Sơ lược về hệ thống đại học ở Pháp

Vietsciences-Hà Dương Tường         06/04/2008

 

Những bài cùng tác giả

 

1/ Vài nguyên tắc chung.

● “Giáo dục đại học” hay “trường đại học” hay ngắn hơn, “đại học” trong bài này chỉ chung các hình thức, trường đào tạo sau trung học phổ thông. Việc phân loại các trường sẽ được mô tả trong một phần dưới, nhưng cũng có thể nói ngay : như nhiều quốc gia, đại học Pháp nói chung chia làm 2 hệ : các “đại học tổng hợp” và các trường chuyên nghiệp. 

● Pháp là một nước trung ương tập quyền, các đại học hầu hết là công (chỉ có 5 trường đại học tổng hợp tư của nhà thờ công giáo, và một số trường đại học tư chuyên nghiệp – chủ yếu là các trường thương mại và một số trường kỹ sư), nên hệ bằng cấp của Pháp là bằng cấp quốc gia. Trong những khung bằng cấp do nhà nước định ra (cử nhân, thạc sĩ, kỹ sư, bác sĩ, tiến sĩ), các trường đại học chủ động mở chương trình đào tạo theo cấp bằng mình muốn, và xin được nhà nước công nhận. Việc công nhận do bộ quốc gia giáo dục hoặc bộ đại học và nghiên cứu[1]– tuỳ theo chính phủ, dưới đây gọi tắt là Bộ hay bộ GD – chịu trách nhiệm, có giá trị hữu hạn, sau những cuộc kiểm định định kỳ (chu kỳ hiện nay là 4 năm). Việc kiểm định giá trị của một chương trình đào tạo để cho phép một trường đại học cấp một bằng nào đó là do một cơ quan được nhà nước lập ra[2] chịu trách nhiệm – nhưng cơ quan này hoạt động độc lập với cơ quan quản lý, trong nghĩa là không chịu sự chỉ đạo của Bộ chứ không phải không có sự phối hợp.

● Trong hệ thống các đại học tổng hợp (xem dưới đây, điểm 2.1/), các giảng viên đại học trong ngạch gồm hai cấp : Maître de Conférences (MCF) và Professeur, có thể tạm dịch là “phó GS” và “GS” như ở ta, đều là những chức vụ “quốc gia” theo nghĩa là họ đã được tuyển chọn thông qua một quá trình có tính chất quốc gia, và do đó có thể xin chuyển đổi từ ĐH này sang ĐH khác và khi được chấp nhận thì vẫn giữ nguyên cấp bậc, đồng lương... Ở bước một của quá trình truyển chọn, một Uỷ ban quốc gia các đại học (Comité National des Universités, hay CNU)[3] sẽ xem xét hồ sơ khoa học của các ứng viên và công nhận họ đủ năng lực để đảm nhiệm chức vụ. Điều kiện tối thiểu cho chức MCF là bằng tiến sĩ, cho chức Professeur là Chứng chỉ được quyền hướng dẫn nghiên cứu (Habilitation à diriger la recherche, gọi tắt là HDR) – thường được trao cho các ứng viên đã là tiến sĩ và có trung bình từ 5 tới 7 năm nghiên cứu độc lập, với những kết quả được thừa nhận ở mức quốc tế, một quá trình trợ giúp một giáo sư hướng dẫn nghiên cứu ít nhất một tiến sĩ. Khi được CNU công nhận mình có đủ tiêu chuẩn năng lực làm MCF hay Professeur (công nhận này có giá trị 4 năm), ứng viên sẽ xem trong danh sách hàng năm được Bộ công bố, có trường nào mở ra một chức vụ hợp với mình và nộp đơn xin vào đấy. Bước tiếp tới, chọn ai trong số các ứng viên đủ tiêu chuẩn, là do trường quyết định, Bộ chỉ thông qua. Tuy nhiên, Bộ cũng có quy định về nhân sự của các tiểu ban tuyển chọn của trường để bảo đảm sự tuyển chọn được dựa trên các cơ sở khoa học nghiêm chỉnh (những người trong tiểu ban phải có trình độ bằng hoặc trên mức của chức vụ được tuyển, và phải bao gồm một tỉ lệ nhà khoa học ở ngoài trường...).

