Những bài cùng tác giả
Nhà giáo bao đời, và ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, đều có sứ mệnh thiêng
liêng là dạy dỗ các thế hệ trẻ để truyền đạt kiến thức xã hội từ đời này
sang đời khác, giúp xã hội tồn tại và không ngừng phát triển. Nhưng “dạy dỗ”
bao hàm nhiều ý nghĩa. Có những nhà giáo đã dạy dỗ bằng tấm gương cao quý để
học sinh học hỏi và noi theo. Hay bằng cách gây ấn tượng mạnh sâu sắc và
gieo những hạt giống tốt trong học sinh, đánh thức và làm nẩy nở các tài
năng một cách âm thầm.
Chẳng hạn như người thầy Hermann Müller của Max Planck, người khai sáng
thuyết lượng tử thế kỷ 20 mà năm 2008 là năm kỷ niệm sinh nhật thứ 150 của
ông.1 Chính người thầy toán này - cuối thế kỷ 19 chưa có môn vật lý - đã gây
ấn tượng mãnh mẽ lên cậu học sinh Max qua bài giảng về định luật bảo toàn
năng lượng khiến cậu ta không quên được. Ông cảm thấy được “khích lệ bởi
những giờ giảng bài tuyệt vời mà tôi đã nhận được nhiều năm liền tại trường
trung học Maximilians-Gymnasium của thầy toán Herman Müller, một con người ở
tuổi trung niên, sắc sảo và hài hước, đã biết diễn giải ý nghĩa của các định
luật vật lý mà ông dạy cho bọn học sinh chúng tôi bằng những thí dụ đặc sắc”
như trong tự thuật khoa học của mình, lúc đó ông đã ngoài 80 tuổi. Max
Planck tiếp: “Điều không quên được đối với tôi là sự giải thích mà thầy
Müller đã dùng cho chúng tôi trong thí dụ của thế năng của một người thợ hồ
đang vận chuyển khó học một viên đá xây dựng lên mái nhà. Công mà ông đã
thực hiện không hề biến mất; nó được tích tụ, cả mấy năm trời, cho đến ngày viên
đá đó tách ra khỏi mái nhà, và rơi lên đầu của một người khách bộ hành đi
qua.” Planck đã tiếp nhận định luật này, còn gọi là định luật cơ bản thứ
nhất trong nhiệt học, như một tin lành. Và cậu học trò kia ôm ấp giấc mơ đi
tìm những định luật phổ quát như thế trong trời đất. Một hạt giống được đánh
thức.
Chưa hết. Cũng chính Max Planck sau đó lại gặp một vì thầy thứ hai lại khác
với thầy thứ nhất. Đó là khi bước vào Đại học, trước khi chọn ngành, Max
Planck đã hỏi ý kiến một vị giáo sư khả kính của ngành vật lý xem có nên học
ngành này không. Vị này trả lời, như Planck thuật lại “Nhưng tôi không thể
quên được những lời nói của vị giáo sư sau cùng, Ngài von Jolly, khi tôi làm
một cuộc từ giã để làm học trình cuối cùng tại Berlin, đúng ngành vật lý lý
thuyết. Ông ấy nói như thế này: “Vật lý lý thuyết, đó là một ngành rất đẹp,
nhưng hiện tại lại không có ghế giáo sư cho nó. Nhưng cơ bản nó sẽ không đem
lại cái gì mới hơn. Vì với sự khám phá nguyên lý bảo toàn năng lượng thì tòa
nhà vật lý lý thuyết đã khá hoàn chỉnh. Người ta có thể đó đây quét ra được
một hạt bụi trong một góc này hay góc kia của tòa nhà, nhưng một điều gì mới
mẻ cơ bản thì Ông sẽ không tìm được.” Vị giáo sư đó cả quyết mà không biết
rằng tòa nhà vật lý sắp sụp đổ, và một trong những người sẽ làm cho nó sụp
đổ chính là chàng sinh viên Max Planck đang đứng trước mặt mình chỉ không
đầy một thập niên sau. May mà sinh viên Planck đã không để mình bị nản lòng!
Suýt nữa có lẽ nhân loại đã mất đi thuyết lượng tử với vô vàn ứng dụng trong
công nghiệp và cuộc sống như hôm nay thụ hưởng.
Còn Einstein thì sao? Con người vốn “nổi loạn” từ nhỏ này cũng thế, ông gặp
thầy đáng kính, như thầy văn mà ông nhớ mãi, nhưng cũng gặp không ít những
vị thầy “đáng sợ”, kỷ luật và giáo điều như nhà binh, kiêu ngạo xem thường
học sinh. Einstein sau này mới nói: “Kẻ thù lớn nhất của chân lý là sự ngạo
mạng của quyền uy” (ngay cả trong giáo dục, khoa học). Cho nên Einstein đã
bỏ ngang trường ở Munich đề một mình đến “tị nạn học” ở Thụy Sĩ. Ở đó ông
gặp một vị thầy rất khả kính, Jost Winteler, mà ông có thể nhận làm người
cha tinh thần, rất tinh tế, biết tôn trọng và đầy tình thương yêu. Chính ông
đã đem lại niềm tin cho Einstein để tiếp tục việc học. Cám ơn ông.
Rồi lên đại học ETH ở Zürich Einstein cũng lại gặp những vị thầy “áp đặt”
làm ông cảm thấy ngột ngạt, khiến ông bỏ học nhiều giờ, trở thành nổi danh
là anh học sinh “lười biếng, cúp cua”. Nhưng đâu phải như thế. Einstein đã
trốn các vị thầy đó để được tự học cái mình đang khao khát! Và đã học được
nhiều hơn là giảng đường! Planck không bỏ học, nhưng cũng thấy buồn tẻ và
nản lòng trước các bài giảng, đâu phải của người tầm thường, mà của những
con chim đại bàng của ngành vật lý lúc bấy giờ: H. Helmholtz và G.
Kirchhoff, để cuối cùng ông cũng rút lui về tự học ở những tác phẩm với văn
phong sáng sủa và đầy thu hút của Rudolf Clausius, người khám phá định luật
cơ bản thứ hai của nhiệt học, và tác giả của khái niệm entropy.
 
