Những sự thật về Sách Giáo Khoa

Vietsciences-Nguyễn Xuân Hãn         12/05/2007
 

Những bài cùng tác giả

Vấn đề chương trình và sách giáo khoa, cùng với những điều tiếng về hoạt động xuất bản của NXBGD đã được phản ánh ở nhiều báo. Gần đây, xuất hiện những tiếng nói phản biện "người phản biện ngành giáo dục"- GS Nguyễn Xuân Hãn, trong đó, có bài viết của PGS Đỗ Ngọc Thống. Theo tinh thần "sẵn sàng đối thoại với bất kỳ ai muốn tìm hiểu vấn đề này" của PGS Thống, GS Hãn đã gửi tới VietNamNet những cách lý giải, tính toán của mình xung quanh vấn đề trên.

Chương trình là cốt lõi, SGK mang tính pháp lý trong dạy và học. Vậy, vì lý do sâu xa nào mà mặc dù có nhiều cố gắng, nhiều giải pháp nhưng đến nay chương trình và SGK chuẩn của nước ta vẫn chưa có? Với góc độ khoa học, tôi xin làm rõ một vài vấn đề liên quan trên công luận vì mục tiêu: có chương trình và SGK chuẩn để sớm ổn định hoạt động giáo dục.

Đổi mới chương trình và thay SGK không chuẩn?

Hệ thống tri thức có bộ phận bất biến là kiến thức cơ bản, còn vạn biến là khoa học công nghệ. Dạy và học trong nhà trường là kiến thức cơ bản, còn ứng dụng vào cuộc sống luôn luôn đa dạng và biến động! Do hiểu được đâu là bất biến, nên chương trình giáo dục được ổn định, vòng đời SGK có chế tài, sử dụng ít nhất 10 năm mới cần in lại – đó là lẽ thường.

Ngược lại, chương trình và SGK của ta được chỉnh sửa, in lại, gây bất ổn cho giáo dục. Viện dẫn cho việc làm nay người đưa ra lý do “ kiến thức khoa học của nhân loại chỉ cần khoang thời gian 7 năm để tăng gấp đôi. Và thời gian ấy ngày càng thu ngắn” làm căn cứ đổi mới chương trình và thay SGK ở bậc phổ thông, là không đủ sức thuyết phục!

Vậy bất biến trong cuộc cách mạng KH-KT diễn ra ở thế kỷ XX, là gì? Chính là hai lý thuyết vật lý lượng tử và tương đối ra đời và được đưa vào nhà truờng gần 100 năm nay. Bản chất của 4 chữ lượng tử và tương đối, có thể trình bầy rõ ràng trong một cuốn sách nhỏ 50 trang, để HS phổ thông có thể hiểu đuợc. Các kiến thức này vào cuộc sống, nhiều công nghệ mới ra đời. Xin ví dụ, vật lý bán dẫn là sản phẩm của thuyết lượng tử và công nghệ. Không có vật lý bán dẫn, sẽ không có máy tính ngày nay, và càng không thể nói tới kinh tế tri thức, và toàn cầu hoá. Hiện tượng phân hạch hạt nhân phát hiện 1938, là cơ sở nghiên cứu nguồn năng lượng mới-năng lượng hạt nhân ngày nay, chưa bàn đến lượng dự trữ vũ khí hạt nhân, vẫn là nỗi ám ảnh thường trực nhân loại hơn 60 năm qua. Lấy bất biến ứng vạn biến là lẽ thường. Còn ngược lại là không thuận (là nghịch). Thực tiễn cho thấy, tư duy ngược, giáo dục sẽ bị xáo trộn.

Một chương trình thống nhất, có nhiều bộ SGK?

    Mỗi một quyển SGK có một cấu trúc, cách trình bầy theo tư duy nhất quán. Số lượng các bộ SGK khác nhau, nhưng không phải là vô hạn ? Về mặt khoa học, hai người khác nhau chưa hẳn viết được hai cuốn SGK khác nhau.

Ví dụ, ở Nga, một chương trình thống nhất, về Sinh học chỉ có 3 bộ SGK khác nhau: 1 bộ SGK viết theo kiểu mô tả, 1bộ SGK viết theo tiến trình thực nghiệm, còn 1 bộ SGK viết theo nguyên tắc từ đơn giản đến phức tạp.

Khi còn chế độ thi cử quốc gia, cần có một bộ SGK chính thức của Nhà nước (phổ thông, có chất lượng, và chuẩn mực quốc tế). Chữ phổ thông - đã quy định: kiến thức phổ thông, cách trình bầy phổ thông, dễ học dễ nhớ.

Có ý kiến cho rằng: "Ai muốn viết SGK cũng được, miễn là Bộ công nhận sử dụng trong trường là đuợc! Chắc mọi nguời còn nhớ phong trào “toàn dân nấu thép, nhưng kết quả ta chỉ thu được gang” vào cuối những năm năm mươi thế kỷ trước.


