Nói không với tiêu cực trong giáo dục làm được không và làm thế nào?

Vietsciences-Nguyễn Xuân Hãn          08/05/2007
 

Những bài cùng tác giả

    Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đang phát động phong trào "Nói không với tiêu cực" trong ngành GD-ĐT. Thuộc số những người rất tâm huyết với ngành GD nước nhà, lại đã từng  nghiên cứu giáo dụcnhiều năm  trong ngoài nước, GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn, ĐH Quốc Gia Hà Nội cùng trao đổi với báo Văn Nghệ trẻ  xung quanh phong trào này.... 

 

PV: Thưa GS, muốn "nói không" với "tiêu cực" trong ngành GD, điều đầu tiên là phải "bắt đúng bệnh". Vậy, dưới góc nhìn của ông, đâu là những "tiêu cực" đang tồn tại trong hệ thống GD nước ta hiện nay?
    
       - Theo tôi, tiêu cực lãng phí trong ngành giáo dục có mặt trong rất nhiều lĩnh vực, từ việc làm chương trình và biên soạn SGK, thiết bị đồ dùng dạy học, chạy trường, kiểm tra, thi tốt nghiệp, chuyển  cấp, kể cả thi đại học.... Đây là tiêu cực trở thành hệ thống trong ngành giáo dục từ nhiều năm nay. Bức tranh giáo dục vô cùng rắc rối, các điểm  sáng và tối đan xen, thật khó nhìn rõ thấy lối ra!  Tôi ủng hộ tư tưởng hành động thiết thực của Thủ tướng về Chỉ thị thanh tra về thiết bị giáo dục và Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân về 5 vấn đề tiêu cực ( tiêu cực trong thi cử, bệnh thành tích, phương pháp dạy và học, đời sống GV, sách giáo dục và thiết bị), 4 lãng phí ( lãng phí sức lực học sinh, sức lực tiền bạc phục huynh, công lao thầy cô, và lãng phí chung cho xã hội) và 3 suy thoái (suy thoái đạo đức HS, thầy cô, và góp phần suy thoái xã hội) nhằm chấn hưng giáo dục, tuyên chiến với những căn bệnh cố hữu trong ngành. Khác với thế giới vật chất, trong giáo dục, tiêu cực lãng phí không dễ dàng nhận biết, nhưng thiệt hại lại rất lớn, nhiều khi khó đánh giá, thậm chí còn làm lỡ nhịp sự phát triển của một ngành hàng chục năm. 
 

PV.  Vậy để nói không với tiêu cực lãng phí, theo GS chúng ta cần bắt đầu từ đâu? 

    Ngạn ngữ phương Tây đã răn dạy khi đã mất phương hướng, bạn hãy quay lại ngay từ khởi điểm, xin nêu một số điểm     

    Th Nhất, giáo dục chỉ có thể ổn định bằng chương trình và SGK chuẩn. Có một thực tế, các nước nghèo khó ở châu á, Phi,và Mỹ La Tinh đều làm được chương trình giáo dục, sách giáo khoa (SGK) chuẩn của riêng mình  ở bậc phổ thông. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, học sinh của họ vào Nga , Mỹ và các nước khác để học đại học. Một câu hỏi đã được đặt ra vậy những nước nghèo khó lạc hậu đó làm chương trình và SGK như thế nào? cho các GS, TS, Viện sĩ, Bộ trưởng có trách nhiệm ở nước ta. Rất tiếc, câu trả lời tìm mãi vẫn chưa ra ? Trí tụệ người Việt đâu có thể kém người ở các nước kể trên. Nhận thức khoa học  rõ ràng  có vấn đề. Phải chăng đây là nguyên nhân sâu xa mà đã 25 không làm được chương trình và SGK chuẩn?

Dự chi của Nhà nước cho việc đổi mới chương trình và thay sách ở bậc phổ thông từ 2002-2007 là 2 tỷ USD. Doanh số NXBGD là 100 triệu USD/năm thu thêm của dân, chưa kể sự đầu tư của Nhà nước. Vậy lãi suất của NXB này là bao nhiêu? 

Chỉ xin dẫn tiền lãi thay 1 cuốn sách, NXBGD thu được 1 triệu USD. Chuyện tưởng khó tin, nhưng là sự thật. Giá bìa của cuốn SGK môn Ng Văn lớp 1 năm 2003 tập 1 là 9000 đ/cuốn (tập 2 cũng 9000đ/cuốn). Có 1,7 triệu HS vào lớp 1. Vậy tổng thu của NXBGD cho cuốn sách này (1,7 triệu nhân với 9000 đ/cuốn) là 15,3 tỷ đồng. Chi phí cho biên soạn, in ấn phát hành cuốn sách này, theo các chuyên gia, tính rộng chỉ khoảng 1,3 tỷ.

