở Việt Nam.
Thêm vào đó là những quy luật kỳ quặc trong thi cử và chấm thi mà người ngoài mới đọc qua khó mà tin ở mắt mình (3).

Phương pháp dạy và học thụ động, độc thoại cộng với chế độ thi cử cứ theo đuổi dai dẳng người học sinh từ trung học lên đại học, tạo cho họ một thế yếu rõ nét trong cạnh tranh với bạn bè ở các nước có nền giáo dục tiên tiến. Thực vậy, một điều mà tôi (và nhiều bạn bè. đồng nghiệp) thường nhận xét là sinh viên Việt Nam ta nói riêng [và Á châu nói chung] thường rất khá trong những năm đầu ở bậc đại học, những năm chỉ cần giải quyết những vấn đề căn bản, nằm trong khuôn khổ, công thức; nhưng khi đến những năm cuối đại học và nhất là sau đại học, tức là một giai đoạn học tập mà trong đó đòi hỏi sự sáng tạo và độc lập trong nghiên cứu, thì sinh viên Việt Nam ta lại rất kém so với sinh viên người Tây phương. Tôi vẫn còn nhớ lúc mới vào học chương trình Thạc sĩ ở Úc, một ông giáo sư ra đề cho chúng tôi làm nghiên cứu chỉ vỏn vẹn 5 hàng chữ. Trong khi tôi còn đang bỡ ngỡ, chưa biết làm gì, làm ra sao, và bắt đầu từ đâu, thì bạn đồng môn của tôi đã chủ động vào thư viện, bấm máy computer, gọi điện đến các chỗ ngoài
trường để tìm tài liệu. Qua "bài học" này, tôi mới thấm thía sự chủ động của người học sinh. Có lẽ vì đã được huấn luyện về nghiên cứu và được khuyến khích độc lập từ nhỏ, sinh viên tốt nghiệp từ các trường Tây phương, khi "ném" vào tình thế nào, họ đều có thể tự khẳng định mình, và có thể xoay sở vươn lên tối đa. Ngày nay, nhìn sự tự tin của các em sinh viên gốc Việt được sinh ra, lớn lên, và huấn luyện trong các trường đại học ở nước ngoài, tôi tự thấy mình ngày xưa quả là "khờ khạo lắm, [và] ngu ngơ quá"!

Có người cho rằng phương pháp giáo dục ở Việt Nam ngày nay [và cả ngày xưa] là do ảnh hưởng từ phương pháp giáo dục của Pháp. Tôi nghi ngờ điều này. Tôi thấy ở Pháp cũng như ở nhiều nước Âu châu khác như Anh, Thụy Sĩ, Hòa Lan, người ta rất đặt nặng vào việc phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề thực tế, chứ không chú trọng vào việc nhồi nhét một số kỹ năng chật hẹp (như học toán chẳng hạn) như ta. Họ (người Tây phương) cũng không đặt nặng vào việc học thuộc lòng như vẹt, mà cần người học sinh phải nắm được phần cốt lõi của vấn đề, và khuyến khích thái độ cật vấn thầy cô một cách bình đẳng.

Tôi nghĩ rằng lối giáo dục mà Việt Nam đã và đang áp dụng là đặc tính của …Việt Nam. Người Việt chúng ta thường hay rất tự hào và lấy làm hãnh diện khi hơn ai một điều gì đó dù rất nhỏ (có thể là một
vài câu văn, chữ nghĩa, một mẹo về giải toán, v.v…), giống như những ông Trạng Quỳnh, Trạng Lợn
ngày xưa lấy việc hơn thua với sứ Tàu qua vài câu thơ hay bắt bẻ vài câu văn để làm vui, để chứng tỏ ta đây là thông minh hơn người. Có thể lấy cách dạy môn toán ra làm ví dụ ở đây: học sinh chỉ học một số công thức, một số "bài tủ" để đối phó với những bài tập tuy căn bản, nhưng mang tính mẹo vặt, tiểu xảo. Học sinh nào mà không may dở môn toán thường được xem là "ngu như trâu/bò" hay "đần như lợn/heo"! Một lối suy nghĩ cực kỳ nhỏ mọn và tầm thường. Ai cũng biết là việc giải các bài tập toán như thế chẳng giúp gì mấy trong công việc của mình sau này (kể cả những người làm toán). Việc giải quyết các bài toán thực tiễn không thể thực hiện bằng các mẹo giải bài tập học sinh mà phải dùng các phương trình tính toán chuyên môn. Muốn sử dụng những phương trình này, học sinh cần phải nắm vững bản chất các khái niệm toán học, tức là phải học lý thuyết một cách nghiêm túc. Cái cách học vẹt một vài công thức máy móc này chỉ phục vụ cho giải bài tập, nhưng nó lại vô tình đã tạo ra một thế hệ học sinh sợ toán, ghét toán, hay mệt mỏi vì toán…

