Nhiểu lúc thấy chân lý mà không làm gì được

Vietsciences-Nguyễn Lân Dũng     20/04/2007
 

Những bài cùng tác giả

"Tôi phải nói rằng tuy được coi là một trong những người của công chúng nhưng tôi rất băn khoăn khi thấy vẫn chưa đáp ứng được thật đầy đủ nguyện vọng của cử tri ". Đại biểu Nguyễn Lân Dũng của tỉnh Đắc Nông đã trả lời như vậy khi được hỏi về mức độ hài lòng đối với hoạt động của ông trong nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua.

Thứ nhất: Về công tác lập pháp

Mặc dù tôi cũng đã cố gắng phát biểu, tranh luận, nhưng sự thực là tôi không có thời gian để tìm hiểu các luật nước ngoài có liên quan đến từng dự luật. Trước khi thông qua một luật, nhẽ ra phải xem thế giới họ làm như thế nào. Cũng chưa làm được việc đi thăm dò ý kiến của các luật gia quen biết. Đúng là khi thông qua một cái gì mà mình chưa hiểu thấu đáo thì rất khó chính xác.

Tôi nghĩ là phải bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho ĐBQH để sao cho xứng đáng với vai trò tham gia  lập pháp. Ngay với các thuật ngữ pháp luật, đâu phải là thuật ngữ bình thường. Có những thuật ngữ vì không am hiểu mà gây tranh luận rất mất thì giờ. Sau này có tiến bộ hơn, tức là không thảo luận về câu chữ. Nhưng không thảo luận về câu chữ thì trách nhiệm trao cho bộ phận ĐBQH chuyên trách là rất nặng. Bởi vì câu chữ trong các luật sẽ là sai một ly đi một dặm.

 Muốn  ý kiến của mình có trọng lượng khi tham gia làm luật, theo tôi cần phải có hai điều kiện: một là , phải am hiểu thực trạng trong nước, và hai là , phải tham khảo được luật pháp tương ứng ở nước ngoài. Trong nước thì mình phải gần dân, hiểu được nhu cầu, nguyện vọng của người dân, và phải có kiến thức về pháp luật.

Thấy chân lý mà không làm gì được!

Tôi lấy ví dụ, chuyện Luật Giáo dục gọi cấp học Trung học cơ sở và Trung học phổ thông là cực kỳ phi lý. Không có lý gì cấp học phổ thông lại trên cấp học cơ sở. Trung Quốc có tiểu học, sơ trung, cao trung , nước ta có cấp I, cấp II, cấp III , nghe rất hợp lý. Trong Luật có quy định việc phổ cập giáo dục Tiểu học, có nghĩa là phổ cập ở cấp đó chứ đâu có bắt phải gọi cấp đó là Tiểu học, càng đâu có quy định phải gọi là TH cơ sở, TH phổ thông?