Hàng năm NXBGD in mới khoang 2500 đầu sách. Năm nay có 1 triệu HS vào lớp 10, chưa kể sách tham khảo , mỗi bộ sách lớp 10  trên 150 nghìn đồng/bộ. Người dân  trong cả nước sẽ phải bỏ ra 150 tỷ đồng  để  mua sách !

Xin lưu ý, ở hầu hết các nước trên thế giới kể cả nước giầu có như Mỹ, Đức, Nga, Pháp, Anh  HS cũng không phải mua sách học, mà được được mượn miễn phí. Tại sao? Vòng đời CT-SGK chuẩn ở các nước đều có chế tài để được sử dụng ít nhất 10 năm, thậm chí lâu hơn.

Xin lưu ý, 100 triệu USD/năm này đủ để tăng lương cho các bộ giảng dạy và nghiên cứu trong toàn quốc lên 2,5 lần mức lương hiện nay. Nghịch lý ở chỗ, đội ngũ trí thức có học hàm học vị yêu cầu tăng lương, nhưng rất ít người lên tiếng ngăn chặn sự bòn rút tiền dân  của NXBGD  kiểu như trên hàng chục năm nay?  

    Thứ Hai là thực thi sự  công bằng trong giáo dục. Công bằng được coi là một nguyên tắc lớn để tổ chức nền giáo dục và được nhiều nước coi trọng. Công bằng ở đây  được hiểu là sự  bằng nhau về cơ hội, điều kiện học tập.  Khi sự  công bằng bị vi phạm, ta gặp nhiều  vấn đề.

+ Khôi phục phân ban từ 1992 là rắc rối việc tổ chức dạy và học, HS bị được coi là chuột bạch vì con người ra làm thí điểm.

 Năm 1993 có 3 Ban: Ban tự nhiên (A), kỹ thuật (B), xã hội (C)

Năm 1998 phương án phân ban này bị xoá bỏ, khi thông qua Luật Giáo Dục ngày 2/12/1998.

Năm 2002 -chỉ có 2 Ban: Ban A và C, thất bại. Uỷ Ban thường vụ Quốc hội đã đồng ý với đề nghị của Chính phủ xin dừng 2 năm để nghiên cứu lại.

Đầu năm 2006 có phương án 4 Ban A, B, C, D theo các khối thi không được xã hội đồng tình; Nay-lại có 3 Ban, tư nhiên A, xã hội C, và ban cơ bản (CB) ; Phương án này khi triển khai gần đây lại được biến tấu thành (CB)A, (CB)B, (CB)C, và (CB)D theo các khối thi. Giáo dục THPT hiện đang vô cùng rắc rối. Ví dụ, tại thành phố Hồ Chí Minh, có 121 trường THPT, thì 45 trường không tổ chức ban C, các trường còn lại lèo tèo, chỉ có 2,97% tổng số HS 76 trường còn lại vào ban C, có trường chỉ 1, 2 HS. (Báo SGGP 19/8/2006).

Xin lưu ý, trong 5 nước tiên tiến Anh, Đức, Nga, Mỹ và Pháp, chỉ có nược Pháp (tỷ lệ 1/5) thực hiện phân ban hơn 200 năm nay, và có tới 16 ban. Giáo dục Trung Quốc cũng không có phân ban. Có ý kiến cho rằng: phân ban là xu hướng thế giới, là hoàn toàn không có cơ sở. Phân ban xin lưu ý, cũng không được đề cập lại trong văn bản Luật Gíao Dục sửa đổi được Quốc hội thông qua năm 2005, và có hiệu lực từ 1/1/2006

     Việc chạy trường chuyên, điểm, và lớp chọn nhiều  nơi. Trường càng tốt, sức ép với ban giám hiệu  càng lớn . Tiêu cực phí có thể  là sức ép của quyền lực, có tiền. Số tiền chạy khoảng 1000 USD- 2000 USD hoặc nhiều hơn. Việc xử lý tiêu cực  một vài người trong Ban giám hiệu tại trường THPT Lê Quý Đôn ở thành phố Hồ Chí Minh, là việc làm cần thiết, nhưng đây mới chỉ là phần ngọn. Tại sao? Hiệu trưởng  vừa là thủ phạm vừa là nạn nhận. Lỗi ở đây là lỗi  hệ thống. Việc tập trung đầu tư, thầy giỏi về một vài trường điểm, hay lớp  chọn , và  chỉ đạo ngăn cấm việc chạy trường, lớp này  là  phi lý  và  mâu thuẫn.    