● Do tính chất quốc gia của các giảng viên và của bằng cấp, giá trị bằng cấp của các trường ĐH của Pháp được coi là ngang nhau, ít ra là về mặt hành chính (như việc định cấp bậc lương khởi sự, dù là trong một cơ quan nhà nước hay trong một xí nghiệp). Tất nhiên, sự khác biệt giữa các trường « giỏi » hay « trung bình » vẫn tồn tại trên thực tế, ảnh hưởng tới việc được tuyển hay không của một người mới ra trường (sau một vài năm làm việc, năng lực cá nhân sẽ nổi lên thành yếu tố chính trong sự nghiệp của mỗi người, đó là chuyện khác). Tuy nhiên, sự nghiêm minh trong quản lý giáo dục khiến cho ở Pháp hầu như không có bằng « dỏm », và việc gặp những kỹ sư hay cử nhân trẻ ở một trường nhỏ ở một địa phương « xa » giỏi hơn các bạn cùng ngành vừa tốt nghiệp cùng cấp bậc ở một trường danh tiếng ở Paris không phải là chuyện hi hữu.

● Bạn đọc sẽ dễ nhận ra, bài này nghiêng về phía các đại học khoa học, công nghệ, nhiều hơn là các ngành khác (y, luật, nhân văn...) vì một lý do đơn giản : người viết theo dõi và biết nhiều hơn về các trường trong những lĩnh vực gần gũi hơn với mình !

 

2/ Các loại trường đại học.

Như trên đã nói qua, nhìn chung đại học Pháp có hai loại trường, các đại học tổng hợp (Universités, viết tắt: ĐHTH) và các đại học chuyên nghiệp (Ecoles Spécialisées, ĐHCN).

 

      2.1/ Các ĐHTH

Như tên gọi, gồm nhiều trường chuyên ngành[4] thành viên (facultés), như trường Luật – Kinh tế (hay Luật – Chính trị, và Kinh tế - Quản lý), trường Y, trường Dược, trường Khoa học Tự nhiên, trường Khoa học Xã hội và Nhân văn v.v., nhận sinh viên ghi danh vào năm thứ nhất trên cơ sở bằng tú tài (tốt nghiệp trung học phổ thông) và địa phương – dựa trên địa chỉ nơi đã học năm cuối THPT. Tuy nhiên, cũng có những ngoại lệ như trường Y – có thi tuyển -, một số trường kỹ sư trong khuôn khổ ĐHTH (các đại học này được phép mở trường kỹ sư từ khoảng 10 năm nay), tuyển sinh trên cơ sở hồ sơ học tập ở THPT - khác với các trường kỹ sư truyền thống có thi tuyển (xem điểm 2.2 dưới đây). Cả nước Pháp có 83 ĐHTH, rải đều trên lãnh thổ (kể cả ở các vùng lãnh thổ “hải ngoại” như các đảo thuộc Pháp ở Trung Mỹ), quy tụ gần 1,3 triệu SV (trên tổng số 2,25 triệu SV)[5], trong số này kể cả khoảng 40 000 SV hệ kỹ sư.

Từ năm 2002, các ĐHTH đã chuyển dần sang hệ đại học châu Âu - theo quá trình cải tổ Bologna, xem bài [H] của cùng tác giả -, cấp ba loại bằng đại học : Cử nhân (licence, hay theo tiếng Anh là bachelor), 3 năm học sau tú tài ; thạc sĩ (master), 5 năm học và tiến sĩ (docteur), 8 năm – gọi tắt là hệ 3-5-8. Tuy nhiên, trong thời gian chuyển tiếp, các văn bằng cũ như DEUG (Diplôme d’Etude Universitaire Générale), 2 năm học hay Maîtrise (4 năm) tiếp tục được cấp cho những SV có yêu cầu.