Tại sao chưa có chương trình và sách giáo khoa chuẩn?

    Giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ là mấu chốt của tiến trình CNH&HĐH đất nước. Mà sản phẩm của nó phải đo bằng chuẩn Quốc tế. Vậy, với lý do nào mà ta chưa làm được CT-SGK chuẩn?

+ Trong giáo dục thế giới tồn tại một mặt bằng chung kiến thức, các HS học lớp 5 ở nuớc này có thể sang nước khác cũng học lớp 5 , hay HS tốt nghiệp phổ thông của nước mình vẫn vào các nước tiên tiến như Nga, Mỹ , Đức để học đại học. Điều đó khẳng định, chương trình giáo dục cơ bản phải giống nhau.

Việc đổi mới chuong trình và biên soạn SGK ở nuớc ta chẳng giống ai, vẫn theo tư duy “du kích”, có nguồn gốc từ văn hoá làng xã và cát cứ. Việc cắt khúc chương trình giáo dục cho nhiều nguời làm sách, triển khai theo kiểu cuốn chiếu, vừa chạy vừa xếp hàng, vô tình phá vỡ sự thống nhất trong dạy và học, lãng phí thời gian và của cải xã hội.

    Một chương trình tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 12 do Hội Ngôn Ngữ TP. HCM mà GS Cao Xuân Hạo chủ trì đã làm trong nhiều năm, và hoàn thành năm 2001, và đã được gửi tới những người có trách nhiệm ngành giáo dục, nhưng … đã không đuợc ai trả lời” (Tuổi trẻ 9-11-2001).

Trên thế giới tồn tại CT-SGK Tú tài Quốc tế, được trên 70 nước chấp nhận là thành tựu của mình để sử dụng. Tại Việt Nam chương trình này đã được GS Hồ Ngọc Đại sử dụng rất tốt cho trường Quốc tế Hà Nội nhiều năm nay. Ông Đỗ Ngọc Thống khoe là “một trong những tác giả SGK viết nhiều nhất môn Ngữ Văn theo chương trình mới từ lớp 6 đến lớp 12”. Vậy hẳn ông đã đuọc các tài liệu trên trước khi biên soạn? Mong ông sớm phát biểu những điểm giống nhau và khác nhau giữa các sản phẩm SGK của ông với CT-SGK của Tú Tài Quốc tế, và Hội Ngôn ngữ TP.HCM?

Xin thưa với ông, văn chương là món ăn tinh thần, tôi chả thấy ai “ví văn Nguyễn Tuân là loại cao sang với món thịt chó”!!! (Văn Nghệ Trẻ số 23 ngày 7-6-2003).

+ Việt Nam là bộ phận của nhân loại. Vậy đâu là cái chung từ kho tàng trí tuệ của nhân loại, đâu là cái riêng của dân tộc mình?

    Ví dụ, Cuốn sách cơ sở hình học Euclide - nội dung đã chiếm già nửa chuong trình toán ở bậc phổ thông, được sử dụng ổn định 2.300 năm nay, là tài sản chung của nhân loại. Cuốn sách này trong giới khoa học được ví là Kinh thánh.

Nó có 4 điều “chẳng cần” là chẳng cần nghi ngờ, chẳng cần đắn đo suy nghĩ, chẳng cần thử, chẳng cần sửa đổi. Có 4 điều “không được” là muốn thoát ra mà không được, muốn bác bỏ mà không được, muốn giảm bớt mà không được, muốn xáo trộn trước sau mà không được.

Einstein đã nói: không nắm chắc được hình học Euclide sẽ không thể trở thành nhà khoa học. Vậy mà từ 1981 đến nay, cuốn Euclide được chia nhỏ theo kiểu “cắt khúc” cho nhiều người làm. Nhóm nọ không biết nhóm kia. Kết quả, định lý Thales đưa xuống phần Bài tập (Hình lớp 11, NXBGD năm 2000, trang 37 bài tập 6).Cách làm này liệu có được coi là khoa học. Liệu có đảo ngược trí tuệ của nhân loại?

+ Người ta nói biên soạn SGK, chứ không nói là sáng tác SGK.Chữ biên soạn - có nghĩa là thu thập tài liệu, sắp xếp, cấu trúc lại thành sách. Các tác giả, nhiều người rất giỏi, nhưng không được cung cấp đầy đủ các tài liệu tham khảo. Về mặt khoa học, khi nghiên cứu, mà không biết người khác đã làm gì, thì kết quả không thể gọi là thành phẩm khoa học. Về việc này, Uỷ ban VH-GD-TTN-NĐ của Quốc hội đã yêu cầu lãnh đạo Bộ GD-ĐT, mang sách đến so sánh và đối chiếu. Rất tiếc, chưa rõ lý do, mà hàng năm nay lãnh đạo Bộ chưa thấy mang sách sang.