Theo Ông Vũ Đình Hoè-Bộ trưởng Giáo dục đầu tiên đã nhớ lại nội dung chỉ thị của Bác Hồ Giáo dục nước ta  phải được tổ chức thống nhất, bình đẳng trong toàn bộ hệ thống, không có sự phân biệt, đặc biệt con em của người giầu cũng như người nghèo.

    Giáo dục Phần Lan, xin lưu ý, được coi là nền giáo dục chuẩn mực nhất thế giới hiện nay, cũng chỉ tổ chức  một loại trường và một loại  chương trình thống nhất. HS có năng khiếu được  dành thời gian, và  tổ chức sinh hoạt  ngoại khoá trong các câu lạc bộ. Rõ ràng, sự sai lệch với tư tưởng Hồ Chí Minh là nguyên nhân sâu xa đẫ đến sự bất ổn, tiêu cực trong  dạy và học ở phổ thông . Nên chăng, trước mắt Nhà nước quyết định dừng phân ban, cho HS lớp 10  học  ban chung, ban cơ bản, để tránh sự bất ổn trong giáo dục và phải  giải quyết hậu quả  vào những năm tới? 

    Thứ Ba Việc thi cử vào ĐH theo phương thức chung đề chung đợt và xử lý kết quả chung. Căn cứ vào kinh nghiệm và thực tiễn xin khẳng định không hề có ảo , không hề có học sinh được 27 điểm ba môn (trung bình 9 điểm/môn) mà trượt, trong khi đó 4-5 điểm vẫn đỗ vào ĐH&CĐ.Năm nay có trên 10.000 thí sinh, đạt trên 20 điểm mà vẫn có thể trượt. Kỳ thi vào ĐH&CĐ theo phương thức ba chung đã được tiến hành 5 năm, nhưng hai yêu cầu sự nghiêm túc và công bằng đều bị vi phạm nghiêm trọng, kéo theo sự tiêu cực. Nguyên nhân tiêu cực ở chỗ  kỹ thuật xử lý kết quả chung mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng 5 năm qua vẫn chưa tìm được?  trong khi đó doanh số  của bộ phận có trách nhiệm đều đặn mỗi năm là 20 tỷ đồng thu được do lạm thu lệ phí qua hồ sơ tuyển sinh. Việc ổn định thi cử ĐH&CĐ  suốt 20 năm đang là bức thiết sau sự ổn định chương trình giáo dục và sách  giáo khoa. 

Thứ Tư : buông lỏng quản lý tài chính và sử dụng kém hiệu quả. Quỹ nội bộ có mặt ở tất cả mọi nơi, kể cả cơ quan từ cơ sở đến  Bộ chủ quản. Theo số liệu của Nhà nước đã công bố .

Năm 2003 đầu tư của Nhà nước cho giáo dục là 30000 nghìn tỷ , tương đương  2 tỷ  USD,

năm 2005 là 41.630 tỷ-2,67 tỷ  USD,

 năm 2006 là 55.000 tỷ- 3,53 tỷ USD.

Vốn vay nước ngoài, kể từ 1993 đến nay vay trung bình 100 triệu USD/năm.

Lương cho GV và nhân viên toàn ngành năm học 2002 , con số chính thức là 10.347 tỷ đồng. Theo số liệu điều tra đóng góp của dân cho GD rất lớn, tỷ lệ giữa Nhà nước và dân là 50/50 . Giả thiết , lương bình quân cho mỗi cán bộ trong ngành 100  USD/tháng, thì tổng số chi lương cũng chỉ 1 tỷ USD/năm.

Vậy số còn lại đi đâu? Phải chăng chi cho các cuộc cải cách triền miên, bộ máy, và họp hành quanh năm suốt tháng. Chưa kể hàng nghìn cuộc họp ở cấp cơ sở /năm, chỉ tính ở cấp Quốc gia, có năm, cú 3 ngày tổ chức 1 cuộc họp , hay hội thảo. Có cuộc họp tới 500 người thậm chí 800 người trong toàn quốc tham gia. Họp hành nhiều như vậy, nhưng nguyên nhân yếu kém của giáo dục nước ta ở đâu? vẫn chưa có câu trả lời ?