Do việc không có thi tuyển khi vào học, vấn đề lớn của các ĐHTH là số SV không đủ sức học, phải ra ngang chiếm một tỉ lệ khá cao (trong những năm qua, các trường đều cố gắng để mở ra những lớp phụ đạo kèm các SV kém, nhưng tỉ số này vẫn lên tới 40% sau năm thứ nhất). Số SV đỗ bằng DEUG là xấp xỉ 60% so với lúc vào trường, và trong số này cũng không phải tất cả đều học tiếp lên cử nhân, thạc sĩ được : một số bước thẳng vào thị trường lao động, một số khác đi học thêm một ngành nghề ở các IUT (xem dưới đây)... Tuy vậy, sẽ là sai lầm lớn nếu nghĩ rằng ĐHTH chỉ là chọn lựa cuối cùng của SV sau khi bị thất bại trên đường vào các “trường lớn” (xem dưới đây). Ngoài những ngành nghề mà các “trường lớn” đó không đào tạo (như bác sĩ, luật sư, giáo viên...), cũng còn những lý do kinh tế (SV các ĐHTH có nhiều tự do trong sắp xếp giờ học của mình, và do đó có thể vừa học vừa làm dễ hơn), lý do học thuật (SV có thiên hướng thích nghiên cứu khoa học cơ bản)... khiến cho một SV chọn ĐHTH thay vì tìm cách vào một trường lớn. 

Sự tự do trong sắp xếp giờ học của mình cũng buộc SV phải có nhiều cố gắng để có kỷ luật cá nhân (auto-discipline) cho sự học của mình. Nhưng cũng vì thế mà mà người ta cũng thường gặp ở những SV xuất sắc của các ĐHTH những con người nhiều cá tính, sáng tạo, dám vượt khuôn khổ hơn nhiều bạn đồng lứa học ở các “trường lớn”. 

Các ĐHTH của Pháp là các đại học nghiên cứu và có đào tạo tiến sĩ (hầu hết), nhưng tất nhiên danh tiếng thì khác nhau, và nếu nhìn tổng thể thì chỉ khoảng mười ĐHTH của Pháp (hơn 20 ở Mỹ)[6] có trình độ nghiên cứu khoa học thuộc “đẳng cấp quốc tế”[7]. Những trường hàng đầu về khoa học tự nhiên là đại học Paris IX (Orsay), Paris VI, Strasbourg, nổi tiếng tương đối toàn diện và có trong “top 100” của các đại học thế giới, theo các bảng xếp hạng dựa trên kết quả nghiên cứu. Nhìn riêng từng lĩnh vực thì khác : toán ứng dụng ở ĐH Toulouse, Lyon, vật lý ở Grenoble, nông nghiệp ở Montpellier v.v., đều có tiếng trong chuyên ngành của mình. Ngoài ra, ĐH Pháp cũng rất nổi tiếng trong các ngành khoa học xã hội và nhân văn... Vấn đề của ĐH Pháp khi so sánh với những đại học nổi tiếng thế giới là thuộc phạm vi nghiên cứu chứ không phải ở đào tạo – dù đào tạo TS phụ thuộc vào nghiên cứu ! Một ví dụ dễ hiểu : ngân sách của ĐH Harvard, với gần 20.000 SV, là hơn 2 tỉ euros, của Cambridge là 2,3 tỉ cho 18.000 SV, của trường Paris VI, với 30.000 SV, là 313 triệu euros, ĐH Strasbourg là 200 triệu euros cho 19.000 SV...[8] Tuy vậy, các TS mới tốt nghiệp ở Pháp hầu như không gặp khó khăn nào nếu muốn tiếp tục sự nghiệp của mình tại một trường nổi tiếng bên Mỹ, và Silicon Valley thì đầy dẫy những TS đào tạo ở Pháp !