Một ví dụ khác, tôi đấu tranh không nổi nhưng giờ đây nhìn thấy đã khá rõ . Đó là việc Luật Giáo dục quy định chỉ có một bộ sách giáo khoa (SGK). Ở hầu hết các nước phát triển SGK không do Nhà nước thống nhất biên soạn. Đó là sản phẩm của từng nhóm tác giả, từng Nhà xuất bản. Bộ sách nào phù hợp nhất với Chương trình chuẩn (do Nhà nước ban hành), có nội dung phong phú, chính xác, dễ hiểu, hấp dẫn... thì sách sẽ bán chạy, và ngược lại có những cuốn sách sẽ bị hòa vốn hay lỗ vốn vì ít người mua. Chỉ có con đường này mới huy động được cao nhất trí tuệ và tiền bạc của xã hội trong sự nghiệp giáo dục, một sự nghiệp quan trọng nhất đối với mọi quốc gia. Tất nhiên Chương trình  (CT) phải rất chuẩn và có thể ổn định trong vài chục năm. Mọi chuyện thi cử đều dựa theo CT này chứ không phải dựa theo SGK. Bộ SGK nào được xã hội lựa chọn sẽ được tái bản nhiều lần (có sửa chữa hàng năm). Và Nhà nước không hề tốn bất kỳ một đồng tiền nào cho việc tổ chức biên soạn và xuất bản SGK. Tuy nhiên muốn có nhiều bộ SGK thì cần có một CT rất chuẩn. Chỉ thi theo nội dung của CT chứ không thi theo SGK. Một nền giáo dục khá hoàn thiện như ở Hoa Kỳ mà gần đây cũng đang nhận thấy có sự yếu kém và cho rằng chưa phù hợp với kỹ năng của thế kỷ 21. Chính quyền của Tổng thống Bush đã ban hành Luật Không trẻ nào bị để tụt hậu (NCLB-No Child Left Behind) và Ủy ban mới về kỹ năng của lực lượng lao động Hoa Kỳ (NCSAW-New Commission on the Skills of the American Workforce) cho rằng nước Mỹ đang thiếu một nền giáo dục cho thế kỷ 21 và có nguy cơ làm cho toàn bộ thế hệ trẻ sẽ không sử dụng được trong nền kinh tế toàn cầu (xin xem bài của tác giả Lê Tự Hỷ, Kiến thức ngày nay , số 599). Nhiều người đã quan tâm đến Chương trình Tú tài quốc tế (IBP, International Baccalaureate Program) do Tổ chức Tú tài Quốc tế (IBO) đưa ra tại Thụy Sĩ từ năm 1968. Trong gần 40 năm qua chương trình IBP đã được thực hiện ở 90 quốc gia, riêng ở Hoa Kỳ hiện nay đã có 682 trường (cả công lẫn tư) đang dạy theo CT này. Khi nộp đơn vào các trường Đại học văn bằng Tú tài quốc tế này được đánh giá cao hơn các văn bằng khác. Trẻ em Việt Nam có số năm học phổ thông như trẻ em các nước khác, trí tuệ xem ra cũng chả thua kém ai, vậy can cớ gì chúng ta không dạy được theo các CT đang được đánh giá cao trên thế giới và có sửa đổi cho phù hợp ( nhất là với các môn Khoa học xã hội). Học thấp hơn đã là vô lý , mà học nặng hơn lại càng cực kỳ vô lý. Tôi không đồng ý quan điểm cho rằng CT giáo dục phổ thông hiện nay đã đạt chuẩn và có thể ổn định trong 15 năm. Các Hội khoa học chuyên ngành đều nhận thấy cần thay đổi để phù hợp hơn với yêu cầu hội nhập quốc tế và với khả năng tiếp thu của học sinh. Khi đã có CT chuẩn đạt yêu cầu rồi (có sự đồng thuận cao của các Hội khoa học chuyên ngành và có lẽ cũng cần thiết phải thông qua Quốc hội) thì chuyện xã hội hóa SGK mới có thể thực hiện được. Tất nhiên muốn làm được việc này lại cần sửa lại chuyện chưa hợp lý trong Luật Giáo dục, đó là việc quy định chỉ có một bộ SGK.

Tôi lấy ví dụ về những điều tôi chắc chắn là chân lý, mà tôi không đủ sức thuyết phục. Cuối cùng, chân lý sẽ là chân lý thôi, nhưng tốn kém lắm. Theo nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An thì chúng ta còn tới 100 luật chưa làm. Vậy mà cứ sửa đi sửa lại luật thì rất tốn kém.

 

Thứ hai: Về công tác giám sát

Không biết họ có nghe hay không

Tôi đã cố gắng tham gia nhiều đoàn giám sát của QH. Trong Ủy ban đối ngoại, tôi là một trong những thành viên tích cực. Những đợt giám sát biên giới, vùng sâu, vùng xa thường khá vất vả. Có những lần  đường sụt ngay trước mặt, tỉnh phải bố trí hai xe xúc đi trước đoàn giám sát của QH, vừa sửa đường, vừa cho đoàn QH đợi để đi tiếp. Đường độc đạo nhưng cứ để tình trạng sụt lở như thế thì làm sao yên dân. Có đi mới thấy rõ cần có những kiến nghị khẩn cấp.Cũng như có đi lên vùng sâu vùng xa thì mới thấy rõ được còn một bộ phận dân tộc quá nghèo khổ . Họ sống bằng những cây ngô có bắp bé xíu mọc trên cao nguyên đá hoặc trên các vách núi gần như thẳng đứng. Có những nơi người dân còn canh tác theo cách dùng que chọc lỗ, tra vào đấy các giống ngô bản địa có thể không cần bón phân, không cần tưới nước (!)