 

Ðội ngũ giảng dạy: trình độ thấp và lão hóa
 

Hiện nay trên toàn quốc có khoảng 22,500 giảng viên trong các trường đại học công và dân lập; trong số này chỉ có 3,300 (hay 15%) có trình độ tiến sĩ hay phó tiến sĩ cũ, và 2,240 (hay 10%) có trình độ thạc sĩ (ngày xưa gọi là "cao học"). Như vậy, 75% đội ngũ giảng dạy đại học chỉ có trình độ cử nhân. Nói cách khác, trong giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu là đại học dạy đại học. Thật ra, tình trạng này còn đáng quan ngại hơn nếu ta nhìn con số giảng viên có học hàm giáo sư hay phó giáo sư chỉ 7%, và phần đông họ đang ở trong độ tuổi 60-65. Nói một cách khác, đội ngũ giảng dạy đại học ta không những ít, có trình độ thấp, mà còn lâm vào tình trạng lão hóa.

Ðể đối phó với tình trạng này, nhiều trường đại học trong nước đã được phép tổ chức đào tạo sau đại học nhằm cung cấp lực lượng giảng dạy cho đại học. Theo như một thống kê gần đây, trong vòng 22 năm qua, kể từ khi có quyết định chương trình đào tạo sau đại học, Việt Nam đã đào tạo được 4,278 tiến sĩ và phó tiến sĩ cũ, và 9,553 thạc sĩ (tức cao học). Tính ra, trung bình mỗi năm Việt Nam chỉ đào tạo khoảng 630 người, một con số rất ư là khiêm tốn, có khi còn thấp hơn con số của một trường lớn ở các nước phương Tây.
Số lượng tiến sĩ và thạc sĩ được đào tạo đã tăng khá nhiều trong thời gian gần đây. Chỉ trong vòng khoảng 10 năm qua, số lượng tiến sĩ và thạc sĩ đào tạo ở Việt Nam đã tăng gấp 5 lần, một con số làm nhiều người rất kinh ngạc. Tuy nhiên, ngoài nhiều trường hợp mà sinh viên được đào tạo sau đạt tiêu chuẩn, cũng có nhiều vấn đề về chất lượng. Có vài luận án tiến sĩ mà khi đánh giá nghiêm túc chỉ xứng đáng trình độ thạc sĩ. Do đó, nhiều tiến sĩ được đào tạo chưa xứng đáng với một học lực thâm thúy và một trình độ "cao", chưa là nhà khoa học chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, trong vài trường hợp, nghiên cứu sinh tiến sĩ là các quan chức trong chính quyền hay Ðảng; họ chẳng cần học hay nghiên cứu gì cả, mà cuối cùng vẫn có văn bằng tiến sĩ! Trong một hội nghị tổng kết tình hình giáo dục hậu đại học, bộ trưởng giáo dục và đào tạo Nguyễn Minh Hiển cũng thừa nhận: "Quy mô đào tạo phát triển nhanh, nhưng các điều kiện để đảm bảo
về chất lượng chưa phát triển kịp nên đã ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo."