So với các nước, chương trình giáo dục của ta nặng hơn từ 1 đến 3 năm. Sử dụng ngôn ngữ trừu tượng, xa với cuộc sống, thật khó cho học và dạy. Nếu chương trình giáo dục vẫn tiếp tục sử dụng, thật bất lợi cho các thế hệ tương lai.

Vậy làm lại CT-SGK mất bao lâu?

     Việt Nam đã từng làm chương trình và SGK ở bậc phổ thông vào năm 1945, 1955, 1975. Cách tư duy làm sách về cơ bản là giống nhau là phân biệt rõ phần chung của nhân loại, phần riêng của mỗi nước, và tổ chức biên soạn theo một quy trình khoa học, chặt chẽ, sau khi thảo luận thống nhất, một người biên sọan nhưng sẽ có hàng triệu người phản biện. Xuất phát điểm cho việc biên soạn SGK hiện nay, không phải từ chỗ “không có gì” - cả hai miền Nam Bắc trước 1975 đã có CT-SGK ổn định. Sai của 2 lần làm sách vào 1981 và 2002 là cái sai từ hệ thống và sai từ gốc tư duy.

Doanh thu của NXBGD mỗi năm là bao nhiêu?

    Về in SGK, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã chỉ thị “chấm dứt ngay năm nào cũng in lại SGK...” (Thế Giới Mới, Số 449, ngày 13-8-2001). Vấn đề là bao giờ thì có thể! Khi mà công việc đó gắn liền với kinh tế, kinh doanh.

- Năm 2001, tổng số xuất bản phẩm được xuất bản và phát hành là 237,760 triệu bản, với tổng doanh thu là 1.705 tỷ đồng. (Cục xuất bản của Bộ Văn hoá thông tin nhân kỉ niệm 50 ngành xuất bản, công bố 2003). Số lượng của NXBGD là 200 triệu bản, ( 8 tỷ đồng tem chống in lậu, giá tem là 40đ/cái) chiếm 84,1% tổng số xuất bản của cả nước. Làm phép tính đơn giản, doanh thu của NXBGD khoảng 1434,2 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD/năm vào thời gian đó.

- Lãi thay sách một môn như tiếng Việt, Năm 2003 cho 1,7 triệu HS vào lớp 1, NXBGD có thể thu được là 14 tỷ đồng, xấp xỉ 1 triệu USD, chỉ là một ví dụ minh hoạ.

Môn tiếng Việt lớp 1 có 2 tập, chỉ xin ước đoán tiền lãi 1 tập, chứ chưa nói là lãi của cả hai tập là 2 triệu USD. Giá bìa cuốn sách này hiện là 9800 đ/cuốn, khi tính làm tròn rút đi, là 9.000 đ/cuốn. (1,7 triệu HS nhân với 9.000 đ/cuốn=15,3 tỷ đồng, theo chuyên gia tiền chi cho cuốn này cũng khoảng 1,3 tỷ đồng).

Tiền nhuận bút cho cuốn sách này, đựơc ông Đỗ Ngọc Thống (VietnamNet 5-11-2006) dẫn ra hai cách tính:

1/ Theo giá bìa là 10%: 128.000đ x 9.200đ x 10% = 117.760.000 đồng (một trăm mời bảy triệu bẩy trăm sáu mươi ngàn);

2/ Theo tiết học là 350.000đ/tiết: Số tiền 162 x 350 000 đ = 56.700.000 (năm mươi sáu triệu, bẩy trăm nghìn đồng).

    Kiểm tra tính toán này, thấy số liệu sai? Năm 2003 là năm thay sách, có 1,7 triệu HS vào lớp 1, sao NXBGD lại in 128.000 bản? Vô lý, sự chênh lệch này tương đương hơn 1 tỷ đồng? Vậy nó sẽ đi về đâu? mà ông Thống nói “không thể trở thành triệu phú nhờ viết SGK”? Vậy việc in SGK có thể trở thành triệu phú?

Việc Thanh tra Chính phủ vào cuộc là cần thiết để thấy, cách tính của NXBGD và lãi thực tế, cái gọi là siêu lời?

Dự chi của Nhà nước từ 2002-2007 cho cuộc đổi mới này là 2 tỷ USD (từ báo cáo thẩm tra của Uỷ Ban VH-GD-TTN-NĐ của Quốc hội). Gần đây có ý kiến nói 100 triệu USD/năm là tiền lãi của NXBGD là không chính xác. Con số 100 triệu/năm là doanh thu!

      Vấn đề còn lại của những tồn tại này là con người và tổ chức. Đây là công việc của Đảng và Nhà nước.

Nguyễn Xuân Hãn 

Vietnam Net

©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Nguyễn Xuân Hãn