Tôi thấy nhiều đoàn giám sát có những ý kiến rất xác đáng nhưng tôi rất băn khoăn là không hiểu  địa phương có nghe hay không những ý kiến đó. Tôi biết nhiều trường hợp  họ chỉ nghe ý kiến của lãnh đạo Đảng và chính quyền Tỉnh, còn ý kiến của đoàn giám sát QH thì chỉ để tham khảo mà thôi. ĐBQH là những người thay mặt cho cơ quan quyền lực cao nhất. Phải có cơ chế gì để buộc địa phương coi trọng ý kiến của các đoàn giám sát và có báo cáo hồi âm về việc thực hiện các ý kiến đóng góp của các đoàn này. Tuy nhiên tôi nhận thấy cần có sự phối hợp giữa các Ủy ban của QH khi đi giám sát. Mỗi lần đi đều khá tốn kém và với địa phương cũng làm tốn khá nhiều thời gian của họ. Nên cùng một lúc đi giám sát nhiều vấn đề, đóng góp nhiều ý kiến cho từng địa phương, từng đơn vị.

Tôi còn nhận thấy quyền giám sát của bản thân mỗi ĐBQH là rất lớn, nhưng hầu như các ĐBQH không dùng đến hết các quyền hạn này

- Vì sao vậy?

Trong luật, tôi có quyền làm đến cùng những việc mà dân khiếu nại, tố cáo. Tôi có quyền hỏi cấp trên , cấp trên không được, tôi có quyền hỏi cấp trên nữa.

Có 2 lý do. Một là, tôi mới cố gắng làm được trong phạm vi  tỉnh Đắc Nông. Hầu như không có vụ khiếu nại ,tố cáo nào ở tỉnh Đắc Nông mà không được làm đến cùng. Vì chúng tôi có đoàn đại biểu, có văn phòng, có thư ký, và chúng tôi dễ dàng gặp được lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện để đeo bám. Nhiều kỳ họp QH, sáng ra thấy nhiều người dân đến trước cửa từ rất sớm. Có những  cụ già cúi mình xuống để đưa  đơn. Tôi rất cảm động, nhưng nói thật là tôi không đủ khả năng theo bám đến cùng các khiếu nại, tố cáo của những cử tri ở các tỉnh khác. Bởi vì làm sao nổi trong khi tỉnh nào thành phố nào cũng đã có khá nhiều các ĐBQH với nhiều phương tiện thuận tiện hơn nhiều so với ĐBQH nơi khác. Hai là , các ĐBQH chỉ biết kính chuyển đơn thư đến các cơ quan có trách nhiệm. Hiếm lắm mới thấy có tác dụng tích cực Ví dụ , gần đây có một doanh nghiệp đã bỏ ra 20 tỉ đồng để thuê 75ha đất ( vốn chỉ canh tác một vụ không xong) nhằm xây dựng Khu nông nghiệp công nghệ cao. Họ chờ đợi suốt 3 năm trời mà vẫn không nhận được đất. Tôi đã chuyển đơn thư lên Thủ tướng. Sau đó, tôi nhận được công văn của Văn phòng Chính phủ  yêu cầu đồng chí chủ tịch nơi đó trả lời . Chỉ sau một thời gian không lâu doanh nghiệp kia đã nhận được đất.

- Tuy nhiên, cứ việc gì bị "hóc" từ cấp cơ sở cũng chuyển hết lên cho Thủ tướng thì sẽ hạn chế cho Trung ương trong việc quyết sách các vấn đề trọng đại khác. Trong khi đó, chính quyền địa phương vẫn không phát huy được hiệu quả?