Rudolf Clausius (1822-1888)
Hermann von Helmholtz (1821-1894)
 
Gustav Robert Kirchhoff (1824 –1887), Max Karl Ernst Ludwig
Planck (1858-1947)
 
Hermann
Minkowski(1864-1909)
Albert Einstein (1879-1955)
Thầy Minkowski của Einstein cũng đâu phải là người tầm thường, ông là một
ngôi sao sáng chói của toán học. Nhưng Einstein đâu được thỏa mãn. Giấc mơ
tri thức thầm kính của ông có lẽ không ai hiểu để tiếp sức, để rồi ông phải
tự đi tìm con đường riêng chinh phục thế giới. Chỉ vài năm sau, người thầy
Minkowski phải giật mình không hiểu nổi tại sao cậu sinh viên lười biếng kia
lại có được công trình nghiên cứu tuyệt vời về thuyết tương đối như thế.
Những thí dụ trên là sự minh họa rất sinh động tính chất đôi, vâng của “con
dao hai lưỡi” của sứ mệnh dạy dỗ thiêng liêng của các người thầy. Dạy dỗ
cũng thể là “khai hoang”, nhưng cũng có thể vô tình làm chết đi không hồi
phục được những hạt giống quý của quốc gia, “cắt cỏ” nhưng cũng có thể cắt
bỏ luôn một cách oan nghiệt những mầm non mới chớm nở. Nhà vật lý học giải
Nobel nổi tiếng của Mỹ R. Feynman đã nói về giáo dục: “Giáo dục là một sức
mạnh, cho cả thiện và ác”.

Richard Phillips
Feynman (1918 - 1988)
Comenius, một nhà sư phạm nổi tiếng của thế kỷ 17 ở châu Âu, đã nói về con
người như một tuyên ngôn: “Bản chất con người là yêu tự do, yêu quyền tự
quyết và ghét bắt buộc. Cho nên nó muốn được chỉ đường đến chỗ phát triển
chứ không muốn bị kéo đi, đẩy đi hay ép buộc”. Học sinh cần được hướng đến
các nguồn tri thức chứ không nên bị kéo lôi. Miếng đất và không khí giáo dục
phải được tạo ra sao cho màu mỡ, sách vở cần phải có nhiều nguồn và nhiều
tính sáng tạo, và phải “xốp” để các hạt giống nảy mầm và phát triển tốt
được. Học sinh phải thở được không khí học tập dễ thở như hít thở khí trời
tự nhiên, các em phải là chủ thế chứ không phải là ‘vật thể’. Mọi cách giáo
dục cứng nhắc khuôn mẫu đều làm cho miếng đất giáo dục khô cằn và chai cứng,
và không thể có được những cánh đồng bội thu. Hiểu biết, khoa học là sinh
động, không phải là cái gì đơn điệu. Hãy xem thầy Hermann Müller của Max
Planck.
Hãy là những vị thầy của tương lai, biết cái mình biết và chưa biết trong sự
khiêm tốn, và luôn luôn phấn đấu để hiểu biết, để sáng tạo, nâng giáo dục
lên thành nghệ thuật. “Kiến thức tự nó là khô cứng. Phải có thầy giỏi và
trường tốt để làm sống nó lại”2 như Einstein nói. Học sinh không phải học để
biết quá khứ hay hiện tại. Mà các em phải học để có khả năng biết được tương
lai và tự hoạch định cho mình! Mọi con đường dẫn đến khoa học, đến chân lý
do đó không thể đóng kín mà phải được mở ra. Trong hướng đó chúng ta tìm
thấy ý nghĩa của sứ mệnh cao cả và thiêng liêng của nhà giáo.
Cuối cùng nhưng không phải thứ yếu: nhà giáo theo nghĩa rộng không phải chỉ
có vai trò khi họ đứng lớp, mà họ còn có vai trò khi họ để lại những tác
phẩm hay: sách vở. Những nhà khoa học vĩ đại bao giờ cũng là những con người
tự học, và tìm đến các tác phẩm hay của những vị thầy trí tuệ, dù có lên lớp
hay không. Đó chính là mái trường thứ hai rộng mở vươn đến tương lai cực kỳ
quan trọng trong việc phát triển trí tuệ của con người./.
19.11.2008
Đã đăng trên Tuổi Trẻ Online
©
http://vietsciences.free.frr
và http://vietsciences.org
Nguyễn Xuân Xanh
|