 

Cần phải cải cách nền giáo dục ngay từ bây giờ
 

Giáo dục đã, đang, và sẽ là một chỉ tiêu quyết định sự khác biệt giữa các quốc gia, và giữa cá nhân. Ba chức năng chính của giáo dục là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực có trình độ chuyên môn cao, và nuôi dưỡng nhân tài. Hiện nay, nền giáo dục và đào tạo ở Việt Nam chỉ mới làm được chức năng số một, còn hai chức năng sau thì còn rất hạn chế. Việt Nam là một nước tương đối "trẻ", vì hơn 50% dân số dưới 25 tuổi. Nền giáo dục phải làm sao trang bị cho lực lượng lao động này những kiến thức chuyên môn cần thiết để tạo ra một nền kinh tế có tính cạnh tranh cao, để có cơ sánh vai với các nước tiên tiến trong vùng và trên thế giới.

Trong một nền kinh tế toàn cầu có tính cạnh tranh cao trong Thế kỷ 21, trí tuệ là một nguồn nội lực cực kỳ quan trọng. Vì thế, ngày nay, người ta thường hay nói nhiều đến một cuộc chạy đua về tri thức, bởi vì nước nào không huy động được nguồn nội lực trí tuệ, nước đó sẽ bị lệ thuộc vào trí tuệ của người khác và lại rơi vào tình trạng tụt hậu, nô lệ tri thức.

Các nước Tây phương, mà đặc biệt là Mỹ đang dẫn đầu cuộc chạy đua về tri thức này. Các nước Tây phương đã sớm nhận ra vai trò của giáo dục và đào tạo trong nền kinh tế và đã dày công xây dựng hệ thống giáo dục đại học từ mấy trăm năm qua. Và cho đến nay, mặc dù. đã đạt được một vị thế hàng đầu, họ vẫn không ngừng tìm cách phát triển giáo dục đại học. Nhưng khác với các nước đang phát triển nhìn giáo dục như là một đòn bẩy phát triển kinh tế và xã hội, họ thấy giáo dục là một phương tiện chiến lược để duy trì sự thống trị của họ trên trường quốc tế. Ðối với các nước này, nhất là Mỹ, sau cuộc khủng hoảng dầu hỏa và sự cạnh tranh công nghiệp gay gắt tiếp theo đó, các nhà lãnh đạo chính trị và kinh tế đã nhận ra rằng họ đang bị mất dần sự độc quyền về công nghiệp nặng và kỹ nghệ xe hơi; do đó, muốn duy trì uy thế tối cao của họ trước đây, họ cần phải nắm độc quyền những "kỹ nghệ tri thức" (knowledge-based industries) như kỹ nghệ máy tính, điện tử, không gian, thông tin viễn liên, và công nghệ sinh học. Những kỹ nghệ này đặt trọng tâm vào nguồn vốn trí tuệ, mà đại học là nguồn cung cấp chính. Ðại học, từđó, trở thành một bộ phận của guồng máy kinh tế mà trước đây họ chưa bao giờ nghĩ tới.

Còn ở nước ta, đại học chưa thể là nơi kinh doanh được, vì nhiệm vụ hàng đầu của họ là phải đào tạo nhân lực cho nền kinh tế nước nhà và nâng cao trình độ dân trí. Mặc dù. đã có nhiều tiến bộ, nhưng nói chung, trình độ dân trí của nước ta còn rất thấp so với các nước đã phát triển trên thế giới và một số nước đang phát triển trong vùng. Do đó, để tránh tình trạng bị nô lệ về tri thức, Việt Nam cần phải có một chiến lược giáo dục khả thi nhằm trang bị những tri thức hiện đại và nâng cao trình độ học vấn của dân chúng để Việt Nam có thể chuẩn bị cho công cuộc công nghiệp hóa trong vòng vài thập niên tới. Thiết nghĩ không có cách gì khác là Việt Nam phải, dùng chữ của một nhà giáo trong nước, "chấn hưng toàn diện, cải cách mạnh mẽ, hiện đại hóa" nền giáo dục.