    2.2/ Hệ thống các ĐHCN của Pháp

Gồm các trường đào tạo ngành nghề ngoài các ĐHTH, với thời gian đào tạo từ 2 đến 5 năm sau THPT. Hệ thống rất đa dạng này thu hút hàng năm khoảng 1 triệu SV, từ các trường kỹ sư (khoảng 64.000 SV), trường đào tạo cán bộ thương mại (75.000 SV), kỹ thuật viên trong đủ mọi ngành nghề, tới các trường báo chí, sư phạm... Nói chung, các trường này có thi hoặc xét tuyển đầu vào, và cấp các loại bằng nghề chứ không cấp các bằng cử nhân, thạc sĩ... Tuy thế, việc liên thông với các ĐHTH được tổ chức trong cả hai chiều : nhiều trường xét hồ sơ nhận SV có bằng ở ĐHTH (DEUG, cử nhân) vào học năm thứ ba hay thứ tư của trường và ngược lại, SV tốt nghiệp một trường nghề có thể xin học tiếp ở một ĐHTH (cũng trên cơ sở xét hồ sơ học tập cá nhân, và trong một ít trường hợp – nếu là trường nổi tiếng -, được nhận tương đương bằng cấp). Mặt khác, ngoài một số trường có phòng nghiên cứu và được phép đào tạo TS, phần lớn SV tốt nghiệp các trường nghề, nếu muốn đi vào nghiên cứu khoa học – dù là nghiên cứu ứng dụng -, phải qua các trường ĐHTH.

Dưới đây, xin điểm qua một số loại hình quan trọng của các ĐHCN này.  

          a/ Các “trường lớn”

Gồm hệ thống các trường Cao đẳng sư phạm (Ecoles Normales Supérieures, ở Paris, Cachan, Lyon), trường Bách Khoa Paris, trường “Trung ương Paris” (Ecole Centrale de Paris), trường Cao đẳng thương mại (Ecole des Hautes Etudes Commerciales), Học viện Chính trị (Sciences Politiques), một số trường kỹ sư hay thương mại khác..., tuyển sinh qua các kỳ thi (viết và vấn đáp) tổ chức cho SV sau hai năm học tại các “lớp chuẩn bị vào các trường lớn” (Classes Préparatoires aux Grandes Ecoles – CPGE). Tổng số SV theo học tại các CPGE là khoảng 72.000, kể cả các lớp nặng về khoa học kỹ thuật hay các lớp nghiêng về khoa học xã hội và nhân văn. Chương trình của hai năm học tương đương với hai năm đầu của các ĐHTH, nhưng SV được học sâu hơn, ở các lớp chỉ có dưới 40 người, do đó nếu SV một lớp CPGE dù không đỗ vào một “trường lớn” nào, nhưng nếu qua được cuộc thi viết thì cũng thường được các ĐHTH nhận thẳng vào năm thứ ba mà không cần qua một kỳ kiểm tra lại học lực.

Do được tuyển chọn kỹ lúc vào, và điều kiện đào tạo tốt hơn so với các ĐHTH (quy mô nhỏ hơn nhiều trong khi ngân sách không kém!), SV các trường lớn luôn có được hào quang nhất định dưới mắt người dân Pháp, và khi ra trường dễ kiếm được việc làm tốt hơn các bạn đồng lứa tốt nghiệp ĐHTH. Nhưng tất nhiên, danh tiếng của các trường này cũng đã được xây dựng trên những đóng góp thực sự của SV tốt nghiệp từ hàng chục hay hàng trăm năm nay.

