1-
Hàng chục triệu cuốn sách giáo khoa sẽ phải sửa lem nhem
2-
Sửa sách giáo khoa: Trách nhiệm của Bộ trưởng GD-ĐT?
3-
Biên soạn sách giáo khoa:
Thước đo không phải học hàm, học vị
4-
Sai sửa sách giáo khoa: Chuyện chưa bao giờ thấy!
1-Hàng chục triệu cuốn sách giáo khoa sẽ phải sửa lem nhem
Nguyễn Xuân Hãn
(LĐ) - Theo NXB Giáo dục, năm học 2008-2009 in và phát hành 99
triệu bản SGK phổ thông các cấp. SGK vừa đến tay học sinh để bước vào
năm học mới thì một thông tin gây chấn động dư luận: NXB Giáo dục đang
chuẩn bị in 3 cuốn sách đính chính SGK.
PV Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với GS-TSKH Nguyễn Xuân Hãn (ĐH Quốc gia Hà Nội) xung quanh sự kiện này.
- Thưa GS, việc NXB Giáo dục phải in tới 3 cuốn sách để đính chính SGK
đang làm dư luận hết sức quan tâm. Vì sao lại có nhiều sai sót trong SGK
đến như vậy? GS đánh giá sự kiện này như thế nào?
- SGK có nhiều sai sót, đặc biệt là sai kiến thức, thật bất lợi cho dạy và học ở phổ thông. Điều này đã được bàn bạc ở nhiều diễn đàn quốc gia và công luận nhiều năm nay. Việc thiết kế chương trình và biên soạn SGK của ta trong 27 năm qua có vấn đề, từ tư duy, từ nhận thức, chỉ đạo và tổ chức triển khai.
-
Sự bất cập này đã được giới khoa học cảnh báo, nhưng cơ quan có trách nhiệm vẫn bỏ qua. Nói một cách hình ảnh, một ngôi nhà 12 tầng tương ứng với 12 lớp ở phổ thông, chỉ cần một nhóm thợ giỏi làm, đồng bộ là đủ, còn ta đem cắt khúc ngôi nhà này ra thành nhiều phần và thuê hàng trăm nhóm thợ khác nhau làm theo kiểu cuốn chiếu "vừa chạy vừa xếp hàng", lại không có ai tổng chỉ huy về học thuật, nên sai sót là không tránh khỏi.
- Dù có 3 cuốn sách đính chính cũng không giải quyết được gốc vấn đề. Tại sao? Kiến thức trình bày trong SGK không liền mạch, thiếu logic, ngôn ngữ trình bày xa cuộc sống, khó học và khó dạy. So với các nước, chương trình của ta nặng hơn từ 1 đến 3 năm.
- Gia đình cũng là một kênh giáo dục, nhưng không ít phụ huynh có bằng cấp TS, GS cũng chưa hẳn đã hiểu để kèm cặp cho con mình. Chương trình và SGK hiện nay nếu tiếp tục sử dụng, thật bất lợi cho sự nghiệp trồng người.
- Là người nghiên cứu chương trình và SGK trong ngoài nước, GS có thể nói cụ thể những bất lợi?
-
Chương trình nặng, nên HS phải học thêm ngay từ năm lớp 1, làm các em mất tuổi thơ. Ngoài SGK ở lớp 1 đã có tới 59 đầu sách tham khảo! Theo kết quả điều tra của một số tổ chức VN với Tổ chức Cứu trợ nhi đồng Anh, số tiền học thêm rất lớn, khoảng 300 triệu USD/năm.
- Việc hàng trăm ngàn HS trượt tốt nghiệp THPT và hàng trăm ngàn học sinh bỏ học đang là vấn đề bức xúc, mà một trong những nguyên nhân sâu xa là thiếu chương trình và SGK chuẩn.
- Về việc bỏ học, GS Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục - đã nói "ngay lập tức phải coi tình trạng bỏ học chẳng khác gì tín hiệu SOS, ngang với thiên tai, lũ lụt... phải nhanh chóng tìm cách cứu chữa ngay".
- Tại sao không chỉnh sửa trước khi in SGK mới, để khỏi phải in thêm sách đính chính, thưa GS?
- Theo tôi được biết, sau khi in xong sách đính chính, Bộ GDĐT sẽ chuyển sách đính chính về các sở GDĐT, các sở chuyển cho phòng GDĐT các quận, huyện, thành phố, thị xã trực thuộc, các phòng GDĐT lại chuyển cho các trường, các trường chuyển cho các thầy cô, các thầy cô trực tiếp hướng dẫn các em học sinh sửa bằng bút vào SGK mới mua.