Những điều mà tôi nêu ra chẳng phải là mới vì thực ra, đã có vài nhà giáo dục tâm huyết ở trong nước cũng đã lát đát lên tiếng khuyến cáo, đòi cải cách giáo dục hoặc gián tiếp hoặc trực tiếp trong vài năm qua. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là dù có khuyến cáo như thế, Bộ Giáo dục và Ðào tạo vẫn chưa có kế hoạch gì cụ thể để đối phó với thực trạng này. Ngược lại, còn có viên chức từ Bộ tuyên bố đại khái là nền giáo dục Việt Nam đã được quản lý tốt, và chế độ thi cử như hiện nay là "ưu việt rồi"! Thật là kỳ quặc.
Nếu Việt Nam cứ thích tự khen mình (chả biết mình tài giỏi cỡ nào, nhưng lại tự khen quá dễ dàng), thì hậu quả chỉ là một sự tụt hậu so với các nước trong vùng và thế giới bên ngoài. (Cũng giống như anh chàng Narcisse đẹp trai suốt ngày chỉ đắm đuối nhìn ngắm dung nhan mình trong hồ nước, để rồi cuối cùng cũng chết mòn mỏi và khô héo bên cạnh hồ nước ấy!)

Nhìn qua sự phát triển kinh tế ở các nước trong vùng như Nam Hàn, Ðài Loan, và Tân Gia Ba cho ta thấy cái mẩu số chung là họ đã chú trọng vào giáo dục và đào tạo. Không có lý do gì Việt Nam không coi trọng giáo dục, nhất là ta lại thường tự hào là một nước với hơn "bốn ngàn năm văn hiến". Ấy thế mà đầu tư vào giáo dục ở Việt Nam thuộc vào hàng thấp nhất trong vùng. Theo thống kê, ngân sách dành cho giáo dục và đào tạo ở Việt Nam đầu khoảng 11%, chỉ bằng phân nửa Ðại Hàn (22%) hay gần phân nửa Thái Lan (21%), và thấp hơn Mã Lai Á (19%), thậm chí thấp hơn cả Trung Quốc (12%). Tôi nghĩ vì hoàn cảnh thực tế và các nhu cầu cấp thiết khác trong nước, Việt Nam không thể có ngân sách giáo dục dồi dào như các nước Ðại Hàn hay Singapore, nhưng thiết nghĩ một ngân sách khoảng 15% không phải là một điều quá xa xỉ. Nếu cần, ngân sách có thể được tăng từng nấc một (khoảng 1% mỗi năm) trong nhiều năm để đạt tới tiêu chuẩn 20% cho tới năm 2020. Tất nhiên, tăng ngân sách sẽ không giải quyết triệt để được vấn đề chất lượng, vì nó còn tùy thuộc vào các yếu tố khác như tổ chức. Vì thế, song song với việc tăng ngân sách, Nhà nước cần phải có chiến lược để quy hoạch lại hệ thống trường đại học và dạy nghề cũng như thi cử sao cho việc tăng ngân sách giáo dục sẽ đem lại những kết quả tối ưu.

Tôi tin rằng những ai hằng quan tâm đến giáo dục đều thấy những điều mà tôi cho là nguyên nhân cho sự suy đồi về chất lượng đào tạo đại học hiện nay ở trong nước là cực kỳ nghiêm trọng. Ở các nước Tây phương, những vấn đề này được coi là một sự khủng hoảng. Ở Việt Nam, có thể nói một cách ngắn gọn và dứt khoát rằng: thực trạng giáo dục là một trong những vấn đề lớn nhất, nghiêm trọng nhất của xã hội hiện nay. Trong khi trên thế giới người ta không ngừng cải tiến và hoàn thiện hệ thống giáo dục, ở nước ta hệ thống giáo dục vừa lạc hậu, vừa cổ lỗ mà vẫn dẫm chân tại chỗ, vẫn thản nhiên bình chân như vại! Không có vấn đề gì đáng lo lắng hơn cho tương lai của đất nước khi một nền giáo dục như thế lại được duy trì hết thế hệ này sang thế hệ khác. Do đó, cải cách giáo dục đại học, hơn bao giờ hết, đang là nhu cầu sống còn trên bước đường phát triển đất nước.