Những “trường lớn” nổi tiếng như Bách Khoa Paris[9], Mỏ Paris, Cầu Cống, Viễn Thông, Hàng Không (Toulouse), Bách Khoa Grenoble... cung cấp cho Pháp nhiều thế hệ kỹ sư làm nên những công trình xây dựng (cầu đường, thuỷ điện), xe lửa (hệ thống Xe lửa tốc độ cao –TGV), hàng không và không gian (tên lửa Ariane, máy bay Airbus mà Pháp có thể coi như đóng vai “thợ cả”) v.v. nổi tiếng khắp thế giới. 

Cùng với Bách Khoa Paris, các trường Cao đẳng sư phạm cũng là lò đào tạo các nhà khoa học hàng đầu của Pháp về nhiều lĩnh vực khoa học cơ bản hay ứng dụng (toán, lý, hoá, sinh, tin học). Tuy trên nguyên tắc, SV các trường CĐSP ra trường là phải đi dạy trung học – ít nhất 6 năm, để trả “nợ” nhà nước, do họ được hưởng quy chế công chức dự bị và ăn lương ngay từ khi vào trường -, nhưng càng ngày càng nhiều SV các trường này chọn con đường nghiên cứu khoa học, và trở thành một đội ngũ chủ lực của giới nghiên cứu, giảng dạy đại học của Pháp. Nhà nước cũng tạo điều kiện cho họ đeo đuổi sự nghiệp đó bằng các học bổng nghiên cứu sinh.

Bên cạnh các trường lớn truyền thống đó, Pháp đã mở ra từ hơn 30 năm nay một số trường kỹ sư “thực hành”, với chương trình đào tạo nhẹ hơn về mặt khoa học cơ bản nhưng với nhiều liên hệ hơn với các doanh nghiệp. Các trường này (5 “học viện quốc gia khoa học ứng dụng” – Institut National des Sciences Appliquées, gọi tắt là INSA – và 3 “đại học công nghệ” – Universités de Technologie) cũng đào tạo kỹ sư 5 năm sau tú tài, nhưng tuyển sinh thẳng từ học sinh vừa thi đỗ tú tài, bằng cách xét hồ sơ học tập ở trung học và phỏng vấn. SV các trường này cũng học các môn khoa học cơ bản trong hai năm đầu như SV các CPGE, song với một chương trình nhẹ hơn, và có thêm các môn kinh tế, quản lý, ngoại ngữ. Sau hai năm đầu đó, nếu đủ điểm ở các môn học, họ được lên thẳng năm thứ ba – vào các chuyên ngành khác nhau -, mà không phải qua thi tuyển.

Tuy rất nổi tiếng trong nước và trong một số nước thuộc địa cũ của Pháp, trừ hai trường Cao đẳng Sư phạm Paris và Bách Khoa Paris, không một “trường lớn” nào lọt được vào các “bảng xếp hạng” các đại học thế giới. Lý do một lần nữa không phải là chất lượng đào tạo mà là qua thống kê các kết quả nghiên cứu (đăng trên các tạp chí quốc tế) : các trường đều có quy mô quá nhỏ (2,3 ngàn SV) và ít phòng thí nghiệm, chưa kể truyền thống nghiên cứu khoa học cũng không nhiều. Do đó, từ một vài năm nay, các trường đang có nỗ lực phối hợp với nhau thành hệ thống (réseau) – như hệ thống các trường Centrale, ở Paris, Lyon, Lille, Nantes ; hệ thống các trường mỏ ở Paris, Nancy, St Etienne... – vừa trong mục đích phối hợp nghiên cứu và đào tạo, vừa để quảng bá tên tuổi của mình ra nước ngoài.

