Đã từ lâu, những vấn đề
trong giáo dục nói chung và đại học nói riêng luôn là đề tài nóng bỏng lôi
kéo sự chú ý của báo giới, công luận xã hội cũng như các chuyên gia và các
nhà lãnh đạo. Các nhà giáo dục đã phân tích các vấn đề và đề nghị nhiều
hướng giải quyết, các lãnh đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện nhiều
giải pháp, nhiều chương trình cải cách, vv. Tuy nhiên cho đến nay, những căn
bệnh của hệ thống giáo dục chẳng những không mấy thuyên giảm mà thậm chí còn
ngày càng trầm trọng hơn. Những chương trình cải cách làm cho giáo dục thay
đổi liên tục mà không mấy tiến bộ. Có vẻ chúng ta đang bí lối trong việc
giải quyết những khó khăn và hoạch định một lộ trình cải cách thông suốt
nhằm đưa giáo dục đi lên. Những vấn đề giáo dục nêu trên có nguyên nhân thực
sự từ đâu ? Chúng có mối liên hệ thế nào với những chuyển biến xã hội hiện
nay ? Bài viết này sẽ thử đưa ra những trả lời cho các câu hỏi này.
Reine Goldstein, nhà xã hội hoc giáo dục học người Pháp,
cho rằng trong tất cả loại hình giáo dục mang tính tập thể hay cá thể, đều
tồn tại ba chiều kích mang dấu ấn lịch sử, kinh tế xã hội và chính trị của
xã hội trong đó nền giáo dục hiện hữu. Đó là sự liên hệ tương tác giữa “mô
hình lý tưởng mong đạt tới”, những “phương tiện và phương cách được vận
dụng” để đạt đến mục tiêu đó và “kết quả: sản phẩm đào tạo” chiếu theo mô
hình lý tưởng chung mà xã hội mong đạt tới. Sự liên hệ tương tác giữa ba
chiều kích này phải được phân tích trong “bối cảnh xã hội tổng quát”. Áp
dụng vào giáo dục đại học nước ta hiện nay, chúng ta có mô hình như sau:

Ba chiều
kích trong mô hình trên biểu diễn sự nối kết từ mục tiêu của xã hội đến
mục tiêu và các phương cách thực hành trong trường đại học. Chúng ta lần
lượt phân tích từng khía cạnh của mô hình này trong bối cảnh xã hội tổng
quát hiện nay
a.
Mô hình lý tưởng nhắm tới
b. Kết quả:
sản phẩm đào tạo
Đại học không có sẵn mẫu hình lý tưởng trong xã hội được định nghĩa chắc
chắn
đễ làm mốc tham chiếu
nhằm đưa ra mục tiêu đào tạo cụ thể cho những hoạt động của mình. Qua
những văn bản chính thức đề cập đến sản phẩm đào tạo của trường đại học
hiện nay như luật giáo dục 2005, dường như các nhà lãnh đạo vẫn bảo lưu
các giá trị của “hồng và chuyên” trong cách định nghĩa các chuẩn mực và
giá trị về đạo đức về chuyên môn mà trường đại học phải nhắm tới. Đại
học có hai nhiệm vụ chính: đào tạo “hồng” (đào tạo con người có phẩm
chất chính trị, đạo đức, có ý thức phục vụ nhân dân) và đào tạo “chuyên”
(có kiến thức và năng lực thực hành nghề nghiệp tương xứng với trình độ
đào tạo). Đương nhiên, các cán bộ tư tưởng mới có thẩm quyền giải thích
và quy định thế nào là phẩm chất chính trị, là đạo đức, là tinh thần
phục vụ nhân dân. Việc đào tạo mặt “chuyên”
hoàn toàn tuỳ thuộc vào từng trường, từng khoa đào tạo, còn những gì
liên quan đến “hồng” đều do các nhà lãnh đạo độc quyền định nghĩa và phổ
biến cho sinh viên của mọi ngành nghề ví như việc sinh viên của tất cả
các trường buộc phải học các môn chính trị... Như thế, không phải chúng
ta không có một nền tảng lý thuyết về mục tiêu đào tạo của trường đại
học, nhưng một mặt, những điểm tựa lý luận hiện nay hình như không mấy
ăn khớp với hiện thực xã hội, mặt khác chức năng chuyển tải “hồng” đang
ảnh hưởng rất nhiều lên chức năng chuyển tải “chuyên” cũng như chức năng
khoa học của trường đại học. Trường đại học nói chung và các đại học
khxhnv nói riêng được đặt dưới các quyết nghị của Đảng, phải tuân thủ
tính đảng trong tổ chức giảng dạy và nghiên cứu. Mục tiêu đào tạo của
đại học là cụ thể hoá mục tiêu của các nhà lãnh đạo, hay nói cách khác,
đại học phải chạy theo đường lối chính trị hơn là bám vào thực tiễn của
xã hội để xây dựng mục tiêu, chương trình và tổ chức hoạt động đào tạo.