 

Ghi chú:


(1) International Mathematical Olympiad Competition (Thi vô địch toán quốc tế), như tên gọi ám chỉ, là một kỳ thi toán hàng năm dành cho cho học sinh trung học, không quá 20 tuổi. Nói nôm na, đây là một kỳ thi đấu "thể thao trí tuệ". Kể từ năm 1959, hàng năm có khoảng 260 nước gửi phái đoàn học sinh tham dự. Mỗi phái đoàn chỉ có tối đa khoảng 8 học sinh. Việt Nam bắt đầu tham dự từ năm 1974. Mỗi kỳ thi được tổ chức trong vòng 2 ngày; mỗi ngày làm 3 bài toán. Các nước thường dẫn đầu trong các kỳ thi này là Nga, Mỹ, Ðức, Hungary, Việt Nam, Romania, Pháp, Anh, và gần đây là Trung Quốc.

(2) Ðó là chưa kể những trường "đại học tại chức" đã và đang mọc lên như nấm hiện nay ở nhiều tỉnh lỵ, huyện, và cả làng xã. Có vài làng ở Nam Ðịnh và Nghệ An thậm chí có cả hai trường đại học tại chức! Số lượng các "trường" này nhiều đến nỗi Bộ Giáo dục và Ðào tạo không còn kiểm soát nổi hoạt động của họ.
Tất nhiên, đại đa số những trường này không được nhà nước công nhận, nhưng họ vẫn hoạt động, vì có nhu cầu. Hiện nay, đã có hơn 300 ngàn sinh viên theo học dưới hình thức tại chức như thế. Một con số chưa từng có trong lịch sử giáo dục ở nước ta! Tình trạng này đã làm cho các cơ quan quản lý như Bộ Giáo dục và Ðào tạo vào thế bị động, lúng túng. Trong một bài báo trên Nhân Dân Ðiện Tử mới đây của ông Phan Huy Hiền, sự gia tăng nhanh chóng số lượng học sinh từ xa và tại chức đã đến mức độ mà "Bộ Giáo dục và Ðào tạo không còn kiểm soát nổi chỉ tiêu tuyển sinh cũng như chất lượng đào tạo ở các lớp tại chức do các trường đại học mở."

(3) Về vấn đề quy định trong việc "phúc khảo" (tức là chấm lại bài thi), một nhà giáo uy tín trong nước (Giáo sư Văn Như Cương) đã phàn nàn trong bài "Bàn về giáo dục" trên Tạp chí Tia Sáng như sau:
"Muốn được phúc khảo thí sinh phải có điểm tổng kết môn cao hơn điểm thi ít ra là hai điểm (có nghĩa là nếu tôi thi được 5 điểm và điểm tổng kết môn học chỉ có 6 điểm thì tôi không được đòi chấm lại). Như vậy là không đúng, không hợp lý. Tôi khiếu kiện vì tôi bị oan ức; người ta đã chấm sai bài thi của tôi, đáng ra tôi phải được 10. Bởi vậy, tôi đề nghị chấm lại cho đúng cái bài thi ấy, tại sao lại ngoặc điểm tổng kết vào đây? Trong khi đó bạn của tôi thi đạt 9, mà tổng kết môn chỉ có 2 điểm thì không thấy đưa ra xem xét lại, mà vẫn được chấp nhận.

Sau khi đã phúc khảo, thì điểm chấm phải cao hơn điểm đã có trước ít nhất là 2 điểm mới được thừa nhận (có nghĩa là nếu trước kia tôi được 4 điểm, nay chấm lại được 5,5 điểm thì vẫn buộc phải nhận 4 điểm như cũ, trong khi đó tôi chỉ cần 0,5 điểm là từ chỗ trượt trở thành đậu. Ai cũng thấy điều đó quả là kỳ lạ! Tôi đã khiếu kiện và tôi đã thắng, bài của tôi đúng là được 5,5 chứ không phải là 4. Thế mà rốt cuộc tôi vẫn bị 4 điểm, tức là thua kiện!

Tôi cho rằng một đầu óc bình thường không thể nghĩ ra được một điều luật quái gở đến như thế! Thế mà nó vẫn cứ tồn tại hàng bao nhiêu năm nay." Thật là khó tin!

 

           © http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.org  Nguyễn Văn Tuấn