         b/ Các Học viện đào tạo thầy, cô giáo

(Institut universitaires de formation des maîtres, hay IUFM), có một vị trí đặc biệt : đây là các trường sư phạm “thực sự”, vì SV ra trường được bổ ngay đi dạy ở các trường tiểu và trung học, kể cả các trung học nghề. Các IUFM cũng được rải đều trên lĩnh thổ, mỗi vùng hành chính (“Région”, là một đơn vị hành chính của Pháp, mỗi Région tập hợp một vài Département (tỉnh) và có một số nhiệm vụ quy hoạch do Luật định) có một IUFM – tất cả là 31 vùng, 31 trường, mỗi trường sẽ phải xác định là đơn vị của một ĐHTH trong vùng. SV muốn vào IUFM phải có bằng cử nhân và sau một năm chuẩn bị, qua một kỳ thi tuyển. SV thi đỗ sẽ theo học nghề trong 2 năm nữa, trong đó có học lý thuyết sư phạm và thực tập xen kẽ tại các trường và các doanh nghiệp (tỉ lệ thời gian dành cho các lớp lý thuyết, các thời kỳ thực tập tại các trường học và doanh nghiệp, tuỳ thuộc định hướng nghề nghiệp của SV – muốn làm giáo viên tiểu học, hay GV trung học phổ thông, hay trung học nghề, trong chuyên môn nào). Hiện nay, các IUFM cho ra trường khoảng hơn 80.000 SV mỗi năm. Các IUFM cũng có nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu về ngành sư phạm và các khoa học liên quan (tâm lý trẻ em...).

        c/ Các trường cao đẳng nghệ thuật và văn hoá,

bao gồm cả các nghề như kiến trúc, báo chí, truyền thông, có khoảng 60.000 SV.

        d/ Hệ đào tạo “kỹ thuật viên cao cấp”

(techniciens supérieurs) của Pháp, không kém phần quan trọng, có thời gian đào tạo là 2 hay 3 năm sau tú tài, gồm các “học viện công nghệ” (Instituts Universitaires de Technologie, viết tắt : IUT) và các Lớp kỹ thuật viên cao cấp STS (Sections de Techniciens Supérieurs, là các lớp học nghề sau tú tài ở các trường trung học kỹ thật), với tổng cộng 340.000 SV, và các trường ngành y tế và xã hội (đào tạo y tá, trợ tá xã hội...), với hơn 110.000 SV. Hệ này giữ một vai trò cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế Pháp (cả công nghiệp, nông nghiệp hay dịch vụ), và SV ra trường thường được tuyển ngay vào làm trong các doanh nghiệp ngành mình được đào tạo mà không phải qua một thời gian học thêm thực tế. Lý do chính là chương trình đào tạo của họ thường được các doanh nghiệp tham gia xây dựng, và trong đội ngũ giảng viên của họ có mặt nhiều kỹ sư, kỹ thuật viên hay thợ lành nghề... SV tốt nghiệp các IUT hay STS, nếu muốn học thêm để trở thành kỹ sư, hoặc sau khi ra trường hoặc sau vài năm đi làm, có thể ghi danh để được xét tuyển thẳng vào một số trường kỹ sư – và học thêm một vài môn khoa học cơ bản trước khi vào học chuyên ngành.

 

3/ Ngân sách và tài chính.

● Theo những con số của bộ GD năm 2007 (http://media.education.gouv.fr/file/16/1/6161.pdf), tổng chi tiêu của Pháp cho giáo dục (kể tất cả các hoạt động trong và ngoài nhà trường: từ chi tiêu cho giảng dạy, trong đó có việc mua sắm các thiết bị GD, cặp vở, đồng phục nếu có - ở một số trường tư -, quản lý, tới buổi ăn trưa, xe ca đưa đón học sinh...) ước lượng là 117,9 tỉ euros cho năm 2005, tức khoảng 6,9% tổng sản lượng quốc nội (PIB). Trong số này, 81,5% (96,1 tỉ euros) là cho các hoạt động giảng dạy (chia ra: 44,3% cho tiểu học, 25,2% cho trung học, 17,9% cho đại học và 12,6% còn lại cho đào tạo thường xuyên (formation permanente) và các hoạt động đào tạo ngoài trường học). Chi tiêu cho căng-tin và nội trú chiếm 7,8%  tổng chi tiêu nói trên, 10,7% còn lại là cho quản lý, hướng học, y tế học đường, sách vở... Còn nếu chia tất cả 118 tỉ tổng chi tiêu cho các cấp học (nghĩa là tính chung cả hoạt động giảng dạy và quản lý, y tế...) thì tiểu học chiếm 27,2%, trung học 47%, đại học 17,5%, còn lại cho các đào tạo thường xuyên... Lý do của khác biệt này là các hoạt động hỗ trợ giảng dạy ở cấp trung học cao hơn nhiều so với tiểu học và đại học (phần nghiên cứu ở cấp này không tính vào đây). Chi tiêu trung bình là khoảng 4800 euro/năm cho một học sinh tiểu học, 7700 euro ở trung học phổ thông, hơn 10000 euro cho một học sinh trung học chuyên nghiệp, và khoảng 7200 euro cho một sinh viên đại học.