Việc xác định mục tiêu đào tạo rất quan trọng bởi nó ảnh hưởng trên hầu
hết các công đoạn trong quá trình đào tạo, nhất là việc xây dựng các
chương trình và lựa chọn nội dung đào tạo. Chúng ta không thể xây dựng
những chương trình tốt và thông suốt khi chúng ta không có một định
nghĩa rõ ràng về mục tiêu đào tạo. Những nhập nhằng trong việc xác định
quan điểm và mục tiêu đào tạo kéo theo sự lủng củng trong khi vận dụng
các phương tiện cũng như áp dụng các phương cách trong quá trình đào tạo
mà chúng ta sẽ phân tích dưới đây.
b.
Phương tiện và phương cách vận dụng
Những khó khăn, những xung đột và mâu thuẫn trong việc đi tìm một mẫu
người lý tưởng làm đích tới cho hoạt động giáo dục đại học cũng được tìm
thấy trong phương cách mà các nhà lãnh đạo vận dụng trong trường đại
học. Một mặt, để thoả mãn những đòi hỏi của thị trường lao động, chủ yếu
là những đòi hỏi liên quan đến “chuyên” nơi sản phẩm đào tạo, các nhà
lãnh đạo đã ban hành những chương trình cải cách nội dung chương trình
cũng như hình thức quản lý của trường đại học. Mặt khác, để đảm bảo
những phẩm chất đạo đức và chính trị theo chuẩn mực của mình nơi sản
phẩm đào tạo, các nhà lãnh đạo chủ trương gia tăng mức độ “hồng” trong
các
chương trình, nội dung
đào tạo, nhất là trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Điều này
thể hiện qua mọi khâu trong đào tạo từ quá trình xây dựng các chương
trình, lựa chọn nội dung, cũng như cách thức tổ chức hành chánh, bố trí
nhân sự mà ai cũng dễ dàng nhận ra khi chúng ta tìm phân tích mục tiêu
và cách thức thực hiện trong quá trình tổ chức đào tạo của trường đại
học. Nói chung, cũng như thời kỳ trước đổi mới, các nhà lãnh đạo sử dụng
đại học như một công cụ làm tái tạo các giá trị và chuẩn mực của mình,
trong khi những điều này chưa chắc đã phù hợp với những đòi hỏi và chuẩn
mực của các nhà tuyển dụng, nhất là các nhà đầu tư tư nhân và ngoại
quốc, những người đang sử dụng trên 60% lao động trong cả nước. Đại học
chúng ta đang bị giằng co giữa một bên là những đòi hỏi chính trị của
nhà cầm quyền và bên kia là những yêu cầu của thị trường lao động. Nhà
cầm quyền luôn sử dụng đại học như công cụ làm “ổn định” trật tự về mặt
chính trị, trong khi với tư cách là một nơi cung cấp nguồn nhân lực bậc
cao cho xã hội, trường đại học không thể thoát khỏi những quy luật cạnh
tranh của kinh tế thị trường.
Chức năng chính trị của đại học hiện nay cũng đụng chạm với chức năng
sản xuất và chuyển tải tri thức khoa học -
kỹ năng
nghề nghiệp của trường đại học. Yếu tố chính trị luôn ảnh hưởng mạnh mẽ
trên chức năng khoa học của trường đại học. Chủ trương chính trị hoá
(politisation) và chính sách tập quyền (centralisation) cao độ đang áp
dụng trong giảng dạy đại học nhằm
củng cố
và duy trì trật tự trên bình diện ý
thức đang làm cho đại học thụ động, không kích thích được óc sáng tạo và
chính kiến nhằm có thể có được những phát minh nơi giảng viên và sinh
viên, làm cho đại học nước ta khó lòng có thể cạnh tranh với các đại học
trên thế giới về mặt khoa học... Theo chúng tôi, sự giằng co này là
nguyên nhân sâu xa của việc bí lối và luẩn quẩn trong cải cách đại học
suốt mấy thập niên vừa qua.
Như vậy,
mấu chốt căn bản của tất cả mọi vấn đề trong giảng dạy đại học hiện nay
bắt nguồn từ những mâu thuẫn giữa cái cũ và cái mới, giữa kinh tế thị
trường và định hướng xhcn ngoài xã hội, những mâu thuẫn này ảnh hưởng
trực tiếp đến trường đại học, làm cho trường đại học thiếu sự nhất quán
trong việc vạch ra mục tiêu đào tạo, từ đó xây dựng các khâu còn lại
trong quá trình đào tạo. Nói cách khác, những vấn đề trong giảng dạy đại
học bắt nguồn từ sự khủng hoảng của một nền triết lý trong đào tạo, sự
khủng hoảng này đến từ những mâu thuẫn giữa “kiến trúc thượng tầng” và “
hạ tầng cơ sở”, từ ý thức hệ đang thống trị và thực tại kinh tế xã hội.
Chức năng của đại học là gì ? Đại học phải tổ chức thế nào? Phải hành
động ra sao ? để vừa đáp ứng những đòi hỏi của khoa học, của nền kinh tế
thị trường và những đòi hỏi chính trị của nhà lãnh đạo ? Những câu hỏi
này đang chờ các chuyên gia giải đáp trong hội nghị về triết lý giáo dục
sẽ diễn ra tại Hà Nội trong tháng 10/2007 tới đây.
©