    Ngoài ra, vấn đề chống tiêu cực lãng phí tham nhũng cũng là vấn đề cần làm ngay, và thực tế những hành động của thiết thực của Thủ tướng và Bộ trưởng được nhân dân ủng hộ. Vấn đề còn lại là chấn chỉnh giáo dục từ nền móng, và  con người và tổ chức. Người tài chúng ta không thiếu, nhưng phải biết chọn và dùng.    


    PV: Vậy, ở nước ngoài có phong trào "nói không trong tiêu cực" không? ở các nước, họ làm gì để giữ cho nền GD được trong sạch?
 

    Ở  nước ngoài không có những phong trào loại này. Chuẩn mực của giáo dục được coi là chuẩn mực của xã hội. Tài chính cho giáo dục được công khai, minh bạch. Việc lựa chọn và bổ nhiệm Bộ trưởng, Thứ trưởng, Vụ trưởng, Hiệu trưởng và các nhân viên và giáo viên, cùng với chế độ, trách nhiệm theo chuẩn mực được tiến hành công khai dân chủ để những người đủ tâm đủ tầm ở đúng vị trí. Mọi vi phạm được sử lý nghiêm. Ví dụ, Luân văn tốt nghiệp của SV mà sao chép của người khác, thì thầy hướng dẫn bị kỷ luật, một Luận án Tiến sĩ không đủ tiêu chuẩn, được thông qua, thì cả hội đồng chấm bị giải thể, các thành viên Hội đồng bị khiển trách. Kết thúc, xin cung cấp một thông tin Vụ bê bối tại Anh trong kỳ thi ĐH , các quan chức giáo dục cao cấp có nguy cơ phải buộc từ chức bởi nhiều lời buộc tội rằng họ đã làm cho kết quả thi vào ĐH của HS trở nên tồi tệ. Có nhiều HS tốt nghiệp trung học không vào được trường ĐH mà họ chon (Báo Giáo Dục-Thời Đại 22/10/2002) 
 

    PV. Tại rất nhiều diễn đàn hội nghị, hội thảo  GS đã từng phát biểu một giải pháp chỉ cần 100 tỷ đồng, trong vòng 1 năm, không những các bộ CT-SGK ở bậc phổ thông được giải quyết dứt điểm, mà kẻ cả SGK, giáo trình ở bậc đại học, cũng được hoàn thành nhưng chưa được thực hiện. Bây giờ có Bộ trưởng mới, liệu ý kiến này GS có còn giữ? 
 

    Là nhà khoa học, ý kiến  phát biểu của tôi dựa trên cơ sở  khoa học, lý luận trong ngoài nước và thực tiễn Việt Nam, nên sẽ không có gì thay đổi. Xin lưu ý, để có giải pháp mà Nhà báo đã nêu,  tôi đã có nhiều buổi trao đổi với các đồng nghiệp, đặc biệt là   thế hệ trí thức cách mạng như GS Nguyễn Văn Chiển,  GS Hoàng Tuỵ, nhà giáo  Lê Hải Châu, và nhiều trí thức đi trước, những người góp phần chủ trì việc thiết kế chương trình và biên soạn SGK năm 1955 trong thời hạn 6 tháng, và không có dự án vay nào. Các bộ SGK này được sử dụng 35 năm từ 1995-1990, góp phần làm giáo dục nước ta trở thành một trong những bông hoa đẹp của chế độ. Trong trường hợp đặc biệt, có giải pháp học thuật, thậm chí không đòi hỏi  phải sử dụng khoản kinh phí  100 tỷ đồng cho  CT-SGK chuẩn,  mà vẫn ổn định được giáo dục  hiện nay?  
 

PV . Còn việc chạy trường chuyên, lớp chọn? 

        Xin lưu ý, khi xử lý tiêu cực ở trường Lê Quý Đôn, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã có nêu một ý tưởng mới là luân chuyển  GV giỏi  tới các trường  khác kém  với cơ chế chính sách thích hợp kể cả việc tăng lương đột biến. ý tưởng này theo thiển nghĩ của tôi có thể được coi là điểm xuất phát cho một giải pháp tổng thể khôi phục lại sự công bằng trong giáo dục, như các nước vẫn làm cho nền giáo dục của mình. Vấn đề này đòi hỏi thời gian và một lộ trình khoa học.  .    
 

Đã đăng trong báo Văn Nghệ Trẻ  số 39 (513) ngày 24/9/2006 - Hà Nội 
 

©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Nguyễn Xuân Hãn