Phần của nhà nước trung ương là 59,0% trong tổng chi tiêu về GD, các địa phương (vùng hành chính, tỉnh thành) là 22,8%, gia đình 10,9%, các doanh nghiệp 6,3% và các cơ quan khác 0,9%...

●  Cần chú ý là ngân sách cho nghiên cứu được tính riêng. Các trường đại học nhận từ bộ đại học một ngân khoản dành cho nghiên cứu chia cho các phòng thí nghiệm tại trường (theo một “hợp đồng” giữa bộ và trường, được đánh giá lại theo chu kỳ 4 năm, tuỳ theo kết quả nghiên cứu, đề án nghiên cứu cho 4 năm tới v.v.). Nhưng các phòng thí nghiệm này cũng có thể đồng thời nhận được từ các trung tâm nghiên cứu cấp nhà nước như CNRS (Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học, thuộc bộ đại học và nghiên cứu), INSERM (Nghiên cứu y học, bộ y tế), INRA (nghiên cứu nông nghiệp, bộ nông nghiệp), INRIA (tin học, bộ công nghiệp) v.v., theo nhiều loại hợp đồng hoặc chương trình nghiên cứu dài hạn. Họ cũng có quyền ký hợp đồng nghiên cứu với khu vực kinh tế xã hội ngoài đại học (công nghiệp, ngân hàng...), các tổ chức vùng, các tổ chức quốc tế.

 

 

Compiègne, 20.1.2008

Hà Dương Tường

Nguyên giáo sư Đại học Công nghệ Compiègne 

 

 

 

Các bài viết liên quan của tác giả:

[H] Không gian đại học châu Âu, bài viết cho nhóm nghiên cứu giáo dục của STR (Trung tâm nghiên cứu của SaigonTimes Group), tháng 1.2008.

[H1] Đào tạo tiến sĩ tại Pháp, như trên.

[H2] Đại học “đẳng cấp” hay tiêu chuẩn quốc tế ?, trang 385-392 trong sách “Những vấn đề giáo dục hiện nay, quan điểm và giải pháp”, nhiều tác giả, NXB Tri Thức, Hà Nội 2007.

 


 

[1] Dù một trường có thể do một bộ hay cơ quan khác làm « chủ quản », như trường Bách Khoa thuộc bộ quốc phòng, trường Mỏ thuộc bộ công nghiệp, bộ GD vẫn có vai trò « đồng chủ quản » đứng về mặt bằng cấp.