Họ có những khó khăn của họ. Nếu can thiệp tích cực quá, có người lại nghĩ có khi là lãnh đạo địa phương  ăn gì của doanh nghiệp mà hăng hái thế (!). Phải có lệnh của Thủ tướng thì mới làm mạnh được. Hóa ra có việc một vài cán bộ cơ sở đã ăn bớt tiền của dân nên dân không chịu giao đất. Tất nhiên là có những chuyện phức tạp, cần đủ thời gian điều tra chứ không đơn giản. Đợi mấy tháng thôi thì đừng gửi lên Thủ tướng, nhưng đợi đến tận ba năm thì cần phải nhờ đến Thủ tướng thật.

Tôi chuyển đơn thường được trả lời rất nhanh. Toàn là  đã xem lại hồ sơ và thấy đã xử đúng người, đúng tội. Nhưng vấn đề đặt ra, người ta kiện cái hồ sơ đó là sai cho nên phải xem xét lại cho kỹ chứ không thể trả lời nhanh như vậy được.

Đúng là vai trò giám sát của người ĐBQH là rất lớn, nhưng mình chưa dùng hết, có thể vì có nhiều lý do. Trước tiên là việc các đơn vị trả lời đơn thư đã trả lời rất nhanh, thường là âm tính, nhưng mình không có điều kiện để đeo bám như đối với trường hợp mà cử tri là thuộc về tỉnh của mình.  ĐBQH đúng là ĐB  của cả nước, nhưng ĐB của tỉnh nào thì có điều kiện hơn để đeo bám đến cùng như tôi đã nói. Nếu là những khiếu nại tố cáo thuộc lĩnh vực khoa học, giáo dục, thì vì mình là nhà giáo, là nhà khoa học, cho nên mình rất có thể  theo dõi  được sâu sắc hơn.

Một chuyện nữa là, tôi thường can thiệp tích cực hơn đối với những đơn thư gửi riêng cho tôi, in hẳn tên tôi, chứ không phải những cái đơn thư mà gần một trang... kính gửi , từ Tổng bí thư trở xuống (!). Tôi rất cảm động khi được nhân dân tin cậy cho nên mới gửi đến nhiều đơn thư như vậy. Tuy nhiên tôi rất băn khoăn khi thấy mình không đáp ứng được hết những đòi hỏi của nhân dân thuộc các tỉnh, thành mà mình không phải là ĐBQH.  ĐBQH có những giấy in sẵn rất oai, có in quốc huy màu hẳn hoi, đó là giấy chuyển đi, giấy nhắc nhở, và giấy báo tin lại cho đương sự ... Nhưng tôi chỉ mới sử dụng giấy chuyển đi, còn giấy nhắc nhở và giấy báo tin thì tôi rất ít sử dụng. Tôi cho rằng khi trả lời tôi thì họ đã đồng thời gửi cho đương sự rồi, còn nhắc nhở cũng rất khó, mỗi vụ việc phải có thời gian điều tra xem xét, giục giải quyết nhanh là rất bất tiện.

Thứ ba: Về việc quyết định các vấn đề quan trọng

Không thể đấu tranh đến cùng

Tôi cũng vào loại chịu khó phát biểu, nhưng vẫn cảm thấy băn khoăn ở chỗ là: một là mình nhiều chuyện không nắm vững, thí dụ như việc quyết định thông qua ngân sách. Đâu có đủ thời gian,  đủ điều kiện để nghiên cứu thẩm tra từng số liệu trong dự thảo. Nhiều khi bấm nút “Đồng ý” mà thấy trách nhiệm của mình chưa thật đầy đủ,  trong trường hợp đó chỉ có thể tin tưởng vào đội ngũ ĐBQH chuyên trách và Ủy ban Kinh tế-Ngân sách của QH.

Trong nhiệm vụ thứ ba này của ĐBQH, tôi cũng nhiệt tình phát biểu, nhưng chưa hoàn thành nhiệm vụ. Tôi cũng là một người được khen là phát biểu có chất lượng, nhưng tôi vẫn cảm thấy băn khoăn. Vì là dân tin cậy mình nhiều hơn, quyền hạn của mình lớn hơn, nhưng mình không làm tròn. Tuy là cố gắng, nhưng vẫn còn rất băn khoăn. Tôi hy vọng là nếu được bầu lại thì tôi sẽ cố gắng khắc phục.