- Hơi lem nhem thôi, chứ không phải dùng cả SGK lẫn sách đính chính. Còn việc tại sao không chỉnh sửa trước khi in SGK mới để khỏi phải in thêm sách đính chính thì tôi chịu. Chỉ có Bộ GDĐT mới trả lời được.
- Theo GS, để có chương trình và SGK chuẩn, chúng ta cần phải có giải pháp gì trong thời điểm hiện nay?
- Gốc tư duy sai về khoa học thì phải sửa ngay. Thực tế hiện nay, tất cả các nước đều làm chương trình và SGK đạt chuẩn quốc tế và được sử dụng ổn định hàng chục năm, dù nước đó là nước phát triển: Anh, Đức, Nga, Pháp và Mỹ, hay các nước còn khó khăn ở Châu Á, Phi, hay Mỹ Latinh.
- Tại sao VN còn nghèo mà mỗi năm người dân phải bỏ ra hàng nghìn tỉ đồng cho việc mua SGK? Điều này thật phi lý. Khi công tác ở nước ngoài, tôi đã trao đổi kỹ với các bạn ở các nước, đặc biệt là các nước ở Châu Phi, Mỹ Latinh và nhận thấy, cách thiết kế chương trình và biên soạn SGK của các nước đang phát triển, và cách làm trước đây của GS Hoàng Xuân Hãn năm 1945, của GS Nguyễn Văn Chiển, GS Hoàng Tụy, nhà giáo Lê Hải Châu và các nhà giáo khác năm 1955, giống hệt nhau.
-
Hiện đại hoá kinh nghiệm quý báu trong tổ chức biên soạn trong - ngoài nước, với những CT-SGK của nước ta trước đây, xin một lần nữa khẳng định lại CT-SGK phù hợp với VN và đạt chuẩn mực quốc tế trong vài tháng sẽ làm xong, để sang năm triển khai đồng bộ từ lớp 1 đến lớp 12. Vấn đề là con người và tổ chức, người chúng ta có, vấn đề còn lại là biết chọn và sử dụng.
- Xin cảm ơn ông!
Phan Huy thực hiện
Lao Động số 200 Ngày 30/08/2008 Cập nhật: 8:42 AM, 30/08/2008
http://www.laodong.com.vn/Home/xahoi/giaoduc/2008/8/104562.laodong
2- Sửa sách giáo khoa: Trách nhiệm của Bộ trưởng GD-ĐT?
Lê Hồng Hà
Hàng chục triệu cuốn sách giáo khoa năm học mới in xong đã phải chỉnh sửa không những gây tốn kém rất lớn về tiền của mà cái mất lớn nhất là mất lòng tin, làm tụt hậu sự phát triển của đất nước.
Qua Báo Lao động, chúng tôi thấy cần được biết ý kiến của Bộ giáo dục-đào tạo về vấn đề này và trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GDĐT thế nào để tình hình này không đáng có này xảy ra. Rất mong được Báo thông tin cho công chúng biết. Tiền đóng góp của dân không thể để ai đó xài một cách lãng phí vô lối được.
(02/09/2008)
http://www.laodong.com.vn/Home/bandocviet/2008/9/104767.laodong
3- Biên soạn sách giáo khoa:
Thước đo không phải học hàm, học vị
(LĐ) - Ngày 1.9, Báo Lao Động mở diễn đàn góp ý về việc biên soạn SGK. Hiện nay, Bộ GDĐT đang kêu gọi mọi người tham gia viết SGK. Như vậy, việc biên soạn SGK sẽ không bao giờ có sự chuẩn mực bởi cách làm này không khác gì "đẽo cày giữa đường".
Không ít ý kiến tham gia diễn đàn cho rằng, vai trò người viết SGK cũng như Hội đồng thẩm định hết sức quan trọng. Xem nhẹ một trong hai khâu, hậu quả sẽ là những sai sót tràn lan của SGK vẫn được đưa vào dạy và học trong trường phổ thông.
Trách nhiệm chính là của Hội đồng thẩm định. Đó là ý kiến của ông Nguyễn Bắc Việt (Hà Nội). Ông Việt viết: "Tôi thực sự ngỡ ngàng khi đọc được thông tin trên báo chí rằng, trong sách Bồi dưỡng, chỉ đạo... (chủ biên: Phan Trọng Luận - Trần Đình Sử) đã hướng dẫn GV dạy bài "Đại cáo bình Ngô" của Nguyễn Trãi, với hai câu thơ "Bại nhân nghĩa nát cả đất trời/ Nặng thuế khoá sạch không đầm núi".