[2] “Uỷ  ban quốc gia đánh giá các đại học” (Comité National d’Evaluation des Universités” – gọi tắt là CNE) phụ trách kiểm định chất lượng các đại học tổng hợp, “Tiểu ban về bằng kỹ sư”, Commission des Titres d’Ingénieurs, gọi tắt là CTI) phụ trách các trường kỹ sư... Công việc của họ không phải chỉ là đánh giá chương trình đào tạo được một trường đưa ra để xin được cấp một bằng nào đó, mà là đánh giá chung các hoạt động của các trường, và trên cơ sở báo cáo kiểm định của họ mà Bộ có những quyết định đối với trường. Đối với trường công, quyết định quan trọng nhất là mức ngân sách được cấp, số giảng viên được tuyển thêm, chương trình đào tạo được mở thêm hay tiếp tục..., nhưng đối với trường tư thì khía cạnh quan trọng là công nhận bằng cấp. Khi được công nhận rồi mới được quyền tuyển sinh (không có « chỉ tiêu » số SV do « cấp trên » xác định, nhưng quy mô đào tạo là một tham số phải được đưa ra trong đề nghị được công nhận, và tất nhiên phải được tôn trọng). Mới đây CNE được thay thế bằng AERES (Agence d’Evaluation de la Recherche et de l’Enseignement Supérieur).

[3] Quy trình này sẽ thay đổi trong hướng giao cho Hiệu trưởng các trường đại học nhiều quyền hơn, kể từ năm 2009, theo đạo luật Đổi mới đại học của chính phủ hiện nay.

[4] Trong mỗi « faculté » có nhiều « département ». Như « Faculté des sciences » (đại học khoa học – tự nhiên), có département  de mathématiques, département  de physique, département  de biologie.... Dùng từ « khoa » để chỉ một département  như vậy (khoa toán, khoa lý...) có lẽ thích hợp hơn là dùng « khoa » cho cả « faculté ».

[5] Dân số Pháp tương đối ổn định từ nhiều năm nay (tăng nhẹ), các con số SV cũng thay đổi ít. Trong bài này, các con số lấy từ website của bộ GD Pháp, năm 2006-07, hoặc trước đó (năm 2005), nếu con số không có trong thống kê năm nay.

[6] Xem bài viết của giáo sư Jean-Jacques Salomon trên www.futuribles.com, mục revue, số 329, tháng 4.2007. Jean-Jacques Salomon là giáo sư danh dự tại Conservatoire National des Arts et Métiers, nguyên giám đốc phụ trách Chính sách khoa học (Division de la Politique de la Science) của OCDE.

[7] Quan điểm của tác giả về vấn đề « đẳng cấp » này đã được phát triển trong bài [H2].

[8] Theo Le Monde 14.12.2006.

[9] Bách Khoa Paris (Ecole Polytechnique de Paris, tên gọi tắt là X), hiện nay toạ lạc trên một mảnh đất rộng ở Palaiseau, một thành phố ngoại ô, cách Paris khoảng 15 km về phía nam. Trường cấp bằng kỹ sư, nhưng khác hẳn với các trường kỹ sư khác, đó không phải là một bằng kỹ sư nghề nghiệp. Trong hai năm học (thay vì 3 năm như các trường kỹ sư khác), SV trường X chỉ học những môn khoa học cơ bản – kể cả khoa học xã hội (như kinh tế, quản lý) và nhân văn (văn, triết, ngoại ngữ). Khi ra trường, họ sẽ chọn : hoặc vào một trường kỹ sư như trường mỏ Paris, trường cầu cống, trường viễn thông, trường lâm nghiệp hay một trường sĩ quan kỹ thuật của quân đội v.v. học tiếp hai năm chuyên nghiệp ; hoặc đi làm thẳng ở các doanh nghiệp (trong trường hợp này, họ sẽ được đào tạo tại chỗ một thời gian ngắn về công việc của mình, sau đó tiếp tục sự nghiệp thì như mọi người khác, vừa học vừa làm !) ; hoặc theo con đường nghiên cứu, làm nghiên cứu sinh tiến sĩ trong một phòng thí nghiệm tại trường hay ở một ĐH khác, trong hay ngoài nước – khá nhiều người chọn làm NCS ở Mỹ, và dễ dàng được nhận vào một đại học nổi tiếng như MIT, Harvard, Stanford, Caltech v.v. Điều này cũng chứng tỏ danh tiếng của X vượt ra biên giới Pháp, ít ra là trong giới học thuật.

 

 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Hà Dương Tường