Có những việc tôi biết chắc chắn mà không tranh luận nổi. Thí dụ về Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng. Tôi hoàn toàn không hiểu nổi lấy đâu ra 5 triệu ha để trồng mới. Nước mình thường được coi là còn được 10 triệu ha đất trống đồi trọc. Trên thực tế làm gì có đất trống đồi trọc, ít nhất ở đâu dân cũng đã cắm cây sắn vào đấy rồi. Trong nghị quyết của QH ghi rõ là “ trồng mới”, nhưng thực tế đến hôm nay thấy rõ một số tiền không nhỏ của Dự án đã được dùng để trồng xen thêm, tu bổ, bảo quản ...chứ đâu có trồng mới đủ 5 triệu ha. Như thế là chưa đúng với Nghị quyết của Quốc hội. Hay là chuyện Dự án đường Hồ Chí Minh. Rõ ràng là họ đã làm rất nhiều trước khi có Nghị quyết của Quốc hội.  Họ làm từng đoạn một,  tới khi làm được nhiều đoạn rồi  mới trình ra Quốc hội. Không thể tiền trảm hậu tấu theo kiểu đó được. Hiện nay, con đường đó rất ít người đi. Gặp tai nạn xe cộ dọc đường là rất khó khắc phục. Việc khai thác kinh tế của con đường đó còn chưa cao và cần phải có nhiều biện pháp để khắc phục. Hay như Dự án thủy điện Sơn La, về nguyên tắc là đến khu tái định cư người dân phải có điều kiện sống tốt hơn nơi ở cũ. Nhưng có đi giám sát mới biết nhiều khu tái định cư còn rất khó khăn, có nơi có nhà nhưng chưa có nước sinh hoạt, có nơi có nhà  có nước nhưng lại thiếu đất sản xuất...

- Nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XI sắp kết thúc, ông có kiến nghị gì để chất lượng làm việc của ĐBQH có thể hiệu quả hơn?

Tôi kiến nghị hai điều. Một là, ĐBQH của địa phương nào cần cố gắng gần gũi dân chúng và đeo bám để góp phần giải quyết thấu đáo mọi nguyện vọng, kiến nghị hoặc đơn thư khiếu nại - tố cáo đúng luật của cử tri nơi đó.  Hai là, Quốc hội cần gương mẫu trong việc thực hiện Tin học hóa, để có thể làm việc một cách hiệu quả hơn, và tiết kiệm hơn so với việc sử dụng quá nhiều giấy tờ in ấn như hiện nay.

- Theo ông, mỗi ĐB có nên được trang bị một máy tính xách tay?

Theo cá nhân tôi thì tốt nhất là nên có, hoặc thấp nhất là cũng phải có chỗ cắm điện và Wi-fi ở trong hội trường. Cả nước có 500 đại biểu, làm gì mà không trang bị cho mỗi người được một cái máy tính. Chỉ tốn khoảng nửa triệu USD nhưng sẽ tiết kiệm được hàng núi giấy tờ, hơn nữa tìm kiếm tài liệu trong máy tính sẽ nhanh chóng hơn nhiều. Toàn bộ tài liệu và báo cáo phản hồi sẽ được chuyển qua E-mail. Nhiều ĐBQH nhà còn rất chật chội, khó lòng có đủ chỗ để xếp đủ các tài liệu in ấn nhận được trong cả nhiệm kỳ.

- Ông tự chấm cho mình bao nhiêu điểm trong hoạt động của ông với vai trò là ĐBQH?

Cái đó thì phải để cử tri đánh giá chứ. Trong đợt được giới thiệu ứng cử lần này tôi được cơ quan nơi tôi đang công tác và địa phương nơi đang cư trú tín nhiệm với số phiếu 100%, nhưng như tôi đã tự nhận xét, rõ ràng còn phải cố gắng thật nhiều hơn nữa mới có thể làm tròn trách nhiệm của người đại biểu dân cử ở cấp quốc gia.

- Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho buổi phỏng vấn này !

Thu Lượng (thực hiện)  đã đăng trên   Vietnamnet

  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Nguyễn Lân Dũng