Không phải bình, ai cũng sẽ hiểu ý nghĩa của hai câu thơ nói trên nói về tội ác của kẻ thù đối với nhân dân ta. Ấy thế mà hai ông Phan Trọng Luận và Trần Đình Sử lại tưởng tượng và hướng dẫn giáo viên rằng: "Kết hợp tích hợp giáo dục môi trường khi giảng dạy bài Đại cáo bình Ngô, lúc lên án tố cáo tội ác kẻ thù, tác giả tố cáo hành động huỷ diệt môi trường sống.
Với những câu thơ trên, Nguyễn Trãi là "người xưa của ta nay" trong vấn đề giáo dục môi trường. Giáo viên cần lưu ý cho HS rằng, bằng linh cảm thiên tài, Nguyễn Trãi đã đề cập đến vấn đề môi trường sống"(?!).
Có lẽ, tôi và độc giả Báo Lao Động không thể bình luận gì hơn trước gợi ý của hai ông Phan Trọng Luận và Trần Đình Sử.
Chính hai ông mới là người nhìn xa trông rộng, suy diễn một cách vô tưởng như vậy, chứ không phải là Nguyễn Trãi. Tôi không hiểu tại sao, sự "ngớ ngẩn" ấy vẫn được Hội đồng thẩm định thông qua, biên tập viên NXB vẫn chấp nhận.
Tôi không trách trình độ, am hiểu của hai ông nói trên. Vấn đề quan trọng là trình độ của Hội đồng thẩm định, NXB. Tôi tin, chỉ có ở VN mới có những lỗi sai trầm trọng như vậy vẫn được in thành sách đưa vào hệ thống nhà trường. Bộ GDĐT cần xem xét trách nhiệm của Hội đồng thẩm định.
Không chấp nhận cách sửa sai của NXB Giáo dục. Ông Nguyễn Trường (email: truongnguyen123 @yahoo.com.vn) bày tỏ gay gắt với cách sửa sai của NXB Giáo dục khi quyết định in tới ba cuốn sách đính chính để giáo viên và HS sửa những lỗi sai.
Điều này bộc lộ trình độ non kém của Hội đồng thẩm định và NXB Giáo dục. Có những lỗi sơ đẳng vẫn không bị ai phát hiện ra, nếu như Bộ GDĐT không tổ chức lấy ý kiến toàn dân góp ý SGK. Thử hỏi, NXB Giáo dục đã thu lời bao nhiêu tỉ đồng mỗi năm khi in SGK mới.
Cái sai thuộc về mình thì bây giờ NXB Giáo dục lại đá quả bóng về chân giáo viên và HS. Con gái tôi là giáo viên cấp 2, cháu đã lấy SGK cho tôi xem thì quả thật không biết các cháu sẽ sửa như thế nào. Có nghĩa là không đủ chỗ để sửa.
Con gái tôi than, không thể kiểm tra xem HS có sửa hết lỗi sai hay không. Nếu HS nào không sửa, HS đó sẽ bị sai khi làm bài. Tại sao NXB Giáo dục không in tờ đính chính rời phát về các trường để HS dán vào sách. NXB Giáo dục không thể biện minh là tờ rời dễ rơi nên không in, hay là NXB Giáo dục sợ tốn kém (cũng có thể như vậy, vì lỗi quá nhiều). Tôi không chấp nhận cách sửa sai của NXH Giáo dục.
Tại sao ngành giáo dục cứ "thích" đổi mới, cải cách? Ông Vũ Khoa - cựu giáo viên trường Đoàn Kết (Hà Nội) - đặt câu hỏi, tại sao ta không học các nước? Chương trình, SGK của họ "tồn tại" hàng nửa thế kỷ mà không hề bị coi là không phù hợp. Cần phải hiểu chương trình ở bậc học phổ thông rất riêng biệt.
Tôi cho rằng, nhiều người tham gia viết SGK hiện nay không hề gần gũi HS. Bằng cấp, học hàm, học vị của họ cao thật, toàn TS, GS, nhưng thử hỏi có bao nhiêu người viết SGK đã trực tiếp đứng lớp, làm công tác giảng dạy, hay phần nhiều họ là những người ở vị trí nghiên cứu. Vì lẽ đó, ai cũng thấy rằng, trong SGK rất nhiều câu tối nghĩa.
Nếu ở vị trí của người có học hàm, học vị thì họ hiểu, nhưng với HS, ở lứa tuổi để tiếp thu được phải viết thế nào cho các em dễ học, dễ nhớ. Khó quá sẽ dẫn đến tình trạng HS chán học và bỏ học, mà một trong những nguyên nhân do chương trình và SGK của các bậc học quá sức của đông đảo HS - loại trừ những HS có năng khiếu. Phải viết lại SGK, ai viết - đó là trách nhiệm của Bộ GDĐT.
Nhóm PV Bạn đọc
Lao Động số 202 Ngày 03/09/2008 Cập nhật: 8:24 AM, 03/09/2008
http://www.laodong.com.vn/Home/xahoi/giaoduc/2008/9/104786.laodong
4- Sai sửa sách giáo khoa: Chuyện
chưa bao giờ thấy!
Sai sót trong cuộc đời là chuyện có thể xảy ra. Nhưng sai sót đến mức
100% sách giáo khoa (SGK) phải đính chính bằng… ba cuốn sách khác thì
quả là chuyện chỉ có ở nước ta.
Khi 95 triệu bản SGK mới đã và đang được phát hành thì một chuyện chưa
từng có trong lịch sử in ấn Việt Nam là Bộ GD-ĐT đang gấp rút để hoàn
thành 28.000 cuốn sách đính chính(!)
Ông Lê Quán Tần, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học đã trả lời báo chí
rằng, sai sót này ảnh hưởng rất ít đến quá trình dạy học và “sai thì
sửa” là việc cần làm. Nói như ông thì các vị cứ việc tha hồ làm sai bởi
tội vạ đâu đã có người dân nộp thuế chịu ư ?
Trước hết, đừng nói rằng Bộ GD-ĐT sẽ “cấp miễn phí” gần ba vạn cuốn sách
đính chính vì chắc chắn hàng trăm triệu đồng tiền in sách đó chẳng có ai
bỏ tiền túi ra để chịu mà cuối cùng thì vẫn là tiền dân, của nước. Chỉ
vì sự tắc trách, cẩu thả (điều tối kỵ của những nhà giáo dục) mà lãng
phí hàng trăm triệu đồng là điều mà lẽ ra những người có lương tâm và
trách nhiệm phải băn khoăn và nhận lỗi trước dư luận.
Điều tiếp theo phải nhận thấy là 95 triệu cuốn SGK chắc chắn sẽ bị lem
nhem 100%. Về mặt tinh thần học tập, không có ai muốn bắt đầu năm học
mới bằng cách bôi bẩn những cuốn sách của mình. Tác động này không đong
đếm được nhưng chắc chắn rằng cả một thế hệ sẽ nhận thức lệch lạc về
“công chuyện của người lớn”. Một khi người lớn sai sửa, sửa sai dễ dàng
như thế, làm sao bắt con trẻ không thể sai lầm?
Chúng ta giáo dục cho trẻ tất cả mọi điều, kể cả hành vi sống đúng đắn,
thái độ đúng khi phạm khuyết điểm. Làm sao có thể giải thích cho trẻ
rằng 95 triệu cuốn SGK cũng chỉ là một “hạt bụi” nhỏ của tri thức và
năng lực?
Hơn nữa, qua sai phạm rất lớn này, có thể thấy rằng những người chịu
trách nhiệm về SGK đã không hề làm tròn công việc của mình. Tại sao biết
có rất nhiều lỗi sai, kể cả về mặt kiến thức không chuẩn mà vẫn đem in?
Thật là kỳ lạ khi in xong rồi thì lại bào chữa rằng “việc điều chỉnh SGK
có nhiều vấn đề phức tạp cần phải bình tĩnh xử lý” (Tuổi Trẻ, 1/9/2008,
tr3). SGK phải là chân lý khoa học, nền tảng của định hướng, pháp lệnh
của ngành giáo dục chứ không phải là một chiếc áo để lỡ ra có bẩn thì
giặt, rách quá thì quẳng đi.
Sai sót trong cuộc đời là chuyện có thể xảy ra. Nhưng sai sót đến mức
100% SGK phải đính chính bằng… ba cuốn sách khác thì quả là chuyện chỉ
có ở nước ta. Giá như những người có trách nhiệm nhận sai lầm bằng thái
độ thành khẩn đúng mức? Giá như hàng trăm triệu đồng tiền đính chính
được trả bằng tiền túi của cá nhân thì có lẽ sẽ không có chuyện sai
nhiều và sai dễ như thế!
Suy cho đến cùng, chuyện “sống chết mặc bay” vẫn là câu chuyện dài tập
của những công chức quan liêu, tắc trách, không hề biết đến những giá
trị thuộc về nguyên tắc như tiết kiệm và phải làm hết bổn phận của chính
mình.
Hà Văn Thịnh, ĐH Khoa học Huế
http://vietnamnet.vn/bandocviet/2008/09/802745/
http://vietsciences.free.fr
và http://vietsciences.org
|